Tuesday, June 30, 2009

Chiến Tranh Ngoại Lệ 9


 
 Ðơn vị SOG tuyển thêm nhân viên, mặc dầu kế hoạch 34A (miền Bắc) không còn là nỗ lực chính nữa, SOG có thêm nhiệm vụ mới. Ðến tháng Giêng năm 1967, SOG có 207 nhân viên, phiá Việt-Nam đông đảo hơn, 470 người năm 1964, đầu năm 1966 tăng lên hơn 1700 người. Phần lớn những quân nhân này nằm trong hành quân Shining Brass (vượt biên qua Lào). Shining Brass đã bước qua giai đoạn thứ hai, xử dụng trung đội xung kích Hatchet tấn công mục tiêu trên đất Lào do toán biệt kích tìm ra.
     Một trong những nhiệm vụ mới trao cho đơn vị SOG, tìm kiếm những quân nhân Hoa-Kỳ mất tích (MIA). Ðầu năm 1967, SOG phác hoạ chương trình khác Dò-Thám Ðường, Tìm Mục-Tiêu Ngắn Hạn gọi tắt là STRATA. Kế hoạch này sẽ cho biệt kích quân Việt-Nam xâm nhập vùng phiá nam của miền Bắc thâu thập tin tình báo và đem toán biệt kích về khoảng bốn tuần sau. Kế hoạch này có vẻ giống như hành quân Shining Brass đã đổi tên là Prairie Fire. Francois được chỉ định trông coi chương trình Strata.
     Toán Strata đầu tiên qua Lào là Strata 111, phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương Khe-Sanh được trực thăng H-34 King Bee (phi đoàn 219) thuộc KL/VNCH  đưa đến mục tiêu. Vài giờ sau khi xâm nhập, toán biệt kích phát giác địch có mặt ở khắp nơi. Công điện bắt được của địch cho biết toán biệt kích vào đúng ổ sư-doàn 325 Bắc Việt.
     Toán biệt kích Strata đội nón cối, mặc quân phục, trang bị AK-47 như lính Bắc Việt cho họ thêm yên tâm. Bị lộ, họ chạy xa mục tiêu khoảng năm cây số và yêu cầu được triệt xuất khẩn cấp.  Ðã tránh địch quân và tìm được bãi đất trống trải, họ được trực thăng H-34 đến bốc đưa về Ðà-Nẵng. Tháng Tám toán Strata 112, xâm nhập Lào từ căn cứ tiền phương ở Dak-To trên Kontum. Nhiệm vụ của toán là dò thám một nhánh trên đường mòn Hồ-Chí-Minh. Họ xuống an toàn, ngày hôm sau di chuyển dọc theo con đường họ khám phá ra vài căn chòi. Sáng hôm sau nữa bị phát giác, toán Strata 112 lên máy yêu cầu triệt xuất. Mặc dầu có nhiều mây che phủ, các phi công H-34 vẫn vô đưọc mục tiêu đem toán biệt kích về tới Dak-To an-toàn.
      Các toán Strata kế tiếp chuẩn bị ra miền bắc. Ngoài trang bị như lính Bắc Việt, họ được mang theo máy truyền tin PRC-74 có thể liên lạc thẳng với máy bay thám thính bao vùng. Toán Strata 111 lần này có nhiệm vụ dò thám xe cộ của địch di chuyển trên đường 101 trong tỉnh Quảng-Bình. Một nhánh đường nhập vào đường 12 trước khi đến đèo Mụ-Già rồi nối vào đường mòn Hồ-Chí-Minh. Toán biệt kích đem theo ống nhòm đặt trên chân ba càng, toán sẽ theo dõi xe cộ của địch từ núi Khe-Sai gần đó.
     Rạng đông ngày 24 tháng Chín, biệt kích Strata lên trực thăng CH-3 trong căn cứ không quân Nakhon Phanom bên Thái-Lan. Ðể tránh rườm rà, chỉ có bẩy người đi thay vì cả toán mười ba người. Thiếu-tá Wilgus lên chiếc C-130 chỉ huy chuyến thả toán Strata 111. Thiếu tá Alton Deviny lái chiếc CH-3 kể lại ‘Bọn tôi thả họ lúc trời vừa sáng, đỉnh núi chỗ họ xuống  quá dốc và rừng thật rậm rạp’. Trong điạ thế hiểm trở, có điều lợi là ít bóng dáng địch quân, tuy nhiên trở ngại cho toán biệt kích lúc di chuyển. Ðiều này toán biệt kích sẽ rõ hơn, phải theo dõi sáu cây số đường trong điạ thế hiểm hóc là điều khó khăn. Kẹt hơn nữa khi họ hết nước uống, thêm hai biệt kích bị bệnh. Hôm 28 tháng Chín, toán Strata yêu cầu triệt xuất. Mặc dầu toán Strata không đem về được nhiều tin tức, đơn vị SOG mừng rỡ thành công trong việc đem về được toán biệt kích từ miền bắc lần đầu tiên.
      Không đầy một tháng, Strata chuẩn bị cho chuyến kế tiếp, lúc đó thiếu-tá Wilgus đã mãn thời gian phục vụ tại Việt-Nam được thay thế bởi thiếu-tá Victor Calderon. Ðến Việt-Nam lần  thứ hai, Calderon gom toán Strata 112 lại cho họ biết nhiệm vụ của họ xâm nhập phiá bắc tỉnh Quảng Bình, dò thám ngã ba nơi đường 15 nhập vào đưòng 12 rồi chạy về hướng nam đến đèo Mụ-Già. Ðiạ điểm họ xuống sẽ là khu vực rừng núi cách mục tiêu tám cây số về hướng tây bắc. Lần này họ phải nhẩy dù.
     Ðêm 23 tháng Mười, mười quân nhân biệt kích  trong toán Strata 112 lên máy bay MC-130 trong phi trường Tân-Sơn-Nhất. Phi cơ bay từ biển vào đến mục tiêu, các biệt kích quân nhẩy ra. Như những toán nhẩy dù xuống trước đây, toán Strata 112 bị phân tán. Hiệu thính viên Ngô-Phong-Hải không trông thấy ai trong toán trong khi đáp xuống, chiếc dù mang anh ta vướng trên một ngọn cây cao. Ðợi đến sáng, Hải cắt dây dù, leo xuống, sau đó gặp Mai-Văn-Hợp, chuyên viên chất nổ trong toán. Cả hai quay trở lại chỗ Hải xuống hồi đêm thâu hồi máy truyền tin. Năm tiếng đồng hồ sau, cả toán gom lại đầy đủ. Trưởng toán là t/u Nguyễn-Văn-Hùng hoài nghi điạ thế xung quanh khu vực thả dù không giống như trong bản đồ. Thêm vào nữa vài người trong toán báo cáo có làng gần đó.
     Sau khi phối kiểm, toán Strata 112 bị thả lầm xuống gần ranh giới tỉnh Hà-Tĩnh. Toán biệt kích phải di chuyển gấp, dân điạ phương sẽ khám phá ra họ và báo cho công an vũ trang. Sáng ngày 31 tháng Mười, toán biệt kích bị phục kích gần bờ một con suối. Ba biệt kích quân chết, một bị thương. Toán Strata 112 chạy về hướng nam tỉnh Quảng-Bình. Mặc dầu liên lạc được với máy bay Hoa-Kỳ, nhưng rừng quá rậm, họ không thể xác định đúng vị trí cuả toán biệt kích. Trực thăng cấp cứu phải quay về.
     Hết đồ ăn, toán biệt kích phải tìm cây, củ trong rừng nướng ăn, dân điạ phương thấy khói lại đi báo công an. Trong tuần lễ kế tiếp, công an vũ trang săn đuổi toán biệt kích. Toán Strata 112 bị phân tán, chạy lạc, một nhóm bị bao vây vào buổi trưa ngày 4 tháng Mười Một, mấy người khác bị bắt vài hôm sau. Ngô-Phong-Hải trốn thêm được mười hôm, mong có trực thăng đến cứu, hết đạn, bị đói, hết hy vọng, anh ta đầu hàng.
     Chương trình Strata có cấp chỉ huy mới là thiếu-tá George ‘Speedy’ Gaspard. Sau khi nghiên cứu tấm thảm kịch Strata 112, ông ta di chuyển các toán Strata ra Ðà-Nẵng. Có điều lợi là với máy PRC-74, các toán biệt kích có thể liên lạc thẳng với căn cứ hành quân tiền phương, không phải qua trung gian BUGS bên Phi-Luật-Tân. Thứ hai để tránh thảm hoạ, các toán sẽ xâm nhập bằng trực thăng CH-3 phát xuất từ căn cứ không quân Nakhon Phanom bên Thái-Lan. Ðể tránh rườm rà, toán biệt kích Strata sẽ gồm từ bốn đến tám người. Thêm vào nữa, sức vóc người Việt Nam nhỏ không nên đem theo nhiều đồ, chỉ đem đầy đủ thực phẩm đạn duợc, nếu cần sẽ được tiếp tế bằng trực thăng CH-3.
     Hài lòng, thiếu-tá Gaspard chuẩn bị cho chuyến thứ nhất trong năm 1968 Toán Strata 111 dự trù sẽ xâm nhập nơi phiá tây làng Mõ, làng lớn trong huyện Lê-Ninh tỉnh Quảng-Bình. Con đường 196 được xử dụng nhiều, chạy từ hướng tây nam làng Mõ qua biên giới Lào-Việt đổ vào đường mòn Hồ-Chí-Minh. Trong khu vực có sông Gianh, nhiều dấu hiệu cho thấy, Bắc Việt xử dụng cả hai lộ trình chuyển quân đồ tiếp vận vào miền nam. Tin tức lấy được trong khu vực này sẽ có giá trị cho Không Lực số 7 Hoa-Kỳ.
     Chiều ngày 17 tháng Ba, Strata 111 được trực thăng đưa vào vùng hoạt động. Xuống tới đất, toán biệt kích di chuyển đến mục tiêu. Sáng sớm hôm sau, họ đụng phải hai tiểu đội tuần tiễu của địch, hai bên bắn nhau chừng hai mươi phút, toán biệt kích di chuyển ra chỗ khác. Ðêm đó họ báo cáo về Ðà-Nẵng chuyện chạm súng ban sáng.
     Ðến ngày thứ ba, 19 tháng Ba, toán biệt kích trở nên dè dặt, cẩn thận, ba lần họ trông thấy các toán tuần tiễu của lực lượng an ninh điạ phương đang truy lùng họ. Bắt buộc toán Strata 111 phải yêu cầu triệt xuất.
     Kế tiếp Gaspard thử toán mới Strata 113. Ngày 31 tháng Ba, toán biệt kích xâm nhập vào cùng mục tiêu trước. Không thấy dấu hiệu của địch, một tuần sau, trực thăng vào bốc về. Strata 114 xâm nhập miền bắc, ngoài nhiệm vụ dò thám đường, toán biệt kích đem theo truyền đơn của đài Gươm-Thiêng Ái-Quốc, và gài mìn trên đường và khu vực lân cận. Trong ngày thứ  hai, toán đụng phải đơn vị tuần tiễu Bắc Việt, toán chạy thoát.
     Di chuyển dọc theo đường 196 về hướng nam, Strata 114 báo cáo về Ðà-Nẵng  chiều ngày 11 tháng Tư đã đến vị trí quan sát con đường. Quan sát con đường hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Ngày 12, SOG ra lệnh cho toán biệt kích băng qua đường, chụp ảnh  và rải truyền đơn, mìn bẫy. Một tiếng đồng sau khi đã thi hành xong nhiệm vụ, toán biệt-kích di chuyển đến chỗ an toàn. Họ nghe tiếng mìn nổ, chứng tỏ địch có xử dụng con đường.
     Toán Strata 114 còn hai ngày nữa mới hết chuyến công-tác, tuy nhiên họ hết nước đòi về. Toán biệt kích khát nước phải đợi đến ngày 15 tháng Tư, trực thăng mới vào bốc về. SOG quá hài lòng, biệt kích ra vào sau lưng địch như chỗ không người.
     Trong tháng Năm, căn cứ SOG ngoài Ðà-Nẵng có thêm nhiều toán biệt kích mới vừa xong khoá huấn luyện trong căn cứ Long-Thành. Toán lên đường là toán Strata 120 gồm sáu quân nhân, hai người đã có kinh nghiệm từ toán Red Dragon trước đây, hai Việt-Nam và hai người sắc tôc Nùng.
      Toán Strata 120 trang bị giống như những toán nằm vùng dài hạn trước đây, quần áo bộ-đội, súng không có số. Họ được trực thăng CH-3 đưa đến xâm nhập gần làng Mõ. Vài tiếng đồng hồ sau, toán biệt kích trông thấy toán tuần tiễu của địch đang di chuyển trong rừng, Họ báo cáo về Ðà-Nẵng yêu cầu triệt xuất, Ðược lệnh tiếp tục làm nhiệm vụ vì địch chưa khám phá ra sự hiện diện của toán biệt kích.
     Strata 120 di chuyển đến một điểm khác nơi phia bắc làng Mõ và biến mất. Trong vòng chín ngày sau, đơn vị SOG cố tìm kiếm toán biệt kích. Thêm máy bay quan sát, gọi Strata 120 trên   tần số khẩn cấp mỗi giờ, gửi điện văn trên đài Gươm-Thiêng Ái-Quốc. Ngày 26 tháng Năm, toán coi như mất tích.
     Ðơn vị SOG không hề tìm ra số phận cuả toán biệt kích Strata 120. Ðịnh mệnh đến với họ ngày 18 tháng Năm, bốn ngày sau khi xâm nhập. Nguyễn-Ðình-Lành xuống dò thám một giòng suối mà toán sẽ phải vượt qua. Giây phút sau, phần còn lại của toán nghe tiếng hò-hét ‘Ðầu hàng! Ðầu hàng!’, tiếp theo là súng nổ. Lành trúng nguyên băng đạn AK chết tại chỗ. Hai quân nhân Nùng nổ súng đáp lại, ba người còn lại lủi vào bụi.
     Chạy thục mạng cả năm biệt kích gặp lại nhau. Trong lúc chạy họ bỏ lại tất cả chỉ đem theo súng và ít đồ ăn. Ðêm đó họ trèo lên đỉnh một ngọn đồi, thắp đèn báo hiệu, hy vọng phi cơ quan sát Hoa-Kỳ sẽ trông thấy, đã bỏ mất máy truyền tin, các quân nhân biệt kích không còn cách nào hơn.
     Trốn trên một ngọn đồi nắng cháy, chờ được cứu thoát, họ hết nước uống, và hai người Nùng đi tìm nước, có Trịnh-Quốc-Anh đi theo. Hai người còn lại trên đồi nghe tiếng súng nổ, sau đó tất cả bị bắt ngày 24 tháng Năm.
     Ngày 14 tháng Năm, cùng lúc với toán Strata 120, Toán Strata 111 cũng xâm nhập trở lại khu vực họ đã xuống trước đó hai tháng. Hai ngày đầu họ báo cáo an-toàn, đến ngày 17 toán biệt kích nghe có tiếng súng và tiếng chó sủa. Mọi người nằm im chờ nguy hiểm qua rồi di chyển đến vị trí thám thính đường. Họ tiếp tục quan sát con đường thêm tám ngày và được bốc về ngày 30 tháng Năm.
     Một ngày sau khi toán Strata ra đi, toán Strata 122 xâm nhập nơi hướng bắc, trong toán này có ba anh em. Xuống đất Lào, toán không chịu đi nữa (xâm nhập vào bắc việt). Trực thăng đem họ về và sa thải ra khỏi đơn vị SOG.
     Cuối tháng Năm, Strata 113 xâm nhập lần thứ hai, trở về bình yên. Ngày 6 tháng Sáu, toán Strata 114 cũng xâm nhập lần thứ hai gần khu vực làng Mõ. Họ gặp ngay đoàn quân xa Molotova Bắc Việt đang di chuyển trên đường về phiá đường mòn Hồ-Chí-Minh. Không lực Hoa-Kỳ đã để ý mục tiêu này từ trước. Ngày 10 tháng Sáu, toán biệt-kích báo cáo bom rơi gần chỗ họ đang ẩn núp. Ðơn vị SOG phải thông báo cấp tốc cho KL/HK và yêu cầu dành cho toán biệt kích một khu vực an toàn không bị đánh bom.
     Trận đánh bom của KL/HK không có hiệu qủa, toán Strata 114 báo cáo bom không trúng mục tiêu con đường. Hai ngày sau, toán biệt kích mục kích đoàn Molotova chở đồ tiếp vận rất nặng nề di chuyển trên đường. Sau đó, họ khám phá ra một binh trạm chứa khoảng sáu mươi xe vận tải dấu kín trong cánh rừng già có cây che phủ rất rậm rạp.
     Những điều may mắn cho toán Strata 114 chấm dứt hôm 12 tháng Sáu, người trưởng, phó toán và nhân viên truyền tin không trở lại sau một chuyến đi quan sát ngắn. Nghe tiếng súng, lựu đạn nổ, bốn quân nhân còn lại trong toán dọt lẹ và được bốc về ngày 18 tháng Sáu.
     Strata 115 là toán mới, xâm nhập ngày hôm sau. Toán này sẽ tìm kiếm mục tiêu trong vùng phiá nam tỉnh Hà-Tĩnh, xa nhất cho các toán Strata, và cũng là toán gồm toàn người Miên. Trong những ngày kế tiếp, toán biệt kích Miên di chuyển đến mục tiêu dò thám đường của họ. Hết đồ ăn, SOG phải nhờ một chiếc khu trục A-1 không quân Việt-Nam thả bom giả Napalm chưá đồ ăn cho họ. Ngày 27 toán Strata 115 chạm súng với địch chết một biệt kích quân. Họ được trực thăng vào cứu đem về.
     Cũng trong cùng thời gian, toán Strata 111 đi chuyến thứ tư. Ngày 20 tháng Sáu, toán xâm nhập mười sáu cây số phiá bắc vùng phi quân sự. Trong bốn ngày đầu toán biệt kích không thấy sự hiện diện của quân đội Bắc Việt. Ngày 24, họ bị phát giác, gọi máy về Ðà Nẵng báo cáo rồi rải mìn, sau đó  di chuyển đến vị trí khác. Ba hôm sau Strata 111 đụng nữa, lần này phải chiến đấu, một biệt kích quân bị thương nơi đùi, họ yêu cầu được triệt xuất. Toán Strata 111 khi về đến Ðà-Nẵng bị giải tán.
     Trong mùa hè năm 1968, chương trình Strata tiếp tục phát triển, bây giờ có mật danh là kế-hoạch 34B, biệt kích nằm vùng dài hạn là 34A. Những toán mới được tuyển mộ gồm sĩ-quan, hạ-sĩ-quan trẻ trong QL/VNCH. Họ làm gia tăng hiệu năng cho các toán biệt kích Strata.
     Toán Strata 115 (Miên)  xâm nhập lần thứ hai, sau mười tám ngày hoạt động họ đụng phải quân Bắc Việt. Toán bị phân tán. Trực thăng đem về được ba người, bốn người khác mất tích.
     Toán cuối cùng xâm nhập trong tháng Bẩy là Strata 119, gồm sắc dân thiểu số Tày. Họ được tuyển mộ từ bên Lào, sau đó đưa về Long Thành huấn luyện cho đến hết năm 1967. Họ được chia làm hai toán, toán Qua không có kết quả phải cho họ về lại Vạn-Tượng. Toán Axe thành công có thêm hai hiệu thính viên Việt-Nam trở thành toán Strata 119.
     Ngày 29 tháng Bẩy, Strata 119 được trực thăng đưa vào khu vực gần làng Mõ. Trong tuần lễ đầu, họ không gặp trở ngại nào, sau đó toán biệt kích phát hiện quân đội Bắc Việt thường xuyên. Ngày 10 tháng Tám, hai ngày trước khi hết thời gian công tác, Strata 119 phát hiện địch quân đang đi lùng, trưởng toán Lò-Văn-Thông ra lệnh cho toán viên nằm im, gọi máy bay quan sát xin chỉ dẫn. Vì rừng rậm quá rậm rạp, Thông cùng với một biệt kích quân leo lên cây để định hướng, đúng lúc súng nổ vang dội ở dưới, cả hai nằm im trên cây cả tiếng đồng hồ. Trong lúc đó toán biệt kích còn lại chạy thoát và được trực thăng bốc đưa qua Thái-Lan. Thông cùng biệt kích quân còn lại định tìm đường qua Lào, họ bị quân Bắc Việt bắt.
Theo tài liệu ‘How American Lost the Secret War in North Vietnam’, Kenneth Conboy, Dale Andradé, United Press, 2000.

16-03-2001
        vđh

No comments:

Post a Comment