Wednesday, May 25, 2011

CƠ QUAN TÌNH BÁO QUỐC GIA DO THÁI


 CƠ QUAN TÌNH BÁO QUỐC GIA DO THÁI
MOSSAD

I. LỜI GIỚI THIỆU
        Cơ quan Tình Báo Mossad (Hebrew: המוסד‎, Arabic: الموساد‎) là tên gọi tắt cho Viện Tình Báo và các Hoạt Động Đặc Biệt, có tầm vóc quốc gia của Do Thái. Cơ quan này có nhiệm vụ thâu thập tin tức tình báo, và những hoạt động đặc biệt như ám sát, cũng như các hoạt động bán quân sự khác ngoài lãnh thổ Do Thái (ở ngoại quốc). Mossad còn có trách nhiệm bí mật đem người Do Thái trở về cố hương tại những quốc gia không có văn phòng “Di Cư” của Do Thái hoặc bị ngăn cấm. Cơ quan Mossad đứng đầu, tối quan trọng so với các cơ quan tình báo khác như A’man (Tình Báo Quân Sự), và Shin Bet (Tình Báo Nội Bộ). Vị giám đốc cơ quan Mossad chỉ chịu trách nhiệm, làm việc trực tiếp với Thủ Tướng Do Thái. Trong những năm gần đây, Mossad đặt trọng tâm vào việc làm trì hoãn, hoặc chận đứng chương trình chế bom nguyên tử của Iran.
        Văn phòng lớn nhất trong cơ quan Mossad là phòng Thâu Hoạch (Collection), chuyên lo về những hoạt động điệp báo hải ngoại. Nhân viên, điệp viên làm việc trong ban này xử dụng bí danh, giấy tờ giả mạo cho phù hợp với nhiệm vụ, kể cả giấy tờ trong ngành ngoại giao chính thức hoặc không chính thức. Nhân viên hoạt động tình báo của cơ quan gọi là katsat, trong cổ ngữ Hebrew có nghiã là người lấy tin tức. Bình thường lúc nào Mossad cũng có khoảng từ 30 đến 40 điệp viên, trọng tâm hoạt động bên Âu châu, vùng Trung Đông và cường độ giảm đi ở Á và Phi châu. Một phòng khác cũng có tầm vóc quan trọng là phòng Liên Lạc, Hoạt Động Chính Trị (Political Action and Liaison), có nhiệm vụ liên lạc, làm việc với cơ quan tình báo các quốc gia đồng minh, hoặc có quan hệ ngoại giao (bình thường) với Do Thái. Một phòng quan trọng nữa là phòng Nghiên Cứu (Research) chuyên môn phân tích, giải đoán tin tức tình báo và phòng Kỹ Thuật (Technology) đặc trách việc sản xuất, chế tạo “đồ nghề” cho các điệp viên (vũ khí, dụng cụ nghe ngóng, bom nguỵ tạo như một bao thư...).

II. LỊCH SỬ
        Cơ quan Mossad được thành lập ngày 13 tháng Mười Hai năm 1949 dưới danh xưng “Viện Phối Hợp Trung Ương” (Central Institute for Cơrdination), do lời đề nghị của Thủ Tướng Ben Gurion cho Reuven Shiloah. Reuven Shiloah (tháng 12, 1909-1959) là vị Giám Đốc đầu tiên của cơ quan Tình Báo Mossad từ năm 1949 đến năm 1952. Ông ta sinh trưởng trong thời gian đế quốc Ottoman đang thống trị quốc gia Do Thái (Palestine), dưới tên chính thức là Ruven Zaslanski (Zaslani), và xử dụng tên “Shiloah” khi hoạt động trong ngành tình báo. Thủ Tướng đầu tiên của Do Thái, Ben Gurion muốn xây dựng một cơ quan trung ương (Mossad) để phối hợp các ngành tình báo đã có sẵn: A’man của quân đội và Shin Bet trực thuộc bộ Nội Vụ và Phòng Chính Trị trong các tòa đại sứ Do Thái trên khắp thế giới. Đến tháng Ba năm 1951, cơ quan được tổ chức lại trở thành một ban trong phủ Thủ Tướng và làm việc trực tiếp với vị nguyên thủ quốc gia.
Các cựu Giám Đốc cơ quan Mossad:
-          Reuven Shiloah           1949-1952
-          Isser Harel                   1953-1963
-          Meir Amit                   1963-1968
-          Zvi Zamir                    1968-1973
-          Yitzhak Hofi               1973-1982
-          Nahum Admoni          1982-1989
-          Shabtai Shavit             1989-1996
-          Danny Yatom             1996-1998
-          Efraim Halevy             1998-2002
-          Meir Dagan                 2002-2011
-          Tamir Pardo                2011-
  
III. CÁC HOẠT ĐỘNG HẢI NGOẠI (ÂU CHÂU)
- Hoa Kỳ:
        Trong tháng Tám năm 2001, Mossad đã báo động cho hai cơ quan FBI (Công An Liên Bang) và CIA (Trung Ương Tình Báo) Hoa Kỳ, khoảng 200 tên khủng bố tìm cách xâm nhập vào Hoa Kỳ và đang thảo kế hoạch làm một “vố lớn” ngay trên quốc gia Hoa Kỳ. Tình báo Do Thái báo cho cơ quan FBI nên cẩn thận đề phòng “một mục tiêu cỡ lớn” và có “khuyết điểm”. Một tháng sau, ngày 11 tháng Chín, quân khủng bố không tặc, đâm máy bay vào hai tòa nhà World Trade Center và Pentagon (Bộ Quốc Phòng/Tổng Tham Mưu Quân Lực Hoa Kỳ).
        Trong thập niên 1990s, Mossad biết được (khám phá) một điệp viên Hezbollah (Arabic: حزب اللهḥizbu-llāh(i), literally "Party of God"), thuộc giáo phái Shi’a Muslim, võ trang ở Lebanon (Li Băng) đang hoạt động ở Hoa Kỳ, mua vật liệu để chế tạo bom cho trận chiến du kích chống lại người Hoa Kỳ và quân Đồng Minh đang hiện diện ở Iraq, Afganistan. Mossad phối hợp với tình báo Hoa Kỳ theo dõi một thời gian để bắt trọn ổ (những ai liên lạc với người điệp viên Hezbollah) và cuối cùng bắt giữ đương sự.
- Argentina:
        Năm 1960, cơ quan tình báo Mossad truy lùng và biết được một trong những lãnh tụ Quốc Xã (Nazi) Adolf Eichmann đang sinh sống ở Argentina. Một toán hành động Mossad gồm năm người bí mật xâm nhập vào Argentina theo dõi (để kiểm chứng) sau đó xác nhận đương sự đang sống an nhàn với giấy tờ hợp lệ tên là Ricardo Klement. Các điệp viên Do Thái bắt cóc Ricardo Klement hôm 11 tháng Năm 1960, đưa đến một điạ điểm bí mật, đội nón SS Đức Quốc Xã trong thời Đệ Nhị Thế Chiến cho đương sự rồi so sánh với tấm ảnh cũ trong quân phục SS. Sau khi đã chắc chắn Adolf Eichmann, các điệp viên Mossad “đem lậu” đương sự về Do Thái trên chuyến bay của hãng hàng không Do Thái El Al. Adolf Eichmann bị đưa ra tòa án ở Do Thái, buộc tội và hành quyết. Chính quyền Argentina phản đối vụ “xâm nhập” này, cho rằng Người Do Thái đã xâm phạm chủ quyền quốc gia của họ. Liên Hiệp Quốc cũng không đồng ý, chuyện “xâm nhập, bắt người rồi đem lậu” về Do Thái. Việc này sẽ gây nghi ngờ, trở ngại cho nền hòa bình chung của thế giới. Do thái phải bỏ dở dang kế hoạch “đem lậu” cựu SS Josef Mengele về Do Thái.
- Uruguay:
        Ám sát chết Herberts Cukers năm 1965. Ngày 23 tháng Hai năm 1965, điệp viên Mossad xâm nhập vào thành phố Montevideo, Uruguay giết chết Herberts Cukers, một người gốc Nga Sô hợp tác với Đức Quốc Xã trong việc tàn sát người Latvian Do Thái trong trận thế chiến thứ hai.
- Austria:        
        Cơ quan tình báo Mossad theo dõi chính trị gia Jorg Haider vì ông ta thường phát biểu những lời khen tặng chế độ Đức Quốc Xã.
- Belgium:
        Cơ quan Mossad bị nghi ngờ nhúng tay vào chuyện ám sát một Kỹ Sư quốc tịch Canada, chuyên gia về Pháo Binh (Ballistics), Gerald Bull ngày 22 tháng Ba năm 1990. Ông ta bị bắn nhiều phát đạn vào đầu, bên ngoài căn apartment của ông ta trong thủ đô Brussels. Trong thời gian bị ám sát chết, Gerald Bull đang làm việc cho người Iraq, trong chương trình “Súng Thần Công Babylon” (Project Babylon Supergun). Vụ ám sát này nhiều người tin rằng do điệp viên Mossad, hoặc cơ quan CIA. Gerald Bull là một kỹ sư cơ khí, chuyên về đạn đạo Pháo Binh. Theo lý thuyết của ông ta, xử dụng loại thép tốt để chế tạo khẩu súng đại bác theo sự tính toán của ông ta, có thể bắn từ Iraq đến các mục tiêu trên đất Do Thái chính xác. vđh
- Bosnia and Herzegovina:
        Cơ quan Mossad đã tìm cách không vận, lộ vận di tản người gốc Do Thái ra khỏi thủ đô Sarajevo về Do Thái trong hai năm 1992, 1993 khi quốc gia này đang có trận nội chiến hoang tàn, giữa các dân tộc Bosnia, Croatia và Serbia.
- Cyprus:
        Vụ giết chết Hussein Al Bashir ở Nicosia, Cyprus (một hòn đảo lớn nằm duới Hy Lạp và Turkey) trong năm 1973. Chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế” (The Wrath of God) (Hebrew: מבצע זעם האל‎, Mivtza Za'am Ha'el) còn được gọi là chiến dịch “Dao Găm” (Bayonet) là một chiến dịch do cơ quan Mossad đảm trách. Các điệp viên Do Thái truy lùng trên khắp thế giới, thanh toán tất cả những nhân vật dính líu trực tiếp hay gián tiếp vụ thảm sát các cực sĩ Do Thái trong kỳ Thế Vận Hội Munich năm 1972.
        Mục tiêu trong chiến dịch này là nhóm khủng bố người Palestine Tháng Chín Đen, thuộc Mặt Trận Giải Phóng Palestine (PLO), thủ phạm chính trong vụ thảm sát Munich. Nữ Thủ Tướng Do Thái Golda Meir là người ký thuận cho nhiệm vụ này trong mùa thu năm 1972. Chiến dịch này kéo dài trong vòng 20 năm... Đã được quay thành phim. Một trong những phim về chuyện này là Munich (2005), có tài tử Craig Daniels đóng vai một điệp viên Mossad trước khi anh ta nổi tiếng trong vai James Bond. vđh
        Trong thời gian “trả thù”, các toán “hành động” của Mossad thanh toán hơn một chục người bị tình nghi có dính líu đến vụ thảm sát, trên khắp lục điạ Âu châu. Có người bị giết oan, như vụ giết lầm một người bồi bàn vô tội Morocco ở Lillehammer, Na Uy (Norway). Chuyện này tạo nên một Scandal cho chính quyền Do Thái, và được nhắc đến trong kỳ Thế Vận Hội Mùa Đông năm 1994 ở Lillehammer. vđh. Ngoài ra quân đội Do Thái tấn công sâu vào Li Băng giết một số nhân vật “cấp lớn” trong tổ chức PLO. Phiá Ả Rập cũng trả đũa tạo nên một loạt những vụ ám sát, thanh toán các viên chức “ngoại giao” của cả đôi bên. Phim Sword of Gideon do đạo diễn lừng danh Steven Spielberg thực hiên năm 1986. vđh.
- Pháp:
        Mossad bị nghi ngờ trong vụ ám sát chết Zuheir Mohsen năm 1979. Zuheir Mohsen (Arabic: زهير محسن) sinh năm 1936, bị ám sát chết ngày 26 tháng Bẩy năm 1979. Ông ta là một lãnh tụ người Palestine đồng minh của Syria, trong phe (đảng) As-Sa’iqa thuộc PLO từ năm 1971 đến khi bị giết năm 1979. Zuheir Mohsen bị ám sát chết ngày 25 tháng Bẩy năm 1979 ở Cannes, lẽ đương nhiên cơ quan Mossad bị nghi ngờ đầu tiên, tuy nhiên theo những nguồn tin khác có thể Zuheir Mohsen bị tình báo Iraq, hoặc Abu Nidal một lãnh tụ Palestine trong vấn đề tranh chấp quyền lực trong tổ chức PLO.
        Vụ ám sát chết Atef Bseiso ngay trong thủ đô Paris năm 1992. Cảnh sát Pháp điều tra cho biết, toán ám sát đã theo dõi Atef Bseiso từ Bá Linh (Berlin). Toán này liên lạc với toán thứ hai “phục kích” ông ta ngay trước cửa khách sạn Meridien Montparnasse, kê súng sát vào đầu nạn nhân ba phát. Atef Bseiso (Arabic: عاطف بسيسو‎) sinh ngày 23 tháng Tám năm 1948, bị giết chết ngày 8 tháng Sáu năm 1992 tại Paris. Ông ta là tay “Trùm” ngành tình báo trong tổ chức PLO, lãnh tụ PLO Yasser Arafat (đã chết vì bệnh) đổ thừa cơ quan tình báo Mossad, tuy nhiên cho đến ngày nay vẫn chưa được chứng minh. Vụ này là một “cú đấm” cho tổ chức PLO, trong lúc họ đang lấy cảm tình các quốc gia Tây phương.
        Ám sát chết Yehia El Mashad năm 1980. Tiến sĩ Yehia El Mashad (Arabic: يحيى المشد‎) là một khoa học gia người Ai Cập, lúc đó đang điều hành chương trình Nguyên Tử cho Iraq. Ông ta bị ám sát chết trong một khách sạn ở Paris năm 1980.
        Vụ ám sát Bác Sĩ Mahmoud Hamshari năm 1972. Có người bí mật lẻn vào căn apartment của ông ta ở Paris, gài chất nổ trong máy điện thoại.
        Vụ ám sát Bác Sĩ Basil Al Kubaissi ở Paris năm 1973.
        Vụ giết chết Mohammad Boudia ở Paris năm 1973.
        Ngày 5 tháng Tư năm 1979, điệp viên Mossad bị tình nghi đặt chất nổ phá hủy 60% máy “Phản Ứng Nguyên Tử” (Nuclear Reactor) của Iraq đang được chế tạo trong một nhà máy ở Toulouse, Pháp. Người Do Thái làm vố nữa, xử dụng không lực phá hủy nhà máy nguyên tử của Iraq năm 1981.
        Cơ quan Mossad bị tình nghi “thương lượng” với chính quyền Morocco, “làm biến mất” nhân vật đối lập Mehdi Ben Barka năm 1965, đổi lấy số người gốc Do Thái, đưa về miền Đất Hứa. Mehdi Ben Barka (Arabic: المهدي بن بركة‎) sinh năm 1920, “biến mất” ngày 29 tháng Mười năm 1965 tại Paris. Ông ta là một chính khách đối lập với Hassan II, được người trong đảng ca tụng như một Che Guevara của Morocco.
- Đức:        
        Chiến dịch Plumbat 1968. Chiến dịch này phối hợp giữa Mossad và Lekem, nhằm mục đích phát triển chương trình Nguyên Tử của Do Thái. Chiếc tầu Đức “Scheersberg A” bỗng nhiên “biến mất” cùng với 200 tấn Uranium (để chế tạo nguyên tử) trên hải trình từ Antwerp to Genoa. Lekem (Hebrew: הלשכה לקשרי מדע‎, Bureau of Scientific Relations) là một cơ quan tình báo thâu thập những dữ kiện về khoa học kỹ thuật của Do Thái. Cơ quan này bị giải tán năm 1986, sau khi Jonathan Pollard, một nhân viên tình báo Hải Quân Hoa Kỳ bị bắt về tội làm gián điệp, đánh cắp tài liệu khoa học, kỹ thuật cho Do Thái.
        Vụ gửi đi những lá thư “bom” (Phòng vũ khí, kỹ thuật cơ quan Mossad chế tạo bom có bề ngoài như những phong bì thư, khi mở ra sẽ nổ tung) trong thời gian chiến dịch “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế”. Một trong những nạn nhân là Alois Brunner, tội phạm Quốc Xã trong trận Đệ Nhị Thế Chiến. Ông ta “được” Mossad gửi hai lá năm 1961 và năm 1980, kết qủa mù một mắt, mất một ngón tay.
        Mossad bị nghi ngờ giết Bác Sĩ Wadie Haddad bằng chocolat tẩm thuốc độc. Wadie Haddad sinh năm 1927, chết ngày 28 tháng Ba năm 1978, còn có bí danh là Abu Hani. Ông ta là thủ lãnh nhóm võ trang trong tổ chức Giải Phóng Palestine, bị thế giới lên án là người tổ chức, ra lệnh cho các vụ cướp máy bay dân sự, bắt thường dân vô tội làm con tin.
        Cơ quan Mossad biết được (khám phá) tổ chức quá kích Shi’a Muslim Hezbollah tuyển mộ một người Đức tên là Steven Smyrek và người này đang trên đường xâm nhập vào Do Thái. Mossad phối hợp với các cơ quan tình báo đồng minh, CIA, Đức, và Shin Bet (An Ninh Nội Vụ của Do Thái) theo dõi và bắt giữ đương sự khi vừa đến Do Thái.
- Hy Lạp:    
        Giết chết Zaiad Muchasi bằng chất nổ trong phòng của ông ta trong một khách sạn ở thủ đô Athens năm 1973.
- Italy:
        Điệp viên Mossad bắt cóc Mordechai Vanunu, một người lên tiếng tố cáo Do Thái về chuyện nguyên tử ở Rome, “đem lậu” về Do Thái năm 1986. Mordechai Vanunu bị một điệp viên Mossad người Hoa Kỳ gốc Do Thái dụ dỗ từ Anh qua Ý, rồi bị bắt cóc.
        Giết chết Wael Zwaiter (Arabic: وائل زعيتر‎), một thông dịch viên người Palestine. Có lẽ ông ta không dính dáng gì đến vụ thảm sát Munich năm 1972. Wael Zwaiter là nạn nhân đầu tiên trong chiến dịch trả thù “Cơn Thịnh Nộ của Thượng Đế”
- Malta (một đảo trong vùng biển Điạ Trung Hải, Mediterranean Sea):
        Ám sát chết Fathi Shiqaqi, một lãnh tụ Hồi Giáo Jihad Palestine. Fathi Shiqaqi (Arabic: فتحي الشقاقي‎) sinh năm 1951, bị ám sát chết ngày 26 tháng Mười năm 1995. Ông ta là người sáng lập phong trào Hồi Giáo Jihad Palestine, quá khích, ôm bom tự sát trong giải đất Gaza từ thập niên 1970s. Fathi Shiqaqi bị bắn vào đầu nhiều phát ngay trước cửa khách sạn Diplomat nơi thành phố Sliema, trên đảo Malta.
- Na Uy (Norway):
        Vụ giết lầm người bồi bàn Ahmed Bouchiki người Morocco ở Lillehammer, hôm 21 tháng Bẩy năm 1973 trong khi đang đi cùng với người vợ mang bầu. Bouchiki bị điệp viên Mossad nhận lầm với trùm khủng bố Ali Hassan Salameh, một trong những lãnh tụ Tháng Chín Đen người Palestine, thủ phạm chính trong vụ thảm sát Munich. Vụ này gây chấn động, một scandal lớn làm mất mặt chính quyền Do Thái. Các điệp viên Mossad xử dụng giấy thông hành (Passports) giả Canada để xâm nhập vào Norway, làm chính quyền Canada cũng nổi giận. Kết cuộc, sáu điệp viên Mossad bị bắt giữ, sau đó chính quyền Do Thái bồi thường cho gia đình nạn nhân (Bouchiki) để chuyện tai tiếng này êm đi.
- Anh quốc:
        Năm 1986, điệp viên Mossad dụ dỗ Mordechai Vanunu từ Anh bay sang Rome để bắt cóc đem về Do Thái vì ông này tố giác chương trìng nguyên tử của Do Thái.
        Mossad trợ giúp cơ quan tình báo Ăng Lê MI5, sau vụ khủng bố đánh bom tự sát ngày 7 tháng Bẩy năm 2005. Vụ khủng bố này đã được tính toán kỹ càng, phá hoại hệ thống chuyên chở công cộng trong thủ đô Luân Đôn. Ba tên khủng bố cho bom nổ trong đường ngầm xe điện, một trên một chuyến xe bus hai lầng, làm thiệt mạng 56 người kể cả bốn tên khủng bố và khoảng 700 người khác bị thương. Cơ quan MI5 thâu thập tin tình báo, biết được một lãnh tụ Al Qaeda biệt danh Mustafa đi và đến (ra vào) nước Anh nhiều lần trước vụ đánh bom tự sát 7/7 vừa qua.  Mấy tháng sau, MI5 vẫn chưa tìm ra tung tích bí mật của Mustafa. Đến đầu tháng Mười năm 2005, Mossad cho MI5 biết tên thật của Mustafa là Azhari Husin, một chuyên viên “chế tạo bom”, cùng với Jemaah Islamiyah, liên lạc viên chính của Al Qaeda trong vùng Đông Nam Á. Husin là sinh viên du học bên Anh, và tình báo Do Thái biết rằng anh ta đã gặp thủ phạm chính (soạn thảo) trong vụ đánh bom tự sát hôm 7/7, Mohammad Sidique Khan vào cuối năm 2001 trong một “căn cứ” huấn luyện ở Philippines. Meir Dagan, Giám Đốc Mossad cho MI5 biết, Husin đã cộng tác trong việc tuyển mộ người tình nguyện đánh bom. Mossad tin rằng Husin có mặt ở Luân Đôn hôm đánh bom 7/7, nhưng sau đó trốn thoát, bay sang căn cứ an toàn của Al Qaeda trong một bộ lạc (làng) ở Pakistan... Khoảng một tháng sau, trong tháng Mười Một năm 2005, Husin bị bắn chết trong một trận “đấu súng” (shootout) ở Indonesia.
- Thụy Sĩ (Switzerland): 
        Trong tháng Hai năm 1998, năm điệp viên Mossad bị bắt qủa tang đang gắn giây nghe lén điện thoại trong nhà một điệp viên Hezbollah (Shi’a Muslim) nơi ngoại ô thành phố Bern. Bốn người được tha, một người bị kết án tù 1 năm, cấm không được nhập cảnh Thụy Sĩ 5 năm.
- Nga Sô:
        Tháng Hai năm 1956, một người Nga quen biết nhiều trong Bộ Chính Trị (Politic Bureau) cung cấp cho Mossad một phó bản (copy) bài diễn văn của Nikita Krushchev “hạ bệ” Joseph Stalin. Mossad chuyển tới tay người Hoa Kỳ và được phát hành trên báo chí, làm mất mặt giới lãnh đạo, chính quyền Nga Sô. Chuyện này làm tăng uy tín của cơ quan Mossad.
        Trong mùa hè năm 2009, cơ quan Mossad bị tình nghi, nhúng tay vào vụ cướp chiếc tầu MV Artic Sea của Malta, chở hỏa tiễn Nga Sô cung cấp cho Iran, trên vùng biển Baltic.
- Ukraine:
        Trong tháng Hai năm 2011, một kỹ sư người Palestine, Dirar Abu Seesi đáp chuyến xe lửa từ Kharkov đi Kiev, bỗng dưng “mất tích”. Dirar Abu Seesi đang nộp đơn xin vào quốc tịch Ukraine... rồi tự nhiên “biến mất” như trò ảo thuật, khoảng ba tuần sau, đương sự “tái xuất hiện” trong một phiên tòa ở Do Thái.  

IV. CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG VÙNG TRUNG ĐÔNG
- Ai Cập:        
        Trong trận chiến 1956, điệp viên Mossad đã cắt đứt đường dây liên lạc giữa Port Said và thủ đô Cairo của Ai Cập.
        Điệp viên Mossad Wolfgang Lotz mang giấy thông hành quốc tịch Đức xâm nhập vào đất Ai Cập năm 1957, lấy tin tức tình báo về các vị trí hỏa tiễn, căn cứ quân sự, và nền kỹ nghệ của Ai Cập. Wolfgang Lotz liệt kê một danh sách những khoa học gia, chuyên gia về hỏa tiễn người Đức đang làm việc cho chính quyền Ai Cập và gửi tặng họ những bức thư “bom” (do phòng Kỹ Thuật cơ quan Mossad chế tạo, trông như bức thư thường). Không ngờ, sau đó Ai Cập bắt tay với Đông Đức, bắt giữ khoảng 30 người Tây Đức trong đó có Wolfgang Lotz.
        Cung cấp tin tức tình báo về Không Quân Ai Cập cho hành quân Focus (Operation Focus - Tập Trung). Cuộc hành quân Focus do Không Lực Do Thái đảm trách, mở màn cho Trận Chiến Sáu Ngày năm 1967.
        Mossad cung cấp tin tức tình báo cho Lực Lượng Đặc Biệt / Biệt Hải trong trận đột kích tấn công đảo Green (Green Island) của Ai Cập trong Trận Chiến Tiêu Hao.
        Mossad mở chiến dịch Damocles, tổ chức ám sát, đe dọa các khoa học gia người Đức đang làm việc cho chính quyền Ai Cập trong việc chế tạo hỏa tiễn.
- Iran:
        Trước khi xẩy ra cuộc cách mạng lật đổ Quốc Vương (The Shah) Reza Pahlavi năm 1978-1979, người Do Thái và Hoa Kỳ đã giúp đỡ Quốc Vương Pahlavi cấu tạo cơ quan An Ninh, Tình Báo, Cảnh Sát Đặc Biệt (Secret Police) để củng cố chế độ từ năm 1957. Đến đầu năm 1960, có sự rạn nứt, người Hoa Kỳ rút toán cố vấn CIA về, chỉ còn lại toán cố vấn Mossad tiếp tục làm việc với Iran thêm được vài năm.
        Mossad biết trước chuyện Iran đang bí mật chương trình phát triển vũ khí nguyên tử cho đến khi họ chính thức công bố. Điệp viên Mossad đã tìm cách thâu thập tin tức về các nhà máy nguyên tử của Iran ở khắp nơi trong nước. Một văn phòng “thám tử” tư nhân Stratfor đã tố cáo Mossad ám sát chết Tiến Sĩ Ardeshir Hosseinpour, một khoa học gia trong chương trình nguyên tử của Iran, ngày 15 tháng Giêng năm 2007.
        Một cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho tờ Washington Post biết, Do Thái đã “chiêu hồi” Tướng Ali Reza Askari, quân đội Iran ngày 7 tháng Hai năm 2007. Mossad chối bỏ việc này, trả lời trên tờ Sunday Times rằng, Tướng Askari là một điệp viên của Mossad từ năm 2003, sau khi “vỏ bọc” đã bị lộ, cơ quan phải rút ông ta về Do Thái.
        Báo Le Figaro cho rằng Mossad nhúng tay vào vụ đặt chất nổ trong căn cứ quân sự Imam Ali ở Iran hôm 12 tháng Mười năm 2010. Chất nổ gây tử thương 18 quân nhân Iran, 10 người khác bị thương. Tình báo Do Thái nghi ngờ căn cứ này có chứa hỏa tiễn, kể cả loại tầm xa Shahab-3. Imam Ali là một căn cứ được bảo vệ an ninh nhất ở Iran.
        Bộ Trưởng Tình Báo Iran, Heydar Moslehi tố cáo cơ quan tình báo Mossad của Do Thái, có những kế hoạch ám sát các khoa học gia người Iran trong năm 2010.
- Iraq:
        Mossad tổ chức cứu gia đình Munir Redfa, một phi công Iraq đào ngũ, lái chiếc phản lực MIG-21 Nga Sô mới cung cấp, bay qua Do Thái năm 1966. Điệp vụ này có tên là Diamond. Cả gia đình viên phi công cũng được điệp viên Mossad đem ra khỏi Iraq sang Do Thái tỵ nạn. Đây là một vố lớn cho Iraq và cả Nga Sô, năm 1966 phản lực cơ MIG-21 là chiến đấu cơ mới nhất Do Thái lấy được và chia sẻ vấn đề khả năng, kỹ thuật của loại phi cơ này với Hoa Kỳ.
        Điệp vụ Sphinx trong khoảng thời gian 1978-1981, Mossad lấy được những tin tức tối mật về nhà máy nguyên tử Osirak của Iraq bằng cách tuyển một khoa học gia nguyên tử bên Pháp.
        Chiến dịch Bramble Bush II trong thập niên 1990s. Mossad nghiên cứu tìm một điạ điểm ở Iraq cho đơn vị biệt kích Sayeret Matkal phục kích giết Saddam Hussein. Đơn vị biệt kích Do Thái sẽ xâm nhập vào Iraq bằng cách băng qua Jordan. Chiến dịch chấm dứt khi Do Thái đang đàm phán với khối Ả Rập về một hiệp ước Hòa Bình.
- Jordan:
        Để trả đũa nhóm quá khích Hamas đánh bom tự sát trong thành phố Jerusalem hôm 30 tháng Bẩy năm 1997, làm thiệt mạng 16 người Do Thái, Thủ Tướng Banjamin Netanyahu chấp thuận điệp vụ thanh toán Khaled Mashal, một đại diện của Hamas ở Jordan. Ngày 25 tháng Chín năm 1997, điệp viên Mossad tiêm thuốc độc vào tai Khaled Mashal nhưng việc này bị bị bại lộ. Nhân viên an ninh Jordan bắt giữ hai điệp viên Do Thái giả làm du khách Canada và bắt thêm sáu người nữa trong tòa đại sứ Do Thái. Để đem các điệp viên về, Mossad phải cho bác sĩ bay sang Jordan tiêm thuốc giải độc cho Khaled Mashal và phải trả tự do thêm một lãnh tụ Hamas khác, Sheik Ahmed Yassin, người sáng lập, lãnh tụ tinh thần của nhóm quá khích Hamas. Đích thân Thủ Tướng Netanyahu phải bay qua Amman thủ đô của Jordan xin lỗi.
- Lebanon: 
        Mossad cung cấp nguồn tin tình báo cho quân biệt kích Sayeret, phối hợp với Biệt Hải trong hành quân Spring of Youth, đột kích vào Beirut thanh toán các lãnh tụ PLO. Ngoài ra, Mossad gửi “bom thư” cho Bassam Abu Sharif, một lãnh tụ trong tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Palestine. Bassam Abu Sharif bị thương nặng nhưng sống sót.
        Điệp viên Mossad đặt bom trong xe giết chết lãnh tụ Tháng Chín Đen, Ali Hassan Salameh         ngày 22 tháng Giêng năm 1979 trong thành phố Beirut, Lebanon.
        Mossad ám sát chết Ghassan Kanafani năm 1972 cũng bằng cách đặt bom trong xe. Ghassan Kanafani (غسان كنفاني, April 9, 1936 in Akka, Palestine – July 8, 1972 in Beirut, Lebanon), một văn sĩ, lãnh tụ Mặt Trận Giải Phóng Palestine.
        Dính líu tới vụ mưu sát Abas Al Musawi, tổng thư ký nhóm quá khích Hồi giáo Shi’a Hezbollah năm 1992.
        Mossad bị tố cáo ám sát chết Jihad Ahmed Jibril, lãnh tụ nhóm võ trang trong Mặt Trận Giải Phóng Palestine ở Beirut ngày 20 tháng Năm 2002. Jihad Ahmed Jibril năm đó mới 38 tuổi.
        Ám sát chết Ghaleb Awwali, một nhân vật quan trọng trong hàng ngũ Hezbolla năm 2004.
        Mossad ám sát chết Mahmoud Al Majzoub, lãnh tụ nhóm quá khích Palestinian Islamic Jihad ở Sidon năm 2006
        Cơ quan tình báo Mossad cũng bị nghi ngờ thiết lập một mạng lưới tình báo rộng lớn ở Lebanon, tuyển mộ người Druze (một sắc dân thiểu số Ả Rập, sống ở Do Thái), người theo đạo Tin Lành (Christian) và Hồi giáo hệ phái Sunni. Năm 2009, lực lượng an ninh Lebanon được sự trợ giúp tình báo của nhóm Hezbolla, Syria, Iran và có lẽ thêm Nga Sô tung một mẻ lưới lớn bắt gần 100 người làm việc cho tình báo Do Thái. Trước đó năm 2006, ngành an ninh Lebanon khám phá một đường dây ám sát giới chức lãnh đạo người Li Băng và Palestine do cơ quan tình báo Do Thái Mossad điều khiển.
- Syria:
        Điệp viên Eli Cohen: Điệp viên Mossad đã xâm nhập sâu trong chính quyền Syria, quen biết nhiều với giới chức lãnh đạo. Nhờ tài khôn khéo, Eli Cohen trở nên một người bạn thân của Tổng Thống Syria và hy vọng sẽ được tiến cử vào chức vụ Bộ Trưởng Quốc Phòng. Ông ta đã bí mật trao cho người của Mossad đầy đủ tài liệu, kế hoạch phòng thủ của Syria trên cao nguyên Golan (Golan Heights), lệnh hành quân cho quân đội Syria cùng với con số về vũ khí của địch. Trong những chuyến thăm viếng phòng tuyến quân đội Syria, Eli Cohen đề nghị trồng cây để cho binh sĩ có bóng mát, và trong trận chiến Sáu Ngày, những cây đó sẽ chỉ điểm, đánh dấu mục tiêu cho Pháo Binh, Không Lực Do Thái. Đến năm 1965, tình báo Syria được tình báo Nga Sô giúp đỡ phương tiện, máy móc dò ra người điệp viên Mossad. Eli Cohen bị xử treo cổ mặc dầu chính quyền Do Thái sẵn sàng trao đổi tất cả để cứu mạng người điệp viên lừng danh (đã được quay thành phim). Eli Cohen đã đóng góp một phần quan trọng trong chiến thắng thần tốc của quân đội Do Thái trên vùng cao nguyên Golan.
        Cơ quan Mossad bị tố cáo giết chết Izz El Deen Sheikh Khalil, một nhân vật cao cấp trong nhóm võ trang Hamas bằng cách gài chất nổ trong xe gắn máy, trong tháng Chín năm 2004 ở thành phố Damascus (Thành phố xổ xưa nhất có dân sinh sống liên tục). 
        Ám sát chết Muhammad Suleiman, Giám Đốc chương trình nguyên tử của Syria năm 2008. Ông ta bị bắn tiả từ một chiếc tầu trong khi đang tắm trên bãi biển Tartus.
        Giết chết Imad Mughniyah, một lãnh tụ cao cấp trong hàng ngũ Hezbollah, trả đũa vụ đánh bom tự sát tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Beirut ngày 18 tháng Tư năm 1983 làm hơn 60 người Hoa Kỳ thiệt mạng. Điệp viên Mossad đặt bom phần dựa đầu, ghế trên xe hơi giết chết Mughniyah ở Damascus năm 2008.
- United Arab Emirates:
        Cơ quan Mossad bị nghi ngờ ám sát chết Mahmoud Al Mabhouh, một cấp chỉ huy quân sự (võ trang) Hamas trong tháng Giêng năm 2010 nơi thành phố Dubai (Một trong những thành phố “tân tiến” mới nhất trên thế giới. United Arab Emirates có hai thành phố nổi tiếng là Dubai và Abu Darbi). Theo sự điều tra của cảnh sát quốc gia này, ngày 19 tháng Giêng, toán “hành động” của Mossad tối thiểu có 26 người, xử dụng giấy thông hành giả du khách xâm nhập vào United Arab Emirates. Các điệp viên Do Thái đột nhập vào phòng của Mahmoud Al Mabhouh, châm điện tra tấn nạn nhân để lấy tin tức trước khi giết bằng cách chặn gối cho ngộp thở. Mabhouh bay đến Dubai từ Syria được một ngày, xử dụng tên giả và một trong những sổ thông thành (passport) của ông ta. Khi đến Dubai, Mabhouh thuê phòng trong khách sạn “năm sao” (thượng hạng – Delux) Al Bustan Rotana. Cả hai, chính quyền United Arab Emirates lẫn Hamas kết tội Mossad làm chuyện thanh toán, nhưng vẫn không có đầy đủ chứng cớ.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG Ở PHI CHÂU
- Morocco:
        Trong tháng Chín năm 1956, Mossad thiết lập một đường dây bí mật, đưa người gốc Do Thái trở về miền Đất Hứa, sau khi bị quốc gia này ngăn cấm.
        Đầu năm 1991, hai điệp viên Mossad xâm nhập vào thành phố hải cảng Casablanca (phim xưa trắng đen rất nổi tiếng, một trong những phim classic do tài tử Humphy Bogart đóng), gắn máy dò (tracking device) trên chiếc tầu Al Yarmouk. Chiếc tầu này, tình báo Do Thái biết được đang chở hỏa tiễn sản xuất từ Bắc Hàn trên đường qua Syria. Theo kế hoạch, chiếc tầu Al Yamouk sẽ bị không lực Do Thái đánh chìm khi ra đến ngoài khơi hải phận quốc tế, nhưng sau đó Thủ Tướng Yitzhak Rabin ra lệnh hủy bỏ.
- Tunisia:
        Mossad nhúng tay vào vụ giết chết Khalil Al Wazir (Abu Jihah) năm 1988. Khalil Ibrahim al-Wazir (Arabic: خليل إبراهيم الوزير), also known by his kunya "Abu Jihad" (أبو جهاد father of the struggle) (October 10, 1935–April 16, 1988), là một trong những lãnh tụ quân sự trong tổ chức PLO, người thành lập ra đảng Dân Tộc (El Fatah). Ông ta còn là cánh tay mặt của lãnh tụ Yasser Arafat. Điệp viên Mossas đột nhập vào nhà Khalil Al Wazir ở Tunis, thủ đô của Tunisia bắn nhiều phát trước mặt vợ và con trai Nidal.
        Cơ quan tình báo Mossad bị tố cáo ám sát chết Salah Khalaf năm 1991 ở Tunis. Salah Mesbah Khalaf (Arabic صلاح خلف, Ƨɑláh Ƈɑlɑf), also known as Abu Iyad (Arabic أبو إياد) (born 1933 – January 14, 1991), nhân vật thứ hai trong tổ chức PLO, đứng sau Yasser Al Arafat, trông coi ngành tình báo. Ông ta bị người Hoa Kỳ và Do Thái “lên án” là người sáng lập ra nhóm khủng bố người Palestine Tháng Chín Đen.
- Uganda:
        Hành quân Entebbe năm 1976. Mossad cung cấp tin tức tình báo cho biệt kích Sayeret tấn công, giải cứu con tin bị không tặc cướp máy bay hãng hàng không Air France bay sang Uganda.
- Sudan:
        Sau vụ đánh bom tự sát tòa đại sứ Hoa Kỳ năm 1994, cơ quan Mossad bắt đầu lấy tin tức cho biệt kích Do Thái đột kích tòa đại sứ Iran ở Khartoum để trả đũa. Sau đó ngưng lại, sợ bị trả thù các tòa đại sứ, hoặc các cộng đồng người Do Thái trên khắp thế giới. Mossad tham gia chiến dịch Moses, di tản người Ethiopia gốc Do Thái về cố hương trong thời gian khu vực này bị nạn đói hoành hành ở Sudan năm 1984.
- Zimbabwe:
        Cơ quan Mossad bí mật di tản người gốc Do Thái khi chính quyền Zimbabwe liên kết đồng minh với nhóm PLO và Lybia. Điệp viên Mossad xâm nhập vào cơ quan tình báo Zimbabwe theo dõi các chuyến chở vật liệu nguyên tử uranium từ Congo, ngang qua Zimbabwe đi Bắc Hàn, Iran và Syria.

American University in Bosnia
Tuzla, 23 tháng Năm, 2011
vđh

No comments:

Post a Comment