tức : ĐƯỜNG ĐI KHÔNG ĐẾN (tập 2)
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ XUẤT BẢN
Đã ngót hai mươi năm qua kể từ quyển hồi ký Đường Đi Không Đến ra mắt độc giả ở Sài gòn. Lớp thanh niên đọc quyển sách ấy nay tóc đã hoa râm, còn lứa tuổi trung niên thì nay đã ra lão. Thời gian đi nhanh, nhưng con đường mà tác giả đã trải qua mãi mãi còn đậm nét trên những trang sách và trong lòng người
Nếu chúng tôi nhớ khônglầm thì quyển hồi ký Đường Đi Không Đến ra mắt độc giả trước tiên trên nhật báo Tiền Tuyến do nhà văn Phan Lạc Phúc làm Chủ Nhiệm và nhà báo Huy Vân làm Chủ bút. Nhà văn Phan Lạc Phúc bi bắt đi cải tạo, đến nay vẫn còn trong tù. Còn nhà báo Huy Vân thì đã hy sinh cũng trong trại cải tạo của bạo quyền.
Quyển Đường Đi Không Đến xuất bản năm 1973. Không đầy một năm, nhà xuất bản Nam Cường đã tái bản (tháng 5 năm 1974) .Ra hải ngoại cũng được in lại nhiều lần.
Quyển Xương Trắng Trường Sơn mà chúng tôi hân hạnh cho ra mắt độc giả hôm nay là tập hai của bộ Đường Đi Không Đến gồm năm tập được biết như sau: Đường Đi Không Đến (I), Xương Trắng Trường Sơn (II), Mạng Người Lá Rụng (III), Đến Mà Không Đến (IV) và Đồng Bằng Gai Góc (V).
Ba quyển sau cùng, theo tác giả cho biết, thì đã mất bản thảo chạy giặc trước năm 1975. Chúng tôi đã yêu cầu – và được nhà văn Xuân Vũ nhận lời- ông viết lại để chúng tôi có dịp giúp độc giả theo dõi tiếp những chương sau cùng của con đường oan nghiệt mà mỗi tấc đất đã phủ xương trắng nhuộm máu tươi của nửa triệu thanh niên Bắc Việt và cán bộ Miền Nam hồi kết. Chính tác giả là “người khách lữ hành” trên con đường ấy.
Trân trọng.
Nhà xuất bản Xuân Thu
MẤY DÒNG TÂM TƯ
Hồi năm 1945 tại chợ làng tôi thường xảy ra những cuộc diễn thuyết, diễn giả là cán bộ tuyên truyền của quận bộ hay tỉnh bộ Việt Minh. Tôi rất thích nghe vì họ nói toàn là những chuyện mà một đứa bé như tôi lúc bấy giờ không thể hiểu nổi.
Tôi còn nhớ một hôm có một diễn giả đăng đàn. Ông ta chỉ là thôn bộ Việt Minh của làng tôi thôi. Ông ta là người không phải đạo cũng không phải đời, ông ta mặc nâu sòng tay lần chuỗi hạt. Người ông nhỏ thó nét mặt gân guốc có phần choắt lại và tay luôn luôn lần chuỗi hạt. Người nhà giàu thì sợ ông ta ra lệnh bắt giam hoặc giết chết, còn người thường thì lát mắt khiếp oai. Ông ta lên đăng đàn lần đó, nói những câu mà tôi nhớ mãi. Nếu tôi là sử gia tôi phải ghi trên vách đá.
Ông ta tuyên bố :”Một tay tôi lần chuỗi hạt, một tay tôi chống trời.”
Rõ thật một con người ghê gớm
Ông ta giải thích về cách mạng cho mọi người nghe như sau:
- Ngày mai cái nơi bùn lầy nước đọng này, (tức là cái chợ làng của tôi có lão già đánh xe ngựa đã lừa chú ngựa còm bằng một mớ cỏ non suốt hàng chục năm trời), sẽ có nước phông-tên và đèn điện. Ngày mai nơi đây sẽ thành thiên đường của thế gian.
Tôi mê quá ! Hồi đó tôi coi ông Chủ nhiệm thôn bộ Việt Minh là đệ nhất anh hùng – và không phải chỉ của riêng làng tôi.
Rồi về sau tôi được đọc một câu tiếng Pháp cũng na ná như thế. “Chủ nghĩa Cộng sản là mùa xuân của nhân loại ! “
Vì mê cái ” thiên đường” và cái “mùa xuân” trên chót lưỡi của hai bậc “vĩ nhân” kia cho nên tôi đã tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu.
Năm 1946 thực dân Pháp đến đóng bốt ở đầu cầu chợ, ngay trong một cái chành lúa đã chứa sẵn mười ngàn giạ (chiếc cầu có hai cái dốc thật cao đã chứng kiến con ngựa còm của lão già đứt ruột trong một rân kéo xe lên dốc) .
Dân làng tôi đã cùng với bộ đội đánh cái bốt đó. Súng của bộ đội chỉ có đến trung liên là cùng, không thể phá nổi phòng tuyến bốt xây bằng lúa bao. Nhưng dân làng tôi quyết không lùi bước.
Người ở chợ thì giở nhà mang tới, kẻ ở ngoài vườn thì đội rơm vác lá đem vào chất chung quanh bốt và châm lửa. Lửa dậy ngất trời. Đồn bốt ra tro. Hai mươi tám tên pạc-ti-dăng bị quay sống trong bốt.
Vì bốt xay bằng lúa bao cho nên lửa cứ ngùn cháy hoài, như một quả núi lửa, năm năm sau chưa tắt. Những lớp tro quánh lại thành cái vỏ cứng bao bọc ruột lửa bên trong. Sau những trận mưa, người ta thấy những mẩu xương phơi lẫn trong tro than như những mẩu vôi thực sự. Và ngọn khói vẫn cứ ri rỉ bay lên như oan hồn của những tên xâm lược xấu số. *
Tôi đi theo kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Đúng hai mươi năm thì tôi trở về làng cũ (1945 – 1965 ) . Lão già đánh xe ngựa đã chết từ lâu. Con cháu của lão không thể nối nghiệp lão vì con đường đầy ồ gà ngày trước nay đã trở thành đường tráng nhựa. Xe hơi xe lam xe gắn máy chạy vun vút xuôi ngược suốt ngày, cho nên bóng dáng chiếc xe ngựa đã biến hút đi từ lâu. Cái chợ làng tôi đã trở thành quận ly với đèn điện với ăng-ten tivi tua tủa trên các dãy phố, không còn ai ngờ rằng đây là nơi bùn lầy nước đọng ngày xưa, nơi ông Chủ nhiệm Việt Minh đăng đàn diễn thuyết, tay lần chuỗi tay chống trời.
Nhiều người gánh nước mướn, những chú chệt bán kẹo đục nay trở thành chủ tiệm. Trong đám học trò đã từng nhóc mỏ cá kèo nghe diễn thuyết với tôi, nay không ít đứa làm nền sự nghiệp, có đứa là triệu phú !
Ở đây không còn ai diễn thuyết nữa.
Tôi được nghe ông chủ nhiệm thôn bộ Việt Minh cũng đi kháng chiến như tôi, nhưng ông đã bỏ nghề diễn thuyết, cũng không lần chuỗi hạt và cố nhiên tay kia cũng không dùng để chống trời nữa. Ông quay ra làm phim ảnh. Thuở đó ông lận đận nhiều. Không rõ bây giờ đời ông vui buồn ra sao ?
Đứng trên mảnh đất ngày xưa, tôi nhìn quang cảnh ngày nay chợ búa, xe cộ hàng hóa và sắc diện con người. Tôi có biết bao dòng suy nghĩ. Tôi tự bảo: Phải chăng đây là một cái thiên đường con con ở một góc trời xa xôi của xứ sở tôi.
Dân làng tôi hai mươi năm xưa giở nhà đốt bốt Tây, nay đã an cư lạc nghiệp. Chuyện ngày qua nay hầu như đã lãng quên.. Từ mảnh đất thực tế, nảy lên một chân lý:
- Người ta vẫn xây được thiên đường theo ước vọng của người ta, nhưng hà tất phải đi theo con đường của ông chủ nhiệm Việt Minh. Và dù có đi theo con đường của ông chủ nhiệm,đã chắc người ta tìm được thiên đường.
Nếu ông chủ nhiệm kiêm nhà làm phim còn sống và nếu ông trở về đây chắc ông sẽ tìm thấy hứng thú trước quang cảnh chợ làng đã đổi thành chợ quận này, để làm một cuốn phim hay hay.
Khi đi trên đường Trường Sơn, có những đêm mưa tôi nằm ôn lại chuyện xưa. Tôi có nhớ đến quả núi tro ở quê tôi rắc đầy xương của những người lính pạc-ti-dăng.
Một ý nghĩ đã chợt đến với tôi: Cái quả núi tro ấy chính là hình ảnh của Trường Sơn thu nhỏ lại. Còn lũ chúng tôi và hàng chục vạn quân binh miền Bắc – trên đường Trường Sơn này chỉ là những bộ xương biết đi – thì chẳng khác nào…
Số phận của những kẻ mang quân đi đánh nước người rồi ra có khác gì nhau ?
Tiện đây tôi xin được phép thưa cùng một số độc giả của Đường Đi Không Đến ” – hoặc bằng thư từ hoặc đã trực tiếp hỏi tôi: “Đường Trường Sơn cực khổ đến thế à ? Bộ đội miền Bắc tang thương đến thế à ? “
Xin thưa: Đây là những chuyện xảy ra hồi 1965. Và xin lấy ý kiến của một tiểu đoàn trưởng của bộ đội chánh quy miền Bắc xâm nhập đã tìm Tự do, nay đang có mặt ở Sài Gòn, sau khi đọc quyển Đường Đi Không Đến : “Văn thì hấp dẫn nhưng chuyện khổ thì không ăn thua gì với sự chịu đựng của đơn vị tôi ! “
Ngoài ra, có một số độc giả lo lắng cho số phận của cô Thu. Tác giả xin được phép thưa: Cô Thu, sau năm năm tình duyên và công tác chìm nổi, đã mang một chứng bịnh kinh niên mà nguồn gốc phát sinh từ lúc cô vượt sông và ngâm mình dưới suối…
Do đó cô trở thành phế nhân, suốt năm năm không hề biểu diễn được một màn nào. Vì thề cô được “ân huệ ” cho về Bắc, cũng bằng đường Trường Sơn, với cặp chân cô ta, như lúc cô vào Nam. Tôi sẽ xin kể tỉ mỉ trong quyền cuối cùng của thiên hồi ký “Đường Đi Không Đến “.
Sài Gòn, hè 1974
Xuân Vũ
* Chú thích của Lê Thy: xin xem truyện này trong Ký sự văn học NHỮNG BẬC THẦY CỦA TÔI của Xuân Vũ cũng do Lê Thy đánh máy đã đăng tại đây
LẠI THÊM MẤY DÒNG TÂM SỰ
Trong một dịp bất ngờ tôi được quen với Anh Giám Đốc nhà xuất bản Xuân Thu. Trong dịp này tôi còn được biết thêm rằng thân phụ của anh là giáo sư trường Le Myre deVilers, thầy học cũ của tôi.
Vừa rồi, anh có nhả ý muốn xuất bản tác phẩm của tôi. Tôi liền đưa ngay cho anh quyển Xương Trắng Trường Sơn là một tập trong bộ Đường Đi Không Đến của tôi. Thực ra tôi không mấy khi nghĩ đến việc in lại các tác phẩm của tôi hoặc viết lại những bản thảo đã mất . Bởi vì, cũng như các văn hữu khác, tôi luôn luôn nghĩ tới những truyện còn nằm trong bụng.
Riềng quyển Xương Trắng Trường Sơn mà tôi có đề đưa cho nhà Xuân Thu là nhờ anh bạn nối khố của tôi, ông Nguyễn Tri Sử, trưởng ban Tuyên Nghiên Huấn thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Công của ông Trần Quốc Bửu. Cũng là một dịp bất ngờ khác. Đời tô toàn gặp những bất ngờ… may mắn.
Trên chuyến bay lưu vong từ Guam sang Hoa Kỳ, gia đình tôi đi với gia đình anh Nguyễn Tri Sử. Hai đứa định xuống trại Sacremento ở California, nhưng khi máy bay hạ cánh ở Los Angeles thì được tin trại đã chật, bèn bay sang Fort Chaffee ở Arkansas. Lạ nước lạ cái, nên hai đứa tìm nhau luôn. Một hôm, anh đưa cho tôi một quyển sách và bảo: tôi tặng lại cho anh đấy, để làm của? “
Thì ra là quyển Xương Trắng Trường Sơn tôi đã tặng cho anh ở Sài gòn cách đây không đầy một tháng . Quyển sách này phát hành vào đầu tháng tư, nhưng tôi vẫn không đoán được những gì xảy ra vào cuối tháng tư nên gần nửa triệu bạc bản quyền tôi nhận được của ông Nam Cường (người Mỹ Tho đồng hương ? ) tôi đem trút cả vào cho ngôi nhà hai tằng sắp xây xong ở Hàng Xanh (với dự định sẽ xây lên thêm một tầng nữa để làm Thiên Thư Lầu) . Còn một tuần nữa ăn tân gia thì lại phải chạy ra Phú Quốc để đi Guam. Tác giả Xương Trắng Trường Sơn trở thành Tay Trắng Mình Không.
Nhận quyển sách từ tay bạn cố tri trên đất Hoa Kỳ tị nạn, tôi bùi ngùi cho số phận của nó vừn ra đời vừa được độc giả biết đến hai tuần thì đã phải bay đi theo vận nước . Tôi đút nó vào chiếc cặp da cũ lưu truyền từ đời ông nội tôi đến cha tôi rồi đến tôi, món báu vật độc nhất được tôi quảy đi từ Sài gòn.
Nếu không có nhà Xuân Thu hỏi tới chắc chắn tôi chưa có dịp giải phóng nó ra khỏi cái nhà tù tí hon kia, sau mười bốn năm giam cầm nó một cách độc đoán. Trước khi đưa nó sang nhà Xuân Thu, tôi đã liếc sơ qua, và thấy rằng nó chưa mất màu mặc dù giấy trắng đã thành vàng nẫu.
Sau hai mươi lăm năm vượt con đường chết trên thực địa, ghé mắt nhìn lại con đường trên những trang sách, tôi hãy còn kinh hoàng.
Vừa rồi tôi có nghe tin Tổng Cuộc Chính Trị quân lính Việt Cộng có phát động một phong trào viết Kỷ niệm Trường Sơn. Tôi biết họ bắt những người cầm bút viết theo đường lối “phải đạo” của họ tức là gọt xén tô phết làm sao cho con đường này trở thành con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, con đường vinh quang chớ không phải con đường lót bằng xương nhuộm bằng máu của thế hệ thanh niên Hồ chí Minh. Dù sao đi nữa, những kẻ sống sót trên con đường này cũng còn khá đông, cho nên họ không thể nói láo.
Nhân dịp nhà xuất bản Xuân Thu tái bản quyển Xương Trắng Trường Sơn, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Bác Sĩ Hồ Văn Châm, người đã đề tựa cho quyển Đường Đi Không Đến của tôi (sau 1975 nó đã trở thành một trong những quyển đứng đầu bảng sách cấm) . Lời tựa này ắt hẳn đã thêm một bằng chứng để bọn cai ngục hành hạ bác sĩ thêm trong mười bốn năm trời trong trại cải tạo mà bác sĩ đã trải qua.
Tôi cũng xin cảm ơn độc giả đ ã đón nhận nó một cách rất khích lệ cho tôi. Đặc biệt là độc giả trong nước, trước mũi súng và màng lướ dày đặc của công an mà vẫn bí mật in và phát hành quyển Đường Đi Không Đến, tuy với giá bốn mươi lăm ngàn đồng vào răm 1985 mà vẫn có người tìm mua.
Cuối cùng xin cảm ơn Anh Nguyễn Tri Sử và Anh Xuân Thu. Nếu không có hai anh giúp tôi thì quyển Xương Trắng Trường Sơn không có cơ may đến tay độc giả.
Hoa Kỳ, tháng 9 năm 1989