Monday, April 25, 2011

THE UNCONVENTIONAL WARFARE / CHIẾN TRANH NGOẠI LỆ


CHIẾN TRANH NGOẠI LỆ

        Với sự thành lập các đơn vị Du Kích Lưu Động, Hành Quân Sigma và Omega, trong khoảng thời gian từ tháng Tám đến tháng Mười năm 1966, khả năng về “Chiến Tranh Ngoại Lệ” của Lực Lượng Đặc Biệt gia tăng. Một trong những đặc tính cơ bản của LLĐB là khả năng mở những cuộc hành quân ngắn hay dài hạn trong vùng địch quân kiểm soát.

        Đó là những đóng góp của LLĐB trong cuộc chiến tại Việt Nam. Những phương thức về Chiến Tranh Ngoại Lệ được soạn thảo và thực hành nhằm đáp ứng ba nhiệm vụ: thâu thập tin tức tình báo tác chiến, ngăn chặn phá hoại đường tiếp vận của địch vào miền nam Việt Nam, và tìm kiếm thâu hồi các quân nhân Hoa Kỳ và Đồng Minh mất tích trong vùng Đông Nam Á.

        Hai loại hành quân đặc biệt thường được xử dụng trong Chiến Tranh Ngoại Lệ là những cuộc hành quân biệt kích xâm nhập vào khu vực hoạt động để lấy tin tức về đơn vị địch (quân số, hỏa lực, v.v...). Loại hành quân đặc biệt thứ hai là tổ chức những đơn vị Du Kích Lưu Động hoạt động trong lòng địch để phá hoại, gây tình trạng bất an cho địch quân.

        Cả hai loại hành quân đặc biệt trên đều dựa trên nền tảng, huấn luyện kỹ càng, tổ chức và yểm trợ hiệu quả, binh sĩ là những người điạ phương, sẽ đem về những kết qủa tốt nhất. Chẳng hạn như, đánh dấu vị trí quân địch, căn cứ, binh trạm, và những kho tiếp vận. Những đơn vị đặc biệt này cần có người Hoa Kỳ làm cố vấn, trợ giúp và yểm trợ hành chánh, tiếp vận. Thí dụ như trong chương trình phát triển lực lượng Dân Sự Chiến Đấu, tất cả mọi cuộc hành quân đặc biệt đều nằm trong khuôn khổ đó (DSCĐ, xử dụng người điạ phương).

        Đơn vị Du Kích Lưu Động được thành lập vào mùa Thu năm 1966, được thay đổi, xắp xếp lại từ phương thức tổ chức các đơn vị Xung Kích Lưu Động (Mike Force). Những đơn vị Du Kích Lưu Động được tổ chức, huấn luyện, trang bị để có thể hoạt động trong những khu vực mà trước đây địch quân (VC, quân đội Bắc Việt) coi như Thiên Đàng. Thường những khu vực này chưa từng bị quân đội Đồng Minh càn quét hay cho biệt kích xâm nhập, dò thám.

        Là đơn vị du kích, lưu động, binh sĩ trong đơn vị này sẽ xâm nhập vào ngăn chặn đường tiếp vận, chuyển quân của địch. Tổ chức dò thám, tìm kiếm các đơn vị, các nơi đóng quân cùng với tin tức về hướng di chuyển của địch. Khi khám phá ra một binh trạm của địch, đơn vị du kích lưu động sẽ tìm cách tấn công tiêu diệt hoặc quấy rối nếu quân số của địch quá đông và phòng thủ chắc chắn. Phá hoại đường giao liên, liên lạc, đường mòn di chuyển của địch bằng cách đặt mìn, tổ chức những cuộc phục kích. Trường hợp đơn vị du kích lưu động khám phá ra nhà kho, cơ sở tiếp liệu, họ sẽ phá hoại hoặc chỉ điểm cho phi cơ oanh kích.

        Đơn vị du kích lưu động được đưa vào khu vực xâm nhập bằng mọi phương tiện. Khi đã vào trong vùng địch kiểm soát, họ xử dụng du kích chiến, phá hoại và luôn di động, không đóng quân tại một vị trí cố định. Các đơn vị này có thể hoạt động trong vùng địch khoảng từ một đến hai tháng, mọi vấn đề tiếp tế sẽ được đem vào bằng phương tiện trực thăng hoặc thả dù. Không như các đơn vị chính quy, Du Kích Lưu Động được hoàn toàn tự do hoạt động trong vùng địch để đạt hiệu qủa tốt nhất. Khi vào vùng hành quân, họ trở thành những “chủ nhân ông” của khu rừng, kể cả vấn đề không trợ (làm theo yêu cầu của họ).

        Sự khác biệt giữa Du Kích Lưu Động (MGF) và Xung Kích Lưu Động (MSF, Mike Force) ở chỗ, đơn vị du kích lưu động hoàn toàn do quân Mũ Xanh Hoa Kỳ chỉ huy, đặt dưới quyền chỉ huy của một toán A LLĐB/HK. Trong khi đó các đơn vị Xung Kích Mike Force được chỉ huy hỗn hợp LLĐB Việt-Mỹ từ tháng Mười Hai năm 1966. Du kích lưu động hoàn toàn hoạt động biệt lập trong khu vực trách nhiệm, không được sự yểm trợ hoặc tiếp viện của đơn vị bạn.

        Du Kích Lưu Động được tổ chức tương tự như đơn vị Xung Kích Mike Force, được tăng cường thêm một trung đội viễn thám 34 người. Cấp đại đội du kích lưu động không có trung đội súng nặng, chỉ có mấy khẩu đại liên M-60. Thường, trung đội viễn thám được đưa vào khu vực hoạt động trước để dò thám, thâu thập tin tức và tìm vị trí thuận tiện để nhận đồ tiếp tế. Để giữ bí mật cho đơn vị du kích lưu động, những đồ tiếp tế được cho vào vỏ qủa bom 500 cân Anh và được phi cơ chiến đấu A1-E Skyraider thả xuống trong một phi vụ oanh kích giả.

        Song song với việc thành lập những đơn vị du kích lưu động cho mỗi vùng chiến thuật, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của các bộ chỉ huy C (C1, C2, C3, C4), liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ tổ chức thêm Hành Quân (Chương Trình) Omega và Sigma. Hai chương trình này có nhiệm vụ hành quân biệt kích xâm nhập, để thâu thập tin tức tình báo tác chiến, cũng như chương trình Delta đã được thành lập từ trước. Mỗi chương trình có vào khoảng 600 quân biệt kích, cùng với bộ chỉ huy, biến cải từ bộ chỉ huy B LLĐB. Mỗi chương trình gồm có một đơn vị “Thám sát” gồm các toán biệt kích và một đơn vị xung kích tiếp ứng.

        Cả ba chương trình Delta, Sigma, Omega đều được tổ chức tương tự như nhau, tuy vẫn có vài nét đặc biệt riêng của mỗi chương trình. Hành quân Delta đặt dưới sự chỉ huy hỗn hợp LLĐB Việt-Mỹ, là một đơn vị “tổng trừ bị”, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Viện (MACV) và Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH. Và được tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù Việt Nam làm đơn vị xung kích, tiếp ứng. Hành quân Omega và Sigma hoàn toàn do LLĐB/HK đảm trách và chỉ chịu trách nhiệm hành quân ngoài vùng 1 (Omega) và vùng 2 (Sigma) chiến thuật và xử dụng lực lượng Dân Sự Tiếp Ứng làm đơn vị xung kích, tiếp ứng.

        Phần dưới đây lấy ra từ bài thuyết trình của một vị chỉ huy trưởng liên đoàn 5 LLĐB/HK về các hoạt động trong hành quân Delta, Omega, và Sigma trong khoảng thời gian từ tháng Sáu 1966 đến tháng sáu 1967.

        Hành quân Omega (Bộ chỉ huy B-50) và Sigma (B-56) trực thuộc hành quân trên vùng 1 và vùng 2 chiến thuật. Do LLĐB/HK chỉ huy, và có nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu (tình báo tác chiến) của vị tư lệnh quân đoàn. Mỗi bộ chỉ huy có 8 toán biệt kích “chạy đường mòn” (Road runner), gồm bốn binh sĩ Việt Nam trong mỗi toán, và 8 toán biệt kích xâm nhập, mỗi toán có hai quân nhân Mũ Xanh Hoa kỳ và bốn binh sĩ Việt Nam (có thể là người Thuợng, hoặc sắc tộc thiểu số). Các toán biệt kích “chạy đường mòn” có nhiệm vụ dò thám hệ thống đường mòn của địch, các toán biệt kích xâm nhập vào khu vực hành quân đã được ấn định trước, dò thám, lấy tin tức về địch, như chuyển quân, binh trạm, và điạ thế trong khu vực.

        Để tiếp ứng (lực lượng trừ bị) cho các toán biệt kích, mỗi bộ chỉ huy có ba đại đội xung kích Mike Force. Những đại đội này được xử dụng trong trường hợp khẩn cấp để cứu nguy, triệt xuất toán biệt kích hoặc trong những hành quân cấp đơn vị.

        Mặc dầu mới hoạt động được chín tháng, những đơn vị này đã thâu thập được nhiều tin tức quan trọng, có giá trị về vị trí các đơn vị địch, các cuộc chuyển quân và hệ thống đường mòn, giao thông liên lạc. Họ đã trông thấy (khám phá) nhiều nơi có sự hiện diện của địch, từ cấp tiểu đội cho đến cấp tiểu đoàn. Khi phát hiện ra địch quân, toán biệt kích có thể gọi không trợ để tiêu diệt địch, nếu điều kiện cho phép.

        Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, là kể từ khi được thành lập, những đơn vị này đã dành hơn 60% thời gian đi hành quân. Ngoài nhiệm vụ chính là thâu thập tin tức tình báo tác chiến, họ đã loại khỏi vòng chiến 191 địch quân (con số này do LLĐB/HK báo cáo). Và quan trọng hơn nữa là ảnh hưởng vấn đề tâm lý, làm cho địch quân xuống tinh thần. Họ cảm thấy bất an, những mật khu của họ không còn là nơi an toàn nữa. Các bộ chỉ huy vẫn tiếp tục huấn luyện, tìm kiếm những phương thức hành quân hữu hiệu hơn, để nâng cao uy tín của các bộ chỉ huy.

        Hành quân Delta (B-52) được thành lập vào năm 1964, duới sự chỉ huy của LLĐB/VN và LLĐB/HK đóng vai trò cố vấn. Chương trình Delta được lấy làm nền tảng cho hai hành quân Omega và Sigma, nên cách tổ chức, khả năng và giới hạn gần như giống nhau. Sự khác biệt chính là Delta có tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù QL/VNCH làm đơn vị xung kích, tiếp ứng. Điạ bàn hoạt động của Delta trải rộng trên khắp bốn vùng chiến thuật, mọi yêu cầu xử dụng Hành Quân Delta phải được gửi lên bộ TTM/QLVNCH và bộ tư lệnh MACV qua hệ thống quân giai.

        Trong năm vừa qua, đơn vị này (Delta) gần như hành quân ngoài vùng 1 chiến thuật thường xuyên. Đây là đơn vị đã đóng góp rất nhiều trong trận chiến tranh ngoại lệ. Nhờ tiểu đoàn xung kích Biệt Cách Dù, Delta giết được nhiều địch quân (194) hơn cả hai hành quân Omega và Sigma cộng lại. Tuy nhiện, Delta chỉ xử dụng 55% thời gian hành quân.

        Những quân nhận được tuyển chọn gia nhập các “hành quân đặc biệt” thường đã phục vụ trong các đơn vị Dân Sự Chiến Đấu, và đã được huấn luyện phần tác chiến căn bản Bộ Binh. Do đó chương trình huấn luyện về “chiến tranh ngoại lệ” bắt đầu từ đây. Đầu tiên, họ sẽ được huấn luyện về nhẩy dù, sau đó họ sẽ được huấn luyện những bài học đặc biệt như: di chuyển im lặng, bí mật, phương pháp tìm dấu vết, và quan sát, xử dụng bản đồ, điạ bàn, thủ hiệu, v.v... Và những môn học khác như xử dụng, bảo trì máy truyền tin, vũ khí, cứu thương, kỹ thuật xâm nhập, triệt xuất vùng hành quân. Kỹ thuật tác chiến như đột kích, phục kích, và những nguyên tắc để bảo đảm bãi đáp được an toàn, không có địch. Chương trình huấn luyện kéo dài khoảng năm, sáu tuần lễ, sáu ngày trong tuần, mỗi ngày 9, 10 tiếng đồng hồ. Và phần thực tập trong căn cứ và trong hành quân.

        Hệ thống chỉ huy các đơn vị trong “chiến tranh ngoại lệ” rất đơn giản, phù hợp với tổ chức, nhiệm vụ, khả năng, và yểm trợ tiếp vận. Thí dụ, đơn vị xung kích Mike Force rất hữu hiệu, khi được xử dụng đúng với sự huấn luyện và nhiệm vụ xung kích, tiếp ứng và thám sát cấp đơn vị. Nhưng khi được tăng cường, biệt phái cho các đơn vị trong quân đội Hoa Kỳ cũng như Việt Nam, họ bị cấp chỉ huy đơn vị Bộ Binh chê trách không có khả năng. Thực sự, không phải vậy, các cấp chỉ huy Bộ Binh đã xử dụng đơn vị Mike Force không đúng với khả năng của họ.

        Về vấn đề cho các loại hành quân đặc biệt, Lục Quân Hoa Kỳ biệt phái một phi đoàn trực thăng cho liên đoàn 5 LLĐB/HK, gồm trực thăng võ trang và trực thăng chở quân. Không Lực Hoa Kỳ sẽ yểm trợ các cuộc chuyển quân cấp lớn và chuyên chở đồ tiếp vận. Không lực Việt-Mỹ yểm trợ trực tiếp cho các cuộc hành quân, và tiếp vận truyền tin. Ngoài vùng 1 chiến thuật, TQLC Hoa Kỳ cũng yểm trợ tương tự.

        Chiến tranh ngoại lệ là một nhiệm vụ rất quan trong cho LLĐB trên chiến trường miền nam Việt Nam. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, tất cả mọi cuộc hành quân đều được soạn thảo kỹ càng trước, và đơn vị hành quân sẽ được di chuyển từ căn cứ, bộ chỉ huy lên căn cứ hành quân tiền phương, trước khi xâm nhập vùng hành quân. Thời gian soạn thảo kế hoạch và chuyển quân có thể thay đổi, tùy theo mức độ khẩn của cuộc hành quân.

        Soạn thảo kế hoạch hành quân bắt đầu với sự nghiên cứu chi tiết khu vực hành quân. Tất cả dữ kiện (data) về khu vực hành quân, điạ hình, điạ vật, vị trí đóng quân của địch cũng như căn cứ, binh trạm đều được đem ra nghiên cứu từng chi tiết và phân tích. Tất cả đều được ghi lại trên bản đồ. Điểm xâm nhập chính và phụ, cũng như lộ trình, di chuyển, hoạt động, cho đơn vị (có thể là một toán biệt kích) hành quân ngoại lệ, đều được lựa chọn và đánh dấu.

        Tất cả dữ kiện như: bản đồ, bản báo cáo tin tức tình báo, không ảnh, bản báo cáo qua lời khai của tù binh, bản báo cáo tổng kết hành quân của các đơn vị bạn trong lần hành quân trong khu vực trước đây. Nếu có thể, sĩ quan trong ban tham mưu hành quân sẽ bay thám sát để phối kiểm các dữ kiện đã có. Chuyến bay này thường do người trưởng toán biệt kích đi bay, rất quan trọng trong việc lựa chọn bãi đáp để xâm nhập và triệt xuất.

        Sau khi đã phân tích kỹ lưỡng, lênh hành quân sẽ được ban ra và các đơn vị liên quan chuẩn bị di chuyển lên căn cứ hành quân tiền phương. Trên căn cứ hành quân, trưởng toán biệt kích sẽ phải đi thám sát khu vực hành quân trao phó cho toán, khi trở về sẽ thuyết trình cho sĩ quan điều hành để được cung cấp phương tiện, vũ khí, vật dụng cần thiết cho chuyến hành quân xâm nhập.
         Trong một cuộc hành quân xâm nhập, dò thám, người trưởng toán phải thuyết trình chi tiết nhiệm vụ của toán biệt kích và kế hoạch hoạt động trong lòng địch. Từ việc chọn bãi đáp trực thăng xâm nhập, thời khóa biểu cho các hoạt động từng ngày, di chuyển, những điều phải làm, trường hợp chạm súng bất ngờ, và triệt xuất.

        Sự thành công cho một chuyến hành quân xâm nhập, dò thám lấy tin tức tùy thuộc vào yếu tố bất ngờ rất nhiều. Lực Lượng Đặc Biệt thường xử dụng “nghi binh” để đánh lừa địch quân. Trên chiến trường Việt Nam, phương tiện trực thăng để xâm nhập rất phổ thông, các toán biệt kích thường lên đường trong những tia nắng cuối cùng của một ngày là tốt nhất. Lúc đó các phi công bay hợp đoàn thả biệt kích vẫn còn trông thấy đường, và toán biệt kích sau khi xuống đất vẫn còn chút thì giờ tìm chỗ trú ẩn qua đêm.

        Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, địch quân cũng biết cách xâm nhập này, do đó cần phải đánh lừa như vào “bốc” toán biệt kích thay vì đưa đi xâm nhập. Trực thăng thả biệt kích sẽ đáp xuống thêm ba vị trí nữa trong khu vực lân cận bãi đáp chính để địch quân không biết, toán biệt kích xuống nơi bãi nào. Thêm một cách đánh lừa địch quân nữa, ba trực thăng đổ quân (giống nhau) bay theo đội hình hàng dọc, chiếc đầu chở biệt kích đáp xuống thật nhanh cho biệt kích xâm nhập, rồi bay lên nhập vào đuôi hợp đoàn (địch quân ở dưới đất vẫn trông thấy ba chiếc trực thăng bay theo đội hình hành dọc).

        Để chống biệt kích xâm nhập, địch quân cũng nghĩ ra nhiều phương pháp. Chúng dựng những cây tre cao nơi bãi đất trống để trực thăng không vào đáp được, hoặc cắm những cọc nhọn như hầm chông trong những khoảng trống, không có nhiều cây trong khu rừng rậm rạp. Cách thứ hai này các toán biệt kích thuờng gặp, vì không thể trông thấy hầm chông từ trên một độ cao. Và cách cuối cùng của địch là đặt người canh gác tại những khoảng đất trống để báo động. Mỗi khi toán biệt kích có người bị thương vì hầm chông hay bất cứ lý do gì, hoặc đã bị lộ, toán biệt kích phải được triệt xuất ngay tức khắc.

        Trong vài trường hợp đặc biệt, xâm nhập bằng cách lội bộ là tốt nhất. Các toán biệt kích và “chạy đường mòn” có thể phát xuất từ một căn cứ (thường là một trại LLĐB biên phòng) bằng đường bộ vào mật khu của địch khi chiều sâm sẩm tối (tránh được sự quan sát). Toán biệt kích cũng có thể trà trộn với toán tuần tiểu của trại LLĐB, khi vào trong rừng, sẽ tách ra xâm nhập sâu vào khu vực kiểm soát của địch.

        Mọi di chuyển, hành động trong lòng địch phải được chuẩn bị kỹ càng. Sự sống còn của toán biệt kích tùy thuộc vào từng cá nhân, hiểu biết rõ nhiệm vụ của mình trong toán, theo đúng thời khóa biểu lộ trình di chuyển. Những kế hoạch hành quân xâm nhập thường có thêm trường hợp chạm súng bất ngờ với địch, bị phân tán và phải đến điểm hẹn đúng giờ để trực thăng vào triệt xuất toán biệt kích.

        Đơn vị xung kích Mike Force, không cần những chi tiết như toán biệt kích, nhưng cũng phải có những kế hoạch lúc di chuyển, phải theo đúng lộ trình hành quân ngoại trừ trường hợp gặp chướng ngại vật hoặc chạm địch. Dĩ nhiên lực lượng xung kích Mike Force quân số đông hơn nhiều, được trang bị vũ khí nặng để tấn công.

        Bí mật là nguyên tắc căn bản trong chiến tranh ngoại lệ. Mặc dầu địch quân sẽ biết được, có toán biệt kích đang hoạt động trong giang sơn của họ nhưng không thể biết vị trí chính xác của toán biệt kích. Mọi di chuyển của toán biệt kích phải nhẹ nhàng, không gây nhiều tiếng động, xử dụng thủ hiệu thay cho lời nói và chỉ liên lạc vộ tuyến khi cần thiết. Vũ khí, máy truyền tin, vật dụng kim loại phải dán băng keo để tránh gây tiếng động khi va chạm cành cây hoặc đá.

        Địch quân cũng có những phương pháp chống biệt kích, đặt người canh gác những khoảng đất trống, có thể làm bãi đáp, suối, đường mòn, v.v... Tổ chức những toán tìm dấu vết, theo dõi, toán biệt kích. Ngoài ra chúng cũng xử dụng máy móc để dò nghe những cuộc đối thoại các đơn vị bạn, do đó toán biệt kích phải cẩn thận khi xử dụng máy truyền tin.

        Kế hoạch hành quân phải có những điểm dừng lại nghỉ ngơi, trong trường hợp đơn vị xung kích Mike Force, cần có thêm điểm nhận đồ tiếp tế, điểm chính, điểm phụ. Việc lựa chọn những điểm này tùy thuộc vào điạ thế, dễ phòng thủ, gần suối lấy nước, có cây cối che chở. Trong trận chiến Việt Nam, LLĐB/HK đã phải tìm một phương pháp hữu hiệu cho việc tái tiếp tế cho các đơn vị Mike Force đang hành quân. Kinh nghiệm cho biết, mỗi quân nhân trong chiến tranh ngoại lệ có thể đem theo lương thực, đạn dược và những nhu cầu khác cho năm ngày hành quân, do đó kế hoạch hành quân phải có thời khóa biểu cho những chuyến tiếp tế và điạ điểm.

        Trong chiến tranh ngoại lệ, phải dự trù trường hợp bất trắc xẩy ra, phải tính toán trước việc triệt xuất một cá nhân (đau ốm, bị thương) hay cả toán biệt kích. Những chuẩn bị, tính toán trước có thể làm thay đổi tình thế trên chiến trường.

        Những toán biệt kích “chạy đường mòn” và biệt kích xâm nhập rất dễ bị địch quân tiêu diệt, do đó vấn đề chỉ huy, điều hành các đơn vị này phải có kế hoạch cấp cứu, lúc nào cũng phải sẵn sàng thủ tục triệt xuất toán biệt kích ngay sau khi được thông báo. Nếu bãi đáp an ninh, trực thăng sẽ đáp xuống đón toán biệt kích, nếu trường hợp quá cấp bách, trực thăng sẽ “câu” toán biệt kích bằng thang dây hoặc dây McGuire Rig.

        Hành quân Blackjack 33 cũng là một hành quân ngoại lệ, khai diễn từ ngày 27 tháng Tư đến 24 tháng Năm 1967, trong vùng 3 chiến thuật. Đó là một cuộc hành quân xử dụng đơn vị Du Kích Lưu Động, phối hợp với hành quân Sigma (biệt kích, thuộc B-56 LLĐB). Kết qủa rất khả quan, loại khỏi vòng chiến 320 địch quân. Hành quân này đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Clarence T. Hewgley và đại úy James “Bo” Gritz.

        Một sự hiểu lầm của quần chúng về nguyên tắc căn bản của chiến tranh ngoại lệ, và Lực Lượng Đặc Biệt trên chiến trường Việt Nam năm 1969, đã đưa đến việc khép tội đại tá Robert B. Rheault, chỉ huy trưởng liên đoàn 5 LLĐB/HK tại Việt Nam, sáu sĩ quan ngành Tình Báo biệt phái (làm việc) với LLĐB, và một hạ sĩ quan LLĐB/HK. Tám quân nhân kể trên bị ghép tội giết chết một điệp viên nam Việt Nam, bị nghi ngờ làm gián điệp đôi. Trong tháng Chín, bộ trưởng Lục Quân Stanley R. Resor, tuyên bố hủy bỏ trát tòa vì cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA muốn giữ bí mật, không cung cấp nhân chứng. 

        Một nhiệm vụ đặc biệt cuối cùng trong chiến tranh ngoại lệ là xử dụng đơn vị xung kích Mike Force, tấn công giải thoát tù binh. Những cuộc hành quân loại này xẩy ra trong năm 1966, 1967. Trong mùa thu năm 1966, một đơn vị xung kích Mike Force tấn công căn cứ điạ của VC trong rừng U Minh dưới vùng 4 chiến thuật, để cứu tù binh nhưng không tìm thấy một tù binh nào. Đầu năm 1967, một cuộc hành quân cứu tù binh tương tự xẩy ra trong tỉnh Tây Ninh. Một hành quân khác vào thung lũng An Lão (Bình Định) trên vùng 2 chiến thuật.

        Trong mùa xuân năm 1967, hành quân cứu tù binh, xử dụng đơn vị Du Kích Lưu Động, là một phần trong hành quân Blackjack 41 trong khu vực Thất Sơn. Cũng trong thời gian này, một đơn vị xung kích Mike Force tấn công vào chiến khu C của địch cũng với mục đích giải cứu tù binh. Tất cả các cuộc hành quân đều khám phá trại tù của địch, nhưng chúng đã đề phòng, di chuyển tù binh thường xuyên.

        Những cuộc hành quân ngoại lệ là một điểm son và làm quân nhân LLĐB hãnh diện.



Dallas, TX.

vđh



LIÊN ĐOÀN 1 LLĐB HOA KỲ

TRÊN CHIẾN TRƯỜNG VIỆT NAM


        Vào bốn tháng cuối cùng năm 1964, liên đoàn 1 LLĐB/HK đưa qua Việt Nam 26 toán A-LLĐB, 3 toán B (BCH) LLĐB. Nhiệm vụ trợ giúp LLĐB Việt Nam trong khi chờ đợi liên đoàn 5 LLĐB/HK sang tham chiến. Dưới đây là phần giới thiệu về các toán A-LLĐB, điạ bàn hoạt động và nhiệm vụ của họ.
        A-131. Mới đầu chia làm hai, A-131A dưới quyền chỉ huy của toán phó, trung úy Harpole, làm việc trong căn cứ Động Ba Thìn. A-131B dưới quyền sĩ quan trưởng toán, đại úy Luck đến trại Trung Dũng. Cả hai trại đều nằm trong điạ phận tỉnh Khánh Hòa, thuộc vùng 2 chiến thuật. Trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng Bẩy năm 1964, đến ngày 10 tháng Mười Một 1964, mỗi toán được trao cho nhiệm vụ “bình định” và ngăn chặn đường giao liên trong khu vực trách nhiệm. Đến tháng Mười Một, hai toán A-131A, A-131B nhập lại, di chuyển đến Long Vân với nhiệm vụ bảo vệ phi đạo tại đây cho đến khi trở về Okinawa ngày 17 tháng Giêng năm 1965.
       A-414. Dưới quyền chỉ huy đại úy Pearce đến khu vực A-Rô trong tỉnh Quảng Nam, vùng 1 chiến thuật. Trong khoảng thời gian từ 7 tháng Tám năm 1964, cho đến ngày 2 tháng Hai năm 1965, nhiệm vụ chính yếu của toán A LLĐB là theo dõi đường biên giới Lào-Việt. Nhiệm vụ thứ hai được trao phó là “bình định” khu vực trách nhiệm. Phần lớn thời gian, toán A-414 phải lo việc xây dựng một phi đạo, cùng với hầm hố, doanh trại cho một căn cứ (trại LLĐB).
        B-210. Bộ chỉ huy B này dưới quyền chỉ huy của thiếu tá McNulty, đóng trong hai căn cứ trên vùng 2 chiến thuật. Đến Việt Nam ngày 21 tháng Tám năm 1964, thay thế cho B-330 LLĐB ở Pleiku. Trong thời gian ở Pleiku, BCH B-210 điều hành 21 toán A LLĐB/HK với nhiệm vụ chính, ngăn chặn đường giao liên của địch. Đến giữa tháng Mười Một, BCH B-210 di chuyển đến Ban Mê Thuột trong tỉnh Darlac. Tại Ban Mê Thuột, BCH B-210 điều hành bẩy toán A LLĐB, cho đến khi trở về Okinawa ngày 16 tháng Hai năm 1965.
        A-113. Dưới quyền chỉ huy của đại úy Harper, nằm trong thung lũng A Shau, tỉnh Thừa Thiên, vùng 1 chiến thuật. Trong khoảng thời gian từ 21 tháng Tám 1964, cho đến 16 tháng Hai năm 1965, toán A-113 LLĐB được trao cho nhiệm vụ dò thám đường biên giới Lào-Việt và ngăn chặn đường giao liên của quân đội Bắc Việt. Trong tháng Tám, trại Lực Lượng Đặc Biệt gần như bị hư hại hoàn toàn do trận bão Tilda. Do đó các hoạt động phải tạm ngưng cho đến khi trại được tái thiết, sửa chữa.
        A-311. Khi đến Việt Nam ngày 24 tháng Tám năm 1964, toán được chia làm hai. A-311A dưới quyền toán trưởng, đại úy Darnell. Toán này đến buôn (làng Thượng) Sar Par làm việc và ở đó cho đến ngày 5 tháng Mười 1964 khi trại LLĐB đóng cửa. Sau đó A-311A di chuyển lên Pleiku, nhận nhiệm vụ huấn luyện đơn vị xung kích tiếp ứng (Mike Force). Toán A-311B dưới quyền toán phó, đại úy Webb, mới đầu đến trại LLĐB Bu Prang làm việc cho đến ngày 5 tháng Mười năm 1964, lúc đó trại LLĐB đóng cửa. Sau đó toán A-311B di chuyển lên Kontum xây dựng trại LLĐB mới. Cả toán A-311 trở về Okinawa ngày 25 tháng Giêng năm 1965.
        A-422. Dưới quyền đại úy Guynn, đóng tại Plei Ta Nagle, trong tỉnh Pleiku, vùng 2 chiến thuật. Trong khoảng thời gian từ 21 tháng Tám 1964 đến 16 tháng Hai năm 1965, nhiệm vụ của toán làm cố vấn cho toán A LLĐB/VN và trang bị cho lực lượng dân sự chiến đấu (CIDG). Ngoài ra toán A-422 cũng tham gia chương trình “bình định, phát triển”, dân sự vụ trong khu vực hoạt động,  
        B-320. Dưới quyền thiếu tá Hiebert, đến Việt Nam ngày 4 tháng Chín 1964, đóng trong Saigon và điều hành chín toán A LLĐB trong vùng 3 chiến thuật. Đến tháng Mười Hai, liên đoàn 5 LLĐB/HK qua Việt Nam đem theo mấy BCH B và C LLĐB. B-320 di chuyển lên Tây Ninh và hoạt động ở đó cho đến ngày 2 tháng Ba năm 1965, trở về Okinawa. Trong thời gian hoạt động B-320 cố vấn cho LLĐB/VN phát triển ra những khu vực hẻo lánh và tổ chức những cuộc hành quân vào các mật khu, chiến khu D củ địch.
        B-130. Dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Drake, đóng tại Cần Thơ, tỉnh Phong Dinh, dưới vùng 4 chiến thuật, từ ngày 14 tháng Chín đến ngày 10 tháng Mười Hai năm 1964. B-130 có nhiệm vụ điều hành bẩy toán A LLĐB. Đến tháng Muời Hai, B-130 di chuyển đi Long Xuyên, tỉnh An Giang, trông coi năm toán A LLĐB cho đến khi trở về Okinawa ngày 3 tháng Ba năm 1965. Nhiệm vụ của B-130 trong thời gian tại Việt Nam, điều hành hệ thống hành chánh, nhân viên, tiếp vận cho các toán A LLĐB. Ngoài ra tổ chức, tham dự các hoạt động dân sự vụ, tâm lý chiến trong khu vực trách nhiệm. Cố vấn cho LLĐB/VN, mở các cuộc hành quân bằng xuồng bay dưới vùng 4 chiến thuật.
        A-213. Dưới quyền đại úy C. R. Smith, đóng tại An Long tỉnh Kiến Phong trong thời gian từ ngày 11 tháng Chín 1964 cho đến ngày 10 tháng Hai năm 1965. Toán A LLĐB này có nhiệm vụ cố vấn cho LLĐB/VN. Tổ chức, trang bị và huấn luyện cho đơn vị dân sự chiến đấu trong nhiệm vụ biên phòng, tấn công bằng xuồng máy, xây cất, tổ chức vấn đề phòng thủ trại LLĐB.
        A-223. Do đại úy Sutton chỉ huy, đóng tại Bù Gia Mập, tỉnh Phước Long, trong vùng 3 chiến thuật, từ ngày 11 tháng Chín 1964 đến ngày 10 tháng Ba năm 1965. Mới đầu, toán A-223 được giao phó nhiệm vụ dò thám đường biên giới Việt-Miên. Tuy nhiên, trong tháng Mười Một 1964, nhiệm vụ thay đổi, toán A-223 nhận nhiệm vụ mới, ngăn chặn, phá hoại hệ thống đường mòn xâm nhập người và vũ khí, tiếp vận của địch. Với nhiệm vụ mới này, toán A-223 LLĐB phải tổ chức những cuộc hành quân “viễn thám” sâu vào khu vực địch kiểm soát. Một trong những cuộc hành quân nổi tiếng của toán A LLĐB do toán phó, trung úy Overcash chỉ huy một đại đội, tấn công, phá hủy một bệnh xá của địch quân trong rừng sâu, sát biên giới Việt-Miên, sau khi được toán viễn thám đem về tin tức tình báo chính xác về bệnh xá của địch.
        A-211. Dưới quyền đại úy Dine đóng tại Don Phước, tỉnh Kiến Phong dưới vùng 4 chiến thuật, từ ngày 3 tháng Mười 1964 đến ngày 15 tháng Giêng năm 1965. Nhiệm vụ của toán A LLĐB là theo dõi đường biên giới Việt-Miên. Dưới vùng kênh rạch, toán A LLĐB thường xử dụng xuồng máy đi hành quân. Trong một cuộc hành quân xẩy ra vào tháng Mười năm 1964, đại úy Towery, toán phó A-211 tử trận. Ngày 15 tháng Giêng, toán A-211 di chuyển lên Thủ Đức, tỉnh Biên Hòa, trong vùng 3 chiến thuật, với nhiệm vụ mới, huấn luyện LLĐB/VN. Người thay thế toán phó là trung úy Sandlin được điều động lên chỉ huy một đơn vị dân sự chiến đấu nằm giữ đài viễn thông tiếp vận trên núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Toán A-211 LLĐB trở về Okinawa ngày 17 tháng Ba năm 1965.
        A-411. Do đại úy Healy chỉ huy, đóng ở Trảng Sụp, tỉnh Tây Ninh từ ngày 9 tháng Mười năm 1964 đến ngày 6 tháng Tư năm 1965. Toán A LLĐB này chỉ huy các đại đội dân sự chiến đấu, mở các cuộc tấn công vào chiến khu C của địch. Ngoài ra họ còn có thêm nhiệm vụ dò thám đường biên giới Việt-Miên.
        A-424. Dưới quyền đại úy R. Allen, trấn đóng trong hai trại LLĐB. Từ ngày 11 tháng Mười 1964, đến ngày 15 tháng Giêng năm 1965, toán A LLĐB này đóng tại Long Khot, trong tỉnh Kiến Tường dưới vùng 4 chiến thuật trong khi chờ đợi trại mới đang được xây cất. Đến tháng Giêng, toán A-424 di chuyển đến trại LLĐB Bình Thạnh Thôn cũng trong tỉnh Kiến Tường. Nhiệm vụ của toán A-424 là dò thám đường biên giới Việt-Miên, tham gia chương trình “bình định, phát triển” trong khu vực trách nhiệm. Toán A-424 trở về Okinawa ngày 2 tháng Tư 1965.
        A-434. Dưới quyền đại úy Barnett, đóng tại Lộc Ninh thuộc tỉnh Bình Long trong vùng 3 chiến thuật, từ ngày 9 tháng Mười 1964 đến ngày 6 tháng Tư năm 1965. Toán A-434 LLĐB có nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và trang bị cho lực luợng dân sự chiến đấu. Tổ chức những cuộc hành quân phá hoại đường giao liên giữa hai chiến khu C và D của VC, nơi phiá nam quận Lộc Ninh.
        A-221. Dưới quyền đại úy Ballard, mới đầu đóng tại Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường, dưới vùng 4 chiến thuật, từ ngày 15 tháng Mười 1964 đến ngày 6 tháng Ba năm 1965. Nhiệm vụ của toán A-221 là dò thám đường biên giới Việt-Miên. Ngày 7 tháng Ba, toán LLĐB di chuyển đi Long Xuyên, trong tỉnh An Giang. Nhiệm vụ mới dành cho toán A-221 là huấn luyện lực lượng dân sự chiến đấu và Điạ Phương Quân vùng 4 chiến thuật. Toán A-221 trở về Okinawa ngày 3 tháng Tư năm 1965.
        A-114. Dưới quyền chỉ huy của đại úy Ekman, đóng tại Suối Đá, tỉnh Tây Ninh, trong vùng 3 chiến thuật, từ ngày 9 tháng Mười 1964 đến ngày 6 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ của toán A LLĐB là ngăn chặn đường xâm nhập của địch vào chiến khu C. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, họ còn phải tổ chức các hoạt động dân sự vụ, tâm lý chiến trong khu vực trách nhiệm.
        A-233. Do đại úy Kincheloe chỉ huy, đóng tại Đồng Tre trong tỉnh Phú Yên trên vùng 2 chiến thuật, từ ngày 16 tháng Mười 1964 đến ngày 12 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ trao phó cho toán A-233 là cố vấn, trang bị và huấn luyện các đại đội dân sự chiến đấu. Tổ chức các cuộc hành quân trong khu vực trách nhiệm. Trong nhiệm vụ dân sự vụ, họ đã xây cất được một phòng đọc sách cho người dân trong khu vực.
        A-231. Dưới quyền đại úy Viau, đóng tại Kannack thuộc tỉnh Bình Định, từ ngày 16 tháng Mười 1964 đến ngày 21 tháng Tư năm 1965. Trong đêm 8 tháng Ba, trại LLĐB đã đẩy lui trận tấn công do hai tiểu đoàn VC, hạ tại trận 119 tên, thâu được nhiều vũ khí. Sau trận này, đại úy Viau được ân thưởng huy chương Distinguished Service Cross.
        A-133. Dưới quyền chỉ huy của đại úy Cale, trấn đóng hai trại LLĐB trong khoảng thời gian từ 16 tháng Mười 1964 đến ngày 12 tháng Tư năm 1965. Từ ngày 20 tháng Mười đến 22 tháng Giêng 1965, toán A-133 đóng tại Polei Krong trong tỉnh Phú Bổn, với nhiệm vụ cố vấn, trang bị và huấn luyện các đại đội dân sự chiến đấu. Đến tháng Hai, toán A-133 di chuyển đến Diên Khánh trong tỉnh Quảng Đức, tuyển mộ dân sự chiến đấu. Một phần lính tuyển mộ, sau đó chuyển qua lực lượng Điạ Phương quân tỉnh Quảng Đức.
        A-322. Dưới quyền đại úy Haley, đóng tại Khâm Đức trong tỉnh Quảng Tín, ngoài vùng 1 chiến thuật, từ ngày 27 tháng Mười 1964 đến ngày 23 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ cho toán A-322 là trợ giúp và cố vấn việc thành lập các đại đội dân sự chiến đấu trong kỹ thuật dò thám đường biên giới Lào-Việt. Ngoài ra toán A-322 tổ chức huấn luyện cho nhân viên dân sự chiến đấu những kỹ thuật chuyên môn như: chiến thuật, truyền tin, vũ khí, an ninh tình báo. Sau khi thụ huấn xong khóa học đặc biệt, nhân viên DSCĐ được gửi đến phục vụ trong các trại LLĐB biên phòng khác.
        A-323. Dưới quyền chỉ huy của đại úy C. Allen, đóng ở Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị từ ngày 27 tháng Mười 1964 đến ngày 23 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ dành cho toán A-323 là do thám đường biên giới Việt-Lào, thâu thập tin tức về những sự di chuyển của quân đội Bắc Việt. Ngoài nhiệm vụ biên phòng, toán A-323 còn giữ vai trò như một ban cố vấn cho Bộ Tư Lệnh Quân Viện (MACV).
        A-122. Dưới quyền chỉ huy của đại úy F. Brown, đóng tại Gia Vực, thuộc tỉnh Quảng Ngãi trên vùng 1 chiến thuật, từ ngày 30 tháng Mười 1964 đến ngày 18 tháng Tư năm 1965. Gia Vực là một trại LLĐB do dân sự chiến đấu (CIDG) trấn giữ. Nhiệm vụ chính yếu là bình định khu vực trách nhiệm. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ khu vực trách nhiệm, toán A-122 huấn luyện thêm khoảng 350 dân sự chiến đấu để đưa đến các trại LLĐB khác. Trong vấn đề dân sự vụ, toán A-122 xây được ngôi làng “Đời Mới” (New Life) chứa được 1000 người tỵ nạn, trước đó sống trong vùng VC kiểm soát.
        A-324. Dưới quyền đại úy Moon, đóng tại Gia Vực tỉnh Quảng Ngãi. Nhiệm vụ của toán huấn luyện dân sự chiến đấu bảo vệ và bình định khu vực trách nhiệm.
        A-431. Dưới quyền chỉ huy của đại úy Terrana, đóng trong Phuy Srunh, tỉnh Tuyên Đức từ ngày 30 tháng Mười năm 1964. Sau khi trại đóng cửa, chuyển giao cho QL/VNCH, bốn quân nhân Mũ Xanh trong toán thuyên chuyển đến trại LLĐB Đức Lập để thiết lập một căn cứ hành quân tiền phương cho các toán biệt kích xâm nhập. Trước khi hoàn tất nhiệm vụ, cả toán được đưa về Okinawa.
        A-432. Duới quyền đại úy P. Anderson, đóng ở buôn Beng trong tỉnh Phú Bổn, từ ngày 30 tháng Mười 1964 đến ngày 27 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ của toán cố vấn, giúp đỡ vị quận trưởng trong vấn đề bảo vệ an ninh khu vực trách nhiệm và các hoạt động dân sự vụ.
        A-224. Dưới quyền chỉ huy của đại úy Popham, trấn đóng Đức Cơ, tỉnh Pleiku, từ ngày 6 tháng Mười Một 1964 đến ngày 30 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ của toán là cố vấn, trang bị và huấn luyện các đại đội dân sự chiến đấu, theo dõi, dò thám đường biên giới Việt Miên. Khi toán A-224 đến Đức Cơ, việc phòng thủ trại LLĐB đã hoàn tất được một nửa. Trại LLĐB Đức Cơ đã tổ chức nhiều cuộc hành quân, tuần tiễu dọc theo đường biên giới trong khu vực trách nhiệm.
        A-313. Dưới quyền đại úy R. Mendoza, đóng trong Plei Me tỉnh Pleku, từ ngày 6 tháng Mười Một 1964 đến ngày 30 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ chính yếu là theo dõi, dò thám đường biên giới. Tổ chức những toán tuần tiễu cấp trung đội đã lấy được nhiều tin tình báo về các hoạt động của địch bên kia biên giới.
        A-331. Dưới quyền đại úy Charles Mendoza, đóng ở Tịnh Biên trong tỉnh Châu Đốc dưới vùng 4 chiến thuật, từ ngày 6 tháng Mười Một 1964 đến ngày 30 tháng Tư năm 1965. Nhiệm vụ của toán lúc ban đầu là cố vấn cho LLĐB/VN trong việc theo dõi đường biên giới. Trong ba tháng cuối cùng, toán A-331 là một trong hai toán LLĐB/HK dưới vùng 4, được trao cho nhiệm vụ cố vấn cho chính quyền điạ phương trong các hoạt động dân sự vụ.
        A-334. Dưới quyền đại úy Lockridge, lúc mới đến đóng trên Dak To, tỉnh Kontum, từ ngày 6 tháng Mười Một 1964 đến ngày 15 tháng Giêng năm 1965. Ngày 1 tháng Giêng toán A-334 chia làm hai, toán A-334A dưới quyền chỉ huy của đại úy Lockridge di chuyển về Pleiku. Toán A-334B dưới quyền toán phó, đại úy Neumann di chuyển đến Plateau Gi, thiết lập một trại LLĐB mới. Nơi thành phố gia đình đại úy Neumann sinh sống ở Hoa Kỳ gửi tặng 54 thùng lớn quần áo tặng cho gia đình các quân nhân dân sự chiến đấu. Toán A-334 trở về Okinawa ngày 21 tháng Tư năm 1965.
       
        Trong mười sáu toán A thuộc liên đoàn 1 LLĐB/HK qua Việt Nam trong năm 1965, bẩy toán được trở về khi soạn bản báo cáo này. Sau đây là các hoạt động của họ.
        A-121. Dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Cole, đóng trong thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, vùng 2 chiến thuật, từ ngày 9 tháng Tư năm 1965 đến ngày 5 tháng Mười 1965. Toán A LLĐB này được bổ xung để làm nhiệm vụ như một BCH B LLĐB điều hành bốn toán A LLĐB hoạt động trong tỉnh Bình Định. Họ xây cất thêm doanh trại cho thêm ba toán LLĐB đến cố vấn cho các đơn vị Điạ Phương Quân. Toán A-121 hoàn tất nhiệm vụ, đợi cho một toán B (đầy đủ) LLĐB đến thay thế họ.
        A-123. Dưới quyền đại úy Dugan, trong thời gian từ 27 tháng Tư năm 1965 đến ngày 12 tháng Mười 1965. Toán A LLĐB này đóng ở Bình Khê trong tỉnh Bình Định. Mới đầu nhiệm vụ của họ là huấn luyện cho các đơn vị Điạ Phương Quân trong vùng trách nhiệm. Vào khoảng đầu tháng  Tám 1965, nhiệm vụ cho toán A-123 thay đổi, tuyển mộ, trang bị và huấn luyện dân sự chiến đấu. Nhiệm vụ quan trọng được trao cho toán A LLĐB này là lấy lại, chiếm đóng thung lũng Vĩnh Thạnh. Toán A-123 được biết đã phối hợp hành quân với sư đoàn 101 Nhẩy Dù HK và sư đoàn 1 Không Kỵ.
        A-321. Dưới quyền đại úy P. Davis, trong thời gian từ 27 tháng Tư 1965 đến ngày 22 tháng Mười năm 1965. Toán A-321 đóng ở Bồng Sơn thuộc tỉnh Bình Định. Toán A LLĐB này có ba nhiệm vụ. Cố vấn cho đơn vị VNCH, bộ chỉ huy đặt trong quận Hoài Nhơn, xây dựng một trại LLĐB ở Bồng Sơn, huấn luyện, hành quân với các đơn vị Điạ Phương Quân trong khu vực trách nhiệm. Trong một cuộc hành quân, ngày 18 tháng Sáu năm 1965, đại úy Davis, thượng sĩ Waugh, trung sĩ Morgan, binh nhất Brown cùng với năm trung đội Điạ Phương Quân bị hỏa lực của lực lượng địch cấp đại đội đàn áp. Mặc dầu hỏa lực của địch mạnh hơn, thêm lợi thế về điạ hình, đại úy Davis vẫn bám lấy địch quân, gọi các phi tuần Việt Mỹ lên oanh kích, tiêu diệt hơn 100 quân địch. Sau trận đánh, đại úy Davis được ân thưởng huy chương Ngôi Sao Bạc. Ít lâu sau,  trong một cuộc hành quân khác, trung sĩ Morgan tử trận, nâng tổng số lên 25 quân nhân thuộc liên đoàn 1 LLĐB/HK tử trận tại Việt Nam.
        A-111. Dưới quyền chỉ huy của đại úy Hart, từ ngày 4 tháng Năm 1965 đến ngày 31 tháng Mười 1965. Mới đầu toán A-111 đóng ở Tri Tôn, trong tỉnh Châu Đốc dưới vùng 4 chiến thuật. Toán A LLĐB làm việc với các đơn vị Điạ Phương Quân trong khu vực trách nhiệm. Đến ngày 6 tháng Mười, toán A-111 di chuyển ra đảo Phú Quốc, thuộc tỉnh Kiên Giang, đảm nhiệm việc huấn luyện cho một đại đội dân sự chiến đấu. Toán này hoạt động dân sự vụ, tâm lý chiến rất thành công, “chiêu hồi” được hai đại đội ly khai người Miên chống lại quốc gia, đòi trả lại hai tỉnh dưới vùng 4 chiến thuật cho người Miên. Với thành quả trên, đại úy Hart được ân thưởng huy chương Bảo Quốc Huân Chương.
        A-311. Dưới quyền đại úy W. Otte, trong thời gian từ ngày 4 tháng Năm 1965 đến ngày 27 tháng Mười năm 1965, đóng tại Tân Châu trong tỉnh Châu Đốc. Mới đầu làm nhiệm vụ cố vấn cho quận, sau đó tổ chức toán huấn luyện lưu động gồm năm binh sĩ LLĐB/HK và bẩy quân nhân Việt Nam. Họ huấn luyện cho các tiền đồn xa trong quận, tổ chức các hoạt động dân sự vụ, tâm lý chiến.
        A-122. Dưới quyền đại úy W. Myers, từ ngày 1 tháng Sáu 1965 đến ngày 28 tháng Mười năm 1965. Toán A-122 đóng tại Tuy Phước thuộc tỉnh Bình Định trên vùng 2 chiến thuật, có nhiệm vụ huấn luyện và hành quân chung với lực lượng Điạ Phương Quân trong khu vực trách nhiệm. Đem được nhiều làng, ấp ra khỏi ảnh hưởng của địch qua các hoạt động dân sự vụ, tâm lý chiến. Với sự giúp đỡ của cơ quan USOM, những làng bị chiến tranh tàn phá được xây dựng trở lại với nhiều tiện nghi, cải thiện đời sống dân chúng.
        A-223. Dưới quyền chỉ huy của đại úy E. Murphy, trong thời gian từ ngày 13 tháng Bẩy năm 1965 đến ngày 21 tháng Mười Hai 1965. Toán A-223 đóng trong quận Hoài Ân, tỉnh Bình Định, với nhiệm vụ huấn luyện dân sự chiến đấu và cố vấn cho quận. Toán LLĐB tổ chức những hành quân bình định, dân sự vụ trong khu vực trách nhiệm. Trong cuộc hành quân Harvest, toán A-223 vào tiếp ứng cho một đơn vị Điạ Phương Quân, đang bảo vệ xóm làng trong mùa gặt, không cho quân du kích VC đến thu thuế (lúa gạo) của dân làng.

        Đến ngày 31 tháng Mười Hai năm 1965, liên đoàn 1 LLĐB/HK vẫn còn để lại chín toán A LLĐB tại Việt Nam. Dưới đây là danh sách các toán A LLĐB và sĩ quan trưởng toán.
A-213. Văn Cảnh,       Bình Định,      vùng 2 chiến thuật,     đại úy Schroeder
A-322. Dak To,           Kontum,          vùng 2 chiến thuật,     thiếu tá Ruhlin
A-112, Mai Linh,        Phú Bổn,         vùng 2 chiến thuật,     đại úy Gregor
A-212, Sông Mao,      Bình Thuận,    vùng 2 chiến thuật,     thiếu tá Bass
A-221, Kiến Bình,      Kiến Tường,    vùng 4 chiến thuật,     đại úy Holland
A-211, Vĩnh Thạnh,    Bình Định,      vùng 2 chiến thuật,     đại úy Durr
A-114, Bồng Sơn,       Bình Định,      vùng 2 chiến thuật,     đại úy Snyder
A-324, Tiên Phước,    Quảng Tín,      vùng 1 chiến thuật,     đại úy O’Connor
A-113, Đà Nẵng,        Quảng Nam,    vùng 1 chiến thuật,     đại úy Stitt


Theo tài liệu: Special Forces, 1 Special Force Group.
Dallas, TX.
vđh




NHIỆM VỤ BIÊN PHÒNG
Charles A. MacDonald



OKINAWA

        Vào năm 1964, toán A LLĐB, A-323 12 quân nhân thuộc liên đoàn 1 Lực Lượng Đặc Biệt đang đồn trú ở Machinato, Okinawa. Trời chưa sáng, chúng tôi lên hai xe vận tải, phủ tấm bạt bạt che kín đưa vào căn cứ không quân Kadena gần đó. Tại đây, chúng tôi được đưa vào một khu cấm trong phi trường. Sau đó đưa lên một máy bay vận tải C-123 Hercules, và vài phút sau, chiếc phi cơ quân sự cất cánh bay đi Việt Nam.

        Khi trời vừa sáng, chiếc phi cơ đang bay dọc theo bờ biển miền nam Việt Nam để đáp xuống phi trường Đà Nẵng. Nhìn qua cửa sổ phi cơ, bãi biển Đà Nẵng rất đẹp, từng gợn sóng từ xa chạy vào bờ. Tôi không ngờ một điạ điểm lý tưởng cho nghỉ hè, surfing mà trên một quốc gia đang có chiến tranh.



CĂN CỨ KHE SANH

        Chúng tôi được lệnh xây dựng một trại LLĐB ở Khe Sanh, trong góc tây bắc của miền nam. Vị trí để thiết lập căn cứ trên một vùng đất phẳng, nằm dưới bóng tối khu phi quân sự, hướng đông bắc của một trại lính cũ người Pháp xây trước đây trên một ngọn đồi nằm về phiá đông làng Khe Sanh. Chúng tôi sẽ xây tạm một căn cứ để theo dõi đường số 9 trong khi căn trại chính    đang được xây cất.

        Trên vùng bình nguyên Khe Sanh, đầy những cỏ tranh gọi là cỏ voi (elephant grass) cao hơn đầu người, chỉ có một vật duy nhất nổi bật lên, đó là phi đạo dài 3900 bộ làm bằng vỉ sắt PSP. Trại Lực Lượng Đặc Biệt xa nhất về phiá bắc, giáp với miền bắc Việt Nam là trại Khe Sanh, chỉ cách biên giới Lào-Việt vài dặm. Chúng tôi biết rằng, địch quân có lẽ đang theo dõi các việc làm của chúng tôi thường xuyên. Nhưng đó cũng là lý do cho sự hiện diện của toán A LLĐB/HK trong khu vực này.

        Địch quân đặt điểm quan sát trên rặng rúi cao Dong Voi Mep hay núi Răng Cọp, có thể cao hơn 7750 bộ, để theo dõi chi tiết mọi hoạt động của chúng tôi. Trận chiến “bí mật” đang đến hồi sôi động mà chúng tôi là một phần.

        Ngoài việc xây dựng căn cứ Khe Sanh, toán A-323 LLĐB chúng tôi còn gánh thêm nhiệm vụ, theo dõi khu vực ba biên giới: bắc, nam Việt Nam và Lào. Cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA từ trước đã có những cố gắng tuyển mộ người Thượng để theo dõi khu vực biên giới. LLĐB có phương pháp khác hơn, chúng tôi sẽ gom họ lại trong những căn cứ, với những pháo đài, hầm hố, chiến hào, công sự phòng thủ chắc chắn, đủ sức chống lại một trận tấn công của địch.

        Tại mỗi góc của căn cứ, chúng tôi sẽ xây những pháo đài kiên cố, đủ chỗ cho năm khẩu đại liên và hầm đạn ngầm dưới mặt đất. Một hệ thống giao thông hào chạy xung quanh chu vi phòng thủ căn cứ, nối các vị trí chiến đấu với nhau. Chúng tôi làm việc ngày đêm để hoàn thành sớm.

        Trại LLĐB có một trung đội lính đánh thuê người Nùng, để bảo vệ cho toán A LLĐB ở Khe Sanh. Họ là những chiến sĩ xuất sắc, được trả lương cao hơn nhiều so với Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu và QL/VNCH. Một tiểu đội Nùng sẽ đi hành quân với chúng tôi để đề phòng bị ám sát bởi DSCĐ hoặc người Việt.

        Người Thượng sinh sống trong vùng rừng núi Khe Sanh thuộc sắc tộc người Bru. Họ được tuyển mộ vào lực lượng DSCĐ cấp tiểu đoàn, trấn đóng trong trại LLĐB Khe Sanh. Người Bru cũng như các đồng bào sắc tộc thiểu số khác thờ thần linh, nhất là thần Yang, một vị thần tuyệt đối trong sự tín ngưỡng của họ. Thần Yang có thể hiện hữu trong thiên nhiên, trong cây cỏ, loài vật, đá, sông, núi v.v... Sự sợ hãi, ám ảnh về linh hồn người chết, thể hiện qua những cơn ác mộng có ảnh hưởng lớn đến nếp sống hàng ngày, cũng như sự hiện hữu của họ.

        Tất cả mọi thiên tai, xui xẻo lớn hay nhỏ, họ đều đổ thừa cho linh hồn người chết. Trên đường hành quân, người Bru để ý đến sự hiện diện của các loài vật khác như chim chóc, khỉ, hoặc hươu nai và đặt biệt Ông Cọp. Tuy nhiên, linh hồn của bầu trời vẫn được để ý đến nhiều nhất vì đó là khởi nguồn cho những chuyện ma quái.

        Một bộ lạc người Thượng khác nằm về phiá nam, dọc theo đường ranh giới khu vực trách nhiệm của chúng tôi thuộc sắc dân Tầu Ôi, họ sống trên vùng núi non. Về phiá đông nam chúng tôi còn có người Pa Cô.

        Cách trại LLĐB Khe Sanh một khoảng ngắn về hướng tây, những đơn vị chính quy Bắc Việt làm việc hăng say để phát triển một hệ thống đường tiếp vận phức tạp gọi là đường mòn HCM. Nhờ vào hệ thống đường mòn này, quân đội Bắc Việt đưa người, vũ khí, đồ tiếp vận vào trong miền nam Việt Nam. Hệ thống đường mòn dài 8000 dặm này phần lớn đi ngang qua vùng rừng núi hiểm trở. Tùy theo nhiệm vụ, khu vực hoạt động, nhiều đơn vị Bắc Việt phải mất vài tuần, có khi vài tháng mới vào đến miền nam.

        Với hệ thống đường mòn phức tạp, quân đội miền bắc cần phải có một đơn vị tương đương với hai sư đoàn để bảo vệ. Ngoài hàng ngàn dân công, hệ thống đường mòn HCM cần phải có thêm những trạm nghỉ, những khu vực canh tác để cho những đơn vị từ bắc vào tạm dừng chân, nghỉ dưỡng sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình.

        Trong năm 1964, ước chừng khoảng 18000 quân chính quy Bắc Việt đã xâm nhập vào nhiều nơi trong miền nam Việt Nam. Đó cũng là nhiệm vụ của chúng tôi “Biên Phòng”, theo dõi, ngăn chặn các cuộc chuyển quân, đồ trang bị, tiếp liệu của địch trên hệ thống đường mòn HCM.

        Ít lâu sau khi chúng tôi đến, một hôm đến phiên tôi làm nhiệm vụ đi tuần tiễu. Chúng tôi sẽ di chuyển dọc theo biên giới Lào-Việt khoảng hai mươi cây số về hướng nam, bắt đầu từ Lang Vei trên đường số 9. Rất may, cùng đi với tôi có Trung Sĩ Nhất Ratchford P. Haynes, một quân nhân chuyên nghiệp, đã từng phục vụ trong toán Sao Trắng, huấn luyện lưu động cho du kích quân người Hmong (Mèo). Chuyến qua Việt Nam lần này, anh ta đảm nhận nhiệm vụ liên lạc viên chính. Tôi lúc nào cũng cảm thấy an toàn đi chung với Haynes vì anh ta lúc nào cũng trầm tỉnh, sáng suốt và rất tự tin. Một người nắm vững tình hình khi gặp trở ngại.

        Trước khi đi, chúng tôi thanh tra toán DSCĐ Bru xem họ có đem theo đầy đủ súng ống, đạn dược... Người nào cũng có gương mặt rắn rỏi, dạn dầy sương gió, đôi vai nở nang và rất khỏe. Một điều làm tôi để ý là họ lúc nào cũng vô tư, mỉm cười, coi chuyện chiến tranh là khôi hài. Vài người có vết xâm trên mặt, xỏ lỗ tai, cà hàm răng trên. Họ nhỏ con hơn người Hoa Kỳ, chịu khó học hỏi.



HÀNH TRÌNH DÀI

        Chúng tôi đi băng qua khu đồng trống, cỏ voi rất cao, trải dài bao phủ những dẫy đồi, đến lưng chừng một rặng núi có sương mù, cao hơn 5000 bộ (feet). Loại cỏ voi cao hơn đầu người, che chở đoàn quân di chuyển. Cuối cùng chúng tôi lên tới đỉnh núi, ra khỏi khu vực đồng trống với cỏ voi, đến một khu rừng núi rậm rạp. Chúng tôi nghe tiếng chim hót líu lo, có lẽ chúng bận rộn đi tìm thức ăn.

        Những người Bru nhìn mấy com chim chăm chú, xem chúng bay về hướng nào. Tôi hỏi họ và được trả lời, nếu mấy con chim bay về hướng bên phải, đó là điều tốt, còn về bên trái đó là điềm xấu, nguy hiểm đang ở đằng trước. Nếu sự tin tưởng của người Bru đúng, lập tức họ sẽ quay trở lại Khe Sanh.

        Những cây lớn trong cánh rừng cao hơn 80 bộ, làm thành một lớp màn xanh che khuất bầu trời. Lớp thứ hai cao khoảng 50 bộ trên đầu chúng tôi. Hai lớp màn lá cây không cho đủ ánh sáng lọt vào, làm hơi tối, chúng tôi di chuyển trong bóng mát cả ngày. Đoàn quân leo lên, leo xuống những triền núi, dọc theo dấu con đường mòn, băng qua những con suối nhỏ, nước lạnh như băng đá. Lúc nào trên đầu cũng có chim hót hay tiếng của những con khỉ, hoặc côn trùng. Thỉnh thoảng nghe tiếng kêu khô khan, ngắn của loài hưu nai. Dần dần chúng tôi quen đi.

        Vào một buổi xế chiều, chúng tôi được ngắm cảnh mặt trời lặn nơi rặng núi hướng tây. Mầu xanh của lá cây, núi rừng từ từ bị bóng tối che khuất khi mặt trời biến đi nơi cuối đường chân trời. Đó là khung cảnh tuyệt đẹp, khó quên.

        Sáng hôm sau, chúng tôi được chứng kiến, những làn sương sớm dưới thung lũng tan biến đi trước những tia nắng ấm áp của mặt trời. Chúng tôi trông thấy rõ giòng sông Sê Pôn (Sepone) uốn quanh co, như một con rắn khổng lồ mầu đen dưới chân núi. Ngày nào cũng tôi cũng lục xoát trong khu rừng âm u, tìm dấu vết của địch quân. Chúng tôi đang ở trên một cao độ, thở hít không khí trong lành của thiên nhiên, không như lớp không khí ô nhiễm ở dưới vùng bình nguyên có người sinh sống.



DẤU HIỆU TRÊN NÚI

        Chúng tôi biết, có người ở đằng trước lộ trình chúng tôi đang đi. Dấu vết trên đướng mòn và những nét khắc trên cây bằng dao. Những dấu hiệu để lại như cảnh cáo chúng tôi đang đi vào cõi chết nếu tiếp tục đi sâu vào. Nhiệm vụ thúc đẩy tôi tiến lên, lúc đó chỉ sợ nghe tiếng kêu khác lạ của thú rừng, biết đâu sẽ làm đám DSCĐ Bru bỏ chạy trở về Khe Sanh.

        Tiếp theo, chúng tôi được nhìn dấu hiệu “tử điạ”, sọ người với hai khúc xương bắt chéo khắc trên một thân cây lớn. Nhìn thấy dấu hiệu, mọi người đều lạnh cẳng, phát sốt phát rét. Một người đầy kinh nghiệm như Haynes cũng khuyên tôi không nên tiến sâu thêm. Phiá bên kia đường mòn, một người Bru phám phá ra phân người, có ruồi bâu lại chứng tỏ người này đã có mặt trong khu vực cách lúc đó không lâu. Viên sĩ quan LLĐB Việt Nam cũng cho biết, có lẽ lính Bắc Việt đang lẩn vẩn trong khu vực

        Toán tiền sát dẫn đường báo cáo tìm thấy một trạm nghỉ, dừng chân của địch nằm bên kia biên giới Lào-Việt bên bờ sông Sê Pôn. Binh trạm của địch có ba dẫy nhà dài và một số căn nhà nhỏ nằm ẩn sau tàng cây cao dọc theo bờ sông. Không rõ vì lý do nào, tất cả địch quân đang ở chung trong một dẫy nhà dài và đang ca hát, vẫn chưa biết đã bị toán tiền sát khám phá. Khi cả toán tuần tiễu kéo đến, dường như địch quân đang có buổi họp trong căn nhà dài. Dọc theo bờ sông không thấy vọng gác, cũng như địch quân đang canh gác, do đó chúng tôi sẽ tiến vào từ hướng đó

        Sau khi quan sát mục tiêu, xác định tình thế, chúng tôi quyết định sẽ gài lựu đạn bẫy trong khu vực, đặc biệt dẫy nhà dài nơi đang có buổi họp. Sau khi xắp đặt toán an ninh bên bờ hướng đông sông Sê Pôn, tôi ra lệnh cho một toán đi tìm một “điểm hẹn” để sau khi thanh toán xong đám địch quân trong binh trạm, sẽ về điểm tập trung phòng thủ qua đêm. Tiếp theo tôi chọn hai binh sĩ kinh nghiệm xâm nhập vào binh trạm của địch gài lựu đạn bẫy.

        Đến xế chiều, toán nằm giữ an ninh báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh, hai người lính Bru di chuyển xuống bờ suối cạn, xâm nhập vào khu vực “cấm điạ” của địch. Những giây phút nặng nề rồi hai người lính quay trở về báo cáo đã gài xong lựu đạn. Lúc đó tôi có thể ra lệnh tấn công nhưng lại thôi, cả toán tuần tiễu lặng lẽ di chuyển về điểm hẹn, tổ chức phòng thủ đêm.

        Qua ngày hôm sau, binh sĩ đi đầu báo cáo cho biết, trông thấy có người (địch) băng qua khúc sông cạn Sê Pôn. Anh ta ra thủ hiệu có địch. Chúng tôi vội vàng dừng lại, tổ chức phục kích. Các binh sĩ DSCĐ Bru tỏ vẻ khích động. Ông bạn LLĐB/VN dành cho tôi bắn phút súng lệnh, khi địch quân đã vào đúng ổ phục kích, Mạch máu tôi chạy nhanh hơn, chờ đợi đám địch quân xuất hiện.

        Cuối cùng, đám tuần tiễu của địch xuất hiện. Mấy tên dẫn đầu rất cẩn thận, nghi ngờ. Bọn chúng di chuyển rất chậm, quan sát kỹ càng trước khi cả toán di chuyển lên. Lúc đó tôi đã rõ ý định của toán tuần tiễu của địch, chúng đang chuẩn bị băng qua sông, chỉ cách điạ điểm phục kích khoảng 50 thước. Điều làm tôi ngạc nhiên, khi ra đến bờ sông, địch quân không còn giữ đội hình nữa, thản nhiên đeo súng trên lưng, cứ tự nhiên lội qua.

        Theo linh tính tôi coi lại khóa an toàn của khẩu súng, rồi tiếp tục quan sát, cho đến khi trông thấy người cuối cùng trong toán địch bước xuống giòng sông. Tôi nâng khẩu súng lên chọn mục tiêu, nhìn quanh, các binh sĩ người Bru cũng đã sẵn sàng nhả đạn.

        Một phát súng nổ vang rồi cả toán tuần tiễu LLĐB đồng loạt khai hỏa. Tôi trông thấy những xác người trúng đạn ngã xuống sông, mấy tên khác đưa tay lấy súng từ lưng cũng bị trúng đạn. Một khúc sông Sê Pôn nhuộm máu. Có mấy tên bị thương chạy qua được bên này sông cũng bị các binh sĩ Bru bắn chết.

        Trận phục kích kết thúc nhanh chóng trả lại yên tĩnh cho núi rừng. Toán quân của địch kẹt đúng lúc đang ở giữa giòng sông, không một tên nào chạy thoát. Bây giờ vấn đề tôi phải lo là làm sao quay trở về để tránh bị đơn vị lớn của địch truy kích, trả đũa. Tôi chỉ thị người đi bọc hậu phải báo động nếu phát giác ra địch quân đuổi theo.

        Để tránh trường hợp bị phục kích ngược trở lại, tôi chọn đường về xa hơn. Chúng tôi đi sâu vào trong vùng rừng núi, không dọc theo biên giới như lộ trình lúc đi. Đến khi gặp một giòng sông, sẽ đi ngược lên hướng bắc sẽ đến làng Bru Hương Hoa, nơi phiá nam đường số 9. Tôi gọi máy báo cáo lên chiếc máy bay quan sát, yêu cầu tiếp tế lương thực và đạn dược.

        Ngày hôm sau, chúng tôi khám phá một miếng vườn, đã được khai quang để trồng trọt. Ai đó đã làm những công việc này, trồng khoai, rau cỏ, và người này phải ở gần đây. Tôi ra lệnh lục soát khu vực xung quanh, tìm ra một trạm nghỉ khác của địch, có vài căn chòi lá nhưng không có người.

        Khu vực này được một gia đình người Thượng trông nom, gồm một đàn ông, người đàn bà đang mang bầu và một đứa bé trai bị tật nguyền, què chân. Chúng tôi nói họ phải đi với chúng tôi đến Khe Sanh để thẩm vấn... Những người Thượng đơn sơ mộc mạc không có vẻ gì chống đối... không biết họ có hiểu những điều tôi nói không? Chúng tôi tiếp tục di chuyển theo giòng sông, ngược lên phiá bắc.

        Khi chúng tôi trở về đến Khe Sanh, các bạn đã chờ sẵn cho tôi biết Hà Nội Hannah (đài phát thanh Hà Nội) đã đọc bản tin tức về toán tuần tiễu LLĐB ở Khe Sanh đã làm gì trong mấy ngày vừa qua.



Theo tài liệu: Charles A McDonald, “Border Surveillance”, Behind the line magazine, trang: 43-51.

Dallas, Texas
vđh

 
LỰC LƯỢNG DÂN SỰ CHIẾN ĐẤU
NHỮNG NĂM ĐẦU (1961 – 1967)



        Ngày 7 tháng Năm, 1954, Việt Minh đã chiến thắng quân đội Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Việt Nam bị chia đôi theo vĩ tuyến 17 và Tổng Thống Dwight D. Eisenhower hứa sẽ trợ giúp Thủ Tướng Ngô Đình Diệm xây dựng một lực lượng quân sự chống lại phiá cộng sản. Đến tháng Bẩy năm 1954, Hoa Kỳ đã có 342 cố vấn quân sự trong miền nam Việt Nam. Nhóm Cố Vấn Quân Viện (Military Assistance Advisory Group – MAAG). Mới đầu, cơ quan này chỉ chú trọng đến vấn đề phản tuyên truyền, những luận điệu tuyên truyền bôi nhọ chính quyền Ngô Đình Diệm từ phiá cộng sản.

        Đến năm 1961, miền Bắc đã dựng nên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, thường được gọi  là Việt Cộng, phát động chiến tranh Giải Phóng trong miền nam. Tổng Thống Kennedy được sự ưng thuận của Quốc Hội, gia tăng viện trợ kinh tế, quân sự cho người đã trở thành Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm. Sự gíup đỡ này nhằm gia tăng khả năng chống xâm nhập của Việt Cộng qua vài chương trình, trong đó có chương trình phát triển canh tác trên vùng cao nguyên.

        Sự thật, chương trình này để che dấu một hoạt động bí mật do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA phác họa ra, nhằm mục đích thâu thập tin tức về các hoạt động của du kích cộng sản trong khu vực, và sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt vào vùng rừng núi cao nguyên, dọc theo biên giới. Sau khi nghiên cứu, đánh giá các nguồn tin tức, cơ quan CIA sẽ xây dựng một đơn vị Dân Sự Chiến Đấu, tuyển mộ từ các sắc dân thiểu số (đồng bào Thượng).

        Những toán A, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ được trao cho nhiệm vụ bí mật của cơ quan tình báo CIA. Phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp trong nhóm Cố Vấn Quân Viện Hoa Kỳ (MAAG) sẽ yểm trợ, cung cấp phương tiện huấn luyện cho sắc dân thiểu số qua kế hoạch Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu. Tài liệu này là phần đầu trong hai bài viết về Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu do người Hoa Kỳ tổ chức. Phần đầu sẽ nói về việc xây dựng, phát triển (1961-1967), phần thứ hai sẽ nói về LL/DSCĐ (CIDG) trong kế hoạch Việt Nam Hóa (1968-1971), khi lực lượng này được chuyển giao cho Biệt Động Quân QLVNCH.

        Tại sao có lực lượng Dân Sự Chiến Đấu? Thứ nhất, cơ quan CIA tin rằng, với một lực lượng võ trang bao gồm sắc dân thiểu số sẽ làm cho chính quyền miền Nam tăng thêm khả năng chống xâm nhập của địch vào những khu vực hẻo lánh. Thứ hai, nhóm sắc dân thiểu số đông đảo nhất là người Thượng, họ bị chính quyền “không màng đến”, coi như những “công dân hạng ba  (hạng bét)”, nên rất dễ bị cộng sản tuyên truyền, xúi dục, và tuyển mộ. Hơn nữa, sự kiểm soát của địch trên vùng cao nguyên cũng là một điều đáng lưu ý.

        Đến năm 1961, sự xâm nhập của địch là một một mối đe dọa cho chính quyền Ngô Đình Diệm và quân đội VNCH. Chính quyền miền Nam yêu cầu sự trợ giúp của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp và cho phép người Hoa Kỳ tiếp xúc với những người lãnh đạo sắc dân Rhade. Sau đó cơ quan này sẵn sàng huấn luyện quân sự, trang bị cho người Rhade, nếu họ tuyên thệ trung thành với chính quyền miền Nam, và tổ chức việc phòng thủ xóm làng (buôn, bản Thượng).

        Ngôi làng đầu tiên được chọn là Buôn Enao trong tỉnh Darlac, sau này gọi là “Thí Nghiệm Buôn Enao”. Theo một sắc lệnh của Tổng Thống (Hoa Kỳ), việc này đặt dưới quyền quản trị độc nhất của phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp, không lệ thuộc vào quân đội VNCH cũng như cơ quan Cố Vấn Quân Viện (MAAG). Trong tháng Mười năm 1961, hai người Hoa Kỳ, David A. Nuttle, một viên chức trong cơ quan Dịch Vụ Tình Nguyện Thế Giới (International Voluntary Services), đã làm việc tại Việt Nam từ năm 1959 trong những dự án nông nghiệp, người kia là Trung Sĩ  Paul F. Campbell, Quân Y Lực Lượng Đặc Biệt, thuộc Liên Đoàn 1 LLĐB/HK đến buôn Enao.

        Trung sĩ Campbell kể lại lần đầu tiên gặp gỡ những vị “trưởng lão” trong làng: “Nuttle giải thích cho họ rằng, chương trình nhằm cải thiện đời sống của đồng bào Thượng, việc làm rẫy, trồng tiả, y tế. Chúng tôi sẽ đến những làng mạc như Buôn Enao để huấn luyện, chỉ dẫn việc bảo vệ xóm làng, không cho người lạ vào trong làng. Ngăn ngừa Việt Cộng và cả quân đội VNCH”. Chuyện này sẽ “tự lập, tự cường”, những người dân làng sẽ đứng lên bảo vệ xóm làng của mình.

        Sau hai tuần lễ “thương thuyết”, và trung sĩ Campbell biểu diễn tài chữa bệnh cho dân làng rất thành công, những vị “trưởng lão” ưng thuận và tuyên thệ trung thành, để bắt đầu công việc tổ chức phòng vệ ngôi làng (Village Defense Program, VDP). Những người Thượng xây một hàng rào chiến lược bao quanh làng và đào hầm trú ẩn cho người già, đàn bà và trẻ con, đề phòng Việt Cộng tấn công. Họ xây cất một khu huấn luyện, một bệnh xá và tổ chức đường giây lấy tin tức, theo dõi những sự di chuyển của địch trong khu vực, và báo động khi bị tấn công.

        Đến giữa tháng Mười Hai  năm 1961, “thí nghiệm Buôn Enao” hoàn toàn xong xuôi. Thêm năm mươi (50) đàn ông từ làng kế cận được huấn luyện như một lực lượng an ninh di động để bảo vệ Buôn Enao và khu vực lân cận. Sau khi hoàn tất ngôi làng “thí điểm đầu tiên”, vị tỉnh trưởng Darlac cho phép phát triển ra thêm bốn mươi buôn Thượng Rhade khác trong đường bán kính 15 cây số từ tâm điểm Buôn Enao và “ép buộc” vị trưởng làng, phó trưởng làng phải thụ huấn quân sự.

        Chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) phát triển quá nhanh, trong khoảng thời gian từ tháng Tư cho đến tháng Mười năm 1962, thêm hai trăm (200) buôn Thượng khác được “đoàn ngũ hóa”. Đến cuốn năm 1962, “chuyện làm ăn coi bộ khấm khá”, chính quyền miền Nam trao trách nhiệm chương trình này cho vị tỉnh trưởng Darlac với chỉ thị bao gồm thêm những bộ lạc người Jarai và Mnong.

        Câu chuyện về Buôn Enao làm tăng thêm các hoạt động của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong miền Nam. Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam (LLĐB) được huấn luyện thêm. Những nhiệm vụ mới này đòi hỏi có thêm những toán A LLĐB/HK trong thời gian phục vụ sáu (6) tháng tại Việt Nam và thành lập Bộ Chỉ Huy LLĐB/HK tại Việt Nam. Đến giữa tháng Chín năm 1962, Đại Tá George C. Morton, trưởng ngành Chiến Tranh Đặc Biệt, phòng 3 (Hành Quân), bộ chỉ huy Quân Viện (MACV) cùng với bẩy mươi hai (72) quân nhân LLĐB đến từ căn cứ Fort Bragg, tiểu bang North Carolina thành lập bộ chỉ huy C với bốn toán A trong Saigon. Đến tháng Mười Một, phần còn lại của bộ chỉ huy đến làm việc. Bộ chỉ huy C lúc đó có mười bốn sĩ quan và bốn mươi ba binh sĩ LLĐB.

        Đại Tá Morton ra lệnh cho Trung Tá Eb Smith đem theo mười tám binh sĩ ra Nha Trang, thiết lập căn cứ hành quân LLĐB (Special Force Operation Base, SFOP), để sau đó sẽ di chuyển toàn bộ chỉ huy C ra khỏi Saigon. Từ vị trí “trung tâm” miền nam Việt Nam, Đại Tá Morton chỉ huy, điều hành 530 chiến sĩ LLĐB (HK) gồm có bốn bộ chỉ huy B và hai mươi tám toán A/LLĐB, rải rác trong khắp miền nam Việt Nam.
         Cùng với đà phát triển, Nhóm Cố Vấn Quân Viện (MAAG) được sắp xếp lại trở thành Bộ Tư Lệnh Quân Viện tại Việt Nam (MACV). Sự phát triển này tạo nên hai việc thay đổi lớn: MACV sẽ cố vấn và trợ giúp chính quyền miền Nam, tổ chức việc huấn luyện, quân trang quân dụng, và chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) trở thành Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (LL/DSCĐ - CIDG).

        Trong tháng Hai năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp (CSD) có nhiệm vụ điều hành LL/DSCĐ, theo dõi các đơn vị LLĐB/HK phục vụ trong lực lượng này, và phối hợp các hoạt động của lực lượng DSCĐ với cơ quan MACV. Đến tháng Năm 1962, phòng Nghiên Cứu Hỗn Hợp nhận lãnh nhiệm vụ trang bị, hoạt động của LL/DSCĐ, còn Lực Lượng Đặc Biệt Việt Nam thuộc về quân đội VNCH. Đó là những thay đổi nhỏ trong sự làm việc chung giữa Hoa Kỳ và VNCH.

        Vào ngày 23 tháng Bẩy năm 1962, bộ Quốc Phòng (HK) ban hành quyết định 57 An Ninh Quốc Gia. Theo quyết định này, cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA sẽ bàn giao tất cả những hoạt động bán quân sự (như LL/DSCĐ) bí mật cho bộ tư lệnh Quân Viện Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV). Quân đội Hoa Kỳ sẽ phải lo vấn đề yểm trợ tiếp vận cho Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu. Bộ Quốc Phòng vẫn nắm giữ quyền bổ nhiệm vị chỉ huy trưởng LLĐB/Hoa Kỳ tại Việt Nam. Quân đội Hoa Kỳ có nhiệm vụ, mềm dẻo, hiệu quả trong việc thiết lập ngân khoản để điều hành LL/DSCĐ.

        Trong kế hoạch Trở Lại (Switchback), nhiệm vụ của LL/DSCĐ thay đổi đôi chút. Việt Cộng là mục tiêu chính, nhưng không được tuyển mộ thêm sắc dân thiểu số (dân số họ vốn đã ít). Kế hoạch Trở Lại (Switchback) này phải được hoàn tất vào ngày 1 tháng Bẩy năm 1963. Lúc đó quân Mũ Xanh, LLĐB Hoa Kỳ đã huấn luyện quân sự đầy đủ cho các trại DSCĐ, lực lượng xung kích, tiếp ứng (Mobile Strike Force – Mike Force) để làm trở ngại cho sự xâm nhập, bành trướng của quân đội Bắc Việt và Việt Cộng trong những khu vực xa xôi hẻo lánh, miền nam Việt Nam.

        Những thành quả đạt được trong chương trình “Phòng Vệ Xóm Làng” (VDP) và Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) từ tháng Năm 1962 đến tháng Mười 1963 gần như biến mất, vì những biến cố quân sự, chính trị xẩy ra trong miền nam.

        Cuộc đảo chánh ngày 1 tháng Mười Một năm 1963, đưa đến cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và người em trai của ông ta, ông cố vấn Ngô Đình Nhu. Biến cố lớn này là động lực thúc đẩy cơ quan Quân Viện MACV và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thay đổi theo tình thế. Trước đó, Tổng Thống Diệm không đồng ý cơ quan MAAG/MACV và cấp chỉ huy trong quân đội miền Nam nhúng tay vào công việc huấn luyện của LLĐB/HK, cũng như LL/DSCĐ.

        Ngày 5 tháng Giêng năm 1964, chính quyền “quân đội”, dựa vào kế hoạch Trở Lại (Switchback), không chấp thuận LLĐB/VN biệt lập, đặt dưới sự chỉ huy, kiểm soát của QL/VNCH. Cơ quan MACV được quyền hành rộng rãi, nhanh chóng kiểm soát LLĐB/HK, các đơn vị Mũ Xanh Hoa Kỳ bị đặt dưới quyền chỉ huy của các sĩ quan cao cấp, cố vấn Hoa Kỳ trên các vùng chiến thuật thuộc cơ quan MACV.

        Đại Tá Theodore Leonard được chỉ định thay thế Đại Tá Morton làm chỉ huy trưởng LLĐB/HK tại Việt Nam. Vị chỉ huy trưởng mới, Đại Tá Leonard thẩm định và xác định lại vai trò của LLĐB/HK, và tập trung quyền chỉ huy, điều hành chương trình Dân Sự Chiến Đấu. Vấn đề chỉ huy LLĐB/HK tại Việt Nam trực thuộc bộ tư lệnh Quân Viện Hoa Kỳ (MACV).

        Trong nhiệm vụ mới được trao phó cho LL/DSCĐ, cơ quan MACV muốn biên giới nam Việt Nam phải được phòng ngự bằng những trại biên phòng LLĐB, tuyển mộ từ “lính đánh thuê” sắc dân Nùng. LL/DSCĐ được tổ chức lại theo kiểu chính quy, thành những đơn vị tác chiến (Strike Forces) để giảm bớt gánh nặng cho QL/VNCH.

        Sự thay đổi trong vấn đề điều hành, quản trị và sự kỳ thị dân tộc thiểu số của giới chức thẩm quyền Việt Nam gần như “bóp chết” LL/DSCĐ. Ngày 19 tháng Chín năm 1964, năm trại DSCĐ (LLĐB) gần Ban Mê Thuột nổi loạn, chống lại chính quyền miền Nam. Tọa lạc trên vùng II chiến thuật, Ban Mê Thuột được coi như “Thủ Đô” của người Thượng. Sau mười ngày, cuộc nổi loạn kết thúc, khi các cố vấn Hoa Kỳ đứng ra làm trung gian, khuyến cáo giới chức, thẩm quyền VNCH rằng, có lợi cho cả đôi bên, nếu chính quyền VNCH công nhận một ít “quyền” của họ. Cuộc nổi loạn tạm thời chấm dứt mà phần cuối, nhiều vấn đề vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

        Lực Lượng Đặc Biệt phải chấp nhận thực tế: cơ quan MACV không thích những lực lượng “ngoại lệ”; người Việt coi thường các sắc dân thiểu số, người Thượng; các trại DSCĐ biên phòng sẽ bị phá bỏ nhanh chóng cũng như khi chúng được xây dựng. Khi vấn đề nội bộ của quốc gia lung lay, quân Việt Cộng gia tăng các hoạt động. Bộ Quốc Phòng và cơ quan MACV nhận định rằng, nhiệm vụ của LLĐB trong tương lai và luật lệ làm việc (gia nhập DSCĐ) ở Việt Nam phải được quy định rõ ràng.

        Ngày 1 tháng Mười năm 1964, bộ Quốc Phòng chấp thuận, đưa 1297 quân nhân Mũ Xanh thuộc Liên Đoàn 5 LLĐB (cả một đơn vị) từ căn Fort Bragg đến Nha Trang thay thế nhiệm vụ cho LLĐB/HK tại Việt Nam. Các quân nhân Mũ Xanh đang phục vụ tại Việt Nam (674 người) sẽ nhập vào liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ. Các quân nhân LLĐB/HK sẽ phải phục vụ một năm tại Việt Nam, kỳ hạn sáu tháng trước đây sẽ hết hiệu lực kể từ ngày 1 tháng Năm, 1965.

        Nhiệm vụ mới của liên đoàn 5/LLĐB hoa Kỳ gồm có: Cố vấn cho cơ quan MACV về việc thiết lập (xây dựng), cũng như bỏ rơi (đóng cửa) các trại biên phòng LLĐB; xây dựng thêm trại LLĐB mới, cố vấn cho bộ tư lệnh LLĐB Việt Nam; và nếu nhu cầu cần thiết, sẽ huấn luyện cho các đơn vị LLĐB/VN và LL/DSCĐ. Trong nhiệm vụ mới này, liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ thiết lập bốn bộ chỉ huy C, mười hai bộ chỉ huy B, và bốn mươi tám toán A LLĐB vào tháng Hai, năm 1965.

        Thời gian đầu, sự hiện diện của liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ chỉ có ảnh hưởng chút ít đến các toán A LLĐB (biên phòng) hoặc các đơn vị xung kích (Strike Force) DSCĐ. Lực Lượng Đặc Biệt vẫn tiếp tục nhiệm vụ cố vấn, yểm trợ LL/DSCĐ trong khi các đơn vị xung kích bảo vệ các làng mạc của dân tộc thiểu số.

        Trong dịp Tết vào cuối năm 1964, tình thế chiến trường tại Việt Nam có nhiều biến chuyển. Các đơn vị chính quy cấp lớn Việt Cộng bắt đầu xuất hiện, tấn công, gây tổn thất cho các đơn vị VNCH. Do đó, liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ phải tái xác định lại nhiệm vụ “chống xâm nhập” vào tháng Giêng năm 1965. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ tuyên bố sẽ gửi những đơn vị lớn, trang bị tối tân qua Việt Nam trong mùa Xuân để đánh đuổi quân cộng sản. Trong khi chờ đợi các đơn vị cấp lớn Hoa Kỳ đến và bắt đầu hoạt động, Đại Tướng William C. Westmoreland, tư lệnh, bộ tư lệnh MACV ra lệnh “LLĐB và các đơn vị bán quân sự (LL/DSCĐ) phải đảm nhận nhiệm vụ tấn công trong vai trò người thợ săn ‘Lùng và Diệt’ địch quân”.

        Với đà gia tăng xâm nhập của Việt Cộng và quân đội từ miền Bắc vào. Thay vì giúp đỡ chính quyền miền Nam tự phát triển quân đội và đảm nhận vai trò phòng vệ, những tướng lãnh cao cấp trong quân đội Hoa Kỳ đã đưa vào chiến trường Việt Nam, những đơn vị chiến đấu lớn, tiếp tay với quân đội VNCH. Cơ quan MACV dự định sẽ “chính quy hóa” LL/DSCĐ, chuyển một số đơn vị DSCĐ chọn lọc qua Điạ Phương Quân, và sẽ hoàn tất vào ngày 1 tháng Giêng (đầu năm) 1967. Tiếp theo là kế hoạch đưa hết quân Mũ Xanh LLĐB về lại Hoa Kỳ (Tướng Westmoreland tính chuyện ‘Chiến Tranh Quy Ước’). Các đơn vị xung kích DSCĐ sẽ không còn nhiệm vụ bảo vệ xóm làng nữa mà sẽ phải tấn công địch quân trên các chiến trường trong miền nam Việt nam.

        Trong giai đoạn chuyển tiếp này, bộ tư lệnh MACV nhận định rằng, cán bộ LLĐB/HK chỉ huy DSCĐ rất giỏi về lấy tin tức, lùng và diệt địch, và có thể tự lực chiến đấu. Những khả năng này là một cây kiếm hai lưỡi của LLĐB và đơn vị xung kích DSCĐ. Những tin tức tình báo tác chiến thâu thập được được phân tích để gia tăng hiệu năng, củng cố thêm sức mạnh cho LL/DSCĐ. Nhu cầu lấy tin tức về sự xâm nhập của quân đội Bắc Việt gia tăng trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1968, việc phòng vệ các làng người dân tộc thiểu số giảm đi.

        Các đơn vị DSCĐ được quân Mũ Xanh LLĐB Hoa Kỳ chỉ huy vẫn tiếp tục chạm trán với địch quân. Được trực thăng yểm trợ, bắt đầu từ tháng Năm 1966, LL/DSCĐ trở nên di động, tiếp ứng nhanh chóng. Là một đơn vị xung kích lưu động (Mobile Strike Force – Mike Force), chiến sĩ DSCĐ phải đi hành quân thường xuyên, làm đơn vị tấn công hoặc tiếp ứng cho các trại biên phòng, khi các trại này bị tấn công. Đến tháng Chín năm 1966, LLĐB/HK thiết lập thêm hai mươi hai trại LLĐB mới, và tăng số trung đội trinh sát DSCĐ từ ba mươi tư lên bẩy mươi ba. Bộ tư lệnh Quân Viện MACV ra lệnh cho LĐ5/LLĐB/HK thiết lập trường huấn luyện “Recondo” (Trinh Sát Cảm Tử - Recondo School) ở Nha Trang. Trường này huấn luyện khóa học mười hai ngày “chiến tranh VN” cho tất cả các quân nhân LLĐB Hoa Kỳ mới qua Việt Nam và khóa Viễn Thám cho quân nhân từ các đơn vị tác chiến gửi về.

        Với sự thành công, đạt được nhiều kết quả trong năm 1966, đặc biệt trong các trận đột kích ban đêm, Tuớng Westmoreland ra lệnh cho Đại Tá Francis J. Kelly, chỉ huy trưởng liên đoàn 5/LLĐB Hoa Kỳ xem xét lại việc xử dụng các toán A LLĐB trên toàn lãnh thổ miền nam Việt Nam và đưa ra những kế hoạch hàng năm để phối hợp với các vị tư lệnh vùng chiến thuật.

        Chuyện “xét lại” này được bộ tư lệnh MACV đưa ra bản hướng dẫn: Mỗi toán A LLĐB và các trại biên phòng phải hoạt động tối đa trong nhiệm vụ trao phó. Những toán A LLĐB có thể được thay thế bằng cách hoán chuyển đơn vị xung kích DSCĐ sang quân đội VNCH. Phối hợp làm việc với các cố vấn trưởng tại các quân đoàn và phiá Việt Nam Cộng Hòa. “Chỉ nói đơn giản, nhiệm vụ chúng tôi là trợ giúp để người Việt Nam tự giúp đỡ họ”. Trong tháng Tám năm 1966, Đại Tá Kelly cho biết, nếu số quân nhân LLĐB/HK cắt giảm, LLĐB/VN sẽ phải điền khuyết vào để đảm nhận vai trò.

        Đến năm 1967, bộ tư lệnh Quân Viện MACV đưa ra một chương trình, nhưng không có thời khóa biểu nào đề ra để chấm dứt chiến tranh. Chỉ nói đến việc tăng cường quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam và sự phát triển đáng kể của QL/VNCH. Tuy nhiên, Đại Tá Kelly vẫn đệ trình lên một chương trình về LL/DSCĐ và đã được các vị cố vấn trưởng Quân Đoàn, cũng như các Tướng tư lệnh vùng chiến thuật chấp thuận. Chương trình này trình bầy kế hoạch thay thế hoàn toàn LLĐB Hoa Kỳ vào cuối năm 1971.

        Không may cho cả Hoa Kỳ và quân đội VNCH, phiá Bắc Việt cũng có một... kế hoạch riêng của họ. Kế hoạch dài hạn của cơ quan MACV xụp đổ vào tháng Giêng năm 1968 khi quân cộng sản tổng tấn công nhân dịp Tết (Mậu Thân).



Theo tài liệu: Veritas Vol.5, No.4, 2009. Trang: 19, 20, 24-27

Dallas, Texas
vđh 



LỰC LƯỢNG DÂN SỰ CHIẾN ĐẤU
NHỮNG NĂM SAU (1968 – 1971)

QUÂN LỰC VNCH TIẾP NHẬN LL/DSCĐ



        Nhiệm vụ chính yếu của liên đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ trong hai năm rưỡi cuối cùng là bàn giao hoàn toàn Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (CIDG) cho QL/VNCH. Quan niệm về Việt Nam Hóa là trọng điểm chiến lược của quân đội Hoa Kỳ trong hai năm 1968, 1969 nên cũng không có gì mới lạ cho liên đoàn 5 LLĐB. Tuy nhiên LLĐB/VN vẫn chưa huấn luyện đầy đủ phần chuyên môn cho quân nhân LLĐB/VN, có lẽ vì sự tham chiến với những đơn vị cấp lớn của quân đội Hoa Kỳ, làm cho trận chiến có vẻ quy ước, trận điạ chiến hơn là một trận chiến tranh ngoại lệ.

        Dầu thế nào chăng nữa, liên đoàn 5 LLĐB/HK đã ra lệnh, đẩy mạnh nhiệm vụ chiến đấu vào tay quân đội VNCH. LLĐB/HK chỉ có nhiệm vụ giúp đỡ miền nam chiến thắng. Kết qủa thắng hay bại nằm trong tay người Việt Nam mà một phần qua sự chiến đấu của sắc dân thiểu số, đồng bào Thượng đang phục vụ trong Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu.

        Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ vẫn tiếp tục chiến đấu cho đến ngày họ trở về Hoa Kỳ. Trong khoảng thời gian chuyển tiếp này, họ vẫn xây dựng thêm các tiền đồn biên phòng mới và sửa sang, tu bổ những trại cũ để chuẩn bị bàn giao cho QL/VNCH.

        Những kế hoạch chuyển giao LL/DSCĐ cho Việt Nam Cộng Hòa thực ra đã có từ đầu năm 1964. Tuy nhiên, tình hình chiến sự trở nên nặng nề hơn từ sau trận tấn công Tết Mậu Thân 1968, làm cho những đơn vị chính quy VNCH chưa thể đảm trách nhiệm vụ biên phòng cho đến năm 1970. Trong năm 1969, bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH và bộ tư lệnh Quân Viện (MACV) nhìn thấy sự phát triển và đồng ý rằng, QLVNCH đã có thể gánh vác trách nhiệm biên phòng, ngăn chặn đường tiếp tế, xâm nhập của Bắc Việt vào miền nam Việt Nam.

        Mặc dầu các trại LLĐB nội điạ vẫn tiếp tục được chuyển giao cho QL/VNCH (Điạ Phương Quân) khi tình hình an ninh trong khu vực trách nhiệm của trại đã được bình định. Nhiệm vụ của LLĐB/HK thâu gọn lại. Đến năm 1970, chương trình Dân Sự Chiến Đấu có thể được coi như kết thúc. Một tiểu ban trong bộ tư lệnh Quân Viện (MACV) được triệu tập vào ngày 20 tháng Ba năm 1970 để tìm một giải pháp kết thúc chương trình Dân Sự Chiến Đấu một cách êm thắm.

        Tiểu ban này khuyến cáo, tất cả các trại LLĐB (DSCĐ) còn lại phải được bàn giao cho QL/VNCH (binh chủng Biệt Động Quân) trong khoảng thời gian từ tháng Tám cho đến tháng Mười hai năm 1970. Vấn đề bàn giao các trại biên phòng này bao gồm việc đồng hóa các dân sự chiến đấu trở thành quân nhân trong QL/VNCH. Một hệ thống tiền đồn biên phòng do các tiểu đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng đảm trách được dựng lên để thay thế Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu. Binh chủng LLĐB/VN sẽ phụ giúp Biệt Động Quân trong việc cải tuyển nhân sự để các dân sự chiến đấu gia nhập quân đội VNCH. (sắc dân thiểu số, đồng bào Thượng không bị ràng buộc bởi luật động viên. Họ được tự do trở về với xóm làng, bản Thượng của họ nếu mốn). Cho tới giai đoạn cuối, LLĐB/VN cùng với quân Mũ Xanh LLĐB/HK khuyến khích, giải thích cho các dân sự chiến đấu về quyền lợi khi gia nhập QL/VNCH. Do đó đa số họ được chuyển qua Biệt Động Quân.

        Năm 1970, cường độ chiến tranh có vẻ giảm xuống. QL/VNCH và Hoa Kỳ mở những cuộc hành quân qua đất Miên nhằm phá hủy các căn cứ điạ, hậu cần của địch. Đặc biệt trong vùng III chiến thuật, có sự tham dự của LL/DSCĐ và kết qủa áp lực của địch nơi các trại biên phòng giảm đi rất nhiều.

        Cũng trong năm 1970, ngoài quân khu I, quân đội Bắc Việt và Việt Cộng vẫn tạo áp lực. Bộ chỉ huy C1 (đại đội C, liên đoàn 5 LLĐB/HK) ngoài Đà Nẵng vẫn chịu trách nhiệm về các hoạt động LLĐB ngoài vùng I và trại LLĐB Tiên Phước (A-102, TĐ77/BĐQ/BP) được chấm điểm là đơn vị xuất sắc nhất trong vùng chiến thuật năm 1970. Trong thời gian khoảng hai hoặc ba tháng, LL/DSCĐ Tiên Phước loại khỏi vòng chiến 50, 60 địch quân mỗi tháng mà chỉ bị tổn thất nhẹ.

        Trong khoảng thời gian đó, một buổi sáng sớm, trại LLĐB Mai Lộc (A-101, đóng cửa không chuyển qua BĐQ/BP) bị đặc công của địch tấn công, lọt vào bên trong căn cứ phá hủy nhiều công sự phòng thủ trước khi bị LL/DSCĐ trú phòng đẩy lui. Ít lâu sau khi căn cứ Mai Lộc bị tấn công, trại LLĐB Thường Đức (A-109, TĐ79/BĐQ/BP) bị địch bao vây, pháo kích bằng súng cối. Quân đội Bắc Việt bao vây căn cứ 60 ngày nhưng sau đó phải rút lui, tiền đồn biên phòng đứng vững. Đến tháng Mười, địch quay trở lại tấn công nhưng bị đẩy lui để lại 74 xác chết. Trong thời gian một tuần lễ, quân đội Bắc Việt mở ba trận tấn công lớn nhưng không thành công với tổn thất 150 quân.

        Năm 1970, trên vùng cao nguyên, thuộc quân đoàn II, địch quân thường bao vây các trại LLĐB. Các hoạt động LLĐB trong vùng II chiến thuật do bộ chỉ huy C2 (đại đội B, liên đoàn 5 LLĐB/HK) đảm trách. Trại LLĐB Bu Prang (A-236, TĐ89/BĐQ/BP) bị vây hãm 45 ngày cho đến cuối năm 1969 đã được sửa sang, tái thiết với các công sự phòng thủ hoàn toàn ngầm dưới mặt đất. Trại LLĐB Dak Seang (A-245, TĐ90/BĐQ/BP) bị bao vây kể từ 6 giờ 45 phút sáng ngày 1 tháng Tư năm 1970. Sau đó địch quân đã tỏ vẻ nhất quyết san bằng căn cứ Dak Seang, bộ tư lệnh quân đoàn II vội vàng đưa Biệt Động Quân cùng với Lực Lượng Xung Kích Tiếp Ứng (Mobile Strike Force, Mike Force cũng thuộc LLĐB) lên đánh giải vây cho tiền đồn biên phòng này.

        Biệt Động Quân cùng đơn vị tiếp ứng gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị chính quy Bắc Việt, trung đoàn 28, trung đoàn 66 và trung đoàn 40 Pháo Binh. Mười hai ngày sau khi tấn công căn cứ Dak Seang, địch quân chuyển hướng tấn công qua bao vậy trại LLĐB Dak Pek (A-242, TĐ88/BĐQ/BP). Địch chỉ pháo kích vào căn cứ và xử dụng đặc công và bị đẩy lui.

        Cuộc hành quân qua Miên, QL/VNCH giải cứu và đưa về nhiều Việt kiều. Đó cũng là một vấn đề cho chính phủ VNCH. Một số làng được xây cất trong tỉnh Phước Long dành cho Việt kiều hồi hương vì tỉnh này đất đai trù phú lại ít dân cư. Những ngôi làng này được xây cất gần trại LLĐB Bu Prang và Đức Lập (A-239, TĐ96/BĐQ/BP).

        Các trại biên phòng và đơn vị LLĐB trong lãnh thổ quân khu III trực thuộc bộ chỉ huy C3 (đại đội A, liên đoàn 5 LLĐB/HK). Trong cuộc hành quân vượt biên, một số đại đội DSCĐ thuộc hai trại LLĐB Dức Huệ (A-325, TĐ83/BĐQ/BP) và Trà Cú (A-316, TĐ64/BĐQ/BP). Các đại đội DSCĐ này tấn công các căn cứ huấn luyện của địch bên Miên và khám phá nhiều kho vũ khí, quân dụng, hậu cần của địch trong tháng Năm, 1970.

        Trước đó, vào đầu năm 1970, lực lượng Xung Kích Lưu Động (Mobile Strike Force) quân đoàn III đã gây tiếng vang, khám phá và tịch thu được một kho vũ khí lớn của địch. Lực lượng Xung Kích hành quân lục soát trong chiến khu D gần khu vực rừng Rang Rang, một căn cứ điạ kiên cố, chắc chắn của địch đã khám khá ra kho vũ khí đó, gồm 450 khẩu súng trường SKS, 1034 đạn súng cối 82 ly, 130 hỏa tiễn 122 ly và gần 200 tấn đạn dược đủ loại. Các trại LLĐB khác, Katum (A-375, TĐ84/BĐQ/BP), Tống Lê Chân (A-334, TĐ92/BĐQ/BP) và Bù Đốp (A-341, TĐ97/BĐQ/BP) bị địch quấy rối, pháo kích bằng súng cối thường xuyên. Nặng nhất là trại Katum, có ngày bị pháo kích hơn 300 quả đạn súng cối. Sau cuộc hành quân qua Miên, cũng như trên quân đoàn II, tình hình các trại LLĐB tạm yên.

        Các trận đánh dưới vùng IV chiến thuật do LLĐB đảm trách, xử dụng những phương tiện do LLĐB phát triển thích hợp trong vùng đồng bằng Cửu Long có nhiều kênh rạch, sông ngòi. Đại đội xung kích thuộc bộ chỉ huy C4 (đại đội D, liên đoàn 5 LLĐB/HK) xử dụng những loại thuyền máy, thuyền bay trong các cuộc hành quân rất hiệu quả. Các trận chạm súng với địch thuờng xẩy ra trong khu vực Thất Sơn, khi đại đội xung kích kết hợp với các đơn vị xung kích thuộc hai trại LLĐB Ba Xoài (A-421, TĐ94/BĐQ/BP), Vĩnh Gia (A-149, TĐ93/BĐQ/BP) mở cuộc hành quân tảo thanh. Trại LLĐB Ba xoài và căn cứ Chi Lăng (toán B LLĐB) đều bị địch tấn công nhưng thất bại. Nói chung trên bốn vùng chiến thuật, vùng IV vẫn yên ổn nhất.

        Các hoạt động dân sự vụ trong chương trình Dân Sự Chiến Đấu là một khiá cạnh rất quan trọng trong cuộc chiến. Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ đã bọc lộ sự quyết tâm đối với người dân miền nam Việt nam.

        Bảng tóm lược các hoạt động dân sự vụ do liên đoàn 5 LLĐB/HK đã thực hiện trong khoảng thời gian 1964 – 1970 cho biết, họ đã thực hiện 49902 chương trình trợ giúp kinh tế, 34334 chương trình giáo dục, 35468 chương trình phát triển đời sống, 10959 chương trình y tế, cung cấp 14934 phương tiện di chuyển, giúp đỡ 479568 người tỵ nạn, đào 6436 giếng nước, sửa chữa 1949 cây số đường xá, xây cất 129 nhà thờ, 272 cái chợ, 110 trạm xá khám bệnh, 398 hố chứa rác, xây 1003 lớp học, và 672 chiếc cầu.

        Trên lãnh vực quân sự, danh từ “cuốn gói” được xử dụng để chấm dứt hay không còn khả năng sẵn sàng tác chiến (làm việc) nữa. Khi liên đoàn 5 LLĐB/HK nhận được lệnh “cuốn gói”, lúc đó họ đã sẵn sàng sau mười năm tham chiến tại Việt Nam.

        Đến ngày 1 tháng Sáu năm 1970, chỉ còn lại 38 trại Dân Sự Chiến Đấu. Những trại nội điạ khác đã được chuyển giao cho Điạ Phương Quân hoặc đóng cửa. Bộ Tổng Tham Mưu QL/VNCH và bộ tư lệnh Quân Viện (MACV) quyết định chuyển giao các trại biên phòng còn lại cho Biệt Động Quân với thời hạn chót phải hoàn tất là ngày 31 tháng Mười Hai năm 1970. Những trại LLĐB (DSCĐ) tương đối an ninh, dễ tiếp tế trong mùa mưa được chuyển giao trước, sau đó mới đến các trại nằm xa xôi, trong khu vực thường xuyên có các hoạt động của địch. Riêng trại Mai Lộc đóng cửa (bỏ) nên số còn lại chuyển qua BĐQ là 37 trại.

        Trong giai đoạn chuyển tiếp, liên đoàn 5 LLĐB/HK sẽ quay trở về Hoa Kỳ ngày 31 tháng Ba năm 1971 nên vẫn tiếp tục yểm trợ cho 37 trại biên phòng. Khi đã chuyển giao cho Biệt Động Quân, quân số của liên đoàn 5 LLĐB/HK giảm xuống, gây trở ngại rất lớn trong vấn đề yểm trợ tiếp vận cho các trại Biệt Động Quân Biên Phòng. Bộ chỉ huy BĐQ QL/VNCH không có đủ số cố vấn Hoa Kỳ cho các trại biên phòng vừa mới nhận lãnh. Để “gỡ” cho BĐQ, các toán A LLĐB/HK được lệnh để lại toán cố vấn 3 người trong các trại biên phòng cho đến khi các toán cố vấn BĐQ được đưa ra căn cứ.  

        Chương trình chuyển giao các trại DSCĐ cho Biệt Động Quân tiến hành rất êm xuôi. Một phần vì toán A LLĐB/VN ở lại trại, vị sĩ quan trưởng trại trở thành tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân. Ông ta đã am tường, quen thuộc với nếp sinh hoạt, điều hành căn cứ, vùng hành quân, khu vực trách nhiệm.

Dallas, Texas 

Vđh

MIA GERALD FRANCIS KINSMAN

        Trong tháng Giêng năm 1967, thiếu tá Leary, chỉ huy trưởng B-43 Lực Lượng Đặc Biệt, cùng với đại úy Harry Purdy đại đội trưởng, được thuyên chuyển đến B-43 LLĐB. Nhiệm vụ của bộ chỉ huy B-43 huấn luyện, cố vấn trung đội trinh sát người Miên (Khmer), thuộc đại đội 2, tiểu đoàn 1 (sau đó là tiểu đoàn 6) Xung Kích, Tiếp Ứng Mike Force. Bộ chỉ huy B-43 đóng trong trại LLĐB Chi Lăng, trong tỉnh Châu Đốc dưới vùng 4 chiến thuật. Bộ chỉ huy B-43 còn có thêm các quân nhân LLĐB/HK: trung úy James F. Kinsman, trung úy James J. McCarty, trung sĩ James A. Harwood, và trung sĩ Stamper.

        Trại LLĐB Chi Lăng nằm trong khu vực gần biên giới Việt-Miên rất nguy hiểm. Vì sự hiện diện của đơn vị cấp lớn của địch, nên các buổi thực tập gần như các trận đánh thật giữa lính Miên và quân chủ lực VC trong vùng. Mặc dầu LLĐB/HK rất tin tưởng nơi sự chiến đấu của người Miên, nhưng họ vẫn chưa có đủ kinh nghiệm. Vấn đề trở nên “bết” hơn vì sự rắc rối giữa binh sĩ Việt Nam và Miên.

        Ngày 15 tháng Giêng năm 1971, trung úy Kinsman, huấn luyện viên chiến thuật, trung úy McCarty, và trung sĩ Harwood đi theo trung đội trinh sát 24 người Khmer thực tập hành quân trên núi Tà Béc. Trên bản đồ, ngọn núi này có tên “đồi 282” (cao độ), ngọn núi nhỏ (thấp) nhất trong số những ngọn núi ở gần sát bên nhau, gần tỉnh lộ 55, cách biên giới Việt-Miên 2 dặm,

        Sau khi thực tập xong, họ ngồi đợi tiểu đoàn 8 Bộ Binh Khmer đến bàn giao khu vực. Trung đội trinh sát bắt đầu di chuyển vào đám rừng tre rậm rạp nới hướng tây ngọn núi. Trung sĩ Harwood đi theo toán quân đi đầu dẫn đường, trung úy Kinsman đi trong khoảng giữa và trung úy McCarty đi ở đoạn cuối. Khi di chuyển xuống dưới chân núi, binh sĩ Khmer lục soát những tảng đá lớn, tìm kiếm dấu vết của địch.

        Bất ngờ tiếng súng địch nổ vang dội, trung sĩ Harwood nằm xuống đất báo cáo cho trung úy Kinsman, rồi bò lên vị trí người binh sĩ dẫn đường. Harwood báo cáo chưa nhìn thấy gì, rồi sau đó mất liên lạc trên máy truyền tin, trung úy Kinsman gọi lớn tên Harwood nhưng không có tiếng trả lời.

        Trong loạt đạn đầu tiên, người lính mang máy truyền tin cho trung úy McCarty trúng đạn bị thương nơi chân. Anh ta hốt hoảng gọi trung sĩ Stamper, lúc đó đang cùng với một trung đội ở dưới chân núi. Thiếu tá Leary bay trên trực thăng chỉ huy, nghe những lời đối thoại dưới đất, ông ta gọi về trại LLĐB Chi Lăng, yêu cầu thiếu tá Hóa trưởng trại LLĐB Chi Lăng đưa quân lên tiếp viện (A-432, chuyển giao ngày 31/10/1970, TĐ85/BĐQ/BP), nhưng ông ta từ chối lấy lý do, đơn vị đang bận.

        Trong khi đó, trận tấn công bất ngờ của VC vẫn tiếp tục. Trung úy McCarty di chuyển lện vị trí trung úy Kinsman. Qua khe hở giữa những bụi tre, anh ta trông thấy Kinsman đang đứng chỉ huy, ra lệnh cho các binh sĩ Khmer vào vị trí chiến đấu. Khi lên đến nơi, McCarty trông thấy trung úy Kinsman nằm ngửa trên mặt đất, giữa vũng máu, bị trúng đạn vào bụng, xuyên qua lưng. Trong khi McCarty đang băng vết thương cho Kinsman, một viên đạn của địch trúng khẩu súng làm hư hại, rồi một viên khác trúng anh ta, bị thương.

        Đạn nổ xung quanh vị trí trung đội trinh sát Khmer, mỗi lúc một nhiều hơn, McCarty kéo Kinsman vào dưới một gốc cây. Rồi trung đội Khmer tan hàng, các binh sĩ người Miên chưa bị trúng đạn bỏ chạy, địch quân tràn vào vị trí trung đội. Lúc đó, trung úy McCarty bắt buộc phải chui vào một bụi rậm gần đó, nằm im.

        Sau khi bị thiếu tá Hóa từ chối, gửi quân tiếp viện, thiếu tá Leary gọi khẩn cấp đến sư đoàn 9 Bộ Binh. Khi tiểu đoàn Bộ Binh thuộc sư đoàn 9 đến nơi, địch quân đã thu dọn chiến trường, rút lui qua biên giới Việt Miên.

        Trung đội trinh sát Khmer tập họp lại, xin trực thăng tản thương, nhưng không thấy hai quân nhân LLĐB/Hoa Kỳ. Trung úy McCarty báo cáo không trông thấy trung sĩ Harwood, và trung úy Gerald Kinsman đã bị thương nặng nơi bụng trước khi địch quân tràn ngập. Lính bộ binh được lệnh lục soát núi Tà Béc và khu vực xung quanh. Đồng thời phi cơ quan sát được điều động lên bao vùng, tìm dấu vết hai quân nhân Hoa Kỳ.

        Cả hai cuộc tìm kiếm trên mặt đất cũng như không thám không thành công. Cũng không thấy hai nấm mồ trên đường rút quân của địch qua đất Miên. Khi cuộc tìm kiếm chấm dứt, trung sĩ Harwood được báo cáo “Mất Tích”, trung úy Kinsman “Tử Trận, Không Lấy Được Xác”.

        Đến tháng Tám năm 1974, một thường dân Việt Nam, được biết qua một người khác. VC phục kích một đơn vị chính quyền VNCH, giết chết một người Hoa Kỳ, bắt sống một người Hoa Kỳ khác, sau đó giết luôn người kia, chôn chung trong một nấm mồ. Tuy nhiên ông ta không biết vị trí chôn hai người Hoa Kỳ. Giới chức Hoa Kỳ sợ rằng, ông ta nhầm với những chuyện khác.

        Cuộc chiến tranh đã kết thúc, phải trả thân xác, tất cả những gì còn lại của hai quân nhân Hoa Kỳ, trung sĩ James A. Harwood và trung úy Gerald Kinsman về cho gia đình nạn nhân.



Dallas, Texas vđh



MIA LLĐB BÙ ĐỐP (A-341)

Tên họ:            Michael Millner

Cấp bậc:          TrungSĩ Nhất, Lục Quân

Đơn vị:            Toán A-341, Liên đoàn 5 LLĐB/HK

Mất tích:          29/11/1967

Nơi xẩy ra:      Toạ độ 120201 1065404W (YU069309), Việt Nam



        Để ngăn chặn những cuộc chuyển quân của quân đội Bắc Việt, VC vào miền nam Việt Nam, những toán A (đơn vị nồng cốt trong tổ chức của LLĐB/HK) LLĐB đã tổ chức, huấn luyện và trang bị cho lực lượng Dân Sự Chiến đấu (CIDG), trong các trại LLĐB. Nhiệm vụ của các trại LLĐB biên phòng là dò thám đường biên giới, chống lại quân du kích VC.

        Chương trình Dân Sự Chiến Đấu (Biệt Kích Quân) do LLĐB/HK xây dựng khác với việc gửi các cố vấn Hoa Kỳ làm việc bên cạnh các đơn vị chính quy QL/VNCH. Quân nhân Dân Sự Chiến Đấu được tuyển mộ đa số từ sắc dân thiểu số (đồng bào Thượng) không bị chi phối bởi luật Động Viên. Họ ký giấy giao kèo phục vụ cho LLĐB/HK từ sáu tháng đến hai năm.

        Cấp chỉ huy trực tiếp trong một đơn vị DSCĐ thường là một sĩ quan LLĐB/VN, và quân Mũ Xanh LLĐB/HK chỉ đóng vai cố vấn cho LLĐB/VN. Vì các đơn vị DSCĐ được tổ chức theo khuôn mẫu của LLĐB/HK nên bên cạnh mỗi cố vấn Hoa Kỳ có một quân nhân thuộc binh chủng LLĐB Việt Nam.

        Ngày 26 tháng Muời Một năm 1967, đại úy Matthew J. Hasko cố vấn trưởng (trưởng toán A-341 LLĐB/HK) cùng với trung sĩ Michael Millner chuyên viên vũ khí nhẹ, và trung sĩ Paul Posse đi theo một đơn vị DSCĐ trong một cuộc hành quân tảo thanh do LLĐB/VN chỉ huy.

        Những binh sĩ DSCĐ trong đơn vị xung kích này đang trong thời gian huấn luyện, để sau này họ có đủ kinh nghiệm bảo vệ xóm làng của họ. Cuộc hành quân này, sẽ lục soát khu vực hướng tây bắc quân Lộc Ninh, gần biên giới Việt-Miên trong tỉnh Phước Long.

        Vào khoảng buổi trưa ngày 29 tháng Mười Một năm 1967, đơn vị DSCĐ đang di chuyển ngang qua một vùng có điạ thế bằng phẳng, chỉ có cỏ “voi” rất cao và những khu rừng nhỏ rải rác trong khu vực. Lúc đó viên sĩ quan chỉ huy LLĐB/VN, quyết định tạm dừng quân để ăn trưa. Đại úy cố vấn Hasko không đồng ý, cho rằng đơn vị DSCĐ đang ở trong một khu vực trống trải, không có cây lớn che chở. Viên sĩ quan LLĐB/VN không màng đến lời cố vấn và trong khi cả đơn vị đang ăn trưa, địch quân đã đào hầm hố chiến đấu, tổ chức trận phục kích.

        Địch quân pháo kích súng cối, đủ loại đạn súng trường, đại liên vào đơn vị DSCĐ đang ngồi trong bải cỏ tranh ăn trưa. Bị vố bất ngờ, các binh sĩ DSCĐ hốt hoảng, chạy loạn xạ, không còn hàng ngũ chiến đấu. Các quân nhân LLĐB Việt-Mỹ cố gắng gom đơn vị lại, đem theo những người bị thương, lui về phiá sau, nơi họ có thể lập tuyến phòng thủ.

        Sau khi củng cố được tuyến phòng thủ, các cố vấn Hoa Kỳ gọi không yểm và điểm danh lại đơn vị... nhưng thiếu trung sĩ Michael Millner. Sau khi các phản lực cơ Hoa Kỳ lên bao vùng, địch quân rút lui nhanh chóng, và sau đó trực thăng vào di tản thương binh và đem đơn vị DSCĐ về căn cứ.

        Trung sĩ Posse báo cáo, anh ta chạy đến một vị trí khác khi bắt đầu có tiếng súng của địch. Anh ta nhìn xung quanh và trông thấy trung sĩ nhất Michael Millner bị VC bắt sống. Anh ta nói thêm, lúc bị địch bắt, Millner không bị thương.

        Vị trí bị phục kích chỉ cách biên giới Việt-Miên khoảng 2 dặm về hướng nam, cách trai LLĐB Bù Đốp về hướng đông 6 dặm và cách Lộc Ninh khoảng 24 dặm về hướng đông bắc. Đường 307 chạy từ hướng đông nam lên tây bắc trong khu vực này, nằm cách nơi xẩy ra trận phục kích không tới 1 dặm về hướng nam.

        Hai ngày sau, một toán biệt kích (SOG) xâm nhập vào khu vực phục kích, tìm kiếm và giải thoát (SAR – Search and Rescue) trung sĩ nhất Millner. Toán biệt kích lục soát cả khu vực từ điểm lúc bị tấn công cho đến tuyến phòng thủ phiá sau, nhưng không tìm ra tung tích Millner, cũng như những vật dụng của anh ta. Sau đó, mặc dầu có lời khai của trung sĩ Posse rằng Millner bị bắt, nhưng quân đội Hoa Kỳ báo cáo anh ta bị mất tích.

        Những năm tháng sau đó cũng không có tin tức gì thêm về số phận của trung sĩ nhất Michael Millner. Đến tháng Mười năm 1974, tình báo Hoa Kỳ nhận được  một bản báo cáo nói đến việc trông thấy “Một tù binh Hoa Kỳ bị bắt trong khoảng thời gian năm 1967, trong khu vực lần cuối cùng Millner được các đồng đội trông thấy”. Tuy nhiên bản báo cáo không nói thêm chi tiết về trung sĩ Millner cũng như lý do tại sao bị bắt làm tù binh... nên người Hoa Kỳ chẳng làm được gì hơn, chỉ để một phó bản tờ báo cáo vào hồ sơ của anh ta.

        Trong tháng Tư năm 1991, chính phủ Hoa Kỳ đưa ra một danh sách tù binh chiến tranh (POW) và những quân nhân mất tích (MIA). Những quân nhân mà họ tin rằng vẫn còn nằm trong tay địch quân, và cũng không có bằng chứng là họ đã chết trong thời gian bị cầm tù. Danh sách này được gọi là “Lần cuối cùng được biết vẫn còn sống”, trong đó có Michael Millner.

        Trường hợp Millner bị chết lúc bị bắt cũng như trong thời gian bị cầm tù, anh ta có quyền đòi hỏi thi hài của anh ta được trao trả cho người thân của anh ta, bạn bè đồng đội hoặc quê hương của anh ta. Một điều rõ ràng anh ta bị bắt lúc còn sống, không bị thương tích. Tuy nhiên định mệnh của anh ta cũng như nhiều quân nhân Hoa Kỳ khác, không được biết rõ. Chỉ có người Việt Nam (chính quyền) mới có câu trả lời về số phận của những quân nhân kém may mắn này, nếu họ thực sự muốn.

        Kể từ khi cuộc chiến tại Việt Nam chấm dứt, đã có hơn 21 ngàn bản báo cáo về tù binh Hoa Kỳ mất tích, chính quyền Hoa Kỳ nhận được và lưu trữ.



Dallas, TX.

vđh
 

DELTA BẮN LẦM QUÂN BẠN
Donald J. Taylor, Sergeant Major (Retired), U.S. Army Special Forces
Project Delta Recon Team Leader, July 1968 - July 1970



        Trung sĩ nhất Arno J. Voigt bị quân bạn bắn lầm, tử trận gần Khe Sanh ngày 4 tháng Sáu năm 1970. Một hợp đoàn “Hồng” (Pink team) gồm có: OH-6 Cayuse trực thăng quan sát loại nhỏ, và ba trực thăng võ trang Cobra AH-1G thuộc phi đoàn 2, lữ đoàn 17 Kỵ Binh, sư đoàn 101 Nhẩy Dù Hoa Kỳ, nhận lầm trung sĩ Arno Voigt và một đại đội Biệt Cách Dù Việt Nam là địch quân nên tác xạ, gây tử thương Arno Voigt cùng hai quân nhân VNCH, và hơn hai mươi người khác bị thương.

        Hành quân Delta được không vận ra Quảng Trị, trong tháng Năm 1970, thiết lập căn cứ hành quân tiền phương, bên ngoài trại LLĐB Mai Lộc. Nhiệm vụ trao cho Delta, mở những chuyến hành quân viễn thám xâm nhập dọc theo đường biên giới Lào Việt về hướng nam căn cứ đã bỏ hoang Khe Sanh. Trong lần hành quân ngoài vùng 1 chiến thuật lần này, trong trại LLĐB Mai Lộc có hợp đoàn trực thăng “Hồng”. Họ không có nhiệm vụ gì với hành quân Delta, đã có phi đoàn trực thăng tấn công 158 cũng thuộc sư đoàn Dù 101 biệt phái.

        Hợp đoàn trực thăng “Hồng” có nhiệm vụ riêng cho họ. Thường, họ dùng trực thăng quan sát OH-6 bay là sát ngọn cây, đợi cho địch bắn lên rồi sẽ chỉ điểm cho mấy chiếc trực thăng võ trang Cobra vào thanh toán mục tiêu. Ban tham mưu Delta có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với hợp đoàn “Hồng”, cho họ biết Delta đang có những cuộc hành quân trên bộ và yêu cầu họ tránh xa khu vực trách nhiệm của Hành Quân Delta.

        Báo cáo sơ khởi về đến căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc cho biết, trung sĩ Arno Voigt cùng với đại đội Biệt Cách Dù đang hành quân vào khu vực pháo đài bay B-52 vừa mới thả bom (Arc Light), có tọa độ XD932296, để thẩm định kết qủa trận thả bom. Trong khi đơn vị Delta đang thám sát khu vực đầy hố bom do B-52 tàn phá, chiếc trực thăng OH-6 thám thính chợt xà xuống thấp ngang qua ngọn đồi, Biệt Cách Dù đang quan sát, ném xuống qủa khói mầu đỏ. Các trực thăng võ trang Cobra trong hợp đoàn “Hồng” liền bay xuống oanh kích các vị trí của đại đội Biệt Cách Dù Việt Nam.

        Trong khi lao xuống, phi công lái Cobra nhận ra quân bạn đang ở dưới, ra lệnh ngưng oanh kích. Nếu không, với hỏa lực trang bị trên trực thăng Cobra, khẩu minigun sáu nòng, hai dàn phóng hỏa tiễn 12.7 ly, có lẽ cả đại đội Biệt cách Dù bị tiêu diệt.

        Có hai câu hỏi được đặt ra. Làm sao có chuyện “bắn lầm”, chiếc trực thăng OH-6 bay cách mặt đất 40, 50 bộ (feet), tại sao không nhận ra đại đội Biệt Cách Dù là quân bạn, quân phục VNCH, nón sắt, trang bị súng M-16? Thứ hai, hợp đoàn “Hồng” vào khu vực hành quân, trách nhiệm của Delta, mặc dầu đã được Delta khuyến cáo tránh xa. Tại sao?

        Vụ bắn lầm này là một “thảm kịch”, vì hành quân Delta phối hợp rất chặt chẽ với hợp đoàn trực thăng “Hồng” kể từ khi ra đến căn cứ hành quân tiền phương Mai Lộc. Những toán biệt kích hoạt động bí mật trong khu vực hành quân của Delta, nên không ai được vào vùng. Quân đội Hoa Kỳ có mở cuộc điều tra rất kỹ, tại sao chuyện “bắn lầm” quân bạn xẩy ra. Đương nhiên sẽ có người bị khép tôi, nhưng chúng tôi không được biết thêm chi tiết.

        Hợp đoàn trực thăng “Hồng” đóng trong trại LLĐB Mai lộc, phi đoàn trực thăng tấn công 158 sư đoàn Dù 101 biệt phái đóng trong căn cứ hành quân tiền phương của Delta. Thời gian đầu mới đến căn cứ hành quân tiền phương, đơn vị biệt kích (viễn thám) của Delta phối hợp với hợp đoàn “Hồng” rất tốt. Các trưởng toán biệt kích thường ngồi trên trực thăng quan sát OH-6 đi bay với hợp đoàn “Hồng” hàng ngày nếu chưa phải đi hành quân xâm nhập, để thám sát khu vực hành quân, hiểu rõ khu vực hoạt động trong những ngày sắp tới. Viên phi công trực thăng OH-6 có thêm bạn ngồi bên trái chỗ dành cho phi công phụ nên đỡ... cô đơn và mọi người đều vui vẻ.

        Đúng nhiệm vụ, người ngồi ghế phi công phụ, cầm quả lựu đạn khói mầu đỏ, đã rút chốt, bằng tay trái thò ra cửa sổ. Khi đã nhận diện mục tiêu quân địch, người ngồi bên trái sẽ ném quả lựu đạn khói ra và viên khi công OH-6 sẽ bẻ góc quặt qua bên phải tránh ra xa mục tiêu. Các phi công Cobra sẽ nhào xuống bắn đại liên, hỏa tiễn xuống mục tiêu đã được đánh dấu bằng khói đỏ.

        Lần đầu tiên đi bay với phi công OH-6, chúng tôi bay sát đầu ngọn cây chỉ cách mặt đất khoảng 40, 50 bộ. Chiếc máy bay rất nhỏ, gọn, bay nhanh và rất dễ xoay sở. Chiếc trực thăng bay dọc theo con đường mòn, khi bay ngang qua một khoảng trống, một hình ảnh... thoáng hiện trong mắt tôi vì chiếc trực thăng bay rất nhanh và tôi chưa quen ngồi trên chiếc trực thăng thám thính loại này. Tôi nói với viên phi công bay trở lại con đường mòn, và viên phi công đáp ứng quay ngược chiếc trực thăng lại, làm mũi phi cơ như chúi xuống mặt đất, rồi bay trở lại. Tôi không dè chiếc trực thăng dễ đổi hướng như vậy. Khi đến khoảng trống, tôi nhìn rõ ràng một đoàn quân Bắc Việt đang đứng yên tại chỗ, và những cặp mắt cũng ngước lên nhìn tôi. Đoàn quân chính quy Bắc Việt này, đứng “chết sững” vì ngạc nhiên hay vì vấn đề ngụy trang, phản ứng của họ khi trông thấy chiếc trực thăng. Tôi cũng không biết phải làm gì, thay vì ném quả khói đỏ ra đánh dấu mục tiêu cho trực thăng Cobra tấn công. Chúng tôi chỉ nhìn nhau rồi chiếc trực thăng biến mất cũng như lúc xuất hiện.

        Không hiểu sao lúc đó tôi do dự, mặc dầu biết chắc con đường mòn nằm trong khu vực hành quân xâm nhập của toán biệt kích do tôi chỉ huy. Toán biệt kích “chạy đường mòn” hoàn toàn người Việt Nam, ăn mặc võ trang như quân đội Bắc Việt cũng không “xâm nhập” vào khu vực trách nhiệm của toán biệt kích bạn. Một phần lý do vì cả tôi lẫn viên phi công, không phải lúc nào cũng xác định được vị trí chính xác của mình, một cách nhanh chóng vì điạ hình, điạ vật và tốc độ bay... Rõ ràng lính Bắc Việt, toán biệt kích “chạy đường mòn” chỉ có sáu người.

        Vì các trưởng toán biệt kích đi bay hàng ngày trên chiếc trực thăng quan sát OH-6, nên chúng tôi được học lái loại trực thăng này, để đem chiếc trực thăng về trong trường hợp phi công bị trúng đạn. Chỉ sau vài bài học, gần hết các trưởng toán biệt kích đều biết lái trực thăng OH-6, ngoại trừ Al Drapeau.

        Hôm đó, Al ngồi trên trực thăng quan sát OH-6 bay trong khu vực lằn ranh đường biên giới Lào Việt và khu phi quân sự. Chiếc trực thăng bị trúng đạn phòng không ZSU-23, bốn nòng, gắn trên xe. Ngồi bên cạnh, Al nghe viên phi công nói “Cầm tay lái, tôi bị trúng đạn!”, anh ta đưa tay xuống nắm lấy cần điều khiển, không ngờ cần điều khiển cũng trúng đạn gẫy. Tiếp theo, chiếc trực thăng trôi dạt đi, Al thấy những hàng cây “bay” ngang qua thật nhanh. Cuối cùng rơi xuống một bãi đất mềm, rồi lăn vòng. Al và viên phi công chui ra khỏi chiếc máy bay, sau đó được trực thăng cấp cứu câu lên bằng dây McGuire Rig.

        Theo lời ông bạn Al Drapeau kể lại, hợp đoàn “Hồng” hôm đó bay lạc hướng, vào đến không phận miền bắc, chưa bị bắn tan xác là điều may mắn. Viên phi công trực thăng OH-6 và Al biết đường mình đã bay lạc ra ngoài bắc khi đạn phòng không nổ tưng bừng xung quanh chiếc trực thăng như những bông hoa trắng. Và tiếp theo là mấy viên đạn phòng không ZSU-23, chiếc trực thăng không còn điều khiển được nữa, rơi trong vùng phi quân sự.

        Từ những kinh nghiệm đi bay trên chiếc trực thăng quan sát OH-6, chúng ta có thể suy ra trường hợp bắn lầm quân bạn gây nên cái chết của trung sĩ Arno Voigt và hai quân nhân Biệt Cách Dù Việt Nam. Hai điều có thể được nêu lên, thứ nhất có lẽ hợp đoàn trực thăng “Hồng” đã bay lạc, và không xác định được vị trí của mình. Thứ hai, người đi theo quan sát, chưa xác định rõ quân địch hay bạn đang ở dưới đất đã ném quả khói mầu đánh dấu mục tiêu. Chuyện bay lạc là điều dễ hiểu, cũng thường xẩy ra. Nhưng còn chuyện chưa nhìn rõ, chưa xác nhận được quân bạn hay thù, đã đánh dấu mục tiêu là điều không thể bỏ qua được.

        Chuyện xẩy ra cho trung sĩ Arno Voigt là “thảm kịch” mà chúng ta, những quân nhân chuyên nghiệp phải chấp nhận. Không một điều gì có thể làm được để trả lại Arno Voigt cho vợ con, những người thân yêu của anh ta.



Dallas, TX.VDH








I. GIỚI THIỆU
        Chương trình Delta là một đơn vị hoàn toàn Việt Nam, do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA tổ chức dưới danh hiệu Leaping Lena, được Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ huấn luyện. Chương trình Leaping Lena là nơi phát sinh ra các chương trình hành quân biệt kích trên chiến trường miền nam Việt Nam. Đơn vị đặc biệt này là tiền thân cho kế hoạch nổi tiếng OP-35 (Operation Plan 35), trực thuộc Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát (MACV-SOG, Nha Kỹ Thuật TTM). Đơn vị SOG đã tổ chức những hành quân biệt kích vượt biên qua Lào, Cambodia từ năm 1966. Việc huấn luyện kỹ thuật viễn thám cho chương trình Delta, thúc đẩy cơ quan MACV thành lập trường huấn luyện viễn thám (Recondo School) ở Nha Trang. Và cũng bắt đầu bằng chữ Hy Lạp (Greek), các chương trình khác được thành lập Sigma, Omega. Bài viết này tóm lược về sự thành lập, lịch sử của chương trình Delta.

II. TỔNG QUÁT
        Trong tháng Tám năm 1950, Hoa Kỳ gửi một ban cố vấn nhỏ sang Việt Nam, để giúp đỡ người Pháp trong việc huấn luyện quân nhân Việt Nam xử dụng, bảo trì quân dụng của Hoa Kỳ, qua dự luật Trợ Giúp Hỗ Tương Quốc Phòng (Mutual Defense Assistant Act) năm 1949. Đúng ra toán cố vấn này không làm việc quân sự mà là một bộ phận trong phái đoàn ngoại giao của Hoa Kỳ ở Saigon. Đến năm 1953, Hoa Kỳ có khoảng 200 hoặc 300 cố vấn tại Việt Nam.
        Được thành lập từ ngày 8 tháng Hai năm 1962, Bộ Chỉ Huy Quân Viện tại Việt Nam (MACV) được trao cho nhiệm vụ điều hành, kiểm soát, yểm trợ vấn đề tiếp vận cho số quân nhân cố vấn Hoa Kỳ, chuyên viên kỹ thuật, nhân viên đang gia tăng tại Việt Nam. Cơ quan MACV cùng với bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH là hai bộ chỉ huy, cho phép việc thành lập chương trình Delta. Trong năm 1965, cơ quan MACV được coi như bộ tư lệnh cho quân lực Đồng Minh, bộ phận mở rộng của Hoa Kỳ trong sứ mạng ngoại giao tại Việt Nam.
        Đơn vị Delta có thể được xử dụng trên nhiều chiến trường như: hành quân trong vịnh Vũng Rô, giải tỏa áp lực địch nơi trại LLĐB Đức Cơ, trận Tết Mậu Thân... Tuy nhiên nhiệm vụ chính cho hành quân Delta là trinh sát, viễn thám, trên bốn vùng chiến thuật.
        Hành quân Delta là sự kết hợp giữa một bộ chỉ huy B LLĐB Hoa Kỳ, bộ chỉ huy huấn luyện LLĐB Việt Nam và một tiểu đoàn Biệt Cách Dù. Bình thường, hành quân Delta đặt dưới quyền chỉ huy, xử dụng của một sư đoàn, và khu vực hoạt động rộng vào khoảng 2000, 3000 cây số vuông. Hành quân Delta có thể xử dụng không thám hoặc các toán biệt kích Delta xâm nhập để đạt mục tiêu.
        Quân Mũ Xanh Hoa Kỳ phục vụ trong chương trình Delta gồm 11 sĩ quan và 82 hạ sĩ quan, binh sĩ. Con số này có thể thay đổi, sau năm 1966, con số này tăng lên để lo vấn đề hành chánh, yểm trợ tiếp vận. Một đại đội 105 dân sự chiến đấu người Nùng được tuyển mộ để lo việc canh phòng, bảo vệ BCH Hành Quân Delta. Đại đội này có một trung đội đặc biệt, thường được đưa đến những khu vực thả bom (B-52) để thẩm định kết qủa trận không tập (BDA).
        Đội quân LLĐB Việt Nam phục vụ trong chương trình Delta gồm có 20 sĩ quan, 78 hạ sĩ quan, binh sĩ. Tất cả đều nằm trong BCH B-52. Ngoài ra có thêm một đại đội dân sự chiến đấu 123 người, tổ chức các toán “Chạy Đường Mòn” (Roadrunner), một trung đội thám sát và tiểu đoàn 81 (trước là 91) Biệt Cách Dù với 43 sĩ quan, 763 hạ sĩ quan, binh sĩ. Tiểu đoàn 81 Biệt cách Dù là lực lượng xung kích, tiếp ứng cho hành quân Delta (biệt kích). Tiểu đoàn này chia thành sáu đại đội, bốn đại đội nằm trong chương trình Delta, hai đại đội còn lại đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của vị tư lệnh LLĐB/VN.
        Đại đội “Chạy Đường Mòn” do một sĩ quan LLĐB/VN chỉ huy, có hai hạ sĩ quan LLĐB/HK làm cố vấn. Đại đội này có nhiệm vụ trinh sát, dò thám. Phương pháp để lấy tin tức địch quân là ăn mặc, trang bị vũ khí của địch, xâm nhập khu vực địch kiểm soát, di chuyển trên đường mòn, những lộ trình địch thường xử dụng.
        Trung đội “Thẩm Định trận Đánh Bom” (BDA) có 30 dân sự chiến đấu và hai hạ sĩ quan LLĐB/HK. Nhiệm vụ của trung đội này là đánh giá kết qủa trận đánh bom, không tập. Trung đội này còn làm nhiệm vụ đơn vị tiếp ứng khẩn cấp cho toán biệt kích Delta.
        Một sĩ quan LLĐB/VN chỉ huy và một hạ sĩ quan thâm niên LLĐB/HK làm cố vấn cho trung đội thám kích. Trung đội này có 12 toán viễn thám, tổng cộng 48 quân nhân LLĐB/HK và 72 quân nhân LLĐB/VN. Mỗi toán có 4 người Mỹ và 6 người Việt Nam. Trong chương trình Việt Nam hoá chiến tranh, có hai toán biệt kích Delta hoàn toàn LLĐB Việt Nam. Nhiệm vụ cho các toán viễn thám này là trinh sát, dò thám khu vực địch kiểm soát.
        Những yêu cầu xử dụng hành quân Delta phải do cấp quân đoàn gửi lên bộ TTM/QLVNCH và cố vấn trưởng quân đoàn gửi lên bộ tư lệnh MACV cứu xét. Những yêu cầu xử dụng hành quân Delta sẽ được cứu xét theo thứ tự ưu tiên, và cấp quân đoàn thường được xử dụng trong thời gian 30 ngày. Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ trong vùng chiến thuật xử dụng hành quân Delta phải cung cấp những nhu cầu cần thiết cho đơn vị Delta tăng phái. Sĩ quan tham mưu trong hành quân Delta sẽ phối hợp với đơn vị được tăng phái và thường giao cho Delta một khu vực hoạt động rộng khoảng chừng 2500 cây số vuông.
        Khi đến vùng hành quân, Delta sẽ thiết lập căn cứ hành quân tiền phương (FOB), thường nơi đầu một phi đạo (các toán biệt kích Delta cần trực thăng để xâm nhập cũng như triệt xuất) có thể đáp loại máy bay vận tải C-123. Nếu kiếm không ra phi đạo gần khu vực hoạt động, hành quân Delta sẽ thiết lập căn cứ yểm trợ tạm thời (MSS) để phi cơ C-123 đưa đơn vị Delta đến khu vực hành quân cùng với đồ tiếp vận cần thiết của họ. Thường căn cứ hành quân cho Delta phải được thiết lập trong vòng năm ngày.
        Khi đến căn cứ hành quân tiền phương, Delta sẽ xử dụng đủ mọi phương tiện để hành quân thám sát khu vực địch kiểm soát, gọi phi cơ oanh kích những căn cứ, hậu cần của địch khi các toán viễn thám tìm ra. Thẩm định kết qủa trận đánh bom, lùng và tiêu diệt địch quân, cứu tù binh, bắt cóc tù binh, để thẩm vấn lấy tin tức. Gắn máy nghe lén đường dây điện thoại, truyền tin, gài mìn bẫy trên lộ trình di chuyển của địch.
        Nhiệm vụ dò thám vẫn là chính yếu trong hành quân Delta. Toán biệt kích Delta thường xâm nhập vào vùng địch lúc xế chiều, trời sắp tối với bốn trực thăng chở quân và hai trực thăng võ trang yểm trợ. Sáu chiếc trực thăng bay vào bãi đáp thả biệt kích theo đội hình một hàng dọc, trực thăng chỉ huy dẫn đầu, theo sau là trực thăng chở toán biệt kích Delta, tiếp theo là hai chiếc để cấp cứu, trường hợp khẩn cấp (có địch xuất hiện nơi bãi đáp), cuối cùng mới là hai trực thăng võ trang, bay theo hộ tống. Viên phi công lái trực thăng chỉ huy, sẽ chịu trách nhiệm tổng quát, chuyến thả biệt kích, anh ta sẽ hướng dẫn (ra lệnh) cho chiếc chở toán biệt kích vào bãi đáp. Toán biệt kích có thể nhẩy ra khỏi trực thăng, xuống bằng dây, hoặc bằng thang dây. Trong thời gian thả toán biệt kích, hai trực thăng võ trang có nhiệm vụ bao vùng, để ý dấu hiệu của địch nơi bãi đáp và khu vực xung quanh. Hai trực thăng cấp cứu cùng với trực thăng chỉ huy bay trên một độ cao quan sát, đề phòng trường hợp phải thâu hồi toán biệt kích khẩn cấp (địch xuất hiện tại bãi đáp, trực thăng đổ quân bị bắn rơi...). Ngoài ra còn có thêm một máy bay quan sát (L-19, FAC) bay bao vùng, theo dõi việc thả toán biệt kích. Trường hợp khẩn cấp, chiếc FAC sẽ điều động các phi tuần phản lực hoặc khu trục lên đánh để thâu hồi toán biệt kích. Sau khi toán biệt kích đã vào vùng an toàn, sáu trực thăng lại phải làm tối thiểu một chuyến tương tự trên một bãi đáp khác để đánh lạc hướng của địch.
        Những toán biệt kích Delta thường đánh lừa địch bằng cách gửi những điện văn sai lạc đến đài tiếp vận, thường là máy bay thám thính bao vùng, rồi chuyển tiếp về căn cứ hành quân tiền phương. Trường hợp khám phá ra vị trí có địch, sẽ phải báo cáo ngay. Các toán biệt kích “chạy đường mòn” thường giả là người thuộc đơn vị địch, với những câu chuyện ngụy tạo.
        Kỹ thuật triệt xuất, thâu hồi toán biệt kích cũng tương tự như lúc thả toán xâm nhập. Khó khăn do vấn đề thời tiết, vị trí bãi đáp và địch quân. Đầu tiên, phi cơ thám thính (FAC) sẽ bay vào vùng, tìm kiếm vị trí chính xác của toán biệt kích, tiếp theo là trực thăng chỉ huy sẽ vào gửi tín hiệu nhận diện, rồi trực thăng để “bốc” toán biệt kích sẽ vào. Trực thăng võ trang vẫn tiếp tục bay theo bảo vệ. Trường hợp cần thiết, chiếc FAC có thể điều động các phi tuần lên oanh kích, giải vây cho toán biệt kích.
        Ngoài sự tính toán từ trước, xắp xếp hành quân tấn công theo kiểu Biệt Động Quân. Đơn vị xung kích tiếp ứng chỉ được xử dụng tùy theo mức độ chạm súng với địch của toán biệt kích Delta trong vùng địch kiểm soát. Đơn vị được đưa vào tiếp ứng đầu tiên là trung đội “thẩm định trận đánh bom” (BDA), tiếp theo là một đại đội thuộc tiểu đoàn 81 Biệt Cách Dù. Các đại đội còn lại sẽ vào sau nếu thấy cần thiết. Trường hợp chiến trường trở nên rộng lớn, đơn vị bộ binh trong vùng trách nhiệm sẽ được xử dụng.

III. KHỞI THỦY
        Đầu năm 1964, Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận nhiệm vụ huấn luyện và trợ giúp thành lập những toán biệt kích để dò thám những mục tiêu nằm trên phần đất Lào. Dưới quyền chỉ huy của trung tá George A. Viney, ông ta chọn một toán quân nhân LLĐB do đại úy William J. Richardson Jr. cầm đầu, bắt đầu huấn luyện sắc dân thiểu số thuộc nhiều sắc tộc khác nhau cùng với quân nhân LLĐB/VN. Toán LLĐB/HK huấn luyện kỹ thuật trinh sát, viễn thám, nhẩy dù xuống vùng địch. Sau khi hoàn tất khóa huấn luyện, các quân nhân LLĐB/VN sẵn sàng xâm nhập vào đất Lào. Đó là hành quân Leaping Lena.
        Hành quân “Leaping Lena” là danh hiệu cho các chuyến xâm nhập vào đất Lào, dò thám đường mòn HCM, các binh trạm, cơ sở, hậu cần của quân đội Bắc Việt đóng ở bên Lào. Sau khi huấn xuyện xong, mỗi toán biệt kích gồm có tám người với một cố vấn LLĐB/HK. Tổng thống Johnson chấp thuận cho những cuộc hành quân vượt biên nhưng không muốn có thêm cố vấn Hoa Kỳ trong các toán biệt kích.
        Trong thời gian từ ngày 24 tháng Sáu đến 1 tháng Bẩy năm 1964, năm toán biệt kích với đồ trang bị đầy đủ nhẩy dù xuống vùng rừng núi trên đất Lào, dọc theo đường số 9 hướng tây Tchepone. Mỗi toán biệt kích gồm tám quân nhân LLĐB Việt Nam và mỗi toán có một nhiệm vụ, khu vực hoạt động riêng biệt.
        Hai toán xâm nhập nơi hướng bắc đường số 9, gần đường 92. Ba toán xâm nhập nơi hướng nam, về hướng Muong Nong. Khu vực này được chọn để xâm nhập, dò thám vì rừng núi rậm rạp. Mặc dầu các quân nhân LLĐB/VN đã được mặc bộ quần áo đặc biệt (Smokey Jump Suit) chống cây nhọn đâm vào người, vẫn có một người chết khi cắt dây dù vướng trên ngọn cây để leo xuống và bẩy người khác bị thương (trật chân...).
        Thiếu các cố vấn Hoa Kỳ trong các toán biệt kích, số phận của hành quân Leaping Lena đen tối. Mặc dầu trong lúc huấn luyện, các biệt kích Leaping Lena đã được dặn dò phải tránh xa những làng mạc trong khu vực. Tuy nhiên hết thực phẩm đem theo, họ vào các làng tìm đồ ăn và bị giết hoặc bắt sống. Chỉ có năm người trốn thoát và được triệt xuất.
        Năm quân nhân LLĐB trở về báo cáo trông thấy địch quân cấp đại đội, và tất cả các cây cầu trên đường số 9 đều có người canh gác, có lẽ quân Pathet Lào. Mỗi toán biệt kích trong hành quân Leaping Lena đều có nhiệm vụ đặc biệt, ghi nhận tin tức các hoạt động của địch, bao gồm số lượng xe cộ di chuyển, pháo binh và các quân dụng nặng của địch. Ngoài ra họ còn phải nhận diện quân số, đơn vị của địch quân.
        Mặc dầu hành quân Leaping Lena được xem như thất bại, nhưng tin tức về quân đội Bắc Việt bên Lào do năm người sống sót đem về... đã nhiều hơn những gì Bộ Tư Lệnh Quân Viện MACV đã biết. Điều rõ ràng là có mặt quân đội Bắc Việt, cùng với trang bị của họ trong khu vực dò thám. Mỗi một khúc quanh, mỗi chiếc cầu đều có hai người canh gác. Nhiều đường mòn đã được xây dựng, cho xe cộ, binh lính di chuyển trong khu vực mà các phi cơ thám thính không thể nào nhìn thấy được vì rừng núi rậm rạp. Đơn vị cấp đại đội, tiểu đoàn của địch đã được trông thấy tận mắt, có đơn vị di chuyển vào phần đất nam Việt Nam nơi hướng tây Khe Sanh. Điều này đã được phối kiểm với phi hành đoàn trực thăng vào điểm hẹn để “bốc” toán biệt kích.    
        Ngoài ra, những quân nhân trở về báo cáo nhìn thấy khoảng 30 thuyền tam bản để đưa cấp đại đội địch quân qua sông. Nhìn chung, các quân nhân tham dự hành quân Leaping Lena đều chứng minh có sự hoạt động rất tích cực của quân đội Bắc Việt trên đất Lào.
        Ngày 12 tháng Sáu năm 1964, bộ chỉ huy B1/110 và toán A1/111 thuộc liên đoàn 1 LLĐB/HK được gửi từ Okinawa sang làm việc tạm thời trong vòng 180 ngày tại Việt Nam. Trước đó vài hôm thiếu tá Frederick Patton cùng với thượng sĩ Robert Mattox qua trước để quan sát tình hình. Đơn vị LLĐB Hoa Kỳ này được đưa vào hành quân Delta và nhiệm vụ đầu tiên được trao phó cho họ là đi tìm cứu những quân nhân LLĐB/VN, nếu vẫn còn sống sót sau hành quân Leaping Lena.    
        Hành quân Delta đã dựng xong một “Phố Lều” (tent city), để khi toán quân thuộc LĐ1/LLĐB/HK qua sẽ có chỗ làm việc ngay tức khắc. BCH B/LLĐB cùng với nửa toán A đóng trong “Phố Lều”, nửa toán A còn lại đến căn cứ Động Ba Thìn, đang có ba đại đội xung kích, tiếp ứng chờ đợi. Một nửa đại đội xung kích sắc dân người Nùng được trao nhiệm vụ canh gác, bảo vệ “Phố Lều”, bộ chỉ huy hành quân Delta. Một nửa kia di chuyển đi Nha Trang thụ huấn khóa LLĐB cùng với LLĐB/VN.
        LLĐB/HK huấn luyện LLĐB/VN kỹ thuật tuần tiễu, dò thám, kỹ thuật nhẩy xuống từ trên cây cao (bài học Leaping Lena, dù vướng trên ngọn cây cao). Trung úy Don Snider là một huấn luyện viên rất khó khăn, cứng rắn. Ngày 19 tháng Sáu, khóa huấn luyện mới được có năm ngày, 14 trong số 18 quân nhân LLĐB/VN bỏ cuộc. Các quân nhân đó được cấp chỉ huy LLĐB/VN điều động đi Động Ba Thìn làm việc.
        Trong khi chờ đợi huấn luyện thêm số toán biệt kích, trung úy Don Snider huấn luyện thêm về kỹ thuật nhẩy dù căn bản và cao cấp. Bãi nhẩy dù không xa Nha Trang và tương đối an ninh. Kỹ thuật xâm nhập với các toán biệt kích bốn hoặc tám người. Kỹ thuật nhẩy dù ở cao độ thấp trong lúc xâm nhập, khó cho địch quân khám phá. Mặc quần áo “Smokey Jump Suit” để nhẩy dù xuống những khu vực rừng núi rậm rạp. Phương pháp chôn dấu, phá hủy dụng cụ khi xuống tới đất và tập họp toán biệt kích.
        Khi xâm nhập vào mục tiêu, toán biệt kích được huấn luyện kỹ thuật xâm nhập, dò thám đường mòn, báo cáo, và di chuyển đến gần một trại LLĐB biên phòng để triệt xuất.
        Khoá huấn luyện sẽ có một buổi thực tập nhẩy dù ở Nha Trang. Tiếp theo là một tuần lễ trên vùng cao nguyên, thực tập kỹ thuật xâm nhập ban đêm, nhẩy dù với cao độ thấp. Cuối cùng là tuần tiễu thám thính ba hoặc năm ngày dọc theo biên giới. Mỗi chuyến thực tập thường có một hay hai quân nhân LLĐB/HK đi theo. Giai đoạn cuối, chúng tôi đưa toán biệt kích đến một trại LLĐB biên phòng, thường là khu vực tam biên, để từ đó họ xâm nhập vào đất Lào.
        Trong thời gian người Thượng nổi loạn trên vùng cao nguyên vào năm 1964, LLĐB trong hành quân Delta được lệnh soạn thảo một cuộc hành quân đặc biệt đặt tên là Snatch (Bắt Cóc). Họ được đưa lên Ban Mê Thuột ngày 26 tháng Chín, để biểu dương lực lượng trong buôn Sa Par. Sau đó một trực thăng đáp xuống cách buôn Thượng khoảng 500 thước, đem theo một người thương thuyết, đó là chuẩn tướng William E. DePuy, trưởng phòng 3 bộ tư lệnh MACV. Ông ta đến thương thuyết để người Thượng trả tự do cho những quân nhân LLĐB/VN bị bắt làm con tin. Sau đó đơn vị đặc nhiệm này được đưa về Nha Trang. Trong trại LLĐB Động Ba Thìn, các đại đội xung kích Nùng đã được báo động, chuẩn bị đi hành quân trên vùng cao nguyên, nhưng may mắn, chuyện đó không xẩy ra.  
        Một hành quân khác trong chương trình Delta năm 1964 cũng được báo cáo. Đó là chuyến hành quân cứu tù binh trong khu vực núi Bà Đen ở Tây Ninh, nhưng không tìm thấy tù binh thuộc quân lực Đồng Minh.
        Vào ngày 9 tháng Mười Hai năm 1964, trên bán đảo kéo dài về hướng đông nam quận Ninh Hòa. Ba toán biệt kích Delta xâm nhập vào trong một ngôi làng tình nghi có VC hoạt động. Hai toán bị khám phá khi xâm nhập, một toán thành công, đem về một tù binh và nhiều tin tức.
        Toán 1: chạm súng với cấp đại đội của địch lúc 15:58 ngày 10 tháng Mười Hai. Súng của địch bắn lên làm trực thăng không đáp xuống “bốc” toán biệt kích được. Kết quả hai biệt kích quân trong toán chạy lạc trong lúc di chuyển. Toán biệt kích sau đó chạy thoát đến một điểm hẹn khác, gặp lại hai người thất lạc. Cả toán biệt kích được triệt xuất, đem về an toàn. Nơi “bốc” toán biệt kích là một mỏm núi, trực thăng chỉ đáp được một bên, và nhân viên phi hành phải kéo lên từng người một.
        Toán 2: xâm nhập vào thung lũng, sau đó di chuyển ra đến bãi đáp để triệt xuất. Khi trực thăng đến, VC bắn lên dữ dội, làm chiếc trực thăng phải bay ra chỗ khác. Ba biệt kích quân bị hỏa lực của địch bắn, nằm kẹt nơi bãi đáp, phần còn lại của toán biệt kích Delta ẩn nấp sau một hào sâu. Nghĩ rằng ba người kia đã chết, họ rút lui, di chuyển ra khu vực khác. Trong khi đó trực thăng võ trang bay vào bắn yểm trợ xung quanh bãi đáp, để cho ba quân nhân biệt kích chạy ra khỏi bãi đáp, tìm đường rút lui.
        Chuyện đó xẩy ra hôm 11, cho đến ngày 14 tháng Mười Hai toán biệt kích Delta mới được cứu thoát. Trong thời gian đó, lợi dụng đêm tối, trời mưa, ba người lính biệt kích thất lạc bò vào trong vùng địch kiểm soát. Cả ba người lẩn trốn, đợi đến đem tối bò trở ra, dùng máy liên lạc, yêu cầu trực thăng vào “bốc”. Ba người được chỉ điểm, di chuyển đến một bãi đáp nằm gần một góc phiá xa ngôi làng. tất cả được cứu thoát, trong đó có một người bị thương được đồng đội dìu đi trong bóng đêm, ngoài trời mưa.
        Cũng trong tháng Mười Hai năm 1964, liên đoàn 5 LLĐB/HK chính thức qua Việt Nam thay thế liên đoàn 1 LLĐB. Thiếu tá Art Strange nhận quyền chỉ huy, điều hành chương trình Delta. Một người trong toán A, đại úy Thomas Pusser, sau này tử trận Plei Me.
        Cho đến thời điểm này, liên đoàn 1 và liên đoàn 7 LLĐB/HK là những người đầu tiên góp phần xây dựng chương trình Delta, và trước đó là hành quân Leaping Lena.

Dallas, TX.
vđh







HÀNH QUÂN BIỆT KÍCH RAPID FIRE
David C. Spencer



Lời nói đầu: Hai toán biệt kích bị hỏa lực địch đàn áp nhưng chỉ cứu được một toán. Một quyết định khó khăn phải làm.



        Minh Thạnh là làng nhỏ bao bọc trong một khu rừng sao su bát ngát, từng hàng, từng hàng cây cao su bao quanh. Gần đó có một trại Lực Lượng Đặc Biệt do một toán A trấn đóng, được xây dựng dưới những rặng cây cao. Về hướng bắc và hướng đông căn cứ là những cánh rừng cao su mênh mông. Về hướng tây và hướng nam, có những khoảng đất trống trải với cỏ tranh và những bụi cây rộng lớn.

        Khu đồng trống, cỏ tranh rất dễ bị lầm lẫn. Trông có vẻ phẳng nhưng có chỗ cỏ tranh chỉ cao hơn đầu gối, chỗ khác lại cao hơn đầu người. Những bụi cây lớn, thực ra là những khoảnh vườn trồng cây và bụi rậm.

        Những cánh đồng như thế có thể che dấu một đạo quân. Trong mùa hè và mùa thu năm 1967, có tin đồn và tin tình báo cho biết trung đoàn 271 VC đang hiện diện trong khu vực xung quanh làng Minh Thạnh. Giữa tháng Mười, 1967, tiểu đoàn 2, trung đoàn 28, sư đoàn 1 BB Hoa Kỳ mở cuộc hành quân tảo thanh, và họ xác nhận nguồn tin tình báo là đúng (sự hiện diện của trung đoàn 271 VC). Tiếp theo các đơn vị Hoa Kỳ mở hành quân truy kích đám quân VC ra khỏi vùng trách nhiệm. Rồi thì một trận đánh lớn xẩy ra, có thể đơn vị Hoa Kỳ bị rơi vào ổ phục kích, các đại đội tác chiến cùng với ban chỉ huy tiểu đoàn 2, đại đội chỉ huy công vụ bị tổn thất nặng.

        Trong số những quân nhân tử trận có trung tá Terry de la Mesa Allen, ông ta là con trai của vị tư lệnh sư đoàn 1 BB Hoa Kỳ trong trận thế chiến thứ hai (The Big Red 1), và thiếu tá Donald W. Helleder, tốt nghiệp trường võ bị West Point, đã được chọn trong đội tuyển football quốc gia (to con), và nhiều thanh niên trẻ Hoa Kỳ.

        Tiếng vang của trận đánh vẫn còn chấn động, mặc dầu trung đoàn 271 VC đã rút về nơi ẩn náu. Những toán viễn thám của LLĐB và sư đoàn 1 BB/HK lùng kiếm trung đoàn địch không ra. Dường như chúng biến mất trong không gian.

        Một nhiệm vụ thám sát đặc biệt được giao phó cho B-36 LLĐB, qua một loạt hành quân Rapid Fire bắt đầu từ tháng tám năm 1967 với Rapid Fire I (1) kéo dài đến Rapid Fire IX (9) trong tháng Năm 1968.

        Từ lúc ban đầu hành quân Rapid Fire, toán biệt kích chúng tôi thuộc B-36 LLĐB gồm có: tôi, binh nhất Patrick Wesson, binh nhất William “Billy” Miller, và ba người lính đánh thuê người Miên, Đại Minh, Song (“Big Cowboy”), và “Old Man”. Trong tháng Mười, chúng tôi được lệnh thám sát khu vực Minh Thạnh trong hành quân Rapid Fire II. Hai toán biệt kích sẽ xâm nhập cùng lúc, toán chúng tôi được thả xuống gần ngôi làng. Toán biệt kích của Trung sĩ Wallace “Walt” Handwerk và toán của tôi, sẽ vào vùng địch để kiểm chứng sự “đánh hơi”. Việc này do phi cơ lấy trong không khí để tìm hóa chất methane thải ra từ những nguồn hữu cơ: người, vật, thảo mộc, dù sống hay đã chết. Mặc dầu với sự tiến triển của khoa học, vẫn cần có người ở dưới đất, vào vùng kiểm chứng.

        Nhận được lệnh hành quân, chúng tôi kiểm soát lại ba lô, dụng cụ đem theo trước khi lên đường xâm nhập vào khu vực xung quanh làng Minh Thạnh. Chúng tôi cẩn thận xem lại những dụng cụ quan trọng như điạ bàn, bản đồ, gương cấp cứu để chỉ điểm cho máy bay.

        Tất cả đơn vị tham dự hành quân, trong đó có toán biệt kích chúng tôi, được phi cơ vận tải C-123 đưa đến trại LLĐB Minh Thạnh vào sáng hôm sau. Trong lúc các dân sự chiến đấu cùng với các cố vấn Mũ Xanh của họ lo thiết lập căn cứ hành quân, dựng lều, căng hàng rào kẽm gai, đào công sự phòng thủ, hầm vệ sinh, v.v... hai toán biệt kích A-361, A-362 lên đường thám sát.

        Toán A-361 dưới quyền toán trưởng Pat “Hulk” Martin khám phá ra một binh trạm của VC và bị địch truy kích. Toán biệt kích chạy đến một hố bom làm chỗ chống cự với địch cho đến khi trực thăng võ trang cùng với trực thăng cấp cứu đến, dùng dây cấp cứu McGuire câu về căn cứ. Toán A-362 của Damien Kowaleski xâm nhập mà không bị địch phát giác. Toán biệt kích tìm thấy một binh trạm cỡ lớn của địch có nhiều đường mòn ra vào. Nhiều đường mòn nằm gần nhau, không thể nằm lại để dò thám, nên trưởng toán Kowaleski xin trực thăng đến đem về.

        Toán biệt kích của tôi cũng thuộc A-362, biệt danh “Alice”, lên đường xâm nhập lúc 1 giờ chiều ngày hôm sau. Cấp chỉ huy đã kẻ một lằn ranh giới, toán của tôi có nhiệm vụ thám sát khu vực từ lằn ranh lên hướng bắc, toán biệt kích A-361 của Handwerk sẽ dò thám về hướng nam.

        Tôi ra lệnh cho toán viên di chuyển chậm, cẩn thận, dự trù sẽ vào đến khu vực “đánh hơi” ngày hôm sau để lục soát, kiểm chứng. Sau khi xuống bãi đáp an toàn và báo cho trực thăng dấu hiệu “OK” để họ bay về, chúng tôi di chuyển chừng năm phút đã gặp một đường mòn. Con đường mòn lớn hơn ba bộ (feet), cỏ vẫn chưa chết hẳn, chứng tỏ nhiều người mới di chuyển trên đường vào khoảng vài giờ đồng hồ. Tôi liên lạc với máy bay thám thính đang bao vùng để xin xác nhận chính xác điểm đứng.

        Điạ thế khu vực rất khó do thám, Cỏ tranh không đủ rậm để che chở toán biệt kích và cũng khó quan sát, chỉ khi nào đối tượng đã đến thật gần mới trông rõ, lúc đó đã quá muộn. Chúng tôi di chuyển ra nơi khác, được khoảng chừng năm mươi thước lại gặp một đường mòn khác cũng rộng rãi, vừa có người đi qua như con đường trước. Chúng tôi tạm dừng, không phải để dò thám mà để canh chừng có địch quân theo dõi. Rồi một đường mòn khác... đường khác. Chúng tôi tìm thấy tất cả bẩy con đường mòn trong khu vực thám sát.

        Cuối cùng, toán biệt kích đến một khu rừng rập lúc trời sắp tối. Chúng tôi tìm chỗ nghỉ qua đêm, gần con đường mòn để dò thám. Tôi lấy cần antena tự chế để liên lạc với đài tiếp vận trên núi Bà Đen, chợt hai tên VC xuất hiện trên con đường mòn đi ngang qua chỗ toán biệt kích đang ẩn nấp. Họ không đi song song để nói chuyện, tên đi trước thấp hơn, mặc quần short, áo mầu sậm, đội trên đầu cái nón đã tả tơi không còn hình dáng, vai đeo khẩu súng AK-47. Tên đi sau cao hơn, mặc quần short mầu sậm, áo xám, cầm khẩu Mauser 98K.

        Hai tên VC đi từ hướng tây nam lên, họ đi đứng tự nhiên trong “giang sơn” của họ. Tên đi sau bỗng dừng lại nhìn về phiá bụi cây toán biệt kích đang núp. Chúng tôi có thể bắn gục hết cả hai, nhưng nhiệm vụ của toán biệt kích là dò thám, tránh đụng độ. Tôi báo lên máy bay quan sát Smokey.

-          Chúng tôi bị hai tên VC trông thấy.

-          Anh có chắc chắn không?

-          Hai bên chạm trán nhau gần lắm, tôi có thể nhổ nước miếng trúng nó...

-          Vậy thì các anh nên rút

        Chiếc máy bay quan sát cho chúng tôi tọa độ một bãi đáp gần đó, đúng lúc tôi  nghe có nhiều tiếng người nói lớn cách chỗ trú ẩn khoảng năm mươi thước, rồi tiếng bình bịch, sau này tôi mới nhận định ra tiếng địch quân bỏ ba lô xuống đất để giao tranh.

-          Nhiều tiếng người nói cách chỗ tôi chừng năm mươi thước về hướng bắc.

-          Chạy, đừng bước chậm chạp.

        Tôi đeo ba lô lên vai, chỉ tay về hướng tây nam nơi có bãi đáp, rồi nói với toán viên.

-          Nhanh lên.

        Tôi dẫn đầu, mọi người chạy theo sau. Và có tiếng địch quân đuổi theo phiá sau. Tôi ra lệnh cho mọi người tiếp tục chạy, còn tôi đứng lại gài quả mìn Claymore, rôi chạy theo sau. Trong khi đang kéo sợi dây điện để bấm quả mìn, người lính Miên tên Đại Minh vẫn còn đứng chờ tôi, quạt một băng đạn vào một bụi cây.

        Tôi vội vàng xách quả mìn chạy theo Đại Minh. Ra gần đến khoảng đất trống trải, tôi thấy toán biệt kích đang bố trí sau hàng cây sát bãi đáp trực thăng. “Old Man” la lên một câu tiếng Miên, đồng thời nổ súng bắn về phiá đằng sau tôi và Đại Minh. Trông thấy gần đó có một ụ đất nhô lên cao, tôi la lớn cho mọi người biết rồi cùng Đại Minh chạy nhanh lại, nhẩy ra đằng sau, đúng lúc súng của địch nổ vang dội khu rừng.

        Billy Miller cùng với “Old Man” bắn hàng loạt về hướng đông bãi đáp, Pat Wesson và “Big Cowboy” thủ phiá bắc. Quan sát về hướng tây, thấy có bóng dáng người, tôi quạt khẩu M-16 cho đến khi hết đạn, rồi cho một băng đạn mới vào. Tôi gọi máy bay quan sát Smokey.

-          Chúng tôi đã ra đến bãi đáp. Gọi trực thăng võ trang (gunships) và chiếc “slick” để bốc bọn tôi.

-          Tôi thấy các bạn tác xạ vũ khí.

-          Chúng tôi bị bắn, nên trả đũa.

-          Có bị tổn thất gì không?

-          Không.

-          Tôi sẽ gọi trực thăng võ trang đến.

-          Bạn có cần khói mầu không? (để đánh dấu mục tiêu)

-          Không.

        Tôi nghe tiếng máy bay thám thính bay đi rồi “phụp”, một qủa đạn khói mầu trắng nổ trên đầu những rặng cây. Tôi nghe tiếng chiếc máy bay quan sát điều động hai chiếc trực thăng Cobra oanh kích mục tiêu.

-          Roger. Đánh dọc theo hàng cây từ đông sang tây bằng đại liên thôi. Quân bạn ở sát hàng cây ngay mô đất trong khoảng đất trống.

        Hai chiếc Cobras bay xà xuống bắn đại liên, chúng tôi ở dưới nghe điếc tai và ngửi thấy mùi khét của thuốc súng. Chiếc máy bay quan sát, trấn an báo cho biết.

-          Chiếc “slick” đang trên đường đến đón các bạn.

        Chúng tôi nghe tiếng trực thăng đang bay đến, mọi người đều thở ra nhẹ nhõm, mỉm cưới. Chợt có tiếng súng của địch bắn lên ngay trước mũi chiếc trực thăng chở quân. Viên phi công vội vàng đổi hướng 90 độ bay ra khỏi khu vực nguy hiểm. Pat, Đại Minh và tôi lập tức bắn vào những bụi cây nghi ngờ địch đang nấp bắn lên trực thăng.

        Qua máy truyền tin, tôi được biết anh chàng phi công trực thăng “lạnh cẳng” than phiền với máy bay quan sát rằng, bãi đáp không được an ninh, và nhỏ hẹp có một cây cao ở giữa. Tôi cho là đúng phần nào, tôi nhìn thấy cây cao đó nhưng vẫn dư sức đáp. Lúc đó địch quân bắn vào ụ đất nơi đám biệt kích đang nấp. Tôi gọi máy bay thám thính.

-          Smokey, Smokey. Đây Alice gọi.

-          Nói đi Alice.

-          Có chuyện gì với chiếc “Slick”?

-          Anh ta “lạnh cẳng” vì bị bắn từ dưới đất. Tôi sẽ cho gunships làm bụi tung lên dọc theo hàng cây rồi bảo chiếc “Slick” quay trở lại.

        Chuyện này sẽ không bao giờ có. Anh chàng phi công chết nhát tìm đủ cớ để tránh né không xuống bãi đáp. Mặt trời từ từ khuất bóng, chúng tôi biết rằng nguy hiểm sẽ đến vì cấp cứu ban đêm khó khăn hơn nhiều.

        Trong khi đó toán biệt kích của Handwerk cũng lâm vào tình trạng nguy kịch. Anh ta đã báo cáo có dấu hiệu hoạt động của địch bên hông lộ trình di chuyển của toán, rồi ở đằng trước. Handwerk yêu cầu cho toán triệt xuất. Sau đó toán biệt kích Handwerk di chuyển đến một bãi đất trống chờ trực thăng đến “bốc”.

        Phải có những quyết định nhanh chóng. Địch quân gia tăng áp lực xung quanh bãi đáp của chúng tôi. Trực thăng võ trang Cobra đã phải đánh mấy tours để làm giảm áp lực của địch. Nếu không có mấy chiếc này, địch sẽ tràn ngập vị trí của toán biệt kích dễ dàng.

        Lúc đó tôi nghe được giọng nói của viên phi công trên chiếc máy bay thám thính nói với trưởng toán biệt kích Handwerk. Mà sau này nghĩ lại chưa chắc tôi dám quyết định. Anh ta cho Handwerk biết tình trạng của toán tôi. Trưởng toán biệt kích Handwerk bình tĩnh trả lời.

-          Tôi không cần cấp cứu. Cứ lo cho toán kia. Chúng tôi tự lo liệu lấy, lẩn tránh địch quân. OK? Chúc may mắn.

-          Tôi hiểu.

        Tôi đưa cho Pat cái đèn pin chiếu lên trời để cho máy bay nhận rõ vị trí toán biệt kích. Trong khi máy bay thám thính bao vùng tiếp tục điều động các phi tuần trực thăng võ trang Cobra lên đánh giải vây cứu toán biệt kích, đại úy Swain, quyền chỉ huy B-36 LLĐB cũng ngồi trên một chiếc trực thăng khác bay lên. Ông ta hỏi viên phi công lái máy bay thám thính tình trạng của toán biệt kích.

-          Cũng như một trận Little Bighorn nhỏ (trận này lữ đoàn 7 Kỵ Binh Hoa Kỳ bị người Da Đỏ tiêu diệt).

-          Xin nói lại cho rõ.  (Đại úy Swain)

-          Bọn VC đang bao vây bãi đáp cũng như người Da Đỏ bao vây Tướng Custer.

        Đại úy Swain nhanh chóng liên lạc với thiếu tá Hatfield, chỉ huy đại đội trực thăng (Lục quân Hoa Kỳ có đơn vị trực thăng) cơ hữu.

-          Big Daddy. Đây là Marauder (biệt danh của Đ/úy Swain, tên một đơn vị BĐQ/HK trong trận đệ nhị thế chiến)

-          Đây là Big Daddy.

-          Ông phải ra lệnh cho phi công trực thăng của ông “vào”, chúng tôi không còn thời gian.

-          Không được. Tôi sẽ không để cho phi công của tôi vào.

-          Nếu vậy tôi sẽ đưa chiếc C&C (trực thăng chỉ huy, ông ta đang bay) này “vào”.

        Đại úy LLĐB Swain, nói là làm... không nói “lung tung”. Thiếu tá Hatfield vội lên tiếng.

-          Không được. Làm chuyện gì cũng phải đúng thủ tục.

-          Tôi không thể để mất binh sĩ của tôi.

        Viên phi công “gà chết” chắc cũng nghe được lời đối thoại trên hệ thống truyền tin. Anh ta yêu cầu toán biệt kích di chuyển đến một bãi đáp khác. Tôi nói Pat tiếp tục chiếu đèn pin lên trời để các phi cơ nhận ra vị trí quân bạn. Trong toán biệt kích Pat (Patrick) Wesson là người lúc nào cũng vui vẻ lạc quan, tin cậy được. Miller có vẻ lo sợ, lên tiếng hỏi “Tôi sẽ chết ở đây?” Nghĩ đến toán của Handwerk, tôi băn khoăn không biết số phận của họ ra sao. Tôi trấn an anh ta.

-          Anh sẽ thoát. Tất cả chúng ta sẽ được cứu.

        Mấy người biệt kích Miên, không hiểu, nhưng thấy nét mặt vui của Miller, họ cũng lên tinh thần. Đại Minh nói với tôi “Trực Thăng”. Trong khi đó, hai trung sĩ LLĐB “chứng tỏ” tình chiến hữu, lo lắng cho toán biệt kích ở dưới. Trên chiếc trực thăng chỉ huy (C&C), trung sĩ Paul Grillo, y tá nhưng rất can đảm, gốc rễ từ bờ biển miền đông Ý Đại Lợi, rút khẩu Colt-45 ra chỉa vào đầu viên phi công. (Vào bốc toán biệt kích! Nếu không chúng ta cùng chết!).

        Trong trung tâm hành quân, trung sĩ nhất Ernie Snyder tập họp một đơn vị đi tiếp cứu, trang bị đại liên M-60, M-79 và M-16, sẵn sàng lên đường. Đúng lúc đó, trên máy truyền tin thiếu tá Hatfield nhượng bộ, ông ta nói với đại úy LLĐB Swain.

-          Thôi được, để đích thân tôi vào.

-          Cám ơn và chúc may mắn.  (Đại úy Swain)

        Thiếu tá Hatfield gọi toán biệt kích.

-          Tôi đang ở hướng nam của bạn. Tôi trông thấy đèn của bạn. Tôi tắt-mở đèn bay, bạn nhìn thấy cho biết.

        Tiếng trực thăng nghe rõ dần rồi dèn dưói bụng trực thăng tỏa ánh sáng làm lóe mắt mọi người, cả VC. Chúng tôi nhanh nhẹn leo lên trực thăng. Tôi la lớn cho nhân viên phi hành.

-          Dọt lẹ!

-          Mọi người lên hết chưa?

-          Đủ cả rồi. Dọt lẹ đi!

        Hôm sau chúng tôi được tin mừng, toán biệt kích của Handwerk cũng được bốc về an toàn.



Theo tài liệu: David C. Spencer “Rapid Fire Recon...”, Vietnam Magazine, June 1997, pages: 46-52.

Dallas, TX.

vđh


HÀNH QUÂN RAPID FIRE I
David C. Spencer

        Chương trình Rapid Fire do B-36 Lực Lượng Đặc Biệt đề xướng, bắt đầu với hành quân Rapid Fire I, kể từ ngày 5 tháng Chín năm 1967. Chúng tôi đã cho xâm nhập vào vùng hành quân dò thám, bắt tù binh bằng các toán biệt kích sáu người, trung đội xung kích Hatchet hai mươi người. Thành phần tham dự hành quân gồm các toán A LLĐB, A-361 và A-362 và các toán viễn thám thuộc sư đoàn 1/HK, sư đoàn 9/HK, sư đoàn 25/HK, trung đoàn 11 Kỵ Binh/HK, lữ đoàn nhẹ 199/HK và lính đánh thuê người Miên, làm việc cho LLĐB/HK.
        Mặc dầu đến từ nhiều đơn vị khác nhau, nhưng tất cả đều là các đơn vị Lục Quân Hoa Kỳ nên sự chỉ huy thống nhất, dưới quyền Quân Đoàn II/HK. Quân đoàn này hoạt động trong vùng trách nhiệm của Quân Đoàn III/VNCH.
        Một trong những đơn vị bộ binh Hoa Kỳ, sư đoàn 25 gửi một yêu cầu đến B-36 LLĐB cho một toán biệt kích vào do thám khu vực “I-99”. Khu vực này có điạ thế cao hơn sông Saigon, và mới đây VC đã pháo kích hỏa tiễn 140 ly vào căn cứ của sư đoàn 25 BB/HK ở Tây Ninh. Vị sĩ quan trưởng phòng 2 sư đoàn tin rằng, địch đã đặt dàn phóng trong khu vực đó. Do đó họ yêu cầu cho một toán biệt kích vào tìm kiếm dấu vết của địch.
        Đây là một cuộc hành quân cấp bách, đôi khi không có một lý do vững chắc. Nhiệm vụ này đươc trao phó cho trung sĩ Dallas Pridemore, và anh ta chọn những quân nhân có kinh nghiệm để lập toán biệt kích. Pridemore mời tôi vào trung tâm hành quân họp hôm 14 tháng Chín. Như thường lệ, nơi này lúc nào bận rộn người ra vào như tổ ong. Pridemore nói “Tôi cần một toán phó cho một cuộc thám sát, và tôi nghe nói anh là người có khả năng”.
        Tôi cũng không buồn hỏi lại ai nói cho anh ta biết về tôi, anh ta muốn làm tôi dễ chịu. Trước đó tôi đã làm toán phó cho một trung đội Hatchet dưới quyền chỉ huy của Frank Polk và có lần giao tranh ác liệt với VC khi chúng phản công chống lại trận phục kích của trung đội Hatchet. Một lần khác chúng tôi bị hỏa lực địch đàn áp khi tấn công một căn cứ của chúng. Nhưng sau đó trung sĩ Frank Polk bị thương còn tôi muốn tìm một chỗ “im lặng” hơn nên xin vào những toán thám kích.
        Trung sĩ Pridemore tiếp tục nói “Toán biệt kích gồm có: Wesson, Miller, và hai biệt kích người Miên, một người tên Song, người kia tên là... “Old Man”.  Tôi đã biết họ khi cùng phục vụ trong trung đội Hatchet, Wesson là một người lính trẻ, nhiều kinh nghiệm đời, mới mười chín mà cứ như đàn ông ba mươi tuổi. Miller còn nhỏ hơn Wesson một tuổi, dễ thương vẫn còn vị thành niên. Hai biệt kích Miên là những người chiến đấu giỏi và rất trung thành. Tôi trả lời Pridemore.
-          Đồng ý.
-          Tốt. Bây giờ phụ tôi chấm mấy tọa độ pháo binh (hỏa tập tiên liệu).
        Nói xong, Pridemore với tay lấy tấm bản đồ. Tọa độ pháo binh, là những mục tiêu chúng tôi chấm sẵn để bắn pháo binh. Nhờ vậy sự yểm trợ sẽ nhanh chóng mà không cần phải điều chỉnh tác xạ. Sau khi nghiên cứu bản đồ hành quân, chúng tôi chọn những chỗ như giao điểm của hai con đường mòn, nơi giòng suối uốn cong thành hình vòng tròn và giao điểm hai trục trên bản đồ.
-          Mình gặp nhau tại bãi đáp trực thăng lúc hai giờ chiều để bay thám sát.
        Pridemore nói rồi bước ra khỏi trung tâm hành quân. Đối với anh ta làm việc nhanh, gọn, chuyện tâm sự để khi sau khi hành quân về sẽ tính.
        Chuyến bay thám sát bao vùng chiến khu D là việc thường xuyên, nhưng lần này khu vực “làm việc” của chúng tôi quá rậm rạp, rừng cây bao phủ âm u, chỉ có một bãi đáp nhỏ cho trực thăng. Điều này nguy hiểm, bọn VC có thể đặt người quan sát canh chừng bãi đáp khi toán biệt kích xâm nhập, và cho người theo dõi từng bước.
        Khi trở về, đi ngang qua hội quán trông thấy Wesson và Miller đang uống bia.
-          Đừng vui quá độ, mình sẽ lên đường lúc rạng động
-          Chúng tôi biết điều đó. Bọ tôi tình nguyện vì biết trong toán biệt kích có anh.
        Tôi chỉ dặn dò sơ sơ Wesson, rồi đi tìm trung sĩ nhất Pridemore bàn thêm về chuyến xâm nhập sắp tới. Khu vực chúng tôi sắp thám sát, người Việt Nam gọi là “Khu Duc”. Sư đoàn 25 BB/HK đã cho các toán viễn thám vào nhiều lần nhưng chẳng tìm được dấu vết gì của địch. Do đó họ mới cần đến chúng tôi.
        Sau khi hai chúng tôi đã đi sâu vào chi tiết các hoạt động trong vùng địch. Tôi trở về sửa soạn ba lô, dụng cụ của mình sau đó kiểm soát ba lô, hành trang đem theo của hai biệt kích người Miên. Tôi cảm thấy thoải mái khi đã kiểm soát xong cho ba người, đi tìm “hai ông tướng” Wesson và Miller. Cả hai quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ đang ngồi ăn trong nhà ăn của Không Quân. Khi ăn xong bữa tối, chúng tôi về đến dẫy nhà của họ, kiểm soát hành trang, ba lô của hai người và khuyến cáo phải sẵn sàng để lên đường sớm buổi sáng mai.
        Trời hơi lạnh trong buổi sáng sớm nơi bãi đáp trực thăng. Pridemore cho chúng tôi thử lại hành trang bằng cách, đeo ba lô nhẩy lên, nhẩy xuống. Anh ta không muốn nghe tiếng động, và kiểm soát lại điạ bàn, bản đồ, vũ khí, đạn dược mang theo lần cuối. Sau đó cất mũ rộng vành (nón bo, quân biệt kích không đội nón sắt. Họ trang bị nhe, di chuyển nhanh và không được gây tiếng động) vào trong túi, lên trực thăng, bay lên hướng bắc.
        Viên phi công ra dấu hiệu báo cho trung sĩ nhất Pridemore biết đã gần đến bãi đáp. Từ trên không nhìn xuống, bãi đáp hiện ra rất rõ. Làn sương sớm che phủ đã bị ánh mặt trời làm tan đi. Người xạ thủ khẩu đại liên M-60 gắn trên trực thăng, hồi hộp mở to mắt ra nhìn xuống quan sát, ngón tay sẵn sàng bóp cò súng. Những quân nhân biệt kích không một người nào đùa giỡn.
        Chiếc trực thăng đáp nhanh xuống bãi cỏ tranh, không có cây cao, toán biệt kích nhẩy ra chạy nhanh vào bià rừng ẩn núp. Chiếc trực thăng bay lên thật nhanh cũng như khi đáp xuống, để lại toán biệt kích “cô đơn” trong vùng địch kiểm soát.
        Chúng tôi quan sát, nghe ngóng xung quanh khu rừng cho đến khi cảm thấy an toàn mới bắt đầu di chuyển. Cuối cùng, Pridemore báo về trung tâm hành quân cho biết toán biệt kích đã xuống bãi đáp an toàn, không chạm địch. Một người lính Miên biệt danh “Big Cowboy” cùng với Miller đi đầu. Tiếp theo là trưởng toán Pridemore, người lính Miên “Old Man” mang máy truyền tin, Wesson cùng với tôi đi sau làm hậu vệ. Toán biệt kích lặng lẽ di chuyển, vừa đi vừa quan sát, nghe ngóng, để ý những dấu hiệu của địch.
        Đi được khoảng bẩy mươi thước, “Big Cowboy”, “Old Man” hai người lính Miên ra hiệu nằm xuống. Chúng tôi dừng lại trong thế thủ, nghe ngóng động tĩnh. Hai người lính Miên làm cho mọi người có cảm giác, khu vực có mặt địch quân.
        Chỉ vài giây sau, hai người đàn ông xuất hiện nơi hướng bãi đáp trực thăng, di chuyển theo hình chữ Z qua lại đằng sau lộ trình toán biệt kích vừa đi qua. Họ chỉ còn cách chúng tôi khoảng năm mươi thước, di chuyển nhanh chóng, gần như đã có mục đích gì đó. Toán biệt kích năm im, theo dõi cho đến khi cả hai biến mất.
        Toán biệt kích từ từ đứng dậy, rồi tiếp tục di chuyển, người biệt kích Miên “Old Man” quay lại nói khẽ với tôi “VC”. Chúng tôi đi thêm khoảng hai tiếng đồng hồ, lúc đó “Old Man” ra dấu cho mọi người biết toán biệt kích vẫn còn bị theo dõi bởi một tên địch. Tôi thích thú, làm sao anh ta biết, nhưng có linh cảm địch quân lẩn vẩn quanh đây. Chúng tôi tạm dừng chân, bàn gấp tìm cách đối phó. Mọi người đồng ý, để tôi ở lại xem thử tên địch có đi theo toán biệt kích và sẽ “đụng” nhằm tôi không.
        Tôi nằm lại trong một bụi cây bên cạnh lộ trình di chuyển của toán biệt kích và chờ đợi. Mươi lăm phút sau vẫn không thấy bóng dáng tên VC, tôi bỏ chừng cuộc “phục kích” đi theo toán biệt kích. Cả nhóm mừng rỡ khi trông thấy tôi.
        Người Miên “Old Man” vẫn cho rằng, tên VC có nhiệm vụ canh chừng bãi đáp vẫn còn đó và tôi tin anh ta. Mặc dầu tôi chưa trông thấy tên VC, nhưng chắc anh ta đã cảnh giác, dừng lại ở đâu đó. Chúng tôi tạm nghỉ một chút và cũng để tên VC tìm đến kiếm ăn.
        Chúng tôi tiếp tục di chuyển, qua lại những khu vực không có những con đường mòn cắt ngang, mà rất thường thấy trong chiến khu D. Khu vực chúng tôi có nhiệm vụ thám sát không có dấu hiệu hoạt động nào của địch, mặc dầu vẫn biết rằng, không phải chỉ có toán biệt kích đang hiện diện trong khu vực.
        Đến giữa trưa, toán biệt kích di chuyển đến một giòng suối lớn, rộng khoảng năm mươi bộ (feet), có bờ đất cao hai bên. Ngay hai bên bờ có những bụi tre rậm rạp, có cành rũ xuống suối. Theo lệnh hành quân, chúng tôi phải lục soát một khu vực với góc độ 130, và ngọn suối nằm trên trục di chuyển của toán biệt kích, phải băng qua. Toán bố trí bên này bờ suối làm thành phần an ninh cho Miller và “Big Cowboy” băng qua bên kia bờ suối.
        Trưởng toán Pridemore cùng với “Old Man” đi tiếp theo, tôi canh chừng phiá sau, còn Wesson để ý hai bên bờ suối. Sau khi bốn người đã qua được bên kia bờ suối an toàn, Pridemore ra thủ hiệu cho tôi cùng với Wesson băng qua. Tôi quay lại nhìn Wesson, anh ta gật đầu ra dấu cho tôi qua trước.
        Tôi từ từ bước xuống giòng suối, nước lạnh như có đá, vừa bước vừa phải tránh những cành tre đã rơi xuống, ngầm dưới mặt nước. Quay lại, tôi trông thấy Wesson cũng vừa bước xuống suối và dường như đang luống cuống, chân bị mắc kẹt giữa đám thân tre. Tôi quay lại đưa tay cho anh ta nắm rồi kéo về hướng mình.
        Cả toán gom lại bên kia bờ suối, trưởng toán Pridemore ra lệnh cho Wesson đi bên phải lộ trình di chuyển, nơi giòng suối uốn quanh và biến mất khỏi tầm mắt. “Big Cowboy” vẫn đi đầu, Miller thủ bên trái. Trong khi đợi Pridemore báo cáo về trung tâm hành quân, tôi vẫn để ý phiá đuôi, bờ suối bên kia, nơi chúng tôi vừa từ đó băng qua suối. “Old Man” cũng đứng nhìn về phiá sau như tôi.
        Sau khi báo cáo, liên lạc xong, Pridemore ra dấu hiệu cho mọi người bố trí ăn trưa. Tôi lôi phần ăn khô đặc biệt cho các toán biệt kích ra, đổ nước vào. Trong khi chờ cho đồ ăn nở ra, tôi vẫn để ý quan sát bờ suối bên kia. Người lính biệt kích Miên “Old Man” ra dấu hiệu cho tôi ngồi lui vào sau một thân cây.
        Cả toán biệt kích bận rộn ăn bữa trưa, tôi chỉ ăn một miếng bánh kem. Mọi người vừa ăn vừa phải quan sát, canh gác, ngoại trừ “Old Man” vẫn dán mắt vào phiá bên kia giòng suối. Một người có kinh nghiệm chiến trường, thường có giác quan bén nhậy, linh tính rất tốt.
        Khi mọi người sắp ăn xong, chợt mắt “Old Man” mở to ra, anh ta nhẩy qua gốc cây tôi đang ngồi, chửi thề bằng tiếng Miên, bắn ra một loạt súng. Cùng lúc đạn từ phiá bên kia bờ suối bay qua trúng vào thân cây nghe lốp bốp. Tôi chụp khẩu M-16, lúc đó mới biết, khóa an toàn bị kẹt, phải dùng một băng đạn khác gõ vào chốt an toàn.
        Pridemore cùng với “Big Cowboy” bắt đầu bắn xuống bờ suối nơi mấy bụi tre. Anh ta gọi lớn “Old Man” đem máy truyền tin đến chỗ anh ta. “Old Man” nhanh nhẹn đem máy truyền tin lại, đưa ống nói cho Pridemore. cả hai nằm dài trên mặt đất. Miller cùng với “Big Cowboy” vẫn tiếp tục bắn vào mấy bụi tre, Wesson cũng nhả đạn qua phiá bên kia suối.
        Mấy viên đạn trúng vào thân cây tôi đang nấp. Tôi lăn mình qua gốc cây bên cạnh, quan sát xạ trường, “Old Man” cũng bắn trả đũa về hướng lộ trình chúng tôi vừa đi qua. Nhìn qua bên kia bờ suối, tôi trông thấy mấy bóng người đang chạy về hướng tây dọc theo giòng suối.
        Trưởng toán biệt kích Pridemore vỗ vào lưng tôi, nói.
-          Mình sẽ được trực thăng tới “bốc” bằng dây cấp cứu Maguire (vì khu vực rậm rạp, đang chạm địch, không thể di chuyển đến bãi trực thăng được). Anh đi trước.
-          Để cho Wesson và Miller đi trước. Tôi trả lời.
        Pridemore lắc đầu, ra lệnh.
-          Không. Anh và Wesson đi trước.
        Tôi gật đầu đồng ý. Khi nghe tiếng trực thăng trên đầu, Pride more la lên.
-          Ném qủa khói mầu.
        Viên phi công cấp cứu bay trên đầu nhận ra làn khói mầu vàng, bay lại thả dây Maguire xuống. Tôi la lớn gọi “Wesson”. Anh ta ngưng bắn, chạy lại ngồi vào sợi dây. Tôi chạy lại, ngồi vào sợi dây bên kia, trong khi bốn người còn lại bắn cầm chân không cho địch tiến lên.
        Bất ngờ, sợi dây vướng vào một cành cây, trong khi đó địch quân bắn lên chiếc trực thăng làm cho chuyên viên “câu người” Wal handwerk trên trực thăng phải chặt dây để cho chiếc trực thăng bay đi. Hai đứa tôi rơi xuống đất. Hú viá, tôi la lớn.
-          Chuyện gì vậy?
-          Mình phải di chuyển đến bãi đáp.
        Trưởng toán biệt kích Pridemore trả lời, chỉ tay về hướng tây nam, rồi ra lệnh cho tôi lên đi đầu, dẫn đường cho toán di chuyển đến một bãi đáp trực thăng khác. Tôi mở nắp điạ bàn, định hướng, rồi đi xuống suối nơi giòng suối uốn khúc quanh, rẽ qua một hướng khác.
        Khi bước xuống giòng suối, Wesson đứng ngay bên bờ, Pridemore, “Old Man” theo sau, và Miller cùng với “Big Cowboy” đi sau làm hậu vệ. Bỗng nhiên có một lực gì đẩy mạnh tôi về phiá bờ. Nước bắn lên tung toé, khi tôi ngã chìm xuống nước. Gượng dậy để đi tiếp qua bên kia, lúc đó tôi mới trông thấy lửa loé ra từ những đầu mũi súng. Theo bản năng tôi bóp cò khẩu M-16 bắn trả lại.
        Trên bờ, Wesson và Pridemore xả súng bắn vào bụi tre lớn phiá bên kia bờ, rồi tôi nghe tiếng thân người rơi xuống giòng suối. Tôi vẫn tiếp tục lội bì bõm qua phiá bên kia, rồi bám cây leo lên bờ dốc đứng, có bụi tre lớn che chở. Trước mặt là một khoảng tranh lớn, trực thăng có thể đáp. Phần còn lại của toán biệt kích lội qua sau và cũng đang leo lên.
        Chúng tôi quăng quả khói mầu vàng nơi khoảng đất trống làm dấu cho trực thăng, rồi chạy ra khi trực thăng đến bốc. Địch quân không dám tấn công vì có thêm hai chiếc trực thăng võ trang Cobra đang bay vòng vòng trên bãi đáp.
        Trở về đến căn cứ, phần thuyết trình của toán biệt kích rất ngắn, vì chúng tôi không tìm ra vị trí đặt hỏa tiễn pháo kích của địch. Tôi nhìn xuống chân, người y tá Miên đang lau chùi vết thương, lấy một miếng kim loại ra. Sau chuyến đi đó tôi được nghỉ gần tám tháng, miếng kim loại tôi vẫn giữ làm kỷ niệm.

Theo tài liệu: David C. Spencer, “Rapid Fire I”, Behind The Line magazine, 1996, page: 32-36
Dallas, TX.
vđh  

TRẬN ĐỨC LẬP
25/8/1968

        Trại LLĐB Đức Lập, A-239 là một tiền đồn biên phòng, cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng sáu mươi cây số về hướng tây nam và cách biên giới Việt-Miên chưa đến năm cây số. Trại LLĐB này có vị trí chiến thuật rất quan trọng, nằm bên cạnh đường xâm nhập Trong căn cứ lúc đó có 3 quân nhân thuộc đơn vị (ban) 403 Hành Quân Đặc Biệt (SOD), 12 quân Mũ Xanh toán A LLĐB/HK, toán A LLĐB/VN, 350 Dân Sự Chiến Đấu người Thượng cùng với gia đình của họ.
        Vào lúc khuya đêm cuối cùng của tháng Tám, quân đội Bắc Việt tấn công trại LLĐB Đức Lập. Địch quân mở đầu trận đách bằng cách pháo kích súng cối, hỏa tiễn vào căn cứ. Ba quân nhân trong toán 403 SOD vội vàng ra vị trí phòng thủ.
        Trung Sĩ Nhất Hall, Trung Sĩ Alward chạy ra vị trí khẩu súng cối 81 ly bắn phản pháo. Họ tiếp tục bắn cho đến khi khẩu súng trở nên quá nóng, rồi tưới nước lạnh vào khẩu súng cối cho nguội bớt rồi bắn tiếp. Và cứ tiếp tục như vậy suốt đêm vì địch quân vẫn tấn công. Trong khi đó, Binh Nhất Childs đã bị thương vì pháo kích đang đưa vợ con binh sĩ người Thượng chạy vào những căn hầm trú ẩn, một mặt ra lệnh cho binh sĩ Thượng ra ngoài phòng tuyến chiến đấu.
        Qua sáng hôm sau, khi nắng đã lên, các phi tuần phản lực Hoa Kỳ được điều động lên đánh phá những vị trí của địch. Mặc dầu thời tiết xấu, nhiều mây, các phi công Hoa Kỳ vẫn cố gắng bay thấp thả bom để yểm trợ cho quân trú phòng. Trong một lần bay xuống oanh kích, một phản lực F-100 Super Sabre trúng đạn phòng không rớt. Viên phi công nhẩy dù ra nhưng cánh dù bay về hướng địch quân.
        Trung Sĩ Nhất Hall, Trung Sĩ Alward, Binh Nhất Childs cùng với mấy Mũ Xanh Hoa Kỳ vội vàng đi tiếp cứu người phi công lâm nạn, và họ đã nhanh chân hơn quân Bắc Việt đem được viên phi công vào bên trong căn cứ.
        Trong vòng ba ngày hai đêm, trại LLĐB Đức Lập bị pháo kích, tấn công nhiều đợt. Căn cứ được thiết lập trên hai ngọn đồi. Sau nhiều đợt tấn công, quân Bắc Việt chiếm được ngọn đồi nơi hướng bắc và khu vực yên ngựa giữa hai ngọn đồi. Đã có lúc địch quân đẩy mạnh mũi tấn công, xung phong lên ngọn đồi thứ hai, chỉ còn cách hầm trung tâm hành quân chừng 50 thước nhưng bị đẩy lui.
        Trong một đợt tấn công khác, mấy binh sĩ Thượng lui về phiá sau phòng tuyến, nhưng Childs bắt họ phải quay trở lại. Sau đó người lính Mũ Xanh Hoa Kỳ cùng với một y tá LLĐB Việt Nam chỉ huy chừng mười binh sĩ khác, phản công xuống khu vực yên ngựa, để lên ngọn đồi hướng bắc. Hai quân nhân LLĐB Mỹ Việt dùng lựu đạn đánh chiếm từng công sự phòng thủ đã bị quân chiếm giữ. Các binh sĩ người Thượng quá sợ hãi không đi theo.
        Khi xuống đến khu thấp nhất của yên ngựa, người y tá LLĐB/VN trúng đạn gục xuống. Childs mang đeo nhiều lựu đạn, thêm súng đạn lỉnh kỉnh không vác nổi người lính LLĐB/VN, anh ta quay trở lên trên đồi, bỏ túi lựu đạn, khẩu M-16 lại chỉ cầm khẩu Colt-45 xuống cứu bạn nhưng bị địch bắn dội trở lại. Sau đó có thêm hai quân nhân LLĐB/VN đi theo Childs xuống cứu anh y tá, cõng trở lên trên đồi.
        Trận đánh kéo dài qua ngày thứ ba, một đơn vị Xung Kích (Mike Force) Dân Sự Chiến Đấu người Thượng từ Nha Trang đến tiếp viện, phá được vòng vây vào đến căn cứ. Lực lượng trú phòng cùng với quân tăng viện phản công lấy lại đồi bắc. Trận tấn công trại LLĐB Đức Lập bị đẩy lui.
        Sau ba ngày giao tranh, 9 quân nhân LLĐB Việt Mỹ bị thương, 150 binh sĩ, thường dân Thượng chết hoặc tử trận. Quân Bắc Việt để lại trên chiến trường hàng trăm xác chết.
        Ngoài huy chương Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc, Trung Sĩ Nhất Hall, Binh Nhất Childs được gắn thêm Chiến Thương Bội Tinh. Ba quân nhân Mũ Xanh khác được huy chương Đồng. Trước khi trận đánh xẩy ra, Binh Nhất Childs chỉ còn 5 ngày phục vụ tại Việt Nam.



KẾT QUẢ TRẬN TẤN CÔNG TRẠI LLĐB ĐỨC LẬP
 
Đơn vị tham chiến: Quân đội Hoa Kỳ
Tỉnh Quảng Đức, Quân Đoàn II, Nam Việt Nam
Nơi xẩy ra trận đánh: Đức Lập

        Trận đánh kéo dài ba ngày. Quân đội Bắc Việt cố gắng mở một đợt tấn công khác trước khi trời xập tối. Địch quân lợi dụng thời gian không có phi cơ yểm trợ cho trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Lập. Khi trời tối sẽ có phi cơ võ trang Spectre lên bao vùng yểm trợ, ban ngày, khi còn ánh nắng mặt trời có những phi tuần phản lực thả bom.
        Quân Bắc Việt tấn công từ hướng bắc xuống và đã chiếm được bốn công sự chiến đấu trên ngọn đồi chính. Địch đưa thêm một đại đội xâm nhập vào hướng tây nam, bị quân trú phòng phát giác khi đại đội này đã tiến vào sát lớp hàng rào phòng thủ, trong tầm ném lựu đạn.
        Các phi vụ oanh kích đã được gọi đến thả bom trên những vị trí đã bị địch chiếm. Một quả bom Napalm rơi lầm, gần vị trí một đại đội Dân Sự Chiến Đấu, làm cho binh sĩ đại đội này phải chạy ngược lên trên đồi. Các cố vấn LLĐB Hoa Kỳ và Úc Đại Lợi đã chiến đấu tận lực để làm chủ tình hình vào lúc 9:30 sáng. Trận đánh gây tổn thất cho cả đôi bên. Tình trạng phiá đồng minh không được sáng sủa.
        Lúc mười giờ, binh sĩ LLĐB/HK Childs cùng với Trung Sĩ y tá LLĐB/VN Lê Văn Lai, đã tự động chiến đấu, thanh toán những ổ kháng cự của địch. Phi cơ vận tải Caribou đã thả những kiện hàng tiếp tế thêm đạn dược cho trại LLĐB Đức Lập. Hai đại đội Xung Kích thuộc tiểu đoàn 5 Xung Kích (Mike Force) ở Nha Trang đã được không vận xuống nơi hướng tây căn cứ, đến tăng cường cho trận điạ. Hai đại đội này di chuyển xuyên qua cánh đồng trống, xác binh sĩ Bắc Việt và qua phòng tuyến đã bị địch phá hủy để vào tiếp tay với binh sĩ trú phòng. Ít phút sau, tiểu đoàn 2 Xung Kích cũng vào đến bên trong trại LLĐB.
        Tất cả các lực lượng Dân Sự Chiến Đấu phác họa kế hoạch phản công. Bắt đầu lúc 14:30 chiều, một đại đội Dân Sự Chiến Đấu người Nùng tấn công các công sự chiến đấu đã bị địch chiếm giữ. Các đại đội DSCĐ còn lại, người Thượng được phân công đắnh lên ngọn đồi do quân đội Bắc Việt chiếm đóng. Sau hai giờ đồng hồ phản công quyết liệt, với lòng can đảm, các binh sĩ Thượng đã lấy lại phần lớn ngọn đồi. Một trong những cấp chỉ huy người Thượng là Y Gaul Nie đã anh dũng chiến đấu cho đến khi tử trận vì lựu đạn. Lực lượng Dân Sự Chiến Đấu càn quét xung quanh và hoàn toàn làm chủ ngọn đồi. Đến tối tất cả binh sĩ quân đội Bắc Việt đều bị giết hoặc đã phải rút ra ngoài căn cứ sau năm tiếng đồng hồ đánh cận chiến.
        Trận Đức Lập là một chiến thắng của Lực Lượng Đặc Biệt. Hoàn toàn do các đơn vị Xung Kích Dân Sự Chiến Đấu đảm trách, ngoài ra không có thêm một đơn vị nào của đồng minh. Tổng kết trận đánh: 6 LLĐB/HK, 1 LLĐB/VN, 37 DSCĐ, 20 thường dân người Thượng chết hoặc tử trận. Mất tích 9 DSCĐ, bị thương 13 LLĐB/HK, 7 LLĐB/VN, 80 DSCĐ. Quân Bắt Việt để lại 303 xác chết trên chiến trường.

Theo tài liệu: The Green Berets at War. Trang 205.



ĐẠI ĐỘI XUNG KÍCH TIẾP ỨNG MIKE FORCE

        Câu chuyện bắt đầu khi tôi vừa được xuất viện, nằm mãi trên giường bệnh cũng chán. Leo lên xe Jeep, người tài xế của đơn vị lái xe theo con đường đất đỏ đưa tôi trở về căn trại của liên đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, nằm cuối dẫy nhà của bệnh viện.
        Khi tôi cùng người tài xế bước vào doanh trại, bên trong nhiều quân nhân khác đang đem đồ đạc đi ra, vừa nói chuyện ồn ào. Chúng tôi đến văn phòng của toán, đang đứng ngay trước cửa là trung úy Wright, đại đội trường của tôi, người đứng bên cạnh là một vị mang cấp bậc thiếu ta. Trung úy Wright nói tôi trở ra xe Jeep, thay bộ quân phục “Cọp Vằn” (đồ bệt của LLĐB, hơi khác quân phục của TQLC/VN) vào, trên xe đã có đủ “đồ nghề” đê đi hành quân.
        Trung úy Wright chào viên thiếu tá rồi ra xe. Ông ta bỏ ba lô, dây đạn ra đằng sau xe, rồi đưa cho tôi khẩu CAR-15 (Khẩu CAR 15, giống như khẩu súng quân đội Hoa Kỳ đang xử dụng. Trên chiến trường VN, chỉ có LLĐB/HK, biệt kích Lôi Hổ mới được trang bị). Trung úy Wright ra lệnh cho tôi liên lạc với người hạ sĩ quan của tôi khi đến Ban Mê Thuột và đại đội Xung Kích (Mike Force) chúng tôi sẽ đi tiếp viện cho một toán A LLĐB/HK trong căn cứ Đức Lập, trại LLĐB  này đang bị quân đội Bắc Việt tấn công.
        Người tài xế nhanh nhẹn vòng xe trở lại, chạy thẳng ra phi trường, cũng ở bên cạnh bệnh viện. Bên trong là mấy chiếc vận tải cơ C-130, chiếc đầu đã chuẩn bị cất cánh. Chúng tôi chui vào một chiếc C-130 đậu cuối hàng máy bay. Bên trong hơi tối, chỉ có hàng đèn mờ trong thân máy bay, đã chứa đầy quân đại đội Xung Kích cùng với súng ống, dụng cụ. Tôi chưa biết tìm đâu ra người hạ sĩ quan làm việc với tôi.
        Nơi cuối máy bay, tôi thay bộ quần áo biệt kích vào, đeo thêm dây đạn, cầm khảu CAR-15 cho giống các quân nhân Dân Sự Chiến Đấu người Thượng. Tôi ngồi trên những thùng đạn mà đại đội Xung Kích sẽ cần đến trong trận đánh sắp tới.
        Chiếc máy bay vận tải C-130 cất cánh, lấy hướng đi Ban Mê Thuột, và trong vòng 45 phút sau, phi cơ hạ cánh. Các binh sĩ trong đại đội lần lượt kéo nhau ra khỏi máy bay, di chuyển đến phiá bên trái phi đạo chấn chỉnh lại đội ngũ.
        Lúc đó tôi mới đảo mắt tìm các bạn cùng đơn vị. Chúng tôi thuộc đại đội 5, một phần trong B-55 Lực Lượng Xung Kích (Mobile Strike Force, Mike Force). Nhiệm vụ của chúng tôi cũng tương tự như lính cứu hỏa. Những tiền đồn biên phòng do các toán A LLĐB bị quân đội Bắc Việt tấn công hoặc bao vây chúng tôi đến tiếp cứu.
        Sau khi trại LLĐB Lang Vei bị chiến xa cùng bộ binh Bắc Việt tấn công, tràn ngập vào đầu năm 1968, Đại Tướng Westmoreland, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh “Không để mất một trại LLĐB nào khác như trận tấn công Lang Vei trước đây”. Do đó mới thành lập thêm một đơn vị xung kích, tiếp ứng cho mỗi vùng chiến thuật để bảo vệ các trại biên phòng.
        Tôi đến chỗ vừa được thiết lập tạm thời như một trung tâm hành quân. tại đây đã có mặt trung sĩ nhất Nunez, anh ta đưa tôi đến gặp mấy người trung sĩ quan khác, Estrada, Gonzales và Maketa. Họ đang bàn tán về nhửng gì đã được nghe về trận Đức lập.
        Theo tin tức được biết, địch quân (có lẽ đơn vị đặc công) đã bò gần vào phòng tuyến lúc đêm tối và bắt đầu tấn công lúc sáng sớm. Quân đội Bắc Việt đã chiếm được ngọn đồi nơi hướng bắc, giết nhiều binh sĩ cũng như thường dân người Thượng. Những người sống sót chạy thoát về ngọn đồi nơi hướng nam, tuyến phòng thủ chính của trại. Quân đội Bắc Việt đang bao vây và sẽ tấn công dứt điểm phần còn lại của trại LLĐB. Quân phòng thủ đang chiến đấu trong tuyệt vọng, cần được tiếp viện ngay tức khắc.
        Không may, tối hôm đó vì thời tiết, trực thăng không thể đưa đại đội xung kích vào trận điạ, chúng tôi phải chờ đến sáng hôm sau. Tôi cảm thấy có điều gì ràng buộc với những quân nhân đang tử thủ trong căn cứ, họ sẽ phải chiến đấu bằng sức mình qua một đêm nữa. Tôi hy vọng, chúng tôi sẽ đến tiếp cứu họ kịp thời.
        Chúng tôi được đại tá Schengel cho biết sơ tình hình nguy ngập của trại LLĐB Đức Lập và ra lệnh cho chúng tôi sẵn sàng để lên trực thăng sáng sớm hôm sau. Chúng tôi trở về nơi đóng quân tạm thời, dựng lều ngủ qua đêm, sắp đặt việc canh phòng và sửa soạn. Trong ban chỉ huy, chúng tôi bàn sơ qua, sẽ phải làm gì khi đến Đức Lập, rồi đi ngủ sớm.
        Tôi không ngủ được vì nôn nóng, nên ra ngoài đi tuần, nói chuyện với mấy Dân Sự Chiến Đấu người Thượng để hiểu rõ họ hơn. Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp xúc với họ. Tôi thuyên chuyển đến đơn vị mới được ba tuần, rồi được gửi đi thụ huấn khóa viễn thám (của LLĐB/HK, Recondo school). Tiếp theo là năm ngày nằm bệnh viện vì ăn trúng độc. Đến hôm nay mới xuất viện và... đang trên đường ra chiến trường. Tôi hồi hộp vì lần đầu tiên ra đơn vị, biết mặt binh sĩ của mình.
        Thêm một điều nữa, tôi là một thiếu úy mới ra trường. Vị đại đội trưởng là trung úy Wright bị thương nơi bàn tay, nên đơn vị phải cho người vào bệnh viện lôi tôi về gấp cho chuyến hành quân này... và tôi đang nắm trong tay một đại đội xung kích dân sự chiến đấu.
        Theo kế hoạch, đại đội của chúng tôi sẽ được trực thăng đưa vào Đức Lập trong đợt đổ quân thứ hai. Một đại đội khác sẽ phải vào trận điạ trước. Khoảng cách từ Ban Mê Thuột đến Đức Lập không xa, đợt đổ quân đầu hoàn tất trong vòng nửa tiếng đồng hồ. Các trực thăng đã quay trở về để đưa đại đội tôi vào vùng hành quân.
        Chúng tôi lên trực thăng rồi đoàn trực thăng cất cánh bay về hướng tây. Trại LLĐB Đức Lập nằm ngay trên giao điểm các nhánh rẽ của hệ thống đường mòn HCM. Trại ngăn ngừa địch chuyển quân vũ khí từ bắc vào miền nam Việt Nam, nên địch quân phải “tống cổ” quân đồng minh ra khỏi khu vực để họ dễ dàng thực hiện kế hoạch của họ.
        Quân số trong trại gồm toán A LLĐB/VN, người Thượng thuộc sắc dân Rhade, Jarai, thêm người Nùng, Chàm và một toán A LLĐB/HK. Trên lý thuyết, chúng tôi giữ vai trò cố vấn cho toán A LLĐB/VN, nhưng thực tế chúng tôi chỉ huy vì người Thượng muốn giết tất cả người Việt (bắc lẫn nam).
        Đoàn trực thăng bay trên cao độ 5000 bộ (feet). Gió thổi vào trực thăng đem theo hơi lạnh. Từ xa chúng tôi trông thấy mấy chiếc phản lực đang đánh bom, yểm trợ cho căn cứ. Đoàn trực thăng giảm cao độ, chúng tôi trông thấy khói bốc lên và những tiếng nổ lớn của bom.
        Khi trực thăng còn cách mặt đất khoảng hai, ba bộ, chúng tôi nhẩy ra khỏi, và đoàn trực thăng cất cánh nhanh chóng. Đại đội của tôi gọm lại và bắt đầu di chuyển về hướng trại LLĐB với đội hình một hàng dọc. Đi được khoảng một cây số, toán quân dẫn đầu đại đội bắt đầu chạm địch. Trông thấy đoàn quân tiếp viện tới, địch quân bắn lấy lệ rồi bỏ chạy, tuy nhiên vẫn làm chậm bước đơn vị.
        Từ trên trực thăng chỉ huy, cấp chỉ huy nhận thấy điều đó, ra lệnh cho chúng tôi tiến nhanh hơn vì địch quân sắp sửa tung một đợt tấn công mới lên ngọn đồi chính nơi hướng nam. Tiếp theo có mấy khu trục cơ A-1 Skyraiders từ thời đệ nhị thế chiến nhào xuống thả bom, chỉ cách toán quân đi đầu của đại đội không đến 1500 thước.
        Khoảng mười lăm phút sau, toán tiền phương báo cáo cho biết đã đến sát hàng rào phòng tuyến tây nam của căn cứ Đức Lập và chuẩn bị tiến vào bắt tay với đơn vị trú phòng. Vài phút sau, cả đại đội leo lên đồi, xung quanh lớp hàng rào phòng thủ, vương vãi những các chết, nhiều xác đã trương sình lên dưới ánh nắng mặt rời. Mùi hôi thối xông lên nặng nề, kinh khủng, cũng may tôi chỉ uống một ca cà phê buổi sáng.
        Vào đến căn hầm chính, trung tâm hành quân của căn cứ, tôi được cho biết, quân Bắc Việt đã rút lui về ngọn đồi bắc, sau khi thấy quân tăng viện đến. Có thể địch vẫn còn ít quân cố thủ trong những hầm hố giao thông hào nơi hướng đông và tây căn cứ mà chúng đã chiếm được. Phe ta phải bứng gốc, tái chiếm lại những vị trí này. Sau đó phản công lấy lại ngọn đồi bắc trước khi trời tối. Nhiệm vụ này cũng gay go, nhưng vẫn phải xong để giữ vững trại LLĐB Đức Lập.
        Tôi ra lệnh cho trung đội do trung sĩ Nunez chỉ huy càn quét địch ra khỏi khu vực phiá tây, một trung đội đánh vòng theo hướng đông của căn cứ, một trung đội khác thiết lập vị trí súng cối để yểm trợ cho hai trung đội phản công. Hai trung đội sẽ bắt tay nhau tại hướng mười hai giờ, sau đó cùng tấn công lên ngọn đồi bắc.
        Khi tôi bắt đầu di chuyển ra khỏi trung tâm hành quân khoảng hai mươi thước, một đại úy tự xưng là Joseph Trimble, cấp chỉ huy mới. Ông ta ra lệnh cho tôi, đích thân chỉ huy trung đội đánh chiếm lại khu vực hướng tây. Một thiếu úy mới ra trường lúc đó chỉ biết tuân lệnh, rồi đi theo trung đội của trung sĩ Ninez.
        Khi chúng tôi tiến lại gần, địch quân từ trong hầm hố bắn ra. Tôi lấy mấy binh sĩ người Thượng, cùng với tôi thanh toán những tên địch dưới giao thông hào trước, sau đó ra lệnh cho họ bắn yểm trợ để tôi tiến lại gần căn hầm ném lựu đạn vào. Khói và đất tung lên theo tiếng lựu đạn nổ, tôi nhẩy vào bên trong căn hầm vào bắn thêm loạt đạn CAR-15 giết tất cả những tên còn lại.
        Sau khi thanh toán xong căn hầm thứ nhất, tôi vững tin mình có thể chỉ huy được. Chúng tôi đánh tiếp căn hầm thứ hai. Cũng như lần trước, địch từ trong hầm bắn ra làm chúng tôi phải nhẩy xuống giao thông hòa tránh đạn. Sau đó mấy binh sĩ Thượng bắn phủ đầu để tôi tiến sát căn hầm tung lựu đạn vào thanh toán.
        Lần lần chúng tôi tiến dần ra đến cổng chính. Nhìn về bên phải, hướng đông thấy phe ta. Chúng tôi sắp bắt tay nhau để cùng tấn công lên ngọn đồi bắc. Tôi cùng với mấy binh sĩ nhẩy xuống một hố bom, bắn lên đồi bắc, nhưng hình như khẩu CAR-15 của tôi bị kẹt đạn mà không thể điều khiển được. Một người lính Thượng chỉ tay vào bụng tôi. Nhìn xuống, cái áo đã bay mất một miếng vải, túi vải đựng mấy băng đạn bay mất nắp, trông thấy mấy băng đạn lòi ra. Tôi cảm thấy có dung dịch nhớp nhúa (máu) phần bên phải thân thể, rồi hoa mắt gục xuống.
        Đúng lúc đó trung sĩ Nunez nhẩy xuống hố bom, ra lệnh cho một binh sĩ Thượng dìu tôi quay trở về trạm cứu thương. Tôi không còn biết gì nữa, ngất đi. Trong khi đó, trung sĩ Nunez cùng với các binh sĩ khác phản công lên đồi bắc.
        Tôi tỉnh dậy vào sáng hôm sau mới biết, trên cánh tay lòng thòng sợi dây chuyền nước biển, dưới bụng tôi quấn một lớp băng. Xung quanh hầm quân y trở nên bận rộn, mọi người chạy tới chạy lui, để chuẩn bị tản thương ra bãi đáp trực thăng. Tôi được thông báo, quân ta đã chiếm lại ngọn đồi bắc, và các binh sĩ đang dọn dẹp các tử thi của địch bỏ lại, cùng thâu nhặt vũ khí gom lại một đống. Có nhiều tiếng động cơ trực thăng lên xuống căn cứ.
        Chúng tôi đã cứu trại Lực Lượng Đặc Biệt Đức Lập và tôi cảm thấy sung sướng, thêm một chút hãnh diện. Đây là trận đánh đầu tiên trong đời binh nghiệp và tôi đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo chỉ huy đơn vị. Tôi hơi buồn khi được biết đại đội xung kích, tiếp ứng Mike Force có một trung sĩ hy sinh trong trận phản công đánh lên đồi bắc. Tôi là “người mới” trong đơn vị chưa biết anh ta là ai nhưng vẫn buồn.
        Tôi bước ra ngoài căn hầm quân y, ngồi dựa vào bao cát ngắm nhìn trời đất, khung cảnh đổ vỡ, hoang tàn của chiến tranh vẫn còn đó. Một trực thăng loại lớn Chinook CH-47 nhẹ nhàng đáp xuống yên ngựa giữa hai ngọn đồi để di tản thương binh. Một binh sĩ Thượng đến bên cạnh, dìu tôi đi xuống chỗ yên ngựa rồi chui vào trong bụng chiếc trực thăng.

John Wilson
Đại đội 5, B-55 Lực Lượng Xung Kích (Mobile Strike Force), Nha Trang, Việt Nam

Theo tài liệu:

Dallas, TX.
vđh


CHIẾN ĐOÀN ĐẶC NHIỆM PRONG
TRẠI LLĐB PLEI DJERENG (A-251)

        Đây là bản báo cáo kết qủa ngày 11 tháng Giêng Năm 1967 của chiến đoàn đặc nhiệm Prong. Kể từ khi Hoa Kỳ đưa thêm nhiều đơn vị tác chiến qua Việt Nam, nhiều cuộc hành quân phối hợp với các đơn vị Dân Sự Chiến Đấu của LLĐB đã được tổ chức. Những cuộc hành quân phối hợp này bắt đầu từ năm 1966, lên tới cao điểm trong hai năm 1968, 1969. Những cuộc hành quân loại này đều có lợi cho các đơn vị tham dự.
(1) Bối cảnh: Sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ, thảo kế hoạch hành quân càn quét khu vực nơi hướng bắc trại Lực Lượng Đặc Biệt Plei Djereng (A-251), trải rộng về hướng đông lằn ranh 90 và về hướng tây đến sông Nam Sathay. Mục tiêu là những đơn vị thuộc sư đoàn 325 Bắc Việt, nghi ngờ đang hiện diện trong khu vực hành quân. Sĩ quan chỉ huy đại đội B (bộ chỉ huy B LLĐB) đề nghị lục soát luôn khu vực phiá tây (bên kia) sông Nam Thay. Vì lý do, thung lũng Plei Trap cũng nằm bên hướng tây giòng sông, và là một đường xâm nhập lớn, đưa quân cùng chiến cụ vào miền nam Việt Nam. Liên đoàn 5 LLĐB/HK muốn xử dụng một đơn vị DSCĐ tảo thanh khu vực này. Sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ, muốn xử dụng các tiểu đoàn bộ binh cơ hữu, phối hợp với DSCĐ.

Tuy nhiên, sự kiện đơn vị DSCĐ hành quân độc lập tốt hơn, thay vì phải di chuyển song song với các đơn vị bộ binh trên trục tiến quân. Sư đoàn 4 BB/HK chấp thuận và ngày 8 tháng Mười Một đưa ra một lệnh hành quân mới thêm phần thay đổi. Bộ chỉ huy B LLĐB chia khu vực trách nhiệm cho ba đại đội DSCĐ. Kế hoạch hành quân này được sửa đổi dựa trên sự khác biệt giữa DSCĐ và các đơn vị chính quy, sẽ đem lại kết qủa tốt hơn.

(2) Hành quân: Bắt đầu từ ngày 8 tháng Mười Một, đại đội 2, tiểu đoàn 2/8/4 bộ binh được đưa đến bảo vệ bãi đáp Lane (Lore), tại tọa độ YA600530. Lúc 8:30 phút sáng, cuộc không vận chiến đoàn đặc nhiệm Prong bắt đầu, đại đội 3 xung kích Mike Force cùng với bộ chỉ huy B LLĐB được đưa vào vùng hành quân chuyến đầu tiên. Lực lượng DSCĐ từ hai trại LLĐB Plei Djereng và Đức Cơ vào đến vùng hành quân lúc 11:15 phút.

Lúc 1:30 phút chiều, đơn vị xung kích Mike Force chạm súng với một đơn vị phòng không của địch gần tọa độ YA602542. Mike Force giết một địch quân, tịch thâu hai đại liên phòng không 12.7 ly, 2 tiểu liên AK-47 và 35 ba lô. Ít phút sau, đơn vị Mike Force  lại đụng với một tiểu đội lính Bắc Việt, bắn hạ hai địch quân, về phiá bạn có một quân nhân Mũ Xanh LLĐB/HK bị thương. Đơn vị DSCĐ trại LLĐB Plei Djereng giết chết một toán ba người lính Bắc Việt gần tọa độ YA605526. Đến lúc này, bộ chỉ huy chiến đoàn đặc nhiệm Prong ra lệnh cho các đơn vị tách ra, đại đội DSCĐ Plei Djereng tiến về hướng nam, đại đội DSCĐ Đức Cơ di chuyển về hướng tây. Đến 8:00 giờ tối tất cả các đơn vị dừng quân, đóng quân đêm.

(3) DSCĐ Plei Djereng: Trong ngày 9, lúc 8:05 phút, toán phục kích Plei Djereng bắt gặp một trung đội trinh sát của địch tại tọa độ YA606512. Trung đội địch di chuyển lên hướng bắc, ngược với trục tiến quân về hướng nam của đại đội DSCĐ Plei Djereng. Toán phục kích DSCĐ nổ súng trong lúc đơn vị địch đang băng qua một con suối, và tiếp theo DSCĐ đụng phải một đại đội lính Bắc Việt trong hầm hố chiến đấu tại tọa độ YA605509. DSCĐ Plei Djereng bố trí nơi bờ phiá bắc giòng suối, rồi xin phi cơ FAC bao vùng, điều chỉnh pháo binh tác xạ lên vị trí phòng thủ của địch. Đúng 10:10 phút, loạt pháo binh phủ đầu vừa dứt, các binh sĩ DSCĐ Plei Djereng xung phong qua giòng suối tấn công, nhưng bị hỏa lực của địch bắn ra xối xả, dội trở lại. DSCĐ lại xin pháo binh tác xạ trở lại và làm bãi đáp trực thăng để di tản thương binh, cùng những binh sĩ tử thương. Đại đội lính Bắc Việt chỉa mũi tấn công vào khoảng giữa bãi đáp trực thăng, và sau lưng phòng tuyến, làm đại đội DSCĐ Plei Djereng phải yêu cầu tăng viện. Kết qủa trong ngày, 4 lính Bắc Việt tử trận, 4 DSCĐ tử trận, 2 LLĐB/HK và 5 DSCĐ bị thương.

(4) DSCĐ Đức Cơ: Đại đội DSCĐ Đức Cơ chuyển quân về hướng tây đến một con đuờng mòn do toán biệt kích tìm ra, nhưng không chạm địch. Một trung đội lục soát khu vực hướng tây, tìm thấy xác một khu trục cơ A1-E Skyraider, có chữ ZB sơn ở đuôi phi cơ. Đại đội DSCĐ tổ chức phục kích giết bốn lính Bắc Việt, sau đó di chuyển đến an ninh bãi đáp trực thăng tại tọa độ YA612553, để di chuyển số súng tịch thâu được của địch.

(5) Lúc 1:13 phút trưa, đại đội DSCĐ Đức Cơ được lệnh di chuyển về hướng nam, tiếp viện đại đội DSCĐ Plei Djereng đang bị địch cầm chân. Trên lộ trình di chuyển, DSCĐ Đức Cơ được biết, địch đặt súng đại liên và bắn tiả tại tọa độ YA606571. Đến 3:30 chiều, hai đại đội DSCĐ bắt tay và cùng rút lui. Đại đội DSCĐ Đức Cơ nằm cản hậu cho DSCĐ Plei Djereng rút trước và được pháo binh yểm trợ, không cho địch quân truy kích. Đến 6:30 phút xế chiều, một trung đội Plei Djereng bảo vệ bãi đáp trực thăng để di tản thương binh, phần còn lại của hai đại đội DSCĐ lập tuyến phòng thủ đêm.

(6) Qua ngày 10 tháng Mười Một, đại đội C, tiểu đoàn 1/14 Bộ Binh được trực thăng vận vào bãi đáp Lane tiếp viện cho lực lượng DSCĐ. Cánh quân này sẽ tấn công vị trí phòng thủ của đại đội lính Bắc Việt, DCSĐ Plei Djereng đụng phải ngày hôm trước. Theo kế hoạch tấn công, đại đội C sẽ tấn công từ hướng đông, trong khi đó DSCĐ sẽ di chuyển về hướng nam làm nút chặn. Đơn vị DSCĐ vừa di chuyển chưa được xa, đụng phải tổ trinh sát của địch, giết một lính Bắc Việt. Tiếp tục di chuyển, đơn vị DSCĐ đụng phải đơn vị cấp tiểu đoàn của địch, bố trí phục kích theo hình chữ “L” tại tọa độ YA605515. Trận đánh trở nên quyết liệt, DSCĐ lập tuyến phòng thủ tại tọa độ YA608515 và xin phi pháo yểm trợ. Đến 6:00 giờ chiều, tiếng súng địch thưa dần, chỉ còn tiếng đạn bắn tỉa. Kết qủa 12 binh lính Bắc Việt chết, 1 LLĐB/HK, 4 DSCĐ tử trận, 1 LLĐB/HK, 17 DSCĐ bị thương và 5 DSCĐ mất tích.

Trong khi đó, đại đội xung kích Mike Force tổ chức phục kích cách vị trí DSCĐ/BB khỏang năm dặm, 6 binh sĩ Bắc Việt đang di chuyển bị giết bốn, hai bị thương và bị bắt sống. Lúc 4:30, một toán tiền phương thuộc đại đội xung kích Mike Force giết chết một lính bắn tỉa Bắc Việt nơi một hồ cạn nước. Mike Force lập tuyến phòng thủ đêm nơi hồ cạn, đặt toán phục kích trên đường mòn chạy song song.

(7) Ngày 11 tháng Mười Một năm 1966, lúc 0:15 phút sáng, đại đội A được đưa vào tăng cường cho đại đội C, tiểu đoàn 1/14 Bộ Binh. Họ bắt tay với lực lượng DSCĐ tại tọa độ YA605515. Lúc 6:00 giờ sáng, đơn vị Mike Force đóng quân đêm bên bờ hướng tây hồ cạn bị một đơn vị địch cấp đại đội bắn dữ dội. Pháo binh và không quân được gọi lên yểm trợ cho đại đội xung kích Mike Force, nhưng địch quân tiếp tục bắn súng đối, đại liên lên phòng tuyến của đại đội Mike Force. Đơn vị Mike Force phải rút lui, lực lượng tấn công của địch lên tới cấp tiểu đoàn. Đến 9:00 sáng, một trực thăng đem đồ tiếp tế đến cho đơn vị hành quân, bị địch bắn lên gây tử thương cho hai phi hành đoàn trên trực thăng UH1-D, chiếc trực thăng phải bay ra khòi vùng hành quân. Trận đánh vẫn tiếp tục, đến 12:30 một chuyến trực thăng tiếp tế thành công. Đến 4:30 chiều, đại đội B, tiểu đoàn 1/12 Bộ Binh được đưa vào tiếp viện làm địch quân phải rút lui. Kết qủa trận đánh, 58 lính Bắc Việt, 1 LLĐB/HK, 1 BB/HK, và 13 DSCĐ tử trận, 30 LLĐB/HK, 40 DSCĐ bị thương. Lực lượng bạn tổ chức phòng thủ đêm tại tọa độ YA601515, đại đội A, tiểu đoàn 1/14 đặt toán phục kích tại tọa độ YA606511.   

(8) Từ ngày 12 đến 15 tháng Mười Một, lực lượng DSCĐ di chuyển đến bãi đáp Lane. Trên đường di chuyển, họ bắn bị thương một và bắt sống một địch quân. Ngày 13, đại đội DSCĐ Plei Djereng được trực thăng vận trở về trại, được thay thế bằng một đại đội DSCĐ đến từ trại LLĐB Pleime. DSCĐ Pleime cùng với trung đội trinh sát tiểu đoàn 1/14 BB, lục soát khu vực xung quanh bãi đáp Lane, hôm 15 tháng Mười Một. Ngày 13, đại đội xung kích Mike Force cùng với đại đội B, tiểu đoàn 1/12 BB di chuyển đến bảo vệ căn cứ hỏa lực tiểu đoàn 1/12 BB tại tọa độ YA602550. Ngày 14, đại đội 1 Mike Force vào thay cho đại đội 3 Mike Force.

(9) Bắt đầu từ ngày 16 tháng Mười Một, một đại đội DSCĐ từ Buon Blech (A-238) được trực thăng vận từ trại LLĐB Plei Djereng, tăng cường cho tiểu đoàn 2/8 trong một cuộc hành quân “lùng và diệt”. Ngày 17 tháng Mười Một, đại đội DSCĐ Pleime chạm súng với một đại đội lính Bắc Việt. Lúc 12:00 giờ trưa, DSCĐ Pleime cùng với trung đội trinh sát BB đụng phải hai tiểu đoàn Bắc Việt trong hầm hố, công sự phòng thủ gần tọa độ YA605503. Đơn vị này bị hỏa lực của địch đàn áp, phải nằm tại chỗ, cho đến khi đại đội B, tiểu đoàn 1/14 vào bắt tay. Sau đó lực lượng bạn lui về phiá sau, gọi phi pháo yểm trợ. Đại đội DSCĐ Pleime có 1 binh sĩ tử trận, 1 LLĐB/VN, 2 LLĐB/HK, và 3 DSCĐ bị thương.

(10) Đại đội DSCĐ Buon Blech được đại đội DSCĐ Phú Túc lên thay ngày 25 tháng Mười Một năm 1966. Đơn vị mới đến không chạm địch nên ngày 26, bộ chỉ huy hành quân hoàn trả đơn vị xung kích Mike Force. Một đại đội DSCĐ thứ hai từ Buon Blech được trực thăng vận lên tăng cường cho tiểu đoàn 1/12 hôm 28 tháng Mười Một. Nhưng địch quân đã rút lui qua biên giới Miên. Chiến đoàn đặc nhiệm Prong chấm dứt cuộc hành quân lúc 12:00 giờ trưa, ngày 2 tháng Mười Hai. Tổng kết, quân Bắc Việt bị loại khỏi vòng chiến 272, 2 bị thương và 3 bị bắt làm tù binh. Lực lượng bạn có 27 tử trận, 83 bị thương và 5 mất tích. Chiến đoàn đặc nhiệm Prong tịch thâu được hai súng phòng không 12.7 ly, 25 AK-47.

(11) Chiến đoàn đặc nhiệm Prong là một phần trong hành quân Paul Revere IV. Tin tức tình báo cho biết địch quân xâm nhập vào khu vực phiá tây, vùng trách nhiệm của sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ. Đơn vị địch trong các trận đánh vừa qua thuộc hai trung đoàn 33 và 88 Bắc Việt.

(12) Sự tổn thất của lực lượng Dân Sự Chiến Đấu là do thiếu vũ khí tự động. Cuộc hành quân phối hợp cho thấy sự công hiệu việc xử dụng DSCĐ tìm địch cho các đơn vị Bộ Binh thuộc sư đoàn 4 BB/HK tiêu diệt. Các đơn vị DSCĐ rất thành công trong việc khám phá ra đơn vị địch.

Dallas, TX.
vđh



ĐẠI ĐỘI 3 MIKE FORCE
8/11/1966 – 12/11/1966

Clyde J. Sincere Jr., Commander, II Corps MF October ’66 – May ‘67



        Bối cảnh: trong thời gian tháng Mười Một năm 1966, lực lượng Xung Kích Mike Force trên quân đoàn II gồm có ba toán A LLĐB/HK, A-217, A-218, và A-219. Sau đó, thêm một toán A LLĐB được bổ xung để thành lập bộ chỉ huy B LLĐB, B-20. Lực lượng xung kích Mike Force co trên 1000 quân DSCĐ, đa số thuộc sắc dân Jarai và Rhade, một số ít thuộc các bộ lạc người Koho, Sedang, và các bộ lạc người Thượng khác trên vùng cao nguyên. Đạo quân DSCĐ này được sự chỉ huy của quân nhân Mũ Xanh, LLĐB/HK trong các toán A. Trong thời gian tôi phục vụ, không có quân nhân LLĐB/VN được chỉ định vào chức vụ chỉ huy.

        Tài liệu này ghi lại các hoạt động của đại đội 3 xung kích Mike Force, Mike Force quân đoàn II, trong chuyến hành quân phối hợp với các đơn vị Bộ Binh thuộc sư đoàn 4 BB/HK trong thời gian từ ngày 8 đến ngày 12 tháng Mười Một năm 1966 trong khu vực gần biên giới Việt-Miên và nơi phiá bắc thung lũng Plei Trap.

        Vào khoảng ngày 6 tháng Mười Một năm 1966, tôi được lệnh trình diện trung tá Eleazer “Lee” Parmly IV, chỉ huy trưởng, bộ chỉ huy B, liên đoàn 5 LLĐB/HK trên Pleiku. Lúc trình diện, trung tá Parmly chỉ thị cho tôi, chuẩn bị một đại đội xung kích Mike Force để tham dự hành quân phối hợp với hai đại đội Dân Sự Chiến Đấu, lấy từ trại LLĐB Dức Cơ, và Plei Djereng. Lực lượng DSCĐ hoạt động độc lập trong khu vực trách nhiệm của họ, thăm dò mục tiêu, tìm địch quân cho các cuộc hành quân “Lùng và Diệt” do sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ tổ chức trong khu vực phiá bắc trại LLĐB Plei Djereng, phiá nam sông Sa Thay, lên đến khu vực tam biên.

        Tôi chọn đại đội 3 xung kích Mike Force dưới quyền chỉ huy của trung úy Robert C. Jacobelly, đại diện lực lượng xung kích Mike Force trên quân đoàn II tham dự cuộc hành quân. Đại đội 1 Mike Force dưới quyền chỉ huy của trung úy Larry Dring, vừa lên thay trung úy Neal Y. Pickett, thuyên chuyển qua đơn vị LLĐB khác. Đại đội 1 sẽ làm trừ bị, ứng chiến nhận lệnh trực tiếp từ trung tá Parmly, chỉ huy trưởng B-20 LLĐB, hoặc đại tá Francis Kelly, chỉ huy trưởng liên đoàn 5 LLĐB/HK.

        Ngoài ra còn đại đội 2 xung kích Mike Force dưới quyền trung úy Gilbert Jenkins, sẽ trở về hậu cứ ngày 9 tháng Mười Một, sau chuyến hành quân Blackjack 21 (Lực Lượng Du Kích Lưu Động 777) trong thời gian từ ngày 9 tháng Mười đến 9 tháng Mười Một năm 1966. Một sự trùng hợp, khu vực hành quân của Blackjack 21 cũng là khu vực hành quân được trao phó cho đại đội 3 xung kích Mike Force trong ngày 8 tháng Mười Một.

        Trong hành quân Blackjack 21, đại đội 2 xung kích Mike Force đặt dưới quyền chỉ huy của đại úy James Fenlon, do chính đại tá Kelly chọn lựa mặc dầu tôi phản đối. Đại đội 4 xung kích Mike Force dưới quyền chỉ huy của trung úy Andrew Irzyk, vẫn còn trong thời gian tuyển mộ, tổ chức, huấn luyện, chưa sẵn sàng tham dự hành quân.

        Sáng ngày 8 tháng Mười Một năm 1966, đại đội 3 xung kích Mike Force gồm có trung đội trinh sát, bốn trung đội kinh binh được trực thăng vận từ căn cứ ở Pleiku đến bãi đáp Lane gần biên giới Miên, đã được một đại đội thuộc sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ an ninh. Đại đội 3 Mike Force dưới quyền chỉ huy của trung úy Jacobelly, còn có thêm trung sĩ nhất Frank Huff, Robert Ramsey và trung sĩ Danny Panfil.

        Đại đội xung kích Mike Force được lệnh lục soát khu vực hướng bắc, cách biệt với hai đại đội Dân Sự Chiến Đấu (Plei Djereng và Đức Cơ). Trong lúc thuyết trình kế hoạch hành quân cho vị chỉ huy trưởng, trung tá Parmly cố vấn, nên cho thêm mấy quân nhân Mũ Xanh tham dự cuộc hành quân. Tôi quyết định đi theo đại đội 3 Mike Force cùng với thượng sĩ Frank Quinn.         Các trực thăng UH1-D để đưa đại độỉ 3 Mike Force vào vùng hành quân không đủ nên phải bay nhiều chuyến, kết qủa trễ ba tiếng đồng hồ như dự trù.

        Sau đó đại đội Mike Force di chuyển lên hướng đông bắc. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, toán quân tiền phương, đụng nhằm một đơn vị phòng không của địch đang lập vị trí đặt súng. Trông thấy lính Mike Force, địch quân phát hoảng bỏ súng chạy, có lẽ chúng nghĩ rằng trực thăng sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ đang chở quân, đồ tiếp liệu đến vùng hành quân, không ngờ quân LLĐB. Nghe tiếng súng nổ, sĩ quan chỉ huy đại đội 3 Mike Force, “Jake” Jacobelly cùng với tôi chạy lên, và Jake bị một vết thương nhẹ nơi cánh tay, đó cũng là tổn thất duy nhất của đại đội Mike Force. Một điều đáng chú ý là Danny Panfil bắn chết một người lính Bắc Việt rất to con, rất có thể là cố vấn Trung Cộng. Đại đội Mike Force tịch thâu hai khẩu đại liên phòng không 12.7 ly cùng với 35 ba lô (cả một trung đội phòng không).

        Jake xin trực thăng chở ba lô tịch thâu được về bộ tư lệnh sư đoàn 4 BB, để phòng 2 sư đoàn điều tra thêm tin tức về địch quân. Hai khẩu đại liên phòng không 12.7 ly, Jake muốn giữ lại vì đó là chiến công của đơn vị và sẽ được thưởng. Tuy nhiên đại đội Mike Force vẫn phải tiếp tục di chuyển, lục soát, đem theo hai khẩu súng tịch thu của địch cùng với những thùng đạn là một gánh nặng cho binh sĩ, nên cuối cùng phải xin trực thăng đến đem đi.

        Lần này trực thăng Jake báo cáo về bộ chỉ huy B-20 LLĐB, xin một trực thăng đến một khoảng trống trên đường tiến quân của đại đội Mike Force chở hai khẩu súng phòng không cùng đạn dược về Pleiku. Tiếp tục tiến quân, lục soát, đại đội 3 Mike Force tìm thấy một căn cứ đóng quân bỏ trống cấp trung đoàn của quân đội Bắc Việt, với những dẫy nhà làm bằng tre, dưới những tàn cây rậm rạp, che kín mặt đất. Căn cứ đóng quân của địch có nhà ăn, nhà ngủ, khu huấn luyện. Jake ra lệnh phá hủy căn cứ của địch, trước khi rời khu vực, vào sáng ngày hôm sau. (đại đội 3 xung kích Mike Force tặng đại tá Frances Kelly một khẩu 12.7 ly, được trưng bầy trong bộ chỉ huy liên đoàn 5 LLĐB/HK ở Nha Trang. Vị chỉ huy trưởng cuối cùng là đại tá Mike Healy, đem khẩu súng về Hoa Kỳ. Hiện tại khẩu đại liên phòng không 12.7 ly của quân đội Bắc Việt do đại đội 3 xung kích Mike Force tịch thâu ngày 8 tháng Mười Một năm 1966 được trưng bầy bên ngoài viện bảo tàng Chiến Tranh Đặc Biệt John F. Kennedy, vị tổng thống Hoa Kỳ xây dựng đạo quân Mũ xanh LLĐB Hoa Kỳ).

        Sáng sớm ngày 9 tháng Mười Một, đơn vị Mike Force tiếp tục tiến quân theo lộ trình bắc, tây bắc dọc theo con đường vừa mới khám phá, đủ rộng để xe vận tải Molotova di chuyển. Tôi đi theo trung đội có nhiệm vụ “khuân vác” hai khẩu đại liên phòng không 12.7 ly đến bãi đáp trực thăng để đem về Pleiku.

        Mọi chuyện diễn ra êm xuôi, sau đó tôi đi theo đại đội 3 Mike Force. Jake xử dụng toán trinh sát đi đầu trục tiến quân. Khu vực đoàn quân đang di chuyển, có vẻ trống trải vì con đường di chuyển của địch, nhưng đến buổi trưa, đoàn quân vào trong một khu rừng với cành lá rậm rạp, âm u. Jake không rõ vị trí chính xác của đơn vị, nên cùng với Frank Huff, và Bob Ramsey dắt theo một trung đội hộ tống đi tìm một khoảng đất trống để xác định điểm đứng.

        Họ lên một sườn núi nằm hai bên con đường mòn. Trong khi Jake đang xử dụng bản đồ, điạ bàn để xác định điểm đứng, một binh sĩ báo động, có và tên địch đang di chuyển trên một con đường mòn nhỏ hướng tây bắc, về hướng trung đội Mike Force. Cả trung đội Mike Force báo động, nằm im chờ đợi. Khi mấy tên địch đến một thân cây đổ, nằm vắt ngang một giòng suối, trung đội Mike Force nổ súng, mấy tên lính Bắc Việt chưa kịp bắn trả lại một viên.

        Jake cùng với DSCĐ ra lục soát, họ tìm thấy dấu vết có người chạy thoát. Toán quân trải rộng ra tìm thấy người lính Bắc Việt nằm chết trong rừng cách chỗ bị “phục kích” khoảng 50 thước. Trung đội Mike Force thâu nhặt chiến lợi phẩm rồi quay trở về đại đội. Trong khoảng thời gian đó, nhiều tổ báo động cho biết những toán quân nhỏ của địch xuất hiện tại nhiều nơi. Jake ra lệnh cho đại đội dừng quân lập tuyến phòng thủ đêm. (Sau này tài liệu tịch thu được trong trận đánh giữa tiểu đoàn 1/12, sư đoàn 4 BB Hoa Kỳ cho biết, trung đoàn 88 Bắc Việt được lệnh tránh đụng độ với các đơn vị DSCĐ người Thượng. Họ đợi lính bộ binh Hoa Kỳ vào trận điạ mới tấn công. Và kết quả đêm ngày 10 tháng Mười Một, trung đoàn 88 Bắc Việt tấn công tiểu đoàn 1/12 dưới quyền trung tá J. “Dick” Lay. Tài liệu cũng cho biết cấp chỉ huy trung đoàn 88 xử dụng hơn một tiểu đoàn tấn công các đại đội DSCĐ do LLĐB/HK chỉ huy ngày 11/11/1966).

        Sáng sớm ngày 10, đại đội 3 xung kích Mike Force tiếp tục tiến quân về hướng tây, biên giới Việt-Miên. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, toán quân đi đầu báo động, nghe tiếng người nói phiá trước, và cả đại đội tản ra hai bên, phục kích. Sáu người lính Bắc Việt đầu hàng, rồi bỏ chạy, bị bắn chết tại chỗ ba tên, một bị thương nhưng chạy thoát, hai bị bắt sống.

        Sau đó, đại đội Mike Force di chuyển đến một khu vực trên bản đồ có tên là “Pali Wali Dry Lake Bed”, biên giới giữa hai quốc gia Việt, Miên. Đó là một hồ cạn nước, và Jake quyết định cho đại đội lập tuyến phòng thủ đêm bên bờ phiá đông. Một trung đội được lệnh lên nằm tiền đồn cách tuyến phòng thủ đại đội 200 thước. Tôi xin trực thăng về Pleiku và đem theo hai tù binh bắt được lúc ban chiều.

        Trong khi đại đội Mike Force lập tuyến phòng thủ đêm bên bờ hướng tây của hồ cạn, Bob Ramsey, Frank Huff cùng với trung đội trinh sát đi thám sát phiá bên kia hồ, trên phần đất Miên. Họ khám phá ra nhiều con đường mòn, được xử dụng rất thường xuyên. Trong lúc thám sát khu vực, họ có linh cảm những toán trinh sát của địch cũng đang theo dõi các hoạt động của đại đội Mike Force.

        Lúc trở về, Bob báo cáo những điều này lên cho Jake, và anh ta ra lệnh cho cả đại đội sẵn sàng ứng chiến. Trung úy chỉ huy đại đội Mike Force cũng tin rằng địch quân đang chuẩn bị... chuyện gì đó. Để tránh bị theo dõi và để cho địch bối rối, Jake đợi cho đến lúc gần tối mới xắp xếp vị trí đóng quân đêm. Đồng thời ra lệnh cho Bob và Frank đem một trung đội qua bên kia bờ hồ cạn, góc tây bắc nơi giao điểm của nhiều con đường mòn, làm tiền đồn.

        Ra đến vị trí nằm tiền đồn, Bob mới nhận thấy có nhiều con đường rộng lớn chứ không phải đường mòn. Anh ta ra lệnh cho binh sĩ Thượng đặt mìn Claymore, căn dặn phải làm gì khi bị tấn công, đường rút lui về đại đội. Bên này Jake chuẩn bị yếu tố tác xạ cho pháo binh 175 ly yểm trợ nhưng được cho biết, vị trí đóng quân của đại đội Mike Force đã ra ngoài tầm bắn đại bác 175 ly.

        Khoảng sáu giờ sáng hôm sau, trung đội tiền đồn báo động. Bob ra chỗ người lính Thương canh gác, trông thấy rõ ràng, đoàn quân Bắc Việt đang di chuyển đến vị trí đóng quân của trung đội tiền đồn. Binh sĩ người Thượng khai hỏa quá sớm làm lính Bắc Việt nổi điên. Toán lính tiền phương Bắc Việt khựng lại rồi biến mất. Frank Huff lập tức báo cáo cho Jake và xin pháo binh yểm trợ, nhưng được trả lời không có vì đơn vị đã ra khỏi tầm bắn đại bác 175 ly.

        Chỉ vài phút sau, quân đội Bắc Việt bắt đầu tấn công trung đội tiền đồn. Bob báo cáo lên cho Jake và được lệnh rút lui trở lại bên này bờ hồ cạn cùng với đại đội. Bob bắn một viên đạn mầu (flare, hỏa pháo) lên ra lệnh cho trung đội băng qua hồ cạn trở về phiá bên kia. Trong lúc rút lui, một binh sĩ bị trúng đạn nơi chân, nhưng vẫn qua được.

        Lúc đó súng đạn nổ vang khu rừng. Địch quân tấn công vào tuyến phòng thủ của đại đội Mike Force, và phi cơ quan sát FAC cùng với khu trục cơ A1 đang bao vùng. Loại phi cơ cánh quạt từ thời đệ nhị thế chiến yểm trợ “cận phòng” rất hiệu qủa, vì tốc độ bay chậm và thời gian “bao vùng” lâu hơn. Quân Bắc Việt đã mở ba đợt tấn công vào tuyến phòng thủ đại đội Mike Force nhưng bị đẩy lui. Quân bạn đã có tổn thất, thương vong. Chiếc FAC yêu cầu ném khói mầu đánh dấu bạn và địch để điều động thêm mấy phi tuần phản lực lên yểm trợ.

        Jake cùng với một binh sĩ Thượng bò lên tuyến đầu để ném qủa lựu đạn khói. Anh ta trông thấy đông đảo lính Bắc Việt, và khi vừa tung qủa lựu đạn khói ra, súng của địch lại nổ liên hồi, một viên trúng Jake, bị thương nặng nhưng vẫn còn tỉnh táo. Jake được Bob gọi thêm Danny Pamfil lên tiếp tay, lôi Jake vào bên trong phòng tuyến. Danny băng bó cho Jake rồi cuốn poncho để giữ ấm thân thể trong khi chờ trực thăng đến di tản. Trong khi đó Frank Huff thay Jake liên lạc với FAC để điều chỉnh trận oanh kích.

        Cùng lúc đó, một trực thăng chở Clyde cùng với đồ tiếp tế vào cho đại đội Mike Force. Chiếc trực thăng trúng nhiều đạn súng trường, Clyde vội vàng nhẩy ra khỏi chiếc trực thăng khi còn cách mặt đất khoảng 12 bộ, nhặt khẩu M-16 lên rồi chạy biến vào trong rừng. Bob nhớ lại lời Danny nói với anh ta “Cục cứt! anh ta (Clyde) chạy lạc hướng!”.

        Danny và Frank Quinn được chọn để đi tìm Clyde. Chỉ một lúc sau họ đem về được Clyde và Clyde tạm thời lên nắm quyền chỉ huy đại đội Mike Force. Đồng thời quân đội Bắc Việt cũng rút lui.

        Theo lời Clyde kể lại, sáng sớm ngày 11, một người vào trong phòng của anh cho biết, Jake cùng với đại đội 3 Mike Force bị một đơn vị cấp lớn chính quy Bắc Việt tấn công. Clyde chạy vào bộ chỉ huy B LLĐB, yêu cầu cho một trực thăng đưa anh ta vào trận điạ. Thật may, lúc đó có thiếu tá Al Cartwright, một phi công thâm niên trong phi đoàn trực thăng 281, biệt phái cho liên đoàn 5 LLĐB/HK và B-20 LLĐB đang có mặt và ông ta sẵn sàng chở Clyde cùng với đạn dược đem tiếp tế cho đại đội 3 Mike Force.

        Trong lúc đang bận rộn chất những thùng đạn lên trực thăng, trung úy Paul Hess, phụ tá trưởng ban 4 (tiếp liệu) cũng muốn đi theo. Tôi đồng ý và anh ta lên ngồi cạnh trung sĩ Hank Leonard, xạ thủ đại liên M-60 cửa bên phải. Tôi nói sơ qua hướng bay cho thiếu tá Cartwright biết, hồ cạn mà trực thăng xuống đón tôi chiều qua.

        Khi đến gần mục tiêu, Cartwright liên lạc với đại đội Mike Force và nhận được dấu hiệu khói vàng. Tuy nhiên lúc đó, đại đội Mike Force đã bị địch tấn công từ sáng phải lui về phiá sau, nên chiếc trực thăng đã bay quá đà. Chiếc trực thăng trúng nhiều đạn đại liên phòng không, cả hai Hess và Leonard đều chết ngay tức khắc. Viên phi công phụ cũng bị thương, và có lẽ cả người xạ thủ đại liên cửa bên trái cũng vậy. Thiếu tá Cartwright nói với tôi, phải bay lên cao, do đó tôi thủ khẩu M-16 nhẩy ra khỏi chiếc trực thăng...

        Trong khi đó, thiếu tá Cartwright khó khăn lắm mới lái được chiếc trực thăng trúng nhiều đạn bay về Pleiku. Ông ta cũng báo cáo tình hình chiến trường đang xẩy ra dưới đất, giữa đại đội 3 xung kích Mike Force và quân đội Bắc Việt.

        Đại úy Clyde Sincere nắm quyền chỉ huy đại đội Mike Force, sau khi duyệt xét lại tình hình, ông ta yêu cầu tiếp tế đạn dược. Đó cũng là một vấn đề, LLĐB/HK xử dụng M-16, binh sĩ Thượng đa số được trang bị Carbine M-1, vài khẩu M-2, hai trung liên BAR, hai đại liên 30 và mấy khẩu phóng lựu M-79. Tôi (đ/úy Clyde) yêu cầu tăng viện và được trả lời, một đại đội bộ binh thuộc sư đoàn 4 sắp vào vùng hành quân.

        Khoảng 2:00 giờ chiều, khu trục A1 Skyraider lên thả bom Napalm xung quanh tuyến phòng thủ đại đội Mike Force để cho địch quân phải tránh ra xa. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, chỉ huy phó B-20 LLĐB ngồi trên trực thăng chở đạn bay vào. Kinh nghiệm chuyến trực thăng trước do thiếu tá Cartwright lái, viên phi công “lạnh cẳng”, đạp những thùng đạn xuống từ trên độ cao 500 bộ, nhưng tất cả đều không bị hư hại (thùng đạn bị vỡ).



        Mấy tiếng đồng hồ sau, quân Mike Force có thể nghe tiếng đoàn trực thăng đưa đại đội bộ binh vào bãi đáp trực thăng ngay trên mặt hồ cạn. Có thêm quân tiếp viện, vấn đề phòng thủ trở nên vững chắc, bảo đảm hơn. Các thương binh đại đội 3 xung kích Mike Force được trực thăng tản thương đến đem đi, trong đó có Jake đã nằm kẹt trong chiến trường gần tám tiếng đồng hồ. Chúng tôi yêu cầu trực thăng di tản những binh sĩ Thượng tử trận, bị thương, nhưng coi bộ mấy ông phi công Lục Quân không thèm để ý đến người Thượng. Họ trả lời để “từ từ”, lo cho người Hoa Kỳ trước, làm tôi nổi nóng, lớn tiếng phản đối. (mấy tay này chưa từng sống, làm việc với người Thượng như LLĐB).

        Cho chắc ăn, để đám phi công khỏi “dọt” luôn, tôi ra lệnh cho Frank Quinn, Frank Huff, và Danny Pamfil lên mỗi người một trực thăng chở thương binh người Thượng về Pleiku. Cả ba LLĐB/HK cũng được lệnh ở lại Pleiku để lo an ủi thương binh, phụ giúp gia đình tử sĩ trong việc chôn cất những quân nhân người Thượng. Bob Ramsey cùng với tôi phối hợp với đại đội B, tiểu đoàn 1/12, sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ và phần còn lại của đại đội 3 xung kích Mike Force.

        Trung đoàn 88 Bắc Việt đã rút lui khỏi trận điạ. Bộ binh cùng với chúng tôi đi thâu dọn chiến trường. Chúng tôi đào một hố lớn chôn xác 58 binh sĩ Bắc Việt nơi phiá nam hồ cạn. Chúng tôi tịch thâu được nhiều vũ khí đủ loại trong đó có hai khẩu súng ngắn (K-54) do Nga Sô chế tạo. Hai khẩu súng ngắn này lấy được từ hai xác chết có lẽ của viên tiểu đoàn trưởng và sĩ quan hành quân Bắc Việt. Tôi cho Danny Pamfil một khẩu vì anh ta chiến đấu can đảm, còn khẩu kia, tôi cho Jake đang nằm trong bệnh viện. Tôi nghĩ rằng, trong những ngày sắp tới, có thể tịch thâu thêm khẩu súng ngắn (K-54) nữa... nhưng dịp may đó không bao giờ trở lại với tôi.

        Sáng ngày 12 tháng Mười Một, đại đội bộ binh cùng với đại đội Mike Force di chuyển về gần nơi đóng quân tiểu đoàn 1/12. Lúc đó, trung úy Larry Dring cùng với đại đội 1 xung kích Mike Force đã được trực thăng vận đưa vào vùng hành quân. Đại đội này sẽ tăng phái cho Bộ Binh cho đến khi cuộc hành quân kết thúc vào đầu tuần tháng Mười Hai. Đại đội 3 Mike Force sẽ được đưa về Pleiku nghỉ dưỡng quân và bổ xung, chấm dứt nhiệm vụ trong chiến đoàn đặc nhiệm Prong.



Dallas, TX.

vđh 


BIỆT KÍCH DELTA CHUCK ALLEN
Jim Tolbert



        Hành quân Delta, bộ chỉ huy B-52 LLĐB, trực thuộc liên đoàn 5 LLĐB/ HK. Hành quân Delta là một đơn vị đặc biệt cho các cuộc hành quân xâm nhập vào khu vực địch kiểm soát, để lấy tin tức tình báo tác chiến. Trên chiến trường Việt nam, hành quân Delta được thành lập trong năm 1964 và chấm dứt tất cả các hoạt động vào năm 1970.

        Trong sáu năm ngắn ngủi đó, hành quân Delta có không dưới mười bẩy vị chỉ huy trưởng, cấp bậc từ đại úy lên tới trung tá. Thời gian đảm nhiệm chức vụ chỉ huy trưởng, trung bình là năm tháng. Tôi phục vụ trong hành quân Delta dưới quyền tám vị chỉ huy trưởng. Và trong số đó có Charles (Chuck) Allen, sau này về hưu với cấp bậc trung tá và nay đã chết. Biệt danh của ông ta trong đặc lệnh truyền tin là “Bành Ky” (Bruiser, người to con, ngang tàng). Ông ta là người “ngầu” nhất, làm việc hăng nhất, và nắm quyền chỉ huy đơn vị lâu dài nhất.

        Đối với Allen, làm việc phải đâu ra đó. Nhiệm vụ hành quân là trên hết, cần bất cứ điều gì, ông ta sẵn sàng cung cấp (cho). Lệnh ban ra cho tất cả mọi người trong đơn vị đều như nhau. Trong một chuyến hành quân ở Khe Sanh, ngoài vùng I chiến thuật, lúc đó các trưởng toán biệt kích Delta đều là sĩ quan. Một sĩ quan trẻ báo cáo đả bỏ quên khẩu súng trên chiếc trực thăng thả toán biệt kích, và yêu cầu được triệt xuất. Đang bay trên chiếc trực thăng chỉ huy, ông “Bành Ky” trả lời ngắn gọn, “Chặt một cành cây làm ngọn dáo và tiếp tục nhiệm vụ”.

        Thiếu tá “Chuck” Allen, “The Bruiser” đã dậy cho ông sẽ quan trẻ một bài học, để cho toán biệt kích lội trong rừng bẩy ngày. Và ông sĩ quan trẻ thủ quả lựu đạn phòng thân đủ bẩy ngày. Viên sĩ quan trẻ sau này trở nên một cấp chỉ huy giỏi trong binh chủng Biệt Động Quân Hoa Kỳ và được thưởng nhiều huy chương.

        Thực sự, ông ta rất dễ hòa đồng với đàn em, thuộc cấp, chỉ có dáng dấp bề ngoài “bắt nạt thiên hạ”. Allen cân nặng 250 cân Anh (hơn 100 kg), nhưng rất chắc chắn không có chút mỡ thừa. Trừ lúc làm việc, hành quân, ngoài ra ông ta rất vui vẻ, hơi tếu nữa là đằng khác. Tuy nhiên không ai qua mặt ông ta, hiểu rõ hơn ông ta về kỹ thuật hành quân viễn thám, xâm nhập, biệt kích, v.v...

        Tôi phục vụ dưới quyền thiếu tá Allen, 17 trong thời gian 18 tháng, ông ta phục vụ trong đon vị Hành Quân Delta mà chưa thấy ai than phiền điều gì về ông ta. Lúc nào ông ta cũng trầm tỉnh, không bọc lộ cảm xúc quá độ, ngay cả những người sống sót trở về cho là trường hợp “mừng ra nước mắt”.

        Hành quân Delta thành công nhất, nổi nhất trong thời gian thiếu tá Allen làm chỉ huy trưởng. Ông ta phục vụ trong đơn vị này mười tám tháng, lên làm trưởng ban 3 hành quân thay cho thiếu tá James Asente lên làm chỉ huy trưởng Delta trong tháng Bẩy năm 1967, trên căn cứ hành quân tiền phương An Hòa. Và ông ta cũng giữ chức vụ đó lâu hơn ai hết.

        Mặc dầu hành quân Delta tuyển chọn những sĩ quan xuất sắc từ Lực Lượng Đặc Biệt, rất nhiều người rất có khả năng. Nhưng thiếu tá Allen đích thân đảm nhận, luôn luôn bay theo những chuyến thả biệt kích xâm nhập hoặc triệt xuất. Ông ta đã bay hơn 1500 chuyến trên trực thăng chỉ huy (C&C). Đơn vị Hành Quân Delta nhận được huy chương của Tổng Thống Hoa Kỳ (PUC) cũng trong thời gian thiếu tá Allen làm chỉ huy trưởng.

        Hành quân Delta còn nhận được nhiều huy chương khác đủ loại, đủ quân binh chủng Hải, Lục, Không Quân và của chính phủ miền nam Việt Nam nữa. Nhiều huy chương nhận được hai lần. Riêng thiếu tá Allen được một Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc.

        Trung tá về hưu Charles “Chuck” Allen ra đi (chết) năm 71 tuổi vì bị bệnh về xương. Ông ta đã thoát chết một lần khi lên cơn đau tim, cưa một chân trước đó. Người lính biệt kích Delta ra đi trong bệnh viện Cape Fear Valley Hospital, thành phố Fayetteville, tiểu bang North Carolina.




Dallas, Texas
vđh



BIỆT KÍCH DELTA
Robert J. "Mo" Moberg



        Phi hành đoàn trên chiếc trực thăng gồm có: chuẩn úy Johnson, cơ khí trưởng Smith, xạ thủ đại liên (không chắc chắn), một người lính trẻ tên là Gourley, tôi ngồi ghế bên trái, và trung sĩ nhất Walter “Doc” Simpson điều khiển sợi dây câu toán biệt kích.

        Toán biệt kích Delta bị địch săn đuổi, đã lẩn tránh hai ngày. Thiếu tá Eldon(?) Smith ngồi trên trực thăng chỉ huy cùng với thiếu tá Charles (Bruiser) Allen, chỉ huy đơn vị hành quân Delta. Toán biệt kích lẩn trốn trong rừng vẫn chưa tìm được một bãi đáp trên một rặng núi. Phi cơ quan sát FAC nhìn thấy toán biệt kích qua một khoảng trống, không bị lá cây che khuất giữa rừng núi mênh mông. Một trực thăng bay vào, thả dây câu xuống lôi lên được ba nguời, một Hoa Kỳ hai Việt Nam, đổi lại chiếc trực thăng bị trúng đạn nhiều chỗ.

        Ngồi trên chiếc trực thăng chỉ huy, hai ông thiếu tá Smith, và Bruiser ra lệnh cho chiếc trực thăng “bốc” bay ra khỏi khu vực nguy hiểm và ra lệnh cho trung sĩ nhất Orville G (Robbie) Robinette, trưởng toán biệt kích Delta vẫn còn ở dưới đất “Xắp xếp theo thứ tự và tìm một bãi đáp an toàn” (Get your shit in order and find a safe LZ!). Robbie trả lời ông xếp tỉnh bơ “Tôi đã xong thứ tự, đang tìm con chuồn chuồn mà ông hứa sẽ đem chúng tôi ta” (I got my shit in order. I’m just looking for that slick you promised would get us out here).

        Biết rằng toán biệt kích vẫn còn ba người ở dưới đất, sẽ không đủ sức chống cự với địch quân lâu dài, tôi yêu cầu trực thăng chỉ huy cho phép tôi bay thật thấp, sát đầu ngọn cây vào bốc toán biệt kích. Chiếc C&C cho tôi biết hướng bay, phải... trái... v.v... Tôi bay vào và trông thấy toán biệt kích ở dưới đất, qua một khoảng trống giữa mầu xanh của lá cây rừng trùng điệp. “Doc” thả sợi dây câu xuống thật nhanh, gần 200 bộ, vẫn chưa chạm mặt đất, tôi phại hạ thấp chiếc trực thăng thêm chút nữa. Đúng lúc đó, người cơ khí trưởng Smith báo cáo, trực thăng trúng đạn súng nhỏ của địch. Đồng thời “Doc” báo cáo, trung sĩ Jay Graves đả ngồi vào sợi dây, đang kéo lên. Chúng tôi không làm được gì hơn, đứng chịu trận, nếu bay đi, chắc chắn trung sĩ Graves sẽ bị cành cây đâm vào người chết.

        Cùng lúc, tôi có cảm tưởng như chiếc trực thăng từ từ bốc lên cao, kính chắn gío vỡ toang và khói tràn đầy trong phi cơ. Hình như phi cơ trúng B-40 của địch và bắt đầu dạt qua bên trái. Nhìn sang bên cạnh, Johnson cũng đang tái mặt hai tay nắm chặt cần lái nhưng không điều khiển được chiếc máy bay. Tôi quyết định cho chiếc trực thăng rơi trên đầu những ngọn cây cao khoảng 500 bộ trên thung lũng. Tiếp theo tôi chỉ biết chiếc trực thăng chúi mũi xuống ngọn cây rồi lật ngửa, nằm vắt ngang trên ngọn cây cách mặt đất khoảng sáu bộ.

        Tôi không mở được cánh cửa, hét thật to “Súng của tôi đâu?”. “Doc” nhét vào tay tôi khẩu súng M-16 của anh ta rồi nói “Đây, cầm khẩu của tôi rồi chạy ra khỏi chiếc trực thăng ngay!”. Tôi bò ra khỏi trực thăng, “Doc” và Smitty rơi ra khỏi chiếc trực thăng xuống đất, hình như bị gẫy xương sườn. Johnson, xạ thủ đại liên M-60 bò ra an toàn. “Doc” và tôi leo lên chiếc trực thăng trở lại lần nữa tháo khẩu đại liên M-60 và lấy túi đựng đồ cấp cứu, tôi tìm thấy khẩu CAR-15 của mình. Anh lính Mũ Xanh Graves chạy lại ôm tôi nói “Tôi biết, anh sẽ đến cứu tôi”.

        Trưởng toán biệt kích Robbie cũng chạy lại nói với tôi “Ông muốn nắm quyền chỉ huy không?”. Tôi trả lời, ông bạn đang làm được việc, cứ tiếp tục nhiệm vụ chỉ huy và muốn chúng tôi (phi hành đoàn trực thăng) làm gì. Robbie chỉ định vị trí chiến đấu và xạ trường cho chúng tôi, xắp đặt ổ phục kích  trên con đường mòn chạy ngang qua, gần chiếc trực thăng bị rơi. Thiếu tá “Bruiser” chỉ huy trưởng hành quân Delta, ra lệnh cho chúng tôi giữ vững vị trí chiến đấu, đợi ông ta tìm một bãi đáp và đem lên một đại đội xung kích thuộc tiểu đoàn 91 (Biệt Cách Dù) lên tiếp ứng. Tôi chia nước uống và đạn dược trong túi cấp cứu cho mọi người, trong khi “Doc” xắp đặt khẩu đại liên M-60 gần chỗ tôi.

        Tuyến phòng thủ của toán biệt kích trở nên im lặng lạ thường, tôi nằm thủ thế quan sát khu vực xạ trường. Bỗng tôi nghe có tiếng nói Việt Nam văng vẳng, rồi một tên địch xuất hiện cách chỗ bọn tôi bố trí khoảng 20 thước, nhìn xuống chân đồi. Khi người lính Bắc Việt dừng lại quan sát, tiểu đội của anh ta cũng lên đến nơi, đứng xung quanh anh ta. Tôi liếc qua Robbie chờ lệnh khai hỏa, anh ta cũng đang nhắm khẩu CAR-15 vào đám địch quân.

        Một tên trong đám, có lẽ là cấp chỉ huy quay đầu nhìn quanh, tôi nhìn thấy rõ ngôi sao đỏ trên nón cối anh ta đang đội. Nhìn thấy chiếc trực thăng nằm ngửa vất vưỡng trên đầu ngọn cây, tên chỉ huy vừa chỉ tay vừa la lớn. Cùng lúc các khẩu súng của toán biệt kích khai hỏa, tên chỉ huy ngã xuống. Tiếng đạn đại liên M-60 nổ chát chúa cùng với tiếng lựu đạn nổ vang dội khu rừng, tiểu đội lính Bắc Việt bị đốn ngã. Trưởng toán biệt kích Robbie đưa tay ra hiệu ngưng bắn, rồi ra lệnh rút đi đến một điểm khác nơi hướng bắc một triền núi, gần chiếc trực thăng lâm nạn, lập vị trí phòng thủ trong đám cỏ tranh cao.

        Nằm ẩn trong đám cỏ tranh, bọn tôi không quan sát được xa, nghe tiếng địch quân kéo nhau tới bên kia triền núi bắn bâng quơ vào những cành cây trên đầu toán biệt kích. Một nhân viên phi hành đoàn sợ hãi, run lẩy bẩy. Tôi sợ anh ta nổ súng bất ngờ, lộ vị trí đang trú ẩn nên bò lại vỗ lên vai anh ta trấn an.

        Vài phút sau, trưởng toán biệt kích Robbie bò lại nói nhỏ vào tai tôi, đại đội xung kích đã vào đến nơi, tất cả theo anh ta di chuyển lên hướng bắc. Khi chúng tôi ra khỏi chỗ trú ẩn, nghe được tiếng Việt, địch quân la hét, gọi nhau um xùm, rồi có tiếng súng nổ phiá trước. Graves nói với tôi, tình cờ gặp một tên địch, anh thiếu úy LLĐB/VN nói “Chúng tôi không có vũ khí”, rồi Graves và anh thiếu úy LLĐB/VN nổ súng giết chết tên địch. Tôi băn khoăn, tại sao mình không bắt sống địch quân?

        Chúng tôi tiếp tục đi, rồi xuống một sườn đồi về hướng đông toán quân Bắc Việt. Tôi để ý Smitty có vẻ mệt mỏi vác khẩu đại lên M-60 nên đổi khẩu CAR-15 ngắn gọn cho anh ta. Toán quân tiếp tục đi khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ sau gặp đại đội xung kích Việt Nam. Đại đội này làm thành một tuyến phòng thủ, bảo vệ một bãi đáp nhỏ bên một giòng suối, dưới chân đồi.

        Một trực thăng cỡ lớn CH-46 của TQLC/HK vào đón toán biệt kích cùng phi hành đoàn chiếc trực thăng lâm nạn. Khi chiếc CH-46 bốc lên cao, họ bắn đại liên xuống dưới loạn xạ, coi bộ không cần biết có đại đội xung kích Việt Nam đang ở xung quanh khu vực bãi đáp.

        Chiếc trực thăng CH-46 đáp ở Đông Hà để lấy thêm nhiên liệu và quan sát những chỗ trúng đạn. Lúc đó tôi mới khám phá ra, bộ quần áo rẻ tiền “Cọp Vằn” biệt kích rách tả tơi. Một trực thăng khác thuộc phi đoàn 281 bay đến đón chúng tôi, đưa về phi trường Phú Bài.

        Thiếu tá Smith đứng đón chúng tôi tại bãi đáp trực thăng, ông vòng tay ôm vai tôi chúng mừng. Tất cả vào trung tâm hành quân, thuyết trình chuyến đi vừa qua, sau đó thiếu tá “Bruiser” cho tất cả mọi người về căn cứ ở Đà Nẵng nghỉ ngơi. Chúng tôi, người nào cũng được thưởng huy chương.



Dallas, TX.

vđh

BIỆT KÍCH DELTA NGŨ HOÀNH SƠN
23/8/1968 KHÔNG ĐÚNG CHỖ, KHÔNG ĐÚNG GIỜ

Jim Tolbert



        Theo sự hiểu biết sâu nhất của tôi, Charles “Chuck” Allen, hiện giờ đã chết, cựu chỉ huy trưởng Hành Quân Delta, bộ chỉ huy B-52, liên đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ, chưa bao giờ trao cho một đàn em, một quân nhân phục vụ trong Hành Quân Delta điều luật 15, ra trước toà án quân sự.

        Nhưng chuyến trở lại Việt Nam, sau khi được đi phép lần thứ hai (R&R), trung sĩ nhất Harry D. “Crash” Whalen, thường vụ đơn vị, gọi tôi vào trình diện, nói rằng “Bruiser (danh hiệu thiếu tá Allen, chỉ huy trưởng Delta) đã chán ngấy mấy thằng (ba gai) được đi phép một tuần, trở về đơn vị trễ thêm một tuần, viện cớ không xin được phi vụ. Thằng nào làm nữa, tôi sẽ trừng trị thẳng tay để làm gương. Và bây giờ Tolbert, có lẽ anh là người này”.

        Tôi đứng sững trong phòng nhân viên, bộ chỉ huy Hành Quân Delta ở Nha Trang, trở nên đần độn, không biết tính sao. Tôi trở về đơn vị trình diện trễ ba ngày, sau chuyến đi phép bẩy ngày. Và chuẩn bị nhận bản điều luật 15, vào quân lao và ra trước tòa án quân sự. Những kỷ niệm thời ấu thơ, lúc bị phạt sống dậy trong tôi làm tôi nổi nóng, coi trời đất bằng vung, không cần biết đến thường vụ Crash Whalen, chỉ huy trưởng Bruiser, Delta. Tôi lớn tiếng cãi lại “Điều luật 15 là cái đếch gì! Cứ đưa tôi ra tòa án quân sự!”.

        Ông thường vụ Crash cũng đúng phần nào... nhiều tay ba gai đã lợi dụng sự dễ dãi của đơn vị. Trong binh chủng LLĐB, không ai có thể “sỏ lỗ mũi” của bạn, ai cũng biết nhiệm vụ, phần hành của mình.  Chúng tôi không cần phải có người để ý, theo dõi, chỉ bảo như những binh chủng khác trong Lục Quân. Xét lại, tôi dám chắc, người nào cũng “cộng thêm” một, hai ngày vào những ngày đi phép.

        Những điều tôi vừa lớn tiếng nói ra làm ngạc nhiên ông trung sĩ nhất thường vụ Hành Quân Delta. Ông ta hỏi lại bằng giọng nhỏ nhẹ “Đó là lý do cho sự đi phép trễ của anh? Tôi đã nghe rõ ràng. Anh còn lý do nào nữa không?”. Diaz, một hạ sĩ quan hành chánh trong đơn vị cũng nhìn tôi như muốn nói “Hà hà Tolbert! Ông bạn trình diện đúng chỗ, đúng lúc. Thử xem ông bạn “có thuốc” chạy được vụ này không?”

        Tôi trả lời trung sĩ nhất thường vụ Crash “Crash, ông không tin, nhưng tôi đi thăm Bộ Chỉ Huy Bắc (CCN, đơn vị MACV – SOG) ở Ngũ Hoành Sơn (Đà Nẵng), hai ngày cuối cùng”.

        Ngũ Hoành Sơn là tên đặt cho khu vực, có năm ngọn núi đá hoa (marble) nhỏ, cách Đà Nẵng khoảng 10, 12 dặm về hướng nam. Ngũ Hoành Sơn được bao bọc bởi một giòng sông và quốc lộ 1, năm ngọn núi đứng sừng sững, lặng lẽ như canh gác bờ biển. Người dân làng trong khu vực đã lấy đá hoa từ trên núi từ nhiều thế hệ. Họ điêu khắc, trạm trổ đồ vật đá hoa rất đẹp, được trưng bầy bán cho du khách trong những cửa tiệm ngoài phố Đà Nẵng. Lần trước ghé Đà Nẵng, tôi cũng mua một con cá bằng đá hoa, tuyệt đẹp.

        Ngọn núi cao nhất trong năm ngọn có đá hoa mầu hồng, nằm gần bãi biển. Tên riêng của ngọn núi này là Thụy Sơn, hay Kim Sơn tùy theo người trả lời. Trên núi có nhiều hang động và “người anh em ở phiá bên kia” đã có lần xử dụng làm nơi ẩn náu. Một bức tượng Phật lớn nằm ngay yên ngựa, chỗ thấp nhất nối liền hai ngọn núi, nhìn xuống nơi đóng quân của một đơn vị cơ giới TQLC/HK ngay dưới chân núi. Họ (TQLC/HK) đặt trên núi một đại bác không dật 106 ly gần chỗ tượng Phật.

        Từ núi Thụy Sơn nhìn về hướng bắc ra Đà Nẵng, dọc theo bờ biển, có nhiều căn cứ quân sự của người Hoa Kỳ trong đó có phi trường. Bộ chỉ huy Bắc (CCN) cũng có một căn cứ hành quân tiền phương (FOB 4) ở đó, nằm cách một bãi biển rất nổi tiếng “China Beach” đã được dùng làm nơi quay phim khoảng hai cây số về hướng nam. Căn cứ hành quân tiền phương (FOB 4 của đơn vị SOG), có chung bãi biển với bộ chỉ huy C1 Lực Lượng Đặc Biệt, nơi hướng bắc năm ngọn núi Ngũ Hoành Sơn.

        Có lẽ tôi đã “bắt trúng đài”. Nghe câu trả lời của tôi, ông thường vụ Crash chớp mắt, ngước lên nhìn tôi. Ông ta đã nghe nói đến chuyện căn cứ hành quân 4 của đơn vị SOG bị nội tuyến và đặc công tấn công, làm chết 17 quân nhân LLĐB (cũng từ LLĐB được tuyển chọn) Hoa Kỳ. Và cũng như tôi, như nhiều biệt kích Delta khác, có bạn phục vụ trong đơn vị lừng danh SOG (đuợc xem như một huyền thoại trong trận chiến Việt Nam).

        Trung sĩ nhất thường vụ Crash hỏi tôi “Chuyện xẩy ra như thế nào? Những ai bị chết? Và anh làm gì ở đó, nơi Ngũ Hoành Sơn? Anh phải nghỉ ngơi” (quân nhân Hoa Kỳ đi phép được đưa qua Hawaii tắm biển giải trí).

        Tôi trả lời “Tôi trở lại Việt Nam hôm thứ Năm, nhưng không có phi vụ đi Nha Trang, nên ghé vào căn cứ hành quân 4 của SOG thăm bạn bè”.

        Thực sự, hôm đó bộ chỉ huy Bắc (CCN) có buổi tiệc thăng cấp lớn, nên nhiều người về từ khắp nơi. Ngoài ra họ có buổi họp hàng tháng về Hành Quân và Tình Báo, nên tất cả cấp chỉ huy các căn cứ hành quân tiền phương cùng ban tham mưu của SOG đều có mặt. Hơn nữa bộ chỉ huy Bắc (CCN) cũng vừa mới từ ngoài phố Đà Nẵng di chuyển đến căn cứ nơi Ngũ Hoành Sơn, nên hôm đó vui lắm, cũng như ngày đại hội cho tất cả các quân nhân Mũ Xanh.

        Hôm đó trong bộ chỉ huy Bắc rất đông người, mấy phòng ngủ đều chật cứng, nên tôi phải chạy qua bộ chỉ huy C1 LLĐB xin ngủ nhờ và họ cho ở tạm trong dẫy nhà dành cho khách vãng lai, sát bờ biển. Sau khi cất đồ đạc, tôi vào câu lạc bộ uống bia với mấy người bạn. Sau chuyến nghỉ phép, tôi uống không lại và trở về phòng ngủ lúc 11:30 đêm.

        Tôi đang ngủ ngon lành chợt giật mình, súng nổ vang dội như ở dưới điạ ngục. Lúc đó tôi vẫn còn đang mặc quần áo trận, say quá về phòng lêo lên giường ngủ luôn, nên chạy ra cửa phòng quan sát cẩn thận, rồi chạy xuống một căn hầm gần nhất, trong khi đạn lửa xanh đỏ vẫn như đan lưới. Bên kia hàng rào, căn cứ hành quân tiền phương 4 (FOB 4) của đơn vị SOG như sáng rực lên vì khi tiếp liệu bị cháy.

        Tiếp theo là những hỏa châu từ dưới đất bắn lên soi sáng căn cứ để thanh toán những tên đặc công còn sót lại. Tôi nghe nhiều tiếng nổ lớn, hình như trung tâm hành quân FOB 4 cũng bị cháy lan tới. Trong lúc khủng hoảng, tôi không biết phải làm gì, muốn chạy sang tiếp cứu đồng đội, bạn bè nhưng súng đạn không có. Tôi tự hỏi, mình làm được gì hở ông Trời! Tôi đã hết phép từ hôm qua, đúng ra nên có mặt ở Nha Trang... Rõ ràng, tôi đang ở không đúng chỗ, không đúng giờ.

        Một tiếng đồng hồ sau, tôi lần mò vào nhà ăn của bộ chỉ huy C1 LLĐB. Đã có vài khuôn mặt ở đó nhưng họ cũng chẳng biết gì hơn tôi. Tôi lấy một điếu thuốc lá ra châm lửa hút, rồi nguyền rủa quân chủng Không Quân, không có chuyến bay cho tôi ra khỏi địa ngục.

        Lúc đó, trung sĩ nhất Harmon “Preacher” Hodge, thường vụ bộ chỉ huy C1 bước vào trong nhà ăn. Ông ta nói cho mọi người biết “Đặc công đột nhập vào bộ chỉ huy Bắc (CCN). Giữ “cái đít” của các bạn ở chỗ thấp (ngồi bệt xuống đất), và đừng lảng vảng nơi hàng rào ngăn chia hai bộ chỉ huy”. Tôi lắng nghe biết mình hoàn toàn bất lực.

        Ngồi trong phòng ăn được một lúc, tôi lần mò vào trung tâm hành quân, bộ chỉ huy C1, với hy vọng giúp được chuyện gì, hoặc ai đó trao cho tôi khẩu súng. Nhưng C1 LLĐB đang có vấn đề của họ, ba trại LLĐB biên phòng (toán A LLĐB) trực thuộc bộ chỉ huy C1 đang bị tấn công, tất cả mọi người trong trung tâm hành quân đều bận bịu, trả lời điện thoại, liên lạc trên máy vô tuyến, chấm lại bản đồ v.v... Chẳng ai buồn để ý đến sự có mặt của tôi.

        Tôi có một cảm giác hơi lạ, trong bộ chỉ huy C1 LLĐB này, tôi nêu vấn đề chuyển xẩy ra ngay bên cạnh, bộ chỉ huy Bắc của SOG, không một ai thèm để ý. Tôi hỏi một đại úy trẻ và được trả lời “Không đáng bận tâm. CCN có đủ nhân lực để lo chuyện của họ.”

        Trên bầu trời lúc đó có một AC-130 “Spectre” lên bao vùng, bắn xuống từng tràng đại liên minigun sáu nòng. Chiếc phi cơ võ trang bắn dọc theo hướng tây nam căn cứ, ra đến chân núi Thụy Sơn. Khoảng một tiếng đồng hồ trước khi trời sáng, hai trực thăng H-34 thuộc phi đoàn 219 “King Bee” thuộc không lực VNCH đáp xuống bộ chỉ huy Bắc. Tôi biết họ làm việc với đơn vị SOG, nên cảm thấy an tâm. Trận đột kích của đặc công vào bộ chỉ huy Bắc coi như kết thúc.

        Khi trời sáng, trong căn cứ bộ chỉ huy Bắc, một điạ ngục hiện ra, phòng chứa đồ tiếp liệu chỉ còn lại đống tro tàn. Tiếng súng không còn nữa, thay bằng tiếng còi hụ xe cứu thương, kéo lên từng chập. Một đoàn xe cứu thương đến từ bệnh viện dã chiến 95 Hoa Kỳ đậu thành hàng dài ngay trước cổng căn cứ.

        Tổng kết trận đánh, 17 quân biệt kích SOG Hoa Kỳ bị giết, số binh sĩ người Thượng tử trận có lẽ nhiều gấp đôi, mọi người đều công nhận các binh sĩ người Thượng đã cứu sống họ.

        Một trung sĩ liên lạc Không Quân của bộ chỉ huy Bắc, dành cho tôi một chỗ trên chuyến máy bay đi Nha Trang. Ai dè chuyến này vòng về Saigon lấy thêm đồ tiếp liệu cho đơn vị SOG trước khi đến Nha Trang. Tôi đã quá mệt mỏi, đi bộ ngang qua trung tâm hành quân của bộ chỉ huy LLĐB, rồi theo con đường đất đỏ đến khu vực dành riêng cho Hành Quân Delta. Tôi không còn nhớ gì hơn nữa... tôi đã quá mệt mỏi.

        Trung sĩ nhất thường vụ Crash vẫn lắng nghe đầu đuôi câu chuyện. Cuối cùng ông ta nói với tôi “Thôi, trở về toán của anh. Tôi sẽ trình lại “Ông Gìa” (thiếu tá Bruiser) , rồi sẽ cho anh biết sau”. Trung sĩ Diaz vẫn cặm cụi làm việc... trong đầu anh ta lần này như muốn nói “Bạn đã “nói” (lôi kéo) cho bạn ra khỏi đống phân. Tolbert”.



Dallas,

vđh



 
Trại LLDB Pleime (A-255)


        Trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime nằm tại tọa độ ZA163049, cách thành phố Pleiku 40 dặm về hướng nam, do toán A-255 LLĐB Hoa Kỳ và LLĐB/VN chỉ huy. Trong trại có ba đại đội Dân Sự Chiến Đấu, mỗi đại đội quân số khoảng 100 người. Trại LLĐB này nằm trong mục tiêu, mà bộ tư lệnh Mặt Trận B3 (cao nguyên, tây nguyên) Bắc Việt thấy cần phải được thanh toán. Bộ tư lệnh Mặt Trận B3 lúc đó (năm 1965) có sư đoàn 320, và hai trung đoàn độc lập 33 và 66. Tất cả đều là đơn vị chính quy từ miền bắc vào.
        Đó là một chiến dịch tấn công lớn trong năm 1965 của quân đội Bắc Việt trên vùng cao nguyên miền nam Việt Nam, chia ra làm ba giai đoạn. Trong giai đoạn đầu, bộ tư lệnh Mặt Trận B3 xử dụng trung đoàn 33 tấn công trại LLĐB Pleime. Giai đoạn hai, dự trù xử dụng trung đoàn 32 phục kích, tiêu diệt các đơn vị VNCH, Đồng Minh lên tiếp viện, giải tỏa áp lực cho trại LLĐB Pleime. Chiến thuật “Công Đồn, Đả Viện”, địch quân thường xử dụng và rất thành công trong những trận đánh với quân đội Pháp trước đây. Lần này bộ tư lệnh Mặt Trận B3 cũng tin (chắc) rằng phe Đồng Minh sẽ đưa quân lên tiếp viện cho Pleime. Sau khi “dứt điểm” trại LLĐB Pleime, quân đội Bắc Việt sẽ chuẩn bị cho trận đánh lớn trong thung lũng Ia Drang trong giai đoạn ba của chiến dịch.
        Trận tấn công trại LLĐB Pleime bắt đầu lúc 11:00 giờ sáng ngày 19 tháng Mười năm 1965. Địch quân mở màn trận tấn công bằng những đợt pháo kích súng cối 82 ly vào căn cứ. Tiếp theo là những đợt tấn công bằng bộ binh, và đơn vị đặc công, cắt hàng rào kẽm gai vào được tuyến phòng thủ hướng nam của trại LLĐB hình tam giác. Lính Bắc Việt xử dụng đại bác không dật 57 ly bắn rất chính xác vào trong căn cứ, tiêu hủy hai trong số ba pháo đài chính đặt ngay góc của hình tam giác.
        Theo sự tính toán của cấp chỉ huy quân đội Bắc Việt, trong giai đoạn đầu, họ chỉ muốn bao vây, cô lập trại LLĐB Pleime, dụ cho quân đội VNCH và Đồng Minh đưa quân lên tiếp viện, trên tỉnh lộ 5 (đuờng đi đến trại LLĐB Pleime), phục kích, đánh tan trong giai đoạn 2. Họ không ngờ sức mạnh khủng khiếp của Không Lực Hoa Kỳ, các khu trục cơ A1-E thả bom rất chính xác trên những vị trí tập trung quân đội Bắc Việt gây tổn thất nặng nề.
        Các phi cơ vận tải AC-123 Provider thuộc phi đoàn 309 Cảm Tử đóng trong phi trường Biên Hòa bay bao vùng thả hỏa châu suốt đêm soi sáng chiến trường. Khi trời vừa sáng, một trực thăng thuộc phi đoàn 498 tản thương trong căn cứ Holloway bay vào trại LLĐB di tản thương binh. Viên phi công lái trực thăng tản thương là thiếu tá Louis Mizell, đã can đảm bay lên Pleime mặc dầu cấp chỉ huy không cho phép.
        Sau khi bao vây, tấn công trại LLĐB Pleime mấy ngày, vẫn không “dứt điểm” căn cứ, trung đoàn 33 Bắc Việt đã kiệt sức, hy vọng trung đoàn 32 sau khi đã đánh tan lực lượng tiếp viện sẽ đến tiếp tay. Bộ tư lệnh Quân Đoàn II VNCH đưa một đạo quân hỗn hợp gồm: Bộ Binh, Biệt Động Quân, Thiết Giáp tiến theo tỉnh lộ 5 vào giải vây trại LLĐB bị rơi vào ổ phục kích của trung đoàn 32 Bắc Việt. Tuy nhiên nhờ hỏa lực pháo binh sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ (1st Cav) và Không Quân yểm trợ mạnh mẽ, bẻ gẫy cuộc phục kích.
        Khi các đơn vị tiếp viện vào đến khu vực xung quanh trại LLĐB Pleime, trung đoàn 33 Bắc Việt phải rút lui. Trận Pleime được xem như chấm dứt.
        Đến cuối tháng Mười, sư đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ mở cuộc hành quân “lùng và diệt” tàn quân thuộc hai trung đoàn 32, 33 Bắc Việt sau trận tấn công trại LLĐB Pleime không thành công. Lữ đoàn 1, sư đoàn Không Kỵ truy kích địch đến một khu vực rộng lớn nằm về hướng tây nam thành phố Pleiku, hướng tây trại LLĐB Pleime. Lữ đoàn này truy lùng trung đoàn 33 Bắc Việt đang lẩn trốn nơi phiá đông thung lũng Ia Drang.
        Hai sự kiện quan trọng trong cuộc hành quân “lùng và diệt”, khám phá và “bắt sống” một bênh viện của quân đội Bắc Việt, cùng với thương bệnh binh và rất nhiều vũ khí trong rừng sâu hôm 1 tháng Mười Một và tịch thu rất nhiều tài liệu. Sự kiện thứ hai là phục kích trung đoàn 66 Bắc Việt, mới được đưa vào trận điạ, dọc theo giòng sông Ia Drang, nơi hướng tây thung lũng.
        Đến ngày 10 tháng Mười Một, sư đoàn Không Kỵ Hoa Kỳ đưa lữ đoàn 3 vào thay cho lữ đoàn 1. Lữ đoàn này tiến quân hai bên đông và tây trại LLĐB Pleime, nhưng không chạm súng với địch. Đến xế chiều hôm thứ Bẩy ngày 13 tháng Mười Một, vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 3, đại tá Thomas Brown ra lệnh cho tiểu đoàn 1/7 dưới quyền trung tá Hal Moore đem tiểu đoàn vào thung lũng Ia Drang ngày 14 tháng Mười Một, với nhiệm vụ “Lùng và Diệt”.
        Trung tá More được xử dụng 16 trực thăng chuyển quân, hai pháo đội (12 khẩu) đại bác 105 ly yểm trợ trực tiếp. Tin tình báo cho biết có ba tiểu đoàn Bắc Việt đang ở trong thung lũng.
       Trung tá Moore ra lệnh cho sĩ quan tham mưu cùng năm đại đội trưởng chuẩn bị, nghiên cứu bản đồ hành quân, lập kế hoạch, nhận đồ trang bị tiếp liệu. Sáng sớm hôm sau, ông ta cùng sĩ quan hành quân bay thám sát, tìm bãi đáp trực thăng và sẽ ban lệnh hành quân cho cả tiểu đoàn.
        Chuyến bay thám thính tiến hành như dự định, lúc 8:50 phút sáng, trung tá Moore ban lệnh hành quân, kế hoạch hành quân cùng với sự yểm trợ của pháo binh. Tất cả các đại đội sẽ được trực thăng đưa đến bãi đáp, đặt tên là X-ray, đủ rộng để cho khoảng tám đến mười trực thăng đáp cùng lúc. Bãi đáp X-ray cách điểm tập trung quân, xung quanh trại LLĐB Pleime 14.3 dặm.
        Trung tá tiểu đoàn trưởng 1/7 Moore sẽ bay trên trực thăng chỉ huy (C&C) cùng xuống với chuyến đổ quân đầu tiên, đại đội tấn công, sau khi pháo binh 105 ly, không pháo (pháo binh trên máy bay bắn hỏa tiễn xuống – Aerial Artillery) đã bắn “dọn đường”. Trên chiếc trực thăng chỉ huy (C&C), ngoài trung tá Moore tiểu đoàn trưởng, có thêm sĩ quan hành quân, sĩ quan điều không FAC, sĩ quan liên lạc pháo binh và sĩ quan liên lạc trực thăng.
        Pháo binh bắt đầu bắn “dọn đường” lúc 10:17 phút, đợt trực thăng đầu tiên đổ quân xuống bãi đáp X-ray lúc 10:48 phút. Trong khu vực hành quân, trung tá Moore điều động các đại đội di chuyển trong tầm yểm trợ hỗ tương lẫn nhau. Điều ông ta lo ngại nhất là đại đội xuống đầu tiên (chủ lực để tấn công) sẽ đụng nặng, nơi bãi đáp trước khi phần còn lại của tiểu đoàn xuống tiếp cứu. (Trận đánh trong thung lũng Ia Drang).

Dallas, TX. vđh







TRẠI LLĐB ĐỒNG XOÀI (A-342)
10/6/1965 – 12/6/1965






Operation Starlite ~ Vietnam War

August 17 through August 24, 1965
8 Days

45 dead; 203 wounded
Avg Death Rate was 6/day


The operation was launched on August 17, 1965, involving 5,500 Marines of the 9th Marine Amphibious Brigade.

The total Viet Cong strength was around 1,500 men. Vietcong casualties were over 500 dead.
       


Khoảng giữa đêm 10 tháng Sáu năm 1965, hai trung đoàn VC 762, 763 phối hợp tấn công quận lỵ và trại Lực Lượng Đặc Biệt Đồng Xoài (A-342). Địch quân xử dụng một trung đoàn tấn công, trung đoàn còn lại tổ chức phục kích tại những nơi mà chúng tin rằng, quân đội VNCH và Đồng Minh có thể dùng làm bãi đáp trực thăng đổ quân, hay trục lộ di chuyển quân tiếp viện.
        Lúc 1:00 giờ sáng, đơn vị ứng chiến thuộc phi đoàn 118 Không Trợ, lên yểm trợ chiến trường. Trước sức tấn công với cả một trung đoàn VC, đến 2:30 phút sáng, trại LLĐB Đồng Xoài bị tổn thất nặng. Dân sự chiến đấu cùng các cố vấn LLĐB/HK rút về bộ chỉ huy quận.
        Đến 6:00 giờ sáng, phi đoàn 118 bay lên Phước Vinh đón tiểu đoàn 1, trung đoàn 7 Bộ Binh, đưa vào Đồng Xoài. Trong khi đó, trung đoàn VC ăn mặc như thường dân đã bố trí quân, chờ nơi bãi đáp. Các trực thăng Hoa Kỳ sau đợt đổ quân đầu tiên (có lẽ vì bất ngờ), nên chỉ bị trúng đạn nhỏ, bay thoát không bị rơi chiếc nào. Tuy nhiên, đại đội vừa mới được đổ xuống bị tiêu diệt trong vòng hai mươi phút.
        Thấy bãi đáp đã bị phục kích, không được an ninh, lần đổ quân thứ hai, các trực thăng Hoa Kỳ đáp trên phi đạo nhỏ trong đồn điền Thanh Lợi. Nhưng khi vào đến, một đàn bò đang ở trên phi đạo nên 14 trực thăng phải đáp ra ngoài một chút. Không ngờ, một quả mìn nổ tung, tiếp theo là đạn súng cối, súng đại liên của địch rơi vào bãi đáp. Một trực thăng bị tiêu hủy, tất cả phi hành đoàn đều tử trận.
        Đến gần trưa, một hợp đoàn ba chiếc trực thăng cũng thuộc phi đoàn 118 bay đi cấp cứu, đem những quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ ra khỏi trận điạ. Lực lượng DSCĐ chỉ còn một đại đội người Miên vẫn còn chiến đấu. Các phi tuần phản lực cơ Hoa Kỳ được gọi lên oanh kích, thả bom  khu vực Đồng Xoài cả ngày. Đến xế chiều, các trực thăng phi đoàn 118, đổ xuống sân vận động của quận lỵ, tiểu đoàn 52 Biệt Động Quân vào giải vây.
        Tiểu đoàn 52/BĐQ vừa được đổ xuống sân vận động cũng bị địch đợi sẵn, pháo kích tấn công. Các cấp chỉ huy đều nghĩ đơn vị này cũng sẽ bị tiêu diệt, nhưng các binh sĩ BĐQ đã anh dũng, chống cự quyết liệt. Tiểu đoàn 52 BĐQ dưới quyền chỉ huy của đại úy Hoàng Thọ Nhu, đẩy lui địch quân ra khỏi khu vực sân vận động và tiếp tục phản công về hướng trại LLĐB Đồng Xoài và bộ chỉ huy quận. Đến buổi tối, Biệt Động Quân đã chiếm lại được trại LLĐB, căn cứ Pháo Binh VNCH và nhiều vị trí trong quận.
        Trong những ngày kế tiếp, phi đoàn 118 Không Trợ Hoa Kỳ đổ thêm quân VNCH lên tiếp viện và di tản hàng trăm thương binh cùng với thường dân. Qua ngày 13 tháng sáu năm 1965, bộ chỉ huy LLĐB đưa một toán LLĐB mới A-311 đến Đồng Xoài thay cho toán A-342 LLĐB cũ, tu bổ, xửa sang lại doanh trại. Thiếu úy LLĐB Charles Q. Williams trong toán A-342, được trao huy chương Danh Dự (Medal of Honor) do sự chỉ huy sáng suốt, lòng dũng cảm của anh ta. Có lẽ đó cũng là chiếc huy chương Danh Dự đầu tiên được trao cho binh chủng LLĐB/HK.
        Tổng kết trận tấn công trại LLĐB Đồng Xoài: 5 LLĐB/HK, 3 LLĐB/VN, 40 DSCĐ tử trận. 16 LLĐB/HK, 4 LLĐB/VN, 54 DSCĐ bị thương. Cùng với 124 DSCĐ mất tích. Phiá địch tổn thất 134 xác để lại tại trận, có thể nhiều hơn được đồng bọn đem đi. (Tổn thất này chỉ cho biết con số của LLĐB, chưa kể các đơn vị tham chiến hay tiếp viện).

TOÁN A-342 LLĐB/HK
        Khu vực Đồng Xoài có tọa độ YT062753 trong tỉnh Phước Long. Có một phi đạo dài khoảng 3000 bộ, trên độ cao khoảng 282 bộ so với mặt nước biển. Trại LLĐB Đồng Xoài ở gần đó có tọa độ XT076759.
        Ngày 25 tháng Năm 1965, toán A-342 LLĐB Hoa Kỳ được phi cơ Hoa Kỳ đưa đến Đồng Xoài để xây dựng một trại LLĐB. Căn cứ này được xây dựng nhằm mục đích ngăn chặn đường tiếp vận của địch quân từ đất Miên vào chiến khu D. Toán A LLĐB Hoa Kỳ cùng với đơn vị Công Binh Sea Bees thuộc Hải Quân Hoa Kỳ xây căn trại cho LLĐB và các cơ sở khác cho cơ quan MACV (bộ Chỉ Huy Quân Viện - Việt nam) trong quận Đôn Luân.
        Thỉnh thoảng địch quân xử dụng súng cối, pháo kích vào căn cứ mới xây, để quấy rối, gây tình trạng bất an cho các quân nhân LLĐB Viet-Mỹ cùng với đơn vị dân sự chiến đấu. Vẫn chưa thấy dấu hiệu địch tập trung đơn vị cấp lớn trong khu vực Đồng Xoài.
        Khoảng 1:00 giờ sáng ngày 10 tháng Sáu, trại LLĐB Đồng Xoài bị pháo kích bằng súng cối và tấn công bằng bộ binh dữ dội. Thiếu úy Charles Q. Williams bị thương vẫn chỉ huy dân sự chiến đấu chống trả quyết liệt. Đến 2:30 sáng, chịu không nổi áp lực, sức tấn công biển người của địch, các quân nhân LLĐB cùng với dân sự chiến đấu phải rút vào trong quận. sau khi trận Đồng Xoài kết thúc, thiếu úy Williams được ân thưởng huy chương Danh Dự (cao quý nhất của người Hoa Kỳ).
        Trước khi các đơn vị VNCH đến tiếp viện, một toán cố vấn Hoa Kỳ được bộ Chỉ Huy Quân Viện MACV trong phi trường Tân Sơn Nhất gửi lên Đồng Xoài trên một trực thăng UH-1B thuộc phi đoàn 188 Không Trợ. Trên chiếc trực thăng do thiếu úy Walter L. Hall lái, có thêm phi hành đoàn: trung sĩ Craig L. Hagen xạ thủ đại liên, trung sĩ nhất Joseph J. Compa cơ khí, và chuẩn úy Donald Saegaert ngồi ghế phi công phụ. Các cố vấn Hoa Kỳ trong ban đặc biệt 5891, cơ quan MACV gồm có: trung sĩ nhất Robert L. Curlee y tá, đại úy Bruce G. Johnson, và trung sĩ nhất Fred M. Owens.
        Khi chiếc trực thăng đáp xuống trên một phi đạo nhỏ của một đồn điền gần đó, VC pháo kích và bắn súng nhỏ tới tấp vào chiếc trực thăng. Chiếc trực thăng vội vàng cất cánh, nhưng đã bị trúng đạn, viên phi công không thể điều khiển được, bay là trên mặt đất, đâm vào mấy chiếc xe đang đậu và bốc cháy.
        Một phi cơ quan sát đang bay bao vùng, liên lạc được với đại úy Johnson. Ông ta đang đứng bên cạnh chiếc trực thăng bị rơi và báo cáo, tất cả phi hành đoàn và hai người trong toán cố vấn của ông đã tử nạn. Tình hình quận Đôn Luân rất bết, không nên đưa thêm người vào khu vực bãi đáp này và địch quân vẫn còn đang pháo kích bằng súng cối.
        Đến ngày 15 tháng Sáu, tình hình an ninh khu vực đã được vẫn hồi, địch quân đã rút lui. Người Hoa Kỳ mở cuộc tìm kiếm thi hài quân nhân Hoa Kỳ tại nơi chiếc trực thăng lâm nạn, nhưng không tìm được xác một nạn nhân nào. Đại úy Johnson, người liên lạc cuối cùng với máy bay quan sát cũng biến mất. Dân làng trong khu vực cho biết VC bắt sống được một người Hoa Kỳ, nhưng tin tức này không được phối kiểm. Họ cũng nói thêm, VC đã lấy xác của bẩy người Hoa Kỳ đem đi chôn.
        Một cuộn phim tịch thâu được của địch “Đồng Xoài Trong Biển Lửa” cho thấy hình ảnh năm hoặc sáu xác chết của người Hoa Kỳ và mấy chiếc trực thăng bị rơi. Một trong những trực thăng bị rơi mang số 38557. Tấm thẻ bài của Owens và một phần tấm thẻ khác có chữ “ll” có lẽ Hall cũng được thấy trong cuốn phim.
        Một điều chắc chắn là chiếc trực thăng bị rơi và tất cả các quân nhân Hoa Kỳ trên trực thăng đều tử nạn. Không có điều gì đáng nghi ngờ là họ vẫn còn sống (bị mất tích). Một điều chắc chắn là địch quân biết rõ số phận của họ.

Dallas, TX.
vđh





TÂN PHÚ (A-23) HIỆP HÒA (A-21)



        Trại Lực Lượng Đặc Biệt Tân Phú do toán A-23 gồm 12 quân nhân Mũ Xanh thuộc liên đoàn 5 LLĐB/HK xây dựng và làm cố vấn cho một toán A LLĐB Việt Nam. Trại LLĐB này được xây dựng năm 1963 trên một trại lính cũ do người Pháp để lại, trong tỉnh An Xuyên, dưới vùng 4 chiến thuật. Toán A-23 LLĐB dưới quyền chỉ huy của đại úy Humberto “Rocky” R. Versace, toán phó là trung úy Jame N. Rowe, một sĩ quan chuyên nghiệp tốt nghiệp trường võ bị West Point Hoa Kỳ.
        Vì là một trong những trại LLĐB được thành lập sớm trên đồng bằng Cửu Long, các quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ, Việt Nam, cùng với lực lượng Dân Sự Chiến Đấu, do họ tuyển mộ, huấn luyện, trang bị phải chiến đấu hàng ngày để sống còn, trong khoảng thời gian từ giữa tháng Bẩy cho đến tháng Mười Hai năm 1963. Khu vực trách nhiệm của trại LLĐB Tân Phú nằm trong vùng kiểm soát của địch, và chịu áp lực rất nặng nề.
        Trong lịch sử của trại LLĐB Tân Phú, có ghi lại một biến cố “chấn động” trong binh chủng LLĐB Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó là trận phục kích của một tiểu đoàn “Chủ Lực Miền” VC xẩy ra ngày 29 tháng Mười năm 1963.
        Dựa theo tin tình báo cho biết, một đơn vị địch không rõ quân số đang hiện diện gần khu vực Le Coeur, ban chỉ huy trại LLĐB Tân Phú vội vã tổ chức một cuộc hành quân “Búa Đe”. Theo kế hoạch hành quân, một đại đội DSCĐ sẽ lùa địch quân đến vị trí một đại đội DSCĐ khác đang nằm phục kích và chờ đợi. Không ngờ VC cũng có một kế hoạch phục kích đơn vị xuất phát từ trại LLĐB Tân Phú. Họ tổ chức, bố trí sẵn những ổ súng đại liên, súng cối để tiêu diệt đơn vị DSCĐ của trại. Ngoài ra, địch quân còn tìm cách phá sóng truyền tin, để đơn vị bị phục kích không thể gọi súng cối từ trong trại LLĐB, cũng như đơn vị Pháo Binh 155 ly trong căn cứ Thới Bình yểm trợ. Không liên lạc được, nên Không Quân cũng không vào yểm trợ cho quân bạn đang bị vây khốn.
        Trong một quyển sách viết về trận phục kích này, tác giả Leigh Wade nói rằng, đơn vị DSCĐ bị giết khoảng 60 người, một con số tương tự DSCĐ bị thương. Những DSCĐ bị địch bắt, bị trói tay, nằm xấp thành hàng dài và bị bắn vào đầu.
        Trong số quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ bị bắt sống gồm có: đại úy Humberto “Rocky” R. Versace trưởng toán A-23 LLĐB, trung úy James “Nick” N. Rowe toán phó, trung sĩ nhất y tá Dan Pitzer. Cả ba người đều bị thương, được VC tha chết vì chúng muốn bắt sống quân nhân LLĐB Hoa Kỳ để tuyên truyền. Họ bị đưa vào mật khu trong rừng U Minh. Mỗi người bị biệt giam trong “cũi tre”, và bị cùm chân.
        Cuối tháng Mười, tại trại LLĐB Hiệp Hòa (A-21), khoảng giữa Saigon và biên giới Việt-Miên, có mấy cán binh VC đến đầu thú, họ nói rằng muốn đào ngũ, trở về với quốc gia. Gần một tháng sau, ngày 24 tháng Mười Một năm 1963, sau nửa đêm, trại LLĐB Hiệp Hòa bị khoảng 400-500 VC tấn công, tràn ngập. Những cảm tình viên với VC làm nội tuyến, giết lính canh gác, chiếm pháo đài đặt súng đại liên, trước khi quân VC vào chiếm trại LLĐB.
        Trung úy John Colby toán phó A-21 LLĐB/HK trốn thoát, đại úy trưởng toán Doug Horne may mắn đi với một trung đội 36 DSCĐ ra ngoài, trước khi căn cứ bị nội tuyến, tấn công. Địch quân bắt sống được bốn quân nhân Mũ Xanh LLĐB/HK đang có mặt trong trại. Trong cuộc chiến Việt Nam, trại LLĐB Hiệp Hòa là trại đầu tiên bị tràn ngập.
        Những quân nhân bị bắt trong trại LLĐB Hiệp Hoà gồm có: trung sĩ nhất Issac “Ike” Camacho, trung sĩ nhất Kenneth M. Roraback truyền tin, trung sĩ George E. “Smitty” Smith, và hạ sĩ Claude McClure. Lúc mới bị bắt, họ bị giam trong mật khu nơi hướng tây nam Hiệp Hòa, sau đó di chuyển vào rừng U Minh.
        “Ike” Camacho lúc nào cũng tìm cách trốn, trong tháng Bẩy năm 1965, anh ta thành công. Anh ta cùng với Smith được tháo cùm, để địch quân có đủ cùm mấy quân nhân Hoa Kỳ mới bị bắt. Và trong một đêm mưa gió, lợi dụng trời tối, Camacho trốn thoát đến làng Minh Thạnh. Anh ta là quân nhân Hoa Kỳ đầu tiên trốn thoát khỏi trại tù binh VC. McClure và Smith được trả tự do trên đất Miên trong tháng Mười Một năm 1965.
        Đại úy “Rocky” Versace, trưởng toán A-23 LLĐB/HK trại Tân Phú, là một người nặng tín ngưỡng. Trước đó ông ta đã được nhận vào trường võ bị West Point, nhưng muốn làm linh mục nên chọn trường dòng Mary Knoll, trước khi sang Việt Nam chiến đấu. Ông ta nói thông thạo hai ngôn ngữ Anh, Việt, và đã có “vấn đề” đối với bọn VC khi mới bị bắt. Mặc dầu nhiều người biết đại úy Versace rất có nhiều cảm tình đối với người Việt (thông thạo tiếng Việt), nhưng ông ta rất chống đối chủ nghiã cộng sản, cách mạng... và bọn cai tù cô lập riêng ông ta.
        Mấy tháng đầu lúc mới bị bắt, hai đàn em của đại úy Versace là trung úy Rowe và trung sĩ Pitzer thỉnh thoảng trông thấy ông ta. Vẫn bất khuất, tìm cách trốn mặc dầu lúc đó sức khoẻ đã tàn tạ. Đến tháng Giêng năm 1965, mái tóc của ông ta đã bạc trắng.
        Ngày Chủ Nhật, 26 tháng Chín năm 1965, đài phát thanh “Giải Phóng”, đọc bản tin hành quyết đại úy Versace và trung sĩ nhất Kenneth Roraback để trả thù cho cái chết của ba tên khủng bố ngoài Đà Nẵng. Nhưng sau đó có tài liệu cho rằng nguồn tin đó không đúng, để “dọa” người Hoa Kỳ, nhưng quân đội Hoa Kỳ đã không mở cuộc điều tra. Trung sĩ y tá LLĐB Pitzer được trả tự do trên đất Miên trong tháng Mười Một năm 1967.
        Trung úy James “Nick” N. Rowe sẽ bị hành quyết vào cuối tháng Mười Hai năm 1968. Những cai tù VC đã thấy quá đủ, vì Rowe vẫn không chấp nhận chủ nghiã cộng sản và vẫn luôn tìm cách trốn. Trong tháng Mười Hai năm 1968, hai cai tù áp tải Rowe đến một nơi khác, bỗng một trực thăng Hoa Kỳ đang bay trên không phận rừng U Minh trông thấy ba tên VC trong bộ bà ba đen, lao xuống bắn. Phản ứng nhanh chóng, trung úy Rowe chạy ra khoảng trống đưa cả hai tay lên vẫy. Chiếc trực thăng quay trở lại để bắn tên VC gan lì dám chạy ra khoảng đồng trống. Nhưng khi bay lại gần, thấy tên VC trong bộ bà ba đen, râu ria tùm lum không như người Việt Nam, nên đáp xuống cứu thoát. Chấm dứt 5 năm trong “hỏa ngục”.
        Trung úy James Rowe ở lại với quân đội đến năm 1974, lên trung tá rồi giải ngũ. Năm 1987 được gọi tái ngũ và đưa qua Phillipine, huấn luyện LLĐB Phillipine chống du kích cộng sản. Ngày 21 tháng Tư năm 1989, ông ta bị phục kích giết chết.
        Trong số bẩy quân nhân LLĐB/HK bị bắt từ hai trại LLĐB Tân Phú, Hiệp Hòa, số phận của hai người, đại úy Versace và trung sĩ Roraback đến nay vẫn không có tin gì thêm.

Dallas, TX.
vđh 


TRẠI LLĐB BÙ ĐỐP (A-341)
Jim Meade







        Khi mới sang Việt Nam năm 1965, tôi được thuyên chuyển đến làm việc trong một bộ chỉ huy B LLĐB Hoa Kỳ. Mấy tay “anh chị” LLĐB trông rất ngầu, nhưng họ có vẻ thích một người Không Quân đến làm việc, yểm trợ cho họ. Trong khi đó, tôi có cảm tưởng sẽ phải chịu đựng một năm dài phục vụ tại Việt Nam.

        Thời gian đó khoảng giữa năm 1965, khu vực trách nhiệm của bộ chỉ huy B LLĐB là một tỉnh bị địch đe dọa nặng nề nhất trong vùng 3 chiến thuật, Phước Long. Muốn tiến về Saigon, địch quân phải “bứng” những trại LLĐB trong tỉnh: Sông Bé, Bù Đốp, Đồng Xoài, và Bù Gia Mập sẽ phải di tản chiến thuật.

        Qua sự phối hợp chặt chẽ với QL/VNCH, Không Quân, Lục Quân Hoa Kỳ, các trại LLĐB bị tấn công, bị mất nhưng vẫn phản công lấy lại nhanh chóng. Phi công FAC bao vùng khu vực hành quân (Phước Long) lúc đó là đại úy Larry Reed danh hiệu “Viper 3”, đã bị bắn rơi và bị thương ba bốn lần, nhưng vẫn bay “đều đều”. Trong thời gian đó, đám Không Quân chúng tôi chỉ có hai hoặc ba chiếc FAC, một nhân viên cơ khí cho loại phi cơ quan sát L-19 (FAC) và tôi lo nhiệm vụ truyền tin, liên lạc. Chúng tôi vẫn làm tròn bổn phận, nhiệm vụ, phi cơ FAC vẫn bay thám thính, điều động các trận đánh bom, không yểm, không cho địch tập trung quân để mở những trận tấn công. Đôi khi vì thiếu người, phi công hoặc một binh sĩ LLĐB phải bơm xăng, chất hỏa tiễn khói trắng lên máy bay, trong khi chuyên viên cơ khí, xem lại máy móc.

        Sau những trận tấn công của hai trung đoàn VC 762 và 763 từ tháng Năm đến tháng Bẩy, các đơn vị Đồng Minh trong tỉnh lo củng cố việc phòng thủ, bổ sung quân số. Các cuộc hành quân trên bộ lúc đó chỉ còn những đơn vị nhỏ đi tuần tiễu, an ninh khu vực. Quân đội Đồng Minh mở các cuộc hành quân mở đường từ Sông Bé đi Đồng Xoài, Sông Bé lên Bù Đốp để lấy lại lòng tin dân chúng trong các làng lân cận. Một cuộc hành quân khác đưa dân chúng trong các làng xa xôi hẻo lánh đến những nơi tương đối an ninh hơn.

        Việc hành quân giải tỏa con đường từ Sông Bé đi Đồng Xoài đã được thực hiện trước đây với kết qủa “xáo trộn”. Cả hai đơn vị Dân Sự Chiến Đấu (Đồng Xoài, Sông Bé) phải chiến đấu, chạy trở về căn cứ của mình. Tiếp theo là những trận đánh bom của Không Quân Việt-Mỹ kéo dài mấy tuần lễ, cấp chỉ huy ở trên tin rằng địch quân đã “chết hết” hoặc phải “bỏ xứ đi nơi khác làm ăn”, nên lại ra lệnh mở đường.

        Như lần trước, hai đại đội DSCĐ do LLĐB Việt-Mỹ chỉ huy, phát xuất từ trại LLĐB Đồng Xoài tiến quân lên hướng bắc, trong khi đó “chúng tôi” gồm tiểu đoàn 36 Biệt Động Quân Việt Nam, một trung đội DSCĐ và bốn người trong nhóm LLĐB/HK, tiến quân về hướng nam để bắt tay với cánh quân từ phiá nam lên. Tôi mang máy truyền tin liên lạc trong ban chỉ huy đơn vị Biệt Động Quân ở phiá sau, trên phi đạo bỏ hoang của một đồn điền do người Pháp làm chủ, ở Phước Bình, cách Sông Bé khoảng 20 cây số về hướng tây nam.

        Trong suốt cuộc tiến quân, cho đến khi hai đơn vị bắt tay, cả hai hướng đều có những cuộc chạm súng nhỏ với đám du kích. Nhưng, trên đường trở về căn cứ, đơn vị DSCĐ Đồng Xoài lo sợ bị địch tấn công ở khu vực đồn điền cao su Michelin, Thuận Lợi. Tiểu đoàn Biệt Động Quân ở Sông Bé, chạm súng với địch trong khu vực gần đồn điền Phú Riêng.

        Biệt Động Quân rơi vào ổ phục kích hình chữ ‘L’, không tiến lên hướng bắc được. Lúc đó trời đã tối, không thể gọi phi cơ oanh kích, và không rõ vị trí chính xác của các đại đội BĐQ. Trong toán LLĐB đi theo BCH tiểu đoàn BĐQ, binh nhất Roberts, người thông ngôn, thêm hai binh sĩ DSCĐ tấn công vào phần dưới đội hình phục kích chữ ‘L’, các đại đội BĐQ tấn công phần còn lại, làm địch quân phải rút lui.

        Trận phục kích tiểu đoàn BĐQ chứng tỏ hai trung đoàn của địch vẫn còn để lại một vài đơn vị trong khu vực. Ít lâu sau lữ đoàn 173 Nhẩy Dù Hoa Kỳ được các đơn vị Úc Đại Lợi, Tân tây Lan yểm trợ mở cuộc hành quân càn quét trong khu vực nhưng địch quân đã rút đi, không có những trận đụng độ lớn.

        Kế tiếp là cuộc hành quân đưa dân chúng trong các làng xa xôi hẻo lánh ra những khu định cư yên ổn. Lần này phải bảo vệ dân, nên được phi cơ yểm trợ mạnh mẽ, thả bom những khu vực tình nghi địch quân tập trung. Hầu hết dân làng đã chuẩn bị ra đi, mặc dầu phải bỏ lại căn nhà thân yêu, ruộng vườn của họ. Trước đây VC kiểm soát, bắt họ đóng thuế, lấy đi một phần thâu hoạch hoa mầu, nên người dân sống rất lam lũ, không đủ ăn.

        Tôi đi cùng đại úy Reed lên căn cứ hành quân tiền phương trong giai đoạn đầu của cuộc hành quân. Sau đó ông ta đi Sông Bé gặp đại úy Fred Huppertz “Viper IV” và trung úy Stretch “Viper VI”, để yêu cầu máy bay quan sát FAC bay bao vùng cho cuộc hành quân. Cũng nhờ có máy bay quan sát bao vùng và không quân yểm trợ, nên địch chỉ có những toán quân nhỏ bắn quấy phá trong cuộc hành quân “di dân”.

        Tiếp theo là hành quân mở đường từ Sông Bé đi Bố Đức. Cuộc hành quân dự trù sẽ có đụng độ lớn, nhưng lại êm xuôi. Đêm trước khi cuộc hành quân bắt đầu, Bộ Binh QL/VNCH đã cho những toán quân đi trước nằm đường, họ giết đuợc giao liên VC đi xe đạp. Cả tiểu đoàn BĐQ, cùng với LLĐB/HK chỉ huy đơn vị DSCĐ tham dự cuộc hành quân. Tôi ngồi trên xe Jeep cùng với một trung sĩ nhất LLĐB/HK và người thông ngôn tên Mỹ là “George”, gần cuối đoàn quân xa đi lên hướng bắc.

        Đoàn xe di chuyển rất chậm, chậm hơn chuyến mở đường đi Đồng Xoài trước đây. Nhiều đoạn đường bị cắt, địch quân đã đào nhiều hầm hố, giao thông hào, nhưng đã bỏ đi, và nhiều con suối nhỏ cắt ngang đường. Chúng tôi tiếp tục đi lên Bố Đức mà không có tiếng súng của địch. Quận lỵ này đã bị cô lập với bên ngoài từ lâu, đoàn xe chở lên tiếp tế gạo và những nhu yếu phẩm khác trên năm xe GMC, để phân phát cho dân chúng. Trong khi cấp chỉ huy BĐQ, LLĐB tiếp tay phân phối đồ tiếp tế cho dân chúng, đoàn xe quay đầu chuẩn bị cho chuyến trở về.

        Trên đường trở về Sông Bé, khi đoàn xe đi ngang đồn điền cao su Riêng Riêng, địch pháo kích bằng súng cối, làm mấy binh sĩ BĐQ bị thương. Các chiến sĩ BĐQ phản ứng cấp thời, nhẩy xuống xe, tấn công vào bìa rừng. Tiếp theo là tiếng súng đại liên, tiểu liên nổ dòn về phiá bên phải đoàn xe. Sau đó LLĐB/HK gom đơn vị DSCĐ lại tiếp tục cuộc hành trình, để lại chiến trường cho tiểu đoàn BĐQ thanh toán.

        Chúng tôi về đến Sông Bé an toàn. Ít lâu sau sư đoàn 1 Không Kỵ (1st Air Cav) hoặc sư doàn Dù 101 càn quét khu vực Bố Đức, nhưng cũng như lần trước địch quân đã rút lui qua biên giới Miên.

        Một cuộc hành quân khác do LLĐB, DSCĐ Bù Đốp tổ chức riêng rẽ. Theo kế hoạch, lực lượng DSCĐ Bù Đốp sẽ càn quét về hướng tây đến Lộc Ninh, sau đó sẽ làm nút chặn không cho địch quân rút qua biên giới Việt-Miên. Các đơn vị Hoa Kỳ, có lẽ thuộc sư đoàn 1 Bộ Binh sẽ hành quân trực thăng vận, sau khi DSCĐ đã tổ chức xong tuyến án ngữ. Để hoàn thành nhiệm vụ này, trại LLĐB Bù Đốp “tổng động viên”, tất cả những ai không đau ốm, cầm súng được đều phải đi hành quân.

        Lúc đó tôi nghĩ rằng, mình có thể di chuyển lên trại LLĐB Bù Đốp để thiết lập hệ thống truyền tin, có lẽ hiệu quả hơn ở Sông Bé, và có thể cung cấp cho LLĐB một nhân viên truyền tin để liên lạc (trung sĩ nhất Trimiar, một người bạn ở Sông Bé). Chỉ cần hai chúng tôi, thêm vài DSCĐ có thể “trông nom” trại LLĐB, còn những người khác đều có thể đi hành quân. Phi công FAC, đại úy Huppertz đưa tôi lên Bù Đốp cùng với máy móc dụng cụ, một ngày trước khi cuộc hành quân bắt đầu.

        Đúng 2:00 giờ sáng, DSCĐ lặng lẽ rời căn cứ lên đường. Đoàn quân đi chưa được xa, khoảng bốn cây số, toán quân tiền phương chạm địch trong làn sương buổi sớm mai. Họ đi vào một trạm đóng quân nhỏ của địch, có nhiều dây điện thoại đi về hướng tây. Khi nhận được công điện tôi vội vàng báo cáo về BCH ở Biên Hòa và thông báo cho sư đoàn 1 BB/HK để họ sẵn sàng nhẩy vào vòng chiến. Vài phút sau, DSCĐ vào đến một căn cứ chính của địch và địch quân quyết liệt hơn. Thực ra đó là đơn vị nhỏ của địch nằm lại cản cho phần lớn đơn vị rút lui. Yếu tố bất ngờ cho lực lượng DSCĐ không còn nữa, dự tính di chuyển lên Lộc Ninh làm nút chặn tiêu tan.

        Lục soát căn cứ, hầm hố của địch, DSCĐ khám phá một điều ngạc nhiên. Trong số tử thi có một người ăn mặc quân phục không phải VC, và cũng không giống người Việt Nam. Trong trại LLĐB Bù Đốp, tôi nhận được thêm một báo cáo và phải gửi về Biên Hoà (BCH/C3/LLĐB). Mọi chuyện êm xuôi, sau đó một công điện gửi lên hành quân, ra lệnh chuẩn bị và đánh dấu một bãi đáp trực thăng (có người lên thăm hoặc thanh tra).

        Không bao lâu, một đoàn trực thăng bay lên hành quân, trên một trực thăng có đại tướng Westmoreland, tư lệnh Bộ Chỉ Huy MACV. Ông ta đến thăm đơn vị hành quân và đích thân muốn nhìn xác một người của phiá bên kia mà không phải người Việt. Cho đến ngày hôm nay, tôi cũng không biết thêm chi tiết về xác chết đó.

        Đại đơn vị của địch đã thoát qua bên kia biên giới, đơn vị DSCĐ được lênh quay trở về căn cứ. Ngày hôm sau, trung úy Kaiser “Viper 9”, đáp chiếc FAC xuống trại LLĐB Bù Đốp đưa tôi trở về Sông Bé. Ngồi trên máy bay quan sát, chúng tôi đồng ý, bay dọc theo biên giới để tìm xem địch quân đã chạy thoát qua biên giới bằng ngã nào. Khoảng giữa Bù Đốp và Lộc Ninh về hướng tây, chúng tôi trông thấy một giòng sông rộng, hai bên bờ là bãi cát hình như có vết bùn, có người đi lại. Tiếp tục bay về hướng tây, chúng tôi trông thấy một xóm nhà mà cả hai chúng tôi chưa từng nghe nói tới. Tôi chụp vài tấm không ảnh đem về. Khi trình lên cấp chỉ huy, ông ta chỉ nói với tôi, giữ lấy cho riêng anh, không nên nói với ai... các anh đã bay qua đất Miên.

       

Dallas, TX.

vđh






TRẠI LLĐB BUÔN BLECH (A-238)


John A. Larsen
        Trong tháng Tám năm 1967, tôi trở lại Việt Nam lần thứ hai, lần trước tôi đã phục vụ sáu tháng trong liên đoàn 1 LLĐB/HK, đồn trú ở Okinawa, được đưa sang Việt Nam trong đơn vị 400 An Ninh Hành Quân Đặc Biệt. Lần này tôi nhận lệnh làm việc trong đơn vị 403 Kiểm Thính Hành Quân Đặc Biệt. Hy vọng sự thay đổi trong ngành “An ninh Lục Quân” sẽ làm bối rối địch quân, không biết nhiệm vụ chính thức của đơn vị.
        Trong chuyến qua Việt Nam lần trước 1965, chúng tôi có một đài kiểm thính đặt trong trại Lực Lượng Đặc Biệt Trảng Sụp (A-301) trong điạ phận tỉnh Tây Ninh. Trại LLĐB Trảng Sụp có hai toán A LLĐB/HK, một toán chỉ huy trại LLĐB, toán kia đảm nhận việc huấn luyện lực lượng Dân Sự Chiến Đấu cho tất cả các trại LLĐB trong tỉnh Tây Ninh. Tổng cộng, lúc nào cũng có gần 1000 quân trong căn cứ. Trong số đó, tôi nghi ngờ có khoảng 5 đến 10% là VC hoặc có cảm tình với địch quân. Trong hầm của quân nhân LLĐB/HK có đầy đủ vũ khí, đạn dược, xung quanh là lớp bao cát... đề phòng một “Alamo” thứ hai.
        Bạn lúc nào cũng phải đề phòng, chỉ cần một tên VC ném qủa lựu đạn vào trong hầm là đủ. Trong những năm đầu của cuộc chiến, hầu hết các cuộc hành quân phát xuất từ trại LLĐB Trảng Sụp gần như giống nhau. Ra khỏi căn cứ vào lúc sáng sớm, và di chuyển vào trong rừng trước khi toán quan sát, theo dõi của địch trên núi Bà Đen, trông thấy đoàn quân.
        Trong thời gian làm việc trong căn cứ Trảng Sụp, tôi thường ngủ trong phòng khám bệnh, phát thuốc (bệnh xá trong trại LLĐB). Cho chắc ăn, tôi xin được một con chó, đặt tên là “Old Yeller”. Trong chuyến sang Việt Nam đầu tiên, phục vụ nơi một tiền đồn biên phòng, mấy con chó của binh sĩ Việt Nam (có thể là người Thượng hay Miên) trông thấy tôi mặc sức sủa hơn hai tuần lễ, cho đến khi chấp nhận tôi là người “bạn”.
        Một đêm, tôi thức giấc vì tiếng gầm gừ của con “Old Yeller”, tôi với khẩu súng trường M-14, hé mắt nhìn ra dẫy hành lang phòng khám bệnh. Một binh sĩ dân sự chiến đấu đứng lui vào bên trong hành lang, sau cánh cửa, đang xử dụng đèn bấm mầu đỏ, gửi tín hiệu lên núi Bà Đen. Anh ta bận với công việc, không để ý xung quanh, cho đến khi tôi dí mũi súng M-14 vào đầu, rồi áp tải đương sự lên phòng làm việc của ban chỉ huy trại.
        Đó là những gì tôi còn nhớ trong chuyến sang Việt Nam lần đầu. Lần thứ hai, tôi đến Pleiku trong tháng Tám năm 1967, sau mười tháng điều trị bệnh lao mà tôi mắc phải trong chuyến thứ nhất. Tiếp theo là sáu tháng huấn luyện trong Ft. Mead do cơ quan An Ninh Quốc Gia đảm trách, rồi khóa Biệt Động Quân. Tôi đã sẵn sàng làm việc.
        Trong bốn mươi lăm ngày đầu, tôi làm việc trên đồi “Engineer Hill”, một bộ chỉ huy B thuộc liên đoàn 5 LLĐB/HK. Cũng không có nhiều thay đổi trong hai năm qua, khi tôi rời Việt Nam. Trung tá Faistenhammer chỉ huy trưởng căn cứ là một người có nhiều điểm đặc biệt, gốc người Đức. Ông ta rời quê hương Bavaria đến Hoa Kỳ khoảng năm 1936, và trở về cố hương năm 1944, lúc đó là một quân nhân trong sư đoàn 4 Thiết Giáp. Khi chiến tranh Hàn Quốc chấm dứt, ông ta là một sĩ quan Pháo Binh. Sau một chuyến phục vụ trong chiến dịch “Sao Trắng” ở Lào, và mấy chuyến ở Việt Nam. Viên sĩ quan này đã dành nhiều thời gian phục vụ trong các đơn vị tác chiến. Mười bẩy năm sau, tôi trở nên một thượng sĩ Thường Vụ trong đại đội A, tiểu đoàn 3, liên đoàn 10 LLĐB/HK và đơn vị trưởng là thiếu tá William L. Faistenhammer, con trai của cấp chỉ huy của tôi lúc ở Việt Nam. Cả hai người đều là sĩ quan xuất sắc.
        Trước cuộc bầu cử Tổng Thống VNCH năm 1967, tôi nhận lệnh thuyên chuyển đi Buôn Blech (A-238), cùng với hai kiểm thính viên. Trại LLĐB này nằm trên núi nhìn xuống khu vực xung quanh. Tôi thích căn cứ này vì địch quân phải tấn công lên núi thay vì nơi điạ thế bằng phẳng. Ba chúng tôi đồng ý, nếu di chuyển về hướng gần biên giới Việt-Miên, chúng tôi sẽ bắt được nhiều điện văn của địch quân hơn, và sẽ cung cấp nhiều tin tức tình báotác chiến tốt hơn cho trại LLĐB Buôn Blech.
        Khi càng đến gần ngày bầu cử, trung sĩ an ninh (tôi nhớ không lầm là trung sĩ nhất Jerry Clark) bắt được một công điện cho biết họ (VC/Bắc Việt) sẽ tấn công trại LLĐB Buôn Blech, để cho thấy sự yếu kém của chính quyền miền nam Việt Nam. Vài đêm sau, địch pháo kích bằng súng cối nhưng đạn rơi bên ngoài tuyến phòng thủ, không gây thiệt hại.
        Trại LLĐB Buôn Blech được xây theo hình vuông, vấn đề an ninh trong trại cũng đỡ hơn những nơi khác. Mỗi buổi tối, mấy tổ năm người được lệnh ra ngoài căn cứ tổ chức những ổ phục kích. Họ được lệnh đem theo mìn Claymore, khi gặp địch quân, cho nổ qủa mìn, bắn hết băng đạn rồi rút lui về căn cứ.
        Đêm hôm đó một qủa mìn Claymore nổ tung, trong trại lập tức báo động, sẵn sàng chiến đấu. Khẩu súng cối 81 ly trong trại bắn những qủa đạn chiếu sáng về hướng phát ra tiếng nổ. Vị sĩ quan LLĐB chỉ huy căn cứ, ra lệnh không được bắn, cho đến khi có lệnh của ông ta. Qua ánh sáng hỏa châu, tôi trông thấy bóng người di chuyển bên ngoài hàng rào trại LLĐB, bèn báo cáo lên nhưng ông ta hỏi lại “có chắc không?”. Thật ra đó là toán phục kích đang trên đường rút lui về căn cứ.
        Sau đó mọi việc trở lại bình thường. Sáng hôm sau, tôi được biết, một đơn vị VC di chuyển về hướng trại LLĐB, có lẽ định tấn công, đụng phải ổ phục kích. Không may cho địch quân, cấp chỉ huy cùng chính trị viên đơn vị bị chết vì qủa mìn Claymore, nên phải hủy bỏ trận tấn công.
       
Dallas, TX.
vđh     
  

TRẠI LLĐB THIỆN NGÔN (A-323)



1LT David Fetters, XO of A323, Camp Thien Ngon, from March through August, 1969.


        Trại Lực  Lượng Đặc Biệt Thiện Ngôn nằm trong quận Phước Ninh, tỉnh Tây Ninh, gần biên giới Việt Miên. Đó là một trại “Năm Sao” có hình dáng ngôi sao năm góc là tuyến phòng thủ chính của căn cứ. Ngay trước cổng chính có một bãi đáp trực thăng nhỏ, vẫn nằm trong chu vi phòng thủ doanh trại. Bên trong tuyến phòng thủ chính (ngôi sao) có một toán A (A-323) LLĐB/HK, toán A LLĐB/VN, nhà ăn, bãi đậu xe, một ụ súng cối lớn cho hai khẩu 81 ly và hai khẩu 4.2” (inches), máy phát điện, và ba khẩu đại bác 105 ly do binh sĩ LLĐB/HK xử dụng.

        Cũng như các trại LLĐB khác, trại Thiện Ngôn có một phi đạo đắp đất, đặt tên là đường 22, chạy từ Tây Ninh, qua Trai Bí, và ngang qua trại LLĐB đến Xa Mát ngay biên giới Việt Miên, cách trại khoảng tám cây số về hướng bắc. Con đường này có hai chiều, nhưng hoàn toàn không xử dụng được vì thường bị phục kích và gài mìn.

        Trại LLĐB Thiện Ngôn được xây dựng như một căn cứ phòng thủ, trong khu vực oanh kích, tác xạ tự do, không có làng mạc, dân chúng xung quanh. Căn phòng dài, dùng làm nơi làm việc, chỗ ngủ, nghỉ ngơi cho các quân nhân LLĐB/HK là một pháo đài, với những thùng sắt connex làm phòng cho mỗi người. Vị trưởng toán A LLĐB chiếm một connex nơi đầu dẫy, tôi ở cuối và năm quân nhân Mũ Xanh khác chen vào giữa. Một phòng mạch khám bệnh cho bác sĩ ngay sát cửa ra vào, phòng truyền tin chứa máy móc, dụng cụ truyền tin và một phòng nghỉ ngơi, giải trí chung cho tất cả mọi người.  

        Có tất cả năm đại đội dân sự chiến đấu, ba đại đội người Thượng và hai người Miên. Vợ con của họ cũng ở đó luôn, sống trong những pháo đài, hầm hố, xung quanh chu vi, tuyến phòng thủ căn cứ. Chúng tôi có một trung đội viễn thám người Thượng, nhưng cũng thường. Đơn vị được tin tưởng, thường đóng quân trong rừng, bên ngoài căn cứ là người Miên.

        Đã có lần, một đại đội Công Binh Hoa Kỳ đến Thiện Ngôn, dựng tạm căn cứ dã chiến làm việc bên cạnh trại LLĐB Thiện Ngôn. Trong một tháng trời, đại đội công binh đổ đường, tráng nhựa, xây lại phi đạo cho vận tải cơ C-123 lên xuống, đem đồ tiếp tế đến cho trại LLĐB.

        Xung quanh căn cứ, khoảng cách 150 thước, cây cối đều bị đốn ngã để tăng thêm độ an ninh, tuy nhiên cỏ tranh cao từ sáu đến tám bộ, cao hơn đầu người Việt, vẫn mọc tràn lan. Chúng tôi làm hàng rào, gài mìn chiếu sáng, mìn Claymore chống biển người và cả mìn chống chiến xa nữa xung quanh trại. Cho chắc ăn, trại LLĐB rải thêm thuốc khai quang và sâu trong rừng vẫn có những tiền đồn, để báo động khi địch tập trung quân tấn công.

        Như đã nói ở trên, khu vực trách nhiệm của trại LLĐB Thiện Ngôn là vùng oanh kích tự do. Mọi sự di chuyển trong vùng nếu không phải của quân trú phòng LLĐB đều là mục tiêu cho phi cơ oanh kích và pháo binh tác xạ. Lúc nào cũng có những cuộc hành quân lục soát bên ngoài căn cứ. Các đại đội dân sự chiến đấu dưới quyền chỉ huy của LLĐB Việt-Mỹ thay phiên nhau, khi có một đại đội hết hạn hành quân, trở về căn cứ, một đại đội khác đã chuẩn bị ra đi.

        Đôi khi trại LLĐB tổ chức hành quân xa với hai đại đội 180 binh sĩ dân sự chiến đấu, 2 quân nhân LLĐB/HK, 2 LLĐB/VN, một ban chỉ huy với khoảng từ 6 đến 8 binh sĩ người Miên, đem theo máy truyền tin. Đôi khi đem theo trung đội viễn thám. Những chuyến đông đủ như vậy, thường đi xa hơn và kéo dài ba ngày.

        Trong sáu tháng phục vụ trong trại LLĐB Thiện Ngôn, tôi tham dự hai trong số ba cuộc hành quân trực thăng vận. Cũng kéo dài ba ngày, nhưng chúng tôi được trực thăng đưa ra một góc tận cùng trong khu vực trách nhiệm và lục soát ngược trở về trại. Nhiệm vụ chính cho các cuộc hành quân vẫn là tìm kiếm dấu vết các hoạt động của địch, ngăn chặn, tấn công nếu gặp.

        Khu vực trách nhiệm của trại bằng phẳng, rừng rậm, cành lá che phủ mặt đất âm u. Có những khoảng trống, không có cây lớn, chỉ có cỏ tranh cao đến đầu gối, và không giải thích được. Có một giòng sông chẩy theo hướng tây nam lên đông bắc, mực nước thay đổi theo mùa, rộng khoảng 30 đến 50 bộ, và rất nhiều điả.

        Thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp VC (đơn vị du kích điạ phương), chúng chỉ xuất hiện khi xuống sông lấy nước, nơi hướng nam khu vực trách nhiệm. Còn quân chính quy của địch, đóng trong các căn cứ, binh trạm xây trên đất Miên, bên kia đường biên giới. Tôi thường trông thấy họ trong những chuyến bay thám thính. Gặp những đơn vị chính quy từ miền bắc vào, họ không thèm bắn lên, đưa tay vẫy. Hình như họ biết, quân đội Đồng Minh không có quyền tấn công qua đất Miên, trừ khi họ bắn lên trước.

        Trong thời gian tôi ở Thiện Ngôn, địch thường bắn quấy rối, chỉ có một trận tấn công đáng kể, nhằm vào đơn vị công binh Hoa Kỳ đang làm đường. Chúng tôi trên đường trở về căn cứ sau chuyến hành quân lục soát nơi hướng nam khu vực trách nhiệm. Đơn vị bố trí, đóng quân đêm cách trại LLĐB khoảng 2, 3 cây số về hướng nam. Đêm đó căn cứ đóng quân tạm của đơn vị công binh bị một đơn vị địch xuất hiện trong khoảng giữa chúng tôi và căn cứ tấn công.

        Nằm sau lưng địch quâ, chúng tôi nhìn rõ những làn đạn lửa mầu xanh của địch bay về hướng căn cứ, và đạn lửa mầu đò từ trong trại bay về hướng chúng tôi. Người trại trưởng ra lệnh cho chúng tôi nằm yên tại chỗ tránh đạn của phe ta. Không cần phải nhẩy vào trận chiến, vì hỏa lực của đơn vị công binh mạnh hơn. Quả nhiên, một lúc sau, tiếng súng chấm dứt, địch quân đã rút lui ra khỏi bãi chiến trường.

        Căn cứ cũng bị địch quân pháo kích bất thường, nhiều tuần lễ yên tĩnh, tuần khác nhận được hơn 250 quả đạn súng cối, đa số là đạn 61 và 82 ly. Thỉnh thoảng địch pháo kích bằng hỏa tiễn 107 và loại lớn 122 ly. Trước khi tôi thuyên chuyển đến trại LLĐB Thiện Ngôn, một hỏa tiễn 122 ly rơi trúng hầm ban chỉ huy trại, làm cho một y tá tử thương.

        Trong những lần ra ngoài hành quân, lục soát, chúng tôi thường gặp lựu đạn bẫy mìn bẫy đã cũ phải tiêu hủy. Và lục soát xung quanh phi đạo hàng ngày, để giữ an toàn cho các chuyến máy bay tiếp tế đáp xuống căn cứ.



Dallas, TX.
vđh


Trưởng Trại LLDB Thiện Ngôn và Phu Nhân


TRẠI LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT BEN HET





TRẬN ĐÁNH CHIẾN XA NĂM 1969
Captain Gerald R. Cossey

Lời giới thiệu:
        Đêm 3 tháng Ba năm 1969, các chiến xa thuộc trung đội 1, đại đội B, tiểu đoàn 1, trung đoàn 69 Thiết Giáp Hoa Kỳ dàn trận với năm chiến xa lội nước PT-76 do Nga Sô chế tạo cùng với nửa chục thiết vận xa BMP-40 quân đội Bắc Việt. Đó là trận đánh giữa hai đoàn chiến xa từ khi quân đội Hoa Kỳ qua Việt Nam tham chiến, đến trước khi trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 xẩy ra.
        Đại đội Bravo chiến xa Hoa Kỳ dưới quyền chỉ huy của đại úy John Stovall loại khỏi vòng chiến hai chiến xa, một thiết vận xa. Đơn vị chiến xa địch quân phải rút lui, bỏ dở mục đích tấn công trại Lực Lượng Đặc Biệt Ben Het.
        Trại LLĐB này là một trong bẩy trại biên phòng, được quân Mũ Xanh Hoa Kỳ thiết lập nhằm theo dõi, ngăn chặn sự chuyển quân của quân đội Bắc Việt từ hai nước láng giềng Lào và Miên vào miền nam Việt Nam. Từ hướng bắc xuống, bẩy trại LLĐB gồm có: Ben Het, Plei Djereng, Đức Cơ, Tieu Atar, Ban Don, Đức Lập và Bu Prang. Khi địch quân tăng cường áp lực vào khu vực Dak To, các trại biên phòng này được tăng cường thêm quân.
        Trại LLĐB Ben Het có một toán A mười hai quân nhân Mũ Xanh, liên đoàn 5 LLĐB/HK, một toán A LLĐB/VN và khoảng chừng 200 quân thuộc Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu (CIDG). Thỉnh thoảng, căn cứ được hai khẩu đại bác 175 ly gắn trên xe thiết giáp M-107, thuộc tiểu đoàn 7, trung đoàn 15 Pháo Binh Hoa Kỳ lên “thăm viếng”, tác xạ theo yêu cầu.   
        Bình thường, tiểu đoàn Pháo Binh cơ động Hoa Kỳ đưa hai khẩu đại bác 175 ly cùng với đồ tiếp vận lên khu vực Ben Het bắn phá, ngăn chặn những nơi địch di chuyển trên đường mòn HCM, hoặc những nơi tình nghi có đơn vị cấp lớn của địch trong vùng tam biên. Lý do LLĐB/HK thiết lập trại Ben Het vì căn cứ chỉ cách biên giới Việt-Miên-Lào mười ba cây số.
        Cách tiền đồn biên phòng Ben Het mười hai cây số về hướng tây nam là ngọn đồi 875 (Hamburger Hill) mà trước đó, lữ đoàn 173 Nhẩy Dù Hoa Kỳ được sư đoàn 4 Bộ Binh (cũng của Hoa Kỳ) trợ lực, đánh một trận đẫm máu với quân đội Bắc Việt trong tháng Mười Một năm 1967. Trận đánh lớn này cũng làm tiêu hao phần nào sức tấn công của địch trên vùng cao nguyên trong kỳ Tết Mậu Thân 1968.

Diễn tiến trận đánh chiến xa:
        Chập tối ngày 3 tháng Ba năm 1969, chiến xa và bộ binh Bắc Việt mở trận tấn công vào trại LLĐB Ben Het. Tiền đồn này được xây dựng trong vùng rừng núi, trên vùng cao nguyên miền nam Việt Nam nhằm theo dõi các sự chuyển quân của địch trên hệ thống đường mòn HCH trong vùng tam biên (Việt, Miên, Lào).
        Lực lượng tấn công của địch thuộc Mặt Trận B3 (vùng cao nguyên), đã chuẩn bị trận đánh từ tuần lễ trước bằng cách pháo kích vào các nơi đóng quân của đơn vị bạn trong khu vực Dak To, Ben Het. Ngoài ra còn nhiều trận tấn công khác trên khắp miền nam Việt Nam trong mùa Xuân từ cuối tháng Hai năm 1969, đã ngầm yểm trợ một cách gián tiếp cho địch quân.
        Khi trận đánh bắt đầu, quân đội Hoa Kỳ đưa thêm quân vào vùng tam biên đại đội (chi đội) B, tiểu đoàn (chi đoàn) 1, lữ đoàn (thiết đoàn) 69 Kỵ Binh. Đại đội Thiết Giáp này dưới quyền chỉ huy của Đại Úy John Stovall, đóng quân gần phi đạo ở Dak To và đặt dưới quyền điều động của lữ đoàn 2, sư đoàn 4 Bộ Binh Hoa Kỳ. Đơn vị chiến xa được lệnh tăng cường phòng thủ trại Lực Lượng Đặc Biệt Ben Het và nằm giữ an ninh đường 512, trục lộ quan trọng, duy nhất nối liền tiền đồn biên phòng đến Dak To.
        Lực lượng bạn trong căn cứ biên phòng Ben Het có ba đại đội Dân Sự Chiến Đấu do một toán A LLĐB Hoa Kỳ làm cố vấn (A-244). Ngoài ra còn có thêm một pháo đội đại bác 175 ly, hai khẩu 40 ly “Duster”. Đại đội chiến xa, đưa một trung đội chiến xa lên phòng thủ ngọn đồi nơi hướng tây căn cứ Ben Het, phần còn lại rải ra nằm giữ những vị trí chiến lược, chiếc cầu trên đường 512 và làm thành phần trừ bị ở Dak To.
        Kể từ lúc vào vùng hành quân ngày 25 tháng Hai, đơn vị Thiết Giáp bị địch pháo kích quấy rối thường xuyên, từ những khẩu đại bác che dấu trong khu vực và bên kia biên giới, trên đất Miên. Binh sĩ thiết giáp Hoa Kỳ ít khi đi xa khỏi chiến xa của họ vài thước. Họ bận rộn tránh mảnh đạn pháo kích và trả đũa những lần bị địch bắn sẻ bằng đại liên, và đại bác 90 ly trên pháo tháp chiến xa.
        Cho đến ngày đầu tiên trong tháng Ba, trại LLĐB Ben Het bị pháo kích bằng đại bác hạng nặng 130 ly. Quân đội Bắc Việt dấu những khẩu đại bác này trong rặng núi trên đất Miên, từ bên kia biên giới bắn vào căn cứ. Có hôm căn cứ bị pháo kích nặng nề với nhịp bắn cứ mỗi 45 giây cho một quả. Tuy nhiên nhờ những toán tiền đồn báo động mỗi khi địch pháo kích nên căn cứ đỡ bị tổn thất. Để trả đũa, khóa họng những khẩu đại bác của địch, chiến xa được điều động ra vị trí phản pháo. Các chiến xa xử dụng đạn xuyên phá với hy vọng xuyên qua được lớp đá núi bao bọc khẩu đại bác. Ngoài ra, các chiến xa còn được đài tác xạ pháo binh và phi cơ quan sát điều chỉnh tác xạ mỗi khi bắn. Sự cố gắng của các chiến xa không được hiệu quả mấy vì tầm đạn đại bác 90 ly của chiến xa không qua khỏi lớp phòng thủ của đơn vị bộ binh Bắc Việt.
        Đến khoảng đầu tháng Ba, sắp đến kỳ hạn tái tiếp tế cho trại LLĐB Ben Het, mức độ pháo kích của địch giảm xuống rõ rệt. Tuy nhiên, đại đội B chiến xa đã có 10 binh sĩ bị thương do mảnh đạn pháo kích, đa số bị nhẹ. Tổng kết, chỉ có một binh sĩ cần được di tản về bệnh viện.
        Trong thời gian đó, trung đội 1, đại đội chiến xa đang trấn đóng trên một ngọn đồi nơi hướng tây (West Hill). Ba trong số bốn chiến xa thuộc trung đội, bố trí trên một mỏm núi gần đỉnh đồi, nhìn xuống thung lũng phiá dưới, thấy rất rõ con đường 512 uốn quanh co, dọc theo biên giới Miên. Đại Úy Stovall, đem ban chỉ huy lên trên đồi lập hầm chỉ huy vì người sĩ quan trung đội trưởng của trung đội chiến xa đã bị thương, trúng nhiều mảnh đạn pháo kích và được đưa về bệnh xá ở Dak To.
        Hai ngày kế tiếp, mùng 1 và 2 trong tháng Ba trôi qua rất lặng lẽ. Không thấy địch pháo kích, chỉ nghe tiếng nổ đạn xúng cối, đại bác không dật 57 ly do đoàn xe tiếp tế bắn quấy rối, ngăn ngừa địch phục kích.
        Vào khoảng 10 giờ đêm ngày 2, Trung Sĩ thường vụ trung đội Hugh Havermale báo cáo lên Đại úy Stovall rằng, binh sĩ trong trung đội chiến xa nghe tiếng động cơ xe cộ của địch di chuyển nơi hướng tây căn cứ. Hai người đi ra phòng tuyến, dùng ống kính hồng ngoại tuyến quan sát, nhưng không thấy gì. Họ cũng không xác định được tiếng động cơ xe cộ của địch phát ra từ đâu. Hai người chỉ nghe tiếng xe của địch khoảng hai mươi phút rồi tắt... Có vẻ như địch quân đang thử máy xe, coi lại xa đội, đội hình chiến xa.
        Qua ngày thứ ba, địch quân vẫn im lặng, chỉ có một viên đạn bắn quấy rối vào một vị trí quân bạn. Trong ngày, ba toán trinh sát Dân Sự Chiến Đấu, phát xuất từ trong căn cứ ra thám sát những khu vực nơi hướng bắc, đông bắc và đông nam. Trong buổi thuyết trình hàng ngày vào mỗi buổi sáng, tin tức tình báo được vị chỉ huy trại LLĐB Ben Het cho biết, rất có thể quân đội Bắc Việt sẽ tấn công và địch có khả năng xử dụng chiến xa để tấn công. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, những tin tức tình báo kể trên trở thành sự thực.
        Đúng 9 giờ tối hôm đó, từ hai vị trí đặt súng cối, quân Bắc Việt pháo kích vào ngọn đội nằm chính giữa căn cứ. Từ 9 giờ rưỡi đến 10 giờ đêm, địch gia tăng mức độ pháo kích vào khắp nơi trong căn cứ. Những chiến sĩ Thiết Giáp, trung đội 1, đại đội B nằm bên ngoài, trên ngọn đồi nơi hướng tây lại nghe tiếng động cơ xe của địch. Lần này họ nghe rất rõ, phân biệt được tiếng động cơ chiến xa. Cũng như đêm trước, họ vẫn không nhìn thấy chiến xa của địch qua ống hồng ngoại tuyến, cho đến khi chiến xa địch cán lên một quả mìn chống người cách hàng rào phòng thủ chừng 800 thước. Quả mìn làm cháy một phần chiếc xe tăng, tỏa ánh sáng phơi bầy ra bên ngoài lớp hàng rào phòng thủ ba chiến xa và một thiết vận xa chở quân của quân đội Bắc Việt.
        Ngay tức khắc, các chiến xa M-48 Hoa Kỳ khai hỏa đại bác 90 ly với đầu đạn chứa chất nổ mạnh (HEAT). Các binh sĩ LLĐB bên trong căn cứ báo động, vào vị trí chiến đấu, xử dụng súng cối bắn vào vị trí chiến xa địch xuất hiện và thủ sẵn khẩu đại bác không dật 57 ly. Bên trong căn cứ, khung cảnh rất bận rộn, người lo tải đạn, lính quân y chạy tới chạy lui lo vấn đề tản thương.
        Ít phút sau, Đại Úy Stovall được báo cáo, thêm một chiến xa thứ tư của địch xuất hiện phiá bên trái quân bạn (LLĐB) gần phi đạo của căn cứ Ben Het. Ông ta nhận thêm một báo cáo khác do toán thám sát nằm bên ngoài gửi về, cho biết một đoàn xe (vừa chiến xa, thiết vận xa, Molotova chở quân) khoảng 15 chiếc từ hướng đông (biên giới Việt Miên Lào) về hướng trại LLĐB Ben Het. Đại Úy Stovall yêu cầu LLĐB bắn hỏa châu soi sáng để quan sát bãi chiến trường. Trong khi đó mấy chiến xa M-48 tiếp tục ‘bắn giết” với xe tăng T-54 Bắc Việt. Họ bắn trúng hai chiếc T-54 và chiếc thiết vận xa làm ba chiếc này bốc cháy.
738px-Destroyed_PT76_tank_at_Ben_Het.jpg
Chiến xa PT-76 bị bắn hạ
Đại Úy Stovall leo lên một chiếc M-48, để chuẩn bị cho trận đánh chiến xa kế tiếp. Khi ông ta leo lên đằng sau pháo tháp, một tiếng nổ lớn, sức ép quăng ông ta cùng với người trưởng xa văng ra đằng sau cả chục thước. Chiến xa T-54 Bắc Việt bắn trúng chiếc M-48 làm bị thương nặng Đại Úy Stovall, người trưởng xa, gây tử thương cho người lính lái xe và người xạ thủ khẩu đại liên gắn trên chiến xa. Các chiến xa M-48 khác tự động di chuyển vào vị trí chiến đấu.
        Bị thiệt hại mấy chiến xa, quân Bắc Việt không dám xung phong tấn công, chỉ pháo kích, bắn súng nhỏ vào trong căn cứ. Cuối cùng địch quân rút lui, đợt tấn công cuối cùng không xẩy ra khi các chiến xa thuộc trung đội 2 đến tăng viện. Trung đội trưởng là Trung Úy Ed Nikels tạm thời nắm quyền chỉ huy vì Đại Úy Stovall đã bị thương. Lực lượng phòng thủ được một “Hỏa Long” AC-47 lên bao vùng bắn yểm trợ, truy kích đoàn quân Bắc Việt đang trên đường rút lui ra khỏi trận điạ.
        Sáng hôm sau, quân Dân Sự Chiến Đấu ra ngoài quan sát bãi chiến trường, họ báo cáo về cho biết quân Bắc Việt để lại hai chiến xa lội nước PT-76 và một Molotova đã bị cháy thành những đống sắt vụn. Tiếp tục lục xoát về hướng biên giới, họ tìm được điạ điểm tập trung cho các xe cộ của địch (chiến xa, xe vận tải), nhưng không có thêm chi tiết về đơn vị tấn công trại LLĐB Ben Het. Về phiá bạn, đại đội Bravo chiến xa có hai binh sĩ tử trận, hai người khác bị thương, trong đó có Đại Úy đại đội trưởng Stovall. Đặc biệt, chiến xa M-48 với lớp thép dầy, mặc dầu bị trúng đạn đại bác chiến xa địch vẫn không hề hấn gì, chỉ có khẩu đại liên gắn trên xe bị hư hại.
        Phân tích trận đánh trại LLĐB Ben Het cho thấy địch chỉ muốn “thử sức” khả năng chiến xa hạng nhẹ, lội nước được PT-76 của họ. Quân đội Bắc Việt không thực sự đánh dứt điểm vì không có đơn vị ngăn chặn quân tiếp viện đồng minh. Cũng có thể đây là một trận đánh “nghi binh” cho một mặt trận khác rộng lớn hơn, và cũng có thể địch không ngờ có đơn vị chiến xa M-48 của Hoa Kỳ trong khu vực Tam Biên.
        Dầu vậy, trận đánh giữa hai đơn vị chiến xa đêm 3 tháng Ba năm 1969, đã có chỗ trong quân sử “Chiến Tranh Việt Nam”. Đại đội Bravo chiến xa Hoa Kỳ trước đó đã được ân thưởng huy chương danh dự của Tổng Thống Hoa Kỳ, một lần nữa đã ghi thêm một chiến công vào bảng phong thần của đơn vị.
Dallas, TX.
vđh

Theo tài liệu: “Tank vs Tank” by Captain Gerald R. Cossey, Armor Magazine September-October 1970. 







No comments:

Post a Comment