Friday, June 26, 2009

Epilogue - Phần Kết

PHẦN KẾT

Hoạt động ngầm không phải là chiếc đũa thần. Ngay cả chiến dịch ngầm lớn trong thời chiến cũng không thể quyết định thắng lợi cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, nó có thể góp phần vào chiến thắng nếu tuân thủ theo phương châm mà giám đốc OSS, Bill Donovan, đề ra: trong thời chiến, hoạt động ngầm phải được thực hiện dưới sự giám sát của giới lãnh đạo quân sự cao cấp và gắn kết với chiến lược chiến tranh chung.

Trong thời bình, nên coi hành động ngầm là một công cụ chứ không thay thế cho nghệ thuật quản lý nhà nước. Không nên coi hành động ngầm là biện pháp cuối cùng khi chỉ có hai khả năng lựa chọn là không làm gì và sử dụng lực lượng quân sự. Vì vậy, hành động ngầm nên được sử dụng kết hợp với ngoại giao và các công cụ khác của nhà nước để hỗ trợ mục tiêu của chính sách ngoại giao.

Có thể rút ra từ SOG nhiều bài học về năng lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc thực hiện các hoạt động ngầm lớn và phức tạp trong thời chiến cũng như trong thời bình. SOG đã gặp phải nhiều trở ngại và tác động làm hạn chế hiệu quả hoạt động trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam. Chơi theo luật chơi của Hà Nội tỏ ra nói dễ hơn làm.

Những ngáng trở làm yếu nỗ lực của SOG không chỉ riêng có ở Việt Nam. Ngược lại, có thể tìm thấy chúng trong vô số những ví dụ của thời chiến tranh lạnh trong đó Hoa Kỳ tìm cách sử dụng hành động ngầm. Hơn nữa, những ngáng trở này có xu hướng tác động đến khả năng sử dụng hành động ngầm của Nhà Trắng trong tương lai. Việc đánh giá lại lịch sử hoạt động ngầm của Hoa Kỳ kể từ sau chiến tranh thế gian thứ hai cho thấy có những lực cản có tính chất lặp đi lặp lại.

Thứ nhất, bản chất táo bạo của hoạt động ngầm luôn có sức hấp dẫn đối với Nhà Trắng. Tuy nhiên, mặc dù có xu hướng sử dụng hành động ngầm vì tin rằng nó có thể giải quyết những vấn đề khó trong chính sách ngoại giao một cách nhanh chóng, nhìn chung các tổng thống tỏ ra ít hiểu biết về khả năng thực sự của hoạt động ngầm.

Thứ hai, các tổng thống lo ngại việc áp dụng các biện pháp bí mật vì sợ những tác động chính trị tiềm ẩn sẽ xảy ra khi hoạt động ngầm bị phơi bày. Sự lo ngại này dẫn đến thái độ thiếu quyết đoán về mức độ hoạt động ngầm cần được thực hiện và việc giảm cường độ khi hoạt động ngầm không mang lại kết quả như ý muốn.

Thứ ba, việc sử dụng hữu hiệu hành động ngầm với tư cách là một công cụ của chính sách dường như vẫn là một thách thức khó vượt qua đối với Nhà Trắng trong thời chiến tranh lạnh. Các đời tổng thống và cố vấn của họ thường không có khả năng phối hợp và gắn kết hoạt động ngầm với năng lực chiến tranh thông tin, quân sự, kinh tế và chính trị để cùng đạt tới mục đích chính trị. Thường là hành động ngầm bị tách biệt khỏi những công cụ trên của chính sách.

Thứ tư, tổ chức và điều hành các chương trình bí mật và phức tạp là rất khó đối với Hoa Kỳ vì nó liên quan đến việc sử dụng đồng bộ nhiều chiến thuật khác nhau: điệp viên, đánh lạc hướng, tâm lý chiến, phá hoại, hoạt động bán quân sự... tập trung vào một mục đích chiến lược. Sự phối hợp các chiến thuật được áp dụng trong các chương trình hoạt động ngầm lớn của thời chiến tranh lạnh thường rất kém.

Thứ năm, khi có từ hai cơ quan trở lên cùng tham gia vào một hoạt động ngầm, những khó khăn về quản lý và tổ chức tăng lên gấp bội. Tình trạng này được đặc trưng bởi sự tranh chấp, thay vì hợp tác, giữa các cơ quan có liên quan dẫn đến giảm hiệu quả hoạt động. Quá trình phối hợp càng rắc rối hơn khi các cơ quan Hoa Kỳ phải thiết lập quan hệ liên lạc và làm việc với chính phủ hoặc nhóm người nước ngoài để thực hiện hoạt động ngầm.

Thứ sáu, việc áp dụng các kỹ thuật hoạt động ngầm khác nhau, nhất là để chống lại địa bàn bị từ chối và mục tiêu khó khăn, đặt ra những thách thức dai dẳng ở tầm thực hiện. Sử dụng các kỹ thuật này đòi hỏi phải có những người vạch kế hoạch có óc sáng tạo và hiểu biết về mục tiêu và những người thực hiện có khả năng phát triển và thực hiện đề án hoạt động cụ thể. Thường thì cả hai loại người này đều thiếu.

Cuối cùng, khó khăn trong việc tạo ra công cụ để đánh giá tác động của các chương trình hoạt động ngầm là một trở ngại trong mọi hoạt động ngầm của Mỹ ở thời kỳ chiến tranh lạnh.

Rất nhiều điều được biết về SOG minh chứng cho bảy trở ngại trên trong các hoạt động bí mật mà Washington thực hiện trong chiến tranh lạnh. So sánh lịch sử của SOG với các hoạt động ngầm khác mà Mỹ thực hiện cho thấy những trở ngại đó dường như là đặc điểm chung của việc sử dụng hoạt động ngầm của các đời tổng thống Hoa Kỳ.


KINH NGHIỆM CỦA SOG VÀ HOẠT ĐỘNG BÍ MẬT TRONG THỜI CHIẾN TRANH LẠNH

Trong suốt thòi kỳ chiến tranh lạnh, gần như tất cả các tổng thống, bắt đầu từ Henry Truman, đều có xu hướng sử dụng hành động ngầm. Eisenhower coi đó là một công cụ quan trọng để chiến đấu với chiến tranh lạnh và thường xuyên sử dụng hoạt động ngầm để làm điều đó. Mặc dù giữa các tổng thống có sự khác biệt về mức độ hiểu biết về cách thức và thời điểm sử dụng các phương pháp bí mật, ai cũng muốn hành động trong bóng tối để đạt được mục tiêu của chính sách đối ngoại.

Sự hấp dẫn của hoạt động ngầm nổi rõ trong năm 1961. Từ những ngày đầu tiên trong chính quyền, Kenedy đã cổ vũ cho hoạt động ngầm vì nó hợp với tính cách ưa hoạt động của ông. Kenedy đã nói rõ tại Hội đồng an ninh quốc gia rằng nếu Hà Nội có thể xúi giục chiến tranh du kích ở miền Nam, ông cũng muốn làm như vậy ở miền Bắc. Mặc dù kế sách của Kenedy là có giá trị, tính cách ưa hoạt động của tổng thống đã không kết hợp được với sự hiểu biết về thời gian cần thiết để tổ chức một hoạt động ngầm phức tạp. Các tổng thống khác cũng có đặc điểm này. Kế hoạch chết yểu của Nixon nhằm đảo ngược kết quả bầu cử năm 1970 ở Chilê là một ví dụ tiêu biểu cho điều đó. Nixon đã sử dụng hoạt động ngầm là giải pháp cuối cùng nhằm cứu giúp một chính sách ngoại giao thất bại.

Một số cố vấn của Kenedy chia sẻ mối quan tâm của tổng thống trong việc gây bất ổn ở Bắc Việt Nam bằng hoạt động ngầm. Người ủng hộ mạnh mẽ nhất chính là em trai của tổng thống, Robert Kenedy. Còn những người khác là Robert McNamara, McGeorge Bundy và Walt Rostow. Họđều phản ánh tư tưởng của Kenedy trong việc xử lý các vấn đề quốc tế. Hành động ngầm được coi là một công cụ quan trọng cần được khai thác sử dụng. Họ sẵn sàng chơi theo luật chơi của Hà Nội. Tuy nhiên, cũng như tổng thống, các vị cố vấn này, người khả dĩ nhất, cũng chỉ có hiểu biết đại khái về phương pháp áp dụng hành động ngầm mà thôi.

Các tổng thống khác chọn cho mình những cố vấn cao cấp, những người cũng sẵn sàng chấp nhận và khuyến nghị sử dụng hoạt động ngầm. Trong số đó, một số có hiểu biết sâu sắc về tính phức tạp liên quan đến hoạt động ngầm, số khác thì không.

Ví dụ, năm 1947, George Marshall đã thuyết phục được Truman giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động ngầm cho Cục tình báo trung ương, CIA, mới được thành lập. Đó là một công cụ của chính sách ngoại giao mà tổng thống cần đến. Sau đó Marshall đã thể hiện hiểu biết của mình về cách sử dụng công cụ đó trong các hoạt động thành công ở Tây Âu vào cuối những năm 1940. Trong chính quyền Eisenhower, anh em nhà Dulles là những cổ động viên nhiệt tình của hoạt động ngầm. Tổng thống cũng không bỏ ngoài tai lời tham mưu của họ và sẵn sàng chấp nhận nó là vũ khí để chiến đấu trong chiến tranh lạnh. Hoạt động ở Iran 1953 và Guatemala 1954 tỏ ra rất thành công. Tuy nhiên tại các địa bàn bị từ chối, hồ sơ hoạt động ngầm chỉ có thất bại nối tiếp thất bại. Tại các địa bàn này, chính quyền tỏ ra không nhận thức được bối cảnh chính trị nội bộ của các nước xã hội chủ nghĩa.

Có một mâu thuẫn là: trong khi chính quyền Johnson đang loay hoay với SOG, một hoạt động bán quân sự ngầm khác lại tỏ ra rất hữu hiệu dưới sự chỉ đạo của CIA ở bắc Lào. Hoạt động này cho phép Vàng Pao, một thủ lĩnh của người H'mông, mở rộng lực lượng và ngăn chặn không cho quân đội Bắc Việt Nam chiếm Lào, ít nhất là cho đến khi Mỹ rời bỏ Đông Dương.

Dưới thời tổng thống Nixon, mọi người đều biết rằng Henry Kissinger đã tham mưu cho tổng thống sử dụng hoạt động ngầm trong nhiều trường hợp. Nhưng ít nhất trong một vụ chủ yếu, Chilê, ông tỏ ra hiểu biết không đầy đủ về cách thức sử dụng công cụ đó. Cuối cùng, nhiều cố vấn cao cấp của tổng thống Reagan mà nổi nhất là giám đốc CIA William Casey, tìm cách sử dụng hoạt động ngầm như là một phần của chiến lược chống lại sự mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô trong Thế giới thứ ba. Hai hoạt động lớn nhất là ở Afganistan và Nicaragua. Mặc dù hồ sơ hoạt động của hai chiến dịch trên có đầy rẫy những sai sót, kết quả mang lại được đánh giá là thành công

Trong trường hợp Việt Nam, ý kiến cho rằng hoạt động ngầm ở đó được tiến hành tự do như con ngựa bất kham là không có căn cứ. Kenedy đứng đằng sau toàn bộ hoạt động ngầm. Quan hệ của tổng thống với CIA không phải là việc quản lý con ngựa bất kham chạy rông mà là một con la ương bướng chống lại những gì ông muốn thực hiện. Những hoạt động ông đòi hỏi chỉ được thực hiện dưới sự giám sát của Nhà Trắng.

Johnson còn muốn giám sát chặt hơn và, vì vậy, SOG trở thành một tổ chức bị quản lý vi mô trong suốt nhiệm kỳ tổng thống. Mọi điệp vụ được cân nhắc và phê duyệt ở cấp cao nhất tại Washington. Việc đánh giá các hoạt động ngầm trong thời chiến tranh lạnh, nhất là các hoạt động lớn bác bỏ ý kiến cho rằng các cơ quan thuộc chính phủ Hoa Kỳ chỉ đạo các hoạt động ngầm mà không báo cáo và chịu sự giám sát của Nhà Trắng. Điều ngược lại mới chính xác Các tổng thống chính là người phê duyệt và giám sát các hoạt động bí mật và làm việc đó với hai lý do trái ngược nhau.

Một mặt, phần lớn các tổng thống của thời chiến tranh lạnh tỏ ra sẵn sàng vận dụng các biện pháp ngầm để đạt tới những chính sách cụ thể. Mặt khác, họ đều ý thức được sự rắc rối mà hoạt động đó có thể gây ra. Tính chất mâu thuẫn này được thể hiện rõ nét trong trường hợp của SOG. Tiếp tục theo đuổi những gì Kenedy đã tạo đà, Johnson giao cho Lầu Năm Góc nhiệm vụ tăng cường chiến tranh bí mật trong lòng Hà Nội và sau đó lại lo sợ về những tác động quốc tế, quân sự, và chính trị của chính hoạt động đó. Chính quyền Johnson không chỉ lo ngại về thất bại và còn về cả thành công quá mức. Vì vậy, sự hăng hái biến thành cảm giác sai trái, dẫn đến hàng loạt cấm đoán và hạn chế trong hoạt động của SOG và làm giảm hiệu quả của SOG.

Kể từ SOG trở đi, sự giám sát của Nhà Trắng vẫn được duy trì nguyên vẹn với những lý do trái ngược nhau - hăng hái và thận trọng. Một số tổng thống tỏ ra hăng hái hơn, như Reagan, và số khác thì thận trọng hơn, như Bush. Nhưng tất cả đều muốn kiểm soát. Chỉ có một thay đổi là Nhà Trắng không còn là người duy nhất giám sát các hoạt động ngầm nữa. Kể từ cuối những năm 1970, quốc hội đã trở thành người tham gia tích cực trong quá trình phê duyệt và thực hiện hành động ngầm.

Để làm suy yếu Hà Nội, Kenedy đương nhiên phải dựa vào CIA. Dẫu sao thì một trong những nhiệm vụ của cơ quan này là hành động ngầm. Tuy nhiên, Kenedy nhanh chóng trở nên mất nhẫn nại về sự bất lực của CIA trong việc tiến hành hoạt động ngầm phức tạp. Thứ nhất, đó là vụ thảm bại Vịnh Con lợn. Sau đó, mặc dù đã giao nhiệm vụ chống phá Hà Nội, Kenedy thấy rằng CIA không tin rằng mình có thể làm được nhiệm vụ đó. Điều này làm Kenedy bị sốc. Ông cứ tưởng bóng ma, tiếng lóng chỉ nhân viên CIA, có thể trở thành những người lật đổ thật sự.

Kenedy không phải là tổng thống duy nhất nhận thấy tâm lý e dè chứ không phải tư tưởng táo bạo tại cơ quan tình báo. Điều này đặc biệt đúng sau hai diễn biến chính trị lớn vào nửa cuối những năm 1970. Thứ nhất là cuộc điều tra của quốc hội về những việc làm sai trái của CIA. Thứ hai là việc chính quyền Carter gạt những chuyên gia hoạt động ngầm ra khỏi cơ quan tình báo. Hai diễn biến này làm CIA chùn tay khi tiến hành các chương trình hoạt động ngầm lớn và làm cho một cựu nhân viên CIA ca thán rằng hành động ngầm là một loại hình nghệ thuật đang chết dần. Trên thực tế, những người phải ra khỏi bộ phận hoạt động ngầm của CIA không phải là những tên gây rối. Đó là những gì Reagan nhận ra đầu những năm 1980 khi ông tìm cách gia tăng hoạt động bán quân sự bí mật ở Afganistan và Nicaragua. Thái độ thận trọng và bảo thủ bao trùm lên trụ sở của CIA. Lôi cơ quan tình báo vào những hoạt động này thật không dễ chút nào.

Mặc dù đã thôi không trông cậy vào CIA, nhưng do vẫn muốn phá hoại Hà Nội, John F. Kenedy chỉ đạo Lầu Năm Góc tiếp nhận và đẩy mạnh chiến tranh bí mật. Nhà Trắng tin rằng quân đội sẽ đủ sức thực hiện nhiệm vụ. Nhưng hoá ra lại không phải như vậy, và lập luận trên đã làm cho Nhà Trắng trông mong quá sớm và quá nhiều từ SOG. Lực lượng đặc biệt không có những kỹ năng thiết yếu, mà quan trọng nhất là bí quyết thành lập và điều hành mạng lưới điệp viên và thực hiện chiến tranh tâm lý đen. Đây là một ví dụ nữa về sự thiếu hiểu biết của các quan chức hoạch định chính sách về tính phức tạp trong việc thực hiện hoạt động ngầm.

Trong những năm 1980, vai trò của quân đội trong hoạt động ngầm một lần nữa trở thành vấn đề chính sách quan trọng ở Washington. Tuy nhiên, lần này đến lượt quốc hội chứ không phải Nhà Trắng tìm cách lôi kéo Lầu Năm Góc vào hoạt động ngầm bằng việc thành lập Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt Hoa Kỳ- SOCOM. Một trong những nhiệm vụ của lực lượng mới này là thực hiện các điệp vụ ngầm cụ thể được cấp trên giao cho. Ngày nay, các điệp vụ ngầm của SOCOM bao gồm chống khủng bố và việc phổ biến vũ khí phá huỷ hàng loạt, chiến tranh không quy ước, trinh sát chiến lược và hành động trực tiếp. Kể từ ngày SOG được thành lập, nhiều thứ đã thay đổi. Lực lượng hoạt động đặc biệt ngày nay có năng lực mà SOG chưa hề có. Nhưng, trong một số lĩnh vực có tính bí truyền như gián điệp, biệt kích, thu thập tình báo bằng người và chiến tranh tâm lý, không rõ có sự thay đổi lớn nào không.

Việc thiếu kỹ năng không phải là vấn đề duy nhất mà Kenedy gặp phải khi chuyển giao chiến tranh bí mật cho quân đội. Sự phản đối của giới lãnh đạo quân sự cao cấp đối với việc chuyển giao này còn tạo ra vấn đề lớn hơn vì Hội đồng tham mưu trưởng liên quân nhận nhiệm vụ một cách miễn cưỡng. Không tin hoạt động ngầm có thể đóng góp nhiều cho chiến tranh, giới chỉ huy quân sự không chịu gắn kết SOG vào các kế hoạch chiến tranh. Đó là một phần phản ứng của giới quân sự đối với việc Kenedy yêu cầu họ phát triển các năng lực chiến tranh đặc biệt. Thái độ này có tác động sâu sắc đến SOG. SOG nhanh chóng nhận ra mình là người không được hoan nghênh trong giới lãnh đạo quân sự chính thống ở MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và là đứa trẻ mồ côi trong hệ thống chỉ huy của Lầu Năm Góc.

Quan niệm quân sự chính thống này tiếp tục tồn tại và phát triển sau khi SOG giải thể năm 1972. Sau chiến tranh Việt Nam, quan niệm đó có vai trò quyết định trong việc cắt giảm nhanh chóng quy mô các lực lượng đặc biệt và loại bỏ mọi lý luận về chiến tranh đặc biệt ra khỏi học thuyết quân sự của quân đội Hoa Kỳ. Đó là thời điểm những thách thức về bạo loạn du kích, lật đổ khủng bố quốc tế và sự hỗ trợ nhà nước đối với các hoạt động này đang tăng trên thế giới.

Trong những năm 1980, khi quốc hội và một số quan chức trong chính quyền Reagan bắt đầu tuyên bố những đe doạ này đòi hỏi nhiều hơn, chứ không phải ít đi, các lực lượng và học thuyết hoạt động đặc biệt - lập luận mà Kenedy đã nêu ra hai thập kỷ trước- một lần nữa giới lãnh đạo quân sự cao cấp lại có thái độ chống đối. Đó gần như là sự tái diễn một cách chính xác những gì đã xảy ra đầu những năm 1960. Khi chính quyền Reagan sa lầy vào cuộc tranh luận về cách thức tiến hành, quốc hội ra tay hành động. Quốc hội ban hành luật khai sinh SOCOM với sự tin tưởng là Hoa Kỳ cần mở rộng năng lực để đối phó với các cuộc xung đột có cường độ thấp.

*
* *

Có các yếu tố khác cản trở việc thực hiện các điệp vụ của SOG. Thứ nhất, khó khăn về tổ chức do phải phụ thuộc vào các cơ quan khác của chính phủ, mà chủ yếu là CIA, trong việc cung cấp những kỹ năng và các năng lực nhất định đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp giữa SOG và các cơ quan đó. Hai là, nhu cầu thiết lập mối quan hệ vững chắc với đối tác Việt Nam để thực hiện chương trình hoạt động ngầm đòi hỏi phải có sự tin cậy ở mức cao.

Khi SOG được thành lập tháng Giêng năm 1964, chỉ huy trưởng đầu tiên tưởng rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của CIA. Vì dầu sao, chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia đã quy định rằng khi quân đội tiếp nhận một hoạt động ngầm có quy mô lớn, CIA sẽ giữ vai trò hỗ trợ Tại trụ sở của CIA, lãnh đạo cơ quan này hầu như không thể hình dung họ lại đóng vai trò thứ yếu so với Lầu Năm Góc trong hoạt động ngầm. Do vậy, CIA từ chối không trợ giúp một cách đầy đủ, thậm chí còn tìm cách giảm thiểu sự dính líu của mình. Mặc dù CIA vui mừng được chấm dứt hoạt động chống lại miền Bắc, cơ quan này vẫn coi hoạt động ngầm thuộc phạm vi trách nhiệm của mình và phản kháng lại ý tưởng cho rằng quân đội có thể thay thế họ. SOG là kẻ thọc mũi vào việc của người khác và cần phải bị tẩy chay.

Thái độ trên của CIA đối với sự tham gia của quân đội vào hoạt động ngầm không thay đổi sau khi SOG giải thể. CIA tiếp tục coi hoạt động bí mật, kể cả hoạt động ngầm, là lãnh địa của riêng mình. Trong khi sẵn sàng cộng tác với quân đội trong các hoạt động hỗn hợp, CIA tin rằng họ phải là người điều hành, còn vai trò của quân đội là cung cấp những hỗ trợ cần thiết. Lập luận này chẳng đáng đồng xu nào khi CIA không có nổi một điệp viên nằm vùng để giúp cho chiến dịch giải phóng con tin ở Iran năm 1980.

Trong một số trường hợp khác, phương pháp tiếp cận trên lại mang lại hiệu quả. Trong nửa cuối thập niên 80, Trung tâm chống khủng bố được thành lập ở CIA. Các cơ quan khác, trong đó có quốc phòng, có trách nhiệm giúp CIA giải quyết vấn đề khủng bố. Mối quan hệ này tỏ ra thành công và những trung tâm khác được thành lập để giải quyết các vấn đề của tội phạm có tổ chức và sự phổ biến vũ khí phá huỷ hàng loạt.

Bất chấp những diễn biến này, sự va chạm nghề nghiệp tiếp tục tồn tại giữa CIA và những cơ quan tham gia vào hoạt động ngầm đặc biệt. Điều này đặc biệt đúng trong kỷ nguyên sau chiến tranh lạnh khi mà các chuyên gia trong và ngoài chính phủ Hoa Kỳ lập luận rằng nên giao cho Bộ chỉ huy hoạt động đặc biệt, SOCOM, chịu trách nhiệm hàng đầu đối với một số thách thức an ninh mới đòi hỏi giải pháp bí mật. Tương tự như chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia số 57 trong những năm đầu 1960, những đề nghị này không giúp gì cho việc hợp tác liên cơ quan.

Thành lập mối quan hệ công tác vững chắc với chính phủ Nam Việt Nam cũng tỏ ra là một việc vô cùng khó vì SOG sợ rằng đối tác của mình bị tình báo đối phương xâm nhập. Giải pháp cho tình trạng này là gạt Tổng nha kỹ thuật chiến lược ra khỏi hoạt động càng nhiều càng tốt. SOG có thể làm như vậy nhưng phải trả giá. Với giải pháp này, SOG không thể khai thác được năng lực và kiến thức tại chỗ cần thiết cho hoạt động chống lại miền Bắc. Hơn nữa, giải pháp này đặt ra một vấn đề lớn hơn là chính phủ Hoa Kỳ có thể và nên thay thế cho chính phủ chủ nhà ở mức độ nào.

Mối quan hệ công tác đó là vấn đề tế nhị. Học tập người Bắc Việt Nam, các chính phủ khác đã sử dụng những biện pháp đối phó tương tự khi xảy ra mối đe doạ chống đối. Ví dụ, khi đảng Đại hội dân tộc Irắc hình thành chống lại chế độ Saddam Hussein sau chiến tranh vùng Vịnh, đảng này đã trở thành mục tiêu xâm nhập của tình báo Irắc. Để đạt được mục đích đó, người Irắc áp dụng một cách thành công các chiến thuật giống hệt như những gì người Việt Nam đã sử dụng để chống Tổng nha kỹ thuật chiến lược.

Hồ sơ chống Hà Nội của SOG có những mảng sáng tối lẫn lộn. SOG có một số sai lầm nghiêm trọng và thất bại, lớn nhất là hoạt động gián điệp, biệt kích. SOG và CIA tung ra miền Bắc xấp xỉ 500 gián điệp, biệt kích để hình thành mạng lưới gián điệp. Hà Nội bắt gọn từng người một và sử dụng một số để đánh lại trong nhiều năm. Một nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này là quyết định của Washington về những công việc họ được và không được làm. Họ không được phép gây mất ổn định hoặc lật đổ chính phủ Hà Nội. Nếu như được phép gây dựng một phong trào chống đối hoặc hoạt động du kích nhằm các mục tiêu trên, kết quả có thể đã khác đi. Tuy nhiên, Washington cho rằng việc đó quá rủi ro về chính trị.

Đây không phải là lần cuối cùng Hoa Kỳ trợ giúp các lực lượng chống đối nhưng sau đó từ chối giúp họ lật đổ chế độ. Một tình huống tương tự xảy ra vào năm 1981 khi chính quyền Reagan quyết định trợ giúp tài chính cho Contra Nicaragua, phong trào du kích chống lại chế độ Sandinista. Để làm việc đó, chính quyền phải trình kế hoạch sang quốc hội xem xét. Cơ quan hành pháp và lập pháp bất đồng ý kiến về Contra và mục tiêu của họ. Điều này dẫn đến giải pháp trung dung, theo đó Hoa Kỳ sẽ cung cấp một số trợ giúp nhất định, nhưng CIA không được chi tiền vào việc giúp Contra lật đổ chính quyền Sandinista.

Một ví dụ của thời hậu chiến tranh lạnh xảy ra sau chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 khi lực lượng chống Hussein tập hợp ở miền Bắc Irắc với âm mưu lật đổ chế độ. Giới lãnh đạo của phong trào chống đối sơ khai này đề nghị chính quyền Bush giúp đỡ. Đầu tiên Hoa Kỳ tỏ ra nhiệt tình nhưng sau đó nhanh chóng thay đổi lập trường. Lật đổ Hussein được coi là gây mất ổn định chính trị quá lớn đối với Irắc và khu vực. Washington chỉ duyệt một khoản tiền viện trợ nhỏ nhoi cho đảng Đại hội dân tộc Irắc. Mục đích của sự trợ giúp này không rõ ràng. Chính quyền Clinton kế thừa chương trình nhưng cũng không dám đi quá xa. Phong trào chống đối sụp đổ khi Saddam Hussein quyết định đóng cửa các căn cứ nhỏ lẻ ở miền Bắc năm 1966. Hoa Kỳ từ chối không hỗ trợ không quân để chặn đứng dòng xe bọc thép của Saddam và lực lượng chống đối bị đè bẹp.

*
* *

Bất chấp sự e dè của Nhà Trắng và các giới hạn chính trị mà Washington áp đặt, trong năm 1968, SOG bắt đầu có tác động mà Kenedy hình dung năm 1961. Thành tích của SOG sẽ còn lớn hơn nếu hoạt động của nó không bị giới hạn bởi các nhà vạch chính sách ở Washington, những người luôn báo động về hệ quả của việc gây mất ổn định Hà Nội. Họ sợ rằng điều đó có thể đưa Trung Quốc dính líu vào chiến tranh hoặc làm cho Matxcơva có phản ứng. Đồng thời, họ còn e ngại về thất bại chính trị mà hoạt động ngầm có thể gây ra nếu như chúng bị phơi bày ra ánh sáng. Đối với Washington, những vấn đề này quan trọng hơn là những khó khăn mà hoạt động của SOG có thể gây ra cho Hà Nội.

Trong những năm 1980, chính quyền Reagan gặp một tình huống có những nét tương tự. Sau khi Liên Xô chiếm đóng Afganistan, phong trào Mujahideen được thành lập và bắt đầu làm đau đầu Matxcơva nhưng chưa đủ mạnh để buộc người Xôviết phải rút lui. Hoả lực không quân đã ngăn cản họ. Chính quyền cung cấp tài chính, nhưng Mujahideen cần vũ khí để vô hiệu hoá lực lượng không quân Liên Xô và câu trả lời là tên lửa phòng không Stinger. Tuy nhiên, nếu cung cấp vũ khí cho họ, chiến tranh sẽ leo thang. Những phản ứng tiềm tàng của Liên Xô đối với hành động này làm cho giới chuyên nghiệp ở CIA hoảng hốt và chống lại việc cung cấp vũ khí. Cuộc tranh luận về vấn đề này trong nội bộ chính quyền Reagan kéo dài nhiều tháng. Cuối cùng, Hoa Kỳ quyết định cung cấp Stinger và loại tên lửa vác vai này góp phần quan trọng vào việc đánh bại Liên Xô ở Afganistan.


*
* *

Có những thành công của SOG chưa được đánh giá đúng mức vì SOG không chú ý đầy đủ đến việc đánh giá tác động mà các hoạt động của mình tạo ra. Cách đánh giá duy nhất là đếm số lượng điệp vụ đã được thực hiện. Sự thiếu chú ý vào vấn đề này là điều không ngạc nhiên vì SOG được thành lập từ những nhân viên có ít hiểu biết về biện pháp và tiêu chí đánh giá. Nhưng về lâu dài, việckhông đánh giá được tác động của hoạt động sẽ phải trả giá đắt. Khó khăn trong việc đánh giá những hoạt động không phải chỉ riêng có ở SOG. Việc thiếu sự đánh giá đúng đắn vẫn là vấn đề kinh niên của cơ quan tình báo và cộng đồng cơ quan hoạt động đặc biệt Mỹ.


HẬU QUẢ

Sau khi Hoa Kỳ đã rút quân ra khỏi Việt Nam, trong những năm tiếp theo, những bài học chính sách lớn nêu trên cũng như các bài học ở tầm hoạt động chưa được đúc rút ra từ kinh nghiệm của SOG. Hồ sơ của SOG được khóa kín trong hầm chứa và rơi vào quên lãng cho đến những năm 1990. Hoạt động bán quân sự lớn nhất mà Hoa Kỳ thực hiện kể từ chiến tranh thế giới thứ hai với tất cả những bài học có thể rút ra đã trở thành những bí mật bị chôn vùi của chiến tranh.

Còn có sự kiểm kê chưa đầy đủ về những nhân viên của SOG bị giết, bị mất tích hoặc bị bắt giữ trong các điệp vụ thám báo. Lầu Năm Góc vẫn chưa đưa ra con số chính xác. Mặc dù nhìn chung các toán thám báo có số lượng và quy mô nhỏ, ước tính SOG mất 300 người, trong đó một phần tư là mất tích.

Những con số này là đáng kể nếu biết rằng tại thời kỳ có quy mô lớn nhất, ba đơn vị phối thuộc của OP35 có tổng số 110 sĩ quan và 615 lính nghĩa vụ. Nhưng không phải tất cả đều vượt qua giới tuyến. Mỗi một đơn vị phối thuộc có 30 toán thám báo và thực hiện 96% tổng số điệp vụ chống đường mòn Hồ Chí Minh. Mỗi toán thám báo có ba nhân viên Mỹ và tại bất kỳ năm nào trong giai đoạn 1966 đến cuối năm 1971 có khoảng 270 nhân viên chỉ huy thám báo, ít nhất là trên sổ sách. Trên thực tế, vì tỷ lệ thương vong cao, SOG không bao giờ có đủ biên chế. Ví dụ, trong giai đoạn 1968-1969 chỉ có không đầy một nửa số toán là còn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Giữa tháng Một và tháng Tư năm 1973, Hà Nội trao trả 591 tù binh Mỹ bị giam giữ ở miền Bắc. Không có một nhân viên SOG nào trong số đó. Trong khi nhiều toán viên bị bỏ lại đã chết trong giao tranh với bộ đội miền Bắc, khoảng 20 người bị bắt giữ. Điều gì xảy ra với họ?

Những người lính chưa được kiểm kê đầy đủ và bài học kinh nghiệm cũng chưa được rút ra. Đó là dư âm của SOG. Hoa Kỳ muốn quên đi thất bại ở Việt Nam chứ không muốn học hỏi từ thất bại đó để chuẩn bị tốt hơn cho những cuộc xung đột trong tương lai. Thậm chí, chỉ có một bài học duy nhất được rút ra: không có thêm Việt Nam.

*
* *



Điều này đặc biệt đúng với quân đội Hoa Kỳ đang bị rệu rã trong những năm 1970. Giới quân sự không chỉ muốn quên đi Việt Nam mà còn muốn tẩy rửa càng nhiều càng tốt mọi tàn tích của chiến tranh đặc biệt mà tổng thống Kenedy để lại. Vì vậy, các đơn vị lực lượng đặc biệt bị suy yếu dần. Từ đỉnh cao 10.000 người, quy mô của lực lượng đặc biệt giảm xuống còn 3.600 vào giữa thập kỷ 1970. Mặc dù vào cuối thập kỷ, lực lượng đặc biệt được tăng lên ba nhóm, mỗi nhóm 1.400 người, các vấn đề nghiêm trọng vẫn tồn tại.

Có những thiếu hụt lớn về nhân viên. Ngày càng khó thu hút được người và giữ họ ở lại lực lượng đặc biệt thêm hai ba niên hạn. Bức thông điệp của giới quân đội chính thống là rõ ràng: công việc ở lực lượng đặc biệt là sự chấm dứt phát triển. Đối với số nhân viên chuyên nghiệp, tình hình cũng không khá hơn. Vào cuối những năm 1970, những nhân viên nghĩa vụ được thay vào chỗ của họ và nhiều vị trí do những người dưới một hai cấp so với quy định nắm giữ. Trình độ kỹ năng và đào tạo dưới mức yêu cầu; thiết bị, hậu cần, và việc chỉ huy kiểm soát cũng ở trong tình hình tồi tệ như vậy.

Giới tướng lĩnh quân sự còn trả thù bằng những cách khác nữa. Các trường, học viện quân sự phớt lờ hoạt động chiến tranh đặc biệt và không một học thuyết mới nào được đưa ra về cái hiện nay được gọi là các cuộc xung đột ở cường độ thấp.

Vì vậy, những con người chỉ huy SOG và các bộ phận nghiệp vụ của nó, với tất cả kinh nghiệm nhọc nhằn phải tự vượt qua khó khăn. Không ai trong số lãnh đạo Lầu Năm Góc quan tâm đến sự hiểu biết về chiến tranh đặc biệt của họ. Một số nhân viên của SOG tiếp tục có những thành tựu to lớn trong quân đội chính thống và lĩnh vực dân sự. Số khác kết thúc đời binh nghiệp và lặng lẽ chuyển sang nghề nghiệp dân sự.

Sau nhiệm vụ chỉ huy SOG, Don Blackburn được phong lên chuẩn tướng vào cuối thập kỷ 60. Cương vị cuối cùng của ông là phụ trách SACSA, nơi ông vạch kế hoạch tập kích Sơn Tây để giải cứu tù binh Mỹ. Mặc dù trận tập kích rất hoàn hảo, nhưng trại giam trống không và phải có ai đó chịu trách nhiệm. Một tháng sau, Blackbum được chuyển sang công tác tại bộ phận nghiên cứu và phát triển của Bộ tham mưu Lục quân. Sự nghiệp của Blackburn chấm dứt và tám tháng sau đó ông nghỉ hưu.

Jack Singlaub, vị chỉ huy giàu sáng tạo nhất của SOG, quay lại dòng quân đội chính thống. Năm 1976, với quân hàm thiếu tướng, ông được bổ nhiệm là tham mưu trưởng lực lượng Liên hợp quốc và Hoa Kỳ tại Nam Triều Tiên. Đó là lúc tổng thống đắc cử Jimy Carter quyết định thực hiện lời hứa khi vận động tranh cử: rút quân ra khỏi Nam Triều Tiên. Singlaub bị kẹt giữa cuộc tranh đấu chính trị do quyết định đó gây ra. Những lời bình luận của ông về quyết định này bị xuyên tạc và Carter sa thải ông tháng 5-1977.

Singlaub lúc này là tham mưu trưởng Lực lượng Hoa Kỳ ở Nam Triều Tiên. Carter đã định đưa ông ra toà án binh về những bình luận của ông về việc rút quân ra khỏi Nam Triều Tiên nhưng đã thay đổi ý định, có lẽ là vì cơn bão chính trị đó xảy ra là do chính sách Triều Tiên không rõ ràng của tổng thống và cách ông đối xử với Singlaub. Mặc dù Singlaub còn ở trong quân ngũ thêm một năm nữa, sự nghiệp của ông đã kết thúc khi Carter cho ông nghỉ.

Bob Kingston rời SOG vào cuối năm 1967 sau khi phát hiện hệ thống hai mang của Hà Nội và đặt nền móng cho chương trình đánh lạc hướng. Trong suốt 15 năm sau đó, ông tiếp tục thăng tiến bằng hai chân, một trong lực lượng Lục quân và một trong hoạt động đặc biệt.

Cuối những năm 1970, thiếu tướng Kingston chỉ huy Trung tâm Lực lượng đặc biệt ở Fort Bragg. Với những kinh nghiệm đã có, ông tin rằng Hoa Kỳ nên phục hồi lực lượng hoạt động đặc biệt. Kingston có vai trò quan trọng trong việc thành lập lực lượng Delta, đơn vị chống khủng bố chủ yếu của Hoa Kỳ. Sau khi nhận bông mai thứ tư trên quân hàm cấp tướng vào đầu những năm 1980, ông hoàn thành cuộc đời binh nghiệp với cương vị Tư lệnh Bộ tư lệnh

Mick Trainor trở lại lực lượng lính thuỷ đánh bộ sau khi rời Bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc và nghỉ hưu năm 1985 với quân hàm trung tướng. Chức vụ cuối cùng của ông là Phó tham mưu trưởng về kế hoạch, chính sách và hoạt động của Bộ tư lệnh lực lượng lính thuỷ đánh bộ. Sau đó Trainor tham gia giới báo chí và là phóng viên quân sự của tờ Thời báo New York.

Từ hoạt động báo chí, Trainor chuyển sang lĩnh vực học thuật và là giám đốc Chương trình an ninh quốc gia tại Trường chính phủ Kenedy thuộc Đại học Harvard. Sau chiến tranh vùng Vịnh 1991, ông cùng với Micheal Gordon là tác giả của cuốn sách gây tranh luận về kết cục của cuộc chiến tranh nhan đề: Cuộc chiến tranh của các vị tướng1.

Cũng giống như Trainor, Wesley “Duff” Rice quay trở lại lực lượng lính thuỷ đánh bộ sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại Bộ phận phối thuộc cố vấn hải quân tại SOG. Khi được hỏi nhiệm kỳ đó có ảnh hưởng như thế nào đối với sự nghiệp của mình, Rice trả lời thẳng thừng: “ Với tư cách là một quân nhân lính thuỷ đánh bộ, tôi thấy nó chẳng giá trị gì... như giúp tôi thành một lính thuỷ đánh bộ tốt hơn hoặc chỉ huy tốt hơn... Tôi không nghĩ như vậy”2.

Điều mỉa mai là thiếu tướng Rice kết thúc sự nghiệp nhà binh của mình trong hoạt động đặc biệt với cương vị Giám đốc của Cơ quan hoạt động đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân – JSOA - năm 1984. Hội đồng tham mưu trưởng thành lập cơ quan này với mục đích tương tự như SACSA hai mươi năm trước. Các vị tham mưu trưởng muốn JSOA gạt những người kêu gọi làm sống lại lực lượng hoạt động đặc biệt ra rìa. Đối với Rice, đó là sự kết thúc trong thất vọng. Sau khi mọi việc đã qua đi, Rice tuyên bố: “Tôi có nhiều trách nhiệm, nhưng tôi chỉ có một chút quyền lực... Là một tướng hai sao, tôi chẳng có quyền lực gì ở nơi cư trú của các tướng ba và bốn sao”3.

Còn Ed Partain, việc làm chỉ huy trưởng của SOG là một sai lầm. Sau chiến tranh rất nhiều năm, ông vẫn khẳng định, “tôi không muốn đến SOG, tôi bị buộc phải đi”. Mặc dù thừa nhận vị trí của lực lượng đặc biệt, “họ là những chiến binh tuyệt vời... loại chiến binh mà bạn muốn làm đông lạnh sau trận chiến và làm tan băng trước khi trận chiến mới bắt đầu”, ông không muốn là một người trong số họ4. Partain trở lại dòng Lục quân chính thống cho đến khi nghỉ hưu với quân hàm thiếu tướng năm 1985.

Gần một năm sau khi chỉ huy cuộc tập kích Sơn Tây, Bull Simon nghỉ hưu. Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird cố phong cho ông cấp hàm chuẩn tướng. Khi Simon không được phong, Laird kiến nghị “Tham mưu trưởng lục quân Westmoreland bổ sung Simon vào danh sách. Westmoreland giải thích rằng điều đó là không thể, vì Lục quân có những quy định phong hàm cứng nhắc”. Vậy hồ sơ của một trong những lãnh đạo xuất sắc và nhà hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt vĩ đại nhất của Lục quân còn thiếu điều gì? Đó chính là thứ vớ vần mà suýt nữa làm cho Simon không đến được với SOG năm 1965, Simon “chưa từng qua học viện quân sự”5.

Khi chuyển sang dân sự, Bull Simon còn chỉ huy một hoạt động táo bạo nữa. Ngày 31-12-1978, ông nhận được điện thoại của H. Ross Perot, chủ tịch tập đoàn điện tử Delta System. Hai nhân viên của Perot bị bắt giam ở Têhêran trong sự hỗn loạn xảy ra sau khi Shan bị lật đổ và ông không thể nào đưa họ về nước. Simon đến Iran và đưa được hai nhân viên đó về nước ngày 19-2-1979. Câu chuyện giải thoát con tin táo bạo này là cốt truyện cho cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất nước Mỹ của Ken Follets năm 1983 có tựa đề “Trên đôi cánh đại bàng”6. Ba tháng sau, ông mất vì một cơn đau tim. Tháng 11-1999, một bức tượng của ông được dựng lên tại Memorial Plaza tại Trung tâm chiến tranh đặc biệt Kenedy tại Fort Bragg để ghi nhớ tên tuổi của ông.

Mick Meadow là một trong những người linh xuất sắc trong Lục quân Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai. Những thành tích của ông trong hoạt động chống đường mòn Hồ Chí Minh giúp ông được thăng vượt cấp lên đại uý. Trong cuộc tập kích Sơn Tây, Mick Meadow là người hướng dẫn luyện tập chủ yếu và chỉ huy một đơn vị trong cuộc tập kích. Sau đó Mick Meadow là một trong bốn người được chọn cho lực lượng Delta.

Trong năm 1980, chính quyền Carter quyết định sử dụng lực lượng Delta để giải cứu con tin ở Iran. Meadow xâm nhập vào Iran bằng hộ chiếu giả và thăm dò đại sứ quán Mỹ để khảo sát tuyến đường xâm nhập và rút ra khỏi thành phố cho lực lượng Delta và kiểm tra an toàn kho giấu thiết bị và phương tiện cho hoạt động giải cứu. Sau khi hoạt động giải cứu bị bỏ dở, Mick Meadow chạy trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những năm 1980, Meadow giúp chính phủ Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống ma tuý ở Mỹ Latinh. Vì những thành tích của mình, Meadow được tặng thưởng huân chương của Tổng thống Mỹ dành cho những người có thành tích xuất sắc. Tại Fort Bragg có một bức tượng được dựng lên để ghi nhận thành tích của Mick Meadow.

Bob Andrews, người công tác tại bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG năm 1968, rời khỏi quân đội đầu những năm 1970 để theo đuổi công việc trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Andrews đã giữ nhiều cương vị lãnh đạo trong các tập đoàn hàng không mà gần đây nhất là hãng Boing. Tuy vậy, ông cũng đã sử dụng tốt kinh nghiệm hoạt động tâm lý chiến bằng việc xuất bản nhiều tiểu thuyết trinh thám.

John Hada là phó chỉ huy dưới ba đời chỉ huy trưởng của SOG. Mặc dù còn tiếp tục ở trong quân đội thêm vài năm nữa, ông quyết định theo đuổi con đường học thuật. Hada có được học vị tiến sĩ về ngôn ngữ và văn hoá Nhật và được nhận học bổng Fullbright cho chương trình học sau tiến sĩ ở trường Đại học tổng hợp Tokyo. Sau đó ông giảng dạy ở trường Đại học San Francisco tại khoa Ngôn ngữ học cổ điển và hiện đại.

Sau khi giữ chức vụ phó chỉ huy phụ trách nghiệp vụ của NAD, Jame Munson quay trở lại lực lượng lính thuỷ đánh bộ trong một thời gian ngắn. Ông rời quân ngũ đầu năm 1970 để tiếp tục đi học và trở thành nhà nghiên cứu lịch sử.

Brute Krulak, sếp đầu tiên của SACSA, rời lực lượng lính thuỷ đánh bộ năm 1968 với quân hàm trung tướng. Quan điểm của ông về cuộc chiến tranh Việt Nam và chiến lược quân sự trong những năm 1962- 1964 tương tự như giớiquân đội chính thống. Trước khi rời quân đội ông là tư lệnh lực lượng thuỷ quân lục chiến ở Thái Bình Dương.

Sau khi nghỉ hưu, Krulak nhận bằng tiến sĩ ở trường đại học San Diego và làm việc rồi trở thành chủ tịch tập đoàn báo Copely. Năm 1984 Krulak xuất bản cuốn sách rất được tán thưởng : “Người đầu tiên chiến đấu: Cách nhìn nhận từ bên trong về lực lượng lính thuỷ đánh bộ”.

SOG đã cứu Bob Rheault khỏi bản án của tướng Abrams, nhưng sự nghiệp nhà binh của ông coi như đã chấm dứt từ 1969. Câu chuyện xảy ra với ông được viết lại và đăng trên tạp chí Life - Đời sống. Rheault tiếp tục ở lại quân đội nhưng không được giao nhiệm vụ chỉ huy các đơn vị đặc biệt hoặc thăng tiến. Là người trọng danh dự, Bob Rheault quyết định ra đi sau 26 năm trong quân đội.

Cuối cùng, có những người còn sống sót trong các toán thám báo người Việt Nam. Vào năm 1968, có thể khẳng định rằng phần lớn trong số khoảng 500 biệt kích được tung ra miền Bắc đã bị chết. Chỉ còn lại một số ít sống sót trong nhà tù và được Hà Nội sử dụng để đánh lại SOG. Những con người này bị gạch tên vì được coi là mất tích tại hậu phương của đối phương. Vào lúc ký Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, các nhà đàm phán Hoa Kỳ không hề đả động gì đến họ.

Điều kỳ diệu là vẫn còn những người sống sót. Vào cuối những năm 1970, Hà Nội bắt đầu trả tự do dần cho số biệt kích bị bắt, có người bị bắt từ những năm 1961-1962. Vào cuối những năm 1980 , đại đa số đã trở về với gia đình ở miền Nam. Vào những năm 1990, họ được phép rời Việt Nam. Khoảng 150 người đã sang Mỹ tạo lập cuộc sống mới.

Năm 1995, những cựu chiến binh của cuộc chiến tranh bí mật của Hoa Kỳ gửi đơn kiện lên toà án Liên bang ở Washington đòi tiền bồi thường, trả truy lĩnh theo hợp đồng với họ. Chính phủ liên bang quyết định theo đuổi vụ kiện. Các luật sư của Lầu Năm Góc lập luận là Mỹ không có trách nhiệm hợp đồng với họ: họ ký hợp đồng với đối tác Nam Việt Nam - Tổng nha kỹ thuật chiến lược.

Mặc dù đúng về mặt kỹ thuật, lập luận trên là vô đạo đức và trở thành một sự đáng xấu hổ về chính trị. Năm 1996, Tổng thống Clinton ký đạo luật duyệt chi 20 triệu đô la bồi thường, khoảng 40.000 đô la một người. Tuy nhiên cựu chiến binh biệt kích vẫn không được tiếp cận với phúc lợi y tế Năm 1998, họ tiếp tục kiện đòi được hưởng phúc lợi này. Hiển nhiên là họ xứng đáng được hưởng điều đó.

HỒI SINH

Sau thất bại giải cứu con tin ở Iran, rõ ràng là Hoa Kỳ cần nhiều hơn, chứ không phải ít đi, lực lượng đặc biệt để đối phó với các cuộc xung đột có cường độ thấp. Sự xuống cấp của các đơn vị chiến tranh đặc biệt sau Việt Nam là rất rõ.

Năm 1981, các cuộc xung đột có cường độ thấp là chủ đề chính của chính quyền của tổng thống đắc cử Reagan. Tổng thống cảnh báo chủ nghĩa khủng bố và hoạt động bạo loạn trong thế giới thứ ba đặt ra những vấn đề nghiêm trọng. Điều đáng lo ngại hơn là sự hỗ trợ của Liên Xô, các nước trong Hiệp ước Vacxava và Cu Ba cho các hoạt động này. Các chế độ Iran, Libia, và Siry cũng có hành động tương tự.

Nhà Trắng tuyên bố sẽ vạch ra một chiến lược tổng hoà và phát triển năng lực hoạt động chiến tranh đặc biệt để đối phó. Tuy nhiên, cũng như những năm tháng dưới thời Kenedy, mục tiêu này tỏ ra khó đạt được. Một lần nữa, giới lãnh đạo quân sự đứng lên phản đối. Không cần thiết phải mở rộng lực lượng đặc biệt và thành lập trung tâm chỉ huy trung ương của lực lượng này. Một số nhân vật trong chính quyền cũng tán thành ý kiến đó.

Điều này dẫn đến một chính sách xung đột cường độ thấp rời rạc và sự vụ. Chính quyền không đưa ra một học thuyết quân sự, chính trị chặt chẽ. Mặc dù kinh phí cho lực lượng đặc biệt tăng lên, việc thiếu chỉ đạo từ Nhà Trắng làm suy yếu sự phát triển chặt chẽ về tổ chức, hiệu quả về chỉ huy kiểm soát và hợp tác chặt chẽ giữa các ngành có liên quan.

Trong năm 1984, chính quyền dự định tái cấu trúc lực lượng đặc biệt nhưng thực hiện việc đó theo điều kiện của Lầu Năm Góc. Một cơ quan hoạt động đặc biệt hỗn hợp- JSOA- được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập để giám sát toàn bộ công việc chuẩn bị của quân đội cho các cuộc xung đột có cường độ thấp. Các tướng lĩnh coi đây là một bước có tính xây dựng trong cấu trúc chỉ huy của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. JSOA bị cô lập và bị hạn chế quyền hạn. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã lặp lại trò lừa đã từng được sử dụng trước đó hai thập kỷ khi thành lập SACSA.

Sự phản đối của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đối với lực lượng đặc biệt không thể giải thích thuần tuý bằng vấn đề ngân sách. Số tiền có liên quan chỉ là phần bèo bọt trong ngân sách quốc phòng khổng lồ trong những năm dưới thời chính quyền Reagan. Năm 1987, Lực lượng đặc biệt nhận 1,6 tỷ đô la trong tổng số ngân sách 300 tỷ đô la cho quốc phòng. Câu trả lời nằm ở cách tư duy truyền thống của quân đội Hoa Kỳ đối với chiến tranh và kinh nghiệm ở Việt Nam. Giới quân đội chính thống vẫn phản đối quyết liệt các hoạt động đặc biệt.

Năm 1986, quốc hội can thiệp. Quốc hội cho rằng xung đột có cường độ thấp thực sự là vấn đề nghiêm trọng, rằng Hoa Kỳ không được chuẩn bị để đối phó với một dạng chiến tranh có nguy cơ xảy ra cao nhất trong tương lai, và rằng lực lượng đặc biệt là giải pháp tốt nhất. Thượng nghị sĩ William Cohen tuyên bố: “Chúng ta không được chuẩn bị đầy đủ cho cuộc xung đột không quy ước”1. Chính quyền đã lúng túng mất năm năm. Đã đến lúc hành động. Tháng 11-1986, quốc hội đưa ra giải pháp cho tình trạng này. Một kế hoạch hành động do thượng nghị sĩ Sam Nunn và Cohen khởi xướng được gắn với Luật ngân sách quốc phòng. Kế hoạch này yêu cầu thành lập Bộ chỉ huy lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ -SOCOM- dưới sự chỉ huy của một tướng bốn sao. Bộ chỉ huy chịu trách nhiệm về học thuyết, huấn luyện, kế hoạch, sẵn sàng chiến đấu và mua sắm trang thiết bị. Luật này còn lập ra chức danh trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về hoạt động đặc biệt và xung đột cường độ thấp để tập trung nghiên cứu các vấn đề quan trọng trong Lầu Năm Góc.

Tạo ra một Bộ chỉ huy mới là một chuyện, thuyết phục giới quân sự chính thống chấp nhận nó lại là chuyện khác. Có sự phản đối khá lớn từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và các tư lệnh khu vực đối với SOCOM. Vào năm 1988, các sĩ quan cao cấp vẫn còn công khai bày tỏ quan điểm phản bác bộ phận mà họ coi là thừa trong cấu trúc của quân đội. Một thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân tuyên bố SOCOM không phải một ý kiến hay và không được sự ủng hộ của các tham mưu trưởng. Một quan chức cao cấp khác của Hội đồng tham mưu trưởng cho rằng một nhóm người nghỉ hưu cuồng nhiệt đã gây sức ép lên quốc hội để thông qua luật không cần thiết nói trên2.

Trên thực tế, nhiều cựu chiến binh của SOG đã lên tiếng tác động quốc hội khôi phục lại lực lượng hoạt động đặc biệt. Có hai người, Don Blackburn và Bob Kingston là thành viên của Nhóm cố vấn chính sách hoạt động đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng- gồm các tướng lĩnh nghỉ hưu có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các thành viên chủ chốt khác của nhóm là Sam Wilson, Dick Stilwell, Leroy Manor, Bill Yarborough và Shy Myer. Tất cả đều thúc giục quốc hội hành động.

Việc tạo ra chức vụ Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về hoạt động đặc biệt và xung đột cường độ thấp cũng tạo ra thái độ ác cảm đáng kể. Một quan chức của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng tuyên bố rằng: ai đó hỗ trợ cương vị này là “phản bội lại Lầu Năm Góc”. Việc đề cử người vào cương vị trợ lý Bộ trưởng đầu tiên phản ánh rất rõ thái độ này. Bằng việc tiến cử một loạt những ứng cử viên yếu trong một thời gian mười tám tháng, một nhóm quan chức dân sự của Lầu Năm Góc cố tình cản trở quá trình tuyển chọn. Các ứng cử viên do họ chọn ra thường là quá yếu và thậm chí bị quốc hội phản đối trước khi được đề cử chính thức.

Việc hồi sinh của lực lượng đặc biệt biến thành cuộc tranh đấu nội bộ và lặp lại những gì đã xảy ra khi chính quyền Kenedy cố gắng phát triển năng lực hoạt động đặc biệt. Tuy nhiên, lần này đã khác trước. Giới quân sự đã cố gắng ngăn cản việc xây dựng năng lực cho lực lượng đặc biệt nhưng đã không thành công.

Vào năm 1990, việc hồi sinh đã trở thành hiện thực3. Có những đơn vị hoạt động đặc biệt nổi tiếng về quy mô và địa vị. Kỹ năng của các đơn vị này cũng được cải thiện nhanh chóng. Lực lượng đặc biệt không chỉ có một vị tướng tư lệnh bốn sao mà các tư lệnh chiến trường đều do một chuẩn tướng đảm nhiệm - một sự thay đổi to lớn so với địa vị của SOG trước đây trong hệ thống chỉ huy và một chỉ số rõ ràng cho thấy kỹ năng và năng lực của lực lượng đặc biệt được thừa nhận.


HÀNH ĐỘNG NGẦM VÀ THẾ GIỚI HẬU CHIẾN TRANH LẠNH

Vẫn còn một câu hỏi chưa được trả lời. Trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, những bài học kinh nghiệm của SOG và sự hồi sinh năng lực hoạt động đặc biệt có ý nghĩa như thế nào đối với các tổng thống nếu trong tương lai họ muốn sử dụng hành động ngầm làm công cụ đối phó với những đe doạ và thách thức an ninh mới?

Kể từ những năm 1970, hành động ngầm đã là chủ đề tranh luận gay gắt của công luận. Vấn đề giới hạn trong việc sử dụng hành động ngầm của chính phủ dân chủ được thảo luận rộng rãi. Nhiều người tin rằng hành động ngầm không phù hợp với những nguyên tắc cơ bản cửa Mỹ và, trừ một số trường hợp hiếm hoi, không nên sử dụng. Với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, những người theo quan điểm này ngày càng có tiếng nói lớn hơn. Họ tin rằng hành động ngầm sử dụng những thủ đoạn đáng ngờ về đạo đức và luân lý, vi phạm các giá trị dân chủ của Hoa Kỳ. Những người khác không đồng ý và cho rằng cần có cái nhìn công bằng hơn.

Những người cho rằng hoạt động ngầm là trái với đạo đức của Hoa Kỳ sẽ kinh hãi khi biết các hoạt động của SOG trình bày trong cuốn sách này: Trong rất nhiều trường hợp, SOG sử dụng những chiến thuật mà ngày nay sẽ đặt ra những câu hỏi về đạo đức. Tại sao? Vì những biện pháp đó có thể gây ra tác hại về thể chất, thậm chí gây ra cái chết, cho những người bị đưa vào tình huống nguy hiểm. SOG đã lợi dụng tù binh miền Bắc bằng việc đưa trả họ ra Bắc; bắt cóc và cải huấn công dân Bắc Việt Nam; sử dụng các bẫy nổ và một số chiến thuật tuyên truyền đen... Vào lúc đó các nhà vạch chính sách ở Washington không phản đối các biện pháp trên với lý do đạo đức vì họ đang ở trong cuộc chiến, cho dù là cuộc chiến tranh hạn chế và không tuyên bố.

Ngày nay, Hoa Kỳ có nên sử dụng các biện pháp đó không? Câu trả lời quả không dễ và tuỳ thuộc vào bối cảnh cụ thể. Điểm khởi đầu có lẽ là xem xét bối cảnh thời chiến và thời bình. Tuy nhiên, ngay cả trong thời chiến, một nền dân chủ cần xem xét các khía cạnh đạo đức của các phương tiện sử dụng chống lại kẻ thủ. Nhưng khía cạnh nào? Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu trong chiến tranh vùng Vịnh, Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp nêu trên? Liệu chúng ta cảm thấy đó là điều xấu hổ về đạo lý hay người Mỹ sẽ chấp nhận nó như là một phần của chiến tranh? Đồng minh của Mỹ có tán thành không. Có nên sử dụng các biện pháp đó để chống lại các nhóm khủng bố có khả năng sử dụng vũ khí phá huỷ hàng loạt hoặc các quốc gia bất hảo tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân không?

Câu chuyện của SOG hé mở cho thấy hàng loạt các thủ đoạn bí mật sẵn có và có thể gây tác động. Liệu thế giới sau chiến tranh lạnh có tạo ra tình thế trong đó những thủ đoạn này cần được sử dụng để chống lại các mối đe doạ mới không? Với những thách thức an ninh đang nổi lên mà Hoa Kỳ phải đối mặt trong thế kỷ XXI, câu trả lời là: có.

Đứng đầu danh sách là việc các quốc gia bất hảo tìm kiếm vũ khí phá huỷ hàng loạt. Tương tự, các chính sách gây rối loạn của các chế độ như Irắc, Libia, Iran và Bắc Triều Tiên vẫn sẽ là mối quan ngại. Sự ổn định trong các nước cộng hoà thuộc Liên Xô trước đây và trong chính nước Nga đòi hỏi phải có sự theo dõi chặt chẽ.

Chủ nghĩa khủng bố cũng có trong danh sách. Sự kết thúc của chiến tranh lạnh không mang lại dấu chấm hết cho chủ nghĩa khủng bố. Các nhóm và chính phủ bị kích động bởi các lý tưởng tôn giáo và tình cảm sắc tộc và dân tộc sẵn sàng sử dụng bừa bãi nhưng biện pháp bí mật và thậm chí có thể leo thang sử dụng các vũ khí sinh học, hoá học và hạt nhân. Trên thực tế, các nhóm khủng bố thực hiện cuộc tấn công vào trung tâm thương mại ở New York cũng đã dự định sử dụng vũ khí hóa học. Ý đồ đó không thành vì họ thiếu hiểu biết về những nguyên lý khoa học cần thiết.

Sự bất ổn về sắc tộc, tôn giáo và tác động của chúng đối với ổn định khu vực cần được chú trọng mà cuộc nội chiến ở Kôsôvô là một ví dụ. Khi đã tham gia vào cuộc xung đột, Hoa Kỳ và NATO gặp phải vấn đề có nên vũ trang cho Quân đội giải phóng Kôsôvô (KLA) hay không. KLA là một ví dụ kinh điển của phong trào chống đối. Hoa Kỳ và NATO cuối cùng cũng cung cấp vũ khí và huấn luyện cho KLA nhưng qua con đường bí mật. Sau chiến tranh, NATO không có cách lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận KLA là hợp pháp về chính trị trong cộng đồng Anbani ở Kôsôvô.

Sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo xuyên quốc gia ở Trung Đông, Tây Nam Á là một ví dụ khác. Những nhóm này có thể tranh giành quyền lực chính trị thông qua bạo lực và các biện pháp chính trị, xã hội khác. Các phong trào tôn giáo và giáo phái cực đoan ở Ấn Độ, Israel, và Nhật Bản cũng có khả năng gây ra hành động bạo lực tương tự. Trong trường hợp Nhật Bản, giáo phái Aum Shinri Kyo sử dụng hơi ngạt sarin tấn công ga tàu điện ngầm ở Tôkiô năm 1995. Cuộc điều tra sau đó cho thấy Aum có kế hoạch chở hơi độc sarin sang Hoa Kỳ để tấn công Nhà Trắng hoặc Lầu Năm Góc. Có tin giáo phái này đã thí nghiệm trên thực địa chất độc sinh học Botulinum tại doanh trại quân đội Mỹ ở Yokosuka năm 1993 nhưng không thành công.

Các nhóm tội phạm có tổ chức cũng góp phần vào việc suy yếu khả năng quản lý của các chính phủ trong nhiều khu vực trên thế giới. Trong bối cảnh chính trị đó, các tổ chức tội phạm, trong đó có nhiều tổ chức dựa trên cơ sở sắc tộc, có cơ hội phát triển tràn lan. Chúng có thể đe doạ sự ổn định của quốc gia, gây đảo lộn nền kinh tế địa phương, làm cho quan chức biến chất và làm suy yếu các thể chế tài chính. Khu vực Andes của Nam Mỹ là một ví dụ điển hình. Các mối liên hệ giữa tội phạm có tổ chức, phong trào sắc tộc, tôn giáo và các nhóm khủng bố và nổi loạn làm tăng thêm tính chất nguy hiểm của thách thức này.

Hoa Kỳ phải đối mặt với tất cả các thách thức an ninh quốc tế đang nổi lên nói trên trong những năm tới và đó là những thách thức khó đối phó. Trong việc hình thành chính sách và chiến lược đối phó, cần xem xét đến mọi phương tiện sẵn có, kể cả việc sử dụng lực lượng hành động đặc biệt trong các hoạt động ngầm. Tuy nhiên, nếu tổng thống quyết định lựa chọn biện pháp mà SOG đã từng thực hiện, ông phải xử lý những trở ngại đã hạn chế hiệu quả của SOG trong chiến tranh Việt Nam. Với thực tế là những cản trở này không chỉ xảy ra với SOG mà còn làm nản lòng các tổng thống khi sử dụng hành động ngầm trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, đây sẽ là một thách thức to lớn.

No comments:

Post a Comment