Tuesday, June 9, 2015

Hồ sơ biệt kích – góc nhìn khác của lịch sử

CHT SOG, Thiếu Tá Nguyễn Phan Tựu, Đại Tá Trần Văn Hổ
 
Bằng những cứ liệu quan trọng trong hồ sơ của CIA, cuốn sách này chứng minh sự thất bại quan trọng nhất của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đó là thất bại về tình báo. Đã có một sự thật phũ phàng nào nằm ở mảng tối của vấn đề, mà kéo theo sau đó là những hệ luỵ xương máu đối với nhiều người Việt?

Từ năm 1957, lính biệt kích (lực lượng đặc biệt, gọi nôm na là lính Mũ nồi xanh) của Mỹ đã xuất hiện tại Việt Nam, với nhiệm vụ cố vấn, nâng đỡ cho chính quyền Sài Gòn. Nhưng về sau, đây chính là lực lượng huấn luyện biệt kích cho quân đội chính quyền Sài Gòn dưới sự điều khiển của CIA. Ý đồ sâu xa của chiến lược này, đó là dùng người Việt đánh người Việt, đỡ gây tổn thất xương máu cho quân đội Mỹ.

Từ năm 1961, những trung tâm huấn luyện biệt kích: Thủ Đức, Long Thành (Sài Gòn), Hoà Cầm (Đà Nẵng)… được thành lập và hoạt động mạnh, cung cấp quân biệt kích dù, biệt kích thuỷ phục vụ cho chiến lược theo dõi, thám báo, đánh phá miền Bắc và ngăn chặn khả năng tiếp tế miền Nam qua tuyến đường chiến lược Hồ Chí Minh của Việt cộng.

Từ tháng 2.1961 đến 10.1967 đã có 52 toán biệt kích được bung dù, đáp thuyền cài cắm vào các vùng Tây Bắc, Đông Bắc cho đến Nghệ Tĩnh, biển Quảng Bình và cả Khe Sanh, Hạ Lào… để đột kích Bắc bộ. Nhưng một con số gây rùng mình, có lẽ bất ngờ đối với cả những lính biệt kích người Việt từng đặt lý tưởng vào chiếc bánh vẽ “chủ nghĩa quốc gia” mà Mỹ đặt ra: có 500 lính biệt kích bị mất tích (chết, lạc trong rừng sâu do xác định sai toạ độ, hoặc bị bắt bỏ tù) mà thân nhân của họ chỉ được lực lượng chỉ huy quan sát (SOG) thông báo là đã chết, không có giải pháp ứng cứu, đem về…

Mục tiêu cuốn sách là vẽ lại khá chi tiết bức tranh số phận của những toán biệt kích được CIA Mỹ đưa vào chiến trường miền Bắc từ 1961 đến 1968, được tôn vinh như những anh hùng can trường nhưng phải đón nhận một cái kết quá đỗi thất vọng. Phải đến 20 năm sau, khi trên 300 biệt kích quân được trả tự do từ những trại giam trên đất Bắc thì sự “hai mặt” trong chiến tranh của Chính phủ Mỹ mới được đưa ra ánh sáng. Và cũng nhận ra rằng, có một sự thật tàn nhẫn đó là “các biệt kích quân Sài Gòn vẫn tiếp tục bị thả xuống lãnh thổ Bắc Việt, rồi bỏ rơi, ngay cả khi chiến dịch phá hoại của CIA đã kết thúc”.

Cuốn sách có một phần viết đầy cảm động về đời sống phẫn uất và đầy uất nghẹn, đầy ám ảnh của những biệt kích quân khi cảm nghiệm sự bỏ rơi lạnh lùng của người Mỹ đối với họ trong quá khứ và hiện tại. “Khi Tourison viết cuốn Đạo quân bí mật, trận chiến bí mật, thì hơn 100 biệt kích quân đã đến định cư tại Mỹ (theo nhiều con đường, trong đó phần lớn là vượt biên – trước 1985 và diện HO – sau 1985 cho người đã cải tạo đủ thời hạn – NV) và gần 200 người khác vẫn ở Việt Nam, cùng hàng trăm cô nhi, quả phụ của những biệt kích quân đã bỏ mạng chỉ vì cái bánh vẽ “chủ nghĩa quốc gia” mà CIA đã vẽ ra” (trang 74).

Mỹ Tho, 5/4/1968

Trang 76 cuốn sách viết: “Hầu hết các cựu biệt kích quân đã định cư ở Mỹ đều cố gắng xây dựng cho mình một mái ấm gia đình, có người được xem là thành công. Nhưng số đó không nhiều. Thỉnh thoảng, họ gặp lại nhau, bùi ngùi bên ly rượu mỗi khi nhớ về quá khứ nặng nề; về những người đã khuất. Và những người còn lại đều tin vào định mệnh. Khi họ lọt vào mắt CIA, được phong là “những người hùng”, rồi bị bắt ngồi nghiền ngẫm sự đời sau những song sắt trại giam trên đất Bắc, hầu hết lúc đó họ đều rất trẻ”. Và mục tiêu của cuốn sách đặt ra đầy tính nhân văn, cũng đầy chua chát, thuyết phục người đọc cần phải đọc nó với một tâm thế không phân biệt đúng sai phải trái hay chính kiến: “Người viết những trang sách này chẳng có tham vọng nào, chỉ mong khi đàn con cháu của họ lớn lên, đọc những trang viết này sẽ hiểu rõ thêm về cha, ông của chúng, những người được cho là may mắn hơn trong nhóm biệt kích”.

Những biệt đội lừng danh của Lôi Hổ trong cuộc chiến đầy bí mật đã có một kết thúc kéo dài trong bi thương. Năm 2000, Mỹ công bố những tài liệu có tính “chú giải và phân tích” về cuộc chiến quan trọng của Lầu Năm Góc: SOG the secret war of Americas commanandos in Vietnam (John L. Plaster), How American lost the secret war in Vietnam và Why American loat the secret war in North Vietnam (Kenneth Conboy Dale Andrale)… Những tài liệu này được lược dịch khá đầy đủ trong cuốn sách này, đồng thời bổ sung gần 60 trang phụ lục của đoàn Chỉ huy quan sát trực thuộc bộ Chỉ huy quân viện Việt Nam (MACV/SOG) về “Kế hoạch 34A” chủ trương dùng biệt kích gây hậu quả cho Bắc Việt.

Dịch giả của cuốn sách từng là một biệt kích quân Việt Nam Cộng hoà, đang là giáo sư công nghệ thông tin từng giảng dạy tại Mỹ, nay đang tham gia giảng dạy tại trường quốc tế RMIT – TP.HCM. Đây là một bộ tư liệu giá trị bên cạnh dòng tư liệu điệp viên, tình báo được thừa nhận, có tính chính thống. Nó khai mở được cái phần chìm đa nghĩa bên dưới những trang lịch sử khô khan, thiên kiến và hiềm khích mà ta vẫn thấy. Rất tiếc, có lẽ vì nhiều lý do “lấn cấn” trong khâu kiểm duyệt, nó được gọi là bản “lược dịch” và từ “biệt quân nguỵ” vẫn được dùng ngay ở trang bìa. Một điều đáng tiếc nữa là cuốn sách còn mắc quá nhiều lỗi chính tả.

Dù sao, những hồ sơ thế này rất cần đọc, để lịch sử được nhìn, thấu hiểu và cảm thông hơn là phân biệt

No comments:

Post a Comment