Friday, November 23, 2012

Ky 1: Những con đường Trường Sơn đặc biệt


TT - Đó là những con đường nhận và vận chuyển hàng hóa vào miền Nam trong những năm đất nước trải qua chiến tranh. Bên cạnh đường mòn Hồ Chí Minh, đường Hồ Chí Minh trên biển hay con đường ống xăng dầu, những con đường đặc biệt này được mở ra theo những tuyến lạ lùng chưa từng có, vì mục tiêu số một: chi viện khẩn cấp cho miền Nam.
Những câu chuyện độc đáo về các tuyến đường này lần đầu tiên được kể lại một cách có hệ thống trong cuốn sách 5 con đường mòn Hồ Chí Minh của giáo sư Đặng Phong (Viện Kinh tế VN) do Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành tháng 8-2008.
Kỳ 1: Vận chuyển quá cảnh
Cổng vào cảng Sihanoukville -Ảnh tư liệu
TT - Bước sang những năm 1960, nhu cầu chi viện vật tư, hàng hóa và vũ khí cho miền Nam tăng lên. Những nguồn viện trợ của Liên Xô, nhất là vũ khí, chiếm phần lớn nhất và quan trọng nhất trong viện trợ, lại gặp khó khăn trong việc vận chuyển qua đất Trung Quốc. Do đó, VN phải tìm một con đường khác để nhận và vận chuyển hàng viện trợ, nhất là vũ khí vào Nam. Con đường đó chỉ có thể là đường thủy. Hướng được lựa chọn là Campuchia.
Mở tuyến
Để củng cố mối quan hệ tối cần thiết này, ngay từ cuối thập kỷ 1950 phía VN đã cử giáo sư Ca Văn Thỉnh sang làm đại sứ tại Phnom Penh. Ca Văn Thỉnh vốn là đốc học tỉnh Bến Tre từ thời Pháp, sau đó trở thành thầy giáo dạy trường trung học tại Sài Gòn mà thái tử Sihanouk là học trò. Quan hệ thầy trò chắc chắn đã góp phần rất quan trọng vào việc thắt chặt mối quan hệ VN - Campuchia.
Với quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và trước những đe dọa của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm, thái tử Sihanouk sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho VN trong việc vận chuyển vũ khí. Từ đó, đã mở ra con đường thủy để chuyên chở vũ khí thẳng từ Liên Xô tới cảng Sihanoukville. Rồi sau đó đưa về những kho đặt rải rác dọc biên giới. Từ các kho này hàng được vận chuyển về các địa điểm khác nhau trong vùng căn cứ.
Xe tải trên đường từ cảng Sihanoukville về biên giới VN - Ảnh tư liệu
Từ năm 1966, cường độ chiến tranh tăng lên mức ác liệt. Chi viện bằng đường bộ không đủ. Con đường vận tải trên biển bị kiểm soát gắt gao từ sau "vụ Vũng Rô” (tháng 2-1965). Con đường qua cảng Sihanoukville càng trở thành trọng yếu.
Tháng 7-1966, Trung ương Cục quyết định thành lập Đoàn hậu cần 17, chuyên trách việc tổ chức tiếp nhận hàng chi viện từ miền Bắc qua cảng Sihanoukville, rồi từ đó qua nhiều tuyến vận tải khác nhau vào tới tận B2, tức Nam bộ. Hàng hóa do nước bạn viện trợ khi chở đến cảng này được chuyển vào một kho riêng, mà các bạn Campuchia hay gọi là "kho Việt cộng". Từ đây, có các "đường dây" của Ban Kinh tài đến nhận và chuyển về vùng giải phóng.
Đặt cơ sở
Người phụ trách chính công tác này tại Phnom Penh là ông Nguyễn Gia Đằng, tức Tư Cam, ủy viên Ban cán sự Việt kiều Campuchia (bí danh là Ban cán sự K). Có những thời kỳ phải chấp nhận mức giá "lót đường" cho một số tướng tá Campuchia rất cao: tiền lót đường được tính theo giá 2 đôla/kg vũ khí và 1 đôla/kg các loại hàng khác. Mức giá này luôn thay đổi, tùy theo tuyến đường nào và viên tướng nào quản lý tuyến đường đó. Có những thời kỳ các viên tướng không chịu lấy tiền mà đòi đổi vũ khí. Cũng theo ông Tư Cam, có trường hợp phải chấp nhận chia cho họ 30% số vũ khí quá cảnh.
Bản thân quốc vương Sihanouk sau này cũng kể lại với sử gia Pháp Jean Lacouture về việc này và với nội dung khá trung thực: "Vũ khí chở đến cảng Sihanoukville được chia 1/3 cho chính phủ của tôi, 2/3 cho phía Việt Minh, chưa kể còn những khoản hối lộ khác cho tướng tham mưu trưởng Lonnol".
Báo cáo tổng kết công tác ngoại hối 1964-1975 có đề cập việc vận chuyển theo tuyến này như sau: "Từ 1966-1969, việc đưa vũ khí và vật tư hàng hóa cho chiến trường từ Liên Xô qua đường sắt liên vận gặp trắc trở, ta đã vận dụng sách lược với chính quyền Sihanouk và Lonnol, đưa hàng từ Liên Xô vào cảng Sihanoukville, sử dụng cảng và địa bàn K để đưa vào miền Nam. Nhờ vậy chiến trường đã nhận được 20.478 tấn vũ khí, 1.284 tấn quân trang, 731 tấn quân y, 65.810 tấn gạo, 5.000 tấn muối".
Trong hệ thống tổ chức của đoàn 17 có Công ty thương mại vận tải Hắc Lỷ. Công ty này được chính quyền Campuchia cấp giấy phép kinh doanh trong các tỉnh và thủ đô Phnom Penh. Đoàn vừa làm nhiệm vụ thu mua khai thác các nguồn hàng hóa tại Campuchia, vừa tổ chức tiếp nhận hàng chi viện của Trung ương qua cảng Sihanoukville, tiếp chuyển hàng về khu vực thuộc chiến trường B.52. Biên chế của đoàn chỉ có 84 người nhưng sử dụng lực lượng ngoài biên chế là 564 người, chủ yếu là Việt kiều và hàng trăm nhân dân, binh lính, sĩ quan Campuchia hoạt động cho ta.
Đây là chuyến vận tải hoàn toàn bằng cơ giới, có tới 150 ôtô vận tải, có lúc thuê mướn thêm 300 ôtô, 500 canô để vận chuyển hàng hóa đi các hướng, nên đã vận chuyển và khai thác được một khối lượng hàng lớn và quan trọng. Ngoài ra, đoàn còn có các cơ sở kinh doanh mua bán sản xuất, sửa chữa tại các thành phố của Campuchia như xưởng sửa chữa xe đạp, thực phẩm, may mặc quần áo...
Trong cuốn Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại (Nhà xuất bản Trẻ, 2004), đại tá Nguyễn Việt Phương kể: "Một cán bộ đầy tài năng của Tổng cục Hậu cần là Đức Phương được cử vào đóng vai nhà tư sản kinh doanh, làm chủ Công ty thương mại Hắc Lỷ. Đức Phương có dáng người to cao, đường bệ, nước da ngăm nâu, trán hói…, đủ điều kiện để đóng vai một ông chủ hãng buôn lớn xứ chùa tháp.
Miền Bắc đã cung ứng cho Đức Phương đủ vàng và ngoại tệ mạnh để hoạt động kinh doanh. Ông đã mở rộng quan hệ với các quan chức cao cấp ở Campuchia, trong đó có tư lệnh thành phố Phnom Penh là Unxiut. Unxiut đã nhanh chóng kết thân với Đức Phương. Viên sĩ quan phụ tá của Unxiut cũng được Đức Phương ưu ái nên tận tình giúp đỡ. Với mối quan hệ đó, Công ty Hắc Lỷ có thể thuê cả một đoàn xe nhà binh của quân đội Campuchia chở vũ khí và hàng hóa từ cảng Sihanoukville về đến tận biên giới VN.
Đức Phương còn chơi thân với bộ trưởng an ninh của Chính phủ Campuchia. Có lần nhân sinh nhật vị bộ trưởng này, Đức Phương đã gửi một món quà tặng đặc biệt: một chiếc Mercedes mới. Để đáp lễ, bộ trưởng an ninh đã tặng lại Đức Phương chiếc xe cũ mình đang đi làm kỷ niệm. Với chiếc xe này, Đức Phương và các cán bộ của Hắc Lỷ đi đến đâu cảnh sát cũng không đụng tới, chỉ nhìn thấy chiếc xe và số hiệu là đã giơ tay chào. Chính Đức Phương đã tổ chức những chuyến xe đặc biệt chở hàng Z, tức tiền Sài Gòn, vào cho Trung ương Cục".
ĐẶNG PHONG
____________________
Phần việc khó khăn và phức tạp là đưa số hàng tại các kho ở biên giới vào chiến trường miền Nam. Việc này không thể chỉ dùng các biện pháp ngoại giao…

Xem tiếp phần 2 nối các đường dây về nước

No comments:

Post a Comment