2. 2
Bỗng nhiên tôi có cái mặc cảm: mình cũng nằm lại đây, lấy tấm đế cối này làm mộ bia.
Một người đi ngang qua trước mặt tôi, ném một câu cụt ngủn: ..
- Sốt à?
Tôi khẽ gật đầu, mà hình như tôi chỉ ngồi im, không đáp lại. Tôi nghe cách phát âm thì tôi biết đó là người Nam Bộ. Tôi thấy hơi đỡ khổ, bớt cô đơn, tôi hơi tỉnh lại. Tôi hỏi vói theo:
- Đồng chí ở tỉnh nào?
- Bến Tre – Anh bạn quay lại đáp.
- Tôi ở Mỹ Tho
Tôi trả lời vào một câu không phải là câu hỏi. Tưởng đó là một hòn đá ném xuống vực thẳm không nghe tiếng đáp lại chẳng ngờ lại có âm vang:
- À, có Mỹ Tho đi tới kia kìa.- nói xong anh chàng bước lùi lại và vẫy tay kêu to: – Ê, ê!… có đồng hương đây mau lên – rồi lại hỏi tôi:
- Anh về Ông Cụ phải không?
Tôi gật. Anh bạn lạ mặt kia – một cán bộ quân đội – vỗ đùi kêu to:
- Sướng quá trời đất ơi!
Anh bộ đội nói tiếp:
- Thằng bạn của tôi kia nó ở Mỹ Tho. Mười mấy năm nay nó chưa gửi được một lá thư về gia đình cũng không nhận được một lá thư nào của gia đình. Vợ con nó không biết ra sao. Nghe nói hình như ả đã lấy chồng rồi. Nó buồn lắm, cố nhiên, vợ đi lấy chồng vui sao được nhưng buồn một nỗi nữa là cái tin không biết có đúng vậy không. Nếu rõ vậy thì nó ở ngoài nầy kiếm vợ chẳng khó khăn gì nhưng nếu không phải vậy thì tội nghiệp cho người đàn bà. Người ta chờ đợi thủy chung té ra mình quất ngựa chuối đi mất, khổ quá!
Anh bạn mới quen nói tía lia, vừa nói, vừa bình luận, vừa cười và sầu não với tôi như với một người quen cũ. Anh khoa tay:
- Anh ngồi đây để tôi chạy đi kêu. Nó đang nướng mì ăn đằng kia kìa.
Rồi anh ta chạy phốc đi, một chốc trở lại với một người bạn mới. Anh ta vừa thở vừa nói:
- Nó là Chính Trị Viên tên Thành, còn tôi Đại Đội Phó cũng xin tự giới thiệu luôn. Tôi tên Cu bí danh Tư Ớt vì lúc nào ăn cơm cũng phải có ớt. Anh em còn cho tôi cái tên nữa là Cu Ớt Hiểm- Anh ta nói tự nhiên không có vẻ gì xấu hổ vì cái tên không văn hoa của anh, rồi anh ta vỗ vai tôi và tiếp – Còn đây là anh bạn sốt người Mỹ Tho đang trên đường “về nước”
Thành hỏi tôi ngay:
- Mỹ Tho mà quận nào anh?
- Cái Bè – Tôi đáp.
- Tôi ở châu thành gần bến bắc Rạch Miễu. Anh biết bến bắc Rạch Miễu không?
- Có chớ! Tôi có qua lại vài lần.
Tôi bỗng nhiên thấy tỉnh hẳn lại. Những cái tên đất, tên làng của quê hương không có gì tất cả. Đó là những cái tên bình thường, quá bình thường đi nữa là đằng khác. Nhưng đó là tất cả.
Nhưng ở đây, những bộ mặt xanh nanh vàng, những cặp môi tím ngắt thốt ra những cái tên ấy, run run như da thịt người chạm phải làn điện nhẹ, nó run lên, những âm thanh ấy, như những tiếng đàn bất tuyệt ngân lên và lay động đến tận những nơi sâu xa nhất trong lòng.
Tư Ớt Hiểm cảm thấy bơ vơ khi thấy tôi và Thành không nhắc đến y. Có lẽ vậy! Cho nên y xen vô, tự giới thiệu:
- Còn tôi ở Bến Tre, quận Giồng Trôm, anh có biết không? Từ Mỹ Tho xuống Bến Tre đâu có mấy cây số. Qua bắc Rạch Miểu thế là tới “Bến Tre quốc” rồi!
Tôi đáp:
- Hồi 9 năm tôi có tới đó. Tôi sống ở Bến Tre cũng lâu lắm. Tôi biết rất nhiều. Có phải Giồng Trôm của anh có những làng Tân Hào, Thạnh Phú Đôn, Cái Mít không?
- Phải! Phải nhưng Cái Mít không phải là làng mà chỉ là tên chợ thôi. Chợ Cái Mít nhưng làng Thạnh Phú Đông! Hồi đó tôi ở bên Tân Hương thường chèo xuồng qua Thạnh Phú Đông. Hai cái vàm Tân Hương và Cái Mít gần ngang nhau. Sông Hàm Luông rộng lắm nhưng nó có rất nhiều cồn. Tôi không nhớ hết. Mà không biết mấy chục năm nay cù lão cũ có bồi ra thêm không . Còn cù lao mới chắc mọc lên bít cả con sông Hàm Luông nối liền chợ Tân Hương và chợ Cái Mít nữa là khác.
Đôi mắt Tư Ớt mơ màng ngó mông lên đầu núi, dường như ở sau rặng núi hiểm trở này là quê hương anh, dòng sông đó, cồn đất đó. Tư Ớt nói liên miên, không để ý đến sự chú ý của những người chung quanh nữa.
- Bây giờ mà cho tôi đi về thì tôi đi một mạch tới ngay. Đây đó có bao xa mà về không được, gần hai chục năm rồi. Ở nhà, cha mẹ chết hết mình cũng không hay!
Tôi nhìn cái khuôn mặt buồn bã và vàng sậm của Tư Ớt mà đau xót. Tôi biết y hoạt động rừng núi đã lâu ngày rồi. Nước da của anh xấu quá. Tôi thương Tư Ớt vô cùng, một tình thương bất ngờ, đột biến, sôi lên.
Tôi hỏi:
- Anh không về à?
- Không được về chớ không phải không về đồng chí ạ!
- Tại sao không được?
- Vì người ta không cho.
- Nhưng tại sao không cho mới được chứ ?
- Tại vì người ta nói Đảng Bác chưa cần, tôi ở đây đã 4 năm rồi.
Tôi ngã ngữa ra. Vậy ra có những người như Tư Ớt, cứ ở đây mãi không được về xứ.
- Mình phải đấu tranh chứ!- tôi gắt.
- Đấu thế chó nào được, không đấu thì còn “lon” còn “gáo” mà mang. Đấu thì đi Hỏa Lò và lon gáo rụng hết. Quân đội mà, anh có hiểu không? Anh không nghe nói vụ Thiếu Tá Phan Thanh Nhàn, người Bến Tre, ở Hà Nội à? Cũng vì hăng hái đấu tranh cho quyền lợi anh em đó mà đi tù. Gần chục năm nay rồi. Vợ ở ngoài đi lấy chồng. Anh em có thương tình cũng chẳng dám đi thăm, sợ liên lụy. Đó, kết quả của sự đấu tranh là thế đó .
Tư Ớt thở dài thườn thượt làm cho tôi có cảm giác là y chán chường mọi sự đời đến mức cùng cực, kể cả cái nhiệm vụ thiêng liêng mà anh được giao cho trên đường dây này.
Thành chờ đợi cái chấm câu của Tư Ớt tự nãy giờ. Thành nói:
- Thôi được rồi cha nội! Để cái cồn lá cồn lạp của anh qua một bên đi, để cho tôi nói chuyện với anh bạn một chút.
Thành ngồi xuống bên tôi xòe bàn tay vàng ngoách như vừa nhúng trong nước kí-nin ra và nói:
- Tôi sẽ viết cấp tốc một bức thư với 10 chữ thôi, không nặng đâu đồng chí ạ. Tôi biết các đồng chí đi đến đây là kiệt sứt rồi, một sợi tóc cũng làm nặng thêm một kí-lô. Đồng chí ạ, đồng chí có về tới Mỹ Tho và có dịp đi ngang qua xã Đạo Thạnh thì hỏi dùm tên ông già tôi.. Ờ..ờ… tôi sẽ ghi trong thư kỹ lưỡng, rồi đưa dùm cái thơ nhé. May ra gia đình tôi nhận được thư mà biết tin tôi còn sống. Còn nếu không tìm được thì thôi chẳng quan trọng gì. Đời tôi coi như bài cào bù trất rồi, may ra còn kiếm được hai ba nút, vậy thôi!
Rồi Thành lấy chiếc võng quấn tròn như đòn bánh tét đeo trên lưng và tháo ra buộc vào hai cái cây bên đường rồi dìu tôi lên nằm:
- Nghỉ khỏe đi, bây giờ mới 12 giờ 5 phút thôi, còn sớm chán! Mà đoàn của đồng chí đâu?
- Đi trước rồi!
Thành hơi ngần ngại:
- Vậy làm sao đồng chí theo kịp?
Tôi nói dối để cho Thành yên tâm mà không nói tía lia nữa. Tôi không muốn nói cũng không muốn nghe. Tôi nằm, cơ thể hoàn toàn ngơi nghỉ. Tay chân buông thỏng. Tôi có cảm giác là tất cả những bộ phận trong người tôi không còn ăn khớp với nhau nữa.
Tư Ớt đưa tay sờ trán tôi:
- Cỡ 39, 40 độ!
Tôi bắt đầu run lên. Sốt xong đến rét. Người ta gọi sốt rét mà lại! Cái rét có hình tượng. Nó như con vật có hằng vạn bàn chân li ti chạy từ trong máu, trong tủy tôi toả ra khắp châu thân. Tôi biết rằng đó là cuộc tấn công của những toán vi trùng vào những khối hồng huyết cầu theo như lời bác sĩ giảng, nhưng tôi không tin như vậy. Tôi cứ tưởng như tôi bị nhúng nước lạnh, mà cũng không phải nữa, bởi vì giữa trưa nắng mà đắp chăn vẫn cứ run. Hai tay ôm ngực, hai chân co lên sát bụng, hai hàm răng nghiến chặt, càng co càng rút thì càng run, răng càng đánh bò cạp.
Hai mắt lại nóng bừng như hai hòn lửa và không trông thấy rõ nét một vật gì. Tôi chúi đầu vào mép võng như chỗ tựa để chống lại cơn sốt đang hoành hành.
Tôi nghe loáng thoáng bên tai:
- Tôi nghiệp! Chắc đồng chí mới sốt lần đầu phải không? Ở đây là như vậy đó. Tụi tôi coi sốt như cơm bữa, “phi sốt rét bất thành giải phóng” mà! Kí-nin uống như trẻ cơm nguội có ăn thua gì. Nhiều khi mình sốt mà giống như là giả bộ vậy, đang ngồi chơi bỗng run lên, đang đi bỗng rã rời tay chân mắc võng không kịp mà nằm. Hì, hì.. trong người tụi tôi bây giờ vi trùng sốt rét hàng tá bắt nấu canh chua không hết.
Tôi còn nghe ngòi bút của Thành chạy sột soạt trên mặt giấy, một chốc lại nghe Thành kêu lên gay gắt:
- Nghẹt ngòi rồi! Bực quá! Có bút đó không Ớt?
- Không! Lâu rồi đâu có viết cái gì mà bút với mực.
- Mẹ!…Hồng Hà làm giống in Parker 91 mà dở ẹc. Ngòi viết có hơn tháng đã toè mẹ nó ra rồi.
- Ai bảo mua rồi la?
- Thấy có đứa bảo tốt lắm, nó mua đem về cho bạn bè Miền Nam.
- Ờ, vậy cũng tốt, nó được cái tinh thần.
- Tinh thần gì?
- Tinh thần tự túc tự cường. Ta làm ra ta xài chẳng hơn mua cây bút “Anh Hùng” của Trung Quốc à?
- Chà, chà! Nổi lập trường lên rồi đó hả?
- Khì..khì! Thôi viết đi, hết cơn sốt ông bạn đồng hương lại chỗi dậy đi mất bây giờ!
Thành đập đập mép võng hỏi tôi:
- Đỡ chưa đồng chí? Tôi viết thư rồi đấy! – Thành vừa nói vừa xếp lá thư nhỏ lại bằng một ngón tay và nói – Chỉ có bây lớn đây thôi, không có nặng gì đâu! Coi như nó là miếng giẻ rách vá cái áo cho đồng chí vậy thôi. Tôi cũng biết các đồng chí nặng lắm rồi, nhưng đây là vấn đề tình cảm của mình, tôi không bao giờ quên ơn đồng chí.
Rồi thao thao bất tuyệt, Thành nói:
- Tôi đi bộ đội hồi năm 1947 lận đấy đồng chí ạ! Đánh trận nào ở Mỹ Tho mà không có tôi, cả cái trận đánh với tụi Lê Dương mặt gạch ở Gò Công cũng có tôi. Trận đó hai bên đều hết đạn, đập nhau bằng súng và ôm vật nhau! Cái bọn Lê Dương mặt gạch cái mặt đen thui mà gạch ngang gạch dọc như mặt thớt vậy, cái đầu thì tóc quăn xoắn lại và cặp môi đen sì như cặp đỉa trâu bằng bắp tay nằm ngang. Gớm, trông thấy mà rợn người. Tụi nó đánh gan lắm! Chết bao nhiêu cũng không sợ, cứ nhào vô ào ào ngay họng đại liên, trung liên. Đồng chí có biết Phan Thanh Nhàn không? Nhàn Râu đó! Ông ta đấu tranh với bộ Tổng bị tù đó, ai cũng biết. Ban đầu tôi ở tiểu đoàn của Nhàn Râu, rồi sau này tôi sang Trung Đoàn Đồng Tháp đi lung tung càng ngày xa không về xứ được. Cuộc cách mạng của mình kỳ cục quá. Mới ban đầu mình tưởng chừng vài tháng thì xong, vài tháng không xong, rồi lại đến vài năm. Mới đầu tưởng ra khỏi làng thôi, ai dè đi lên tỉnh rồi đi lên miền, rồi ra Bắc cho tới bây giờ nghĩ tới ngày về mà vô cùng ngao ngán. – Thành nói chậm hẳn lại – Bây giờ thì bọn tôi không còn có ngày về. Vì thế cho nên tôi mới nóng lòng mà gửi bức thư này vậy. Nếu đồng chí có về ngay xã tôi, đến bến đò An Thạnh thì xin hỏi tên ông Hai Trí, đó là Ông già tôi và đưa thư này dùm tôi, tôi cám ơn lắm.
Cái thằng Nam Bộ ít hay nói tiếng cám ơn lắm. Nó cám ơn tự trong lòng, nó nhớ ơn và đợi lúc trả ơn. Ở đây Thành nói cám ơn là chuyện không thường rồi.
Tôi cầm lấy bức thư, đúng ra là mẩu giấy con không có vẻ trang trọng gì hết, nhưng trong đó gói trọn cả một trái tim, một nỗi niềm.
Anh ta khóc chăng? Tôi trông thấy anh ta quay mặt đi, người chính trịnh viên, thằng Thành con Bác Hai Trí ở Mỹ Tho! Có lẽ anh ta đau lắm khi nói những câu trên với giọng run ngập ngừng. Bỗng nhiên Thành quay lại, cố gắng nói giọng bình thường:
- Thôi, chúc đồng chí đi cho tới nơi. Độ hai tháng nữa là cùng, sẽ gặp lại ông già bà già cho ổng bả mừng. Còn tụi tôi thì… – Thành nghẹn ngào nhưng cố nói cho trọn câu – còn tụi tôi thì kể như bỏ xác nơi rừng Lào này đi!
Gương mặt tròn trịa của Thành trông thương hại quá. Đôi má phính không phải vì béo mà vì sỉn, run run theo những tiếng nghẹn ngào của Thành, hai hàng nước mắt của người chính trị viên quê ở Mỹ Tho chảy xuống chầm chậm và càng lúc càng nhiều. Thành vụt đưa mu bàn tay quệt ngang và tiếp:
- Thôi, tạm biệt nhé!
Tôi ấm ức thay cho Thành, cho Tư Ớt và cho tất cả những người miền Nam không được về quê. Tôi hỏi:
- Nhưng các đồng chí sao không được về chứ?
Tư Ớt rất uất và sự uất ức đó dường đã được khơi dậy. Tư Ớt nói:
- Họ bắt chúng tôi cứ ở lẩn quẩn trên con đường chết tiệt nầy xích ra xích vô, lết tới lết lui, thấy các anh em “về nước” mà tủi thân vô cùng. Trước đây tụi mình đâu có muốn đi mà vẫn phải đi, bây giờ mình muốn về thì lại cũng không được về. Không biết cách mạng Lào trở thành căn đày kiếp đọa gì cho lũ Miền Nam tập kết này, và không biết tới bao giờ mới dứt?
Tôi cố đứng dậy khỏi chiếc võng vì tôi đã biết câu chuyện sắp kết thúc.
Đứng dậy xong tôi phải vịn cái cây ở đầu võng, rồi một cách may rủi, tôi chụp lấy cây gậy của tôi lúc nãy không biết ai đã dựng sẵn đó cho tôi và tôi chống gậy lảo đảo đi lại ngồi phệt lên cái đế cối lúc nãy. Bây giờ thì tới phiên Tư Ớt tâm sự, trong lúc Thành bước lại cuốn cái võng. Tư Ớt nói với cái giọng khàn khàn có lẽ vì khát?
- Tôi nhớ từng gốc cây anh ạ! Ở gần nhà tôi có cái gốc cây gọi là cây Quéo, từ ngã ba đi vô độ hơn hai chục cây số. Đi xa ngó về vẫn trông thấy ngọn của nó vượt hẳn lên những rặng vườn. Tôi đi bộ đội được vài năm thì nghe nói bà con ở nhà đã hạ nó xuống để không còn chuẩn cho máy bay bỏ bom nữa. Nghe nói đốn nó phiền phức lắm vì nó là loại cây to bóng mát mà, có Bà ngự, hạ nó xuống đâu phải là chuyện chơi! Thầy pháp phải cúng, phải cầu, bà con phải đốt nhang khấn vái dữ lắm… Dù tôi đã biết người ta hạ cái cây Quéo xuống hơn hai mươi năm nay nhưng mỗi khi nhớ nhà, nhìn những chân vườn xa trước mắt thì tôi lại cứ thấy nó đứng sừng sững trước mặt tôi, trong tâm tư tôi.
Ở đàng kia có một tốp binh sĩ vừa lố dạng. Thành ngoắc ngoắc:
- Đem lại đây, tôi tặng cho ông bạn đồng hương một củ.
Tôi nhìn đoàn người đang khuân vác lôi thôi lếch thếch đi về phía tôi. Miệng tôi đắng như lúc nãy tôi nuốt còn sót một viên kí-nin trong cổ họng tôi, tôi cứ khạc nhổ mãi mà không hết đắng. Bây giờ tôi nghe cái củ của ông bạn đồng hương sắp cho, tôi không biết là củ gì. Củ khoai, củ mì, củ chụp …củ gì cũng ăn được. Vậy là được lắm rồi. Ở giữa chốn này dễ gì ai nhận mang cho ai cái gì, dễ gì ai cho ai món gì ăn được, vậy mà tôi nhận mang cho Thành cả một lá thư. Có lẽ vì vậy mà Thành cho tôi cả một củ…
Một anh bộ đội mặc áo cổ vuông ướt đẫm mồ hôi ở phía trước ngực lẫn sau lưng, gánh một sọt khoai mì, củ nào củ ấy to bằng bắp đùi người lớn (chưa vượt Trường Sơn!). Tôi hết sức ngạc nhiên. Không hiểu sao ở xứ này lại có thứ mì to của đến thế, một người chỉ vác nổi một củ mà thôi.
Hồi ở Hà Nội, tôi nghe các vị trong ban Thống Nhất Trung Ương kể chuyện về rừng mì giải phóng mà mê như một bài thơ xã hội chủ nghĩa trữ tình. Các vị kể rằng ở dọc Trường Sơn có những rẫy mì đã trở thành rừng không thể nào ăn hết nổi. Vì theo tinh thần xã hội chủ nghĩa thì những kẻ ra Bắc vào Nam ngang qua những rẫy xã hội chủ nghĩa đó cứ tha hồ lấy củ mà ăn, nhưng lấy bao nhiêu phải dọn đất trồng lại bấy nhiêu, lâu ngày chầy tháng ăn không hết, vả lại vì tinh thần xã hội chủ nghĩa quá cao cho nên có những đoàn ăn một trồng lại mười, vì thế rẫy mì thay vì eo hẹp lại giờ mở rộng ra mà … thành rừng.
Nghe thì hay quá, nhưng thực tế đâu phải như vậy.
Thành trỏ vào sọt mì ngao ngán nói:
- Tụi tôi sống bằng toàn cái ngữ này! Thỉnh thoảng mới được cơm trắng. Coi vậy mà ăn nhiều hại lắm! – rồi Thành bảo tôi – Anh ăn bao nhiêu cứ lấy mà ăn.
Nhưng tôi thấy lòng vẫn chua xót khi thấy mình vừa ngồi trên cái đế cối. Càng chua xót khi tôi ngồi trên cái đế cối mà lại trước mặt những nhà chỉ huy quân sự.
- Tại sao anh em mình lại vứt cái đế cối như thế này anh?
- Nó vác không nổi nữa thì nó vứt chứ sao !
- Rồi cái nòng làm sao?
- Kê vô đầu gối mà bắn… khì khì… nói đùa vậy chớ cái nòng nó cũng vứt luôn chớ giữ làm gì?
Thành tiếp:
- Đường dốc đường đèo như thế, sức đâu mà vác? Cái này là đế 82 nặng không dưới 50 kí-lô. Rồi còn ba-lô gạo muối nữa lấy sức đâu mà vác? Anh vào một vài chặng nữa rồi mà xem súng đạn nó vứt đầy hai bên đường. Đi không nổi mà vác sắt khối như thế vác làm sao? Có trượt chân ngã, nòng súng đè gã xương sườn, trật khớp xương sống. Lính Trường Sơn! Chậc! Chết còn sướng hơn!
Tôi đánh Pháp 10 năm chưa lúc nào khổ thế này. Cái khổ nhất là cái mất liên lạc cá nước với đồng bào. Ở ngoài kia quan điểm nhân dân này nọ nói nghe mát bụng lắm …”dễ mười phân không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong.” nhưng vào đây, lâu nay đồng chí có gặp người dân nào không? Thế cho nên tụi tôi sửa lại: “dễ 10 phân kêu dần không lại, nặng trăm lần khiêng bại cả lưng!” Ở rừng riết rồi xem thấy khỉ cũng đẹp, và tưởng chừng mình cũng hoá thành khỉ nay mai.
Thành bắt tay tôi mãi không muốn rời. Có lẽ Thành muốn truyền đạt những tình cảm của mình về gia đình qua lời nói và hơi thở của tôi. Thành muốn tôi kể lại cho cha của Thành về Thành với những chi tiết đầy đủ nhất trong buổi gặp gỡ hôm nay.
Rồi chúng tôi chia tay.
(Cho đến hôm nay – 7 năm sau cuộc gặp gỡ đó – tôi mới có dịp viết lại cái ký ức về một chặng đường của Trường Sơn mà nét mặt vàng vọt cùng với giọng nói của Thành không hề phai nhoà trong tôi. Tôi viết những dòng này không phải với mực thường mà với thứ mực khác thường. Tôi mong nếu Thành còn sống và đọc được những dòng này. Tôi đã làm tất cả những gì tôi đã hứa với Thành năm đó, chỉ có một điều tôi không làm được là tôi không tìm thấy Ông Hai Trí và cái bến đò Anh Thạnh của Thành. Hơn mười lăm năm tang thương biến đổi mà lại là một thứ tang thương trong chiến tranh, nó bất ngờ và tàn nhẫn vô cùng, tôi làm sao tìm thấy được một cụ già trong cái biển lửa ngút trời của Miền Nam, tôi làm sao tìm thấy cái bến đò nhỏ bé của Thành với những cái rể cây đã mòn vì những bàn chân bước xuống đò – trong lúc mà đến cả rừng già còn hoá thành bãi trắng.
Có lẽ giờ đây, nếu sau 7 năm chịu đựng ở rừng Lào, Thành còn sống sốt thì Thành cứ nghĩ rằng người bạn đồng hương của Thành đã đi về tới nơi và trao thư của Thành cho gia đình Thành ngày đêm mong đợi Thành về. Riêng tôi thì vô cùng chua xót khi nghĩ về những người lính gốc Miền Nam cứ hằng ngày nhìn thấy người ta nối đuôi nhau đi trên đường về Nam, còn mình thì cứ trấn thủ rừng Lào để “Ủm hộ” cách mạng thế giới đang triển khai trên xứ Vạn Tượng. Hằng vạn thanh niên Miền Nam rũ xương trên đất Lào một cách phí uổng, trong lúc gia đình họ không được một mảnh giấy báo tin.
Thành ơi! không biết giờ nầy anh còn sống hay đã nằm yên trong một cuộc chạm súng vô nghĩa lý nào rồi?
Lá thư của anh tôi vẫn còn giữ đây, tôi đã học thuộc từng chữ, nhớ cả tuồng chữ và chữ ký của anh. Lâu nay gặp ai tôi cũng gợi chuyện để may ra tìm thấy cha anh nhưng tôi không hề thấy có ai, không thấy ai nhắc đến cha anh cả. Gia đình của anh ở đâu làm sao tôi tìm được? Củ khoai mì to tướng của anh đã bồi cho tôi bao nhiêu sinh tố, nhưng còn lá thư của anh thì tôi không biết làm sao gởi đi. Tôi mang nó trong người tôi như một món nợ mà tôi phải trả, như một đau khổ của riêng tôi và của hàng chục vạn người cũng như anh sống trong rừng Lào không phải “đêm Nam ngày Bắc” mà “đêm Nam ngày cũng Nam”.)
Tiếp theo chương 3
Tiếp theo chương 3
No comments:
Post a Comment