TOÁN BIỆT KÍCH KANSAS
Maj. John L. Plaster, USAR (Ret.)
Căn cứ Khe Sanh nằm trong khu vực tây bắc miền nam Việt Nam, trước đây là một căn cứ rất bận rộn của TQLC/HK. Đến mùa Hè năm 1971, đã ba năm bị bỏ hoang, khu vực này đã trở thành một “thành phố ma”. Căn cứ Khe Sanh được QL/VNCH xử dụng tạm thời cho cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh qua Lào, sau đó cả khu vực Khe Sanh bị bỏ hoang, để cho quân đội Bắc Việt mặc sức phát triển thêm hệ thống đường mòn HCM vào miền nam.
Đến cuối tháng Bẩy năm 1971, tình báo Hoa Kỳ theo dõi một lực lượng cấp lớn quân đội Bắc Việt di chuyển băng qua vùng phi quân sự đến phiá đông Khe Sanh. Sự chuyển quân của địch đe dọa, tạo áp lực lên các thành phố lớn dọc theo miền duyên hải: Huế, Đà Nẵng, Phú Bài mà người Hoa Kỳ vẫn còn một ít quân ở đó.
Tình báo Hoa Kỳ muốn biết rõ, những chuyện gì đang “xẩy ra” trong khu vực Khe Sanh. Nhiệm vụ đi lấy tin tức về quân đội Bắc Việt được trao cho một đơn vị đặc biệt, tên nghe có vẻ huyền ảo, SOG. Đơn vị SOG (Đoàn Nghiên Cứu Quan Sát) được thành lập để tổ chức những cuộc hành quân bí mật sâu vào trong nước Lào, Miên, và miền bắc Việt Nam. Khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu rút ra khỏi miền nam, đơn vị SOG chuyển hướng, cho các toán biệt kích xâm nhập trong phần đất miền nam Việt Nam. Nhiệm vụ xâm nhập, dò thám khu vực Khe Sanh, bắt sống tù binh đem về khai thác được trao cho toán biệt kích Kansas, gồm có ba quân nhân Mũ Xanh LLĐB/HK và tám biệt kích quân người Thượng.
Nhiệm vụ không phải dễ, làm thế nào để “tóm cổ” một người lính Bắc Việt trong số hơn 10000 quân Bắc Việt đang có mặt trong khu vực Khe Sanh. Toán biệt kích Kansas dưới quyền chỉ huy của trung úy Loren Hagen, cùng với hai trung sĩ, Tony Andersen và Bruce Berg. Toán biệt kích đã bàn thảo, tìm những phương cách để đem một tù binh Bắc Việt về. Một cách, toán biệt kích sẽ đuợc trực thăng đưa đến một căn cứ hỏa lực bỏ hoang công khai, để cho quân Bắc Việt đến tấn công, rồi trực thăng sẽ bay trở lại triệt xuất toán biệt kích nhanh chóng. Nhưng một nửa toán do trung úy Hagen bí mật nằm lại sau lưng một ngọn đồi. Khi toán biệt kích đã bay xa, quân đội Bắc Việt sẽ cho một tiểu đội đi lục soát xung quanh khu vực để tìm “những đồ chơi” do toán biệt kích để lại, thường là máy điện tử để đo lường số lính Bắc Việt hiện diện trong khu vực. Nửa toán biệt kích, lúc đó mới phục kích, với hy vọng bắt sống được một tù binh đem về.
Vì tầm mức quan trọng của chuyến hành quân, toán biệt kích Kansas được tăng cường thêm ba quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ: ba trung sĩ Oran Bingham, Bill Queen, và William Rimondi. Toán biệt kích Kansas trong chuyến đi đó có tất cả 14 quân nhân, 6 Hoa Kỳ và 8 binh sĩ Thượng.
Họ được trực thăng đưa vào khu vực xâm nhập lúc trời bắt đầu tối ngày 6 tháng Tám năm 1971. Xuống đến nơi, trung úy Hagen quan sát khu vực xung quanh dưới chân đồi, nơi có những hố bom, rồi chia toán biệt kích ra làm ba để phòng thủ trên ba ssườn đồi. Sau đó toán biệt kích lục soát, sửa lại chút đỉnh căn cứ hỏa lực đã bỏ hoang, những pháo đài, chiến hào. Tất cả mọi người đều biết, quân Bắc Việt đã trông thấy chiếc trực thăng thả toán biệt kích, và chờ đợi.
Khi trời đã hoàn toàn tối, toán biệt kích trông thấy lửa trại của địch trên hai sườn đồi đối diện. Đó cũng là cách quân đội Bắc Việt cho biết đó là giang sơn của họ. Đến nửa đêm, các toán quân Bắc Việt đã đến bao vây quanh ngọn đồi, căn cứ hỏa lực. Chúng nổ súng ở khắp nơi, đủ bốn hướng như đe dọa.
Đến 1:00 giờ sáng, các phi cơ AC-130 võ trang thay phiên nhau lên bao vùng bắn đại bác 40 ly và đại liên Minigun sáu nòng xuống xung quanh chân đồi, ngăn ngừa quân Bắc Việt tấn công toán biệt kích. Các biệt kích trong căn cứ hỏa lực bỏ hoang vẫn nằm im, không bắn một phát súng. Đến 3:00 giờ sáng, toán biệt kích nghe tiếng xe vận tải Molotova chở quân của địch, rồi tiếng hạ bửng sau xuống đập vào xe nghe rầm rầm. Điều này hơi khác thường, toán biệt kích Kansas cũng như cấp chỉ huy trên căn cứ hành quân tiền phương của đơn vị SOG Phú Bài, đều đoán sai phản ứng của địch.
Dưới chân đồi, lính Bắc Việt xuống xe, xếp hàng theo từng trung, đại đội, rồi theo cấp chỉ huy, di chuyển đến các vị trí tấn công, nằm chờ đến sáng hôm sau. Lúc trời sắp rạng động, nằm trên đồi, trung úy Hagen cùng toán biệt kích Kansas nghe thêm tiếng xe Molotova đến.
Trong một căn cứ không quân nơi bờ biển cách căn cứ hỏa lực khoảng 50 dặm, một phi cơ quan sát “điều không” FAC, cùng với hợp đoàn trực thăng cất cánh đi đón một nửa toán biệt kích Kansas như đã tính toán từ trước. Đoàn trực thăng dự trù sẽ đến trong vòng ba mươi phút.
Khi ánh bình minh nhô lên, trung úy Hagen quan sát thấy lính Bắc Việt trong quân phục mầu xanh dương, đội nón cối đang leo lên một sườn đồi, rồi hai sườn đồi... rồi được báo cáo địch quân trên sườn đồi thứ ba... Lúc đó Hagen biết được, quân đội Bắc Việt đã bao vây kín ngọn đồi, cả ngàn lính Bắc Việt, có thể lên tới một trung đoàn.
Cấp chỉ huy trung đoàn Bắc Việt nhận định rằng, phải thanh toán mục tiêu nhanh chóng. Toán biệt kích Kansas chắc cũng không dè, căn cứ hỏa lực bỏ hoang nằm gần một ống dẫn dầu rất quan trọng, mà quân đội Bắc Việt sẽ cần đến trong những tháng sắp tới (Mùa Hè Đỏ Lửa). Các đơn vị chiến xa Bắc Việt trong trận tấn công tháng Ba năm 1972, sẽ phải đi ngang qua đây để lấy thêm nhiên liệu. Trong khu vực đã có nguyên một sư đoàn 304, cùng với một trung đoàn thuộc sư đoàn 308 Bắc Việt. Sau này, đại tá John Sadler, chỉ huy trưởng đơn vị SOG được báo cáo, toán biệt kích Kansas bị cả một trung đoàn Bắc Việt tấn công.
Khi làn sương sớm che phủ mặt đất tan biến đi dưới ánh mặt trời, “sự thật” phơi bầy ra trước mắt các quân nhân biệt kích. Trung úy Hagen cũng không còn thì giờ để nói, tất cả mọi người chuẩn bị chiến đấu, những băng đạn, lưu đạn được lôi ra để sẵn bên cạnh...
Và lính Bắc Việt bắt đầu trận tấn công. Mở đầu bằng một qủa B-40 trúng căn hầm do trung sĩ Bruce Berg trấn giữ, rồi đạn tiểu liên AK-47, đại liên nổ dòn khắp nơi, xung quanh căn cứ hỏa lực bỏ hoang. Trong khi các biệt kích bắn trả lại, trung úy Hagen la thật to, ra lệnh cho mọi người chiến đấu, còn anh ta chạy lại căn hầm trúng đạn B-40, xem Berg ra sao. Hagen chạy được khoảng 10 thước trước những tràng đạn của lính Bắc Việt rồi trúng đạn gục xuống chết.
Trung sĩ Klaus Bingham, rời hầm trú ẩn để đặt lại qủa mìn Claymore cũng trúng một viên đạn vào đầu chết ngay tức khắc. Một biệt kích Thượng, bắn hết băng đạn, chạy lui về phiá sau, cũng trúng đạn, ngã vào người trung sĩ Tony Andersen chết. Trận đánh mới bắt đầu được bốn phút đồng hồ, bốn biệt kích quân đã tử trận, kể cả trung úy Hagen trưởng toán. Số phận của những người còn lại nằm trong tay trung sĩ Andersen, người thâm niên nhất trong toán.
Tiếng đạn vẫn nổ vang rền xung quanh “điểm tựa” cuối cùng của toán biệt kích Kansas, cùng với những tiếng nổ lớn của lựu đạn, B-40. Quân Bắc Việt vẫn tiến lên, họ nhẩy qua lại giữa những hố bom tránh đạn và lên tới đỉnh đồi. Andersen vác khẩu đại liên M-60 chạy qua góc bên kia đồi tìm trung úy Hagen, nhưng không thấy, chỉ thấy hàng nón cối từ từ nhô lên. Địch quân đã lên gần tới đỉnh ngọn đồi, từ bốn hướng. Andersen vác khẩu đại liên cùng với dây đạn vắt ngang người, chạy đầu này, đầu kia bắn xuống chân đồi. Trong khi đó hợp đoàn trực thăng vẫn còn hơn 10 phút mới đến nơi, các trực thăng võ trang Cobras được lệnh bỏ hợp đoàn bay đến trước.
Trong khi đó toán biệt kích Kansas đã hết lựu đạn, khẩu đại liên M-60 cũng bị hư hại, Anderson với khẩu tiểu liên CAR-15 đeo sau lưng tiếp tục bắn. Quân Bắc Việt đã lên tới đỉnh đồi, ném lựu đạn lên trên đỉnh đồi nổ tung làm Anderson trúng nhiều miểng, nhưng còn đứng vững và vẫn tiếp tục bắn khẩu CAR-15.
Phòng tuyến chỉ còn lại một nửa, toán biệt kích lui vào giữa đỉnh đồi... điểm tựa cuối cùng. Sáu biệt kích quân người Thượng đã chết, chỉ còn lại hai người. Quân Mũ Xanh Hoa Kỳ, Hagen, Berg, Bingham đã chết, Anderson bị thương, Bill Queens bị thương nằm thẳng cẳng, chỉ duy nhất Rimondi chưa bị thương.
Trong lúc tuyệt vọng, các trực thăng Cobras đã đến mục tiêu. Từ trên không nhìn xuống như ổ kiến, với những biệt kích sống sót ở giữa, xung quanh là lính Bắc Việt. các trực thăng Cobras chúi xuống bắn hỏa tiễn, đại liên Minigun xung quanh toán biệt kích Kansas làm địch quân phải lui ra. Tiếp theo là những phi tuần A1 Skyraider vào thả bom Napalm, rồi đoàn trực thăng Huey đáp xuống “bốc” toán biệt kích.
Mặc dầu đã bị thương, trúng nhiều miểng lựu đạn, Anderson cùng với Rimondi lôi xác các đồng đội bị chết lên chiếc trực thăng thứ nhất, sau đó dìu Queens và hai binh sĩ Thượng lên trực thăng thứ hai. Trong vòng nửa tiếng đồng hồ, ba quân nhân Mũ Xanh Hoa Kỳ, Hagen, Berg, Bingham cùng với sáu biệt kích Thượng tử trận. Tất cả những người sống sót đều bị thương.
Lời cuối: Đối với Andersen, điều “khó khăn” nhất là khi đưa xác sáu biệt kích quân người Thượng về với gia đình, trong ngôi làng của họ. Khi họ trông thấy chiếc xe (chở xác) của chúng tôi đến từ xa, tiếng than, tiếng khóc đã nổi lên. Qua người thông ngôn, tôi chỉ biết nói đôi lời an ủi... Chúng tôi rất hãnh diện vì họ là những chiến sĩ can đảm.
Gia đình trung úy Loren Hagen được trao chiếc huy chương Danh Dự cuối cùng của trận chiến Việt Nam. Tony Andersen được ân thưởng huy chương Distinguished Service Cross (Ngoại Hạng), Queens, Rimondi, Berg, Bingham được huy chương Silver Star.
Theo tài liệu: John L. Plaster, “SOG – The Secret War of America”, Simon & Schuster.
Dallas, TX.
vđh
No comments:
Post a Comment