Tuesday, June 30, 2009

Cuộc Chiến Bí Mật Phần 2


Khi quan điểm mới của Colby về hoạt động của các nhóm bán vũ trang đang được thực hiện thì một sự kiện khác lại xảy ra ở nửa bán cầu bên kia có ảnh hưởng lâu dài đến chương trình bí mật của CIA, nếu không nói là ảnh hưởng đến bản thân chiến tranh Việt Nam. Đó là sự kiện Vịnh Con Lợn 17-19/4/1961 vụ đổ bộ vội vàng vào Cu Ba bị thất bại, gây ra tác động đối với Việt Nam xảy ra ngày 20-4: khi Tổng thống Kennedy thành lập nhóm "nghiên cứu đặc biệt", do tướng Maxwell Taylor phụ trách, có nhiệm vụ xem xét về thảm họa vịnh Con Lợn và khuyến nghị để những hoạt động tương tự của Mỹ trong tương lai ở môi trường không có chiến tranh công khai trở nên có hiệu quả.

Tổng thống Kennedy cho rằng "Chủ nghĩa cộng sản" đang tiến hành chiến dịch gặm nhấm. Ông ta cũng bày tỏ sự quan tâm nhiều đến các hoạt động bán quân sự đối đầu với cuộc chạy đua vũ trang đang tiếp tục leo thang. Quan điểm của ông ta cho thấy: "Cách mạng l959" của Cu Ba và thất bại ở vịnh Con Lợn hai năm sau đó chỉ là dấu hiệu của những vấn đề sắp xảy ra. Ông cho rằng: cả Nam Việt Nam và Lào tiếp theo cũng trở thành cộng sản, nếu không có một biện pháp gì đó thật hữu hiệu để ngăn chặn và phải tiến hành thật nhanh. Giải pháp của Tổng thống là bắt đầu một quá trình chuyển các hoạt động dạng bán quân sự kiểu này từ CIA sang Bộ Quốc phòng ở Việt Nam, đồng thời đưa vào kế hoạch chiến tranh đã được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) thông qua.

Ngày 13/6, nhóm của tướng Taylor đã đệ trình báo cáo kết quả nghiên cứu của mình cho Tổng thống Kennedy, báo cáo chỉ ra rằng: "Mỹ đang ở trong một cuộc chiến tranh một mất một còn mà chúng ta có thể đang hoặc sẽ thất bại, trừ khi chúng ta thay đổi cách thức và điều phối được các nguồn lực, với một cường độ giống như thời kỳ chiến tranh trước kia". Báo cáo đề nghị là phải phối hợp tập trung lực lượng bán quân sự bí mật ở Việt Nam, và những phần chủ yếu của đề nghị này đã được Kennedy thông qua vào ngày 28/6.

Trong khi Kennedy yêu cầu đánh giá về sự kiện Vịnh Con Lợn, thì bốn trung sĩ thuộc sư đoàn 22 quân đội Việt Nam Cộng hoà cũng đang chuẩn bị tiến hành thực hiện chương trình mở rộng hoạt động ra miền Bắc của CIA. Họ được các sĩ quan tình báo của sư đoàn 22 phát hiện là có khả năng tiến hành các hoạt động cho Sở khai thác địa hình xâm nhập vào Bắc Việt. Tất cả bọn họ đều người gốc Sơn La và đã phục vụ quân đội Việt Nam trong liên hiệp Pháp.

Họ được đưa về Sài Gòn sau khi đồng ý tự nguyện tham gia chuyến công tác bí mật ra Bắc. Khi văn phòng 45 thông báo cho biết là sẽ nhảy dù xuống Sơn La thì họ đã không khước từ ý định tham gia chuyến công tác này. Tháng 5, bốn người đó trở thành toán CASTER dưới sự chỉ huy của Hà Văn Chấp. Họ được thả xuống Sơn La và ở đó lực lượng của Bắc Việt đã sẵn sàng chờ đón. Chẳng bao lâu sau khi họ bị bắt, nhân viên điện đài đã buộc phải làm việc cho Cục phản gián-Bộ Công an. Anh ta đã thông báo cho Sài Gòn là nhóm đã đến nơi an toàn. Toán CASTER vẫn tiếp tục liên lạc qua điện đài như là một toán độc lập cho đến tháng 7/1963 khi CIA cho rằng họ đã mất liên lạc với CASTER. Lần xuất hiện cuối cùng của CASTER là ở Lào. Ngày 2/6, 3 người thuộc toán ECHO nhảy dù xuống huyện Lam Trạch thuộc vùng ven biển Quảng Bình. Họ bị bắt cùng với các thiết bị điện đài mà Cục phản gián đã sử dụng để mở rộng chiến dịch nghi binh lúc đó đang phát triển. Nhân viên điện đài đã làm theo mệnh lệnh của Bắc Việt nhưng bí mật báo cho Sài Gòn biết là mình đang bị khống chế. Sau đó, Trung tâm CIA ở Sài Gòn liền dùng cái gọi là "trò chơi vô tuyến" mèo vờn chuột thầm lặng với kẻ thù thông qua sóng vô tuyến. Trò chơi này được tiếp tục cho đến 8/1962 khi CIA chủ động chấm dứt.

Cũng tháng 6 năm đó, 4 trung sĩ khác đều là người Tây Bắc Việt Nam đã tham gia lực lượng bán quân sự đang phát triển. Được lập thành toán DIDO, họ nhảy dù xuống Lai Châu, gần thị xã. Một thành viên trong toán đã kể lại số phận của họ cho một biệt kích khác trong tù như sau: "Sau khi đổ bộ, chúng tôi chạy ra khỏi rừng. Tôi chạy về nhà lấy thức ăn liền bị bắt trước khi quay trở lại với đồng đội".

Lực lượng an ninh Hà Nội được đưa đến chỗ của DIDO và nhân viên điện đài đã bị thuyết phục phát tín hiệu dưới sự khống chế của Hà Nội. Anh ta cũng phải theo những thủ tục qui định nhưng đã ngầm báo cho Sài Gòn biết mình đang phát tin dưới sự khống chế của Hà Nội, và còn có hai điệp viên khác đã nhảy dù để tăng cường cho toán này.

Toán DIDO cũng giống như ECHO trở thành đối tượng của "trò chơi điện đài" giữa CIA và Hà Nội cho đến khi CIA từ bỏ liên lạc với DIDO. Mặc dù Sài Gòn nhận biết được họ đã bị bắt nhưng theo báo cáo thì DIDO chịu trách nhiệm đối với sự mất tích của toán REMUS sau đó.

Cũng vào tháng 6/1961, sĩ quan CIA Samuel Halpern đến Sài Gòn. Là sĩ quan văn phòng ở Tổng hành dinh của CIA ở Washington năm l945, ông ta đã giám sát các hoạt động của điệp viên Patti thuộc OSS ở Đông Dương. Halpern đến Sài Gòn với một nhiệm vụ rất đặc biệt. Ông ta đã kể lại một cách ngắn gọn nhận thức của mình về hoạt động của Colby:
-Tháng 6/1961, Cục trưởng Cục Viễn Đông Desmond Fitgerald đã cử tôi đến Sài Gòn thực hiện một nhiệm vụ bất thường. Tôi ở đó khoảng 4 tháng do liên quan đến một ý tưởng khác của tướng Edward Lansdale. Ý tưởng đó là phải tìm ra vị trí của tất cả các máy phát vô tuyến của Việt cộng ở Nam Việt Nam rồi thả các nhóm lính dù xuống đó để bắt nhân viên điện đài cùng các trang thiết bị liên quan. Lúc đó, tôi là đại diện của CIA Sài Gòn trong một nhóm hỗn hợp Mỹ-Việt Nam Cộng hoà có nhiệm vụ thực thi ý tưởng đó. Nó tưởng chừng như đơn giản nhưng chưa bao giờ thành công. Lansdale là phó cho thiếu tướng Graves Erskine-chỉ huy văn phòng các hoạt động đặc biệt trực thuộc Bộ Quốc phòng. Lansdale làm phó văn phòng từ 1957-1963 và văn phòng của Erskine là điểm chốt trong Bộ Quốc phòng để trợ giúp về mặt quân sự nếu CIA cần hoặc yêu cầu. Lansdale đã phục vụ đắc lực cho Tổng thống Magsaysay ở Philipine vào giữa những năm 1950, và đã trở thành một nhân viên "kỳ diệu". Sự "kỳ diệu" này không thể có ở Nam Việt Nam và Cu Ba. Trong khi phỏng vấn, tôi đã hỏi Halpern: "Nhìn chung, các hoạt động này được thực hiện như thế nào theo quan điểm phát triển đã được ban NSC5412 thông qua sự cho phép của Bộ tổng hành dinh và các yêu cầu của CIA ở Sài Gòn để phối hợp tác chiến theo quan điểm và sự điều chỉnh của Bộ tổng hành dinh?" Ông ta tiếp tục: "Tôi nghĩ rằng sự phân cấp ở đây cũng giống như tất cả các hoạt động dạng thế này, cụ thể là được nhóm đặc biệt của Hội đồng an ninh thông qua. Trong nhiều năm, nhóm đặc biệt đã được biết đến dưới nhiều cái tên khác nhau: 5412, 303 nhóm đặc biệt"...

Sự phân cấp cơ bản đối với các hoạt động này có thể bắt đầu với sự thông qua về mặt nguyên tắc từ nhóm đặc biệt, hoặc cũng nhóm đó với một tên khác vào một thời điểm khác. Nó có thể xuất phát từ ý tưởng của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng hay Bộ Tổng hành dinh của CIA, hoặc theo đề nghị của chỉ huy một bộ phận CIA ở nước ngoài. Đề nghị được đưa đến cho nhóm đặc biệt phải viết theo mẫu chuẩn của tài liệu dạng quân sự. Bất cứ sự thay đổi lớn nào về quan điểm, cần phải có sự chấp nhận của nhóm đặc biệt. Sự chấp nhận quan điểm thường được xử lý bởi một sĩ quan văn phòng thích hợp phụ trách khu vực hoạt động đó.

Tất cả mọi hoạt động đều có tính độc lập. Chẳng hạn rất ít sĩ quan trong cơ quan tình báo biết được rõ ràng những thông tin về U2, và còn ít hơn nữa có thể nhìn thấy những sản phẩm cụ thể. Tôi không nhớ ràng Việt Nam được coi là mục tiêu ưu tiên cao vào cuối năm 1960 hay đầu 1961. Không phải theo nghĩa về sự ưu tiên quốc gia của chúng ta được đặt ở đâu. Như mối quan tâm hàng đầu là Liên Xô, sau đó là Trung Quốc và những vấn đề khác. Việt Nam không phải là một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng ta. Tôi đã đại diện cho trạm CIA Sài Gòn ở Hội nghị chỉ huy các trạm trưởng vào đầu 1961 ở Tổng hành dinh Thái Bình Dương và tôi không nhớ rằng: chúng tôi đã thảo luận về các hoạt động bán vũ trang có áp lực gì đối với trạm CIA ở Sài Gòn không? Tôi hỏi Halpern. Ông ta cười và trả lời: "Có thể là có áp lực ở thời điểm đó bởi vì họ chắc chắn là có mặt ở các khu vực khác và ở các thời điểm khác. Chẳng hạn như vụ Mongoóe ở CuBa vào cuối năm 61-62 rồi sau đó nữa. Ví như sau vụ Vịnh Con Lợn, Giám đốc CIA sẽ tiếp tục phát triển các hoạt động của mình. Đấy là một giai đoạn khó khăn nhưng chúng tôi cũng vẫn phát triển. Tôi nghĩ là không có ảnh hưởng gì đến hoạt động của bản thân Sài Gòn. Bởi vì CuBa là CuBa mà Việt Nam là Việt Nam".

Khi tôi hỏi Halpern là ông đánh giá thế nào về trạm CIA Sài Gòn thì ông ta nói: "Chỉ huy trưởng trạm CIA Sài Gòn rất tích cực trong việc tiến hành các hoạt động ra miền Bắc . Tôi nhận ra vấn đề này vào cuối tháng 6/1961, khi đến gặp ông ta ở Văn phòng và thấy ông ta cùng với cấp phó của mình ở Trung tâm tín hiệu nằm trên tầng cao nhất của Đại sứ quán cũ. Trạm đã có một nhóm sẵn sàng lên đường nhưng vẫn chưa nhận được lệnh cho phép từ Bộ Tổng hành dinh.

Trưởng trạm CIA Sài Gòn đã gửi một bức điện báo khẩn trước đó, và tôi ngạc nhiên là ông ta vẫn chưa nhận được trả lời, nhất là khi máy bay đang chờ cất cánh để đưa các điệp viên đi. Tôi đề nghị là cần phải gửi một bức điện báo thượng khẩn và họ cũng đã gửi bức điện báo đó. Chỉ trong vòng vài phút sau họ đã nhận được bức điện "thượng khẩn" trả lời.

Ở Sài Gòn, tôi biết rất ít về các hoạt động ở miền Bắc, ngoại trừ một điều: hình như mục đích của chúng chỉ là để thu thập thông tin. Ý tưởng ở đây là đưa một số người ra Bắc thu thập thông tin và báo cáo về Sài Gòn. Nhiệm vụ của họ là đi thăm dò xem có điều gì xảy ra ở đó? Ai là cái gì? Rồi báo cáo. Bây giờ thì tôi mới biết rằng: các toán còn được giao những nhiệm vụ khác nữa.

Việc ngủ lại trung tâm tín hiệu của Trạm CIA Sài Gòn có lẽ đã làm cho Samuel Halpern trở thành ngoài cuộc đối với sự kiện quốc tế đang xảy ra. Sáng sớm ngày 1/7, một chiếc máy bay C47 khác của đại tá Nguyễn Cao Kỳ đã bay ra Bắc để thả một nhóm điệp viên vào hậu phương của địch, chiếc máy bay đó bị rơi ở Ninh Bình ngay khì mới bay vào đất liền, theo như báo cáo thì do một đơn vị phòng không có tên là Gun Crew 40 nhận được lệnh bắn. Một điệp viên và hai nhân viên của đội bay đã thoát nạn. Họ đã bị bắt vào ngày 2/7 và chờ xử án ở Hà Nội vào tháng 11 năm đó. Việt Nam đã gắn sự kiện này với sự thành công bắt được toán CASTER trong khi đó lại làm thinh về vai trò thực tế của ARES.

Tháng 12 năm đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đưa ra thông báo về việc xử ba điệp viên bị bắt ở Ninh Bình, trong đó có nói rằng: những hoạt động gián điệp chống lại Bắc Việt là do quân đội Mỹ tiến hành. Các lời xác nhận của phi công C47 đã khẳng định: mệnh lệnh mà anh ta nhận được là từ quân đội Mỹ, từ một văn phòng mang tên là "nhóm cố vấn Mỹ". Đối với mọi người Mỹ có liên quan đến các hoạt động gián điệp được Hà Nội coi như là chịu sự chỉ đạo của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI). CIA không được nhắc đến trong vụ án công khai tháng 12/1961.

Vụ án đã nhắc tới Liên đội quan sát 1 và Ngô Thế Linh-Phụ trách văn phòng 45 như là những người chỉ huy các hoạt động của các nhóm gián điệp dưới sự điều khiển của quân đội Mỹ.

Vì Hà Nội đã biết vai trò thực sự của CIA trong các hoạt động bí mật, nên coi vụ này là trách nhiệm của Lầu Năm góc. Đây là một sự liên kết lưới trong dàn hợp xướng rất thận trọng của Hà Nội, nhằm thuyết phục những người dân Bắc Việt về sự tăng cường đe doạ quân sự của Mỹ. Việc sử dụng các nhân viên quân sự mặc quân phục đã không được Hội đồng tình báo an ninh quốc gia (NSCID) 5412/2 thông qua. Sự phủ quyết này theo William Colby thì không thể áp dụng được. Căn cứ vào sự phê chuẩn ngày 11/1960 của Ban 5412, trong đó ông ta nhắc lại đã thông qua quan điểm của CIA về các hoạt động đối với Bắc Việt, và quan điểm về sử dụng lực lượng không quân Việt Nam Cộng hoà để chuyên chở các điệp viên. Mặc dù Colby phủ nhận việc máy bay C47 rơi là một sự kiện quốc tế, nhưng báo chí quốc tế kể cả báo chí Mỹ cũng đã viết vấn đề này. Samuel Halpern cũng ủng hộ lập luận của Colby: "Tôi ở Sài Gòn khi sự việc xảy ra và tôi chẳng biết tí gì về nó vì tôi không tham gia vụ này". Có thể là không có mâu thuẫn với 5412-nơi đề ra các đường lối chung. Đối với trường hợp của Sài Gòn, nếu có nhân viên mặc quân phục tham gia thì điều đó có nghĩa rằng: nhóm đặc biệt đã chấp nhận việc sử dụng họ trong những hoạt động đặc biệt. Sự cấm đoán không quá cứng nhắc đến nỗi Ban 5412 không thể điều chỉnh được khi viện ra một nguyên nhân hợp lý nào đó.

Có một nguyên nhâu: điều khoản phủ nhận khả thi trong NSCID 5412/2 là sự thể hiện rằng hoạt động này là do Việt Nam Cộng hoà tiến hành.

Colby tin tưởng rằng: đã có một sự cố gắng để loại bỏ những bằng chứng về sự hiện diện của Mỹ ở trên máy bay, mặc dầu vụ án ở Hà Nội đã đưa ra rất nhiều bằng chứng về các vật liệu do Mỹ sản xuất nhặt được từ các mảnh vụn xác máy bay. Trong đó bao gồm một phần của bản đồ cũ năm 1954 của Cục bản đồ quân đội Mỹ trên đó có một đường bay ghi bằng bút chì mà chiếc máy bay C47 phải đi theo và những điểm cụ thể mà máy bay phải đổi hướng. Người phi công đã thú nhận rằng đây chính là bản đồ mà anh ta dùng để định hướng đường bay của mình. Sự đổi hướng cuối cùng của anh ta ở Bắc Việt lẽ ra là ở phía Tây Hoà Bình trước khi anh ta bay về căn cứ không quân Udorn, Thái Lan và sau đó trở về Sài Gòn.

Regan đã kể lại sự kiện chiếc C47 bị bắn rơi và sự mất tích của toán NAUTILUS 1 (N1) sau đó 33 năm: "Tôi nhớ vụ C47 bị rơi, nhưng tôi không nhớ có bao nhiêu người trên máy bay. Chúng tôi nhận được các báo cáo về đường bay cho đến khi nó bị rơi. Vì vậy chúng tôi biết rằng thực sự họ đã bắn rơi nó..."

"...Điều tương tự cũng xảy ra với toán trên thuyền cùng với những người nhái mà chúng tôi bị mất cuối 1962.

Chúng tôi đang theo dõi những người Bắc Việt khi họ đang đuổi chiến thuyền xâm nhập, mà nó đang cố gắng đến vĩ tuyến 17 để được an toàn. Chúng tôi rất thất vọng theo dõi những điều đã xảy ra, bởi vì biết rằng mình không thể vượt qua khu phi quân sự để giúp đỡ họ. Cuốí cùng thuyền của họ đã bị chìm ở phía Bắc khu phi quân sự, và những người trên thuyền bị bắt."

CIA bị trách cứ về hàng loạt vấn đề xảy ra ở miền Bắc nhưng không phải tất cả đều là do chúng tôi gây ra. Chẳng hạn căn cứ không quân Đà Nẵng là nơi hạ cánh khẩn cấp cho các hoạt động do CIA bảo trợ liên quan đến việc đưa máy bay sang Trung Quốc. Tôi nhớ Hà Nội đưa tin bắn rơi một máy bay của chúng tôi nhưng sự thực lại không phải là của chúng tôi. Té ra là một máy bay của chúng tôi làm nhiệm vụ ở Trung Quốc đã bị rơi ở Bắc Việt trên đường quay trở lại Nam Việt Nam. Tôi kể lại điều này để làm ví dụ cho một sự rắc rối mà Hà Nội trách cứ chúng tôi mặc dù chẳng có gì liên quan đến trạm CIA ở Sài Gòn cả.

Trong khi các nhân viên còn sống sót trên chiếc máy bay C47 bị tra hỏi thì thiếu tá Lê Văn Bưởi rời Huế ra Quảng Ninh theo chuyến công tác riêng của mình. Tháng 9, những người trên thuyền của Ngô Thế Linh tiếp nhận một điệp viên khác để đổ bộ vào bờ biển Nghệ An. Bưởi đến được Hòn Gai, nhưng điệp viên được cử đến Nghệ An bị bắt ngay sau khi đổ bộ.

Ed Regan nhớ lại các sự kiện xảy ra ở Huế: trong khi Russ Miller có một cuộc họp rất thú vị giữa chúng tôi và Ngô Đình Cẩn năm 1960 (một trong những sĩ quan của chúng tôi đã có điều kiện tiếp xúc với Cẩn).

Tôi tin rằng có thể chúng tôi đã gửi ra Bắc một ai đó từ nhóm của Cẩn vào mùa hè 1961, nhưng còn bị giới hạn trong việc đầu tư cho hoạt động với hy vọng rằng sẽ có thông tin tình báo do điệp viên được tung ra Bắc Việt. Tôi không nhớ là điều gì đã xảy ra với điệp viên đó. Có một điệp viên khác cũng đã được lấy vào nhưng chúng tôi được biết hình như đã bị bắt tại một ga tàu hoả.

Đến cuối năm, ít ra là có 3 nhóm bán vũ trang đã đổ bộ xuống Bắc Việt, hai trong số đó hình như bị sự khống chế của kẻ địch: một chiếc C47 cùng với các nhân viên trên máy bay cũng bị mất; và người thứ ba - một gián điệp đôi có tên là ARES đã giúp Hà Nội chuẩn bị cho nạn nhân tiếp theo toán điệp viên có mật danh là NAUTILUS.

--------o0o----------
Hết mục 2.


3. NHỮNG CUỘC ĐỌ TRÍ.


Đêm 14 tháng 01 năm 1962, một chiếc thuyền đánh cá không số hiệu lặng lẽ di chuyển đến vùng biển Việt Nam theo hướng Bắc vào vịnh Bắc Bộ. Đối với những người bình thường thì đó chỉ là một nhóm ngư dân đánh cá về muộn. Nhưng thực tế chiếc thuyền này chở một toán nhân viên CIA có mật danh là NAUTILUS1 (N1). Những người trong toán này đều ở tuổi thanh niên.

Toán này đã xuất phát từ cảng Đà Nẵng vào lúc 5 giờ sáng, ngày 12 tháng 1 năm 1962. Ngoại trừ viên thuyền trưởng, còn không một ai biết về kế hoạch của trung tâm chỉ huy trực tiếp do Sở phòng vệ duyên hải phụ trách. Không một ai biết được nội dung bức điện của ARES nói rằng anh ta cần tiếp tế lương thực, vũ khí, điện đài. Họ chỉ được biết rằng đó là một chuyến đi ngắn khoảng 4-5 ngày. Vài tháng trước đây N1 đã chở một điệp viên mà những người trong nhóm chỉ biết tên là Quang và được đưa vào bờ biển Hà Tĩnh tại một điểm ở đèo Ngang. Đây là một vị trí mà các điệp viên thường đổ bộ từ biển rồi trà trộn trong số ngư dân trong thị trấn để thu lượm những tin tức qua trò chuyện của người dân ở đây. Bờ biển phía Bắc vẫn là nơi dễ dàng xâm nhập và rút lui vì việc tuần tra kiểm soát ít khi diễn ra trên biển.

Những người đi trên thuyền đã trải qua hai ngày đầy vất vả, lặng lẽ đưa thuyền từ hướng Bắc tiến vào Vịnh Bắc Bộ. Đến gần Hòn Gai họ thả neo dọc theo một trong hàng trăm hòn đảo lô nhô gần bờ đánh dấu vị trí bờ biển và giả vờ câu cá để chờ trời tối. Những ngư dân địa phương chèo thuyền đến gần và hỏi họ đang làm gì. Họ nói là đi mua cá và sau đó ngư dân địa phương bỏ đi.

Đến khuya NAUTILUS 1 nhổ neo. Chiếc thuyền chạy vòng quanh một hòn đảo nhỏ ở phía bắc cảng Hòn Gai và thận trọng tiến về phía bờ biển. Viên thuyền trưởng bóp đầu suy nghĩ tìm cách để đưa 27 chiếc hòm đựng hàng tiếp tế được giấu sẵn dưới khoang thuyền trót lọt. Sài Gòn và Washington hy vọng rằng những trang thiết bị này sẽ được giao cho điệp viên ARES.

Để giảm bớt thời gian bốc dỡ hàng, viên thuyền trưởng mạo hiểm cho thuyền chạy thẳng đến một điểm sát bờ nơi có nhiều nguy hiểm, nhưng chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ họ bị phát hiện. Họ thả một chiếc xuồng nhỏ xuống và chuyển những hòm hàng vào bờ, chỉ cách đó một khoảng không xa. Ba người trong toán trèo lên xuồng để xếp hàng tiếp tế cho một người đàn ông có tên là Thuỵ-một điệp viên mà họ đưa vào bờ năm 1961 ở khu vực đó.

Khi những hòm hàng đầu tiên vừa mới được xếp xuống xuồng thì có tiếng hô của những người trên một chiếc tàu tuần tiễu của Việt Nam. Đây là chiếc tàu đã theo dõi mà NAUTILUS 1 không một ai phát hiện được. Đường tháo chạy đã bị tàu tuần tiễu chặn lại:

"Hãy đầu hàng nếu không sẽ bị chết!"

Toán thủy thủ biết không thể chống cự để thoát ra khỏi bãi biển được. Ba người trên xuồng liền nhảy ào xuống nước, nhưng những người Bắc Việt đã nhanh chóng kéo họ lên chiếc tàu tuần tiễu.

Viên thuyền trưởng của nhóm N1 mang theo trong mình tất cả những tấm thẻ của Sở Phòng vệ duyên hải. An ninh bờ biển tỏ vẻ vui mừng khi phát hiện và bắt giữ họ. Thế là đã khẳng định được những người trên chiếc thuyền đó là ai mà không cần phải điều tra khai thác thêm gì nữa. Tuy nhiên họ cũng đặt ra một số câu hỏi để kiểm tra từng người và những mối quan hệ gia đình...

Một người trên chiếc tàu tuần tiễu nói rằng: "Các anh biết đấy, chúng tôi đã đợi sẵn rồi, các anh không thể lọt qua khỏi mắt chúng tôi được đâu, thế là các anh đã bị sập bẫy. Chúng tôi biết rõ ai sẽ đến và đến làm gì".

Những người trong toán N1 liền bị trói, bị bịt mắt và sau đó được đưa lên xe tải chở về Hòn Gai để giam giữ riêng từng người một tại khu nhà tạm giam. Từng người một được chụp ảnh và sau đó là cuộc thẩm vấn kéo dài 6 tháng. Những câu hỏi xoáy vào những chi tiết tỷ mỹ nhất về những người chỉ huy, những người Mỹ đã huấn luyện họ, về những chiếc thuyền, từng vai trò công vụ của toán N1 và những toán khác tại Đà Nẵng. Mùa hè năm đó họ bị toà án quân sự đưa ra xét xử, rồi tuyên án từng người với các mức độ khác nhau và cuối cùng họ bị giam giữ trong hê thống nhà tù khổ sai được canh giữ nghiêm ngặt nhất ở Hà Nội, do Bộ Công an quản lý.

Mấy tháng sau, người dẫn đường của toán, lúc gần chết có gọi một người trong toán đến để nói điều mà bấy lâu nay anh ta sợ không dám nói ra. Anh ta tắt thở và người bạn đã hiểu dược điều anh ta nói đó là:

"...Một người có tên là Thuỵ,Thuỵ được chúng ta đưa vào Quảng Yên năm 1961. Hắn đến thăm tôi tại phòng giam ở Hòn Gai trong bộ pijama màu đen. Nhìn hắn có vẻ tự do thoải mái. Hắn đứng hút thuốc và nói chuyện tự nhiên. Hắn bảo tôi rằng hắn biết người phụ trách nhà tù và được phép đến thăm tôi. Tôi và hắn nói chuyện một lúc là tôi biết rõ điều gì đã xảy ra. Rõ ràng hắn đã làm việc cho cơ quan công an Bắc Việt từ lâu rồi, hắn là gián điệp đôi".

Sau năm đó, viên chỉ huy Sở phòng vệ duyên hải theo lệnh của Ngô Thế Linh báo cáo là đã ra lệnh cho toán NAUTILUS quay trở lại khu vực Hòn Gai. Người ta định sẽ đưa vợ và hai con nhỏ của Thuỵ cùng với em trai trên chuyến tàu đó. Một số người được nghe là Thuỵ đã báo cáo rằng hắn đang hoạt động một cách an toàn gần ngay Hòn Gai và yêu cầu đưa vợ con đến với hắn. Sài Gòn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đó. Toán N1 đang ở trong tù khi chiếc tàu tới nơi với một gia đình có 4 người lên bờ và trở về Nam Việt Nam an toàn.

Vụ bắt NAUTILUS 1 xẩy ra khi lực lượng Công an vũ trang Bắc Việt thay đổi lại mật mã. Thay thế hệ thống T90 với hệ thống mã VQL thành VQ5. Đồng thời họ phát triển một loạt các quy định mới để báo cáo những sự việc đáng quan tâm qua đài phát đến cơ quan chỉ huy của họ. Dạng quy định mới này đã giảm bớt thời gian cần thiết để đưa thông tin đến nơi thích hợp. Mặc dù không để lộ ý đồ, nhưng nó cũng giảm được thời gian phát song biên phòng trên không trung. Điều ấy hạn chế khả năng những bức điện có thể bị lộ.

Hệ thống mật mã đó đã phát huy hiệu quả khi toán EUROPA khởi hành đến tỉnh Hoà Bình vào ngày 20 tháng 2. Toán này đã bị bắt gần địa điểm đổ bộ vào ngày 22 tháng 2 và nhân viên điện đài đã chấp nhận việc duy trì sự liên lạc ổn định mạng đài phát của các toán gián điệp theo sự điều khiển của Hà Nội.

Vào tháng 3, toán ATLAS-dưới sự chỉ huy của điệp viên Trần Hữu Quang-trên một chiếc máy bay vận tải tới Thái Lan. Toán này được chuyển sang một chiếc trực thăng đợi sẵn để chở tới vị trí tập kết ở phía nam khu vực đổ bộ của toán EUROPA trong địa phận tỉnh Khăm Muộn-Lào, tiếp giáp với biên giới Nghệ An-Việt Nam. Bốn điệp viên bị một người nhìn thấy và đã báo cho bộ phận Công an vũ trang gần đó. Chỉ còn lại hai người trong số họ sống sót và bị đưa ra trước vành móng ngựa vào ngày 5 tháng 4.

Trong khi những người của toán ATLAS còn sống sót đang ở trong nhà tù tỉnh Nghệ An thì toán REMUS dưới sự chỉ huy của Diêu Chính Ích đã được thả xuống vùng Tây Bắc của Bắc Việt gần Điện Biên Phủ.

Họ đều thuộc dân tộc Tày, đã từng sống ở khu vực này trước 1954 và được đánh trở lại vào ngày 16 tháng 4.

Tính ra thì toán REMUS đã hoạt động một cách an toàn trong thời gian hai tháng. Họ đã gặp những người thân và đã báo cho Sài Gòn tiếp tế thêm. Trong lần thứ hai khi họ đến nơi nhận hàng tiếp tế, có đem theo trang thiết bị đến địa điểm máy bay thả hàng, họ đã bị một lực lượng vũ trang Bắc Việt rất đông bao vây. Các thành viên trong toán bỏ chạy tán loạn, vứt bỏ tất cả các trang thiết bị kể cả máy phát vô tuyến điện và mật mã. Người bị bắt đầu tiên là toán trưởng vào ngày 23 tháng 6. Những người giúp đỡ cũng đều bị bắt và bị tù tại một nhà tù cũ của Pháp ở Sơn La.

Qua các thành viên của toán DIDO, các điệp viên bị bắt đã biết được vụ bắt toán DIDO và buộc phải cộng tác trong năm 1961. Một trong số những người sống sót của toán DIDO sau đó đã miêu tả vai trò của toán DIDO về vụ toán REMUS bị thất bại như sau:
-Vào mùa xuân năm 1962 toán DIDO được lệnh từ miền Nam ra hoạt động ở Điện Biên Phủ. Những bức điện đã được đánh về Sài Gòn báo rằng chúng tôi đã hết lương thực rất cần được tiếp tế thêm. Toán này đã di chuyển đến phía nam tỉnh Lai Châu và lấy hàng tiếp tế tại điểm mà toán REMUS đã sử dụng để nhận đồ tiếp tế. Việc làm đó đã mang tai họa cho toán REMUS.

Vào tháng 7, điệp viên Nguyễn Châu Thanh được đưa vào đất liền bằng thuyền tại khu vực Hà Tĩnh. Lẽ ra anh ta đi với toán NAUTILUS 3 nhưng cuối cùng anh ta được đi theo toán khác. Thanh cũng bị bắt ngay khi mới lên bờ. Bốn thành viên của toán EROS đổ bộ vào Thanh Hoá ngày 20 tháng 5 đã nhanh chóng bị bao vây bởi các lực lượng an ninh biên giới hình như đã được sắp đặt sẵn. Nhân viên sử dụng điện đài buộc phải hoạt động trong mạng điện đài cùng với các nhân viên điện đài khác dọc theo suốt biên giới Bắc Việt với Lào.

Khi toán REMUS đổ bộ vào Bắc Việt, Đô đốc hải quân hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ Adm. Harry D.Felt đã miêu tả hoạt động yếu ớt trên biển của CIA rõ ràng là không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Đô đốc Felt thậm chí còn hối thúc cần có một sự nỗ lực cao hơn để trả đũa lại Bắc Việt về những vụ tấn công chủ yếu là do Việt cộng tiến hành ở Nam Việt Nam. Ví dụ ông ta cho rằng một cuộc tấn công vào đường sắt ở Nam Việt Nam sẽ được giáng trả bằng việc phá hỏng tuyến đường sắt từ Hà Nội đi biên giới Việt-Trung. Ông ta cho rằng các toán biệt kích cần được đưa bằng tầu ngầm vào Bắc Việt, coi đó như là một "ưu thế về kỹ thuật" của Mỹ chống lại cái mà "Bắc Việt không có khả năng tự vệ". Mặc dù sự khuếch trương đó có thể giúp cho đẩy nhanh tiến độ, tạo ra sự chuyển biến, nhưng lực lượng Hải quân Mỹ đang hoạt động với một ngân sách có hạn. Chỉ có một số quan chức trong lực lượng hải quân có thể hứa hẹn đối với một cuộc chiến tranh bí mật trên biển mà không cần đến sự tài trợ để hỗ trợ cho việc huấn luyện và sắp xếp lại lực lượng của họ.

Tháng 7 năm 1962 Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara triệu tập cuộc họp gồm các quan chức Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA để tranh luận về việc chuyển giao kiểm soát các hoạt động bán vũ trang ở Việt Nam từ tay CIA sang Bộ Quốc phòng trong chương trình một năm được gọi là "Chiến dịch quay trở lại". Đại tá George C. Morton, chỉ huy trưởng lực lượng yểm trợ quân sự ở Việt Nam thuộc lực lượng chiến tranh đặc biệt đã kêu gọi tăng cường sự can thiệp của lực lượng đặc biệt của Mỹ vào Việt Nam. Đại tá Morton, người đã có một quá trình chỉ đạo ngầm các hoạt động ở Hy Lạp trong những năm 1950, được nhìn nhận như là "một chuyên gia về chiến tranh đặc biệt".

Tháng 9 năm đó, nhóm đặc biệt của Hội đồng An ninh Quốc gia (5412) thông qua kiến nghị ủng hộ ý tưởng của đô đốc Felt trước đây bằng việc đưa ra một khuyến nghị về vai trò tác dụng của các tàu phóng ngư lôi và SEALS đối với các hoạt động ngầm chống Bắc Việt. Song những nỗ lực ấy cũng không thể tạo ra vật chất đem lại kết quả ngay tức thời, vì thiếu tàu ngầm và lính biệt kích.

Sự việc này dược diễn ra trong bối cảnh các hoạt động ngầm chống Bắc Việt không ngừng mở rộng. Đây là nhiệm vụ mà Hội đồng an ninh quốc gia giao cho CIA thực hiện theo chỉ thị NSCID 5412/2 để tiến hành các hoạt động bán vũ trang. Về lý thuyết nó là cơ sở để phát triển các toán gián điệp biệt kích ở trong lòng địch, ém sẵn lực lượng chờ chiến tranh công khai và là biện pháp cần thiết cho việc mở rộng chiến tranh của Lầu Năm góc. Những kinh nghiệm này được các sĩ quan OSS đúc rút từ chiến tranh thế giới thứ hai ở Châu Âu mà có. Những người đó đang làm việc trong Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, CIA...

Những kinh nghiệm đó tuy đã được áp dụng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nhưng thành công còn phụ thuộc vào một loạt các yếu tố và hoàn cảnh cụ thể mà người chỉ huy vận dụng nó. Rất nhiều người trong số họ đã trưởng thành lên từ OSS, đó cũng còn là những cơ sở để CIA vạch kế hoạch hoạt động sau Đại chiến thế giới thứ hai. Hiển nhiên, có ba điều khác biệt, rất cơ bản cho thấy ý niệm này khó áp dụng ở Việt Nam, đó là:

-Thứ nhất, các toán bán vũ trang đòi hỏi sự hỗ trợ rộng lớn của các đồng minh chiến tranh. Ví dụ trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 các toán OSS ở Pháp và các nước bị Đức chiếm đóng chứ không phải ở chính nước Đức. Bắc Việt Nam tất nhiên không phải là nước Pháp.

-Thứ hai, việc làm mất tác dụng của lực lượng phản gián đối phương chống lại các toán biệt kích đã đòi hỏi một khả năng phán đoán nhạy bén để biết bằng cách nào và khi nào các lực lượng của đối phương sẽ áp dụng. Trong chiến tranh thế giới thứ 2 việc bắt và kiểm soát các điệp viên Đức được đưa tới nước Anh, cũng như hiểu biết về các kế hoạch hiện tại và tương lai của tổ chức gián điệp đối phương, đã giúp cho việc đảm bảo thành công của các nước Đồng minh trở lại lục địa Châu Âu. Chưa có một bằng chứng xác đáng nào nói rằng điều đó đã xảy ra ở Việt Nam.

-Thứ ba, khả năng ngăn chặn và giải mã của đối phương là vấn để mấu chốt đối với những thành công của các nước Đồng minh chống lại Đức. Ở Việt Nam kết quả quan trọng hàng đầu của hệ thống thông tin tình báo quân đội Mỹ gắn liền với các máy phát sóng công suất thấp của Bắc Việt đã không xảy ra cho đến tận mùa xuân năm 1961 khi bộ phận nghiên cứu về điện đài thứ 3 của quân đội Mỹ có mặt ở Sài Gòn. Vài năm sau, một sự may mắn cho phép tình báo Mỹ mở được những mật mã tốt nhất của Hà Nội, nhưng đồng thời cũng làm hạn chế cả khả năng của Mỹ trong việc thu thập và giải mã đối với bất kỳ một bức điện nào của Bắc Việt.

Vì vậy, ý tưởng về một lực lượng ngầm gồm các toán gián điệp đang hoạt động chỉ có thể tồn tại trong suy nghĩ của những người ở Lầu Năm góc cho rằng họ đang tiếp quản cả mạng lưới điệp viên thực thụ. Còn những quan chức của CIA thì đã nhận ra rằng các toán đó đang bị vô hiệu hóa, và chính Hà Nội là những người đang kiểm soát các toán gián điệp đó. Họ đang khuyến khích Washington đưa tiếp các toán khác vào, chứng tỏ đó là một ý tưởng rất mơ hồ.

Trần Văn Minh, một trong những người Nam Việt Nam đối lập với Gilbert Layton đã đưa ra những nguyên nhân thất bại khá cụ thể. Anh ta cho rằng, vào thời điểm đó hầu hết các sĩ quan tình báo Mỹ đến Việt Nam đều muốn chứng tỏ mình là người có thể đảo ngược tình thế một cách nhanh chóng, nhưng họ lại không rnuốn đối mặt với những hậu quả tệ hại do hành động của họ gây ra. Họ muốn ngay từ đầu gây ấn tượng mạnh với cấp trên để được đánh giá tốt về năng lực và phẩm chất công tác.

Cũng như đối với những kết quả trong hoạt động phản gián chúng tôi không có gì để nói về mình khi mà những toán gián điệp đầu tiên tung ra miền Bắc không có kết quả. Phòng 25 là một bộ phận phản gián của chúng tôi và họ làm rất ít việc. Họ quan tâm chủ yếu đến việc điều tra về tiểu sử của những người được tuyển vào lực lượng bí mật. Phòng 25 có quá ít người so với lực lượng bí mật khổng lồ mà chúng tôi đang đánh đi. Mỗi người trong số họ đều cần có sự điều tra kỹ lưỡng. Bộ Nội vụ của Tổng thống Diệm đã không làm gì và Cục tình báo Quân đội cũng không làm được gì hơn. Cũng như đối với lực lượng cảnh sát, nhiệm vụ chính của họ là giữ gìn trật tự xã hội mà ngày đó có bao nhiêu cuộc bạo loạn xảy ra.

Layton thừa nhận có khả năng điệp viên của đối phương nằm trong lực lượng an ninh biên giới. Ông ta kể lại cách nhìn nhận của bản thân và kinh nghiệm của trung tâm CIA về các hoạt động "trò chơi" điện đài ở Lào:

-Năm 1963, một trong các toán của chúng tôi bị bắt ở Attopeu, cực nam của Lào. Nhân viên điện đài của toán đó chuyển đi một bức điện báo động cho chúng tôi biết rằng anh ta đang bị bắt buộc phải truyền tin dưới sự kiểm soát của đối phương. Những người bắt anh ta là bộ đội giải phóng Lào và các cố vấn Bắc Việt đã táo bạo bắt nhân viên điện đài đó yêu cầu chúng tôi cung cấp đủ lương thực cho cỡ một tiểu đoàn, gấp mười lần số lương thực mà toán đó cần. Điều đó đã giúp chúng tôi xác định ở đó có khoảng một tiểu đoàn. Chúng tôi đã báo cho nhân viên điện đài biết chúng tôi sẽ đến cứu họ. Chúng tôi liền cho máy bay bắn phá vào vị trí mà đối phương đóng quân, và kết quả là toán đó đã trốn thoát đến sân bay Attopeu.

Ông đại sứ Mỹ ở Viên Chăn tỏ ra khó chịu về việc toán biệt kích bị phát hiện, bởi vì chúng tôi không được phép có mặt ở Lào-sau khi ranh giới Harriman (Harriman line) có hiệu lực vào mùa thu 1962 sau hoà ước Giơneve về Lào được ký kết.

Trong cơ quan của tôi và phần lớn các cơ sở của cục tình báo đều phải giả định đã có người của đối phương xâm nhập (trong các đối tác người Nam Việt Nam). Điều này có thể đúng trong hầu hết các trường hợp. Khi tôi bắt đầu tuyển một nhân viên, có người nói: ông không sợ trong số họ có Việt cộng cài vào mà ông phải trả công cho họ à? Tôi nói rằng có khoảng 10%, nhưng tính ra thì người của chúng tôi đông hơn họ: chín chọi một cơ mà. Người ta giải quyết khả năng này bằng cách kiểm tra các toán biệt kích: họ chỉ được biết những gì cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ, động viên họ để nếu cần xả thân thực hiện nhiệm vụ mà thôi.

Layton thừa nhận rằng hiệu quả của một chương trình bán quân sự sẽ trở thành vô nghĩa nếu mức độ xâm nhập của đối phương cao hơn nhiều so với dự tính. Về sự có mặt của các chuyên gia phản gián ở cơ quan CIA, Layton bình luận: "Tìm đâu ra những người như vậy? Chúng tôi được sự giúp đỡ cần thiết đúng lúc, thực ra thì cũng có vài người nhưng không giúp gì được nhiều".

Dẫu cho trong thực tế có thể không bị xâm nhập đi nữa thì cũng cần phải giả định là có thể bị xâm nhập và phải tiến hành chống xâm nhập. Đó là phương thức duy nhất có thể làm. Bởi vì đối phương cũng thành thạo như chúng ta thậm chí họ còn thành thạo, khôn khéo hơn chúng ta nhiều lần. Ed Regan nói về giai đoạn chuyển tiếp này theo khía cạnh tác chiến như sau:
- Cơ quan CIA chúng ta vừa làm việc với lực lượng tình báo bí mật của ông Diệm lại vừa cố gắng giám sát những kẻ muốn loại bỏ ông Diệm... Năm 1962 sự việc đã trở nên căng thẳng. Ông Diệm bắt đầu kiểm soát các sĩ quan của chúng ta và những mối liên hệ của họ với phái đối lập với ông Diệm... Trên cương vị Tổng thống, ông Diệm không chỉ chống lại Cộng sản và phật tử, mà còn phải tranh đấu với các phe phái chính trị khác như Đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng nữa.

Ví dụ như Lou Conein có những mối quan hệ với các nhóm như Việt Nam Quốc dân Đảng và thông qua Voòng A Sáng, một chỉ huy cũ của lực lượng người Nùng ở vùng Đông Bắc của Bắc Việt, biết rằng mạng lưới cũ của Sáng đã hoàn toàn bi phá vỡ. Từ những mối liên hệ của chúng tôi với Việt Nam Quốc dân Đảng, Đại Việt, chúng tôi đề nghị Tổng thống Diệm đưa một số người của Đại Việt ra miền Bắc để xác định xem lực lượng nào còn hoạt động ở đó. Đại uý Ngô Thế Linh, sĩ quan phụ trách các hoạt động ở phía Bắc của đại tá Tung có vẻ như nắm được các vấn đề đã cừ một số điệp viên cùng đi với các điệp viên Đại Việt của chúng tôi. Sau đó thông qua nhân viên điện đài chúng tôi được biết rằng Linh đã phân công một điệp viên vào trong nhóm chủ yếu là để theo dõi hoạt động của CIA và Đại Việt. Nhóm đó trong thực tế đã không bao giờ được đưa ra miền Bắc...

Một lần nữa với sự hỗ trợ của Washington để mở rộng hoạt động trên tuyến đường sắt mà chúng tôi đã nêu ra, khoảng cuối năm 1962 Tucker Gougelmann, chỉ huy trưởng căn cứ ở Đà Nẵng, và Cart Jenkins, sĩ quan trù bị của chúng tôi tại trung tâm huấn luyện Hoàng Hoa Thám, đã được bổ sung.

Russ Miller đã ra đi vào mùa xuân 1962 và W.T.Cheney, một người Châu Âu, đến thay. Tôi biết ông ta là một sĩ quan xuất sắc trong những công việc được giao trước đây, nhưng ông ta lại quá thiên về Châu Âu và không hiểu được phải làm thế nào để gần người châu Á. Lúc đó Bill Colby đang ở Tổng hành dinh và ông ta đã bắt đầu luân chuyển các sĩ quan đến khu vực Đông Nam Châu Á để mở rộng kinh nghiệm của họ. Đến bây giờ các hoạt động bán vũ trang đã bộc lộ rõ rằng nó đã bị đối phương xâm nhập vào nhiều hơn là chúng tôi nghĩ. Không một ai trong chúng tôi thuộc lực lượng bí mật đã báo cáo hết những điều mà lẽ ra phải báo cáo các hoạt động xâm nhập đó cho Lầu Năm Góc như chúng tôi đã biết. Đó là một tội lỗi.


Sự cần thiết của cơ quan CIA trong việc theo dõi các lực lượng đối lập với Diệm dẫn đến việc mùa xuân 1962 tôi gặp gỡ một số toán trên và kéo tôi ra khỏi các hoạt động bán vũ trang, trừ việc đi Đà Nẵng để đánh ra Bắc. Larry Jackson lưu lại thêm một thời gian, sau đó ông ta chuyển về Long Thành làm chỉ đạo viên kỹ thuật khi căn cứ này mở cửa lần đầu tiên vào mùa xuân năm đó. Phải giải quyết thế nào trước một thực tế là tất cả các nhóm phái đi đều bị bắt, và một số trong đó đã hợp tác với Bắc Việt?

Regan đã nêu một câu hỏi mà dường như không có câu trả lời:
-Sẽ có lý nếu như đặt câu hỏi phải chăng tổn thất này là ngẫu nhiên hay do đã có sự tính toán trước? Xin nhớ rằng các sắc tộc thiểu số là mối đe doạ lớn đối với Diệm, bởi vì họ đang đấu tranh dể giành quyền tự quyết và chúng ta đã có những người trong lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ cùng làm việc với họ. Vậy sẽ đem lại quyền lợi cho ai nếu như tất cả họ bị bắt? Tất nhiên là cho Diệm. Nó sẽ là một sự suy đoán khi nói rằng chúng đã được thoả thuận một cách có tính toán.

Nếu như các sĩ quan CIA ở Sài Gòn không phát hiện ra sự xâm nhập của Hà Nội, thì câu hỏi ở đây là tại sao? William R. Johnson nguyên trưởng trung tâm CIA ở Viễn Đông đã đưa ra lời nhận xét sau:
- Các hoạt động của cơ quan tình báo được đưa ra tranh luận ở đây thực sự không có sự kết hợp với bất kỳ công tác phản gián nào và không được phối hợp với bất cứ hoạt động phản gián nào đang được tiến hành ở các bộ phận trong cơ quan tình báo hoặc của các bộ phận khác trong chính phủ...

Không có hoạt động phản gián nào để đảm bảo an ninh kể cả các hoạt động chống lại Bắc Việt. Vấn đề an ninh không được coi trọng của trung tâm, hoặc việc xâm nhập của chính phủ Nam Việt Nam. Vào khoảng năm 1965, khi John Hart tiếp nhận trung tâm ở Sài Gòn, ông ta nói với tôi rằng ở đó không có hoạt động phản gián rõ nét-chỉ là "hữu danh vô thực" mà thôi.

Bill Johnson quy kết cho William Colby như là nguyên nhân của vấn đề và miêu tả những khía cạnh hoạt động rời rạc của CIA đang được chuyển giao cho Lầu Năm góc.

Sự thật là các trung tâm và các sĩ quan của chúng ta ở Viễn Đông với các bộ phận nghiên cứu ở Washington đã thổi phồng kết quả việc tuyển lựa bằng bất cứ phương tiện nào, bao gồm các hoạt động tiếp xúc và các điệp viên là những người điều hành được tài trợ với những động cơ chính trị hơn là đã tuyển chọn một cách giấu giếm và kiểm soát sự xâm nhập vào các mục tiêu của đối phương. Việc đảm bảo an ninh cho hoạt động tình báo mang tính máy móc như tin tưởng vào các điệp viên có triển vọng, dựa vào kiểm tra tên tuổi của họ qua quá trình hoạt động, thậm chí sử dụng máy kiểm tra nói dối ở địa bàn châu Á là hoàn toàn không thích hợp.

Russess Holmes, nguyên sỹ quan phản gián của CIA, lặp lại những quan điểm tương tự về giai đoạn này:
- Việt Nam không được nhìn nhận như là một sự đe doạ ở mức độ cao về mặt phản gián vào thời điểm đó. Phần lớn những gì chúng ta biết về Cộng sản Việt Nam là thông qua người Pháp trong đó có rất ít điều đáng được quan tâm về phản gián thực sự. Dù sao thì cuối cùng Đông Dương vẫn là của họ.

Liệu có phải các hoạt động của chúng ta đã bị xâm nhập trong suốt cả giai đoạn đó không? Rõ ràng là có. Tại sao? Sự thất bại mới chỉ nhấn mạnh đối với công tác phản gián ở khía cạnh hoạt động bí mật. Sự bất đồng giữa các lực lượng ủng hộ công tác phản gián và chống đối nó mới là mâu thuẫn có tính đối địch trong các hoạt động của CIA ở Việt Nam. Có thể khẳng định rằng các sĩ quan ở phòng Viễn đông không sốt sắng gì trong việc áp dụng các biện pháp chuẩn mực về phản gián. Bởi lẽ những người lãnh đạo ở đây thực sự đã không quan tâm tới hoạt động phản gián.

Căn cứ vào thông tin do các điệp viên bán vũ trang (người Việt) cung cấp chúng ta đã tung các toán gián điệp ra miền Bắc vào đầu những năm 1960. Đây là hoạt động chính của phòng Viễn Đông dưới thời William Colby và thực sự đã bị những người cộng sản phát hiện ngay khi mới bắt đầu. Điều muốn nói là họ đã xâm nhập cả vào miền Nam mà chúng ta không hay biết hoặc vẫn làm ngơ nên phải gánh chịu hậu quả.

Các toán được đánh ra miền Bắc năm 1962 phần lớn là người dân tộc thiểu số được tuyển lựa từ quân đội Nam Việt Nam năm 1961. Số này được tuyển chọn trong nhiều nguồn: họ là những người vượt tuyến từ Bắc vào, những người di cư, những người trước đây sống ở miền Bắc rồi sang sinh sống ở Lào... Tuy nhiên lực lượng để tuyển chọn ngày càng khó kiếm những người tự nguyện tham gia vào các hoạt động xâm nhập của miền Nam chưa kể đến các hoạt động mở rộng qua biên giới sang Lào.

Một điệp viên cũ đã nói về giai đoạn này như sau:
-Tôi không cho rằng không có toán biệt kích nào thành công cả. Thực tế có những toán đã xâm nhập vào và rút ra an toàn, nhưng đó chỉ là những toán có nhiệm vụ hoạt động chớp nhoáng gây rối ở phía Bắc khu vực phi quân sự. Còn hoạt động trên phạm vi rộng và trong thời gian dài ở các vùng xa thì hầu như hoàn toàn thất bại. Cũng tương tự như các hoạt động gián điệp. Điều đó thật có ý nghĩa nếu như người ta chịu suy nghĩ nghiêm túc về nó. Những toán đó thực sự đáng lo ngại nhất vì dễ dàng bị loại khỏi vòng chiến. Còn những toán khác không cùng chịu chung số phận thì lại bị bỏ rơi.

Trần Quốc Hùng một điệp viên cũ cũng nói rõ ý kiến của mình về giai đoạn đó. Khoá đào tạo của anh ta gồm một số môn cơ bản chung, một phần nghe về học thuyết của Đảng Cần lao. Anh ta không được đào tạo về các hoạt động dành riêng đối với miền Bắc. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của anh ta là xâm nhập vào hàng ngũ sinh viên ở Sài Gòn và thu thập thông tin về các hoạt động chống chính quyền Diệm. Từ việc huấn luyện này và qua các hoạt động gián điệp ở Nam Việt Nam, Hùng đã biết rằng tổ chức của bác sĩ Tuyến đã tiến hành công tác tình báo chính trị nội bộ song song với hoạt động tình báo đối ngoại. Hùng đã kể lại việc xâm nhập của anh ta ở miền Bắc:
-Năm 1962, tôi được chiếc tàu xâm nhập đưa ra miền Bắc . Tôi rời Đà Nẵng và được đưa vào bờ tại tỉnh Hà Tĩnh. Đây là sai với địa điểm định đổ bộ và nơi cần đến. Sau đó tôi ra Hà Nội, tôi luôn lo sợ rằng họ đã biết sự xuất hiện của tôi. Tôi có ấn tượng dễ bị lộ và có cảm giác bị theo dõi ngay từ khi tới Hà Nội. Tôi không biết vì sao họ lại biết được tôi, nhưng có một cái gì đó như là một sự sắp đặt sẵn ở mọi nơi hoặc có kẻ nào đó đã bán đứng chúng tôi giúp cho họ phát hiện được tôi một cách rất nhanh chóng. Họ theo dõi ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với những linh mục tại một nhà thờ, vì họ đã từng làm cho Pháp trước 1955.

Willíam Colby, trưởng trung tâm CIA ở thời điểm Hùng được đánh ra miền Bắc đã lập luận rằng: trung tâm CIA ở Sài Gòn đánh giá thấp về khả năng thực tế của những hoạt động đó. Colby giải thích thêm:
-Tôi không biết người Pháp chuyển giao họ thế nào nhưng nếu quả như vậy thì một số người Việt Nam có thể nghi ngờ đối với người Pháp, bởi vì họ bị choáng váng về người Pháp. Họ tin rằng người Pháp đang tiến hành một số chính sách ở đó, nhất là Ngô Đình Nhu. Ông ta thường tìm kiếm sự vận động của người Pháp trong một số sự việc. Tất nhiên là ông Diệm rất trung thành với đạo Thiên chúa cùng các linh mục, và tin tưởng rằng có thể dựa vào họ được. Đó là phép thử của ông ta. Và như là kết quả của một số linh mục trong việc tổ chức các nhóm tự vệ thuộc cộng đồng của họ. Điều đó dường như rất có khả năng là người của Diệm sẽ liên hệ với các linh mục Thiên chúa ở ngoài ấy bởi họ có một niềm tin nhất định. Và những người Thiên chúa giáo vẫn bị coi là không được tin cậy dưới chế độ Cộng sản ở Bắc Việt.

Khi được hỏi rằng liệu ngoài đó còn những cơ sở của người Pháp vẫn có tác dụng sau 1955 không? Colby đã nhấn mạnh thêm:
-Tôi nghĩ rằng các việc chúng ta đã tiến hành ở miền Bắc đều đã bị tiêu tan. Tôi không muốn nhắc lại là chúng ta đã có bao nhiêu đầu mối ở ngoài ấy. Tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta đã không làm được điều đó. Chúng ta có thể có một số ý kiến về sự đồng cảm nếu các bạn đến đấy và tiếp xúc với họ. Điều đó lẽ ra đã không còn tồn tại trong cộng đồng những người di cư và mối liên hệ của Diệm đối với cộng đồng Thiên chúa Giáo.

Hùng đã không tán thành. Theo Hùng thì người Mỹ đã đào tạo cho anh về hoạt động tình báo và dựng nên những câu chuyện ngụy trang để sử dụng khi anh ta đến gặp các linh mục ở Hà Nội. Người Mỹ đã chỉ dẫn cho anh ta từng trường hợp một, trong khi người Việt Nam chỉ có nhiệm vụ dịch lại cho anh ta nghe. Hùng nói tiếp:
- Tôi nắm rõ về địa bàn xâm nhập như trong lòng bàn tay. Qua các chuyến bay trinh sát, các sĩ quan huấn luyện CIA đã treo đầy cả bức tường với các tấm ảnh chụp từ trên không về địa điểm tôi sẽ đổ bộ tới Hà Nội. Chi tiết đến mức không thể tưởng tượng được! Tôi không biết bằng cách nào họ có thể chụp được những tấm ảnh như vậy, nhưng rõ ràng những tấm ảnh ấy là có thực và chi tiết đến mức có thể đếm được từng người ở trên tàu.

Hình như các điệp viên của chúng tôi đã bị đón lõng trước khi họ được tung vào miền Bắc. Họ luôn luôn được những người ở trên đất liền chờ đón. Nếu có điệp viên nào đó đã vào ra trót lọt thì ta có thể đặt câu hỏi là liệu đó có phải là họ không cần phải làm gì nữa không, vì đã biết rất rõ mọi điều rồi.

Những người theo đạo Thiên chúa đã thổi phồng lên rằng hệ thống nhà tù của Hà Nội vào những năm 1962 đã giam giữ nhiều người được gọi là lợi dụng đạo Thiên chúa. Một cựu tù nhân đã từng bị giam giữ miêu tả bầu không khí ngột ngạt lúc đó và vai trò của ông ta trong việc tạo nên bầu không khí đó. Ông ta ngồi khom lưng nhìn ra một phía và cao giọng kể lể: "Tất nhiên là các anh đúng. Quả thật lúc ấy tôi có mặt ở đó. Đây là một cơn ác mộng. Các anh phải có mặt ở đó thì mới hiểu hết được", giọng anh ta vang xa trong khi anh ta ngồi ở mép giường, đôi tay ôm lấy ngực.

Tên của tôi đã có sẵn ở trong danh sách. Tôi bị bắt năm 1955 khi tôi cố gắng vượt qua sông Bến Hải. Họ đã biết rõ tiểu sử của tôi. Không phải chỉ là tôi đã không gắn bó với Nhà nước nên đã bỏ trốn mà còn vì tôi là một linh mục mới vào nghề. Điều đó đã làm cho tôi tự nhiên trở thành kẻ thù của Đảng. Các cán bộ an ninh nhà nước từ Bộ Công an ở Hà Nội đã đến gặp tôi vào năm 1960. Tôi trở lại Hà Nội sau ba năm học tập cải tạo về tội trốn vào Nam. Họ biết tôi có dính líu tới các hoạt động Thiên chúa giáo ở Hà Nội. Họ có thể bắt giam tôi bất cứ lúc nào. Nhưng họ lại ban ơn cho tôi. Họ nói rằng họ chỉ muốn tìm ra ai là kẻ chủ mưu gây rối thôi. Họ nói có những "lực lượng thù địch nước ngoài" đang cố gắng gây hại. Đấy tất nhiên là những phần tử tội phạm đang muốn lợi dụng sự mất ổn định. Họ có nhiều lý do để chứng minh điều ấy. Họ chỉ cần tôi theo dõi sát những gì đang xẩy ra. Vì vậy tôi đã làm việc cho họ.

Hàng tháng tôi có một cuộc gặp gỡ với cán bộ an ninh Nhà nước thuộc bộ phận an ninh của Hà Nội, bộ phận chuyên trách theo dõi các nhà thờ Thiên chúa giáo. Chúng tôi gặp nhau trong một khách sạn đối diện cửa ra vào phía Đông cửa ga Hà Nội. Các cuộc gặp gỡ của chúng tôi thường ngắn gọn. Tôi nói cho họ biết tôi đã đi đâu, gặp ai, các linh mục đang làm gì, những người dân xứ đạo làm gì và nói gì.

Sự việc đó diễn ra cho đến năm 1962. Khi Sở công an Hà Nội đã bắt hầu hết các linh mục, tu sĩ theo sắc lệnh tập trung cải tạo. Còn những người chưa bị bắt thì tiếp tục bị giám sát. Tôi nói với cán bộ an ninh người mà tôi đã từng tiếp xúc rằng tôi không thể tiếp tục làm việc cho ông ta được nữa. ông ta chỉ mỉm cười và nói rằng tôi sẽ thay đổi ý nghĩ đó. Vài tuần sau họ trở lại gõ cửa phòng tôi trước khi trời sáng. Họ gồm vài nhân viên cảnh sát, một quan chức địa phương. Tôi bị còng tay và họ kéo tôi ra giữa một ngõ hẹp, họ đọc cho tôi nghe một bản án. Bản tuyên án đó nói rằng tôi bị phát hiện là có tham gia vào các hoạt động phá rối trật tự xã hội và bị bắt giam tại nhà giam của Sở Công an Hà Nội để thực hiện sắc lệnh tập trung cải tạo.

Tôi rất bực mình! Tôi đã cộng tác với họ hơn hai năm và để rồi bị bắt. Những điều tôi làm cho họ là không đáng kể. Thật không có gì đáng kể. Tôi muốn nói rằng việc báo cáo tin cho họ chưa làm cho ai bị chết cả.

Giọng của ông ta trầm xuống và im lặng, đôi tay ôm lấy ngang người rồi duỗi ra phía trước, đưa về phía sau như là làm động tác thư giãn. Ông ta nói tiếp sau một hồi suy nghĩ: lệnh bắt tôi không ghi rõ thời hạn giam giữ. Sau đó tôi được biết rõ là 3 năm. Đúng là một trò cười. Tôi đã phải lao động khổ cực ở trong tù 15 năm, phần lớn là ở Phong Quang và Tuyên Quang. Tôi ra khỏi tù năm 1977 khi họ bắt đầu trả tự do cho một số linh mục.

Tôi hỏi ông ta: "Ông còn nhớ những gì về 15 năm đó không?".

"Nhớ?". Ông ta ngừng một lúc. "Nhớ gì à? Sự đau đớn..."

Một tháng trước ngày toán REMUS nhảy dù xuống khu vực biên giới Lào-Bắc Việt Nam, toán TOURBILLON được tập trung tại Sài Gòn để chuẩn bị cho nhiệm vụ của toán xâm nhập vào tỉnh Sơn La, về phía đông của toán REMUS. Đại uý Triết đã gặp riêng Vàng A Giong, nhân viên điện đài của toán TOURBILLON để hướng dẫn anh ta việc sử dụng điện đài và giao cho anh ta bộ mã của toán.

Giong nhận thấy bộ mã này cùng dạng với loại mà anh ta đã sử dụng nhiều năm trước đây, đó là loại mã một tầng. Đồng thời anh ta cũng được giao một tín hiệu nhận diện cá nhân, một nhóm năm chữ số, và được chỉ định đưa vào nhóm thứ ba của bức điện. Điều đó sẽ giúp cho Sài Gòn xác nhận được rằng đúng anh ta là người đang đánh bức điện đó.

Đại uý Triết yêu cầu: "Không được ghi lại bất cứ cái gì. Anh phải nhớ lấy". Đêm hôm ấy Giong đã ghi lại tín hiệu riêng đó ở ngoài bìa cuốn sổ hướng dẫn sử dụng tín hiệu.

Mấy năm sau, Giong giải thích:
-Các ông phải hiểu cho tôi. Tôi sợ sẽ quên mất... nếu điều đó xảy ra , tôi biết rằng chúng tôi sẽ không bao giờ được tiếp tế bởi vì tôi không thể chứng minh rằng tôi đang phát đi những bức điện. Tôi không tin vào trí nhớ của tôi. Vì vậy tôi đã ghi lại, chính điều đó đã làm hại tôi và tôi đành để cho điều có hại đó tiếp tục diễn ra.

Tôi tham gia quân đội năm 1960 và được chỉ định vào nhóm quan sát đầu tiên ở Nha Trang. Đó là thời gian đại tá Trần Khắc Kinh (phó của đại tá Tung) bắt đầu đưa các toán xâm nhập vào Lào hợp tác với người H'mông dưới sự chỉ đạo của Vàng Pao. Trong đó có 10 toán của chúng tôi, mỗi toán 15 người. Tôi là nhân viên điện đài của toán số 9. Khoảng năm 1961 tôi đã đánh đi 5 bức điện qua biên giới...

Vào năm 1962 tôi được chuyển về Sài Gòn và tham gia vào toán TOURBILLON làm nhân viên điện đài. Tôi học một khoá huấn luyện một tháng, chủ yếu là gài mìn và chiến thuật.

Ngô Thế Linh tập hợp chúng tôi lại và nói là chúng tôi sẽ xâm nhập vào tỉnh Sơn La, Bắc Việt Nam. Ông ta giải thích rằng họ đã đưa một toán vào Sơn La năm 1961. Toán đó có tên gọi là CASTER. Toán CASTER đã báo cáo về Sài Gòn là đã đến nơi an toàn và trụ vững được. Trong năm đầu họ đã phát triển được cơ sở và tuyển chọn được nhiều người làm việc cho họ. Nhưng dù sao thì toán của họ cũng không đủ sức để phát triển cơ sở và huấn luyện cho nên phải điện về Sài Gòn yêu cầu giúp đỡ. Nhiệm vụ của toán chúng tôi là tăng cường cho toán CASTER và huấn luyện cho họ. Đồng thời chúng tôi tiến hành việc trinh sát dọc theo tuyến đường 41 (con đường mà sau này họ đổi tên là đường số 6 chạy từ Sơn La đến Sầm Nưa của Lào) kiêm cả nhiệm vụ phá huỷ 17 chiếc cầu dọc theo đường 6 sau khi chúng tôi đến nơi hoạt động. Tôi không hiểu tại sao họ lại muốn chúng tôi thực hiện một phần nhiệm vụ đó.

Ông Linh nói với chúng tôi rằng không có gì đáng ngại. Toán CASTER đang đợi chúng tôi và mọi thứ đều an toàn. Chúng tôi không được biết gì hơn về lực lượng của đối phương ở đó và cũng không có ai nói rõ là chúng tôi phải làm gì nếu bị bắt. Ông Linh và sĩ quan điện đài của toán Pang chỉ nói rằng không có gì phải lo. Toán CASTER đang ở đó, toán CASTER vẫn an toàn, và toán CASTER sẽ bảo vệ cho chúng tôi.

Bây giờ, nhìn lại những gì đã xảy ra 32 năm trước đây và những gì đang xảy ra thật rõ ràng rằng không một ai ở Tổng hành dinh có ý kiến gì về việc chúng tôi phải đương đầu với miền Bắc. Tôi cho rằng chúng ta không có hoạt động tình báo thật sự ở ngoài Bắc và chúng ta cũng giống như toán CASTER, thậm chí đã dựa vào những tấm bản đồ cũ kỹ mà người Pháp đã sử dụng trước 1954. Vào năm 1962, mọi thứ đã thay đổi cả rồi. Nhược điểm lớn nhất là không một ai hiểu rõ được kết quả công tác phản gián của Bắc Việt Nam.

Ngày 16 tháng 5 năm 1962, chúng tôi đã bay đến đó trên một chiếc máy bay vận tải của Mỹ với phi hành đoàn người Đài Loan. Chúng tôi nhảy dù vào khoảng nửa đêm và phát hiện thấy có người đang đợi dưới mặt đất. Nhưng không phải là toán CASTER đón chúng tôi, mà là những người miền Bắc Việt Nam.

Nhưng người miền Bắc đã bao vây xung quanh chúng tôi khi vừa tiếp đất, một vài người trong số chúng tôi đã kịp chạy trốn nhưng chỉ được một vài ngày. Tôi tính sẽ huỷ quyển mật mã nhưng tôi biết rằng nếu làm như vậy sẽ không thể liên lạc được với bất cứ ai. Sau đó họ bắt được tôi và phát hiện ra tài liệu tôi mang theo. Đó là lý do tại sao họ biết được tín hiệu riêng của tôi.

Tại sao tôi lại cộng tác với họ? Họ đã cố gắng làm cho tôi nghĩ rằng tất cả như vậy đã kết thúc. Và tôi đã phải chọn lựa giữa việc cộng tác với họ để sống sót hoặc là bị thủ tiêu kể cả toán CASTER. Vì vậy tôi phải nhận cộng tác với họ và cho điện đài tiếp tục hoạt động. Đây là cách duy nhất mà tôi có thể thoát chết. Nó cũng chính là suy nghĩ của tôi lúc đó. Mừời một ngày sau khi chúng tôi nhảy dù, tôi đã chuyển bức điện đầu tiên về Sài Gòn. Tất nhiên đó không phải là bức điện thực của chúng tôi mà là những điều Hà Nội muốn điện cho Sài Gòn.

Tôi ở đó sử dụng điện đài trong hai nămtrước khi toán COOTS đến thay thế. Đó là lúc tôi được đưa về trại giam Thanh Trì-nơi họ giam giữ các toán bị bắt.

Trong hai năm ở Sơn La. Tôi bị giam giữ trong một nhà giam của tỉnh. Đến giờ chuyển điện đi, tôi được đưa đến một làng hẻo lánh ở trên núi là nơi tôi phát điện đi báo cho Sài Gòn biết rằng chúng tôi đang hoạt động. Một tay tôi được tự do còn tay kia bị khoá vào một thứ gì đó ở xung quanh. Tôi là một nhân viên điện đài giỏi khi tôi mới ra miền Bắc, thường thì tôi phát điện đi rất nhanh. Nhưng sức khoẻ của tôi sút kém đến nỗi mà tôi chuyển điện đi quá chậm, điều đó làm cho Sài Gòn lo ngại. Tôi đoán rằng họ chẳng thể kiểm tra lại điều đó.

Các cán bộ phản gián của Bộ Công an rất tử tế. Họ chỉ cần một người ở đó quản lý tôi, lắng nghe mọi thứ tôi chuyển đi và đó là điều mà ai cũng có thể hiểu được. Thậm chí nếu Sài Gòn phát hiện được Bắc Việt Nam đã bắt được chúng tôi thì họ sẽ không bao giờ nghe được một điều gì cả. Xin để cho tôi được giải thích:

Sài Gòn chuyển một bức điện ra, nhưng chúng tôi không bao giờ phải trả lời ngay lập tức. Sau phiên phát chuyển điện, tôi được đưa trở lại phòng giam và cán bộ quản lý tôi sẽ đi về Hà Nội. Họ giải mã bức điện và vạch ra điều mà họ sẽ làm trong đợt tới. Sau khi tôi bị bắt, tôi chưa bao giờ được tiếp cận quyển mật mã của tôi; họ giữ tất cả và tôi chỉ là người thu phát những bức điện chuẩn bị sẵn. Khi trả lời những bức điện nhận được theo yêu cầu của Sài Gòn, viên sĩ quan đó đến và đưa tôi ra khỏi nhà tù tới nơi phát điện đi. Tôi đợi cho đến giờ mở máy và tới lúc ấy mới được cho biết mật mã của bức điện để chuyển đi. Khi kết thúc phiên làm việc tôi lại trở về nhà giam.

Các ông biết đấy, nếu tôi chuyển một bức điện trả lời ngay lập tức thì sự việc sẽ khác đi, nhưng mọi việc lại được tiến hành quá chậm chạp nên cán bộ cục phản gián của Bộ Công an có thừa thời gian để vạch kế hoạch trả lời. Hiển nhiên là những người canh giữ tôi không có quyền đưa ra những quyết định. Họ phải về Hà Nội để nhận chỉ thị và họ không cần phải sử dụng điện đài. Họ dùng xe tải để đi lại. Sự việc đó diễn ra trong vòng hai năm và chúng tôi chưa bao giờ được tiếp tế trong suốt thời gian đó. Khi tôi nghĩ lại việc này, đó là một việc làm thật khó chịu. Nếu có ai đó hỏi rằng chúng tôi phải làm một điều gì đó ngay lập tức, chuyển và nhận nhiều bức đi và đến thường xuyên hơn thì sẽ là những rắc rối cho họ. Tôi không biết Sài Gòn nghĩ gì và tại sao họ lại không nghĩ rằng thực tế Hà Nội đang điều khiển chúng tôi. Các ông hiểu cho, thậm chí nếu chúng tôi đổ bộ an toàn và không bị bắt thì tôi tin rằng rồi họ cũng sẽ phát hiện ra thôi. Bởi vì chúng tôi dùng bộ mã của quân đội Nam Việt Nam nên bất cứ một nhân viên điện đài nào của Bắc Việt thu được họ cũng sẽ biết ngay đó là máy phát sóng của đối phương. Nhưng Ngô Thế Linh lại nói với tôi rằng khi tôi phát điện đi thì người ta sẽ thu được bởi vì nó cùng tần số với hạm đội 7 của Mỹ, các nhân viên tình báo ở Nhật Bản và Philipin giám sát. Hà Nội chắc chắn cũng chẳng xa lạ gì.

Cuối năm 1962 toán TOURBILLON báo cáo đã thực hiện việc phá cầu vào ngày 24/9 và vào ngày 9/12. Toán ARES báo cáo đã tuyển chọn thêm 6 điệp viên. Các cuộc tấn công của toán TOURBILLON chưa hề xảy ra nhưng họ định tạo ra một ấn tượng là toán đó thực hiện một cách năng động nhiệm vụ của mình. Đối với các điệp viên của toán ARES đây là một sự sáng tạo của họ từ Hà Nội.

Ngày 28/6, thuỷ thủ đoàn NAUTILUS 2 đã rời Đà Nẵng để thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng do những người nhái tiến hành tấn công vào những chiếc tàu tuần tiễu thả neo ở cửa sông Gianh. Đến địa điểm hành động, những người nhái nhanh chóng lặn xuống nước, nhưng một trong những thiết bị phá nổ của họ bị nổ sớm, giết chết một người nhái. Vụ nổ đã trực tiếp báo động cho lực lượng an ninh địa phương. Họ đã đuổi theo thuỷ thủ đoàn N2 và đánh đắm chiếc tàu trước khi toán N2 kịp đưa tàu của mình quay trở lại vĩ tuyến 17. Các sĩ quan CIA ở Đà Nẵng đã giám sát những sự kiện đó nhưng không thể hỗ trợ được gì. Hai người nhái thoát chết và bị bắt, trong đó có Lê Văn Kinh chỉ huy của N2. Ngoài số thuỷ thủ đoàn của toán N2 bị bắt còn có một người nhái khác được cử từ Đà Nẵng ra vào ngày hôm sau mới phát hiện thấy còn sống ở ngoài khơi.

Một toán gồm 7 người được gọi là toán LYRE, đã đổ bộ vào Hà Tĩnh vào trong tháng 12. Toán này đã hai lần cố gắng nhảy dù xuống, nhưng chiếc máy bay vận tải Đài Loan đã phải bay lượn mãi vì súng phòng không bắn gắt gao. Nhiệm vụ của toán LYRE là thực hiện trinh sát trạm ra đa ở Đèo Ngang và tiêu diệt trạm ra đa này cũng như những kho chứa lương thực ở địa phương.

Trong bức điện đầu tiên gửi về Sài Gòn Nguyễn Quy tổ trưởng điện đài của toán đã báo cáo họ đến nơi aa toàn. Nhưng anh ta báo cho biết rằng khu vực đó không an toàn và yêu cầu được chuyển đến khu vực khác. Sài Gòn trả lời là phải giữ nguyên vị trí và đợi lệnh. Trong những ngày đó, toán này đã bị hai đơn vị an ninh địa phương bao vây chặt.

Hài thành viên trong toán LYRE, Trần Nghiêm và Nguyễn Ly bị chết trong một trận đánh nhau ác liệt. Các thành viên còn lại của toán đã bị bắt khi họ cố gắng chạy trốn về phía Nam Quảng Bình. Toán trưởng Lê Khoan bị xử tử sau vụ bắt đó như là một sự trả đũa vì những thiệt hại của phía bên kia.

Vấn đề của các toán đổ bộ xuống một nơi mà không đúng với dự kiến đã được tính đến, ít nhất theo Trung tá William Mc. Lean, người theo dõi các hoạt động ở Lào trong suốt giai đoạn này đã giải thích rằng:
- Điều tai hại nhất là các tấm bản đồ đáng nguyền rủa mà vẫn phải sử dụng. Đó là những tấm bản đồ cũ từ thời Pháp, và chính nó đã tạo nên những sự rắc rối. Các ông biết đấy, người Pháp bắt đầu hệ thống bản đồ thế giới của họ lấy trung tâm ở Pari chứ không phải ở London như chúng ta. Hệ thống bản đồ của người Pháp cũng không được tỷ mỷ ở Lào và Việt Nam mà cách đến nửa vòng trái đất, có sự sai lệch vào khoảng 3000 m so với những tọa độ trên bản đồ của chúng ta với cùng một điểm căn cứ vào toạ độ trên bản đồ Pháp. Vì vậy, nếu đánh dấu một địa điểm căn cứ vào bản đồ của Mỹ nhưng chọn các điểm đến và trong thực tế lại chỉ dùng bản đồ của Pháp thì kết quả sẽ thế nào, nếu không phải là sự rắc rối phiền toái lớn, và tin chắc rằng mình đang so sánh những quả táo với những quả cam. Tôi không gặp phải những rắc rối đó ở Lào, vì tôi có hai bộ bản đồ và có thể tin chắc rằng tôi đã để ý đến sự so sánh ấy.

Nếu có một người Mỹ nào đó nói về việc toán của anh ta xác định một toạ độ như vậy và không nhận rõ rằng toán của anh ta sử dụng bản đồ Pháp thì nhất định toán đó sẽ đi quá 3 km địa điểm mà họ dự định sẽ tới.

Đầu năm 1962 hiệp định Gơnevơ về Lào được ký kết. Hầu hết lực lượng bán vũ trang được đưa ra khỏi Lào.

Khi toán LYRE đang đến gần giai đoạn kết thúc khoá huấn luyện thì thiếu tá Lê Văn Bưởi nhận được một bức điện của Ngô Đình Cẩn qua một điệp viên ở địa phương của Bưởi tại Hòn Gai. Bức điện đó ra lệnh cho Bưởi phải quay trở về miền Nam. Bưởi kể lại những ngày còn được tự do cuối cùng của mình:
- Tôi đến Đồng Hời vào ngày 22 tháng 10 và chờ đợi người ta đem thuyền đến đón. Tôi được hướng dẫn là đợi ở một quán cà phê nhỏ và sẽ có một người đến đón kèm theo tín hiệu nhận biết và sẽ đi vào Huế cùng với họ. Tôi chờ đợi nhưng không có ai tới cả. Ngày 23 tôi quay trở lại quán cà phê đó lần thứ 2. Có thể là kế hoạch này được vạch ra trước rồi sau đó việc đưa những chi tiết trong bức điện là do ông Cẩn nghĩ ra. Tôi vừa mới vào quán và ngồi xuống thì có mấy nhân viên cảnh sát bước vào và đi thẳng đến chỗ tôi ngồi.

Họ hỏi: "Anh có phải là Lê Văn Bưởi?"

Họ đã biết rõ câu trả lời của tôi là thế nào rồi nên cũng không cần đóng kịch làm gì.

Tôi trả lời: "Vâng, đúng".

Họ nói bằng một giọng nhẹ nhàng: "Xin mời đi theo chúng tôi".

Họ đưa tôi ra khỏi quán cà phê và đưa thẳng về nhà biệt giam. Họ có một nhóm thẩm vấn hỏi tôi mấy tháng liền. Và thường làm việc vào giữa đêm. Tôi không nghĩ là những người tù khác ở Đồng Hới biết được sự có mặt của tôi ở đấy.

Sau đó họ đưa tôi tới gặp một số sĩ quan cấp tá. Trong số ấy có giám đốc ban an ninh của tỉnh, cán bộ phụ trách nhà giam và một người giới thiệu là trung tá cán bộ Công an từ Hà Nội vào.

Viên trung tá đem theo một phong bì to được gắn xi, ông ta mở chiếc phong bì đó và lấy ra một xấp ảnh của những người như Ngô Đình Cẩn, Nhu, Tuyến... và một xấp mật mã, một số bức điện.

"Tôi biết anh là ai rồi, chúng tôi biết anh đến đây vào mùa hè năm 1961 và làm việc cho ai. Đây, anh hãy đọc bức điện này...".

Đó chính là bức điện đã nhận được do Ngô Đình Cẩn gửi ra trước đây mấy tuần yêu cầu tôi quay trở về Nam Việt Nam. Nhưng dù sao tôi cũng biết được đó không hoàn toàn là bức điện vì nó thiếu tín hiệu nhận biết của Ngô Đình Cẩn. Điều ấy cho tôi hiểu rằng họ đã biết nội dung của bức điện, nhưng nó không phải là bức điện gốc.

"...Chúng tôi có được bức điện này là do Mặt trận Giải phóng chuyển cho và họ yêu cầu anh trả lời một số câu hỏi ...".

Viên trung tá dừng lại, chỉ một người đang bước vào. Người ấy nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó anh ta nói:
- Tôi biết anh là Bưởi và anh cũng biết tôi. Tôi nói thế có đúng không?

Tôi nhìn kỹ lại anh ta. Đúng là tôi có biết anh ta. Người này tôi đã gặp ở Tổng nha cảnh sát Sài Gòn trước khi tôi được đưa ra Huế. Khi ấy anh ta mặc quân phục cấp bậc đại uý, và anh ta không có vẻ gì đặc biệt như những người bình thường được chỉ định đến làm việc ở đó.

Tôi suy nghĩ kỹ trước khi trả lời: "Anh có thể hỏi tôi những gì anh muốn, nhưng tôi chỉ thừa nhận là tôi đã từ miền Nam ra đây. Anh đã biết rõ tôi là ai rồi...".

Viên sĩ quan cấp tá chưa hài lòng, ông ta hỏi:

"Những điệp viên của anh là ai?".

Đó là điều mà Bưởi đã chờ đợi từ lâu. Điều ấy đã diễn ra một năm rưỡi trước đây. Bưởi nói tiếp :

Tôi nói với họ về tướng Giáp...

Các ông phải nhớ rằng chúng tôi đã theo dõi các hoạt động đi lại của tướng Giáp và chúng tôi biết ông ta đang chuẩn bị đi Matxcova, nhưng chúng tôi không biết rõ là ông ta sẽ làm gì ở đó. Chúng tôi cũng biết được những vấn đề trong phong trào Cộng sản quốc tế về vấn đề lãnh đạo Nam Tư đã bất đồng với Liên Xô và đã xảy ra những vấn đề trong nhũng năm 1950 ở Đông Đức và Ba Lan. Chúng tôi biết được cuộc xung đột giũa Trung Quốc và Liên Xô có những cuộc tranh luận ở Bắc Việt về việc họ nên nghe theo ai. Có một nhóm kêu gọi rằng Hà Nội nên đứng ngoài cuộc và chừng mực nào đó phải giữ được tính độc lập-nhóm này được gọi là những kẻ xét lại.

Trong cuộc họp giữa tôi với các sĩ quan CIA và Cẩn trước khi tôi được đánh đi họ đã cân nhắc đến những việc tôi phải làm nếu tôi bị bắt. Nếu điều này xảy ra, đặc biệt là việc ném bom được thực hiện trước khi trở về thì tôi có thể sẽ được giúp đỡ vì sự bất đồng của những quan chức trong nhóm xét lại mà mục đích của họ là chống lại những người thuộc phái ủng hộ Đảng. Cho nên tôi khai với họ điều mà tôi đã được hướng dẫn để nói. Tôi khai rằng tướng Giáp đang làm việc cho Mỹ, ông ta đã được tuyển ở Matxcova và là người đứng đầu của nhóm xét lại. Điều này có ý nghĩa là ông ta không sẵn lòng chấp nhận sự lãnh đạo của Matxcova và ủng hộ một Bắc Việt Cộng sản theo kiểu Nam Tư, đồng thời không thừa nhận sự lãnh đạo của cả Matxcova và Bắc Kinh.

Bưởi ghi nhớ một danh sách các tên để khai với Bộ Công an và các quan chức Bắc Việt, lập tức được ghi lại khi anh ta khai ra điều đó. Danh sách này gồm Trần Hữu Dực phụ trách Nông nghiệp trong văn phòng Thủ tướng, Trần Danh Tuyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Trịnh Nguyên giám đốc mỏ than Hòn Gai, Nguyễn Thọ Chân, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh và một số quan chức an mình khác. Bưởi nói tiếp:
-Tôi nhớ lại một thời gian sau đó có nghe nói tới việc tướng Giáp đi Bắc Kinh, một trong những quan chức trong trại nói là tướng Giáp đi Bắc Kinh vì ông ta bị nghi ngờ là đứng đầu nhóm xét lại. Còn những người khác thì không thấy xuất hiện trên báo chí nữa, trừ ông Nguyễn Thọ Chân, người ta nói rằng ông ta đã đi làm đại sứ ở Matxcova. Tôi không rõ những gì đã khai báo với Bộ Công an có tác động trực tiếp đến việc bắt giữ những phần từ xét lại hay không, nhưng tôi tin chắc là có đóng góp một phần nhỏ trong làn sóng bắt bớ lúc bấy giờ.

Tôi bị giam tại một nhà tù ở Vĩnh Linh vào thời kỳ đầu Mỹ ném bom Bắc Việt-tháng 8/1964. Năm 1965, ba năm sau khi bị bắt tôi được đưa ra xét xử tại Toà án quân sự về tội làm gián điệp với mức án 20 năm tù giam. Sau khi xét xử tôi được đưa đến trại giam số 3 ở Nghệ An. Vào khoảng năm 1968 tôi được chuyển đến trại Phong Quang. Tôi không bao giờ quên những câu hỏi của giám thị trại giam. Khi tôi đến đó-ông Hoàng Thanh nói: "Này tôi biết anh đã khai những gì với Bộ Công an rồi, hãy nói cho tôi biết những gì anh muốn khai them với tôi". Tôi không nói gì cả và điều đó đã làm cho ông ta tức giận.

Trong khi ở trại Phong Quang tôi gặp Trần Quốc Hưng và Lưu Nghĩa Lương, hai điệp viên này cũng bị Bắc Việt bắt. Tôi gặp người anh của Nguyễn Cao Kỳ bị bắt ở đó. Ông ta ở lại miền Bắc sau năm 1954 và đã sống yên ổn cho tiến khi xảy ra sự kiện vịnh Bắc Bộ. Sau đó ông ta bị bắt và bị cách ly. Một lần tôi nói chuyện với ông ta và điều ấy đã gây ra một loạt các cuộc thẩm vấn đối với tôi nhằm tìm ra những tác hại trong cuộc nói chuyện với người anh của Kỳ. Họ giam tôi ở đây cho đến năm 1972, khi được biết là tôi sẽ được trao trả. Sau những lớp nhồi sọ trước khi trao trả họ cười thân thiện và nói rằng tôi sẽ được về nhà sau ngày chiến thắng.

Vào cuối năm 1962, những hồ sơ của Hà Nội ghi chép về những hoạt động phản gián thành công bao gồm K26 (Mộc Châu); K36 (Sông Mã-Sơn La); K33 (Hoà Bình); K37 (Hà Bắc); K34 (Quảng Bình); K32 điện Biên); K35 (Yên Bái)...

Việt Nam đã công bố những thành công của mình vào các năm sau đó. Sau một loạt những phỏng vấn các tình báo viên của cơ quan tình báo quân sự và dân sự Việt Nam Cộng hoà bị bắt vào 30.4.1975, nhất là những người có liên quan đến các hoạt động tình báo chống lại miền Bắc.

Đặc biệt đối với các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức bí mật, thắng lợi của mỗi điệp vụ này chứng minh rằng các thông tin liên quan đến các hoạt động được tuyên truyền qua các phương tiện bí mật đã được đảm bảo hoàn toàn bí mật và thực hiện đúng các yêu cầu của mỗi điệp vụ nói trên.

Một số nhân viên điện đài đã báo động cho Sài Gòn về việc họ bị bắt giữ và bị sử dụng trong các hoạt động đánh lừa của Hà Nội qua điện đài, còn một số khác thì không. Năm 1962 CIA đã hạn chế những hoạt động với những nhóm mà họ cho là đã bị đối phương khống chế. Tuy nhiên cũng có một số ít các toán đã cho thấy là không có bằng chứng chắc chắn nào chứng tỏ họ đã làm việc cho Hà Nội khi các sĩ quan bán quân sự Mỹ được rút khỏi Lào theo hiệp định Genevơ về Lào năm 1962.

Đối với John Richardson, một trưởng trung tâm CIA mới ở Sài Gòn việc kết thúc năm 1962 có ý nghĩa nhiều hơn là việc kết thúc 6 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của ông ta ở Việt Nam, vì nó trùng hợp với những bước đầu tiên chuyển giao một số hoạt động bán quân sự của CIA cho quân đội Mỹ. Đồng thời Richarson cũng phải giám sát những thay đổi về mặt chính trị đối với Diệm, khi các lực lượng của Diệm theo dõi các sĩ quan CIA và Ngô Thế Linh tiếp tục phái gián điệp ra miền Bắc.

Đối với William Colby, sự chú ý của ông ta đã có sự thay đổi do cuộc đảo chính đang âm ỉ ở Sài Gòn. Sự chuyển giao đã trở thành vấn đề cần phải thương lượng với Bộ Quốc phòng. Những cuộc thương lượng ấy đã làm mờ mắt Hà Nội bởi con sâu bỏ rầu nồi canh.

-------------o0o--------------
(Hết mục 3).


4. CHIẾN LƯỢC CÀI RĂNG LƯỢC ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG.

Ngày 1 tháng 1 năm 1963 cùng với việc thực thi kế hoạch chiến lược cài răng lược theo từng giai đoạn, bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Sài Gòn chính thức nhận trách nhiệm về an ninh biên giới từ lực lượng bán quân sự của CIA dưới quyền của Gilbert Layton. Trong khi đó các hoạt động phía Bắc của CIA tiếp tục dưới quyền chỉ huy của W.T Cheney đóng tại Sài Gòn. Chiến lược cài răng lược ở miền Nam Việt Nam dường như là đã được chỉ đạo để hoàn thành vào tháng 7 năm 1963, tuy vậy diễn biến của chiến lược này thiếu sự chỉ đạo của Tổng thống Diệm.

Gilbert Layton nhớ lại giai đoạn đó:
- Đại tá George Morton chỉ huy lực lượng đặc biệt "C" lúc đó đóng tại Nha Trang. Chương trình hành động bán quân sự ở phía Nam của tôi được chuyển qua cho ông ta theo từng giai đoạn phù hợp với chiến lược cài răng lược. Ngay khi mà lực lượng quân sự sẵn sàng tiếp nhận chúng tôi chuyển giao ngay. Tôi nhớ lại là vào mùa hè năm 1963, hầu hết việc chuyển giao này đã hoàn thành và tôi ở lại làm trợ lý đặc biệt cho Morton.

Ngay từ đầu đại tá Morton đã hiểu rằng chương trình hành động phía Nam phụ thuộc vào việc duy trì lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ đóng cùng lực lượng dự bị địa phương trong các làng xã chứ không thể tách biệt được. Đây chính là hạt nhân của khái niệm bán quân sự, dùng các lực lượng tại chỗ bảo vệ làng xã của họ như giữ cho cá sống trong vùng nước của nó.

Những lực lượng ở mức độ làng xã này là nguồn cơ bản cung cấp thông tin về các hoạt động của kẻ địch. Lực lượng này phục vụ như là tai mắt trong các làng xã mà từ đây họ đã sống và được tuyển mộ. Họ sẽ chiến đấu để bảo vệ nơi sinh sống của họ, bởi vì họ có rất nhiều quyền lợi ở đó. Đưa họ sang vùng đất khác nơi không có những người dân địa phương sinh sống cũng có nghĩa là làm cho lực lượng này trở nên không hiệu quả.

Trong suốt quá trình chiến lược cài răng lược được thực hiện tướng Richard G. Stilwell đã quyết định chuyển lực lượng đặc biệt cộng với các lực lượng dự bị mà chúng tôi đã chuyển cho đại tá Morton tại Nha Trang di chuyển theo hướng tây về phía biên giới Lào. Chiến lược của tướng Stilwell chính là lực lượng dự bị địa phương có thể phản ứng nhanh ngăn chặn các lực lượng Bắc Việt khi xâm nhập qua biên giới, nhưng điều này cũng hoàn toàn đối nghịch với chiến lược của tôi trước khi chuyển lực lượng này đi. Đại tá Morton đã hiểu cái mà tôi đang làm. Tôi cũng tham gia vào cuộc họp trong đó Morton thúc giục lực lượng này ở lại vị trí cũ, nhưng tướng Stilwell lại yêu cầu lực lượng này di chuyển lên phía trên. Nó có thể là một chiến lược hợp lý, nhưng nó lại tạo ra một hiệu ứng là đưa cá ra khỏi vùng nước nó sinh sống. Lực lượng di động của chúng tôi được đặt ở trên vùng biên giới đã sớm mất hiệu quả bởi vì họ phải hoạt động trong vùng không hề có dân, nơi mà họ chẳng có quyền lợi gì ở đó. Tướng Stilwell đã chịu rất nhiều áp lực, theo tôi chủ yếu là từ Washington.

Khi chiến lược cài răng lược tiếp tục được thực hiện chính quyền Diệm bắt đầu tăng cường sự theo dõi đối với các sĩ quan CIA đang có quan hệ với các nhóm chính trị bên ngoài, ví dụ như Việt Nam Quốc dân Đảng. Vào mùa xuân 1963, một mình Tucker Gougelmamn thu xếp cho ra đời một cơ quan tại Đà Nẵng với sự giúp đỡ từ Carl Jenkins, sĩ quan trong lực lượng bán quân sự của CIA trực tiếp phụ trách căn cứ huấn luyện Hoàng Hoa Thám. Tại Long Thành căn cứ huấn luyện mới được thành lập, sĩ quan bán quân sự của CIA Larry Jackson đã làm việc với các đồng nghiệp Việt Nam để giúp đỡ trong việc mở lớp và lần đầu tiên lực lượng này đã sẵn sàng tới đó để dự huấn luyện.

Tháng 4 năm ấy toán "PEGASUS" đã nhảy dù xuống Lạng Sơn, 2 tuần sau, một nửa toán "JASON" tới Quảng Bình và nửa còn lại đến vào tháng sau đó. Nhưng tất cả thành viên của hai toán đều bị bắt.

Việc thành lập trung tâm huấn luyện Long Thành vào tháng 4 năm 1963 là bước chuẩn bị tiếp theo của CIA trong việc chuyển chương trình bán quân sự ra miền Bắc sang cho Lầu Năm góc . Một bằng chứng khác của việc chuyển đổi này bao gồm tái tổ chức nội bộ toán. Việc sử dụng tên toán cũng mang tính chất quân sự hơn. Cựu chỉ huy căn cứ huấn luyện tại Long Thành, Nguyễn Hưng nhớ lại việc thành lập:
- Larry Jackson là sĩ quan CIA chủ yếu hướng dẫn tôi về huấn luyện và ông ta đã làm việc với tôi cho tới khi lực lượng quân sự Mỹ tiếp quản tất cả vào mùa xuân năm 1964. Trong suốt mùa hè 1963, lực lượng quân sự đặc biệt của Mỹ đã đến Long Thành để tổ chức huấn luyện các toán tung ra miền Bắc. Khi các toán tiến vào vùng giới nghiêm trước lúc mở màn chiến dịch, Cục tình báo trung ương Mỹ tiếp nhận và trong trường hợp này viên chức CIA phải sắp xếp cho họ nhảy dù xuống trên chuyến bay C-123 do đoàn phi hành người Đài Loan điều khiển. Cùng với việc thành lập trung tâm huấn luyện ở Long Thành, chúng tôi kết thúc với 2 toán hoàn toàn ngăn cách. Một toán biết rất rõ trung tâm huấn luyện Long Thành. Còn toán thứ hai ở trong những ngôi nhà được bảo vệ an toàn nằm rải rác quanh Sài Gòn. Những người trong trung tâm huấn luyện Long Thành dù biết nhau, nhưng những người trong khu được bảo vệ an toàn thì vẫn ở trong những căn phòng riêng biệt. Đây còn được coi như một phần bí mật của chiến dịch. Trong công tác huấn luyện, chúng tôi quan tâm đến cả hai loại lực lượng: một lực lượng sẽ được tung ra miền Bắc và một lực lượng hoạt động ở miền Nam. Công việc chủ yếu của tôi là bảo đảm cho họ hiểu được những kiến thức cơ bản về chất nổ, về thu lượm tin và sử dụng thành thạo. Tôi cho rằng chúng tôi đã chuẩn bị khá tốt cho loại công việc này.

Các cuộc tranh luận mang tính chất chuyên môn về việc tiến hành chiến tranh ở Việt Nam không chỉ hạn chế đối với người Mỹ mà những cuộc tranh luận như thế cũng xuất hiện trong bộ chỉ huy Quân đội nhân dân B-2 Việt Nam tại miền Nam. Bộ chỉ huy này được mang tên là Bộ Tư lệnh Quân giải phóng. Trong nhiều năm, những cán bộ chỉ huy chủ chốt ở đây như tướng Trần Độ, một trong những chỉ huy phó của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng đã luôn chú ý và đẩy mạnh chiến tranh du kích chứ không phải là sự leo thang chiến tranh. Quan điểm này được giữ vững mãi đến năm 1963, khi tướng Nguyễn Chí Thanh từ Hà Nội vào giữ chức Tư lệnh lực lượng quân sự miền Nam. Tướng Thanh vào mang theo một quyết định cứng rắn chuyển chiến tranh du kích sang các hoạt động quân sự tầm rộng hơn. Quan điểm của tướng Trần Độ và của vài người khác ở Bộ Tư lệnh tại miền Bắc tỉnh Tây Ninh đã bị lu mờ trước kế hoạch bất ngờ của Hà Nội trong việc chuẩn bị gửi các đơn vị quân thường trực chính quy vào miền Nam Việt Nam.

Một phần của trục trặc này là do áp lực từ Washington hối thúc việc chuyển giao này xảy ra nhanh hơn. Và một phần khác hiển nhiên thấy được là có rất ít toán biệt kích thực sự tồn tại và hoạt động trong lòng Bắc Việt. Điều này có nghĩa rằng việc thúc đẩy để thực hiện chương trình là phụ thuộc vào kỳ vọng của Washington.

Một nhân tố khác dẫn tới cách tiếp cận vấn đề thiếu toàn diện là sự khác biệt cơ bản về mặt quan điểm giữa William Colby, người chịu trách nhiệm phần Viễn Đông của CIA với Giám đốc CIA James Angleton. Đây là vấn đề cơ bản quan trọng nhất của giới lãnh đạo bắt nguồn từ quá trình ra quyết định bởi các quan chức cao cấp nhất của CIA tại tổng hành dinh, Trưởng trung tâm tại Sài gòn (dĩ nhiên người ta dễ thiên về ý kiến của Trưởng trung tâm hơn). Thêm vào đó. các tin đồn về đảo chính đang tràn ngập cả Sài Gòn và Washington càng tạo thêm áp lực đòi CIA phải chuyển giao gấp các lực lượng bán quân sự (phần lớn là chưa hoàn chỉnh, chắp vá) cho Lầu Năm góc.

Trong suốt mùa xuân năm 1963, phong trào Phật giáo tẩy chay Diệm đã phát triển và Colby đã bị rối lên trong các cuộc tranh luận đối với vấn đề có nên duy trì Tổng thống Diệm hay loại bỏ ông ta. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng của Tổng thống Diệm, ông Thuần đã đưa cho tướng Maxwell Taylor một lá thư khuyến cáo các yêu cầu của Washington đòi mở rộng quyền hạn của các cố vấn Mỹ, trong khi Tổng thống Diệm vẫn giữ lập trường kiên quyết chống lại những cố gắng tăng thêm cố vấn mà ngài Bộ trưởng năng động đã chính thức yêu cầu người Mỹ dưới danh nghĩa của Tổng thống Diệm. Sự có mặt của quân đội Mỹ tại Việt Nam lúc này đã vượt quá 15.000 người. Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara đã đưa ra hai hướng giải quyết cùng một lúc. Một mặt ông ta chỉ đạo Lầu Năm góc chuẩn bị cắt giảm đáng kể các nguồn viện trợ quân sự tới Việt Nam xuống con số 0 trong vòng 6 năm, ngừng tăng quân số của quân đội Mỹ tại Việt Nam và đồng thời ra kế hoạch giảm 1000 lính vào cuối năm. Bên cạnh đó, ông ta phê chuẩn tăng viện trợ vào khoảng 10% mức hiện tại, điều này làm cho việc chuẩn bị giảm quân số và ngân sách trở nên lỗi thời ngay trước khi kịp ráo mực.

Việc chuyển các toán hoạt động bán quân sự ở phía Bắc cho giới quân sự trùng hợp với việc tuyển chọn dân sự đang được huấn luyện ở các trung tâm sang thành các toán xâm nhập đường biển chứ không phải bằng đường không cũng gây một xáo trộn lớn. Cũng vào thời điểm đó, các toán biệt kích đã không thể xâm nhập vào Bắc Việt theo đường biển bằng thuyền lại được chuyển vào Sài Gòn để huấn luyện nhảy dù chuẩn bị đột kích bằng đường không.

Cho đến tháng 6 những lời đồn đại về những cố gắng cho các đơn vị biệt kích bán quân sự xâm nhập bằng thuyền từ Đà Nẵng đã gặp những khó khăn nghiêm trọng lan tràn khắp căn cứ. Không ai nhận thấy điều này rõ hơn Nguyễn Văn Ngọ chỉ huy toán hoạt động dài ngày, người đã thực hiện nhiều cố gắng xâm nhập vào vùng cán xoong ở Bắc Việt bằng thuyền, song không thành công. Lực lượng của ông ta thuộc một trong những toán được gửi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn để huấn luyện nhảy dù. Sau khi hoàn thành việc huấn luyện, lực lượng của ông Ngọ chia làm hai toán: BART và TELLUS. Ông Ngọ là chỉ huy trưởng của TELLUS và được thả dù xuống mục tiêu của nó vào một thời điểm rất thuận lợi trong đêm. Cùng với các thủ tục nhảy dù bình thường, toán được hướng dẫn nhảy dù xuống bất kỳ địa điểm nào cách khu dân cư trên 10 km.

Những người còn sống sót của toán sau này tả lại là họ đã nhảy dù xuống một vùng đông dân ở tỉnh Ninh Bình, nhưng lại sai vị trí dự định. Tồi tệ hơn toán nhảy dù xuống một làng khá lớn và hạ ngay trước trụ sở Hợp tác xã.

Ban quản trị làm việc rất khuya và phát hiện ra ngay khi họ vừa hạ cánh. Cả toán bị bắt ngay trước khi họ kịp rút vũ khí ra.

Toán BART, do Đinh Văn Chức chỉ huy, nhảy dù xuống gần Thanh Hoá. Toán này không bị rơi vào những vùng đông dân cư nhưng lại bị dân địa phương phát hiện và báo cho lực lượng an ninh địa phương. Họ bị bao vây và tóm gọn một cách nhanh chóng.

Vào ngày 4/6 toán BELL đã nhảy dù vào huyện Văn Bản thuộc tỉnh Yên Bái phía Đông Bắc Hà Nội. Toán này bị bắt ngay lập tức, và người điều khiển điện đài là Lữ Thế Toàn cũng bị bắt.

Sau đó, các tình báo viên thông báo lại rằng, những người thổ dân trên núi không nói được tiếng phổ thông và bất cứ một sự liên lạc quan trọng nào với họ đều bị bế tắc. Vào tháng 9, BELL thông báo với Sài Gòn là đã đánh phá được đường xe lửa Hà Nội-Lào Cai vào ngày 31/8 nhưng việc này không bao giờ xảy ra cả.

Toán DAUPHINE gồm năm người đi cùng với toán BELL trên một đợt đổ bộ bằng dù, họ được thả xuống Lào Cai trước BELL. Chỉ huy của toán kể lại nhiệm vụ như sau:
- Toán của chúng tôi được thành lập vào năm 1962. Tất cả đều là người dân tộc Tày ở khu vực Lào Cai và tôi ở huyện Văn Bản. Nhiệm vụ cuối cùng của chúng tôi trong giai đoạn từ tháng 6/1962-6/1963 là phải tiến hành 5 phi vụ trên khu vực dự định hoạt động và chọn lựa nơi đổ bộ. Lực lượng không quân Nam Việt Nam đưa chúng tôi đến Thái Lan, và đội bay của Đài Loan chở những toán còn lại. Chúng tôi cất cánh từ Thái Lan, bay qua Việt Nam, và đến vịnh Bắc Bộ. Chúng tôi bay trên sông Hồng, qua Hải Phòng, Hà Nội, Yên Bái, rồi lên Lào Cai trước khi quay trở lại Thái Lan. Năm phi vụ này dường như là bay có định hướng vì các phi hành gia Đài Loan tỏ ra thạo đường. Chúng tôi đã sử dụng một ống kính tầm xa khuếch đại ánh sáng để xác định các vị trí trên mặt đất đã đảnh dấu trên bản đồ của các phi hành gia. Chúng tôi luôn bay vào những đêm trăng sáng ở một khoảng cách không cao lắm nên có thể nhìn rõ mọi thứ.

Nhiệm vụ của DAUPHINE là phải bắt mối liên lạc với những người dân tộc Tày và xây dựng một căn cứ tại đấy. Sau đó chúng tôi phải phá hoại tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội. Một thành viên trong toán của tôi được gọi là tình báo chính trị vì anh ta có chân trong "Đảng Gươm thiêng ái quốc", một Đảng có nhiệm vụ chính trị đằng sau những hoạt động biệt kích đơn thuần của chúng tôi. Trong đợt bay thứ 6 của tôi có 2 toán trên cùng một chuyến bay, tôi biết Lý Văn Choi là một trong những thành viên của toán kia mà sau này biết rõ là của toán BELL. Toán của chúng tôi nhảy ra trước ở độ cao khoảng 300m. Trời lúc đó gió nhẹ nhưng khoảng 20 giây sau chúng tôi mới tiếp đất.

Vừa tiếp đất chúng tôi đã mau chóng phát hiện ra là mình đang ở trong vòng vây của dân quân địa phương. Đây quả là điều mà không ai mong đợi, nhưng chúng tôi đã kiên quyết chống trả dữ dội trong nhiều giờ trước khi bị mất liên lạc Tôi bị trúng đạn nhiều lần nhưng đã cố gắng lẩn trốn được khoảng 7 ngày thì bị bắt. Họ chở tôi bằng máy bay trực thăng tới một bệnh viện chuyên khoa của Bộ Công an nằm trong một thị trấn nhỏ có tên Phố Mới, và họ đã thẩm vấn tôi ở đó. Do chúng tôi đã ngoan cố lẩn trốn để tránh bị bắt giữ, và do thái độ không chịu hợp tác. Sau năm đó tôi đã bị đưa tới nhà tù Quyết Tiến và tôi nhớ là đã gặp 37 biệt kích khác ở đấy. Hai người đồng đội của tôi đã không cùng tôi tới nhà tù Quyết Tiến. Chúng tôi chống trả và kiên quyết không hợp tác với Bộ Công an. Hai đồng đội của tôi bị tử hình vì đã kháng cự.

Ở đợt bay của tôi đã có điều gì đó sai sót rất nghiêm trọng mà vào ngày đó tôi không thể hiểu cái gì đã xảy ra. Chúng tôi có nhiệm vụ đổ bộ lên một làng nhỏ của dân tộc Tày có tên là Bản Lùn. Tôi biết khu vực này và tôi đã nhận ra nó trong chuyến bay qua trước đó. Nhưng chúng tôi đã được thả đúng vào bản Vo Lao cách xa khoảng 25 km. Những người nông dân đang tuốt lúa ở phía trước nơi tụ họp của bản đã nhìn thấy ngay khi chúng tôi đáp xuống đất. Tại sao chúng tôi, bị thả chệch quá xa điểm dự tính mà phi hành đoàn đã bay qua rất nhiều lần? Tôi đã phải đợi tới 25 năm sau mới có một vài người Mỹ nói cho biết vì sao và cái gì đã xảy ra. Các bạn có biết tại sao họ làm như vậy không?

Tôi không có được câu trả lời đích đáng nào cả.

Bốn ngày sau toán MIDAS đã tới Nghệ An và rơi vào tầm kiểm soát của Hà Nội. Khi đó toán NIKE bị bắt giữ ở tỉnh Hà Tĩnh. Vào tháng 8 toán EASY tới Sơn La, phía tây của TOURBILLON và đã tuyển thêm một số người vào danh sách điện báo viên của toán. Các toán khác được CIA tung ra phía Bắc quá nhanh đến nỗi sau này những nhà nghiên cứu của Lầu Năm góc cũng không thể hình dung được chính xác vị trí và thời điểm mà họ đổ bộ.

Vào năm 1963 điệp viên đơn tuyến Dương Chúc một mình đáp xuống bãi đổ bộ đèo Ngang, một khu vực được sử dụng nhiều lần ở tỉnh Hà Tĩnh. Ngay lập tức anh ta đã bị bắt. Điệp viên Nguyễn Thuỳ sau đó ít lâu cũng chịu chung số phận như vậy.

Toán điệp viên kép gồm hai người được mọi người biết tới với cái tên ARES đã phải chịu nhiều tổn thất hơn. Vào tháng 11/1962, toán BECASSINE 6 người được huấn luyện ở một căn cứ an toàn trong ngôi nhà số 199 trên nút giao thông chính Phú Nhuận tại ngoại ô Sài Gòn.

Toán được giáo viên người Việt Nam và Mỹ huấn luyện trong vòng 8 tháng. Một sĩ quan quân đội Mỹ mà mọi người biết tới với cái tên "Dick" chịu trách nhiệm hướng dẫn về cách thức phá hoại. Giáo viên người Việt dạy cách thức và trình tự thu thập tin tức, tình báo, huấn luyện nhảy dù, và các loại vũ khí. Việc tập bắn súng diễn ra tại trung tâm huấn luyện bộ binh Thủ Đức. Điện báo viên của toán đã tiếp nhận luật mật mã tại một trường tư thục ở Quận Tân Định-Sài Gòn.

Vào tháng 6/1963, toán nhận nhiệm vụ hoạt động ở vùng Đông Bắc-Bắc Việt Nam gần thị xã Hòn Gai. Toán phải bắt liên lạc với dân địa phương, thiết lập mạng lưới giao liên, báo cáo các tin tức về các căn cứ quân sự và những mục tiêu khác trong khu vực. Sau khi đổ bộ cả toán phải di chuyển nhanh tới điểm tập trung đầu tiên, liên lạc điện đài với chỉ huy sở, và thiết lập căn cứ hoạt động an toàn. Vào thời điểm đó, Ban chỉ huy sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và chỉ dẫn các hoạt động tiếp theo để tới những khu căn cứ mới. Nhiệm vụ của toán là duy trì hoạt động trong 3 năm, sau thời gian đó các thành viên trong toán sẽ được xuất đầu lộ diện.

Việc cài cắm được một đội hình như vậy vào vùng Đông Bắc-Bắc Việt Nam gieo vào tâm trí họ như một chiến thắng vĩ đại và động viên mọi người có thái độ làm việc tích cực. Ngô Thế Linh, một sĩ quan lâu năm của chỉ huy sở hứa sẽ để ý theo dõi mọi việc.

Khu vực đổ bộ và điểm tập trung đầu tiên đã được xem xét rất cẩn thận. Dựa trên những thông tin có sẵn trên bản đồ, có thể khẳng đình khu vực đổ bộ là an toàn và không có dân cư.

Cả toán đi trên một chiếc xẻ tải bịt kín ra sát máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất, Sài Gòn. Phi hành đoàn gồm phi công Đài Loan và các nhân viên "Kickers", những người có nhiệm vụ đẩy hàng hoá ra khỏi máy bay khi hạ độ cao. Máy bay cất cánh, nó bay qua vùng biển Nam Trung Quốc, rồi hướng về phía Bắc qua Đại dương. Đôi khi nó dường như bay là là ngọn sóng. Sau khi bay qua vịnh Bắc Bộ và Hạ Long giữa Hòn Gai và Cẩm Phả. Tiếp tục hướng về phía bờ biển, máy bay đột ngột tăng độ cao và hướng vào điểm thả dù theo kế hoạch lúc nửa đêm trên núi Yên Tử. Bốn thùng hàng lớn chứa các thiết bị cung ứng được thả xuống bãi thử nhất, sau đó máy bay bay một vòng, và cả toán sẽ nhảy ra ngoài ở độ cao vừa phải trên bãi thứ hai của mục tiêu.

Khi đã ở trên mặt đất, các thành viên sẽ dùng điện đài xách tay để định vị đèn tín hiệu đã chạm đất, các thành viên trong nhóm hên lạc với trung tâm bằng máy điện đàm cầm tay của mình để xác định vị trí đầu tiên và liên lạc với nhau bằng điện đàm nhỏ của mình. Năm trong sáu thành viên tới được điểm hẹn và bắt đầu tìm kiếm bốn thùng hàng chứa thiết bị và các vật dụng-triển khai việc tìm kiếm toán viên Cao Văn Thông bị mất tích.

Vào khoảng 5 giờ sáng hôm đó, họ đã tìm được anh ta. Dù của anh ta không mở và bị đập đầu vào đá mà chết. Họ cũng tìm thấy 2 thùng hàng và đem giấu chúng vào một hang đá để dùng sau này.

Khi những tia nắng sớm đầu tiên chiếu lên những tảng đá xung quanh, cả toán quây quần và pha cà phê chờ cho trời sáng rõ để tìm nốt 2 thùng hàng còn lại. Họ nhanh chóng uống cà phê. Nguyễn Văn Thiệt và Bùi Minh Thế được lệnh tìm nốt các vật dụng còn thiếu. Khi trời sáng rõ, các thành viên trong toán nhận thấy rằng toàn bộ khu vực lấm chấm những nông trường và xí nghiệp mà không hề được đánh dấu trên bản đồ.

Khu vực này không an toàn chút nào cả và không có dân ở. Người lên kế hoạch thiếu hoàn chỉnh.

Sau nhiều giờ đi tìm kiếm cách nơi nhảy dù 1 km, Thiệt và Thế tìm thấy một hòm bị thất lạc trên một quả đồi phủ kín cây. Bên cạnh đó có nhiều người chăn các đàn gia súc. Họ lần ngược trở lại để báo cho toán trưởng Đinh Văn Công đang ở trên núi về thùng hàng mất tích. Tin này quả là bất lợi, vì những người chăn gia súc sẽ báo cho lực lượng an ninh biết việc phát hiện ra chiếc hòm và việc tung lực lượng truy tìm biệt kích sẽ được triển khai. Không còn thời gian để liên lạc đường dài với trung tâm, tình hình an toàn nhanh chóng xấu đi. Họ quyết định phân tán đội hình, mỗi người tìm cách thoát riêng. Họ đưa ra ý kiến nên trèo xuống núi và cố gắng đi gần tới bờ biển, tìm mọi cách lấy cắp tàu thuyền để trốn. Rủi ro thay, nơi họ đổ bộ lại là vùng núi đá, mà việc trèo xuống là cực kỳ khó khăn. Ban đầu người ta bảo rằng vùng đất nơi họ nhảy dù là an toàn, nhưng bây giờ trở nên quá tồi tệ.

Họ đành vứt bỏ lại vật dụng của hai thùng hàng. Đây là hai thùng hàng chứa nhiều thuốc men và vật dụng của cả toán, không thể biết chính xác là thùng nào có chứa tiền. Ngô Thế Minh cho biết là họ mang ra 4 triệu tiền Bắc Việt để sử dụng vào một số nhiệm vụ đặc biệt nào đó. Anh ta không nói rõ là tiền này từ đâu mà có, và là tiền thật hay là giả. Và một máy in truyền đơn cũng nằm ở 1 trong 2 thùng hàng ấy.

No comments:

Post a Comment