Những Chiến Sĩ chiến đấu bảo vệ Miền Nam đã và đang tiếp tục chiến đấu cho Việt Nam Tự Do
Thursday, July 2, 2009
CIA giải mật: 36 điệp vụ xâm nhập (kỳ 2)
Phản gián
Trong khi CIA vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào chiến dịch bí mật xâm nhập miền Bắc, Hà Nội được biết đã bắt đầu triển khai các hoạt động phản gián một cách cẩn trọng để tìm hiểu sự thật về các nhóm biệt kích của CIA và PLO.
Trở lại câu chuyện về một máy bay dân sự làm nhiệm vụ tiếp tế cho nhóm Castor bị mất tích. Ngày 1/7/1961, máy bay này vào một sân bay của Việt Nam Cộng hòa (VNCH), nhưng sau đó biến mất. Sau này CIA mới biết rằng chuyến bay tiếp tế ngày 1/7 đã bị rơi ở miền Bắc VN. Hai thành viên của phi hành đoàn có thể biết rất ít thông tin về nơi họ bay đến. Tuy nhiên, phi công nằm trong số người sống sót và anh ta phải biết rõ nơi cần bay tới và cả sứ mệnh của mình.
Ba người sống sót trong chuyến bay này phải ra trước phiên tòa xét xử công khai vào tháng 11/1961 ở miền Bắc. Những người sống sót thừa nhận làm nhiệm vụ tiếp tế cho các hoạt động nổi dậy, nhưng khai rằng nơi họ đến là một địa điểm xa xôi ở tỉnh Hòa Bình, cách xa vị trí mà nhóm Castor đã nhảy dù ở Sơn La.
Sau vụ này, đài phát thanh từ Hà Nội phát thông điệp với các dân tộc sống ở miền núi rằng hãy hợp tác với lực lượng an ninh. Theo phân tích của CIA tại Sài Gòn, Hà Nội đang triển khai chiến dịch rộng lớn nhằm chống lại sự xâm nhập, phá hoại từ các điệp viên của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Đổ lỗi cho... máy bay
Sau các sự kiện trên, CIA thừa nhận các điệp vụ xâm nhập miền Bắc bằng đường hàng không chỉ có kết quả "hạn chế" và lý do duy nhất để tiếp tục theo đuổi chiến dịch là "chưa có các biện pháp khác để đạt được mục tiêu". Bước sang năm 1962, CIA quyết định tạm ngừng chiến dịch biệt kích nhảy dù để triển khai các điệp vụ xâm nhập bằng đường bộ và đường biển.
Theo Văn phòng CIA tại Sài Gòn, việc tạm ngừng trên là để đòi hỏi các loại máy bay phù hợp hơn. Tầm bay hạn chế của máy bay hai động cơ C-47 buộc nó phải tiếp nhiên liệu tại Đà Nẵng trước khi bay thẳng tới vùng Tây Bắc VN. Sĩ quan CIA cho rằng việc mất máy bay tiếp tế cho nhóm Castor vào tháng 7/1961 một phần cũng vì lý do trên. CIA tiến hành thảo luận với Lực lượng không quân Mỹ để có được máy bay 4 động cơ DC-4.
Trong khi đó sĩ quan Nguyễn Cao Kỳ được giao trách nhiệm tuyển mộ phi công để sẵn sàng khi máy bay DC-4 tới VNCH vào khoảng tháng 12/1961. Người Mỹ trực tiếp huấn luyện cho nhóm phi công người Việt để nâng cao kỹ năng bay thấp trong đêm. Cuối tháng 2/1962, sau nhiều tuần cân nhắc, CIA đi nước cờ mạo hiểm tiếp theo khi cho nhóm Europa nhảy dù xuống một ngôi làng ở vùng Tây Bắc VN.
Điện viên CIA xâm nhập miền Bắc bằng đường biển năm 1963.
Ngày 12/3/1962, Europa phát tín hiệu về Sài Gòn thông báo "an toàn". Việc tiếp tế cho Europa sau đó không thành do mất tín hiệu liên lạc, nhưng Sài Gòn cho rằng chỉ do thời tiết xấu. Đến đầu tháng 6/1962, CIA tại Sài Gòn báo cáo với Tổng hành dinh rằng Europa vẫn an toàn. Khả năng "thành công" của Europa khuyến khích CIA tại Sài Gòn tổ chức tiếp điệp vụ tiếp tế cho nhóm biệt kích đầu tiên Castor dù vẫn bặt vô âm tín. Nguyễn Cao Kỳ cùng đội bay của mình thực hiện chuyến bay cuối cùng liên quan đến các điệp vụ xâm nhập miền Bắc của CIA.
Trong khi đó, một đội bay khác điều khiển chiếc DC-4 bay tới Sơn La. Do gặp thời tiết xấu, chiếc SC-4 đâm vào núi, nhưng CIA tại Sài Gòn cho rằng Hà Nội không biết vụ việc trên nên nhóm Castor vẫn an toàn.
Điệp viên chết đói
Tự huyễn hoặc về sự thành công của nhóm Europa, đầu năm 1962, CIA bắt đầu tăng cường các điệp vụ xâm nhập miền Bắc VN qua lãnh thổ Lào. Ngày 12/3, sau khi đã thám sát, CIA cho máy bay trực thăng thả 4 thành viên nhóm Atlas xuống khu vực thuộc lãnh thổ Lào, gần với tỉnh Nghệ An. Atlas tiến về một ngôi làng ở phía đông để tìm 2 linh mục được biết là có tư tưởng chống Cộng.
Sau 4 ngày quan sát, Atlas bất ngờ chạm trán với một cậu bé. Ngay sau đó, lực lượng quân sự địa phương xuất hiện khiến Atlas phải tháo chạy trở lại lãnh thổ Lào. Một điệp viên bị bắn chết và 1 tên khác bỏ mạng vì giẫm phải mìn. Hai tên còn lại cố truyền tín hiệu vô tuyến để thông báo tình hình, nhưng cũng sớm bị bắt giữ. Phải tới khi 2 tên này xuất hiện trước phiên tòa xét xử công khai, CIA mới biết rằng chúng đã rơi vào tay Lực lượng An ninh nhân dân miền Bắc VN (PASF) từ ngày 5/4/1962.
Ngày 16/4/1962, nhóm biệt kích Remus gồm 6 thành viên người Thái đen nhảy dù xuống lãnh thổ Lào ở vị trí cách Điện Biên Phủ 15 km về phía tây bắc. Do đồ ăn bị hỏng, Remus yêu cầu Văn phòng CIA tại Sài Gòn cung cấp lại thực phẩm và đã được đáp ứng ngay. Tuy nhiên, yêu cầu quá đáng của nhóm điệp viên như "thịt gà và vịt phải có màu vàng tươi" của nhóm điệp viên khiến quan chức CIA ở Mỹ bị sốc.
Tương kế, tựu kế
CIA cảm nhận được sức ép ngày càng tăng do chưa đạt được bất kỳ thành quả nổi bật nào nên tiếp tục tăng cường các điệp vụ xâm nhập. Đêm 17/5/1962, máy bay DC-4 đưa 7 thành viên nhóm chuyên phá hoại Tourbillon nhảy dù xuống vị trí định sẵn cũng ở Sơn La. Tourbillon không ngờ PASF đã đón lõng ở phía dưới và thậm chí còn đốt lửa để chỉ dẫn cho nhóm biệt kích nhảy dù trong khi chúng vẫn tưởng rằng đó là ám hiệu của nhóm điệp viên đã xâm nhập từ trước.
Gió mạnh khiến Tourbillon nhảy dù trượt vị trí, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của PASF. Con mồi đầu tiên là trợ lý của trưởng nhóm khi tên này đang lò dò trèo xuống từ ngọn cây và bị bắn gục bởi trước đó đã nã súng vào lực lượng đang truy đuổi hắn. Những điệp viên khác bị bao vây và bị bắt chỉ trong vài ngày.
An ninh Bắc Việt che đậy vụ đón lõng trong khi tiếp tục truy tìm máy phát tín hiệu vô tuyến của nhóm Tourbillon. Các tín hiệu không rõ ràng mà an ninh Bắc Việt phát đi từ máy phát của nhóm biệt kích khiến CIA tại Sài Gòn lầm tưởng rằng Tourbillon đã được đón tiếp bởi nhóm biệt kích trước đó dù đã mất 1 thành viên trong một vụ tai nạn. Đến ngày 20/6, CIA vẫn đinh ninh rằng Tourbillon đang thực hiện các hoạt động phá hoại.
Trong khi đó, ngày 20/5, nhóm Eros nhảy dù xuống vùng núi cao ở tỉnh Thanh Hóa, sát biên giới với Lào. Vụ xâm nhập này dường như thoát được sự chú ý của PASF. Năm biệt kích người Mông (Lào), người Thái nhảy dù xuống khu vực là nơi trú ngụ của cả hai dân tộc trên và hạ trại ở một nơi kín đáo.
Trong khi nhóm biệt kích đang bí mật liên hệ với người trong bộ tộc, một số dân bản phát hiện trại của nhóm biệt kích khiến chúng phải chạy trốn tới phía Bắc. Việc phát hiện ra các vỏ thùng thức ăn có nhãn hiệu nước ngoài thu hút cả PASF và các đơn vị quân đội Bắc Việt cùng tham gia truy đuổi. Sau hai tuần không phát hiện được gì, lực lượng Bắc Việt tạm ngừng cuộc truy tìm.
Ngày 20/6, Eros báo về Sài Gòn về tình cảnh của chúng và yêu cầu được tiếp tế ngay lương thực. CIA hứa sẽ thực hiện vào đầu tháng 7, nhưng không có vụ tiếp tế nào với lời giải thích rằng do thời tiết xấu. Đói khát, nhóm Eros bỏ lại tất cả và mạo hiểm đi tìm thức ăn. Ngày 2/8, dân làng một lần nữa phát hiện ra người lạ.
Lực lượng an ninh Bắc Việt mở lại cuộc truy tìm. Ngày 2/9, PASF bao vây Eros, tiêu diệt 1 tên, bắt sống 1 tên. Ba tên còn lại chạy thoát qua biên giới Lào, nhưng ngay sau đó bị lực lượng ở phía Lào bắt giữ và giao cho Bắc Việt.
Người nhái và điệp vụ Vulcan
Tổng thống Kennedy nhắc lại yêu cầu về các hành động chống lại Bắc Việt đòi hỏi khai thác mọi nguồn lực. Đây là lý do để CIA tại Sài Gòn triển khai kế hoạch huấn luyện cho nhóm người nhái gồm 18 tên. CIA chọn mục tiêu phá hoại là căn cứ hải quân của Bắc Việt ở Quảng Khê, nằm bên sông Gianh, cách Đồng Hới 40 km về phía bắc. Các thông tin tình báo, bao gồm cả cuộc thám sát của tàu ngầm USS Catfish cho biết, căn cứ Quảng Khê là nơi trú ngụ của ít nhất 3 tàu Swatow có trang bị súng máy.
Ngày 30/6/1962, CIA cho tàu Nautilus III đưa nhóm 4 người nhái tới cửa sông Gianh. Tại đây, người nhái dùng bè bơi dọc bờ sông để thám thính trước khi trở về tàu. Một con thuyền nhỏ đưa nhóm người nhái ngược lên phía trên để tiếp cận đội tàu trang bị súng máy của Bắc Việt.
Mỗi người nhái được giao nhiệm vụ tấn công 1 tàu Swatow bằng cách bơi tới gần và gắn mìn nổ chậm. Trên thực tế, cả 3 người nhái đều tới mục tiêu an toàn, nhưng một trong những quả mìn nổ chậm đã phát nổ sớm hơn khi chúng đang cố bơi ra xa.
Vụ nổ phá hủy con tàu, nhưng cũng khiến cả 3 người nhái thiệt mạng. Súng máy bắn từ tàu của Bắc Việt tiêu diệt người nhái thứ tư và làm bị thương thuyền trưởng tàu Nautilus trước khi phá hỏng tàu, bắt giữ những kẻ khác trên tàu. Chỉ 1 kẻ trên tàu không bị lực lượng Bắc Việt phát hiện và đã bám vào mảnh vỡ của tàu Nautilus để bơi xuôi xuống phía nam. Ngày hôm sau, hắn được tàu tuần tra của Nam Việt Nam cứu sống.
CIA tại Sài Gòn báo cáo về Tổng hành dinh: "Điệp vụ thành công, trả giá đắt".
Tham vọng
Tới cuối tháng 7/1962, Văn phòng CIA tại Sài Gòn đang chuẩn bị cho 20 nhóm mới, hầu hết được giao sứ mệnh phá hủy bằng việc xâm nhập vào miền Bắc VN. Điệp vụ Vulcan khiến tham vọng của CIA ngày càng tăng.
Cuối tháng 8, Tổng thống Mỹ Kennedy phê chuẩn các nội dung của chiến dịch tăng cường hoạt động chống lại Bắc Việt. Tổng hành dinh CIA ngay lập tức yêu cầu Văn phòng tại Sài Gòn xác định những mục tiêu cụ thể và phương cách để tấn công.
Ngày 29/8, CIA tại Sài Gòn đệ trình chiến dịch chi tiết bao gồm cả việc tấn công cảng Hải Phòng, kho quân sự ở Vinh, cầu ở Thanh Hóa và sử dụng 100 biệt kích tấn công vào một cơ sở thông tin. CIA còn có kế hoạch cử các đội biệt kích sử dụng thuyền tốc độ cao để tấn công cầu, phà và các cơ sở quân sự nằm biệt lập dọc đường 1, phía bắc Thanh Hóa.
Tham vọng hơn, CIA muốn phái các nhóm biệt kích 14 người từ lãnh thổ Lào xâm nhập vào miền Bắc VN qua đường 7 và 8... để thực hiện sứ mệnh cắt đứt tuyến đường sắt tại 5 thậm chí 10 vị trí. Một nhóm khác, theo lịch trình bắt đầu vào tháng 12/1962, sẽ lẩn quất ở vùng núi tây nam tỉnh Lạng Sơn để tấn công cắt đứt tuyến đường sắt và đường bộ từ Trung Quốc vào miền Bắc VN. Có tới 800 mục tiêu ở miền Bắc sẽ bị tấn công theo kế hoạch mới của CIA.
Tuy nhiên, Văn phòng CIA tại Sài Gòn khuyến cáo Tổng hành dinh tại Mỹ rằng phải mất 4-6 tháng để xác định vị trí, vạch kế hoạch, huấn luyện, thực hiện sứ mệnh của một nhóm và cần 4-5 tháng chỉ để đào tạo một điệp viên sử dụng thành thạo thiết bị truyền tín hiệu vô tuyến. Với những áp lực trên, Văn phòng Sài Gòn cho rằng khó có thể triển khai chương trình mới cho tới cuối năm 1962
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment