JULIET-NINE, ATTOPEU LÀO
Garry S. Higgins
Sĩ quan hành quân (S-3), tình báo tác chiến (S-2) thuyết trình hôm 19 tháng Mười Hai năm 1968, trên căn cứ hành quân tiền phương (FOB-2) Kontum, phác họa ra một số mục tiêu cho các toán biệt kích SOG xâm nhập, dò thám: T-7 “Ban Blade”, J-3 “Little June”, I-6 “Hip Shot”. Nhiệm vụ cho ngày hôm đó là đưa một toán biệt kích SOG 9 người, xâm nhập mục tiêu H-6. Toán biệt kích sẽ mang danh hiệu “Little John”.
Sau khi toán biệt kích xâm nhập, báo cáo về là khu vực hành quân an toàn. Phi đoàn trực thăng võ trang 361 “Con Báo” (Panther) được lệnh bay đến mục tiêu Juliet-Nine phá xập một chiếc cầu gỗ trên đường 96. Chiếc cầu này được ngụy trang rất khéo, phi cơ thám thính “Covey” (FAC) không thể nhận ra. Chiếc cầu dài khoảng 30 thước, bắc ngang sông Dak Xou, cách “The Bra”, nơi giòng sông uốn quanh khoảng 300 thước về hướng tây.
“The Bra” rất quen thuộc với phi công và các toán biệt kích trong đơn vị SOG. Vì điạ hình đặc biệt, trông rất rõ từ trên không, các phi công thường dùng “The Bra” để định hướng, khi bay trên những cánh rừng mênh mông trên đất Lào. Thêm vào nữa, khu vực này khuyến cáo các phi công, cũng như biệt kích phải cẩn thận, “The Bra” là một điểm nóng trên hệ thống đường mòn HCM, có nhiều hoạt động của quân đội Bắc Việt.
Toán biệt kích SOG xâm nhập vào mới khám phá ra chiếc cầu gỗ, ngụy trang rất kín đáo dưới những tàng cây cao. Nằm cách vị trí (con đường) chính để băng qua sông chừng 200 thước về hướng bắc. Con đường chính băng qua sông là những lớp đá, bê tông, sắt đặt ngầm dưới mặt nước phi cơ quan sát không thể trông thấy được.
Đường 96, trước đó là một trong những con đường chính ở bên Lào nhưng sau này trở thành một phần trong xa lộ “Bắc-Nam” nối vào hệ thống đường mòn HCM. Đường 96 hiện ra rất rõ trên bản đồ, cũng như được nhìn thấy từ trên không, nên bị Không Quân Hoa Kỳ thả bom thường xuyên. Nhưng lại được sửa chữa (lấp hố bom) nhanh chóng cho những đoàn xe vận tải Molotova chở quân đội Bắc Việt cùng với đồ trang bị tiếp vận vào miền nam. Họ thường di chuyển ban đêm để tránh bị phi cơ oanh kích. Đường 96 đến giòng sông Dak Xou, tẻ ra nhánh đường 110, uốn quanh theo “The Bra”, đâm vào vùng cao nguyên, nam Việt Nam.
Phi đoàn 361 trực thăng đã làm việc hàng ngày với đơn vị SOG từ tháng Chín năm 1968 và đã quen với nhiệm vụ hành quân. Sau khi thả toán biệt kích xâm nhập, các phi công “Panther” bay tìm xe cộ của địch đang di chuyển trên đường, bãi đậu xe, thuyền bè di chuyển trên sông để tấn công. Trước đó một tháng tháng Mười Một), cà hai phi đoàn trực thăng 361 và 57 đã bay những phi vụ khó khăn nơi phiá bắc mục tiêu “The Bra”.
Cả hai phi đoàn 361 “Panther” và 170 “Bikini” đều rơi một trực thăng ngày 1 tháng Mười Hai. Ngày hôm đó sau trận B-52 thả bom trên binh trạm 37, BCH Tiếp Vận của địch gần chiếc cầu trên đường 96, trực thăng thuộc hai phi đoàn 361 và 170 đưa một toán biệt kích vào thám sát khu vực đánh bom. Khi còn cách mục tiêu khoảng nửa dặm, các trực thăng hạ thấp cao độ bay trong đám bụi khói, hoang tàn đổ nát do B-52 gây ra, súng phòng không của địch bắn lên trúng trực thăng chở quân (Slick, phi đoàn 170), trong khi toán biệt kích SOG vẫn còn trên trực thăng. Chiếc “slick” phải đáp khẩn cấp xuống nơi hướng bắc cách mục tiêu chưa đến một cây số, và về bên trái con đường chính khoảng 75 thước.
Hai trực thăng võ trang “Panther” bao vùng tấn công mấy ổ súng phòng không của địch để cho chiếc “slick” (chase, bay theo dự trù) bay vào cứu phi hành đoàn cùng toán biệt kích. Chiếc trực thăng võ trang dẫn đầu (chính, chỉ huy) do đại úy Harold Goldman lái và chuẩn úy Mark Clotfelter ngồi ghế phụ, trúng đạn đại liên phòng không 12.7 ly rơi xuống đất. Sau khi cứu được phi hành đoàn chiếc “slick” cùng toán biệt kích, tai tôi nghe những tiếng “bíp”, tín hiệu cấp cứu của đại úy Goldman đánh đi. Tôi bay dò theo tiếng tín hiệu cấp cứu, đúng lúc trông thấy đại úy Goldman cùng chuẩn úy Clotfelter được một chiếc “slick” đáp xuống đám cỏ tranh cứu thoát. Chiếc trực thăng võ trang Cobra còn lại có nhiệm vụ bắn tiêu hủy chiếc Cobra bị rơi, trước khi hộ tống mấy chiếc “slick” bay về căn cứ hành quân tiền phương Dak To.
Sau khi thả toán biệt kích “Little John” êm xuôi., toán biệt kích báo cáo “OK”, phi cơ quan sát FAC “Covey” cũng cho biết cả ba toán biệt kích đang hoạt động đều êm xuôi, cho lệnh chúng tôi bay đến tấn công mục tiêu thứ hai, chiếc cầu gỗ bắc qua sông Dak Xou. Ngoài hai chiếc Cobra (phi đoàn 361), có thêm một Huey “Bikini 29” (phi đoàn 170) bay theo, đề phòng trường hợp cấp cứu. Chúng tôi bay thấp, theo đường 96 lên hướng bắc, ngang qua những khu rừng bị bom tàn phá đến mục tiêu.
Bay với cao độ thấp, chúng tôi nhìn rõ chiếc cầu gỗ nằm dưới những tàng cây lớn. Tua (tour, pass) đầu tiên, chúng tôi đánh xập một chân cầu. Đến tua thứ hai, khi tôi chúi mũi chiếc trực thăng xuống, nghe tiếng súng tiểu liên bắn lên, có lẽ do lính gác cầu. Chiếc Cobra thứ hai do trung úy Paul Renner ngồi ghế phi công, báo cho tôi biết bẻ cua gắt, bay ra khỏi mục tiêu. Tiếp theo, là hàng loạt súng đủ loại bắn lên, trong đó có cả phòng không 12.7 ly và 37 ly. Cả trăm lính Bắc Việt từ trong đám cỏ tranh đứng dậy chiả súng AK-47 bắn lên trực thăng.
Khi tôi lấy cao độ, vòng lại chứng kiến chiếc Cobra của Paul Renner chúi xuống bắn hỏa tiễn, lính Bắc Việt vừa chạy vừa bắn khắp nơi trong bãi cỏ tranh. Chiếc Cobra trúng đạn, tiếp tục đi xuống, cánh quạt trực thăng chém mạnh vào mặt đất, gẫy văng ra chỗ khác. Tôi điều khiển chiếc trực thăng bay thấp để tránh đạn phòng không, trong khi phi công phụ Mark khai hỏa khẩu đại bác 40 ly xung quanh chiếc Cobra bị rơi của Paul và Ben. Tôi gọi chiếc “slick” trên hệ thống truyền tin, hy vọng có người nghe được “Bikini 29, đây Panther 16, chúng tôi có một chiếc bị rớt trong khu vực ‘Bra’, cần được tiếp cứu”. Và được phi công lái chiếc “slick” Ken Harper trả lời ngay tức khắc “Roger đang vào”.
Tôi vẫn phải tiếp tục bay vòng, bắn xung quanh chiếc Cobra bị rơi, ngăn ngừa lính Bắc Việt đang hò hét tiến đến chỗ chiếc trực thăng. Trong bãi cỏ tranh, Paul đang cố gắng lôi viên phi cộng phụ Ben ra khỏi chiếc trực thăng, rồi chiếc “slick” bay thật nhanh vào đáp bên cạnh, cứu cả hai viên phi công chiếc Cobra. Chiếc Cobra của tôi cũng trúng đạn, lúc đó hệ thống điện bị hỏng, không còn liên lạc được nữa.
Về đến căn cứ hành quân tiền phương Dak To, leo ra khỏi chiếc trực thăng, tôi trông thấy một lỗ đạn to khoảng 6 inches. Như vậy địch có đại liên phòng không 12.7 ly trong khu vực chiếc cầu gỗ. Nhìn xung quanh, chiếc “Bikini 29” đáp ngay trước ban Quân Y, không thấy Ben (phi công phụ của Paul), tôi nghĩ chắc có chuyện... lớn.
Tôi vào trong hầm Quân Y, tình trạng của Ben nguy kịch, bộ quần áo phi công của Paul dính đầy máu, kiệt sức. Bốn người gồm có bác sĩ, y tá xúm lại xung quanh Ben, cố gắng đủ mọi cách để cứu sống Ben... Đến lượt chúng tôi đứng xung quanh Ben, người buồn nhất có lẽ là Paul, đã mất biết bao sức lực để mong cứu sống người bạn. Sau đó, tôi với cương vị phi công trưởng phi tuần, đi theo một nhân viên y tá... làm những thủ tục cuối cùng cho Ben, nhân diện, nhận những vật dụng cá nhân của Ben, để trả về cho gia đình anh... Nước mắt tôi tuôn ra, khó khăn mới ký xong mấy thứ giấy tờ cho Ben.
Khi chúng tôi ra khỏi hầm quân y, một đám đông đang bu quanh, xem xét chiếc Cobra trúng đạn, họ xầm xì bàn tán... Ben Ide mới xin đổi đến phi đoàn 361 Cobra được hai tuần, từ một đơn vị trực thăng Lục Quân, vẫn còn đang hoạt động trong khu vực Tân Cảnh, Dak To. Tánh tình Ben dễ thương, có nhiều bạn... Tôi định bước đi, bỗng một viên phi công cùng đơn vị cũ với Ben chạy lại hỏi tôi... Những điều bàn tán xôn xao có đúng không? Ben có bị nặng lắm không? Nhưng nhìn qua khuôn mặt của ba chúng tôi, chắc anh ta cũng hiểu...
Ngồi trên sàn chiếc “Bikini”, là hành khách đuợc đưa trở về căn cứ trong phi trường Holloway, Pleiku, nỗi buồn mới thấm thiá. Lúc ra đi bốn phi công trên hai trực thăng tấn công Cobras, lúc trở về chỉ còn ba người và phải đi “ké” trực thăng. Chúng tôi, ngồi lặng lẽ, không ai buồn lên tiếng, dầu chỉ một lời... Chúng tôi phải cám ơn phi công chiếc “slick” này, nếu không, sẽ không một ai quay trở về.
Phi công “slick” thả ba đứa tôi xuống trước bộ chỉ huy phi đoàn 361. Bạn bè trong đơn vị đã chờ sẵn, bước lại an ủi, dẫn đầu là thiếu tá Robert “Jim” Rogers, cấp chỉ huy của chúng tôi, một người đáng kính phục, sẵn sàng “sống chết” với đàn em, thuộc cấp. Tôi đứng cách đám đông khoảng ba thước, với giọng nói nghẹn ngào, báo cáo về nhiệm vụ, chuyện xẩy ra cho hai chiếc Cobras, chuyện xẩy ra cho Ben... Thiếu tá Rogers lúc nào cũng hiểu, bao che cho đàn em, ông ta hiểu những chuyện xẩy ra trên chiến trường, rất nhanh chóng... không điều khiển được. Sự ra đi của Ben là điều... nặng nề nhất trong tim mọi người. Tiếp lời tôi, thiếu tá Rogers cũng bằng gịong nói buồn, nhỏ nhẹ, chậm chạp, ông ta nói rằng trong chiến tranh... phải chấp nhận sự mất mát... Đó là những điều chúng ta chẳng làm gì được hơn.
Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ lại những chuyện xẩy ra hôm đó, thương tiếc Ben và thầm cảm ơn thiếu tá Rogers, cấp chỉ huy của tôi, rất bao dung, tử tế, rộng lượng đối với đàn em. Đó là những tổn thất trong chiến tranh, Ben là một trong những người đầu tiên ra đi, sau đó còn nhiều nữa. Mark và tôi lại có dịp... ngồi trên sàn trực thăng “slick” trong tháng Giêng sắp tới, nhưng đó là câu chuyện khác. Có rất nhiều bài học cay đắng và thiếu tá Rogers lại phải an ủi, động viên tinh thần tôi trước sự... ra đi của phi công phụ Mark Clotfelter, và Michael Mahowald trong tháng Bẩy. Dallas, TX.
vđh
No comments:
Post a Comment