19. 19
Tôi đi miết cho đến đứng trưa thì lọt vào khu vực mà thỉnh thoảng lại thấy rơi rớt một vỏ ống thuốc hoặc một mẩu bông gòn nhuộm thuốc đỏ.
Đích là bệnh xá rồi. Chắc hai anh giao liên người Thượng đã cáng bệnh nhân đến đây từ hôm qua.
Mặt tiền của bệnh xá được trang trí bằng một dãy mộ lè tè mặt đất và một cái huyệt vừa đào xong đất còn mới. Chắc sắp chôn ai đây. Người chết nhiều đến nỗi không có cái chết nào làm xúc động những người trông thấy. Và người bệnh cũng nhiều đến nỗi y tá bác sĩ phải trốn lánh hoặc đưa mắt nhìn qua mà không xem đó là trách nhiệm của mình, cho dù là bệnh nhân đến tận bệnh xá và gặp bác sĩ ở ngay bệnh xá! Như tôi hôm nay đây.
Từ lúc tôi vào cho đến lúc người ta xem giấy tờ, tôi mất đến hai tiếng đồng hồ. Cái con người xem giấy tôi là một người béo ,gương mặt bầu bĩnh. Đặc biệt cặp mắt anh ta lộ hẳn hơn mọi cặp mắt lộ bình thường. Có lẽ mỗi khi xem giấy hoặc nhìn người bệnh, anh ta phải trợn trạt, phải trố mắt ra nhìn thật kỹ xem bệnh nhân có đủ điều kiện cho anh ta săn sóc hay không .
Anh ta xem giấy của tôi xong nhìn tôi đau đáu rồi nói giọng lạnh lùng:
- Anh sốt như thế thì ở nhà chữa bằng kí-nin thôi. Vô đây làm gì? Vô đây anh còn bị bệnh nặng thêm. Tôi nói cho anh biết, ở đây là ổ của một trăm thứ bệnh, nó lây anh hiểu chưa? Các anh hễ cứ bệnh tí là đi bệnh xá. Bệnh xá ở đâu, chứ ở đây chẳng có cái mẹ gì cả, ngoài ba viên kí-nin và một lọ thuốc đỏ. Còn tệ hơn thời đánh Tây cưa chân bằng cưa thợ mộc.
Anh ta nói chưa hết câu chuyện thì đã quay sang cạnh hỏi một người khác có lẽ cũng là y tá:
- Thằng cha thương hàn đi rồi à?
- Chịu gì nỗi mà chịu!
- Bảo văn phòng xuất 3 thước vải đen. Tội nghiệp!
Rồi anh ta quay sang tôi:
- Anh nào hồi mới vô đây chỉ có sốt rét thôi. Nằm ở đây, chữa sốt rét chưa xong là bị thương hàn. Thương hàn chưa khỏi, dính luôn kiết lỵ. Anh ấy nằm ở trại cách ly, tội lắm! Nằm lâu quá lỡ cả lưng, loét cả mông …. Anh ta là tỉnh ủy viên đó, cho nên tiêu chuẩn được ba thước vải đen hơn anh em.
Mới tới lúc đầu, nghe anh ta nói, tôi hơi khó chịu nhưng dần dần tôi thấy anh ta nói có lý cho nên tôi mới trình bày chuyện của tôi một cách bình tĩnh. Tôi nói:
- Thú thật với đồng chí là tôi không biết gì về bệnh xá cả! Tôi cũng không có ý định vào nằm ở đây. Tôi chỉ xin nhờ các đồng chí tiêm dùm tôi mấy mũi kí-nin 0,40.
Anh y tá nhảy cỡn lên:
- Cái đó làm gì có ở đây. Vô lý! vô lý! Chúng tôi không thể nào giúp đỡ đồng chí được.
Tôi cười nhã nhặn và tiếp:
- Dạ tôi chỉ nhờ đồng chí tiêm dùm thôi, còn thuốc thì tôi có.
Vừa mới đến đó thì từ bên ngoài có một cái cáng đi vào.
Anh y tá lắc đầu:
- Tôi trốn mất! Tối rồi cũng nên cho người ta nghỉ với chớ!
Nhưng cái cáng vẫn đi vào.
Người bệnh nằm trên võng cứ ngóc lên múa tay loạn xạ như đấu võ với một đối thủ vô hình và mồm cứ la hét, cứ nói lải nhải không đầu không đuôi, có khi vô nghĩa, có khi có nghĩa như một tên say rượu.
Một tiểu đội đi phía sau để thay phiên nhau khiêng. Một cậu luôn luôn đi bên cánh chiếc cáng để đè bệnh nhân xuống khi anh ngóc dậy múa may, hoặc xé quần xé áo, lao mình xuống đất.
Khi vô đến nhà, hai người đặt cái cáng xuống giá. Một anh có vẻ là chỉ huy tốp người khiêng nói với anh y tá:
- Đồng chí này là trung đoàn phó đây.. Tiếng Liên Xô đồng chí ấy nói lẫy cò không kịp… Không biết bệnh gì kỳ cục quá. Cứ múa cứ hét như thế suốt đêm ngày. Có khi nói toàn chiến lược chiến thuật y như giảng bài..
Tôi không muốn nhìn lâu cái cảnh tượng não lòng ấy nữa. Đúng ra tôi muốn trở ngay lại trạm với Thu. Nhưng chiều đã xuống hẳn rồi. Giá mà tôi bẻ mấy ống kí-nin 0,40 tôi uống được thì tôi đâu có phải cực khổ thế này.
Tôi quảy ba-lô đi tìm chỗ ngủ, không nhờ ai dẫn cả. Tôi đi theo một con đường mòn dẫn xuống một cái láng lợp bằng lá rừng và ni-lông.
Tôi bước vô láng ngang nhiên xem mình là bệnh nhân đã được thuận vào nằm. Không có một cử chỉ nào của tất cả những người nằm trong láng tỏ ra vui buồn khi tôi bước vào. Vài người đưa mắt nhìn tôi, rồi thôi, làm như không có gì mới cả.
Láng chia làm hai phần. Một phần thì gồm có hai dãy sạp nứa ọp ẹp, trên đó các bệnh nhân nằm chen chúc sắp lớp như cá mòi. Còn một phần thì toàn võng, những cái võng mắc song song với nhau, chiếc này sát chiếc kia. Bệnh nhân chỉ nằm im chứ không lắc được. Nhìn suốt hai dãy sạp nứa, không thấy ai quen, không một chỗ trống. Tôi đưa mắt tìm chỗ trong dãy võng. Đây là chỗ lý tưởng nhất, nhưng không thể nào chen được!
Nền đất thâm sì. Mấy cái chén bể lăn lóc. Mấy đống ói mửa không ai hốt. Cơm vãi ra ở giữa láng. Dọc theo đầu sạp, những cái áo, cái quần treo tòng teng đã lên mốc. Từ tất cả những cái đó bốc lên một mùi chết.
Tôi trở ra ngoài tìm chỗ mắc võng, tự nhủ thầm rằng qua đêm nay thôi, từ nay về sau xin bái luôn các thứ bệnh xá. Ở ngoài trạm mình thấy bệnh mình nặng lắm, nhưng khi vào đây thì bệnh mình đúng là một thứ bệnh vặt vô nghĩa lý so với mọi người.
Tôi nôn nao muốn trở về ngay, muốn bay đi ngay. Khi tôi đi, Thu lo lắm. Vì tôi đi có một mình và Thu ở nhà một mình với Việt.
Tôi đang nằm suy nghĩ vơ vẩn thì có tiếng kẻng. Một que sắt gõ vào một cái vỏ đạn không thành nhịp thành hồi gì cả, làm như người gõ kẻng không có đủ thì giờ để làm cái việc đó cho trọn vẹn.
Tôi nhìn lại thì thấy thiên hạ chạy rầm rập về một hướng với ca, với bi-đông trên tay, leng keng lộp cộp, như một cuộc chạy đua hỗn loạn mà đích tới chắc chắn là nhà ăn.
Tôi biết là giờ cơm.
Tôi có thức ăn nhưng không có cơm, tôi phải đi lãnh cơm. Kinh nghiệm ở đường dây cho tôi biết rằng nạn ăn cắp rất thịnh hành. Cho nên khi tôi lọ mọ cuốn võng xong, mang ba-lô tới nhà bếp thì người ta đã tràn vào kín cả một gian nhà, tôi không chen vào được.
Người ta kêu lên có vẻ vui mừng:
- Tuyết Mun phát cơm bây ơi!
- Thế hả. Vậy là mình có thêm tí cháy!
- Con Tuyết Trắng phát thì đói meo.
Trời mưa lâm râm vừa đủ ướt áo. Cái mùi đất đặc biệt của bệnh xá do hằng trăm thứ pha trộn, bốc lên xộc vào mũi tôi làm cho tôi chốc chốc lại phải sịt mũi một cái hoặc nhón chân lên ngửa mặt lên trời mà hít một hơi thật dài cho căng hai lá phổi ra.
Cái mưa ở rừng tuy không buốt, nhưng nó dai dẳng héo ruột héo gan chẳng khác mưa phùn miền Bắc là mấy.
Mọi người phải chen chúc nhau đứng trong nhà vây quanh thúng cơm. Cái thúng cũ thâm đen đã rách, đựng cơm trắng bốc khói mù mịt. Tuyết Mun, một cô gái vừa gầy vừa đen đúa như tên gọi cô ta, tay cầm danh sách bệnh nhân đọc to lên. Anh nào anh nấy ngóng cổ lên nghe, khi đến tên mình thì đáp lại một tiếng “có” rất to, như tự xác nhận rằng : “tôi đang đợi ở đây khi Đảng gọi để lãnh cái khẩu phần cơm gầy còm mà tôi có quyền hưởng thụ.”
Đọc một lượt 8 tên thì Tuyết Mun lại phát cơm. Một khẩu phần một bát sét. Nếu nắm lại thì được một nắm lỏng lẻo.
Những cái ca, cái đĩa nhôm chen vào, chìa vào tua tủa kín cả thúng cơm, tranh nhau lãnh trước (vì lãnh sau có khi hết cơm, hoặc không đủ cơm, khẩu phần rút xuống kém hơn), Tuyết Mun gạt phắt ra và quát ầm lên.
Vài anh cứ thò tay bốc lấy một cục, hoặc bẻ một miếng cháy bỏ vào mồm nhai rau ráu.
Cứ tám anh thì lập một khóm, lãnh cơm xong thì sang lãnh thức ăn. Rồi kéo nhau ra ngoài giữa trời mưa lúm xúm chia với nhau, chí choé. Tôi nhìn thấy mỗi mẩu thịt thâm đen to bằng từng lóng tay một.
Tôi nghe một người nói:
- Hôm nay mỗi đứa lãnh được một cái má “phanh” xe đạp!
- Không! một mẩu dép lốp cao su.
Tôi đứng chờ cô Tuyết Mun phát đến khẩu phần cuối cùng để tôi xin lãnh cơm thì cô ta đáp:
- Anh mới vô đâu có báo cho nhà bếp?
- Cô cho tôi lãnh gạo được không?
- Thôi được, để tôi giải quyết cho!
Nói xong Tuyết Mun quay vào bếp một chốc, trở ra trao cho tôi một dĩa nhôm đầy cơm và nói:
- Khẩu phần của tôi và Tuyết Trắng đó.
Tôi thấy Tuyết Mun tuy da dẻ đen đúa nhưng duyên dáng mặn mòi, có lẽ cô ta ít bị sốt.
Tôi cầm lấy dĩa cơm và vui vẻ hỏi:
- Ở đây có một cô Tuyết nữa hả cô?
- Còn chị Tuyết Trắng. Em cũng tên Tuyết nhưng vì đen nên người ta gọi em là Tuyết Mun.
Tôi lãnh cơm xong định quay về chỗ cũ thì Tuyết Mun hỏi:
- Anh ở Miền Bắc phải không?
- Phải!
- Về Ông Cụ phải không?
- Phải, về Nam Bộ.
Tuyết Mun vui vẻ:
- Em hỏi anh câu này nhé!
- Cô cứ hỏi đi!
- Nhưng mà anh phải trả lời cho thiệt nhé. Anh hứa đi.
- Ừ, hứa thì hứa.
Tuyết Mun ngập ngừng một giây rồi nói:
- Nghe nói bà con mình ra Bắc khó ở lắm phải không anh? Vì vậy cho nên hồi 1957 sau khi thời hạn tổng tuyển cử đã qua mà không có tổng tuyển cử thì anh em mình biểu tình đòi về dữ lắm phải không anh? Em có một người anh đi ngoài đó nên em lo lắm!
Bị hỏi bất ngờ, tôi chỉ cười trừ và hỏi lại Tuyết:
- Ai nói với cô vậy ?
- Đó, anh không chịu trả lời thấy chưa? Như vậy nghĩa là có rồi! – Tuyết vui vẻ hỏi tiếp – Em nghe nói mấy bà chị trong mình lấy chồng Bắc khi tập kết ra Bắc đều đụng đầu một bà răng đen ở ngoài đó có không anh?
- Các cô thiệt! – Tôi nói tiếp – thiếu gì chuyện mà không hỏi, lại hỏi những chuyện kẹt không hà! Thôi để bữa nào rồi tôi trả lời!
Tôi trở về chỗ cũ mắc võng ăn cơm rồi nằm dưỡng sức.
Tôi nhìn vào láng thấy một cô gái đang dắt một người sờ soạng đi ra. Tuyết Mun cũng đã xuống láng hồi nào đang ngồi cho một anh khác uống thuốc. Xong Tuyết Mun lại ra chỗ tôi, tay cầm một cái áo bẩn chua lòm, tay cầm cái chai dốc ngược xuống:
- Hết trơn anh ạ! Tội nghiệp thật! Chỉ cần một chai này là mắt anh ấy trông thấy trở lại thôi. Ở đây nhiều người không thấy đường chỉ vì thiếu sinh tố D, sinh tố A. Chịp! Đành chịu mù!
Tôi vui vẻ hỏi Tuyết:
- Nghe nói ở trong mình các chị em chờ cán bộ Mùa Thu về dữ lắm phải không cô? – Tôi nói tiếp – Tôi còn nghe rằng các chị em hứa sẽ trừ tuổi cho họ nữa.
- Trừ tuổi thế nào? – Tuyết Mun vặn hỏi.
- Trừ tất cả những năm họ sống trên miền Bắc. Ví dụ như anh 38 tuổi mà sống ở Miền Bắc 12 năm thì về tới trong Nam chị em coi anh ta như thanh niên nheo nhẽo 26 tuổi!
Tuyết Mun cười:
- Ai nói với anh vậy?
- Có thư trong Nam ra mà.
- Ai viết chứ riêng em thì không có viết và chưa thấy ai viết lá thơ nào như vậy.
Rồi Tuyết Mun đi thẳng.
Tôi sống một đêm ở giữa cái tổ vi trùng tổng hợp mà tưởng như vi trùng đột nhập vào cơ thể mình bằng mọi ngả của châu thân. Sống một đêm với tiếng gào thét của anh trung đoàn phó nhập trại từ chiều và với cảm giác rằng đây là nơi tập trung bệnh tật của trái đất.
Tôi mừng vô kể khi thấy trời sáng. Tôi định bụng chỉ nhờ tiêm cho tôi hai ống kí-nin 0,40 rồi cút đi ngay.
Nắng lên. Hơi đất bốc lên nồng nặc. Lâu ngày không tắm, quần áo tẩm mồ hôi, chăn võng ẩm ướt, lá mục đẫm nước mưa cùng với mùi bông băng thuốc đỏ, cơm cháo thiu, tất cả những thứ đó làm cho tôi ngặt mình, hai cuống phổi như bị nghẹt, trán, lưng đẫm mồ hôi và đầu hâm hấp nóng.
Trước cửa láng có một tốp người cởi áo phơi nắng như một đàn gà bịnh toi, xụ cánh gục đầu. Gần võng tôi hơn, có hai người ghẻ mọc đầy mình, da sần như da rắn hù ri cóc cũng ngồi phơi nắng. Người này lấy que nứa cạo lưng, cạo tay, cạo khắp châu thân người kia. Những mẩu phấn tróc ra từ những đốm lát ghẻ bay lên trong nắng như cám.
Một người ngồi trên một cái rễ cây mục cạo một bánh thuốc bộc phá và lấy một mẩu giấy con xúc từng tí một rắc vào những mục ghẻ loét trên đùi. Đáng thương nhất là một anh bị bệnh phù thũng. Anh ta không mặc quần áo được vì người anh sưng to lên quá mức tưởng tượng . Anh lần tay theo từng thân cây đi ra nắng tìm chỗ ngồi. Anh ta ngồi xuống một gốc cây một cách nặng nhọc. Anh ngồi đó rất lâu, không cử động. Gương mặt anh sưng bự ra, hai mắt híp lại còn nhỏ tí. Hai chân anh sưng phù như chân voi.
Lâu lắm tôi mới thấy anh cử động. Anh đưa một ngón tay ra ấn xuống bàn chân sưng phù của anh. Anh lấy ngón tay ra rồi chăm chăm nhìn bàn chân với cái lỗ thủng mà đầu ngón tay vừa gây ra. Cái lỗ thủng có thể chứa nửa chung nước.
Tôi cuốn võng, quảy ba-lô đi lên văn phòng. Ở đây người ta đang vây quanh anh trung đoàn phó đang múa may bứt quần bứt áo. Mấy người cận vệ của anh không kềm nỗi. Anh ta nói tiếng Liên Xô, tiếng Trung Quốc, mồm anh ta sùi bọt, mắt anh ta trợn lên. Anh ta đã hò hét suốt đêm nhưng chưa thoả mãn.
Từ phía trong bệnh xá, hai người khiêng ra một cái võng phủ vải đen. Tôi nhớ lại chiều hôm qua anh “cán bộ béo mắt lộ” bảo xuất ba thước vải đen cho người chết. Chính là người này đây. Và khi vô đây, tôi cũng thấy một cái huyệt mới đào. Cũng chính cho anh này đây. Tỉnh ủy viên nên được ba thước vải đen hơn người phàm.
Mọi người im lặng, cúi đầu.
Khi chiếc võng đã đi xa, mỗi người một câu, một cảm tưởng, thương xót lẫn mỉa mai.
- Thế là mất không !
- Thế là nó đã trung với nước hiếu với dân rồi!
- Cái đếch! Chết cho rảnh nợ.
- Tầm bậy! Anh ta vô Nam trước mình!
Tôi ngao ngán vô cùng. Tôi nhờ anh y tá mắt lộ tiêm dùm thuốc. Anh y tá tiêm ngay mỗi bên mông một mũi.
Rồi ba chân bốn cẳng tôi thoát khỏi khu vực này với tốc độ nhanh nhất. Tôi nhìn thấy lại cái chỗ mắc võng cũ của tôi bên cạnh Thu ở trạm như Christophe Colomb tìm thấy đất liền . Hú vía!
No comments:
Post a Comment