Friday, May 6, 2011

TRẠI LLĐB DAK SEANG


TRẠI LLĐB DAK SEANG
15/4/1970
Donald Summers, edited by Robert L. Noe
Phi công trực thăng Al Barthelme
        Trong tháng Ba năm 1970, ông Hoàng Sihanouk đang công du bên Pháp, người em họ của ông, Thủ Tướng Sitik Matak đảo chánh lên cầm quyền cai trị Cambodia. Sau khi ổn định, Matak ra lệnh cho quân đội Bắc Việt và Việt Cộng phải ra khỏi đất Miên trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Điều này làm giới lãnh đạo miền Bắc khó xử, họ có hai lựa chọn: Cuốn gói ra khỏi Cambodia, điều này khó thực hiện (trong vòng 48 giờ), và cũng không thể chấp nhận được. Lựa chọn thứ hai là “nuốt sống” ông bạn láng giềng Cambodia và họ đã chọn giải pháp thứ hai.
        Đến giữa tháng Tư, quân đội Bắc Việt đã lấy được hai tỉnh lớn của Miên và đe dọa thủ đô Nam Vang. Để người Hoa Kỳ không được rảnh tay chen vào, quân đội Bắc Việt mở những trận tấn công lớn trên vùng cao nguyên, quân đoàn 2 VNCH, bao vây, tấn công các trại Lực Lượng Đặc Biệt: Dak Seang, Dak Pek, Ben Het và Dak To nằm về phiá bắc tỉnh Kontum.
        Để tìm hiểu đối phương, đơn vị Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (Study and Observation group, SOG) đẩy mạnh các hoạt động của đơn vị này, cho nhiều toán Biệt Kích (phiá Việt Nam gọi là Lôi Hổ, trực thuộc Nha Kỹ Thuật, TTM) xâm nhập vào các căn cứ điạ của quân đội Bắc Việt trong vùng tam biên Việt-Miên-Lào. Tháng Tư 1970 trở nên một tháng rất bận rộn cho phi đoàn 170 trực thăng tấn công Hoa Kỳ.
        Qua tuần lễ thứ hai trong tháng Tư, tin tức tình báo cho biết quân đội Bắc Việt đưa thêm quân vào xung quanh trại LLĐB Dak Seang, cách Dak To khoảng 20 dặm về hướng bắc. Trại LLĐB này nằm trong thung lũng giữa hai rặng núi cao. Các hoạt động của địch trong vùng càng ngày càng gia tăng. Nguồn tin tình báo cho biết, đến ngày 14 tháng Tư, quân đội Bắc Việt đã đưa quân lên tới cấp sư đoàn bao vây căn cứ Dak Seang. Trận tấn công chắc chắn sẽ xẩy ra.
        Một cao điểm chiến thuật trong khu vực là một căn cứ phòng thủ đêm, có tên là bãi đáp Cam (LZ Orange). Bãi đáp này là điểm duy nhất trống trải, giữa một vùng rừng núi, cây cối rậm rạp. Nó cũng là điểm cao nhất trong khu vực, từ bãi đáp Cam có thể nhìn thấy trại LLĐB Dak Seang rất rõ, một cao điểm rất tốt để theo dõi trận đánh sắp xẩy ra. Quân đội VNCH đã quyết tâm chiếm cao điểm chiến lược này bằng mọi giá.
        Theo lệnh hành quân, phi đoàn trực thăng 170 sẽ được phi đội trực thăng võ trang Buccaneer yểm trợ để đưa tiểu đoàn 3 trung đoàn 42 Bộ Binh VNCH vào vùng hành quân. Tiểu đoàn 3/42 sẽ có hai nhiệm vụ, thứ nhất phải chiếm cao điểm, bãi đáp Cam. Thứ hai, trường hợp trại LLĐB Dak Seang bị vây hãm, tiểu đoàn sẽ phải “xuống núi”, tấn công xuyên qua lớp địch quân bao vây trại để vào tăng cường cho quân trú phòng Dân Sự Chiến Đấu trong căn cứ.
        Bốn giờ rưỡi sáng ngày 15 tháng Tư, trực thăng Hoa Kỳ đậu thành hàng dài trong phi trường Kontum. Các phi công, phi hành đoàn, chuyên viên cơ khí, vũ khí bận rộn chuẩn bị cho cuộc đổ quân. Khi ánh mặt trời lên cao cũng là giờ cất cánh đem theo các “hành khách” Việt Nam thuộc tiểu đoàn 3/42 bộ binh. Đoàn trực thăng đổ quân cùng với các trực thăng võ trang bau theo, trực chỉ bãi đáp Cam trong khu vực trại LLĐB Dak Seang.
        Khi gần đến bãi đáp, các phi công nhận ra rất rõ, đó là đỉnh đồi trọc với mầu đất đỏ nổi bật lên giữa mầu xanh của núi rừng, trong khi phi hành đoàn cùng với các trực thăng võ trang xem xét lại vũ khí, ổ hỏa tiễn.
        Sĩ quan phi hành Alan Hoffman, phi tuần trưởng bay chiếc trực thăng dẫn đầu vào bãi đáp, không gặp một trở ngại nào. Hạ Sĩ A. Bivens, Trung Sĩ Rosindo Montana ngồi ngay cửa máy bay, nhẩy xuống trước theo sau là sáu binh sĩ Việt Nam, tiểu đoàn 3/42. Montana mang máy truyền tin chạy ra một triền núi, nấp vào một hố bom, Bivens chạy theo sau anh ta. Hai quân nhân Hoa Kỳ này thuộc toán trinh sát, tiểu đoàn 52 Không Chiến (Aviation batallion), họ “đi nhờ” chuyến đổ quân Việt Nam, và có nhiệm vụ riêng. Lúc đó là 6 giờ 15 phút sáng.
        Khi hai quân nhân Hoa Kỳ đã vào vị trí, chiếc trực thăng thứ hai chở tám binh sĩ Việt Nam bay đến bãi đáp. Chiếc này do một phi công kinh nghiệm điều khiển Albert J. Barthelme Jr., phi công phụ là Roger A. Miller, anh ta mới đến Việt Nam được hai tuần và đây cũng là phi vụ thứ hai của anh ta. Người xạ thủ đại liên là Vincent S. Davies, đã gần hết thời gian phục vụ tại Việt Nam, và người trưởng toán là Donald C. Summers, một cựu Biệt Động Quân (Hoa Kỳ), đã phục vụ hai tours và đang xin thêm lần thứ ba. Cũng như chiếc đầu vào bãi đáp, chiếc thứ hai cũng không thấy trở ngại. Hạ Sĩ Bivens đưa cánh tay lên ra hiệu cho chiếc trực thăng đáp xuống, trong khi Trung Sĩ Montana liên lạc bằng máy truyền tin. Trên chiếc trực thăng, Miller cho chiếc máy bay bay vào chỉ còn cách bãi đáp 50 bộ (feet). Đúng lúc đó lính Bắc Việt khai hỏa.
        Loạt đạn đầu tiên trúng Trung Sĩ Montana làm anh ta khụyu xuống, lên tiếng báo động lần cuối cùng rằng, địch quân khai hỏa từ hai bên, trái phải bãi đáp. Vừa nói xong, Montana trứng thêm một loạt đạn nữa gục xuống chết.
        Bivens vội vàng nhẩy xuống hố bom, đưa súng ra ngoài miệng hố bắn xuống. Chỉ trong vòng một phút đồng hồ, anh ta hết đạn. Sáu binh sĩ Việt Nam chạy đến nấp sau một hố bom khác, vẫn chưa thấy họ bắn trả lại quân Bắc Việt.
        Trên chiếc trực thăng, Summers trúng hai viên đạn, vẫn cố gắng nắm chặt khẩu đại liên M-60 gắn trên trực thăng, bắn trả đũa. Chiếc trực thăng cũng trúng đạn, lắc lư nghiêng qua bên trái, bên phải rồi rơi xuống ngọn đồi. Summers bị mấy xác chết binh sĩ Việt Nam đè lên, Vincent Davies bỏ chạy ra kỏi chiếc trực thăng trước.
        Trên chiếc trực thăng thứ nhất, phi công Hoffman nghe báo cáo chuyện xẩy ra nơi bãi đáp Cam, anh ta bay vòng trở lại đáp xuống bên cạnh chiếc trực thăng trúng đạn. Hoffman trông thấy phi công trưởng Al Barthelme đang bị trở ngại tháo dây an toàn cột anh ta vào ghế phi công. Phi công phụ Roger Miller đang chui ra khỏi máy bay báo cáo tất cả quân nhân Hoa Kỳ đều sống sót. Đủ loại súng nổ trên bãi đáp ngăn cản những trực thăng khác đáp xuống bãi và Hoffman phải cất cánh bay lên.
        Thật may mắn, cả hai viên phi công đều không bị thương khi chiếc trực thăng rơi xuống đất. Al Barthelmer chui ra khỏi máy bay chạy trước, Miller chui ra sau. Trong khi đó Bivens vẫn nấp dưới hố bom tránh đạn và anh chàng đã bắn hết số đạn đem theo.
        Khi trông thấy chiếc máy bay bị rơi, Bivens nhẩy ra khỏi hố bom, chạy lại cứu. Đúng lúc đó phi công trưởng Barthelmer trúng đạn vào lưng, Miller phải lôi anh ta kéo xuống, nấp đằng sau chiếc trực thăng. Người xạ thủ đại liên Davies cũng chạy lại, mấy quân nhân Hoa Kỳ nằm thủ bên cạnh hố bom có mấy quân nhân Việt Nam nằm thủ bên trong.
        Bivens chui vào bên trong trực thăng, đúng lúc Summers đang đẩy xác chết “hành khách” Việt Nam qua một bên để ngoi lên. Bivens đưa tay lôi anh ta lên, dìu ra khỏi chiếc trực thăng. Sau khi nhận định tình hình, năm quân nhân Hoa Kỳ: Bathelme (bị thương), Summers (bị thương), Miller (bị thương nhẹ, vẫn còn chiến đấu được), chỉ có Bivens và Davies không bị thương. Ngọn đồi này (bãi đáp Cam) đã bị quân Bắc Việt lên chiếm đóng trước, bố trí trong các công sự chiến đấu.
        Khẩu đại liên M-60 trên trực thăng vẫn còn xử dụng được. Súng đạn các binh sĩ Việt Nam tử thương văng vương vãi trên mặt đất. Bivens đưa cho Summers hai quả lựu đạn, leo trở lại chiếc trực thăng, dùng khẩu đại liên M-60 bắn trả lại địch quân. Lúc đó, sáu quân nhân Việt Nam chạy theo triền đồi, vào trong rừng, bỏ lại năm quân nhân Hoa Kỳ cùng với một xác chết của Trung Sĩ (Montana). Sau đó Bivens chạy tới chỗ Montana nằm chết định lấy máy truyền tin để liên lạc, nhưng máy truyền tin cũng ăn đạn không xử dụng được. Bivens quay trở lại thủ khẩu đại liên trên trực thăng.
        Trong khi năm quân nhân Hoa Kỳ kẹt dưới đất, các trực thăng võ trang Cobras bay vòng trên đầu bắn xuống hỏa tiễn cùng với khẩu minigun sáu nòng. Được các trực thăng võ trang yểm trợ, hai trực thăng khác bay vào bãi đáp để đổ quân tiểu đoàn 3/42. Chiếc đầu tiên vào do phi công Don Johnson lái, trúng đạn. Đạn bay xuyên qua kính trước phi cơ, trúng vào áo giáp, viên khác trúng quả lựu đạn khói mà phi công thường đem theo để dùng trong trường hợp khẩn cấp. 
        Trong phi cơ, khói vàng tỏa ra lan tràn đầy phi cơ. Chiếc trực thăng trúng đạn vào nhiều chỗ, đảo qua hướng khác, muốn rơi xuống thung lũng. Trung Úy phi công phụ Larry Leonard cầm cần điều khiển phi cơ lấy lại được thăng bằng rồi bay về đáp khẩn cấp ở Dak To.
        Chiếc thứ hai cũng không may mắn gì hơn, trúng đạn, vội đổi hướng bay về Dak To. Trên bầu trời, Đại Úy Gary Knight, phi tuần trưởng trực thăng võ trang Buccaneer nhìn hai chiếc trực thăng đổ quân bay lết về Dak To. Nhận thấy bãi đáp Cam quá nóng (hot, nguy hiểm), ông ta quyết định hủy bỏ chuyến đổ quân. Đoàn trực thăng Hoa Kỳ bay trở về Kontum thả “hành khách” 3/42 xuống phi trường, lấy thêm xăng rồi bay về Pleiku. Trong khi đó, mấy trực thăng khác đang trên đường đến bãi đáp Cam để cứu phi hành đoàn chiếc trực thăng bị rớt.
        Lúc đó khoảng 9 giờ sáng, hai trực thăng (chở toán biệt kích), cùng các trực thăng võ trang Cobra khác trong phi đoàn 361st Báo Hồng (Pink Panther) trên đường bay về Dak To, sau khi thả toán biệt kích thuộc Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (SOG). Đoàn trực thăng “biệt kích” được một trực thăng khác cho biết về chiếc trực thăng bị bắn rơi cùng với số phận phi hành đoàn kẹt nơi bãi đáp Cam.
        Sau khi đoàn trực thăng “biệt kích” đáp xuống Dak To (đơn vị SOG thiết lập căn cứ hành quân tiền phương FOB ở đây), hai phi công James Lake và William MacDonald chạy vào đơn vị SOG, yêu cầu cho họ đi cứu phi hành đoàn lâm nạn. MacDonald là bạn học với viên phi công lâm nạn Barthelme từ hồi học trung học. Cả hai cùng gia nhập quân đội và cùng học lái trực thăng. MacDonald giải thích thêm cho cấp chỉ huy, rằng không phải chỉ vì tình bạn, anh ta cùng với Barthelme là phi công trực thăng “làm việc” cho đơn vị SOG. Cấp chỉ huy SOG nơi căn cứ hành quân chấp thuận và ra lệnh cho hai trực thăng cấp cứu cùng với hai Cobra hộ tống đi cứu phi công Barthelme cùng với phi hành đoàn nơi bãi đáp Cam. Trước hết, Lake và MacDonald phải bay về Kontum để đón toán Brightlight (toán biệt kích này chuyên môn đi cứu tù binh, cấp cứu phi công bị bắn rơi, kể cả nơi miền Bắc). Toán biệt kích Brightlight sẽ chuẩn bị xong lúc 10 giờ sáng và đợi trong căn cứ SOG (B15, Kontum).
        Trong phi trường Pleiku, Đại Úy Knight phi tuần trưởng đoàn trực thăng võ trang được lệnh ở lại trong phi trường. Không lực Hoa Kỳ đã thông báo, phòng Tìm Kiếm và Cấp Cứu (SAR) đang lo chuyện cấp cứu phi hành đoàn nơi bãi đáp Cam.
        Trong lúc đó trên không phận bãi đáp Cam, viên phi công trưởng đoàn trực thăng đổ quân Hoffman vẫn bay vòng trên đầu cho những quân nhân Hoa Kỳ ở dưới yên tâm. Anh ta trông thấy một chiếc C-123 bay thấp, cửa sau đã mở ra rồi một nhân viên phi hành đạp xuống một kiện hàng lớn bên trong đựng máy truyền tin, vũ khí đạn dược, dụng cụ cấp cứu, thuốc men cho những người ở dưới. Không may, kiện hàng rơi ra ngoài, xuống thung lũng.
        Một trực thăng cấp cứu khác được hai chiếc Cobra hộ tống định “vào” bãi đáp nhưng bị phòng không của địch bắn lên tới tấp, cả ba trực thăng phải quay trở ra. Thêm ba trực thăng loại nhỏ OH6 LOH vào vùng. Họ không liên lạc hàng ngang nên Hoffman không biết họ là ai. Một chiếc “thử thời vận”, bay từ dưới thung lũng vòng lên. Chiếc này cũng ăn đạn, vội bay trở xuống thung lũng.
        Một trực thăng đơn độc, cất cánh từ Dak To chở theo một Trung Sĩ LLĐB (không biết danh tánh). Chiếc này bay vào để thả xuống viên Trung Sĩ LLĐB can đảm. Anh ta đem theo máy truyền tin để liên lạc với các đơn vị cấp cứu. Kết qủa, chiếc trực thăng trúng đạn nhiều nơi, viên Trung Sĩ LLĐB bị thương nặng, và hai phi hành đoàn trực thăng bị thương. Chiếc trực thăng phải bay trở về Dak To.
        Trong khi đó, tình hình dưới đất trong bãi đáp cũng không sáng sủa hơn. Summers thủ khẩu M-16 với bốn băng đạn, còn Bivens thủ khảu đại liên M-60 trên trực thăng. Mỗi khi có trực thăng bay ngang qua, tất cả đều đưa tay lên vẫy kể cả Al Barthelme, nằm ngửa trên mặt đất, đã bị thương nặng nơi ngực. Đến gần trưa, Al barthelme đã hết vẫy tay, máu ra nhiều, kiệt sức, nằm chờ chết.
        Quân Bắc Việt trên bãi đáp vẫn bắn về hướng Bivens và Summers, cố tình ngăn chặn những chuyến cấp cứu. Đến trưa, Summers đã xử dụng hết hai quả lựu đạn và bắn hết đạn khẩu M-16.
        Trong căn cứ hành quân của đơn vị SOG (B15, Kontum), Trung Sĩ Nhất Dennis Neal, trưởng toán biệt kích Montana, Trung Sĩ Nhất Michael V. Kuropas, trưởng toán biệt kích Vermont, tình nguyện tuyển chọn mấy binh sĩ người Thượng để đi cấp cứu (Các toán biệt kích SOG ngòai Đà Nẵng “CCN” và trên Kontum “CCC” có tên những tiểu bang ở Hoa Kỳ như Idaho, Alaska... Các toán SOG ở Ban Mê Thuột “CCS” có tên là những dụng cụ như Hammer, Sickle...). Trong phần thuyết trình, các trưởng toán biệt kích được cho biết, tình hình nơi bãi đáp Cam rất “xấu”, nguy hiểm. Có thể đó là nơi đặt bộ chỉ huy cấp sư đoàn của quân đội Bắc Việt, với hầm hố, công sự chiến đấu. Cả hai đều chấp nhận, cùng với mấy binh sĩ Thượng lên trực thăng do phi công MacDonald lái, bay về hướng trại LLĐB Dak Seang.
        Chiếc trực thăng chở toán biệt kích Brightlight đến không phận Dak Seang đúng lúc hai phản lực cơ Phantom từ Pleiku lên thả bom trên những ngọn đồi lân cận bãi đáp Cam. Trước đó đã có bốn khu trục cơ A-1 Skyraider thả bom Napalm. Ngoài ra có hai trực thăng khổng lồ Jolly Green thuộc phi đoàn cấp cứu 37 từ Đà Nẵng vào, đang trên đường tới bãi đáp Cam. Chiếc trực thăng bao vùng thông báo cho hai chiếc Jolly Green biết, bãi đáp rất “nóng”, không thể “vào” một cách bình thường. Tuy vậy hai chiếc trực thăng Jolly Green vẫn dàn đội hình hàng dọc bay vào mục tiêu.
        Jolly 27 là chiếc dẫn dầu do Đại Úy Travis Scott lái, phi công phụ là Thiếu Tá Travis Wofford, chuyên viên cơ phi là Jerold Hartzel, và chuyên viên thả dây cấp cứu L. E. Davis. Khi còn cách bãi đáp một phần tư dặm, Jolly 27 báo cáo bị bắn từ hướng mười một giờ, và hướng hai giờ. Vừa báo cáo xong, chiếc trực thăng bị trúng đạn hư hại hệ thống nước, rơi xuống một sườn đồi bốc cháy. Chiếc Jolly 29 bỏ mục tiêu bãi đáp Cam, xuống cứu phi hành đoàn chiếc Jolly 27. Họ lấy được xác Đại Úy Travis Scott, bị chết vì trúng đạn phòng không. Đem về được tất cả mọi người, cả ba người sống sót Wofford, Hartzel và Davis đều bị phỏng nặng. Sau đó Jerold Hartzel chết trong bệnh viện dã chiến 71 Hoa Kỳ. Chiếc trực thăng Jolly 29 quay trở về Pleiku, hết xử dụng được vì trúng đạn quá nhiều.
        Hai chiếc trực thăng của MacDonald, Lake cùng với toán biệt kích Brightlight bay thật cao trên không phận bãi đáp, chứng kiến cuộc giải cứu của đơn vị SAR (Jolly Green) thất bại. Thêm một trực thăng khác với phi hành đoàn mặc áo giáp và lót áo giáp dưới nêm ghế chống đạn bay vào bãi đáp, cũng bị bắn cháy động cơ, phải bay trở ra đáp khẩn xuống một khoảng đất trống về hướng đông nam và được một trực thăng khác đến cứu thoát phi hành đoàn.
        Qua sự liên lạc giữa các trực thăng, chưa ai nghĩ ra cách vượt qua màng lưới phòng không của địch để vào bãi đáp cứu phi hành đoàn lâm nạn. Vấn đề thời tiếp làm cho tình hình trở nên xấu hơn, mây đen kéo đến sẽ làm công việc cấp cứu phải đình lại. Lúc đó William (Bill) MacDonald thông báo mình sẽ bay vào.
        MacDonald lái chiếc trực thăng, ngồi bên cạnh anh ta là Tom Bennie. Sau khi thông báo cho toán biệt kích Neal, Kuropas mình sẽ bay vào, MacDonald cho trực thăng hạ thấp xuống, rơi thẳng đứng xuống thung lũng phiá dưới. Jim Lake, cùng với phi công phụ John Kenny bay theo. MacDonald điều khiển chiếc trực thăng bay dưới thung lũng rồi bất ngờ lấy lại cao độ bay đến bãi đáp. Ngay tức khắc, chiếc trực thăng trúng đạn phòng không và đủ loại đạn súng tay AK-47, B-40, tuy nhiên MacDonald vẫn lao vào bãi đáp và đáp xuống.
        Đằng sau lưng MacDonald, trong lòng chiếc trực thăng, toán biệt kích Brightlight, Neal, Kuropas, cùng binh sĩ Thượng đều nằm chết, đạn bắn xuyên qua thân chiếc trực thăng. Ngay tức khắc Summers, Miller và Davies chạy lại chiếc trực thăng, đằng sau lưng họ, một toán quân Bắc Việt cũng chui ra khỏi khu trú ẩn vừa bắn, vừa đuổi theo. Bivens bắn thêm một loạt đạn M-60 để cản địch quân lại rồi cũng chạy ra chiếc trực thăng thứ hai vừa đáp xuống.
        Trong lúc chạy ra trực thăng, Summers lãnh thêm hai viên đạn, một vào lưng, một vào chân trái. Davies cũng trúng nhiều viên đạn, nằm ngất đi trên sàn trực thăng, đạn trúng vào hàm, bàn tay và lưng. Miller may mắn không trúng đạn, anh ta đỡ Davies lên trực thăng rồi chạy lại nắm tay lôi Al Barthelme về phiá trực thăng. Summers lấy một khẩu M-16 từ một binh sĩ Thượng đã chết phụ với người xạ thủ đại liên bắn cản không cho địch quân xông ra chiếc trực thăng.
        MacDonald và Bennie vẫn bình tĩnh ngồi chờ cho mọi người lên trực thăng. Đạn AK-47 vẫn nổ dòn xuyên qua trực thăng làm Bennie trúng một loạt đạn vào cả hai chân. Trước khi hạ cánh, MacDonald nhìn đồng hồ vẫn còn 1100 cân Anh nhiên liệu (pounds), lúc đó đồng hồ báo chỉ còn lại 400, chiếc trực thăng đã trúng nhiều đạn, thủng bình xăng. MacDonald vẫn ráng chờ cho đến phút cuối, cho Lake biết anh ta phải rời bãi đáp, gần hết nhiên liệu để bay về và không còn điều khiển được cánh quạt đuôi (trúng đạn). Không còn cách nào hơn, viên phi công can đảm ngóc đầu chiếc trực thăng lên, cố gắng điều khiển chiếc trực thăng “bị thương” lết về trại LLĐB Dak Seang.
        Khi MacDonald cất cánh, Bivens vẫn còn tác xạ khẩu đại liên M-60 để cầm chân địch quân, Roger Miller vẫn chưa ra kịp trực thăng, kẹt lại dưới đất. Trong lòng chiếc trực thăng, Davies nằm bất tỉnh, Summer ngồi cạnh trưởng toán biệt kích Brightlight, chợt nhận ra người bạn Neal, Summers cố gắng làm cho Neal sống lại nhưng đã trễ.
        Lake lái trực thăng bay theo MacDonald về hướng trại LLĐB Dak Seang, họ không biết căn cứ đã bị địch bao vây. Hai chiếc trực thăng vừa đáp xuống, đạn ở đâu bắn xối xả vào hai chiếc trực thăng. Neal trông thấy, người xạ thủ khẩu đại liên M-60 trúng đạn rơi ra ngoài. Đạn bay tới tấp đập vào kính trước chiếc trực thăng, lính chính quy Bắc Việt dàn hàng ngang đang tiến tới, chỉ còn cách hai chiếc trực thăng khoảng 100 thước.
        Summers một cựu Biệt Động Quân Hoa Kỳ, lúc đó đã ăn mấy viên đạn vào người, nhẩy ra khỏi chiếc trực thăng, chạy ra nấp phiá sau. John Kemper, một quân nhân LLĐB đang phục vụ lần tour thứ ba la lớn gọi Summers chạy lại chiếc trực thăng thứ hai (do phi công Lake lái). Sau đó Kemper chạy lại chiếc trực thăng của McDonald vác Davies lên vai chạy về chiếc trực thăng của phi công Lake.
        Trên chiếc trực thăng MacDonald cùng với phi công phụ chui ra khỏi phi cơ rồi lăn xuống mộ hố chiến đấu của trại LLĐB. Nhận thức rằng, trực thăng mình đầy người bị thương, Lake vội vàng cất cánh rời Dak Seang bay thẳng về bệnh viện dã chiến 71 ở Pleiku. Ra khỏi hỏa ngục Dak Seang, Lake quay lại nhìn những người bị thương, anh ta ngạc nhiên không thấy Al Barthelme, Summers buồn bã trả lời, Barthelme đã chết, Bivens và Miller vẫn còn kẹt trên bãi đáp Cam.
        Đến bệnh viện 71, sau khi các binh sĩ bị thương đã được y tá chăm sóc, viên phi công Lake nhất quyết không bỏ bạn bè, bay trở lại bãi đáp Cam. Anh ta nhất định đi cứu Bivens, Miller và đem xác Barthelme về. Khi chiếc trực thăng đến Dak Seang, trời bắt đầu xập tối trong vùng đồi núi, Lake buộc lòng phải bay về Kontum.
        Miller bị bắt sống, đưa ra ngoài bắc, cuối cùng được trả tự do trong dịp trao đổi tù binh (Home Coming) trong tháng Ba năm 1973. Anh ta kể lại rằng, đêm đó cả hai người, anh ta và Bivens vẫn còn sống trên bãi đáp Cam. Đến sáng hôm sau ngày 16 tháng Tư, hai người tìm cách trốn về phiá có quân đội đồng minh chẳng may bị một toán tuần tiểu Bắc Việt bắt. Miller nói thêm, Bivens đã bị thương vào ngực. Khi bị bắt, cả hai đều được y tá trong quân đội Bắc Việt băng bó. Khoảng bốn hôm sau, sĩ quan Bắc Việt cho biết Bivens đã chết vì vết thương quá nặng.
        Ngày 29 tháng Tư năm 1970, một toán tìm kiếm quân nhân mất tích Hoa Kỳ vào đến bãi đáp Cam, đem về được xác Barthelme và Montana. Herndon Bivens đã mất tích hơn 20 năm vẫn chưa tìm ra xác. Tên của anh ta cũng không có trong danh sách tù binh của Henry Kissinger.
Dallas, Texas. 
vđh

No comments:

Post a Comment