Tuesday, June 14, 2011

ĐƠN VỊ BIỆT KÍCH 101


ĐƠN VỊ BIỆT KÍCH 101
I. LỜI GIỚI THIỆU
        Đơn vị 101 là một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt trong quân đội Do Thái, được thành lập và chỉ huy bởi danh tướng (sau này) Ariel Sharon theo lệnh của Thủ Tướng Ben Gurion trong tháng Tám năm 1953. Đơn vị này được thành lập để đối phó với phong trào “Trung Thành Với Thượng Đế” (Fedayeen) của người Palestine thường bất ngờ tấn công Do Thái mà quân đội không ngăn chận được.          
        Đơn vị sát nhập vào tiểu đoàn Nhẩy Dù 890 trong tháng Giêng năm 1954, lý do giết hơn một chục thường dân không võ trang trong trận tấn công làng Qibya, vụ này gọi là “Cuộc Thảm Sát Qibya” (Qibya Massacre). Bên cạnh đơn vị Biệt Kích Sayeret Matkal, là hai đơn vị nổi tiếng trong Lục Quân Do Thái trên cả hai chiến trường: trận điạ chiến và chiến tranh ngoại lệ.

II. KHỞI THỦY
        Sau trận chiến Do Thái - Ả Rập 1948 (Trận Chiến Độc Lập), quốc gia mới được độc lập Do Thái thường xuyên bị du kích quân Ả Rập xâm nhập quấy phá, cướp của, giết người. Sau đó vấn đề trở nên nghiêm trọng, quân cướp Ả Rập được các quốc gia Ả Rập huấn luyện, tổ chức thành đội ngũ để mở các trận tấn công lớn từ năm 1954 trở về sau. Theo báo cáo của chính quyền Do Thái, từ năm 1949 đến năm 1956, người Ả Rập xung quanh đã tấn công, xâm nhập vào đất Do Thái khoảng 9000 lần gây thương vong cho hàng trăm thường dân Do Thái.
        Trong những năm đó quân đội Do Thái chưa có kinh nghiệm chống lại những trận tấn công, đột kích bất ngờ. Đơn vị Palmach (tiền thân của Lực Lượng Đặc Biệt Do Thái) là đơn vị nổi tiếng nhất trong trận chiến 1948 đã bị giải tán theo lệnh của Thủ Tướng Ben Gurion. Nhiều sĩ quan đã giải ngũ trở về sống với gia đình, quốc gia Do Thái từ ngày lập quốc đã phải trải qua chiến tranh, lâm vào cảnh khó khăn trên phương diện kinh tế. Vấn đề này đưa đến kết qủa, quân đội Do Thái vẫn còn yếu kém, không đủ khả năng “Tấn Công” quân thù Ả Rập.
        “Người Palestine phải học những bài học rằng họ sẽ phải trả giá cao cho sinh mạng người Do Thái”. Đó là lời nói chuyện giữa Thủ Tướng Ben Gurion và Ariel Sharon, người thành lập và cấp chỉ huy đầu tiên của đơn vị 101. Ông ta sau này trở nên một vị tướng lãnh lừng danh, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực, Bộ Trưởng Quốc Phòng và Thủ Tướng của Do Thái.
        Để đáp ứng lại đám cướp hung hãn Ả Rập, quân đội Do Thái thành lập đơn vị 30 trong năm 1951. Đơn vị 30 là một đơn vị “bí mật” đặt dưới quyền chỉ huy Bộ Tư Lệnh Phương Nam (Southern Command). Nhiệm vụ dành cho đơn vị này là tấn công “trả đũa” bằng những toán biệt kích nhỏ được tuyển chọn, huấn luyện kỹ càng. Tuy nhiên sĩ quan đơn vị 30 không đủ khả năng hoặc không được huấn luyện ở cấp cao hơn nên không làm tròn nhiệm vụ và đơn vị 30 bị giải tán năm 1952.

III. ĐƠN VỊ 101
        Một trong những trận đánh cuối cùng của Sharon trước khi giã từ quân đội năm 1952 là cuộc hành quân Bin Nun Alef, tấn công qua biên giới Jordan. Trong trận đó, ông ta bị thương nặng, sau đó đề nghị lên bộ Tổng Tham Mưu thành lập một đơn vị nhỏ, tinh nhuệ, huấn luyện kỹ thuật tác chiến biệt kích cho các trận đột kích trả đũa. Quân đội Do Thái đã nhiều lần tấn công trả đũa không thành công, Thủ Tướng Do Thái Ben Gurion ra lệnh cho Tổng Tham Mưu Trưởng Mordechai Maklef một “Lực Lượng Đặc Biệt” trong mùa hè năm 1953. Đó là đơn vị Biệt Kích đầu tiên của Do Thái và “quân nhân trừ bị” Ariel Sharon được gọi trở lại quân đội.
        Sharon được gắn cấp bậc Thiếu Tá trao cho nhiệm vụ chỉ huy đơn vị “đặc biệt” cấp đại đội mới thành lập cùng với viên phụ tá Shlomo Baum. Đơn vị có 50 quân nhân, đa số tình nguyện từ đơn vị Nhẩy Dù Tzanhanim và đơn vị 30 trước đó. Các quân nhân trong đơn vị được trang bị đặc biệt cho nhiệm vụ tấn công trả đũa dọc theo biên giới Do Thái. Căn bản của đơn vị này là những toán biệt kích nhỏ, trang bị nhẹ, dễ di chuyển, xâm nhập, tấn công trong đất địch. Quan niệm này vẫn còn được xử dụng (làm nền tảng) cho các đơn vị Biệt Kích trên thế giới ngày nay.   
        Đơn vị mới thành lập bắt đầu chương trình huấn luyện ngày đêm rất cam go. Trong nhiều bài học chiến thuật, họ băng qua biên giới thực tập ngay trên đất địch, lấy kinh nghiệm chạm địch bất ngờ. Phần vũ khí, chất nổ được huấn luyện trong căn cứ của đơn vị, ngôi làng Ả Rập Sataf đã bỏ hoang nơi hướng tây thành phố Jerusalem. Đơn vị “đặc biệt” trên hai phương diện:
        . Là đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt đầu tiên trong quân lực Do Thái, được tổ chức từ đầu không như các đơn vị “biến chế” chẳng hạn như trung đội Trinh Sát lữ đoàn Golani (lấy quân tình nguyện từ trong lữ đoàn ra thành lập).
        . Chưa một đơn vị nào nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tổng Tham Mưu, Phòng Hành Quân Đặc Biệt (Matkal). Tất cả các đơn vị khác trong quân lực Do Thái nhận lệnh từ các vị tư lệnh Quân Đoàn, Chiến Trường.
        Lúc ban đầu các sĩ quan trong đơn vị Nhẩy Dù (T'zanhanim Hebrew: הצנחנים‎, Paratroopers) chống lại việc thành lập Đơn Vị 101. Lý do không muốn có đơn vị khác “nổi hơn” trong nhiệm vụ trả đũa địch quân. Trước khi đơn vị 101 được thành lập, quân Nhẩy Dù là đơn vị duy nhất có khả năng này. Một trong những cấp chỉ huy trong đơn vị này là Meir Har Zion được thăng cấp tại mặt trận từ hàng binh sĩ lên sĩ quan qua những chiến công. Mặc dầu các trận tấn công, đột kích của đơn vị 101 rất thành công, nhưng cũng không bổ xung kịp sụ tổn thất của đơn vị.
        Đơn vị 101 làm cho đám cướp Ả Rập bớt “hung hăng”, số lượng tấn công giảm thiểu đi rất nhiều và đơn vị 101 đã chu toàn nhiệm vụ trao phó. Việc thành lập đơn vị 101 đã để lại dấu ấn sâu đậm trong quân sử Lực Lượng Đặc Biệt Do Thái.

IV. CÁC CUỘC HÀNH QUÂN ĐÁNG GHI NHỚ
        . Trại Tỵ Nạn Palestine:
        Theo lời Yoav Gelber, sau một tháng huấn luyện, một toán biệt kích 101 xâm nhập vào dải Gaza trong phần thực tập. Họ tấn công đám cướp Ả Rập nơi trại tỵ nạn Al Burej của người Palestine trong đêm 28 rạng 29 tháng Tám năm 1953, gây tổn thất cho đám cướp khoảng 30 chết, hơn một chục tên khác bị thương, trước khi rút lui về đất Do Thái. Theo lời Azmi Bishara một học giả người Do Thái gốc Palestine, trận tấn công bất ngờ gây thương vong 43 thường dân Palestine trong đó có bẩy phụ nữ và 22 người khác bị thương. (Azmi Bishara làm Dân Biểu trong Quốc Hội (Knesset), bỏ trốn khỏi Do Thái năm 2007 bị nghi ngờ trao tài liệu cho Palestine).
        Quân biệt kích 101 chỉ có hai người bị thương. Trận “thực tập” (live exercise) bị các quan sát viên quốc tế lên án, phê phán “Tự do giết người tập thể” (mass murder). Một vị Bộ Trưởng trong nội các chính quyền Do Thái cũng lên tiếng chỉ trích nặng nề.
        . Cuộc Thảm Sát Qibya (Qibya Massacre):
        Hai tháng sau, đơn vị 101 tham dự trận tấn công làng Ả Rập Qibya nơi phiá bắc khu vực West Bank, phần đất thuộc về Jordan. Trận tấn công này, quân đội Do Thái gây thiệt hại nặng cho đơn vị Lê Dương Ả Rập (Arab Legion) đóng trong làng Qibya. Phiá thường dân Ả Rập có 42 người thiệt mạng, 15 người khác bị thương. Theo sự điều tra của Liên Hiệp Quốc, các xác chết bị trúng đạn đầy người, chết gần cửa nhà và nhiều vết đạn trên cánh cửa. Điều đó chứng tỏ các nạn nhân đang ở trong nhà của họ cho đến khi căn nhà bị cho nổ tung.
        Chuyện thường dân bị thiệt mạng, ngôi làng Qibya bị tàn phá gây xúc động trên thế giới, yêu cầu chính quyền Do Thái trả lời vụ “thảm sát”. Chính quyền Do Thái chối cãi, phủ nhận sự kiện, cho rằng người dân Do Thái trong những làng chiến đấu (Kibbutz) gần đó tấn công trả thù. Uri Avnery, chủ bút người sáng lập tạp chí Haolam Hazeh nói rằng, ông ta bị đánh gẫy cả hai bàn tay vì chỉ trích cuộc thảm sát làng Qibya trên tờ báo của ông ta.
        Các tân binh tình nguyện phục vụ trong đơn vị 101 phải trải qua giai đoạn huấn luyện ngày đêm, thử thách cam go. Những bài học di hành, định hướng, điạ hình thường băng qua biên giới Do Thái với các nước láng giềng Ả Rập. Đôi khi toán biệt kích “khóa sinh” 101 đụng phải toán tuần tiểu của địch hoặc dân chúng Ả Rập. Điều này đối với cấp chỉ huy đơn vị 101 là chuyện thường... điều quan trọng trong việc huấn luyện. Những cấp chỉ huy trong đơn vị như Baum và Sharon “cố tình” tìm kiếm các “mục tiêu thật” cho khóa sinh thực tập. Các khóa sinh còn được huấn luyện thêm về thể chất, nhu đạo (Judo), cận chiến, các loại vũ khí, mìn và phá hoại.
V. GIẢI TÁN
        Vụ thảm sát làng Qibya bị thế giới lên án, ngay cả bên trong Do Thái, nhiều viên chức chính quyền yêu cầu giải tán (“dẹp tiệm”) đơn vị 101. Và chính quyền Do Thái phải làm theo ý kiến của đa số, ra lệnh gải tán đơn vị 101, sát nhập vào đơn vị Nhẩy Dù  T’zanhanim trong tháng Giêng năm 1954. Đơn vị Dù được tăng thêm quân số lên đến cấp lữ đoàn, đặt tên là “Tiểu Đoàn 890”, Sharon được đề cử làm chỉ huy trưởng đơn vị này gồm có: tiểu đoàn 869 gốc tiểu đoàn Nhẩy Dù T’zanhanim cũ và tiểu đoàn 101 gốc đơn vị 101 cũ.
        Hành quân cấp lữ đoàn, “Tiểu Đoàn 890” được trao nhiệm vụ tấn công vào phòng tuyến quân đội chính quy Ai cập trong dải Gaza trong tháng Hai năm 1955. Đích thân Sharon chỉ huy trận tấn công, cuộc hành quân lấy tên là “Mũi Tên Đen” (Operation Black Arrow). Kết qủa 42 quân nhân Ai Cập thương vong, 36 bị thương, “Tiểu Đoàn 890” chỉ thiệt hại nhỏ, 8 quân nhân tử trận. Đơn vị mới này đảm nhận hầu hết các cuộc hành quân “đặc biệt” trong những năm còn lại của thập niên 1950s.
        Trong năm cuối thập niên 1950s, quân đội Do Thái nhận ra rằng thiếu đơn vị biệt kích nhỏ, đơn vị Nhẩy Dù T’zanhanim đã phát triển lên cấp lữ đoàn, không còn thích hợp với các loại hành quân biệt kích. Đó là lý do, Avraham Arnan được lệnh thành lập một đơn vị mới mà sau này rất nổi tiếng Sayeret Matkal trong năm 1958. Đơn vị Dù T’zanhanim mất danh xưng “Lực Lượng Đặc Biệt”, họ thành lập đơn vị biệt kích cho riêng họ (Tương đương Đại Đội Trinh Sát), lấy tên là Sayeret T’zanhanim (Trinh Sát Dù).

Reference:

American University in Bosnia
College of Information Technology
vđh

Thursday, June 2, 2011

Đại tá Nguyễn Mạnh Tường


Trước đây khoảng hơn một năm, khi anh Nguyễn Mạnh Tường -Đại tá NM Tường-  từ San Diego tới trú ở Moss Beach,CA-  tôi có đến thăm anh vài lần. Nhắc lại hồi 2005 tôi đến đón anh ở San Diego đi dự buổi họp của chiến hữu NKT ở Orange County, anh Tường có nói chừng nào có tổ chức họp mặt ở San Jose, chúng mình sẽ tới gặp lại anh em cũ. Năm nay 2011 có Tiểu Hội NKT ở San Jose nhưng anh Tường lại không thể đến!
Tôi xin được kể đôi chút về Nguyễn Mạnh Tường. Đã có những bài báo nói về Mãnh sư Nguyễn Mạnh Tường thời gian anh phục vụ tại Phú Yên, nhưng chưa có ai biết anh đã làm những gì cho SLL nói riêng và cho NKT nói chung. Tôi xin được bổ túc phần nào về thời gian Tường ở SLL và NKT.
......
Sau CáchMạng 1963, Đại Tá Hồ Tiêu về làm CHT SLL, lúc đầu Đại Tá mang về SLL một số sĩ quan nhảy dù trong đó có tôi, các Đại úy Nguyễn Viết Cần, Nguyễn Thế Phồn, Nguyễn Văn Thanh, các Trung úy Trần Lưu Huân, Trần Thụy Ly, các Thiếu úy Văn Thạch Bích, Lê Minh, Nguyễn Văn Thụ, Nguyễn Hải Triều, Vương Vĩnh Phát, Phan Nhật Văn, Nguyễn Văn Am...vv...Từ các đơn vị không phải nhảy dù có Trung Tá Ngô Văn Hùng CHP, Đại úy Hào, Đại úy Trung, Trung úy Lê Quang Tiềm, Thiếu úy Nguyễn Cẩm, Thiếu úy Bùi Minh...vv.  
Khởi đầu Đại Tá HT đã chịu nhiều áp lực để tiếp tục công tác mật vụ của Sở Nam. Đại Tá HT có Trung Tá Ngô Văn Hùng làm CHP lo việc cải tổ để có thể tiếp nối sứ mệnh của Sở Nam. Ngoài Trung Tá Hùng còn có các Sĩ quan từng quen việc Phòng Nhì và An Ninh như Đại úy Phồn, Đại Úy Hào, Đại Trung, Thiếu úy Triều, Thiếu úy Bùi Minh....
Tháng 1-1964 tôi mới về trình diện SLL và gặp Tường là TP3 của Sở, tôi làm Phụ Tá TP2 cho Nguyễn Viết Cần. Trong thời gian này, tôi được chỉ thị hợp tác với TP3 Nguyễn Mạnh Tường để hoàn tất kế hoạch hành quân Hạ Lào. Anh Cần rời SLL khoảng tháng 2 hay 3-1964 và tôi thay anh ấy ở chức vụ TP2.
Sau khi tôi nhận chức vụ TP2/SLL từ Đại úy Cần, một hôm mở kho lưu trữ những tài liệu của Sở Nam tập trung về BCH/SLL, tôi đã thấy những hồ sơ của các chính khách VN mà tên tuổi đã được nhắc tới trên báo chí như Nguyễn Tường Tam,  Trần Quốc Bửu, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Hương...vv.., gần như  hầu hết các chính khách tên tuổi vào thời ấy đều có một hồ sơ cá nhân rất chi tiết. Điều bất ngờ là có cả hồ sơ về Nguyễn Mạnh Tường và Phan Trọng Chinh, Phạm Văn Liễu! Tôi có kể chuyện này cho Tường. Chúng tôi trao đổi ý kiến và đều đồng ý không muốn SLL theo đường lối cũ của ĐT Lê Quang Tung.
Tôi trình sự việc lên ĐT HT và được chỉ thị lựa một số hồ sơ để Đại Tá coi. Một tuần sau, tôi được gọi lên văn phòng CHT, buổi họp có mặt Đại Tá CHT, CHP Ngô Văn Hùng và tôi. Trung Tá Hùng đựợc hỏi ý kiến trước về kho tài liệu của Sở Nam. Trung Tá Hùng rất phấn khởi cho rằng số tài liệu trên giúp ích rất nhiều trong việc cải tổ để tiếp tục trách nhiệm của Sở Nam. Được hỏi ý kiến, tôi trình rằng tôi chỉ được huấn luyện và có chút kinh nghiệm về Tình Báo Chiến Trường, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì về công tác Mật Vụ -nôm na là theo dõi, bắt bớ, thẩm vấn khai thác phạm nhân. Nếu quyết định của CHT theo đường hướng tái lập Sở Nam thì tôi xin được thay thế bằng ĐU Hào hay ĐU Trung là những người có nhiều kinh nghiệm hơn.
Buổi họp kết thúc không biết quyết định của ĐT HT ra sao. Nhưng chỉ vài ngày sau ĐT HT chỉ thị tôi tự tay thiêu hủy tất cả các hồ sơ đó và chú trọng phát triển kế hoạch hành quân thu thập tin tức vùng Hạ Lào.
Xin thú thật, khi đưa ý kiến chống lại ý kiến của CHP NV Hùng, ngoài lý do như đã nêu trên là không có kinh nghiệm tổ chức mật vụ, tôi cũng có ý riêng không thích công tác đó vì nó từng liên quan đến Nguyễn Mạnh Tường và anh ruột tôi là Phan Trọng Chinh. Gia đình tôi ai cũng qúy mến Nguyễn Mạnh Tường, Mẹ tôi còn qúy Tường hơn tôi, Cụ thường nói 2 thằng cùng tuổi, cùng lùn lùn giống nhau, thấy đứa nọ lại nhớ đứa kia.    
Vào thời gian này các cơ quan tình báo của VNCH và đồng minh đều xác nhận Đoàn 559 của CSBV bắt đầu hoạt động ở Hạ Lào. Nhu cầu tình báo đặt ra là phải thu thập tin tức về hoạt động của Đoàn này. LLĐB VN với các cố vấn Mỹ đã thực hiện một cuộc hành quân thả dù đêm nhiều toán Delta xuống vùng Tchépone, Hạ Lào. Tôi và Nguyễn Mạnh Tường ra Nha Trang để theo dõi và nghiên cứu cuộc hành quân. Cuộc hành quân hoàn toàn thất bại vì nhiều lý do. Toán không được thả đúng DZ, bị thương vong vì tai nạn, thất lạc không tập hợp được. Mười  phần chỉ có 1,2 phần tìm về được tới đồn biên phòng, đa số mất tích và bị bắt. Một biệt đội 3 chiếc trực thăng khả dụng nhưng chỉ ứng chiến, và dùng chuyên chở các sĩ quan từ Nha Trang tới các đồn biên phòng.
Trong phiếu trình CHT SLL do anh Tường thảo và rồi được trình lên Đại Tướng TTMT Cao Văn Viên, anh đề nghị dùng các đồn biên phòng làm căn cứ xuất phát, anh đề nghị dùng trực thăng xâm nhập và triệt thoái,  anh đề nghị KQVN thành lập và tăng phái 1 Biệt Đoàn Trực Thăng cho SLL, hình thức cũng giống như BĐ300 hay BĐ83 do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy vào thời kỳ Combined Studies của CIA yểm trợ các cuộc hành quân ngoài Bắc. Anh Tường cũng đề nghị -vì nhu cầu tình báo cấp tốc do P2/SLL nêu ra, anh đề nghị tổ chức một đơn vị gồm nhiều toán biệt kích, phải xin chuyển ngay một số toán Bắc Bình đang ở Long Thành sang kế hoạch hành quân Hạ Lào...vv.
Xin nói thêm là lúc này SLL và Sở Kỹ Thuật -tiền thân của NKT- là 2 đơn vị riêng biệt. Trước tháng 11-1963 cả 2 Sở đều dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Quang Tung. Sở LL, trước Cách Mạnh 1963 còn gọi Sở Nam hay nôm na là Mật Vụ, Sở Kỹ Thuật hay là Sở Bắc là hậu thân của 6è Bureau và 6è Bureau là tập hợp của các toán nhỏ Affairs Tonkinois của 2è Bureau. Khi người Pháp kiểm soát được một phần Thượng du Bắc Việt, các toán nhỏ Affair Tonkinois được giải tán và nhân viên gom lại thành 6è Bureau chuyên về các cuộc hành quân sau hậu tuyến địch. Sau 1954, 6è Bureau chuyển sang QĐQGVN và là Phòng 6/BộTTM, Trưởng Phòng là Đại Tá Lung. Qua vài lần cải tổ và đổi tên P6 trở thành Sở Kỹ Thuật/Bộ TTM, cơ quan yểm trợ chuyển từ Combined Studies của CIA sang cho MACSOG. MACSOG được thành lập để phụ trách các cuộc hành quân biệt kích Miền Bắc tiếp tục công tác của Combined Studies. CHT Sở Kỹ Thuật từ Đại Tá Lung, chuyển sang  Đại Tá Lê Quang Tung, rồi Đại Tá Trần Văn Hổ làm Giám Đốc khi SLL nhập vào SKT để thành một Nha, vị Giám Đốc sau cùng là Đại Tá Đoàn Văn Nu.
Nói tới danh xưng của NKT, thì có câu chuyện hiểu lầm tức cười là nhiều người nghĩ rằng Sở KT và sau này là Nha KT thuộc Phòng 7 BTTM. Phòng 7 BTTM được thành lập trong thời gian Việt Nam Hóa Chiến Tranh, chuyên về tác chiến điện tử, kiểm thính mọi hoạt động liên lạc vô tuyến của Địch và là 1 trong số nhiều nguồn cung cấp tin tức tình báo để dùng trong các kế hoạch đặc biệt của PTB/NKT. Một vài bài viết của ai đó tự nhận là nhân viên NKT cũng đã ngộ nhận như vậy !
Để được MACV ủng hộ đề nghị hành quân Hạ Lào, Tường và tôi đã phải họp nhiều lần với Đại Tá Koszebew, sĩ quan liên lạc của MACV có văn phòng ngay trong BCH/SLL. Đại Tá Koszebew gần như hoàn tòan đồng ý với chúng tôi về kế hoạch hành quân. Nhờ ông mà chúng tôi được giới thiệu với một số cơ quan TB Hoa Kỳ, và có những buổi họp với MACV rồi MACSOG, trình bày đề nghị của SLL về nhu cầu thả biệt kích dọc Trường Sơn, chúng tôi đã gặp một số ý kiến chống đối của MACSOG vốn chỉ thiên về hành quân thả dù và Biệt Hải và có thành kiến về khả năng của KQVN có thể cung cấp hữu hiệu cho những cuộc hành quân xâm nhập và triệt thoái bằng trực thăng H34. Trong các buổi họp đó, Nguyễn Mạnh Tường đã tỏ ra xuất chúng khi đối phương vừa nêu ra một trở ngại, là anh đã có sẵn một giải pháp soạn ra đúng thủ tục tham mưu. Xin nói thêm là anh Tường đã tham dự nhiều khóa huấn luyện của QLVNCH và Hoa Kỳ. Khóa nào anh cũng là Thủ Khoa với số điểm cách xa người thứ nhì, dù có học chung với sĩ quan Mỹ.
Kết quả là MACSOG hài lòng với kế hoạch của Tường, SLL có ngay 10 toán biệt kích chuyển từ các toán Bắc Bình ở Long Thành, có ngay 6 trực thăng H34 khả dụng do KQVN với số phi hành đoàn cần thiết mà chính anh Tường kín đáo lặng lẽ sưu tra lý lịch, thành tích trong số người do KQVN đề nghị...và đó là bước đầu của việc thành lập và tăng phái PĐ219, PĐ114 cho NKT sau này.
Kế hoạch của anh Tường được MACSOG sửa đổi đôi chút, và họ thành lập OP35 để cùng SLL thực hiện các cuộc hành quân. Sở LL nay trở thành một đơn vị của Sở KT nay là NKT, đối nhiệm của MACSOG. (Trước khi thành lập OP35, MACSOG chỉ có OP31 đến OP34, các hoạt động tạm kể là Biệt Hải, Biệt Kích Bắc, và Tâm Lý Chiến).   
Nhưng một chuyện bất ngờ xảy ra, anh Tường được lệnh chuyển sang BTL/CSQG. Từ đó trách nhiệm cả P2 và P3/SLL do tôi kiêm nhiệm. Khi kế hoạch hành quân được Pentagon bật đèn xanh, tôi được lệnh ra Đà Nẵng thiết lập BCH/HQ Lôi Hổ bên cạnh tổ chức của đối nhiệm là C&C,Da Nang (Command & Control) trực thuộc OP35 ở Saigon. Vào lúc này danh từ Chiến Đoàn chưa được BTTM và MACV chấp thuận vì anh Tường dùng danh từ Task Force để dịch chữ Chiến Đoàn. Phía đối nhiệm nại cớ Task Force là danh từ chỉ một tập hợp đơn vị gồm nhiều binh chủng để thi hành một nhiệm vụ đặc biệt và tạm thời. Với tôi, tôi nói "I don't care" tên gọi là cái gì, tôi cần bảng cấp số được chấp thuận để tôi có phương tiện thi hành nhiệm vụ giao phó.
Trong gần 2 năm cái BCH do tôi thành lập ở Da Nang không có tên chính thức, chỉ gọi là Lôi Hổ, với Mỹ thì là C&C VN,Danang với code name là Kayak, đối nhiệm của tôi Trung Tá Raymond C.Call là Cherokee. Phải chờ cho đến khi BCS được chấp thuận mới được gọi là Chiến Đoàn. Lúc này doanh trại ở Non Nước cũng đã sẵn sàng đón các Toán ở Long Thành ra trú đóng thường trực. Bảng cấp số của PD219 cũng được chấp thuận và các trực thăng chuyển từ Nha Trang ra Da Nang.  
Trước khi danh xưng Chiến Đoàn được chấp thuận, khởi sự tôi có 6 toán với 6 phi hành đoàn do Trung úy sau là Đại úy Hồ Bảo Định chỉ huy, rồi tăng dần lên 25, 30 Toán với 25 trực thăng. Lúc đầu xuất phát xâm nhập từ hầu hết các căn cứ biên phòng từ Khe Sanh xuống tới Dak Pek, DakSut, Đức Cơ. Các Toán trú ở Long Thành, được C130 Black Bird đưa từ Long Thành ra Da Nang, hay Phú Bài, Kontum rồi chuyển sang trực thăng H34 đưa đến các FOB  để được thuyết trình HQ và sau đó lên đường xâm nhập. Từ cuối 1965 tới 1967, thời gian tôi chỉ huy Lôi Hổ ở Da Nang, báo chí không biết gì về các cuộc oanh tạc của B52 trên đường mòn HCM do Lôi Hổ yêu cầu. Và có lẽ đó là các hoạt động duy nhất của B52 trong chiến tranh VN vào thời gian 1965-1967.
Tôi xin kể chút kỷ niệm với các anh em của 6 phi hành đoàn trực thăng khi vừa từ Nha Trang ra trình diện tôi ở phi trường Da Nang. Trung úy Hồ Bảo Định, sau khi giới thiệu từng người của biệt đội, nói nhỏ với tôi một nhân viên vừa mới kết hôn thì được lệnh cấp tốc ra Da Nang, anh ta có mang theo tân nương trên trực thăng của Biệt Đội. Biệt đội xâm nhập ngay trong ngày, lẽ ra tôi theo trực thăng đi FOB Khâm Đức ngay, nhưng tôi ở lại Da Nang để thương thuyết nốt vụ thuê nhà cho phi hành đoàn. Tôi đã giúp đối nhiệm thuê được 3 villas ở Da Nang, 1 cái dành cho SQ, HSQ Mỹ, 1 cái dành cho tôi và Trung Tá Call và cũng là nơi vãng lai cho cấp Tá. Cái thứ 3 dành cho phi hành đoàn trực thăng, chật chội ngay cả với các anh em độc thân. Nghĩ tới người anh em vừa kết hôn, ngay trong ngày tôi kiếm thêm được một căn nhà có 6,7 phòng nhỏ vừa cho từng cặp vợ chồng. Một anh Đại úy Mỹ phải lo sửa chữa và cung cấp mọi tiện nghi căn nhà mới thuê ngay lập tức. Sau khi lo xong vụ nhà cửa tôi mới vào Khâm Đức bằng L19. Đến chiều khi các trực thăng ở Khâm Đức trở về Da Nang tất cả nh ân viên phi hành đoàn đều có một chỗ nghỉ tiện nghi. Riêng tân lang được gửi tặng thêm 1 phong bì.  
Trong mùa mưa 1966, các đồn biên phòng như Ashao, A Lưới, Tà Bạt lần lượt phải dẹp vì áp lực địch và vì không thể yểm trợ hữu hiệu trong mùa mưa. C&C Da Nang chỉ còn duy trì được 2 FOB là Khâm Đức và Kontum. Khi Bảng cấp số được chấp thuận, danh xưng Chiến Đoàn được chấp nhận, FOB Kontum vẫn còn thuộc Chiến Đoàn 1 ở Đa Nang, và do ĐU N.V Thanh chỉ huy, sau được ĐU Hồ Châu Tuấn thay thế, rồi Nguyễn Hương Rĩnh, tiếp theo là Văn Thạch Bích. Khi Lôi Hổ có đủ số Toán để thành lập 2 CĐ thì FOB Kontum thành BCH/CD2 tách ra khỏi CĐ1 ở Danang và tôi không còn phải phụ trách các cuộc hành quân trong khu vực 3 biên giới nữa. Tới đây các phần chính kế hoạch của anh Tường đã được thực hiện, tuy có khá nhiều thay đổi để đáp ứng với tình thế lúc đó, nhưng tựu trung các điểm chính đều đã được anh Tường đề nghị.  
Đầu năm 1967, tôi đang ở Da Nang rất bận rộn vừa lo hành quân, vừa lo doanh trại mới bên Sơn Trà để đón các Toán từ Long Thành ra, thì được chỉ thị bàn giao gấp cho Trung Tá Nguyễn Tuấn Minh để về trình diện CHT SLL.
Tôi xin mở dấu ngoặc ở đây - Trước khi tôi về SLL vào năm 1964, -để thi hành một mật ước với hữu phái Lào- SLL đã gửi một phái đoàn do ĐU Hào, Trung Úy Rĩnh, Thiếu Úy Phát, Trung úy Tiềm, Thiếu úy Am sang Hạ Lào, và có cơ sở bên cạnh các Phân khu của QĐHGL như ở Savannakhet, Saravane, Attopeu và Pakse, các Toán báo cáo trực tiếp về P2/SLL. Theo kế hoạch của Tr.Tá Hùng CHP/SLL đề nghị thì sẽ phát triển sâu vào vùng địch và lên Thượng Lào.
Rời CĐ1, tôi về Saigon và nhận chỉ thị phải sang Lào chấn chỉnh lại Phái Đoàn của Sở ở đó mà trước đây là một bộ phận của P2/SLL lúc tôi là Trưởng Phòng. Nhân viên phái đoàn đã hủ hóa, người có vợ bé, người  gây xích mích với sĩ quan Lào, người bị nhóm buôn lậu mua chuộc, và nhất là không phát triển sâu vào vùng địch, mà chỉ báo cáo các hoạt động của Bạn là QDHG Lào cùng một vài cuộc thẩm vấn tù binh VC hay Pathet Lào bị QDHG Lào bắt được, và cũng không bành trướng lên phía Bắc khỏi Thakhek là địa điểm đối diện với Đèo Mụ Già cửa ngõ xâm nhập của Địch.
Tôi sang Lào thực hiện được kế hoạch của Trung Tá Hùng là có thêm được một Toán ở Luang Prabang, ở Vientian, ở Vang Vieng nơi đặt BCH của Tướng Vang Pao, và Thakhek. Nhưng rồi các Toán ở Thượng Lào này, kể cả ở Thakhek cũng phải rút trở xuống Hạ Lào vì các hoạt động của Sở trùng hợp với các Toán của Trung Tá Thoại thuộc TƯTB và của Trung Tá Dung của NKT. Khi soạn thảo kế hoạch, Trung Tá Hùng đã không được biết gì về các hoạt động của TƯTB và NKT ở Thượng Lào.
Sau hơn 2 năm ở Lào, hết nhiệm kỳ tôi trở về BCH/SLL thay thế cho Thiếu Tá Nguyễn Hữu Trang làm TMT Sở. Anh Trang sang Lào thế vào chỗ tôi. Tôi ở Saigon không lâu, rồi lên Ban Me Thuot làm CĐP/CĐ3 cho anh Thiếu Tá Tùy CĐT mới từ LLDB sang, nhưng lại đang chuẩn bị rời chức vụ này. Anh Tùy từ BB sang LLDB, bị vất vả vì phải đổi đi đồn biên phòng. Anh được về SLL nhưng lại phải lên cao nguyên và nắm chức vụ CĐT một CĐ mới lập mà thành phần Toán đa số là Mike Force người Miên và Nùng chuyển qua. Anh Tùy hoàn toàn xa lạ với phương thức Targetting đặc biệt của Lôi Hổ, anh không họp tham mưu hỗn hợp, anh không muốn đi cùng trực thăng với đối nhiệm trong các cuộc xâm nhập, anh tính chuyện bỏ SLL. Vì vậy mà tôi phải lên BMT vào lúc địch toan tính dứt điểm các đồn từ Ban Đong xuống tới Kiến Đức.
Ngày nào CĐ3 cũng có ít nhất 2, 3 toán hoạt động dưới đất. Hàng ngày trực thăng bay ra vào vùng hành quân như đi chợ. Số tôi chỉ huy mát tay, nên chỉ mất có 1 Toán Trưởng (CU Phan Nhật Văn) và 1 Toán Phó lúc còn ở Da Nang. Và phải nói là nhờ tài nghệ tuyệt diệu của các Pilot PĐ219, xâm nhập cũng như triệt thoái bất kể giờ giấc đều bay sát ngọn cây, khiến địch không trở tay để sử dụng SA7 và luôn đến đúng LZ thả cũng như đón Toán.
Lần theo Toán xâm nhập chót của tôi, khi trở về nghe trên máy có May Day của một trực thăng bạn trúng SA7 trên không phận Đức Lập. Về tới BCH/CĐ3 được biết đó là trực thăng của LLDB Mỹ, chở CHT Toán B của Mỹ và vị đối nhiệm phía VN  từ Nha Trang bay lên quan sát trận đánh đang tiếp diễn ở căn cứ LLDB Đức Lập. Vì bay cao nên đã lãnh SA7.
Thật hú vía, tôi đã bay trên trực thăng PĐ219, chứ nếu bay trên trực thăng Mỹ thì đâu còn có mặt ở đây. Các vị sĩ quan Việt Mỹ đó có ghé BMT và gặp đối nhiệm của tôi ở BCH/CĐ3. Ông Trung Tá đối nhiệm của tôi cũng mừng hú vía khi từ chối bay cùng các ông bạn từ Nha Trang lên. Thật ra thì công việc của chúng tôi ở CĐ3 lúc đó là làm sao không cho địch tập trung tung ra thêm đơn vị để dứt điểm Đức Lập và Ban Dong. Các Toán của CĐ3 đang cố gắng phát giác mọi di chuyển và tập trung của địch trên đất Miên, BCH/CĐ3 sẽ xin B52 đánh vào những khu vực tập trung quân của địch. Sau này đọc những hồi ký của các Tướng Lãnh địch mới biết là chiến dịch của chúng thất bại vì bị tổn thất nặng do B52. Đó là nhờ các thành quả của các toán CĐ3 và PĐ219 mà Đức Lập qua được trận công kích năm đó.  
Nhiều anh em biệt kích SLL, SCT còn sống sót tới nay có thể đã nhờ các Pilot 219 không ngại hiểm nguy, lăn vào vùng lửa đạn để mang các anh về. Chúng ta phải nhớ cái ơn vô cùng to lớn này.
Sau khi địch thất bại trong chiến dịch dứt điểm ở khu vực từ Ban Dong xuống đến Kiến Đức, tôi được lệnh về BCH/NKT thay thế cho Trung Tá Đỗ Văn Tiên ở chức vụ TP Tình Báo NKT. Anh Tiên bị MACSOG đề nghị thay thế vì gia đình có người dính líu đến VC. Thời gian tôi ở với CĐ3 như vậy chỉ có vài tháng và không ngày nào không có hành quân.
Lúc này Nguyễn Mạnh Tường đã rời CSQG và đang là TP Hành Quân NKT. Chúng tôi như đôi đũa lại có dịp cùng làm việc, ưu tiên thượng cấp giao cho anh Tường lúc này là tái tổ chức NKT, thành lập Sở Công Tác, với sự tách rời vài bộ phận của Sở Tâm Lý Chiến, anh phải viết lại BCS mới của Nha. Thay mặt cho NKT hay đúng hơn là thay mặt cho Trung Tá Nguyễn Minh Tiến CSV/Sở HQTB -Tường phải tham dự tất cả các buổi họp với TTM, với MACV, MACSOG.  Anh Tường bị áp lực từ tứ phía, từ nội bộ Nha phải tranh đấu với TTM và MACV được thêm quân số, cấp bậc tương ứng của các cấp từ Toán viên đến Giám Đốc Nha. Tuy tôi có tham dự một vài buổi họp như vậy cùng với Tường, nhưng rồi nhức đầu quá lấy lý do tôi đang có những cuộc hành quân tình báo đặc biệt, tôi để Tường  lãnh trọn.
Sau lễ Giáng Sinh 1970 Tường đưọc thuyên chuyển ra Phú Yên, cuộc đời anh lại một lần nữa sang trang. Lần này anh nổi tiếng đã giữ vững vùng trách nhiệm không để lọt vào tay địch, nhưng vì trách nhiệm với nước, với dân, với quân đội anh đã không thể trọn tình với gia đình. Cuộc đời anh cô độc từ đây cho đến ngày anh được các chiến hữu tiễn đưa lần chót.
Gần đây có vụ đột kích bắt Bin Laden, tôi xin kể lại một vụ đột kích khác của Mỹ trong đó nhiều nhân viên Mỹ của OP35 hay của C&C Da Nang tham gia.
Khoảng đầu năm 1967, có tin tức mơ hồ về 1 trại giam tù binh Mỹ gần Hanoi. Tôi cùng Đại tá Simons, boss của OP35 và Trung tá Call đối nhiệm của tôi đã cùng bay sang Nakhon Phanom và Udorn Thái Lan.  Nakhon Phanom là nơi người Mỹ thiết lập Trung Tâm Tác Chiến Điện Tử, còn căn cứ không quân Udorn là nơi có một số phi cơ không thám SR111 và SR71 chuyên bay thám thính chụp ảnh Bắc Việt. Sau chuyến bay này Đại tá Simons mang về một số t ài liệu không ảnh và dụng cụ điện tử. Trung tá Call nói riêng cho tôi biết có thể C&C Danang phải cung cấp vài toán cho một cuộc hành quân giải cứu tù binh.
Mãi tới 1970 tôi mới được biết rằng Pentagon đã không dùng toán VN mà dùng toàn biệt kích Mỹ, trong đó đa số là sĩ quan và HSQ của C&C Danang. Cuộc hành quân đột kích này chỉ huy bởi Đại Tá Simons đặt ở Monkey Montain hay còn gọi là Đài Radar Panama ở Sơn Trà. Dick Meadow -người chỉ huy toán biệt kích nhảy xuống trại giam là một HSQ lúc mới tới trình diện C&C Danang năm 1965. Vào lúc anh chỉ huy toán biệt kích nhảy xuống Sơn Tay anh mang cấp bậc Đại Úy. Cuối năm 1970, sau vụ đột kích, Đại tá Nu và tôi có gặp Dick Meadow ở Fort Benning. Trung tá Call đối nhiệm của tôi về hưu năm 1970 và qua đời ở Florida năm 1976. Đại tá Simons là một huyền thoại của LLDB Hoa Kỳ và là một anh Mỹ khó tính, độc đoán, lên cấp từ HSQ, lập được nhiều chiến công trong WW2.  Ông này và Đại tá Hồ Tiêu ít khi giao thiệp trực tiếp với nhau. Sau thất bại ở Sơn Tây, Đại Tá Simons còn tổ chức vụ đột kích thất bại khác vào Iran và đã làm Tổng thống Carter mất điểm trong vụ tái cử. Simons về hưu và hết là một huyền thoại của Quân Đội Mỹ.
Lắm lúc tôi tự hỏi, nếu Nguyễn Mạnh Tường thiết kế cuộc HQ Sơn Tây này, và được thực hiện sớm hơn 1,2 năm thì kết qủa sẽ ra sao. Tôi đã có ý nghĩ như vậy vì cuộc triệt thoái khỏi An Lộc của BĐQ do anh thiết kế và thực hiện là một cuộc HQ tuyệt vời đáng để học hỏi mãi mãi về sau. Lực lượng của ta ra khỏi An Lộc là một hoàn toàn  bất ngờ của địch. Chỉ có 2 khẩu 155 ly và đạn dược không thể mang ra được là phải phá hủy tại chỗ. 
Để chấm dứt câu chuyện tâm tình với anh em về một chiến hữu thân thương của chúng ta, tôi xin các anh em hãy nhớ lại Nguyễn Mạnh Tường, người đã khai sinh ra các cuộc hành quân vượt biên của Lôi Hổ mà tôi đã hân hạnh là người đầu tiên hướng dẫn anh em thực hiện kế hoạch của anh. Hy vọng câu chuyện cũng giúp các bạn biết thêm phần nào về huyền thoại NKT, SLL, Sở Công Tác và PĐ219. Chuyện của những anh hùng quân đội lặng lẽ góp phần vào cuộc chiến tranh trong bóng tối.
Phan Trọng Sinh
2011