Monday, July 4, 2016

Bộ Tư Lệnh Biệt Kích Hoa Kỳ Ngày Nay

Cánh dù với Huy hiệu Special Operations Command

BỘ TƯ LỆNH HÀNH QUÂN ĐẶC BIỆT HOA KỲ



I. LỜI GIỚI THIỆU

Bộ tư lệnh Hành Quân Đặc Biệt Hoa Kỳ gọi tắt là USSOCOM hoặc SOCOM (Special Operation Command). Đợn vị này bao gồm quân tinh nhuệ thuộc các quân chủng Hải, Lục, Không quân và Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Bộ tư lệnh HQĐB trực thuộc bộ Quốc Phòng, đóng trong căn cứ Không quân MacDill ở Tampa tiểu bang Florida.

Lý do chính để thành lập bộ tư lệnh HQĐB thống nhất chỉ huy (Unified Command) sau sự thất bại cuộc hành quân “Vuốt Đại Bàng” (Eagle Claw). Hành quân này được tổ chức để giải cứu con tin tòa đại sứ Hoa Kỳ trong thủ đô Teran của Iran năm 1980. Người Hoa Kỳ không cứu được con tin, bỏ lại thêm mấy xác chết, trực thăng CH-53. Một ủy ban điều tra dưới quyền Đô Đốc James L. Holloway III, báo cáo cho biết quân đội Hoa Kỳ thiếu phối hợp, thống nhất vấn đề chỉ huy trong chuyến giải cứu con tin thất bại. Kể từ ngày thành lập, 16 tháng Tư năm 1987, bộ tư lệnh Hành Quân Đặc Biệt tham dự nhiều cuộc hành quân, trong đó có trận đánh chiếm Panama năm 1989 và các hoạt động chống khủng bố trên toàn thế giới.

Nhiệm vụ chính yếu do các đơn vị HQĐB bao gồm: các hành quân bí mật, do thám, chống khủng bố, hành quân ngoại lệ và thanh toán các tay trùm ma túy trên thế giới.


II. LỊCH SỬ ĐƠN VỊ

Sau thất bại cuộc hành quân “Vuốt Đại Bàng” năm 1980, người Hoa Kỳ cảm thấy rằng phải tổ chức lại cơ cấu tổ chức của bộ Quốc Phòng. Tham Mưu Trưởng Lục Quân Hoa Kỳ, Tướng Edwards C. “Shy” Meyer yêu cầu xem xét lại (tái tổ chức) khả năng của các loại hành quân đặc biệt, cuối cùng được phép thành lập đơn vị Delta. Mặc dầu ý kiến của ông ta không thành công trong bộ Tổng Tham Mưu, Tướng Meyer gom các đơn vị hành quân đặc biệt của Lục quân (SOF) đặt dưới quyền chỉ huy bộ tư lệnh HQĐB số 1 vào năm 1982. Đó là một bước tiến trong khả năng hành quân đặc biệt của Lục quân.

Năm 1983, quốc hội Hoa Kỳ cảm thấy nhu cầu cải tổ lại quân đội. Trong tháng Sáu, Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện (SASC) bắt đầu một chương trình nghiên cứu kéo dài hai (2) năm về cơ cấu tổ chức của bộ Quốc Phòng, dưới sự điều khiển của Thượng Nghi Sĩ Barry Goldwater (R-AZ). Trước tai mắt của quốc hội, bộ Quốc Phòng thành lập cơ quan Hành Quân Đặc Biệt Hỗn Hợp (Joint Special Operations Agency) ngày 1 tháng Giêng năm 1984. Tuy nhiên cơ quan này không có quyền điều hành cũng như chỉ huy các đơn vị trong hành quân đặc biệt. Trong bộ Quốc Phòng, Noel Koch, viên phụ tá bộ trưởng Quốc Phòng về nền An Ninh Quốc Tế, cùng viên phụ tá của ông ta Lynn Rylander, tán dương việc tái tổ chức Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt (SOF).

Cũng trong thời gian đó, vài khuôn mặt “tên tuổi” trong Quốc Hội Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh việc sửa đổi Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt của Quân Đội Hoa Kỳ. Nhóm này có mặt các Thượng Nghị Sĩ như: Sam Nunn (D-GA), William Cohen (R-ME) trong Ủy Ban Quốc Phòng, và Dan Daniel (D-VA), chủ tịch tiểu ban “Sẵn Sàng” (readiness) trong Ủy Ban Quốc Phòng. Dân Biểu Daniel cho rằng, Quân Lực Hoa Kỳ không quan tâm đến các loại hành quân đặc biệt (xử dụng hỏa lực hùng hậu để đè bẹp địch quân), và trong lãnh vực này quân đội Hoa Kỳ yếu kém và vấn đề điều hành, chỉ huy các đơn vị này (Special Forces nói chung) là một … vấn đề lớn. Sam Nunn và Cohen cho rằng, bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ chưa chuẩn bị đối phó, đáp ứng với những đe dọa trong tương lai, ông ta tán đồng việc thay đổi hệ thống chỉ huy (quân giai) đối với bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt (đặt dưới quyền trực tiếp bộ Quốc Phòng) để đối phó với các “biến động” nhỏ trên thế giới.

Trong tháng Mười 1985, Ủy Ban Quốc Phòng Thượng Viện công bố kết qủa của hai năm “xem xét lại” cơ cấu tổ chức Quân Đội Hoa Kỳ, tập tài liệu (báo cáo) tên là “Tổ Chức Quốc Phòng: Nhu Cầu Sửa Đổi”. Tác giả chính yếu viết bản báo cáo là James R. Locher III, ông ta cũng xem lại những cuộc hành quân đặc biệt trước đây và lưu ý về những “đe dọa” trong tương lai (khủng bố). Tập tài liệu gây ảnh hưởng lớn, đưa đến việc ban hành dự luật “Goldwater-Nichols Tái Tổ Chức Quốc Phòng” năm 1986 (Goldwater-Nichols Defense Reorganization Act of 1986). Đến mùa Xuân 1986, cả hai viện (Thượng, Hạ) đều chấp thuận việc sửa đổi Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt (SOF). Ngày 15 tháng Năm, Thượng Nghị Sĩ Cohen, có thêm chữ ký Sam Nunn và vài người khác đưa ra dự luật, yêu cầu thành lập một đơn vị kết hợp bởi các quân binh chủng cho Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt. Dân Biểu Daniel tiến thêm một bước nữa, muốn có một cơ quan điều hành các loại hành quân đặc biệt do một nhân vật “dân sự” điều hành chỉ huy, dưới quyền trực tiếp của bộ trưởng Quốc Phòng, không qua Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ.

Quốc Hội Hoa Kỳ nhóm họp để biểu quyết hai dự luật nói trên trong mùa Hè 1986. Đô Đốc William J. Crowe Jr., Tổng Tham Mưu Trưởng làm trưởng nhóm “Ngũ Giác Đài” chống lại hai dự luật. Ông ta đưa ra một kế hoạch để thay thế, thành lập một bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt do một vị Tướng ba (3) sao chỉ huy (Trong quân đội Hoa Kỳ tất cả các vị Tham Mưu Trưởng quân chủng, các vị tư lệnh “Vùng Chiến Thuật”, tổng cộng khoảng 10 ông đều đeo bốn (4) sao). Đề nghị này không được Quốc Hội tán đồng, họ muốn một ông Tướng bốn (4) sao để tăng cường sức mạnh, có “qủa đấm” thôi sơn. Nhiều sĩ quan đã về hưu ra điều trần trước Quốc Hội cũng tán đồng nhu cầu cải tổ Hành Quân Đặc Biệt. Lời điều trần quan trọng nhất đến từ Thiếu Tướng về hưu Richard Scholtes, ông là người chỉ huy đơn vị Đặc Nhiệm Hành Quân Đặc Biệt Hỗn Hợp trong trận đánh chiếm đảo nhỏ Grenada trong vùng biển Carribean. Tướng Scholtes giải thích việc các cấp chỉ huy chiến tranh quy ước, đã không xử dụng đơn vị Hành Quân Đặc Biệt đúng với khả năng của họ, làm cho đơn vị này bị tổn thất cao. Sau khi điều trần, Tướng Scholtes được mấy Nghi Sĩ, Dân Biểu mời “họp riêng”… để họ biết thêm những vấn đề ông ta gặp phải trong trận tấn công Grenada.

Lưỡng Viện Hoa Kỳ đều thông qua hai dự luật, cải tổ Lực Lượng Hành Quân Đặc Biệt. Tất cả các đơn vị Đặc Biệt của Hải, Lục, Không quân và TQLC đều nằm trong bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt, dưới quyền một vị Tướng Bốn sao. Thêm một vị Phụ Tá cho Bộ Trưởng Quốc Phòng về các loại hành quân đặc biệt. Hai dự luật được ký trong tháng Mười năm 1986. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thành lập bộ Tư Lệnh Hành Quân Hành Quân Đặc Biệt ngày 16 tháng Tư năm 1987, vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Tướng (4 sao) James Lindsay.


III. HÀNH QUÂN EARNEST WILL (9/1987)

Chuyến hành quân đầu tiên có tên là Earnest Will, do bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt đảm trách xẩy ra trong tháng Chín 1987 bao gồm: toán SEAL (Người Nhái Hải Quân), Hải Thuyền (Special Boat Team – SBT), và trung đoàn 160 Hành Quân Đặc Biệt Không Quân (Night Stalkers).  Chính quyền Hoa Kỳ muốn bảo đảm các tầu chở dầu “trung lập” được an toàn trong vùng vịnh Ba Tư (Persian Gulf) trong trận chiến Iran-Iraq.

Các tầu chở dầu Kuwait bị Hải quân Iran tấn công nên họ yêu cầu người Hoa Kỳ cho “ghi danh” 11 tầu chở dầu treo quốc kỳ Hoa Kỳ, được chiến hạm Hoa Kỳ hộ tống. Lời yêu cầu của Kuwait được Tổng Thống Reagan chấp thuận ngày 10 tháng Ba năm 1987. Hải quân Iran vẫn tiếp tục gài mìn (thủy lôi), xử dụng duyên tốc đỉnh nhỏ tấn công các tầu chở dầu đi/đến Kuwait. Cuối tháng Bẩy 1987, Phó Đô Đốc Harold J. Bemson tư lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ trong vùng Trung Đông yêu cầu “can thiệp” và được tăng cường hai trung đội SEAL, một đơn vị Hải Thuyền với sáu (6) tầu tuần tiễu Mark III trong tháng Tám. Quân đội Hoa Kỳ trong vùng vịnh Ba Tư quyết định xử dụng hai trạm (căn cứ) tiếp tế dầu Hercules, Wimbrown VII “di động”. Hai căn cứ di động này được đưa lên phiá bắc vịnh Ba Tư ngăn cản các trận tấn công bí mật, rải thủy lôi của Iran.

Ngày 21 tháng Chín, phi cơ trực thăng do thám Night Stalkers MH-60 cất cánh từ chiến hạm USS Jarrett theo dõi chiếc tầu Iran “Iran Air”. Phi cơ do thám Hoa Kỳ nhìn rõ chiếc “Iran Air” tắt đèn và bắt đầu thả thủy lôi. Sau khi nhận được lệnh tấn công, trực thăng Hoa Kỳ bắn hỏa tiễn xung quanh buộc thủy thủ đoàn Iran phải rời tầu. Sáng sớm hôm sau, một toán SEAL lên tầu Iran tìm thấy thêm 9 qủa thủy lôi vẫn còn nguyên trên bong tầu và một quyển sổ “hành quân”. Quyển này chứng minh, Hải quân Iran gài thủy lôi trong hải phận quốc tế.

Vài ngày sau, bộ Tư Lệnh Hành Quân Đặc Biệt truy lùng và biết được các hoạt động “phá hoại” của Iran, các tầu gài mìn ban ngày trốn gần các dàn khoan dầu, khí của Iran, đợi đến đêm tối di chuyển đến trạm nổi Middle Shoals (hướng dẫn tầu bè di chuyển trong vịnh), nhận lệnh đi gài thủy lôi. Biết rõ đường đi của Iran, Hoa Kỳ cho ba trực thăng do thám cùng với hai duyên tốc đỉnh đến trạm nổi Middle Schoals. Các trực thăng do thám Hoa Kỳ bị ba chiếc tầu Iran đang thả neo trong trạm nổi bắn lên. Sau một hồi chạm súng, cả ba chiếc tầu Iran bị bắn chìm.

Khoảng giữa tháng Mười, hỏa tiễn Silk Worm của Iran bắn trúng tầu chở dầu Sea Isle City gần bến tầu thành phố Kuwait làm bị thương 17 thủy thủ cùng viên thuyền trưởng người Hoa Kỳ. Để trả đũa, trong hành quân Nimble Archer, bốn diệt lôi hạm Hoa Kỳ bắn phá hai dàn khoan dầu của Iran trong khu vực khai thác dầu Rostam. Toán SEAL đem theo chuyên viên chất nổ phá dàn khoan và lùng thêm dàn khoan thứ ba cách khoảng 2 cây số, tịch thâu nhiều tài liệu.

Ngày 14 tháng Tư năm 1988, cách Bahrain (một quốc gia nhỏ trong vùng Trung Đông) khoảng 65 dặm về hướng đông, chiến hạm Hoa Kỳ USS Samuel B. Robert (FFG-58) trúng thủy lôi bị thủng một lỗ lớn, mười (10) thủy thủ bị thương. Hoa Kỳ trả đũa mạnh mẽ với hành quân Praying Mantis, tấn công chiến hạm Sahand của Iran, bắn phá các dàn khoan trong khu vực khai thác dầu ở Sirri, Sassan. Sau khi tầu chiến Hoa Kỳ bắn phá các dàn khoan trong khu vực Sirri, các toán SEAL được trực thăng UH-60 đưa vào thanh toán “chiến trường” nhưng không cần thiết, các dàn khoan bộc cháy dữ dội cùng với tiếng nổ phụ. Từ đó, sự tấn công, phá hoại của Iran đối với các tầu chở dầu quốc tế giảm nhiều. Ngày 18 tháng Bẩy, Iran chấp nhận “ngưng bắn”, đến ngày 20 tháng Tám, trận chiến Iran-Iraq chấm dứt. Đơn vị SEAL, cùng với phi đoàn trực thăng được lệnh quay trở về Hoa Kỳ. Các loại hành quân đặc biệt này giúp Bộ Tư Lệnh Trung Ương (CENTCOM) kiểm soát khu vực phiá bắc vịnh Ba Tư dễ dàng, đỡ tốn nhân lực, vật lực.




IV. SOMALIA

Các hành quân đặc biệt ở Somalia nằm trong chiến dịch Provide Relief. Các phi cơ vận tải C-130 bay vòng trên phi đạo, thả dù những kiện hàng chứa nhu yếu phẩm cứu dân tỵ nạn Somalia. Các y tá Lực Lượng Đặc Biệt (Green Berets – Army Special Forces) Hoa Kỳ thường đi theo những phi vụ thả dù tiếp tế phiá nam Somalia, họ là những binh sĩ Hoa Kỳ đầu tiên được gửi đến Somalia, trước khi các đơn vị chủ lực đến tham dự hành quân Restore Hope (Lấy Lại Niềm Tin). Toán quân Hoa Kỳ đầu tiên đến Somalia thuộc Ban Hành Động Đặc Biệt (Special Activities Division) “bán quân sự” của CIA và nhân viên trong bộ Chỉ Huy Hành Quân Đặc Biệt Hỗn Hợp (JSOC). Đơn vị tiên phong này mở những cuộc hành quân dò thám rất nguy hiểm, sâu vào nội điạ Somalia để lấy tin tức cho các đơn vị chủ lực sẽ đến sau. Tổn thất đầu tiên là một viên chức “bán quân sự” (CIA), cựu hiệu thính viên (truyền tin) đơn vị Delta, Larry Freedman, ông ta được ân thưởng huy chương Intelligence Star “Ngôi Sao Tình Báo” cho lòng can đảm trong lúc thi hành nhiệm vụ.

Sứ mạng đầu tiên trong hành quân Restore Hope do đơn vị SEAL đảm trách. Các người nhái SEAL được lệnh thám thính vùng biển Somalia, dọn bãi cho các đơn vị TQLC đổ bộ sau này. Ngày 7 tháng Mười Hai, toán người nhái SEAL bơi vào hải cảng Mogadishu, họ nhận thấy hải cảng thích hợp cho TQLC đổ bộ, thám thính an ninh khu vực. Nhiệm vụ này đúng vào thời điểm khó khăn, quân SEAL phải bơi ngược giòng thủy triều, đến nơi nhiều người bị kiệt sức (overheated). Phần khác, họ phải bơi lội trong khu vực nước bẩn, đồ phế thải hải cảng Mogadishu, hôi thối, dơ bẩn nên ngã bệnh. Khi toán SEAL đầu tiên lên đến bờ họ ngạc nhiên được “đón chào” (bị lộ) bởi dàn đèn và đám đông báo chí. Sau đó đơn vị SEAL nhận thêm nhiệm vụ bảo vệ Tổng Thống George Bush (Bush cha) trong một chuyến thăm viếng Somalia.

Trong tháng Mười Hai năm 1992, một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt (Mũ Xanh) từ Kenya di chuyển qua Somalia tham dự hành quân Restore Hope. Tháng Giêng 1993, một ban chỉ huy LLĐB di chuyển lên Mogadishu thiết lập bộ chỉ huy Hành Quân Đặc Biệt Hỗn Hợp – Somalia (JSOFOR) để chỉ huy trực tiếp các cuộc hành quân đặc biệt trong hành quân Restore Hope. Nhiệm vụ của bộ chỉ huy JSOFOR tìm cách bắt liên lạc với các nhóm thiểu số, lãnh tụ của họ để lấy tin tức tình hình an ninh khu vực, sau đó làm bản báo cáo để cứu trợ nạn nhân (đói). Trước khi nhận được lệnh hành quân mới, các đơn vị đặc biệt trong JSOFOR  đã càn quét một khu vực có chiều dài 26 ngàn dặm, tịch thâu 277 vũ khí, phá hủy hơn 45 ngàn pounds chất nổ.

Trong tháng Tám năm 1993, bộ trưởng Quốc Phòng Les Aspin ra lệnh đưa đơn vị Đặc Nhiệm Hỗn Hợp Hành Quân Đặc Biệt (JSOTF) qua Somalia để trả đũa các trận tấn công của Tướng Mohamed Farrah Aidid vào các đơn vị Hoa Kỳ, đạo quân Liên Hiệp Quốc. Đặc Nhiệm JSOTF còn được gọi là Đặc Nhiệm Biệt Động Quân (Task Force Ranger), xử dụng tiểu đoàn 3, trung đoàn 75 Biệt Động Quân Hoa Kỳ. Cuộc hành quân lấy tên là Gothic Serpent, với nhiệm vụ bắt sống Tướng (cướp) Aidid. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, Aidid trốn mất tiêu, sau mấy phi tuần oanh kích của phi cơ AC-130 (Hỏa Long) và Biệt Động Quân tấn công vào sào huyệt của ông ta.

Trong khi lực lượng tiền phương 24 TQLC cung cấp đơn vị Trinh Sát và trực thăng từ chiến hạm HMM-263 đến Somalia, đang tập trận ở Somalia. Mới đầu TQLC được trao cho nhiệm vụ “tóm cổ” Aidid, nhưng sau đó bộ tư lệnh Hành Quân Đặc Biệt thay đổi quyết định. Thứ nhất đơn vị Trinh Sát TQLC đã ở trong khu vực hơn hai tháng (lộ diện - địch đã biết), thứ hai, đơn vị này đã được trao cho nhiệm vụ cứu phi hành đoàn trực thăng bị bắn rơi bằng súng B-40, nhưng không thành công. Quân cướp Somalia, xử dụng B-40 trên các sân thượng cao bắn rơi trực thăng, sau đó “đóng chốt” trong các đường hẻm nhỏ, ngăn chận đơn vị đi cứu phi hành đoàn, kinh nghiệm này không được thông báo cho trung đoàn 75 Biệt Động Quân, lý do TQLC phát xuất từ chiến hạm USS Wasp, trong khi BĐQ đóng quân trong đất liền. Đơn vị Đặc Nhiệm Biệt Động Quân (TF Ranger) bao gồm, toán biệt kích Delta, trung đoàn 75 Biệt Động Quân, phi đội 160 SOAR tác chiến đặc biệt Không quân, và đơn vị người nhái SEAL Hải quân. Trong hai tháng Tám, Chín năm 1993, đơn vị đặc nhiệm mở sáu (6) cuộc hành quân tảo thanh vào thành phố Mogadishu, kết qủa tốt đẹp. Mặc dầu chưa “tóm” được Aidid, cũng làm cho hắn lo tìm chỗ trốn, bớt ra ngoài hoạt động.

Ngày 3 tháng Mười, Đặc Nhiệm BĐQ mở cuộc hành quân thứ bẩy vào Mogadishu, vào thẳng “khuôn thành” của Aidid trong khu vực chợ Bakara đông đúc, để tóm cổ một tay phụ tá quan trọng của Aidid. Cuộc đột kích chớp nhoáng này dự trù kéo dài khoảng một, hai tiếng đồng hồ, xử dụng trực thăng đổ quân và đoàn xe chở BĐQ phát xuất từ vòng đai phi trường Mogadishu tiến vào thành phố, gặp sức kháng cự quyết liệt của đám cướp trung thành với Aidid. Quân Hoa Kỳ bắt được 24 tên cướp Somalia trong đó có tay phụ tá của Aidid, đang gom “tù binh” cho lên GMC chở về, đúng lúc một trực thăng MH-60 Black Hawk (trong phim A Black Hawk down) trúng đạn B-40. Lập tức, một trung đội BĐQ đang di chuyển theo đoàn xe, được điều động đi cứu, đồng thời trực thăng võ trang MH-6, hộ tống trực thăng chở quân MH-60 đem theo toán cấp cứu 15 người bay đến chỗ chiếc Black Hawk bị bắn rơi. Trận đánh đấm trở nên bất lợi cho quân đội Hoa Kỳ, chiếc MH-60 cũng bị trúng B-40 rơi cách chiếc thứ nhất khoảng một dặm về hướng nam. Quân cướp Somalia tràn ngập cả hai vị trí trực thăng lâm nạn. Tại vị trí thứ hai, BĐQ chống trả mãnh liệt nên bọn chúng giết tất cả, chừa lại viên phi công bắt làm tù binh. Hai quân nhân Hoa Kỳ tại vị trí này được ân thưởng “Huy Chương Danh Dự” (Medal of Honor, cao qúy nhất của Hoa Kỳ), đó là Thượng Sĩ Gary Gordon và Trung Sĩ Nhất Randall Shughart. Đơn vị trừ bị cố gắng đến tiếp cứu vị trí thứ hai cũng bị hỏa lực, nhân sự Somalia áp đảo, không tiến lên được, sau đó được hai trực thăng võ trang AH-6 yểm trợ mới rút về được căn cứ.

Trong khi đó trung đội BĐQ di chuyển bộ, vừa đi vừa chiến đấu đến vị trí chiếc trực thăng thứ nhất lâm nạn. Đến nơi, họ lập tuyến phòng thủ, băng bó cho đồng đội bị thương, đem xác viên phi công ra khỏi chiếc trực thăng, chờ quân tiếp viện đến cứu. Phần còn lại của đoàn quân xa, định tiến lên theo, nhưng phải canh giữ tù binh bị tấn công tới tấp phải lui về căn cứ, chịu nhiều tổn thất, xe cộ hư hại nặng.

Ngày hôm sau, quân tiếp viện bao gồm quân thuộc sư đoàn 10 Sơn Cước (10th Mountain Division), Biệt Động Quân, người nhái SEAL, chiến xa Pakistan, thiết vận xa Malaysia. Trước lực lượng hùng hậu, quân cướp Somalia bỏ chạy, đoàn quân đến được vị trí chiếc trực thăng lâm nạn lúc 1:15 chiều ngày 4 tháng Mười. Đó là trận đánh tổn thất cao nhất kể từ sau chiến tranh Việt Nam. Đơn vị Đặc Nhiệm Biệt Động Quân có 17 binh sĩ hy sinh, 106 bị thương.



V. IRAQ



Liên đoàn 10 LLĐB/HK, trực thuộc bộ tư lệnh Hành Quân Đặc Biệt (SOCOM), một phần trong lực lượng Hỗn Hợp (JSOC), phối hợp với nhân viên bán quân sự đặc biệt của CIA, là những quân nhân, dân chính xâm nhập vào Iraq trước khi quân đội Hoa Kỳ tấn công. Nhiệm vụ của họ tổ chức nhóm Pesmerga (nhóm võ trang người Kurd) chống lại nhóm Hồi giáo Ansar, đồng minh của Al Qaeda (quân võ trang khủng bố) trong vùng phiá bắc Iraq. Những trận đánh trong khu vực này rất quan trọng và hiệu qủa, loại bỏ nhiều phần tử khủng bố, khám phá xưởng chế vũ khí hóa học ở Sargat. Sau khi thanh toán nhóm Hồi giáo Ansar, đơn vị hỗn hợp LLĐB, CIA tiếp tục chỉ huy người Kurd chống lại quân đội của Saddam Hussein giành quyền kiểm soát vùng phiá bắc Iraq.

Khi trận tấn công vào Iraq bắt đầu, hơn một chục toán A LLĐB (12 quân nhân mỗi toán) xâm nhập vào khu vực phiá nam và phiá tây Iraq, tìm kiếm dấu vết hỏa tiễn Scud và chỉ điểm cho các trận thả bom. Nhiều toán người Nhái SEAL tấn công, chiếm giữ các bến đổ dầu, các trạm bơm dầu nơi bờ biển phiá nam. Không Lực Hoa Kỳ xử dụng phi cơ “điều không” tác chiến MC-130H điều khiển các loại phi cơ vận tải khác, chuyển quân, cùng với đồng trang bị, tiếp vận sâu vào lãnh thổ Iraq. Khác với trận xâm lăng năm 1991 (Bush cha), khôn xử dụng quân của các đơn vị Hành Quân Đặc Biệt. Cũng như trận tấn công vào Afganistan, LLĐB, BĐQ của Lục Quân (Green Beret) cùng với người nhái SEAL đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng. Các đơn vị trong bộ tư lệnh Hành Quân Đặc Biệt giết và bắt sống hàng trăm quân khủng bố Al Qaeda, và huấn luyện lực lượng an ninh (quân đội) Iraq, Afganistan.


VI. NHIỆM VỤ HIỆN TẠI
Các đơn vị Hành Quân Đặc Biệt đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại quân Taliban ở Afganistan từ năm 2001, ngăn cản sự xâm nhập của Taliban trở lại, cũng như bắt sống Saddam Hussein ở Iraq. Năm 2004, bộ tư lệnh Hành Quân Đặc Biệt được trao cho thêm nhiệm vụ “đối phó” với quân khủng bố trên khắp thế giới, kết qủa thanh toán tay trùm khủng bố nổi tiếng trên khắp thế giới Osama Bin Laden trong năm 2011 ở Pakistan. Trong năm 2010, khoảng 13 ngàn quân Hành Quân Đặc Biệt hoạt động ở hải ngoại, trong đó có khoảng 9 ngàn quân (chia đôi) đóng quân ở Iraq và Afganistan.
Trong những đợt tấn công đầu tiên vào Afganistan, quân trong Hành Quân Đặc Biệt phối hợp với các toán hành động (bán quân sự) của CIA đánh bại quân Taliban không cần quân đội chính quy tiếp tay. Đó là chiến thắng lớn nhất trong trận chiến chống quân khủng bố. Hành Quân Đặc Biệt phối hợp với CIA nhiều lần trong suốt cuộc chiến ở Afganistan. Trận đụng độ dữ dội nhất xẩy ra trong hành quân Anaconda, nhằm “tận diệt” tàn quân Taliban, Al Qaeda lẩn trốn, thiết lập hầm hố phòng thủ trong vùng núi non Shah-i-Cot về phiá đông Afganistan. Trận tấn công lên đỉnh núi Takur Ghar, cao 10 ngàn bộ (3000m) bao gồm nhân viên ban hành động CIA, người nhái SEAL, Biệt Động Quân và không yểm được coi như trận đánh lớn nhất, đẫm máu nhất sau trận cứu phi hành đoàn trực thăng Black Hawn bị bắn rơi ở Mogadishu, Somalia năm 1993, trận đó Hành Quân Đặc Biệt mất 18 Biệt Động Quân (tử trận).
Trong hành quân Red Wing, ngày 28 tháng Sáu năm 2005, trên đỉnh một ngọn núi, bốn (4) người nhái SEAL bị hỏa lực của Al Qaeda đè bẹp, không ngóc đầu lên được, gọi máy yêu cầu tiếp viện. Một trực thăng Chinook chở 16 quân nhân trong toán cấp cứu bay đến bị bắn rơi, tất cả mọi người trên chiếc trực thăng cùng với 3 người nhái SEAL trên mặt đất tử trận. Đó là tổn nhất nhân mạng nhiều nhất ở Afganistan kể từ khi trận tấn công vào nước này năm 2001. Người nhái sống sót duy nhất Marcus Luttrell (1 trung đội BĐQ đến cứu) cùng với trưởng toán (tử trận) Michael P. Murphy được ân thưởng huy chương Danh Dự (Medal of Honor).

VII. CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC
1. Lực Lượng Đặc Biệt Delta thường gọi là Delta, một trong hai đơn vị chính yếu chống khủng bố dưới quyền SOCOM và JSOC. Delta được tổ chức theo khuôn mẫu của đơn vị biệt kích SAS quân đội Anh. Có thể nói quân Delta là những quân nhân thiện chiến nhất trên thế giới, được tuyển chọn từ Lực Lượng Đặc Biệt (Special Force) và Biệt Động Quân (Ranger). Delta được trao cho nhiều nhiệm vụ, hoạt động bí mật khắp nơi trên thế giới. Nhiệm vụ chính vẫn là thanh toán các nhóm khủng bố và giải cứu con tin.
2. Ban Chiến Tranh Đặc Biệt của Hải quân, gồm 6 toán người nhái SEAL, là đơn vị chống quân khủng bố thứ hai của SOCOM và JSOC. Cũng như Delta, người nhái SEAL được tuyển chọn, huấn luyện gắt gao trong quân chủng Hải quân.
3. Ban Tình Báo Yểm Trợ (ISA), được sự chấp thuận của cơ quan CIA, ban này cung cấp tin tức tình báo đặc biệt cho hai đơn vị Delta và SEAL.
4. Phi đội 24 Tác Chiến Đặc Biệt của Không quân (AFSOC), trực thuộc JSOC nhiệm vụ yểm trợ cho Delta và SEAL.
Bộ chỉ huy Hành Quân Hỗn Hợp (JSOC) thành lập các đơn vị Đặc Nhiệm, thay đổi luôn tùy theo tình hình, TF-11, TK-121, TF-6-26, TF-145… Sau biến cố 9/11, quân đội Hoa Kỳ thành lập hai đơn vị Đặc Nhiệm truy lùng Bin Laden và Saddam Hussein, đến năm 2013 hai đơn vị nhập lại thành đơn vị Đặc Nhiệm TF-121.
5. Trung đoàn 75 Biệt Động Quân là đơn vị trang bị nhẹ để tấn công của Lục quân Hoa Kỳ, bộ chỉ huy đóng trong căn cứ Fort Benning. Cả ba tiểu đoàn BĐQ đều sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tham chiến trong vòng 18 giờ đồng hồ tại bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Biệt Động Quân Hoa Kỳ được huấn luyện để có thể xâm nhập vùng hành quân bằng đường bộ, đường thủy, hàng không (nhẩy dù) hoặc trực tiếp bằng trực thăng. BĐQ thường được xử dụng trong các trận tấn công chớp nhoáng, đánh chiếm phi trường cho phi cơ đưa quân đội chính quy đến sau, hoặc các cao ốc, dinh thự (building).
6. Lực Lương Đặc Biệt hay Green Beret, quân Mũ Xanh được xử dụng bất cứ nơi nào trên thế giới trong thời bình cũng như trong chiến tranh. Quân Mũ Xanh được xử dụng trong việc tuyên truyền, huấn luyện quân đội quốc gia nào đó…, dò thám, trinh sát lấy tin tức tình báo hoặc chống lại quân khủng bố.  Tất cả các hoạt động khác trong chiến tranh ngoại lệ đều được trao cho quân Mũ Xanh, kể cả việc giữ trật tự, hoà bình trong đoàn quân Liên Hiệp Quốc.
7. Trung đoàn 160 Không Yểm biệt danh “Ó Đêm”. Bộ chỉ huy đóng trong căn cứ Fort Campbell, Kentucky có nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị Hành Quân Đặc Biệt. Trung đoàn xử dụng các trực thăng nhẹ, bay nhanh MH-6, AH-6, trực thăng võ trang tấn công MH-47. Trung đoàn “biến dạng” từ năm 1980, chuyên về các phi vụ bay đêm, thả quân biệt kích cũng như “bốc” đem về căn cứ và thả tiếp tế cho quân biệt kích đang hoạt động trong vùng địch kiểm soát.

American University of Nigeria
February 1, 2014 (Mùng 2 Tết Giáp Ngọ)
vđh
 
Kiến trúc với Huy Hiệu SOC

Tượng Chiến Sĩ Lực Lượng Đặc Biệt

How do you like the Green Beret Sir ? President Kennedy reply
They are fine and I want to keep them for a long time 
Special Forces General Yarborough and John F Kennedy 



Bức Tượng Green Beret tại Fort Bragg North Carolina

SOC at Fort Bragg











































No comments:

Post a Comment