Friday, June 26, 2009

Chương 4 / Drive Them Crazy With Psywar- LÀM CHO HỌ PHÁT ĐIÊN BẰNG CHIẾN TRANH TÂM LÝ



CHƯƠNG BỐN

LÀM CHO HỌ PHÁT ĐIÊN BẰNG CHIẾN TRANH TÂM LÝ


Vào cuối năm 1962, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Sài Gòn, Bill Colby kết luận là hoạt động chống miền Bắc của CIA đã đổ vỡ. Nhất là các toán biệt kích không hề mang lại kết quả.

Colby trở về Washington lãnh đạo Phòng Viễn Đông trong Cục kế hoạch, cơ quan chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động bí mật của CIA. Một trong những hành động đầu tiên của ông là yêu cầu nhân viên đánh giá hoạt động ở miền Bắc của Trung tâm Sài Gòn. Bản báo cáo của họ khẳng định những gì Colby đã lường trước. Sau này Colby nhớ lại là "Viên phó của tôi nói với tôi như sau: "Đây hãy nhìn xem, nó (việc tung gián điệp ra miền Bắc) thật là vớ vẩn". Anh ta còn nhắc lại kinh nghiệm ở Triều Tiên, ở Liên Xô trong những năm cuối 1940, ở Trung Quốc đầu 1950 và không một hoạt động nào trong số đó thành công". Bản báo cáo nói một cách thẳng thắn là những "kiểu hoạt động biệt kích này ở miền Bắc sẽ không mang lại kết quả".1

Điều đó đặt ra một câu hỏi hắc búa cho Colby. Rõ rành là hoạt động của CIA chống Hà Nội không đi tới đâu, nhưng, theo Colby, tổng thống Kenedy tiếp tục yêu cầu ông "gia tăng sự mất an ninh ở miền Bắc tương xứng với độ mất an ninh họ đang gây ra ở miền Nam".2 Liệu có điều gì nữa mà CIA có thể làm không? Theo Colby câu trả lời là chiến tranh tâm lý. Ông tin là chế độ cộng sản thường hoang tưởng, nếu bạn có thể tạo ra tâm lý đó, "thì sẽ làm họ phát điên".3 Khi còn là trạm trưởng ở Sài Gòn, ông đã khởi xướng một chương trình tâm lý chiến chống Hà Nội có quy mô nhỏ. Giờ đây, Colby muốn mở rộng nó. Có thể câu trả lời chưa hẳn đã đúng, nhưng đó là tất cả những gì ông nghĩ ra.

Thật ra, những gì Colby đề nghị là lôgíc. Ông muốn khoét sâu vào nỗi ám ảnh của Hà Nội về gián điệp để khai thác sự lo sợ quá mức về lật đổ và bạo loạn. Trong thực tế, hoạt động chiến tranh tâm lý không có gì thần kỳ, trái hẳn với những người nhiệt tình ủng hộ hình dung. Đó là một công cụ trong quan hệ giữa các quốc gia và là một phần trong "túi thủ đoạn" của CIA trong chiến tranh lạnh.

Trong khi chiến dịch tâm lý chiến bí mật không có gì thần kỳ, việc thực hiện nó lại rất phức tạp. Nó kéo theo việc sử dụng có kế hoạch việc tuyên truyền (như đài phát thanh, tờ bướm, các tài liệu ở dạng in ấn) và các kỹ thuật tâm lý khác (như tổ chức giả hiệu, tưởng tượng) để tác động ảnh hưởng đến quan điểm, tình cảm, thái độ, động cơ và hành vi của giới lãnh đạo và dân chúng ở quốc gia thù địch. Chiến dịch chiến tranh tâm lý rất phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức.

Năm 1948, cựu nhân viên của OSS, Frank Wisner được giao phụ trách hoạt động ngầm. Cơ quan do ông lãnh đạo có tên Văn phòng phối hợp chính sách được đặt ở CIA nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng an ninh quốc gia. Ông biết hoạt động ngầm là một công việc rắc rối, dù là tập trung vào khía cạnh chính trị, tâm lý, bán quân sự hoặc kinh tế. Wisner cho rằng tất cả các hoạt động như vậy cần phải do một cơ quan có quyền lực rộng rãi "có thể chơi bài quân sự và ngoại giao; có thể tổ chức hoạt động, kiểm soát báo chí, tác động dư luận".4 Hình ảnh này cho thấy tính phức tạp trong tất cả hoạt động ngầm, đặc biệt là chiến tranh tâm lý.

Để thành công, hoạt động chiến tranh tâm lý cần phải được quản lý như là một chiến dịch phức tạp gắn kết hàng loạt các biện pháp. Nhưng đó mới chỉ là những điều mà Colby có trong đầu về hoạt động chống miền Bắc khi ông chọn Weisshart làm phó trưởng trung tâm CIA ở Sài Gòn phụ trách bộ phận hoạt động chống miền Bắc năm 1963. Weisshart nhanh chóng nhận ra chiến dịch tâm lý chống Hà Nội có quy mô không lớn. Bản hướng dẫn của Colby nói rõ: một hoạt động có quy mô nhỏ là đủ.

Weisshart đến Sài Gòn tháng 3- 1963 để triển khai chương trình chiến tranh tâm lý. Ông nhớ lại rằng mình gần như phải bắt đầu từ con số không: "không có hoạt động chiến tranh tâm lý đáng kể nào chống lại miền Bắc vào lúc bấy giờ".5 Weisshart đã tiến hành hoạt động tương tự ở Đông bắc Á và dựa chủ yếu vào những kinh nghiệm đó. Ông không có sự lựa chọn nào khác vì ông biết rất ít về Việt Nam.

Mục tiêu của chiến tranh tâm lý này là gì? Theo Weisshart, "chỉ có một mục tiêu duy nhất: đó là thử xem chúng ta có thể làm gì để buộc miền Bắc phải san sẻ bớt nguồn lực và làm cho họ lo lắng về những gì chúng ta đang làm ở sân sau của họ. Bạn không thể trông đợi nhiều hơn".6

Tuy nhiên, Weisshart phải làm việc và bắt đầu triển khai chương trình chiến tranh tâm lý. Nó bao gồm việc tăng cường chương trình phát thanh từ các đài phát bí mật vào miền Bắc, tăng số truyền đơn và hàng tâm lý chiến qua đường không, đường biển, và tạo ra một tổ chức chống đối giả được gọi là Gươm thiêng ái quốc (SSPL). Trong quá trình làm việc, Weisshart biết được việc Washington trở nên kém nhẫn nại với nỗ lực của CIA và đã quyết định chuyển giao hoạt động ngầm cho Lầu Năm Góc. Đã đến lúc hun nóng Hà Nội, và như ông nhớ lại, quan điểm của các nhà vạch chính sách là "quân đội có tiền, nhân lực và vật lực để làm điều đó".7

Khi việc bàn giao được tiến hành năm 1963, Herb Weisshart không chỉ chuẩn bị cho OPLAN 34A mà còn biết là mình và một số đồng nghiệp CIA khác được cử sang SOG làm việc dưới sự chỉ đạo của một đại tá có tên Clyde Russell. Với quy mô tham vọng của Kế hoạch 34A, Weisshart hy vọng mình có cơ hội để mở rộng chương trình chiến tranh tâm lý.

KHỞI ĐẦU: CHƯƠNG TRÌNH CHIẾN TRANH TÂM LÝ CỦA SOG

Đại tá Russell, chỉ huy đầu tiên của SOG, gặp bốn thách thức trong việc điều hành tổ chức non trẻ của bộ phận chiến tranh tâm lý: tìm được đúng người thành lập phòng hoạt động của bộ phận chiến tranh tâm lý, vạch kế hoạch hoạt động, và tiến hành hoạt động. Hơn nữa, ông phải hoàn thành công việc trên gần như cùng một lúc. Đó là nhiệm vụ quá nặng nề.

Vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự là nhân sự. Weisshart chuyển sang giữ chức phó chỉ huy SOG vào lúc Russell đến Sài Gòn tháng 1-1964. Ông là một nhân viên CIA cao cấp trong số ít các chuyên gia chiến tranh tâm lý của cơ quan này. Russell yêu cầu Weisshart chờ đón một nhóm lớn các chuyên gia tâm lý chiến của quân đội. Mọi thứ xem ra đầy hứa hẹn. Sếp của SOG nói như vậy vì Trung tâm chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg có một bộ phận chuyên về hoạt động chiến tranh tâm lý và do vậy các sĩ quan được cử đến SOG sẽ nắm được công việc. Ít nhất họ đã được nghe giảng và huấn luyện các phương pháp tâm lý chiến tại Bragg. Ông hy vọng thậm chí một số đã thực sự trải qua công việc trên chiến trường. Khi đoàn sĩ quan đến, Russell nhận được thứ khác hẳn. Weisshart nhớ lại là họ phần lớn là các đại uý trẻ không có kinh nghiệm hoạt động chống lại địa bàn bị từ chối. Hy vọng của Russell thế là bị sụp đổ.

Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm chỉ là một phần của vấn đề. Trong khi những sĩ quan trẻ đã trải qua khoá học về hoạt động tâm lý chiến tại Fort Bragg, Russell phát hiện ra nội dung khóa học hầu như không đụng chạm tới dạng hoạt động cụ thể mà Weisshart muốn triển khai và mở rộng chống lại Hà Nội. John Harrell, một trong số đại uý đó. Trước khi đến SOG, Harrell đã công tác ba năm rưỡi ở Trung tâm Chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg. Harrell theo học khoá huấn luyện sĩ quan hoạt động tâm lý chiến và các khoá học khác liên quan đến các khía cạnh khác nhau của tuyên truyền. Harell cũng đã được cử đến nhiều đơn vị chuyên về nhiệm vụ tâm lý chiến. Mặc dầu vậy Harrell không được chuẩn bị cho dạng hoạt động mà ông tham gia trong nhiệm kỳ ở SOG. Trên thực tế, Harrell "không biết rằng đó là nhiệm vụ tâm lý chiến cho đến khi đến Sài Gòn tháng 1-1964".1

Đó lại là vấn đề nhân sự mà Russell đang gặp phải ở SOG. Sự chuyên môn hoá mà ông yêu cầu cho hoạt động chiến tranh tâm lý không tồn tại trong cộng đồng chiến tranh đặc biệt, trái ngược hẳn với những suy nghĩ của các nhà vạch chính sách ở Washington. Kiến thức vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động tâm lý chiến chống lại địa bàn bị từ chối không thể tìm thấy trong quân đội Mỹ. Một đại uý trẻ khác cùng đến nhận công tác ở SOG năm 1964 là John Hardaway nhận xét: “với tất cả những gì tôi biết, quân đội không có kinh nghiệm thực tiễn để rút ra bài học. Tôi đã công tác tâm lý chiến trong tám năm đầu tiên ở lục quân. Thực ra, khi kết thúc tôi đã là một trong những cựu chiến binh. Chúng tôi chỉ không có chuyên gia về tâm lý chiến và chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm. Những người giảng dạy chúng tôi ở Fort Bragg chỉ ở cấp đại uý và họ không phải là những người dày dạn trong hoạt động tâm lý".2

Những sĩ quan trẻ này còn thiếu cả hiểu biết về miền Bắc. Chiến tranh tâm lý đòi hỏi sự hiểu biết kỹ lưỡng về mục tiêu trên mọi phương diện chính trị, xã hội, tổ chức,và lịch sử. Khi được hỏi liệu ông và đồng nghiệp có hiểu biết về điểm áp lực tâm lý ở miền Bắc hay không, Hardaway trả lời "tôi không nghĩ vậy”. Những gì mà SOG cần là những cá nhân có thể "nói được ngôn ngữ, được học về đối tượng tác động, về văn hoá, nhưng trên thực tế, họ khác hẳn".3

Có lẽ điều tồi tệ hơn là những sĩ quan này chỉ đến công tác tại SOG trong thời gian ngắn và tạm thời vì Russell gặp phải rắc rối trong việc xin phê duyệt những nhân viên cần thiết, mà thông thường thời hạn công tác là một năm. Ông đã cãi vã với MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương về 40 biên chế đã bị cắt bớt trong tổng số 150 nhân viên mà ông yêu cầu. Washington muốn đẩy mạnh hoạt động bí mật, nhưng Russell lại được yêu cầu cắt giảm số người mà theo ông rất cần để tiến hành công việc.

Cách khắc phục điểm yếu này là cho mượn nhân viên. Đó là giải pháp tình thế và các đại uý trẻ chưa hề có kinh nghiệm hoặc được huấn luyện về tâm lý chiến và không hiểu hoặc hiểu biết rất ít về mục tiêu được cử đến SOG công tác trong thời gian sáu tháng, khó mà đủ cho việc huấn luyện tại chỗ chứ chưa nói đến việc giúp Weisshart mở rộng hoạt động tâm lý chiến chống lại Hà Nội.

Dẫu sao, Russell tính toán, những sĩ quan này sẽ học từ nhân viên CIA được cử đến bổ sung cho bộ phận tâm lý chiến. Có rất nhiều chỗ trống trong bộ phận này và ông hy vọng nhận được một số lượng lớn nhân viên CIA để lấp vào đó Tháng 12-1964, SOG đề nghị xin 31 nhân viên CIA. Nhưng cơ quan này không hề có ý định cử một số lượng lớn nhân viên như vậy. Theo hồ sơ, “quan niệm ở Sài Gòn là CIA sẽ rút khỏi chương trình 34A trong vòng sáu tháng". Vì vậy, CIA không chấp thuận đề nghị và chỉ cử 13 nhân viên.

Vào năm 1966, số nhân viên này giảm xuống chỉ còn 9. Do vậy, vấn đề cử nhân viên CIA đến SOG trở thành nội dung của buổi làm việc giữa Colby và thiếu tướng William Peers, trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Sự hỗ trợ "thiếu tích cực" của CIA cho SOG, như Russell trình bày sẽ ngáng trở SOG trong nhiều năm tới. Peers không thể lay chuyển CIA để cung cấp thêm người cho SOG. Colby thừa nhận là vào lúc đó "CIA không hỗ trợ SOG một cạch thích đáng".4 Theo Ted Shackley, trạm trưởng CIA vào cuối những năm 1960, tiêu điểm của CIA ở Việt Nam là ở miền Nam. Vào năm 1964, nhũng yêu cầu về nhân sự của CIA là rất lớn và được ưu tiên trước hết. Vì vậy Shackley thừa nhận, SOG không thể nhận đủ theo yêu cầu.5

Ngoài ra, chất lượng một số ít nhân viên tâm lý của CIA được cử đến SOG không đồng đều. Chỉ có rất ít người biết tiếng Việt, văn hoá, và bối cảnh hiện tại. Thêm vào đó công việc ở bộ phận chiến tranh tâm lý thuộc Cục kế hoạch của CIA không được coi là "hứa hẹn”. Theo Phil Adam, một nhân viên CIA phục vụ tại SOG, "chiến tranh tâm lý được coi là bộ phận không quan trọng của CIA. Bộ phận quan trọng là tình báo, tức là tình báo tích cực (thu thập tình báo qua điệp viên), đó là số một và số hai là hoạt động bán quân sự. Đó là lĩnh vực được coi là quan trọng và tôi cho rằng, theo một cách nào đó, đây là một thất bại của hoạt động chiến tranh tâm lý".6

Một số lượng lớn người Việt Nam làm việc cho bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG (OP39) trong đó có nhiều người từ miền Bắc di cư năm 1954. Họ cung cấp sự hiểu biết về miền Bắc. Họ nắm được các khía cạnh chính trị, xã hội, văn hoá, cấu trúc, và lịch sử. Họ dịch các tài liệu tuyên truyền sang ngôn ngữ thích hợp, làm phát thanh viên và cung cấp nhân sự cho hoạt động của phong trào Gươm thiêng ái quốc.

Cuối cùng, Russell cần một sĩ quan quân đội có kinh nghiệm để phụ trách bộ phận tâm lý chiến. Trung tá Martin Marden được cử đến. Tương tự như vị chỉ huy đầu tiên của OP34, Marden là một sĩ quan ưu tú. Nhưng ông có phải là một chuyên gia chiến tranh tâm lý không? Ông có kinh nghiệm hoạt động ở địa bàn bị từ chối không? Theo Weisshart, người đã làm việc với Borden, câu trả lời là "Không, không hơn bất kỳ ai mà tôi biết".7

Chỉ có một trong năm sĩ quan quân đội giữ cương vị chỉ huy trưởng của OP34 là có kiến thức về chiến tranh tâm lý. Marden được thay thế bằng trung tá Robert Bartelt, một cựu nhân viên của lực lượng đặc biệt. Được coi là một chỉ huy năng động, Bartelt tham gia Nhóm đặc biệt số 77 năm 1955. Sự hiểu biết của ông về chiến tranh tâm lý chủ yếu là trong lĩnh vực hoạt động ngầm. Trung tá Albert Mathwin thay Bartelt tháng 8-1966. Ông không có kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh tâm lý nhưng đã phục vụ một nhiệm kỳ tại bộ phận chiến tranh tâm lý của Lầu Năm Góc. Tại sao ông lại trở thành chỉ huy trưởng OP39? Martin đã kể câu chuyện sau. Ông đã chuẩn bị nghỉ hưu. Tuy nhiên trước khi nghỉ, ông muốn sang Việt Nam công tác một nhiệm kỳ. Ông biết việc hình thành SOG, tình nguyện sang công tác và được chuẩn y. Khi chuẩn bị cho việc lãnh đạo OP39, Mathwin được cử tham gia một khoá huấn luyện về chiến tranh tâm lý tại Fort Bragg.

Sau đó là trung tá Thomas Bowen, học viên của Westpoint khoá 1948. Phần lớn sự nghiệp của ông là trong lực lượng bọc thép và bộ binh. Trước đó ông đã sang Việt Nam và được nhận huân chương "Bronze Star" - Sao đồng. Tháng 6-1968, trung tá Louis Bush thay thế Bowen. Tốt nghiệp Westpoint năm 1949, ông là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tâm lý chiến trong số chỉ huy của OP39. Bush làm quen với vấn đề này tại Trường chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg và nhân viên điều hành của Nhóm hoạt động tâm lý chiến số bảy ở Okinawa. Ông chỉ giữ cương vị chỉ huy OP39 trong thời gian năm tháng và rời SOG tháng 11-1968.

Đối với Russell, bức tranh về nhân sự thật là pha trộn. Các sĩ quan quân đội rất hăng hái nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Và tình trạng này cơ bản vẫn giữ nguyên trong những năm tiếp theo. Các nhân viên CIA biết kỹ thuật và có kinh nghiệm thực tiễn nhưng nhìn chung là xa lạ với Việt Nam. Người Việt Nam có thể có sự hiểu biết về tình hình ở miền Bắc nhưng họ không phải là sự lựa chọn lý tưởng. Russell chỉ còn biết hy vọng họ sẽ làm việc ăn khớp với nhau.

Sau đó, Russell và Weisshart thành lập Nhóm hoạt động tâm lý chiến, hay OP39. Khi OP39 phát triển trong những năm tiếp theo, bốn bộ phận dần hình thành: nghiên cứu và phân tích; tài liệu in ấn, giấy tờ và thư từ giả; đài phát thanh; và dự án đặc biệt. Các tổ công tác có tính khép kín cao. Vì vậy, các sĩ quan trong một tổ công tác thường không biết những gì xảy ra trong tổ khác. Các tổ công tác này nằm rải rác trong Sài Gòn. Tình trạng này cộng với thực tế là sếp của OP39 là người ít kinh nghiệm đã tác động tiêu cực đến sự phối hợp giữa các bộ phận.

No comments:

Post a Comment