24. 24
Sáng nay anh giao liên có cho tôi một mẩu khoai mì còn tươi. Có lẽ vì hôm qua tôi cho anh một nhúm ruốc gà lẫn ruốc chó. Tôi còn một ít gạo (vì không bao giờ tôi ăn hết khẩu phần hằng ngày của tôi). Bữa ăn tôi không thiếu thốn, cho nên tôi không tôn trọng khúc khoai mì đúng với sự thành kính mà người ta phải có đối với nó trong lúc này.
Tôi đem gắn nó trên cành cây ở đầu võng. Tôi đang lim dim định kéo một giấc thì có tiếng người rào rào ngoài đường. Tôi mở mắt ra thì thấy bộ đội lại đi lãnh gạo. Tôi biết là kho gạo đang khuyết mà họ đi lãnh cái nỗi gì, sao không ai nói cho họ? Hay người ta muốn kéo dài sự hy vọng.
Bỗng một người hỏi tôi:
- Anh ngủ à?
- Tôi định nằm chơi nhưng lại buồn ngủ, nguy hiểm quá!
Tôi trả lời và mở mắt ra thì thấy một anh bộ đội đứng sừng sững ở đầu võng. Mặt anh ta phù lên no tròn như một cái bánh bao, mắt anh ta lờ đờ, hình như anh ta đang sốt. Anh ta nói ngay:
- Đồng chí còn khúc sắn trên đầu võng chắc đồng chí không dùng cho tôi…tôi xi….in.
Tôi ngồi bật dậy. Tôi như điện giựt vì có người đụng tới cái bao tử sắp thủng của tôi.
Tôi không nói năng gì mà cứ bàng hoàng. Tôi không hiểu anh ta nói gì cả. Và tôi cũng đáp lại như một cái máy, không hiểu rằng mình đã nói gì!
- Không được đâu đồng chí, đây là của một đồng chí khác mà đồng chí đó đang sốt không ăn cơm được. Chớ phải của tôi thì tôi cho đồng chí ngay rồi. Đồng chí với nhau không mà! Hơn nữa đồng chí vào giải phóng Miền Nam của tôi..
Bây giờ nhớ lại những lời đó, tôi thấy thật xấu xa. Ghê gớm thay cái miệng con người. Cái miệng khôn ngoan hay ngu xuẩn cũng chỉ vì cái dạ dày. Trong một con người, cái cao nhất không phải cái đầu mà là cái dạ dày. Cái dạ dày sai khiến, cái dạ dày chỉ huy, cái dạ dày lãnh đạo và chính cái dạ dày nói bằng cái miệng.
Sở dĩ tôi đáp ứng nhanh nhẹn và gần như đã sắp sẵn trong bụng từ lâu là vì anh bạn không quen này đã chạm vào cái dạ dày của tôi quá mạnh. Sự đụng chạm đó làm bật ra những âm thanh.
Anh chiến sĩ đứng tần ngần trước mặt tôi, vừa thất vọng, vừa ngượng ngùng. Anh không biết nói sao. Vẻ mặt non choẹt và phị của anh ta làm cho tôi đau khổ. Có lẽ anh ta phát khóc lên mất. Tôi cầm lòng không đậu. Tôi sẽ cho anh ta khúc sắn đó và xin lỗi anh ta bằng những lời thấm thía nhất. Nhưng khi tôi sắp sửa nói, thì anh ta đã quay đi, bước chân nặng như chì.
Và tôi cũng không phải nói nữa. Cái dạ dày của tôi êm dịu trở lại rồi.
Tôi tưởng tôi yên tâm vì khúc sắn đó không bị đụng chạm tới nữa nhưng tôi đã nhầm. Tôi không yên ổn chút nào hết. Tôi bị cắn rứt. Lần này không phải cái dạ dày bị đụng tới mà chính là trái tim. Tim tôi nghe xốn xang se thắt.
Tôi thấy con người đê mạt quá. Trên con đường khốn khổ này, con người đối với con người chẳng khác chi cầm thú, thằng mạnh thằng yếu, thằng nghèo thằng giàu…
Tôi xấu hổ với lương tâm quá. Khúc sắn đó của người ta cho tôi, tôi không dùng đến cho nên tôi mới để cho nó lăn lóc như vậy. Nếu không có anh chiến sĩ kia xin thì tôi cũng không nhớ tới nó.
Vậy mà tôi đã không cho anh ta. Tôi đã từ chối một cách rất chính trị.
Bây giờ, đau khổ vì cái cử chỉ tệ hại của mình, tôi nằm không yên. Tôi đứng dậy nhìn hút theo bóng anh chiến sĩ đã lẫn đi trong đám người lúc nhúc xa dần.
Tôi muốn gọi to lên nhưng tôi lại rất xấu hổ đến đỗi không dám gọi anh ta trở lại. Tôi nằm vật ra trên võng mắt ngó lom lom ra đường với mục đích tìm lại người chiến sĩ thảm thương kia.
Thỉnh thoảng tôi lại nhìn khúc sắn gắn trên cành cây. Nó như cái gai, như chính vết thương trong lòng tôi. Nó như cũng có linh hồn. Nó như cũng nhìn tôi bằng những cặp mắt vô hình và làm cho tôi xốn xang khó chịu. Miếng ăn là miếng tồi tàn.
Ở đây đã hẳn vậy, mà ở đâu cũng vậy.
Người ta đánh nhau chỉ cũng để giành lấy “cái ăn”. Anh chiến sĩ quân đội nhân dân đã hạ mình để xin khúc sắn mà không đạt được, còn tôi thì nói dối một cách tài tình để từ chối. Tôi đã xem tình đồng chí đồng đội thấp hơn cả khúc sắn kia.
Tôi đã ân hận thực sự. Anh chiến sĩ kia là một người tốt. Anh đã không đánh giật khúc sắn, cũng không mắng chửi tôi tiếng nào.
Giá anh ta văng tục với tôi thì tôi sẽ yên lòng và tôi không ân hận vì tôi có lý do chánh đáng: thằng mất dạy mình không cho là phải!
Tôi chờ mãi không thấy anh ta trở lại. Những người đi lãnh gạo về hàng đàn, mặt mày người nào người nấy méo xẹo méo xọ chẳng còn ra cái “khí thế chiến thắng” gì nữa! Cái dạ dày rách, cái mồm làm sao nở hoa?
Sốt ruột quá, tôi bèn ra đứng bên vệ đường. Chờ mãi, người đi đã thưa mà cũng thấy anh bạn ấy.
Cái toán vừa gây sự với ông Chín còn đang lảng vảng ở đây, chuyện trò nổ như ngô rang với Thu. Đáng lý ra họ đã về từ lâu nhưng vì có “chất tươi” cho nên họ ở lại tỏ sự cảm mến đối với Thu.
Tôi đi tới góp chuyện và tả hình dáng nạn nhân của khúc sắn và hỏi có ai trông thấy anh này không?
- Ối! Có ai mà biết, con không cha mà!
Tôi suy nghĩ một lúc rồi lấy khúc sắn trao cho một cậu có vẻ chính chắn nhất đám. Tôi nói:
- Đồng chí đi về dọc đường để ý tìm hộ tôi cậu đó và trao cho cậu ta khúc sắn này. Nói rằng thằng cha hồi nãy ở dưới cái nhà gác đó nó gởi cho.
Anh lính cầm ngay khúc sắn, nhìn lườm lườm như mèo thấy mỡ.
Anh ta hỏi tôi:
- Cậu đó là gì của anh?
- À à… nó là em ruột của tôi! Đây là vấn đề tình cảm nhé! Nếu khúc sắn không tới tay cậu ấy thì tôi buồn lắm đấy!
- Ừ được, được ! Tôi bảo đảm.
Tôi nhìn theo toán lính kéo đi, mắt tôi trông thấy từng người rõ ràng. Chỉ cách tôi độ mười thước thì vỏ sắn đã rơi tơi tả xuống đất. Anh chàng còn quay lại nhìn tôi, miệng nhai ngấu nghiến như cười chê cái sự ngây thơ của tôi. Anh ta đã nuốt chững cái lương tâm của … tôi.
Tôi buồn vô hạn cảm thấy giá trị của mình và của bạn đồng đội xuống thấp quá! Buồn thay cái lý tưởng của mình, khi ra đi cao quý biết bao, với giấc mộng đầu đời, mà bây giờ chỉ còn lại có thế! Quanh quẩn những chuyện lặt vặt không đáng giá một chút trí não vậy mà nó chiếm hết trí não của mình.
Đêm hôm đó tôi mới bày đặt ra một cuộc liên hoan. Mấy khi có người tốt bụng như tôi (!) cho nên bộ đội hưởng ứng ngay.
Cái gì bằng ở giữa rừng xanh khô héo này mà được một bữa tươi.
Chất tươi ngon lành, chất tươi thực tế. Tôi cho Thu biết chuyện ấy như một quyết định, nghĩa là coi như tất nhiên Thu là diễn viên số một trong đêm nay.
Thu càu nhàu nũng nịu:
- Anh lúc nào cũng muốn đem bêu riếu em để làm việc nọ việc kia.
Hoàng hôn rừng nhóm lên một ngọn lửa man dã với hai người lính ngồi sẵn đó hễ có máy bay tới là cứ tuới nước vào cho lửa tắt ngay. Nhạc cũ dùng đệm đàn cho Thu múa duy nhất là cái soong và cái cổ họng của tôi. Tôi lật đít soong vỗ vào. Nó điếc câm không nghe tiếng vang.
Và tôi hát theo điệu tango bài Hoa Champa.
- Hoa Champa ơi, hoa đẹp hoa thơm
Một vầng hào quang hiển hiện giữa đêm đen chói chang ấm áp với vị nữ thần hiện ra huy hoàng đường bệ.
Nữ thần vận một cái choàng khăn tắm bên ngoài cái quần (xin lỗi độc giả) cho nó có vẻ dân xứ Lào để múa bài hoa Champa.
Chắc Thu cũng cảm thấy mình bay lên theo tiếng hát và tiếng nhạc của tôi.
Có bao giờ một người vũ nữ lại biểu diễn dưới cái ánh sáng như cái ánh sáng hôm nay, trên cái sân khấu như cái sân khấu hôm nay, với giàn nhạc như giàn nhạc hôm nay? Vậy mà Thu múa rất hay.
Ánh lửa soi một nửa gương mặt Thu, còn một nửa thì chìm hẳn trong bóng tối mờ nhạt. Cái chót mũi của Thu nhô lên thon đẹp và thanh tú lạ lùng.
Chiến sĩ ngồi xem đực mặt ra nhìn ngớ ngẩn như một lũ nô lệ bị hốt mất hồn. Họ không cử động, đôi mắt lờ đờ, mồm há hốc ra và tay chân xụi lơ không còn cảm giác. Có lẽ họ cũng không cần biết ở đâu lại có một người con gái múa một điệu múa thần kỳ như điệu múa này. Có lẽ bao nhiêu nỗi nhọc nhằn trên đường xa đã phủi sạch trong giây phút nầy. Bao nhiêu sắt thép nặng oằn vai và hằng trăm dặm đường sơn cước trở thành vô nghĩa lý trong giây phút nầy.
Thu đã giúp sức cho họ, mang lại cho họ nụ cười và ngọn gió mát lành trong cơn oi bức. Thu đã đưa tâm hồn họ đến bất cứ nơi đâu mà đôi chân Thu bước tới. Họ ngồi nghiêm trang như đang dự một dạ hội vĩ đại. Ánh lửa bay phơi phới như những mảnh lụa điều.
Nữ thần bước chậm rãi, giơ tay lên dịu dàng uốn mình như sóng lượn. Đôi mắt của nàng sáng rực như sao, nhìn mọi người như xoáy tận tim gan một cách buốt đau mà sung sướng. Nàng đi trong tiếng nhạc và ánh sáng, như gần như xa, như ẩn như hiện, như có như không, lúc đến sát lũ chúng sinh – tưởng như lũ này thở được hơi thở của nàng, lúc lại như ngàn trùng xa cách.
Thu đẹp quá Thu ơi! Anh tưởng đã mất một cách vô cùng thơ mộng vì em bỗng nhiên vụt biến thành nữ thần. Tôi vỗ soong hát mà lòng tan theo tiếng nhạc. Tôi tưởng tôi hoá thành một gã Trương Chi si tình đang ngồi gõ ván thuyền mà ca giữa không gian bao la dệt bằng mộng.
Không rõ nàng là biểu hiện của nghệ thuật hay chính nghệ thuật hiện lên trên thể xác tuyệt mỹ của nàng.
Tôi mới hiểu ra rằng chính mỗi người con gái là nghệ thuật siêu đẳng. Không có Nàng thì nghệ thuật như chim không cành đỗ, cá không được nước bơi, và hoa không có nắng để khoe sắc. Tôi thấy tôi yêu nghệ thuật và yêu Thu hơn bao giờ hết. Tôi thấy Thu đẹp hơn bao giờ hết, cái đẹp của linh hồn biến động ở từng cái chớp mắt, ở từng cử chỉ của những ngón tay, và làm rung động tim người bằng mỗi cái chớp mắt, mỗi cái đưa tay, mỗi cái động chân.
Tôi cũng cảm thấy tôi hát hay. Tiếng hát vang âm giữa những tầng không gian xanh và lướt trên những lá xanh đang mơ màng giấc ngủ.
Khu rừng bỗng nhiên trút hết vẻ âm u man rợ và trở nên quang đãng mơ mộng với những bóng cây nhảy múa theo ánh lửa, với những chú chim non, với những đóa hoa dại chuyển mình hé nở. Cọp beo chừng như cũng mất hết thú tính trở nên hiền lành dễ thương như những chú cừu non.
Thu đã hoán cải tất cả. Dữ hoá hiền, xấu ra đẹp. Cả tâm hồn tôi nửa như cũng thơ thới gột sạch mọi ưu tư.
Đôi chân Thu như hai cái búp non nõn nà di động. Tất cả người của Thu uyển chuyển rung động từng thớ thịt. Từng nếp áo, từng mép tóc của Thu đều ánh lên những hạt bụi hào hoa. Cả Thu đã hoá thành một đoá Champa mà lũ hành khất ở đây đang đói khát, đang tôn thờ.
Ông Chín ban đầu thì ngồi trên sàn nhà có vẻ phản đối cái vụ đốt lửa. Ông không thể chống lại số đông, nhưng ông tỏ sự bất bình bằng cách không xuống đất ngồi chung với mọi người.
Nhưng bây giờ thì ông Chín đã xuống đất ngồi. Có lẽ ông xấu hổ nên ông ngồi khuất sau một gốc cây. Tôi liếc thấy ông Chín chăm chú nhìn cũng như bao nhiêu người khác . Có lẽ ông cũng thích thú như bao nhiêu người khác. Và ông hơi hối hận về sự phản đối dù không có kết quả của ông.
Bỗng có tiếng thét:
- Máy ba….ay!
Tiếng thét như những thùng nước xối vào bếp lửa. Mà thực vậy, mấy người lính thủ sẵn nước trong tay như những cái vòi rồng vụt tưới vào đám lửa thơ mông làm tiêu tan ngay tất cả, tất cả.
Một sự xáo trộn đến cực độ, hồi lâu mới ổn định lại được trật tự. Nổi lên trong tất cả sự im lặng vừa được hồi phục đó là tiếng quát của ông Chín:
- Tắt lửa! Còn lửa cháy đó! Muốn chết hả? Mạng người chớ đâu phải con kiến? Văn nghệ văn ngọt gì?
Trời đất, rừng cây đang sáng sủa là vậy mà chỉ một loáng đã tối sầm lại như trong hũ nút. Người ta không dám thở mạnh, không dám cử động cũng không dám nghĩ rằng chính mình đã sống những giây phút bay bổng vừa qua.
Tất cả đều tan tác. Không còn một chút gì trong tâm hồn cũng như trên mặt đất. Chỉ còn sốt lại mùi khét bốc lên từ đống lửa bị dập tắt bằng nước, hăng hăng cay xè, quái gở.
Tiếng ông Chín càu nhàu:
- Tôi đã bảo mà không nghe tôi. Xem cái gì mà xem cái sự nhảy cóc nhảy nhái đó hả?
Lính tráng êm ru. Cấp chỉ huy cũng ngậm mồm. Họ rút lui không ý kiến. Họ dẫm lên cành khô kêu răng rắc, càn lên nhau kêu la ơí ới, gọi nhau về đơn vị.
Tôi bỏ trốn về võng nằm im thin thít như một kẻ cắp bị bắt quả tang, lòng buồn não vô cùng khi nghĩ tới cái cảnh tượng tan tác đang diễn ra ngoài rừng chung quanh đống tro tàn. Tôi không muốn nghĩ tới niềm hạnh phúc vừa tan vỡ, nỗi sung sướng khi được đối diện với Nữ Thần Nghệ Thuật. Tôi không muốn nhìn thấy nàng đột nhiên trở lại trần tục, lôi thôi lếch thếch với bộ xiêm y thần thoại đầy hào quang vinh quang đã rách nát.
Đêm rừng dày đặc. Tôi đã sống bao nhiêu đêm ở rừng rồi. Ngao ngán . Ngột ngạt.
No comments:
Post a Comment