Chương 14
Chúng tôi đi theo con đường mòn chúng tôi đã đi lãnh gạo. Thật là phiêu lưu. Nhưng cũng cứ đi. Vì tôi có nghe đồn là có một người bạn của tôi tên Bảy Nguyện làm xếp cái cửa khẩu này. Tìm được y thì đỡ lắm.
Nhưng không hiểu ma dắt lối quỉ đưa đường thế nào mà chúng tôi đi lọt vào một trại tù binh. . . Thế mới chết . Cho đến bây giờ trong óc tôi vẫn chưa phai mờ về cái trại gọi là trại tù binh đó (xin tạm mượn cái lối nói của các nhà chánh trị: Cái gọi là...)
Không ngờ ở giữa rừng này lại có một cái trại để cầm tù những người như thế. Không phải tôi vào đó một cách dễ dàng đâu. Chúng tôi lọt vào khu vực trại tù và bị bắt đưa tới ông cai ngục.
Ông ta là một ông già, râu ria xồm xoàm, tóc tai bù xù.
Khi chúng tôi tự giới thiệu thì lão rất mừng . Lão bèn tiếp chuyện với chúng tôi rất vui vẻ. Lão hỏi chúng tôi:
- Các anh có muốn xem tù nhân không ?
Bác sĩ Năm Cà Dom lắc đầu, nhưng tôi thì xin được xem thử có cái gì ở đây. Xem nó có khác với nhà tù ở Vinh và Hỏa Lò Hà Nội hay không ? Cho nên tôi đáp:
- Nếu cụ cho phép thì tôi xin xem.
- Hừm, tôi mà cụ gì. Anh rủa tôi ư?. ông già phản đối một cách vui vẻ. Trông tôi già lắm hả ?
- Có lẽ …
- Không ! Tôi chỉ mới bốn mươi hai tuổi thôi. Chẳng lớn hơn anh là mấy đâu.
- Nhưng trông… đồng chí… già đi nhiều quá.
- Tôi coi cái trại tù này ngót năm năm rồi, nghĩa là từ khi có chiến tranh xảy ra ở miền Nam.
Rồi ông ta đưa tôi đi. Ông ta giải thích:
- Tôi sẽ cho ông nhà văn xem cái hầm nhốt một tên đầu sỏ vừa cầm đầu một vụ vượt ngục, bi lộ, bi bắt trở lại, nhốt dưới hầm.
Ông cai ngục dắt tôi đi qua một cái cửa và một cái hàng rào làm bằng thân cây rừng mỗi chấn song to bằng cột nhà.
Xong ông Cai mới đến một chỗ, bảo một cậu cần vụ giở một cái nắp hầm cũng bằng gỗ ra và bảo tôi nhìn xuống dưới hầm. Tôi nhìn xuống đó.
Ban đầu thì tôi không trông thấy gì cả nhưng chỉ sau vài giây thì tôi trông thấy một cái thân người nằm cong quắp như con tôm kho tàu, vì cái hầm hẹp không đủ cho anh ta duỗi thẳng chân ra.
- Này, thằng kia !
Ở dưới đáy em thấy có sự cử động rồi hai chấm sáng chiếu thẳng lên phía tôi. Có lẽ hắn ta đang nằm úp mặt vào vách hầm, nghe tiếng gọi mới quay nhìn lên tìm tí ánh sáng. Chắc anh ta chỉ tìm ánh sáng thôi, còn ngoài ra không có mục đích gì khác, bởi với hắn cũng thừa biết rằng mỗi lần người ta gọi hắn thì chẳng có điều gì tốt lành.
- Anh xem đó, ông Cal nói với tôi, hàng rào, hầm hố như vậy đó mà tụi nó dám tổ chức vượt ngục. Bởi vì tụi tôi cũng thả lỏng mỗi buổi sáng được vài phút cho chúng tập thể dục để ngừa bệnh phong tê. Chúng thừa một hôm anh gác bất ý, chúng xông ra tấn công
Ông Cai kể tiếp:
- Thằng này là đầu sỏ. Hắn đã vượt ngục một lần ở trại trên kia, ba thằng đều bị bắn chết. Hắn còn sống sót đấy. Chúng làm sao chạy thoát được. Đường đi nước bước ở khu rừng này chúng tôi thuộc như chỉ trong lòng bàn tay mà.
Chúng nó chạy một buổi, chúng tôi chắc chắn còn theo kịp. Thằng này là lính gì không rõ mà dữ lắm. Hắn nói cũng ghê. Miệng lưới lắm. Một hôm có đồng chí Thượng tá Phó chánh ủy quân khu đền mời tất cả bọn chúng lên nói chuyện chơi.
Đồng chí Thượng tá kể cho chúng nghe về những ưu đãi của đảng và chánh phủ đối với cán bộ nhà nước ở ngoài Bắc và bảo chúng nó hãy kể lại những ân huệ mà chúng được hưởng của chánh phủ Sài Gòn.
Ông Cai ngừng lại một chút rồi kêu lên:
- Mẹ kiếp, tôi nghe xong thì thấy mình tồi quá. Chẳng ra cái nước non gì cả. Nới về cái sự đi đứng ăn ở của nó thì mình không đi tới đâu cả Tội nghiệp, thế mà đồng chí Thượng tá của mình lại cứ tự mình là nhất thế giới cho nên mới bày ra cuộc nói chuyện đó.
Chẳng dè nghe xong đồng chí ta mới ngã ngửa ra và suýt nổi quạu với thằng tù binh kia. Cho nên khi chấm dứt cuộc nói chuyện thì đồng chí bảo nhỏ tôi phải tìm cách chế ngự bọn này. Nếu để nó phun cái mùi phản động ra thì cả cán bộ ăn cai ngục đều bị nó mê hoặc: Kịp khi thằng này vượt ngục bi bắt lại thì đồng chí mật lệnh cho tôi. . . ba ngày cho nó ăn một lần.
Ông Cai lôi tôi ra đi về một dãy hầm khác và nháy nháy nhìn tôi tỏ vẻ ngại thằng tù dưới hầm nghe được.
Ông Cai hỏi tôi:
- Đồng chí có muốn xem Mỹ không ?
- Ở đây có Mỹ sao ?
- Có chớ!.
- Nhiều không đồng chí ?
- Vài thằng thôi! Ôi chao ! Cái thằng Mỹ thật kỳ lạ !
- Đây làm sao bắt được chúng nó ?
- Đánh trận bắt được, người ta đưa về.
Đứng trước hai tên Mỹ bi cùm trong gông, tôi không dám nhìn lâu. Chân chúng nó thọc vào một cái thân cây sả làm đôi có khoét lỗ vừa ống chân, một thằng thì chỉ thọc một chân vào còn một chân được tự do, còn thằng kia thì thọc cả hai chân vào, cứ ngồi như thế không xoay trở được.
Tôi vội vã xin trở ra ngay. Tôi không muốn đứng lâu trong ngục không muốn nhìn sự hành hạ, tra tấn của bất cứ ai đối với bất cứ ai.
Tôi đã nhìn thấy một cái củi gỗ nhốt chặt một tên Mỹ cách đây độ vài tuần lễ. Bây giờ tôi lại được xem cái cảnh đó tái diễn. Thật là khốn khổ.
Hai thằng Mỹ không biết trước đây ra sao, bây giờ như hai con sem-băng-dê khổng lồ, gần như lông lá trần truồng ngồi tô hô đưa chân vào gông, một thằng thì nằm dài ra, còn một thằng ngồi, hai tay chống tay ra phía sau. Chúng nhìn tôi có lẽ không có một xúc cảm.
Chúng cứ đờ đẫn ngây dại. Nhìn tháng ngày qua chúng có cảm giác gì ? Quê hương, gia đình . .. Không ai hiểu được.
Tôi đã trông thấy những tên Mỹ nhiều lần lúc tôi còn ở Hà Nội. Một lần ở Vinh, một lần ở Hỏa Lò và một lần khác ở Quảng Bình. Những tên Mỹ ở đây trông hãy còn chưa thành ngợm. Nghĩa là trông thấy chúng người ta còn biết rõ đó là những con người chưa lẫn với những con vật.
Tôi đã từng trông thấy những anh Mỹ bị bắt ở Quảng Bình, đại khái có một anh gọi là thiếu tá phi hành gia Sumaker bị bắn rơi cách thị xã Quảng Bình đâu vài chục cây số. Nghe nói anh ta không khai một điều gì ngoài ba điều: tên họ năm sanh và chức vụ.
Những kẻ bắt được hắn không biết làm sao khai thác, đã dùng báng súng. Nhưng cuối cùng họ vẫn không đạt được mục đích. Họ phải dùng thủ đoạn khác. Nửa đêm họ vứt Sumaker lên xe chạy một mạch lên một ngọn đồi hoang, tống chàng ta văng xuống đất và chĩa súng vào ngực bảo khai. Nhưng Sumaker vẫn không nói gì ngoài tên tuổi và chức vụ của mình.
Nhưng đó là những điều không cần thiết bởi vì anh phi công nào mà chằng có ba điều đó trong cái thẻ quân nhân cất trong túi áo, túi quần.
Cuối cùng, họ đưa Sumaker đi. Đi hơn một ngày, mới đến nơi. Vừa đặt chân xuống đất Sumaker đã nói ngay: ” Đây là Hà Nội!”
Các người giải hắn đi thảy đều ngạc nhiên, không rõ vì sao mà thằng Mỹ này biết ngay cái địa điểm mà hắn chưa từng quen biết?
Tôi còn gặp một anh Mỹ khác trên chiến trường Vinh vào một đêm mùa hè năm 1965. Lúc đó thành phố Vinh bị đánh tan tành, không còn một người đân nào cư ngụ trong thành phố.
Tôi đã trông thấy những chiếc xe bò của sinh viên chở sách và học cụ tản cư khỏi thành phố, dưới ánh sáng của những chiếc pháo sáng máy bay Mỹ bắn tua tủa trên nền trời.
Ở đây pháo thủ ăn cơm trên mâm pháo và chỉ huy trưởng trận địa không bao giờ dám rời hầm chỉ huy, không bao giờ dám rời ống nghe, máy ngắm và các dụng cụ chỉ huy khác.
Một đêm tôi đang nằm chập chờn không ngủ được, thì có người đập tôi dậy và bảo:
- Có đi coi Mỹ không?
- Mỹ ở đâu mà coi? Tôi vừa dụi mắt vừa hỏi.
- Mỹ ở ngoài trận địa kia.
- Ở đâu có vậy?
- Không biết ở đâu.. hình như ở Đô Lương mang về.
- Thế hả.
Thế là tôi vừa giụi mắt tiếp, vừa bước đi chân thấp chân cao đi theo người ta ra coi Mỹ.
Tôi soi đèn pin lên. Chao ơi, hắn cao hơn tất cả mọi người hai cái đầu. Ấy là hắng đang gục xuống và chân không giày.
Người ta đùn hắn vào trại giam của tỉnh. Tôi cũng đi theo như một đứa trẻ con đi xem múa lân ngày Tết.
Tôi nom thấy rõ ràng dòng chữ in trên áo hắn mà tới nay tôi còn nhớ rõ ràng: Mac Kamey. Da hắn nâu, tóc hơi xoăn, mặt hắn nhô hẳn ra phía trước như một cái mũi tàu.
Người ta móc trong túi hắn ra một trái chanh còn xanh, lột tất cả đồ tư trang trên người hắn, cả sợi dây chuyền đeo trên cổ hắn (hình như đó là bảng loại máu của hắn). Hắn bảo là đồ riêng của hắn nhưng người ta đáp rằng hắn không được quyền giữ một thứ gì trong người hắn. Một người hỏi: trái chanh này mày mua ở đâu? Hắn đáp ở Philippine.
Rồi thôi. Sáng hôm sau tôi mới gặp lại Mac Kamey ở cái phòng khi đêm tôi đã trông thấy hắn. Tôi được biết thêm hắn là đại úy, nhờ mấy người làm ở nhà tù nói ra.
Người ta cho hắn một mảnh bánh mì trét mắm ruốc, hắn không ăn. Hắn không tỏ ra chút gì sợ sệt. Hắn nom một chú cóc con. Hắn cúi xuống nhặt lấy, đặt lên bàn tay rồi thầm thì với nó, ngây thơ như một thằng cu, trong khi người ta đứng chật ních cả hai bên cửa nhòm ngó hắn. Nhưng vô phúc cho hắn, một chiếc xe jeep đến.
Từ trên xe bước xuống một người. Hắn ngạc nhiên vì có lẽ hắn chưa từng trông thấy người Việt Nam nào to lớn như người nầm.
Đi cùng với người người kia còn có hai anh mang súng AK. Cái anh chàng to lớn kia đi ngang qua mặt Mac Kamey thì tôi nom thấy anh ta cao đến mép tai của thằng này, nhưng bề ngang thì to gấp rưỡi.
Anh ta ngồi vào bàn và, bằng một ngón tay, anh ta vẫy Mac Kamey tới. Anh ta vừa gọi, Kamey chưa kịp bước tới thì anh ta đã xô ghế đứng dậy bước ra khỏi bàn, giơ chân “sút” một cái vào chấn thủy của Mac Kamey đang lơ mơ không kịp đề phòng. Kamey lộn một vòng, văng qua thềm, rơi xuống tam cấp và lăn khoè nằm rên ở giữa sân.
Hai anh mang súng AK lôi Kamey vào.
Anh chàng to lớn vẫn đứng đó, nghếch mặt hỏi bằng tiếng Anh:
- Ai bảo mày đi tới đây ném bom?
- Tôi không biết ạ!
- Mày đi với ai?
- Tôi không biết.
- Mày ném bom được mấy lần rồi?
- Tất cả những điều ông vừa hỏi, tôi đều không thể trả lời được.
- Tại sao?
- Tổng thống Johnson không cho phép.
Anh chàng khổng lồ kia thộp ngực chiếc áo da phi công của Kamey quay một vòng và nghiến răng lại:
- Tổng thống mày không cho phép nói, nhưng tao bảo mày phải nói.
Đốp..đốp…đốp… vô hồi kỳ trận. Những cú giáng liên miên không ngừng vào thái dương của Kamey, không thể đếm kịp, không thể đếm hết. Người xem có cảm giác là anh ta đang thoi vào bao cát tập võ. Xong một hiệp, anh ta buông tay ra, đồi sang bên tay kia và lại thoi như trời giáng vào thái dương bên kia của Kamey.
Cái khuôn mặt của anh phi công Mỹ vốn đã xẹp, sau hai hiệp bị nện, tôi tưởng nó đã dẹp lại nhu một đồng xu.
Kamey ngã qụy xuống đất. Lập tức hai anh cận vệ nện báng súng vào tấm lưng của Kamey theo kiểu đồng bào Thượng vọt lúa chày đôi. Rồi họ lôi Kamey vất lên xe Jeep chạy vút đi. Không biết đi đâu nữa.
Cho nên lần này tôi gặp mấy chàng con cưng của Mỹ quốc bị tra chân vào xiềng thì tôi vụt nhớ tới anh chàng Kamey tội nghiệp. Không biết cực hình nào sướng hơn. Đòn hay xiềng?
Tôi hỏi anh Cai ngục:
- Mình cho bọn nó ăn gì?
- Rau.
- Nó chịu sao nổi?
- Chịu không nổi hả!… hi ..hi..cũng ráng mà chịu chứ. Nhưng đôi khi tôi cũng cho nó ít sắn, ngô. Rồi cũng chịu được cả đồng chí ạ! Như tôi đây, tôi có làm cai ngục bao giờ đâu thế mà tôi vẫn làm, tôi vẫn quen với đám tù này. Tôi mong một đêm nào đó khi ngủ thức dậy thì cả lũ này chết tiệt hết cho tôi nhờ. Thế là khoẻ nhất cho tôi.
Anh Cai ngục còn nói:
- Tụi tôi còn không có cái ăn, chúng nó tài gì? Tụi tôi còn phải nhịn đói đây mà. Tù càng đông, chúng tôi càng đói, vì cũng từng ấy khoai mì, nhưng phải chia mỏng ra anh hiểu không? Nhưng mình không dám để cho nó chết. Nó chết là mình phạm chính sách.
Tôi cười. Tôi nghĩ thầm:
- Chánh sách cái cóc gì nữa. Các anh đã bày ra chánh sách nhưng chính các anh đã vi phạm cái chánh sách đó đầu tiên.
Ví dụ như cái chánh sách về Miền Nam đây. Chúng tôi có ra hồn gì nữa không? Hình như người ta bị cắn rứt nhiều quá, cho nên người ta bày đặt chánh sách cho đỡ bị cắn rứt vì khi làm chánh sách là người ta như tưởng nó đã được hoàn tất mỹ mãn rồi.
Năm Cà Dom không nói gì suốt từ khi vào đây tới lúc trở ra. Ra khỏi khu nhà ngục xong, Năm Cà Dom lè lưỡi:
- Chúng mình vừa lạc Thiên Thai!
- Rầu quá! Toàn chuyện gì không thôi!
- Chuyện rừng!
No comments:
Post a Comment